Home » » VĂN HÓA VÀ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ – Bùi Văn Nam Sơn

VĂN HÓA VÀ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ – Bùi Văn Nam Sơn

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011 | 23:15

VĂN HÓA VÀ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ – Bùi Văn Nam Sơn

VĂN HÓA VÀ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ – Bùi Văn Nam Sơn




Một là vua sự dân chẳng biết
Hai là quan chẳng thiết gì dân
Ba là dân chỉ biết dân
Mặc quân với quốc, mặc thần với ai…

Thật không vui khi vào dịp đầu xuân lại nhớ đến ba điều “tệ nhân” (nguyên nhân của sự tồi tệ) được cụ Phan Bội Châu kể ra một cách thống thiết trong Hải ngoại huyết thư (1906) về tình trạng tha hóa và “vô cảm” của quyền lực ở nước ta vào đầu thế kỷ XX. Nhưng, thiết tưởng cần nhớ đến để tiếp tục tìm hiểu và suy nghĩ, vì mãi đến hơn nửa thế kỷ sau, mối quan hệ giữa hệ thống chính trị và người công dân mới thực sự được đi sâu nghiên cứu như một vấn đề hệ trọng của chính trị học, xã hội học, văn hóa học… với sự ra đời của một khái niệm mới mẻ: văn hóa chính trị. Đó là vào năm 1963 khi hai tác giả Gabriel Almond và Sidney Verba xuất bản công trình khảo sát mang tên “Văn hóa chính trị” (“The Civic culture”(*)), và được bổ sung, mở rộng vào năm 1980.

“VĂN HÓA” ĐI VÀO ĐỜI THƯỜNG

Từ một khái niệm trừu tượng rất khó nhất trí về định nghĩa và thường được hiểu mơ hồ như cái gì “cao cấp”, văn hóa vẫn chứng tỏ được tính hấp dẫn và quan trọng của nó khi đi vào đời thường. Trong vòng vài mươi năm, ta thấy sự bùng nổ của khái niệm văn hóa hầu như trong mọi lĩnh vực: văn hóa ứng xử, văn hóa ẩm thực, văn hóa kinh doanh… và rồi cả văn hóa chính trị, một sự “ghép đôi” thoạt nhìn khá nghịch lý, khi “chính trị” thường chỉ được đánh đồng với quyền lực và vũ lực! Việc “văn hóa” trở thành “số nhiều” (nhiều nền văn hóa, nhiều loại hình văn hóa) và gắn bó với cả những lĩnh vực vốn dị loại với nó không khỏi dẫn tới cảm tưởng về một sự “xuống cấp”. Nhìn lạc quan hơn, người ta nhận ra rằng thế giới đã thay đổi, những “hình thức cuộc sống” trở nên phong phú, đa dạng hơn, nhu cầu chia sẻ những khát vọng, những giá trị chung (nhân tố quan trọng cấu thành văn hóa) ngày càng gia tăng trong một xã hội đa nguyên. Hơn thế, G. Almond và S. Verba còn nhận ra rằng yếu tố văn hóa đang và sẽ giữ vai trò quyết định vận mệnh của các nền chính trị. Công cuộc nghiên cứu về “văn hóa chính trị” bắt đầu từ nhận thức mới mẻ ấy.

ĐI TÌM MỘT ĐỊNH NGHĨA CHO “VĂN HÓA CHÍNH TRỊ”

Sau thế chiến II, hai tác giả đứng trước câu hỏi nhức nhối: tại sao nước có “văn hóa cao” như nước Đức lại phạm tội ác khủng khiếp và sụp đổ? Để trả lời, hai ông thử tiến hành khảo sát năm nước (Đức, Ý, Mỹ, Anh, Mêhicô, và về sau, cả Liên Xô cũ) để tìm xem lý do cho sự ổn định hoặc suy tàn của các chế độ chính trị và các nền dân chủ. Khác với các cách khảo sát đơn tuyến quen thuộc, hai tác giả tập trung tìm hiểu giao điểm giữa  hệ thống chính trị (các định chế) và hành động của công dân. Nói cách khác, cần đi tìm kích thước chủ quan trong cơ sở xã hội của hệ thống chính trị, và nhận ra rằng văn hóa chính trị khác với văn hóa nói chung lẫn với hệ thống chính trị. Văn hóa chính trị là phương diện chủ quan của hệ thống chính trị và lấp khoảng trống giữa cá nhân và hệ thống. Hai ông đi tới định nghĩa: “Mọi hệ thống chính trị đều gắn liền với một phương thức định hướng đặc thù đối với hành động chính trị. Tôi gọi định hướng ấy là văn hóa chính trị”.

Để biết định hướng ấy thể hiện ra như thế nào, trước hết cần khảo sát và phân loại các loại hình văn hóa chính trị trong lịch sử cũng như trong mỗi nước, thậm chí, trong mỗi con người. Có ba loại hình chủ yếu:

1. Văn hóa chính trị tiền-hiện đại: mang tính chất cục bộ, thiển cận, “đèn nhà ai nấy sáng” (parochial). Ở đây, người dân chỉ quan tâm đến môi trường gần gũi chung quanh mình và có hiểu biết ít ỏi, và vì thế, khó có cơ hội tỏ thái độ đối với toàn bộ hệ thống (vd: trước đây, ở nước ta là làng xã, ở phương Tây là giáo xứ).

2. Văn hóa chính trị thần dân: người dân có quan hệ với hệ thống chính trị, nhưng chủ yếu chỉ quan tâm đến “đầu ra” (output) của hệ thống: “ơn vua lộc nước”.

3. Văn hóa chính trị tham dự: thái độ của người dân hướng đến cả cấu trúc “đầu vào” (input), bao gồm việc tham gia và có tiếng nói tích cực về chính trị.

Cả ba loại hình này không tách bạch và nhường chỗ cho nhau trong lịch sử, trái lại, thường tồn tại hỗn hợp (thậm chí ngay trong một cá nhân như đã nói), và đó cũng là một trong những yếu tố quan trọng cho sự ổn định của hệ thống chính trị. Thế nhưng, trong xã hội hiện đại, khi loại hình văn hóa chính trị tham dự ngày càng giữ vai trò chủ đạo, thì bên cạnh nghĩa hẹp của văn hóa chính trị như là chất lượng tranh luận và phong cách ngôn ngữ và hành động của nhà chính trị, chính nghĩa rộng của nó là các định hướng sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong của một nền chính trị. Sự định hướng thể hiện ở ba mặt: nhận thức, tình cảm và đánh giá.

-    Với định hướng nhận thức, ta có văn hóa hệ thống, đó là kiến thức của người dân về hệ thống chính trị. Một nền dân chủ chính đáng, không có tính ức chế phải làm cho mọi người dân biết rõ về bộ máy quyền lực. Biết rõ về bộ máy quyền lực để không mơ hồ về quyền lực, không đề cao và thần thánh hóa quyền lực, không biến quyền lực thành mục đích tự thân, bởi không phải mọi người đều ham muốn cầm quyền hay dễ dàng sa đọa vì quyền lực như lối nói trắng trợn khét tiếng của Đặng Oản: “chửi bới kệ thây chúng nó; Quan to ta cứ làm chơi!” (Tiếu mạ tùy tha tiếu mạ, hảo quan hoàn ngã vi chi!).

-    Với định hướng tình cảm, ta có văn hóa quy trình, đó là sự cảm nhận về tính minh bạch và tính kiểm soát được của tiến trình lấy quyết định chính trị, từ đó, cảm nhận về tính hiệu quả hoặc bất lực của hệ thống chính trị.

-    Với định hướng đánh giá, ta có văn hóa chính sách, để từ đó nhận ra sự đáng tin cậy hoặc không đáng tin cậy của hệ thống chính trị.

CÁC CHỈ SỐ CỦA VĂN HÓA CHÍNH TRỊ

Thật khó xác định các chỉ số của văn hóa chính trị, vì chúng luôn biến động và không phải không có những ẩn số. Tuy thế, với các phương pháp khảo sát và điều tra ngày càng tinh vi của các ngành khoa học xã hội, ta vẫn có thể nắm bắt khá chính xác những thông tin, ít ra về mặt định lượng (ở nhiều nước phương Tây, các dự đoán về kết quả bầu cử thường rất gần với sự thật). Ở đây, vai trò của công luận xã hội và nghiên cứu công luận xã hội là yếu tố quan trọng nhất. Từ các hình thái khác nhau của công luận gồm công luận chủ động (tác động trực tiếp đến quy trình lấy quyết định chính trị, trong đó bỏ phiếu trắng hay không bỏ phiếu cũng là… chủ động!), công luận thụ động (chưa bày tỏ ý kiến) và công luận tiềm tàng (còn mang màu sắc cảm tính, vd: chuyển kênh truyền hình, mua tờ báo khác…), người ta có thể nhận ra các chỉ số. Chúng thể hiện ra ở nhiều cấp độ: từ ý kiến của nhân dân (thường mang tính tự phát, dễ thay đổi) đến thái độ hay lập trường (nói lên mức độ chấp nhận hay hài lòng, tin cậy với định chế) và sau cùng là những giá trị tuy trừu tượng nhưng rất bền vững (chẳng hạn, trong xã hội Tây phương, giá trị cơ bản của nền dân chủ hiện đại là tính độc lập chính trị của ngành tư pháp, của lực lượng vũ trang và định chế khoa học…). Chất lượng của nền chính trị không phụ thuộc trực tiếp vào tỉ lệ giữa ba loại công luận nói trên, mà vào khả năng thay đổi và chuyển hóa của chúng. Chất lượng ấy sẽ bị tổn hại, nếu dòng truyền thông hỗ tương giữa công luận chủ động và công luận thụ động bị cắt đứt, chẳng hạn bằng sự vắng mặt hay hạn chế sự phản biện xã hội với các định chế tự trị của nó (các trường đại học, các viện nghiên cứu, các think-tank, các hiệp hội nghề nghiệp v.v…).

Vậy, đâu là các dấu hiệu tích cực của một nền văn hóa chính trị lành mạnh? Almond và Verba, qua công trình khảo sát của mình, nêu ra các dấu hiệu sau đây:

-         tự hào về nhiều phương diện của quốc gia mình
-         yên tâm chờ đợi sự xử lý sòng phẳng và công minh từ các cơ quan công quyền
-         tự do ăn nói về chính trị
-         hưởng ứng tích cực các cuộc bầu cử
-         khoan dung với ý kiến khác và chủ động xây dựng cơ chế “đối lập trung thành”
-         tự tin vào năng lực bản thân khi tham gia đời sống chính trị, xã hội
-         hợp tác và tin cậy trong xã hội dân sự, tham gia tích cực vào các đoàn thể và các tổ chức thiện nguyện.

LÒNG TIN: YẾU TỐ THEN CHỐT TRONG VĂN HÓA CHÍNH TRỊ

Lòng tin trong văn hóa chính trị chỉ có thực chất khi dựa trên sự thỏa mãn ngày càng nhiều các giá trị vật chất và hậu-vật chất. Các giá trị vật chất là sự an toàn kinh tế và an toàn thân thể, vì thế sự nghèo đói, tỉ suất cao về tội phạm và nguy cơ chiến tranh (gây mất an toàn kinh tế và thân thể) sẽ làm suy giảm văn hóa chính trị. Các giá trị hậu-vật chất thể hiện ở sự bình đẳng xã hội, việc bảo vệ môi sinh, sự đa nguyên văn hóa, sự tự do thể hiện của bản thân. Đó cũng chính là bà đỡ cho sự ra đời và lớn mạnh của những phong trào xã hội hiện đại, nhựa sống của văn hóa chính trị: phong trào sinh thái, phong trào phụ nữ, phong trào đòi bình quyền về chính trị, tín ngưỡng, sắc tộc v.v…

Ta thử nhìn vào vài thống kê tiêu biểu sau đây:

Châu Âu:
- lòng tin vào các ngành nghề trong xã hội:


- lính cứu hỏa: 97%
- phi công: 97%
- dược sĩ (tiệm thuốc): 96%
- y tá: 94%
- bác sĩ: 91%
- nông dân: 83%
- quan tòa: 81%
- cảnh sát: 74%
- thầy giáo: 72%
- luật sư: 64%
- tu sĩ: 60%
- tài xế taxi: 52%
- tổ chức du lịch: 42%
- cố vấn tài chính: 42%
- nhà báo: 24%
- lãnh đạo công đoàn: 16%
- bán xe ô tô: 16%
- cầu thủ: 13%
- chính trị gia: 8%


(Nguồn: Europabarometer / EU, 2008)



- lòng tin vào các lĩnh vực trong hệ thống chính trị:

- Tư pháp:                 46%          (Áo: 73%)
- Cảnh sát:                63%          (Áo: 69%)
- Quân đội:                70%          (Áo: 65%)
- Quốc hội:                34%          (Áo: 46%)
- Chính quyền
(nội các):                 32%          (Áo: 42%)
- EU:                         50%          (Áo: 38%)
- Các chính đảng:      18%          (Áo: 30%)

(Nguồn: như trên)

Thế giới:
- lòng tin vào các định chế:


 MỹChâu ÂuChâu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn QuốcCanadaBrazil
Doanh nghiệp4942565762
Chính quyền3833543621
Truyền thông3030564653
Các tổ chức dân sự (NGO)5457486160


(Nguồn: Edelman 2006, Annual Trust Barometer)

Vài nhận xét:

-    Ở Châu Âu (bảng 1 và 2), lòng tin cao nhất được dành cho những ngành nghề và định chế liên quan trực tiếp đến sự an toàn của người dân và đã được chuyên nghiệp hóa cao độ; vai trò của chính quyền và các chính đảng ngày càng ít quan trọng.

-    Ở Châu Á (bảng 3, Trung Quốc chiếm tỷ lệ tuyệt đối về số lượng trong thống kê), ta thấy xã hội dân sự còn chậm phát triển.


XÂY DỰNG VĂN HÓA CHÍNH TRỊ

Các thành tựu của văn hóa chính trị – mà mục đích cuối cùng là cuộc sống yên bình và đầy đủ chủ quyền của người dân – rõ ràng không phải từ trời rơi xuống hay một quà tặng của lòng hảo tâm:

-    Châu Âu đã phải trải qua ba cuộc cách mạng dân chủ: lần thứ nhất là Đại Cách mạng Pháp (1789); lần thứ hai là sự sụp đổ của các chế độ quân chủ chuyên chế (1918) và lần thứ ba vào thập niên 1970 và 1980 ở Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp và các nước Đông Âu.

-    Đã tiến hành nhiều cuộc đại cải cách về giáo dục, khoa học và hành chính, mà tiêu biểu nhất là cuộc cách mạng giáo dục vào đầu thế kỷ XIX của Wilhelm von Humboldt ở nước Đức mà năm nay cả thế giới kỷ niệm 200 năm mô hình đại học mang tên ông.

-    Ở Bắc Mỹ, tuy có nhiều thuận lợi của vùng đất mới, nhưng cũng phải rất dày công để hun đúc và “nhập tâm” nếp sống dân chủ mà Alexis de Tocqueville gọi là “những tập quán của con tim” (“the habits of the heart”) (Xem: Nền Dân Trị Mỹ, NXB Tri thức).

Thử thách lớn nhất cho việc xây dựng văn hóa chính trị là khi hệ thống chính trị rơi vào hai thái cực: độc tài chuyên chế hoặc khủng hoảng quyền uy. Nhưng, “biện chứng mỉa mai” của lịch sử lại là: cái sau sớm muộn sẽ là hậu quả của cái trước. Nguy cơ tan rã nội lực của xã hội thường đánh thức cơ chế tự vệ tự nhiên của những người công dân, nếu họ không muốn cả cộng đồng lâm vào cảnh tuyệt vọng. Cơ may sẽ đến một khi những “cứ điểm” then chốt có ảnh hưởng trực tiếp nhất đến sự an toàn của cuộc sống người dân (gia đình, nhà trường, bệnh viện, tòa án, cảnh sát…) được lành mạnh hóa trước hết, làm chỗ dựa cho cải cách thể chế “từ dưới lên”. Đó cũng là kinh nghiệm của nhiều nước Âu Châu trong các thời kỳ đen tối nhất của họ.

Các sách lịch sử thường chỉ cho ta biết những sự kiện lịch sử “hoành tráng” mà ít khi giúp ta nhớ đến vai trò tiên phong âm thầm của những người công dân biết đứng thẳng lưng khi cần thiết. Chỉ sáu người phụ nữ chiếm giữ một nông trại ở ngoại ô New York vào năm 1840 đã giúp mang lại quyền bầu cử cho phụ nữ. Chỉ một phụ nữ duy nhất là Rosa Parks đã không chịu ngồi phía sau xe bus dành riêng cho người da đen ở Montgomery, bang Alabama đã khởi động phong trào dân quyền. Một nhóm nhỏ công nhân phản kháng trong nhà máy sản xuất xe hơi ở Michigan cuối thập niên 1930 đã dẫn tới việc thành lập “Liên hiệp công đoàn lao động”… Để đến ngày hôm nay, một công dân bình thường ở Canada viết thế này: “Ngày nay, thời gian làm việc ít hơn, thế mà người ta vẫn than không đủ thì giờ để làm công dân. Một lý do, là người ta mất quá nhiều thì giờ hàng tuần để xem tivi. Lý do khác là quá bận bịu với việc bảo trì, sửa chữa đủ thứ máy móc: bếp điện, xe hơi, máy cắt cỏ, máy tính. Vì thế, tôi không sắm xe hơi và có rất ít thiết bị điện, bởi chúng cướp hết thì giờ làm công dân của tôi. Tôi cần dành 10% thời gian cho hoạt động công dân, dù là cấp địa phương, quốc gia hay quốc tế” (Ralph Nader, Developing a Civic Culture; CAAE 1988). “Bí quyết” của văn hóa chính trị phải chăng chính là từ những quyết định “nhỏ nhặt” để “làm công dân” như thế?

Nói rút lại, văn hóa chính trị không gì khác hơn là việc nâng nền dân chủ lên cấp độ văn hóa.

 BVNS
Xuân Tân Mão



(*) Xem:
Gabriel Almond / Sidney Verba:
The Civic Culture (1963) và
The Civic Culture Revisited (1980)






BOX:
“Không thể gọi là hạnh phúc, mà không tham gia vào công việc công cộng. Không thể gọi là tự do nếu không thể nghiệm thế nào là tự do công cộng. Không thể là tự do hay hạnh phúc mà không có chút quyền hành nào trong quyền lực công cộng
Hannah Arendt
(1906-1975)

(bài đã đăng Báo Xuân Tân Mão, 2011,
của Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn)
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved