TỪ HIỆN ĐẠI ĐẾN HIỆN ĐẠI HÓA – BÙI VĂN NAM SƠN
Từ hiện đại đến hiện đại hóa
BÙI VĂN NAM SƠN
Ở các nước đang phát triển, “hiện đại hóa” hiểu như một tiến trình phát triển độc lập về không gian và thời gian – có sức hấp dẫn của một sự “đi tắt đón đầu” để phồn vinh nhanh chóng và nhất là, một lần nữa, được giải phóng khỏi ách thống trị tinh thần sau khi thoát khỏi ách thống trị hiện thực của thực dân phương Tây.
Nước ta đang đề ra nhiệm vụ “công nghiệp hóa và hiện đại hóa”. Hai nhiệm vụ song đôi nặng nề ấy cho thấy chúng không phải là một. Công nghiệp hóa là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ cho hiện đại hóa. Và hiện đại hóa, hơn lúc nào hết, cũng cần phải được đặt ra một cách toàn diện và sâu sắc cho phù hợp với nhận thức mới mẻ ngày nay.
1. Có một số từ thoạt nhìn tưởng như đơn giản, nhưng lại hóa ra rất rắc rối, chẳng hạn chữ “hiện đại“. Thời nào chả là “hiện đại” đối với người đang sống trong thời đại ấy? Cụ Bành Tổ chắc cũng thấy thời của cụ là “hiện đại” so với thời của tổ tiên cụ! Nhưng, thật ra, để được gọi là “hiện đại”, không đơn giản như thế. Đó là lý do tại sao từ này mới chỉ ra đời ở phương Tây vào đầu thế kỷ XIX mà thôi. Đó là vào năm 1800 khi Hegel dùng nó lần đầu tiên như một khái niệm để định nghĩa một thời đại: “thời đại mới” (die “neue Zeit”) là “thời hiện đại” (die “moderne Zeit”), tương ứng với chữ tiếng Anh “modern times” và tiếng Pháp “temps modernes”. Thời đại nào vậy? Thưa: đó là… suốt ba thế kỷ trước đó của Châu Âu! Việc phát hiện ra “tân thế giới”, phong trào Phục Hưng và phong trào Cải cách (tôn giáo) – ba sự kiện lớn vào khoảng năm 1500 xa lắc xa lơ – lại tạo nên bước ngoặt thời đại giữa thời Trung cổ và… “thời đại mới”. Thế còn thời Hegel đang sống vào đầu thế kỷ XIX là gì? ông gọi “thời đại của chúng ta” (tức của ông!) là… “thời đại mới nhất” (die neueste Zeit), nghĩa là “hiện đại nhất”! Rồi ông xác định cho nó một dấu mốc: Đại cách mạng Pháp, cao điểm của phong trào khai minh: “Với buổi bình minh rực rỡ này, chúng ta đi đến giai đoạn mới nhất của lịch sử, đi đến thế giới của chúng ta, đi đến hiện tại của chúng ta“. Ít ra có hai lý do cho các định nghĩa rắc rối ấy:
Thứ nhất, đối với phương Tây Kitô giáo, “thời đại mới” chưa đến, nó là của tương lai, còn phải chờ “ngày phán xét cuối cùng”. Trái lại, ở đây, “thời đại mới” là khái niệm thế tục, khẳng định niềm tin rằng tương lai đã bắt đầu, và đang ở trong tay ta. Cần phải có một ý thức lịch sử tự giác thì mới đi đến niềm tin ấy được, đúng như R.Koselleck nhận định: “Chính “Thời đại mới” đã mang lại cho toàn bộ quá khứ một chất lượng mang ý nghĩa lịch sử thế giới… Nhận định về “Hiện đại” đi liền với một sự phân tích về thời đại đã qua“. Ý thức lịch sử gắn liền với chữ “Hiện đại” ấy của phương Tây không gì khác hơn là: “Hiện đại có đủ sức và có ý chí để không cần vay mượn những thước đo để định hướng cho mình từ những khuôn mẫu của một thời đại khác nữa, trái lại, phải tự tạo ra tính chuẩn mực từ bản thân mình” (Habermas). Chữ “tự-khẳng định mình” mà ngày nay ta quen dùng chính là nguyên tắc ấy của Hiện đại: tính chủ thể thước đo, chỉ có một chủ thể đích thực sắp đặt mọi việc và làm cho mọi việc có ý nghĩa: Thượng đế!). Ba biến cố lịch sử then chốt tiếp theo nhau ở phương Tây (Cải cách tôn giáo, Phong trào khai minh và đại cách mạng Pháp) là sự thực hiện nguyên tắc ấy về tính chủ thể:
Đức tin vào quyền uy và truyền thống nhường chỗ cho lòng tin trong nội tâm.
Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền cùng với “Luật Napoléon” xác nhận nguyên tắc tự do của ý chí chung lại sự chuyên chế, hình thành Nhà nước hiện đại.
Sự ra đời và lớn mạnh của nền văn hóa hiện đại với ba cột trụ: nền khoa học khách quan, nền luân lý tự giác và nền văn học – nghệ thuật mang dấu ấn của sáng tạo cá nhân.
Đến cuối thế kỷ XVIII, dưới ảnh hưởng mãnh liệt của ba quyển “Phê phán” của Kant, khoa học, luân lý và nghệ thuật đã trở thành ba lĩnh vực hoạt động độc lập với nhau về mặt định chế, trong đó các vấn đề về chân lý (khoa học), lẽ phải (luân lý/pháp quyền) và sở thích (thẩm mỹ) là “tự trị” với nhau, nghĩa là mỗi phương diện có giá trị và quy luật vận động riêng của nó. Rồi toàn bộ lĩnh vực tinh thần (còn gọi là lĩnh vực “nhận thức”) ấy lại được tách biệt với lĩnh vực của đức tin, tín ngưỡng, và với lĩnh vực quan hệ xã hội được tổ chức dựa trên các nguyên tắc của pháp luật và các quy tắc ứng xử trong đời sống dân sự.
Chính các lĩnh vực tự trị ấy – nhờ công lao suy tưởng của Kant – đã được Hegel đúc kết trong khái niệm “tính chủ thể” nói trên, và ông lý giải tính chủ thể này bằng hai chữ khác nữa: sự tự do và sự phản tỉnh: “Sự vĩ đại của thời đại chúng ta là ở chỗ: sự tự do được thừa nhận như là tài sản sở hữu của tinh thần, và tinh thần nhận ra mình như là ở trong nhà của chính mình” (tức: phản tỉnh). Sự tự do và sự phản tỉnh thể hiện rõ ở bốn điểm:
a) tính cá nhân: trong thế giới hiện đại, cá tính và tài năng cá nhân được thể hiện công khai và vô hạn,
b) quyền phê phán: nguyên tắc của thế giới hiện đại đòi hỏi rằng: những gì muốn được thừa nhận thì phải thực sự xứng đáng,
c) sự tự trị của hành động: đặc điểm của thế giới hiện đại là mỗi người tự chịu trình nhiệm về việc làm của chính mình, và
d) triết học (và khoa học) đã trưởng thành, có sứ mệnh “nắm bắt thời đại của mình bằng tư tưởng”.
Và, thứ hai, lý do để gọi “thời đại của chúng ta” là “thời đại mới nhất” là: một hiện tại – muốn tự khẳng định mình như là “mới nhất”, “hiện đại, nhất – thì phải liên tục đổi mới để xứng đáng với “Tinh thần thời đại” (“Zeitgeist”).
Như thế, đối với phương Tây, việc biến “thời đại của chúng ta” (nostrum aevum) thành “thời đại mới” (nova aetas) phải là một nỗ lực phi thường, cần có những tiền đề tinh thần nhất định, trong đó sự tự do và giải phóng cá nhân, sự tự trị và sự phản tỉnh về văn hóa (không còn có một trung tâm để ban phát văn hóa như trong quá khứ nữa và thừa nhận các nền văn hóa khác, nói ngắn: một nền văn hóa “số nhiều” không chỉ là các tiêu ngữ mà còn là các giá trị. Và vấn đề đặt ra cho phương Tây ngày nay là làm sao trong mọi cuộc tranh luận và phê phán – không đánh đồng các chiến lược cụ thể trong việc tiến hành “đề án Hiện đại” (với bao khủng hoảng, thăng trầm, khuyết tật suốt mấy thế kỷ qua) với các giá trị đích thực của hiện đại. Nói bằng hình ảnh, không hắt cả đứa bé cùng với chậu nước tắm!
2. Bên cạnh các giá trị tinh thần nói trên của “Hiện đại”, tính từ “hiện đại” (modern) còn nói lên mặt “vật chất” của nó nữa. Theo nghĩa hẹp, “hiện đại” đồng nghĩa với… tốc độ và thời trang. “Tính hiện đại” (trái với “cổ hủ” có nghĩa là các phương tiện giao thông mới (xe hơi, máy bay, tàu điện ngầm…), là các phương tiện truyền thông mới (phim ảnh, điện thoại, điện tín, máy ghi âm, tia X…), các vật liệu mới (bê tông dự ứng lực, thép, chất dẻo, sợi nhân tạo…), các nguồn năng lượng mới (dầu lửa, điện, điện nguyên tử…). Tất cả những công nghệ này tạo nên một trải nghiệm mới về chất để nhận ra mình là “hiện đại”. Thế kỷ XX là thế kỷ của tốc độ, mở ra những chân trời, những cảm thức trước đó chưa từng có, không chi về địa lý (vận động và không gian đã trở thành một!) mà cả về cảm xúc, văn hóa và quan hệ giữa người với người. Rồi cảm thức về thời gian cũng thay đổi triệt để: các công nghệ quản lý mới (tiêu biểu là phương pháp dây chuyền của “chủ nghĩa Taylor” và phương pháp sản xuất đại trà cho việc tiêu thụ đại trà của “chủ nghĩa Ford” đã thay đổi cách thức con người làm việc với tư cách là “những đơn vị lao động”. Từ đó, một mẫu người mới cũng ra đời: “kẻ lang thang phố thị” (Dandy) (theo cách nói của Baudelaire) tận hưởng thời trang và giải trí để giảm stress, và hoài vọng về một chân trời tiền – hiện đại đã mất:
“Buồn phố thị cũng xa bay như gió
Có xe nhiều cũng nhảy bổng như hươu
Bờ cõi dựng xuân xanh em còn đó
Bến Đào nguyên anh khoác áo khinh cừu”…(Bùi Giáng)
Các công nghệ ấy, các “bờ cõi” lạnh lùng do… Taylor và Ford “dựng lên” – kết quả gian lao của “chủ nghĩa duy lý” phương Tây (khoa học hóa kiến thức, hợp lý hóa sản xuất, chuyên nghiệp hóa bộ máy quản lý và cai trị…) – tưởng là ghê gớm và cũng đã từng là mối băn khoăn, thắc mắc trong cả đời nghiên cứu của nhà xã hội học vĩ đại là Max Weber: tại sao chỉ có phương Tây mới có được “chủ nghĩa duy lý” ấy – té ra… cũng có thể học được, bát chước được và mua được theo “túi khôn” kiểu Trung Quốc: “Tây học vi dụng, Trung học vi thể”! Từ đó, nảy sinh nhu cầu và tham vọng… hiện đại hóa.
3. Vào thập niên 50 của thế kỷ XX, từ “hiện đại hóa” mới được du nhập như một thuật ngữ chuyên biệt để chi cao trào công nghiệp hóa lần thứ hai ở phương Tây và, từ đó, lan tỏa và trở nên sôi động trong bối cảnh phong trào giải thực với sự trỗi dậy của các nước thuộc “thế giới thứ ba”. Hiện đại hóa là một chuỗi những tiến trình tích lũy và tăng cường lẫn nhau: tạo vốn và động viên các nguồn lực nhằm phát triển lực lượng sản xuất và nâng cao năng suất lao động, xây dựng quyền lực nhà nước tập trung và bản sắc quốc gia, bành trướng các cơ hội làm ăn, các lối sống đô thị hóa, nền giáo dục phổ thông, thế tục hóa các giá trị và quy phạm… “Hiện đại” quy giản thành việc thực hiện các quy luật chức năng của kinh tế và nhà nước, của khoa học và kỹ thuật mà thôi. Ở phương Tây, “hiện đại hóa”, hiểu theo nghĩa ấy, là muốn tách rời “Hiện đại ra khỏi các nguồn gốc khai minh của Châu Âu thời đại mới, vì thế, với nhiều người, các tiền đề và các giá trị của khai minh đã chết, chỉ còn phải xử lý những hậu quả của nó. Việc phê phán đối với Hiện đại thực ra không mới: với tiềm lực phê phán sẵn có, việc phê phán những khuyết tật của Hiện đại vốn song hành với Hiện đại ngay từ đầu.
Nhưng, sự phê phán lần này quyết liệt hơn. Một lần nữa, người ta muốn đoạn tuyệt với quá khứ để rảnh tay bước vào một tâm thế mới, gọi là “hậu-hiện đại” hay “hậu-lịch sử”. Sự phê phán ấy chia thành hai hướng. Hướng ôn hòa phê phán mạnh mẽ các chiến lược hiện đại hóa trước nay đã mang lại nhiều thảm họa (chiến tranh, phá hủy môi trường, tiêu dùng vô độ ở các nước giàu và nghèo đói ờ phần còn lại của thế giới…) nhưng vẫn muốn tìm kiếm những chiến lược mới để bảo vệ và tiếp tục hiện thực hóa các giá trị đích thực của Hiện đại. Phái cực đoan “vô- Chính phủ muốn phú nhận tất cả, nhất là tinh thần “duy lý” (thực ra là “lý trí công cụ” và, do đó, vừa gợi mở nhiều cách tiếp cận mới mẻ, vừa dễ có nguy cơ bị các thế lực tân-bảo thủ lợi dụng để ngụy trang sự phản-khai minh dưới ngọn cờ của hậu – khai minh.
Ở các nước đang phát triển, “hiện đại hóa” – hiểu như một tiến trình phát triển độc lập về không gian và thời gian – có sức hấp dẫn của một sự “đi tắt đón đầu” để phồn vinh nhanh chóng và nhất là, một lần nữa, được giải phóng khỏi ách thống trị tinh thần sau khi thoát khỏi ách thống trị hiện thực của thực dân phương Tây. Và thế là, ở nhiều nước đang phát triển, các giá trị của “Hiện đại văn hóa” bị xem là sản phẩm đặc thù của phương Tây và thậm chí, là cái gì đã lỗi thời. Ở các xã hội ấy, không khó để nhận ra sự kết hợp khập khiễng giữa “công nghệ cao” (High-Tech) (chứ không phải tinh thần khoa học) với các mô hình chính trị, xã hội, văn hóa… tiền hiện đại, và có khi, cả phản – hiện đại.
4. Nhưng hiện đại xét như một ý thức lịch sử và một hiện tượng lịch sử toàn thế giới có động lực vận động tự thân mãnh liệt của nó. Suốt mấy thế kỷ, động lực tự thân từ nguồn sức mạnh tiềm tàng của giá trị hiện đại đã lần lượt chôn vùi các lực cản tiền – hiện đại (quân chủ chuyên chế, thần quyền, thực dân, phát xít, quan liêu bao cấp…). Trong cao trào toàn cầu hóa lần thứ hai hiện nay, với sự ra đời của xã hội thông tin, xã hội tri thức hay “xã hội mờ” (như là bước phát triển tự nhiên của Hiện đại), mọi lực cản – để sử dụng ngôn ngữ của công nghệ thông tin – sẽ càng sớm bị nhận diện như là “tiếng ồn” hay “virus” có tính “phá hoại” (contra-productiv) trong hệ thống, và sớm muộn sẽ bị chính quy luật vận động của hệ thống ấy tìm cách loại bỏ.
Tuy nhiên, xu thế chung ấy vẫn đòi hỏi phải có các yếu tố nội sinh nơi mỗi quốc gia đi sau, biết sớm tiếp thu và khai thác triệt để các giá trị hiện đại bằng một quyết định lịch sử để đưa sự phát triển đi vào bề sâu. Thực tế nghiệt ngã cho thấy: số nước thực sự hiện đại hóa thành công, không bị vĩnh viễn bỏ lại đàng sau và đổ vỡ đau đớn trong cảnh hoang dại và thối nát, bất lực, chỉ mới đếm được trên đầu ngón tay!
5. Nước ta đang đề ra nhiệm vụ “công nghiệp hóa và hiện đại hóa”. Hai nhiệm vụ song đôi nặng nề ấy cho thấy chúng không phải là một. Công nghiệp hóa là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ cho hiện đại hóa. Và, hiện đại hóa, hơn lúc nào hết, cũng cần được đặt ra một cách toàn diện và sâu sắc cho phù hợp với nhận thức mới mẻ ngày nay. Để thế hệ này và thế hệ sau không phải thở than như C.Mác trước hoàn cảnh đương thời của đất nước ông: “Chúng ta là những người sống đồng thời về mặt triết học với hiện tại, nhưng không phải là những người sống đồng thời về mặt lịch sử“.
Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn