Home » » Trần trọng kim luận bàn nho học cùng Phan Khôi

Trần trọng kim luận bàn nho học cùng Phan Khôi

Written By kinhtehoc on Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013 | 17:17

MẤY LỜI BÀN VỚI PHAN TIÊN SANH VỀ KHỔNG GIÁO
TRẦN TRỌNG KIM (1883–1953)


Trong báo Phụ nữ số 54 vừa rồi ông Phan Khôi có đăng một bài phê bình quyển Nho giáo của tôi. Ông lấy lời rất thanh nhã và thành thực mà bày tỏ cái ý kiến của ông và chỉ bảo những điều mà ông cho là tôi đã lầm, thật tôi lấy làm cảm tạ lắm. Tôi làm quyển sách ấy biết là một việc khó không dám chắc là không có chỗ sai lầm, cho nên chỉ mong những người thức giả ai thấy điều gì không phải, bảo cho tôi biết, để tôi xét lại, hễ có điều chánh đáng thì xin theo mà cải chánh lại.
Người mình xưa nay vẫn chưa quen chịu người ta phê bình. Ai làm được quyển sách, quyển vở nào, đem ra giới thiệu với công chúng, thì chỉ muốn người khen, chớ không muốn người chê, rồi hễ thấy người ta bẻ bắt điều gì là mích lòng và không hiểu rằng : “Người dạy ta mà phải, là thầy ta ; người trách ta mà phải, là bạn ta”. Bởi vậy người phê bình cũng không muốn phê bình, mà sự học cũng không tiến bộ được. Nay Phan quân không theo thói thường, cứ tự mình sở kiến thế nào, thì nói rõ ra như thế, để người bàn đi có người bàn lại, khiến cho sáng rõ cái chân lý ra. Ấy là một cách phê bình chánh đáng mà tôi rất lấy làm kính phục vậy.
Phan tiên sanh đã có lòng tốt đem cái sở kiến của mình mà bày tỏ ra cho biết, vậy tôi cũng lấy lòng thành thực đem cái sở kiến của tôi ra mà bàn lại với Phan tiên sanh. Vị tất lời bàn của tôi đã vừa ý Phan tiên sanh, song cái chủ đích không phải là ganh hơn ganh kém gì, chỉ cốt là cho rõ cái chân lý ra mà thôi. Phan tiên sanh có nhắc đến những bài của tiên sanh đã đăng ở trong báo Thần chung. Tôi xin thú thật rằng tôi không được đọc những bài ấy. Mấy câu tôi nói về những cái thái độ của những nhà cựu học đối với Nho giáo là tôi thấy hiện tình thế nào, thì tôi nói thế, chớ không có ý chỉ trích riêng gì một ai. Vả tôi cũng chắc là Phan quân không có ngờ gì cho tôi về việc đó.
Chuyện ấy là ngoài cái vấn đề ta định bàn với nhau ở đây, song cũng phải nói qua để cho rõ cái tình thật của tôi, chỉ chú ý về cái học vấn của người mình mà thôi. Vậy xin nhập đề ngay vào chuyện Khổng giáo mà Phan quân đã xướng lên mấy điều cho là không đúng với đạo Khổng.
I – Phan Khôi tiên sanh cho là Tống nho không phải là Khổng giáo. Việc đó tôi đã nói qua trong quyển sách của tôi rồi, sau nầy đến khi bàn đến Tống nho tôi sẽ bàn rõ thêm. Nhưng thiết tưởng rằng đại phàm cái tư tưởng, cái học vấn, cũng như vạn vật trong võ trụ, phải theo thời mà biến hóa, thì mới sanh tồn được, miễn là cái tinh thần lúc nào cũng linh hoạt, không đến nỗi như một thứ gỗ mục thôi. Khổng giáo vốn là cái đạo theo thiên lý mà lưu hành, mà sanh sanh, tất là không nên giữ mãi một mực như lúc đầu. Bởi vậy, ngay từ đời Chiến Quốc, cách Khổng Tử mới chừng hơn một trăm năm, mà cái học của Mạnh Tử đã có nhiều điều không giống cái học của Khổng Tử rồi, huống chi đến đời Tống cách Khổng Tử hàng ngàn rưởi năm, sự sanh hoạt, cách tư tưởng đều khác với đời thượng cổ. Vậy theo cái lý đương nhiên thì tất là Nho giáo đời Tống không giống đời Xuân Thu. Vả trong khi các tôn giáo như Lão giáo và Phật giáo cùng thạnh hành lên, dẫu các nhà nho học muốn giữ cái đạo họ Khổng cho tinh thuần thế nào mặc lòng, cũng không sao tránh khỏi được cái thế lực của những tôn giáo kia. Vậy nên khi ta xét đến cái học thuyết trong một thời đại, ta phải biết cái thêm cái bớt, để cho rõ cái chân tướng thời đại ấy. Nếu lấy cái cớ rằng Tống nho có chịu cái ảnh hưởng của Lão giáo và Phật giáo mà nói rằng Tống nho không phải là Khổng giáo, thì tôi e rằng về đường học vấn không được đúng.
Còn như nói rằng Khổng Tử chỉ nói cứ Thái cực, chớ không nói đến Vô cực, thì quả thật như vậy. Cái tôn chỉ của Khổng giáo là chỉ nói cái động thể, không nói cái tĩnh thể của võ trụ. Song biết đâu Khổng Tử đã đi học Lão Tử lại không nghĩ đến vô cực ? Vì trước khi có cái có, tất phải có cái không. Có lẽ bởi cái ý ấy cho nên ông Chu Liêm Khê khi làm ra Thái cực đồ, đem chữ Vô cực để lên trên chữ Thái cực, tưởng đó cũng là một cách hiểu rõ cái đạo họ Khổng vậy. Giả sử ta cứ theo phần hình nhì hạ mà suy, thì có thể nói hai chữ vô cực ấy không phải là đạo của họ Khổng, song theo phần hình nhi thượng mà nói cái ý vô cực, thì cũng không phải là sai. Tuy nhiên, lời Phan quân cũng đúng như lời Lục Tượng Sơn đã bác cái thuyết vô cực của Chu Liêm Khê. Có một điều nên biết là Tống nho có nhiều điều sai lầm, nhưng cái học thuyết của Tống nho có phần cao và sâu hơn của bọn Hán nho và Đường nho, là vì Tống nho đạt tới cái học hình nhi thượng của Khổng giáo. Vậy nói rằng Tống nho không phải là Khổng giáo thì tôi sợ là xét không đến.
Phan tiên sanh nói rằng cái chân lý của võ trụ như cái chén bạc chưa mở. Bởi vì tạo hóa huyền bí khó biết, cho nên tự xưa đến nay bao nhiêu nhà học giả tìm không ra mối, thành thử mỗi người đoán ra một cách. Điều ấy đã dĩ nhiên rồi, ai chẳng biết ! Nhưng có phải là vì sự cố gắng tìm tòi cái huyền bí ấy của nhân loại mà làm cho cái phẩm giá của người ta cao lên, và cái học thức của người ta rộng ra không ? Cái lối của bọn hủ nho là chỉ bo bo ở chỗ thiển cận trước mắt, chớ không bao giờ đem cái tư tưởng lên cao được một chút, rồi cho là những việc siêu việt không sao biết được. Bởi vậy cho nên cái Nho học của mình mỗi ngày một thấp xuống. Ngày nay ta đã trông thấy cái lưu tệ ấy rồi, lẽ nào ta lại cứ cái lối hủ bại ấy mà học hay sao ?
II. – Phan tiên sanh nói rằng ta nên đem so sánh Khổng học với Tây học, nhưng không nên nói cái này tức là cái kia v.v. Bổn ý của tôi đem Khổng giáo so sánh với các học thuyết bên tây cũng là theo cái ý kiến ấy, vả lại tôi cũng chỉ nói qua cái đại lược, xét một vài điều tương tợ như nhau mà thôi, để độc giả biết cái sở đồng sở dị, chớ không bao giờ tôi nói cái học thuyết ấy tức là cái học thuyết nọ. Điều ấy có lẽ Phan quân phán đoán vội vàng cho nên mới nói thế. Huống chi cổ nhân có chữ “Đông hải hữu thánh nhân xuất yên, thử tâm đồng giã, thử lý đồng giã. Tây hải hữu thánh nhân xuất yên, thử tâm đồng giã, thử lý đồng giã”. Vậy biết đâu lại không có chỗ đúng.
Còn những danh từ triết học thì tôi vẫn biết rằng Đông Tây dùng khác nhau, mà đến ngay như ở bên Tây mỗi một nhà triết học lại dùng một danh từ riêng : Cùng một tiếng mà có khi mỗi nhà dùng ra một nghĩa khác, thậm chí khi muốn xem một cái học thuyết như của Khổng đức (Comte) hay là của Khang đức (Kant) độc giả phải học những danh từ riêng của những nhà ấy, rồi mới xem được. Tôi dùng chữ trực giác để cắt nghĩa chữ lương tri của Mạnh Tử, là có ý để cho những người Tây học dễ hiểu. Vì chữ trực giác và chữ lương tri có cái nghĩa tương tợ nhau. Mạnh Tử nói lương tri mà Khổng Tử không nói lương tri. Thế mà cái học của Mạnh Tử vẫn hạp với cái học của Khổng Tử. Khổng Tử là một bậc thánh nhân, muốn “bất ngôn nhi giáo”, cho nên lời nói tuy ít mà ý tứ nhiều. Ngài không nói lương tri nhưng cái học của ngài chủ ở chữ nhân. Mà chữ nhân như tôi đã giải thích ở thiên Hinh nhi thượng học, tức là có cái lương tri ở trong đó rồi. Bởi vì đời sau bỏ mất cái nghĩa sâu xa chữ nhân của họ Khổng, cho nên tinh thần Khổng giáo mới sai đi.
Chữ trực giác là một chữ mới của người Nhật và người Tàu dịch chữ intuition của tây ra để chỉ cái năng lực biết rất lanh rất rõ, hoặc về những sự vật, hoặc về những điều quan hệ đến trí tuệ, hoặc về những điều quan hệ đến đạo lý. Bởi vậy cho nên chữ intuition có ba nghĩa. Một là nói về trực giác đối với sự vật, thì gọi là intuition sensible ; hai là nói về trực giác đối với trí tuệ, thì gọi là intuition intellectuclle ; ba là nói về trực giác đối với đạo lý, thì gọi là intuition morale. Nay ta lấy chữ trực giác mà chỉ nghĩa chữ lương tri cũng không sai, vì rằng Mạnh Tử giải nghĩa chữ lương tri là “bất tự nhi tri”. Đã không nghĩ mà biết thì muốn gọi là lương tri hay là trực giác cũng đồng một ý, hà tất phải phân biệt chữ mới chữ cũ.
Phan tiên sanh nói rằng lương tri nói về tánh. Trước hết phải hiểu chữ tánh của ta thường dùng, với chữ tánh của Mạnh Tử khác nhau xa lắm. Ta thường gọi tánh là sự khuynh hướng về thiện về ác, tức là gồm cả nết hay nết dở của người ta. Mạnh Tử gọi tánh là cái lý bổn nhiên của trời phú cho người ta, tức là cái bổn thể của tâm, nói cách khác, là cái thần minh sáng suốt, khiến ta biết rõ những điều nhân nghĩa lễ trí. Lương tri là cái biết tự nhiên về những điều nhân nghĩa lễ trí ấy, mà những điều ấy gồm cả trí tuệ và đạo lý. Thế mà Phan quân lại nói rằng lương tri chỉ nói về tánh, còn trực giác là cách nhận biết của nhà triết học, thì thật tôi không hiểu.
Phan quân nhận rằng chữ trí của Khổng Tử không phải là lý trí. Chính thế, chữ trí của Khổng Tử quả như lời ông nói thật. Chữ lý trí là chữ người ta mới đặt ra để dịch chữ raison của Tây. Tôi đã từng giải nghĩa chữ lý trí. Chữ lý trí không có trong sách Nho giáo, nhưng cứ theo lời ông Mạnh Tử, thì lý trí tức là cái trí xuyên tạc của người, chớ không phải là cái trí công nhiên như cái trí của vua Võ trị thủy. Tôi nói Khổng Tử không nói đến lý trí, nghĩa là không nói đến cái trí xuyên tạc, cứ phải lấy tư tâm mà suy tính hơn thiệt. Vì rằng đạo của ngài là thuần nhiên theo thiên lý, không theo tư tâm. Ngài nói rằng “thận tư chi, minh biện chi” là nói dùng cái lý sáng suốt tự nhiên mà nghĩ ngợi, mà biện biệt, chớ không phải dùng cái lý trí xuyên tạc để tính cái hơn cái thiệt của mình. Vậy nên ngài nói trong kinh Dịch rằng : “Đồng đồng vãng lai, bằng lòng nhi tư”. Dùng cái lý sáng suốt tự nhiên mà cách vật, mà trí trí là hay, dùng cái lý trí tức là cái trí xuyên tạc, là dở. Cái ý nghĩa ấy thật rõ trong Khổng giáo.
III – Phan tiên sanh nói rằng đạo trung dung của Khổng Tử khó lắm, không thể đem ra mà thi hành được, nên bỏ đi đừng nói đến nữa. Vậy tôi xin hỏi tiên sanh rằng khi ta xét một cái học thuyết thì ta phải xét rõ các mối, hay là cứ cái gì ta thích thì nói, cái gì ta không thích thì bỏ ? Cứ như ý tôi thì phàm đã gọi là cái học thuyết là bao giờ cũng phải treo cao một cái lý tưởng, để cho người ta noi theo. Cái lý tưởng ấy tất là phải khó, thì kẻ học giả mới phải cố gắng cho tới gần được. Cái hiệu quả hay hay dở, là ở sự cố gắng hay không cố gắng đó mà thôi.
Đạo của Khổng Tử lấy nhân làm cực điểm, lấy trung dung làm sự hành đạo, cho nên mới nói rằng : “Cực cao minh nhi đạo trung dung”. Thế mà Phan tiên sanh lại bảo rằng Khổng Tử không dạy người ta theo đạo trung dung, thì ta không biết ngài dạy người ta cái gì. Ngài cho cái đạo trung dung là đạo hay mà trông thấy nhiều người không biết theo, cho nên ngài nói rằng : “Đạo trung dung rất mực vậy, thế mà người ít hay theo được đã lâu”. Câu ấy là ngài phàn nàn, chớ không phải là ngài bảo người ta đừng theo. Nhân khi nói đến đạo trung dung, ngài nói rằng : “Ai là người không ăn không uống, thế mà ít người ăn biết mùi vậy”. Xem mấy lời ấy thì biết rằng ngài muốn người ta theo đạo trung dung là dường nào ! Vả cứ xem ngay trong sách Luận ngữ, biết bao nhiêu chỗ ngài dạy người ta phải trung dung. Thí dụ như ngài nói : “Dĩ đức báo đức, dĩ trực báo oán”. Có người bảo : “Tam tư nhi hậu hành”. Ngài bảo : “Tái tư khả hỷ”, có chỗ ngài nói : “Vô thích giã, vô mịch giã, nghĩa chi dữ tị”. Vậy chẳng phải ngài dạy người ta theo trung dung là gì ?
Cái đạo ấy khó thì khó thật, bậc thánh nhân cũng không theo hết được, nhưng mà người thường cũng có thể biết được và có thể làm được. Bậc thánh nhân có cái trung dung của thánh nhân, bậc người thường có cái trung dung của người thường. Trung dung là cái vừa phải, không thái quá, không bất cập. Muốn biết thế nào là trung dung, thì phải thành thực, đừng để tư tâm tư dục làm mờ tối mất cái sáng suốt của mình. Khổng Tử lại lấy ông Nhan Hồi mà làm gương cho người ta. Ngài nói rằng : “Ngươi Hồi làm người là cứ chọn điều trung dung, được một điều thiện thì cứ chăm chăm giữ trong bụng mà không để mất đi vậy”. Như thế mà Phan quân bẻ tôi rằng bảo người ta theo đạo trung dung là trái với đạo họ Khổng, thì sao cho phải ? Kinh, Truyện còn sờ sờ ra đó, mà bảo rằng tôi tự tiện đặt ra những lời không có trong đạo Khổng. Nếu tôi có lầm thật, thì cũng lầm theo các tiền nho từ Tăng Tử và Mạnh Tử trở xuống.
Có lẽ vì Phan quân thấy có nhiều người mượn tiếng trung dung mà thật là người hương nguyện, cho nên tiên sanh bảo đừng theo trung dung nữa. Song có phải là một đạo Khổng có bọn hương nguyện, còn các tôn giáo khác không có bọn hương nguyện hay sao ? Đạo nào lại không có bọn ấy. Hương nguyện là bọn giả dối không có liêm sỉ, mượn tiếng đạo đức mà che đậy bề ngoài. Bọn ấy ở với quân tử có thể làm quân tử được, mà ở với tiểu nhân thì làm tiểu nhân. Nếu người ta mà thành thực theo đạo đến chết, thì sao lại là hương nguyện. Bởi thế cho nên thánh nhân ghét hương nguyện mà dạy người lấy chữ thành. Người mà đã không thành thì dầu đạo hay đến đâu cũng hóa ra dở. Nho giáo sở dĩ hẩm nát như ngày nay, là tại mình học bậy, chớ có phải là tại đạo không hay đâu ! Người thợ rèn rèn con dao thật bén, đến khi người ta mua về không biết dùng, đem làm sứt mẻ đi, rồi đổ tội cho người thợ không biết rèn. Như thế có phải là thật lỗi người thợ rèn không ? Điều đó xin Phan quân thử nghĩ lại cho chín mà xem.
IV. – Phan tiên sanh quyết đoán rằng Khổng Tử là một nhà “vô thần luận giả”. Cứ như ý tôi thì Khổng Tử là một nhà “hữu thần luận giả” mà những bằng chứng của Phan tiên sanh viện ra không đủ phá được cái ý kiến ấy. Trước hết xin nói rằng câu : “Tử bất ngữ quái, lực, loạn, thần” là câu của các môn đệ Khổng Tử chép ra. Nguyên cái cách lập giáo của Khổng Tử có hai lối. Một lối tâm truyền và một lối công truyền. Lối tâm truyền quan hệ đến những điều huyền bí, còn lối công truyền thì dạy những điều thiết thực ở đời. Ngài dạy học trò thì chỉ dạy miệng, chớ không viết ra. Bởi vậy sau ai nhớ được điều gì, thì chép ra thành sách Luận ngữ. Thường những lời của các môn đệ chép ra ở sách ấy, là thuộc về cái học công truyền. Trong khi ngài nói với nhiều học trò, thì ngài không nói đến những điều huyền bí, cho nên các môn đệ mới chép câu ấy. Vậy lấy câu ấy mà làm bằng chứng thì không đủ.
Câu : “Tế như tại”, “tế thần như thần tại” và câu “dương dương hồ như tại kỳ thượng, như tại kỳ tả hữu” đều là câu nói rằng ta phải kính trọng quỷ thần. Nhưng vì quỷ thần u ẩn, tai không nghe được, mắt không trông thấy được, mà nói cho người ta hiểu được, nếu không dùng chữ như thì không biết nói thế nào được. Trời đất và quỷ thần thuộc về cái học hình nhi thượng. Người chỉ biết tin là có, chớ không có thể đem giải diễn ra như là nói hai với hai là bốn được. Vậy nên chữ như ấy không đủ lấy làm bằng chứng là Khổng Tử không tin có quỷ thần. Khổng Tử lại rất chú ý về việc tế tự, không lẽ ngài không tin là có mà lại bảo người ta phải hết lòng thành kính mà tế tự, và lại nói : “Quỷ thần vô thường hưởng, hưởng vu khắc thành”, hay là : “Kính quỷ thần nhi viễn chi”. Đã không tin quỷ thần thì kính cái gì, mà viễn cái gì ? Cứ như ý Phan quân thì đó là cái thuật khiến người ta phải tin đạo đức, chớ không phải là Khổng Tử thực tín có quỷ thần. Nếu vậy ra Khổng Tử lại dùng trí thuật như người đời à ? Điều ấy tôi không dám theo Phan quân.
Phan quân lại viện câu : “Tinh khí vi vật, du hồn vi biến” ở trong kinh Dịch ra làm bằng chứng. Trong câu ấy Phan quân chủ lấy chữ biến mà cho là đã biến đi, thì còn đâu là quỷ thần nữa. Xưa nay ta vẫn học chữ biến là đổi hình thể, chớ không có nghĩa là mất hẳn đi. Có khi ta nói “biến đi mất” là nói không trông thấy nữa. Vậy câu ấy cũng không đủ làm chứng đạo họ Khổng là đạo vô thần.
Phan quân cũng biết rằng những câu nói trên kia không chứng tỏ được cho cái thuyết vô thần của đạo Khổng, bèn viện chứng ở họ Mặc. Muốn biết cái bằng chứng của họ Mặc có xác thực hay không, ta phải biết cái học của họ Mặc và cái học của họ Khổng khác nhau là thế nào. Họ Mặc nhận có trời và có quỷ thần, mà trời và quỷ thần có ý chí và thưởng điều thiện, phạt điều ác. Sự tín ngưỡng của họ Mặc tợ hồ sự tín ngưỡng của các tôn giáo bên Tây. Họ Khổng cũng nhận có trời và có quỷ thần, nhưng cho trời là cái lý, quỷ thần là cái linh khí ; cái lý và cái khí ấy có thể cảm ứng với người ta được, là vì người cùng đồng một lý một khí với trời và quỷ thần. Cái học của họ Khổng giống cái học “thiên địa vạn vật nhất thể” tức là cái học “panthéiste”[1][1] bên Tây.
Họ Khổng và họ Mặc đã có cái tư tưởng không hạp nhau, tất là công kích nhau, cho nên Mặc đã có nói : “nho dĩ thiên vi bất minh, dĩ quỷ vi bất thần”. Chữ “bất minh” và “bất thần” không phải là nói không có. Mặc thì nói rằng trời và quỷ thần chủ trương việc người. Nho thì nói trời và quỷ thần không chủ trương việc người. Hai bên khác nhau là thế. Vậy mà Phan quân lấy câu ấy làm cái bằng chứng chắc chắn rằng đạo Khổng là đạo vô thần, thế chẳng hóa ra lầm lắm hay sao !
Tôi sở dĩ dẫn mấy câu : “Tam hậu tại thiên” và “Văn vương trắc giáng tại đê tả hữu” ở trong kinh Thi ra làm bằng chứng cái đạo hữu thần của họ Khổng, là tuy đã hay rằng những câu ấy là lời của con cháu Văn vương nói ra. Song con cháu Văn vương đã tin như thế, mà Khổng Tử lúc san kinh Thi có để lại, tất là cũng tin như thế. Vả ta hãy xét các dân tộc đời cổ, không có dân tộc nào là không có quỷ thần. Về sau sự học vấn thạnh hành lên, mới có cái thuyết vô thần. Tuy nhiên, cũng không có mấy người theo, vì nó trái với lòng người. Chắc Khổng Tử không theo cái thuyết ấy. Vả lại, xem các Kinh Truyện có nhiều chỗ rõ là Khổng giáo tin có quỷ thần. Hoặc giả Phan quân còn sở cứ vào cái ý kiến nào nữa, thì tôi không biết.
V. – Phan quân khuynh hướng về khoa học và cho Khổng giáo trái với khoa học. Trước hết ta phải biết rằng hai chữ khoa học như ta hiểu ngày nay, thì khi xưa bên Viễn Đông ta không có. Họa chăng ở cuối đời Chiến quốc bên Tàu, có phái Biệt Mặc mà nhà Nho thường gọi là quỷ biện, có một vài nhà triết học lưu tâm đến những vấn đề tợ hồ có cái vẻ khoa học, nhưng vì dùng danh từ không rõ, thành ra không mấy người hiểu. Về sau xã hội Tàu thiên về mặt học đạo đức và bỏ mất khoa học, không ai nghĩ đến. Chừng vài trăm năm nay khoa học thạnh hành lên ở phương Tây, làm cho những dân tộc phương ấy được cường thạnh, đem cái tài trí của nhân loại mà cướp cái thế lực của tạo hóa, rồi đè nén cả thiên hạ, nghiễm nhiên làm chủ cả địa cầu. Bởi đó mà các dân tộc thuộc về văn hóa cũ đều đua nhau theo khoa học.
Khổng giáo sở dĩ không chú ý đến khoa học là vì lúc trước sự sanh hoạt của người ta không cần đến khoa học. Song xét kỹ ra cái tinh thần của Khổng giáo không trái với khoa học, bởi chưng Khổng giáo dạy người ta phải tùy thời mà biến đổi, miễn là đừng thiên lệch về một mặt nào thái quá là được.
Phan quân nói rằng Khổng giáo có nhiều điều trở ngại cho khoa học. Những điều ấy tôi không rõ là điều gì, mà dầu có nữa, chẳng qua là Khổng Tử nói những điều thích hạp với cái trình độ của người đời Xuân thu. Về sau mình không biết phân biệt trái phải, cứ nhắm mắt theo liều, chớ có phải là tại thánh hiền đâu. Đạo Khổng sở dĩ có điều hay là có cái nghĩa tùy thời, không chấp nhứt cái gì cả. Việc gì mà hạp thời và thuận lý là được, cốt lúc nào cũng phải giữ cái lẽ điều hòa mà thôi. Nay ta ở vào thời đại có khoa học và cần phải có khoa học, thì ta theo khoa học, nhưng theo khoa học mà không bỏ mất cái tâm học, thì tâm với trí có thể điều hòa được với nhau, có việc gì là việc trở ngại. Tôi e rằng Phan quân quá tin khoa học, cho nên tưởng rằng cái gì không phải là khoa học thì cho là dở, chớ biết đâu là khi ta quá thiên về khoa học lại không có điều hại ? Kể như ngày nay thiên hạ đang hâm mộ khoa học lắm thật, thế mà ở bên Tây có nhiều nhà thức giả chán nản về khoa học, muốn tìm ra một lối sanh hoạt thích hạp với nhân đạo hơn lối sanh hoạt hiện thời.
Ta nay thấy người cường thạnh, thì ai ai cũng háo hức theo người, biết đâu rằng cái cường thạnh ấy, lại không có cái nguy cơ đã nằm sẵn đó rồi. Bởi vậy những người thức giả thường lấy làm lo. Tôi nói thế không phải là tôi bảo người mình không nên theo khoa học, nhưng tôi chỉ muốn người mình theo khoa học mà đừng bỏ cái tâm học của mình, thì rồi mới có lợi được.
Phan quân lại nói Khổng giáo chỉ nói cái lẽ đương nhiên mà không nói cái lẽ sở dĩ nhiên. Là vì Khổng giáo đã không nhận có cái định lý, thì chỉ nói được cho ta biết cái lẽ đương nhiên mà thôi, còn cái lẽ sở dĩ nhiên là mỗi thời một khác, người học giả phải biết tùy thời mà ứng biến, cốt nhứt là lúc nào cũng “tự cường bất tức” để gây nên một cái thế lực tương đương mà đối phó với đời. Ta ở đời nào, ta phải tìm lấy cái lẽ sở dĩ nhiên đời ấy, chớ đừng có thấy người ta làm sao, mình bào hao làm vậy. Nếu người mình mà giữ cái thói ấy mãi, thì dầu có theo khoa học cũng chẳng ích gì, suốt đời chỉ đi lượm những cái bã của người ta đã bỏ ra mà thôi.
Vốn chữ “cách vật trí trí” của Khổng giáo tuy chưa phải là khoa học, nhưng chính là cái ý nghĩa khoa học. Những nhà học giả như Vương Dương Minh đem mấy chữ ấy cho vào tâm học, không phải là không có giá trị. Song vì ông chủ về một mặt tâm học, cho nên ông mới nói như lời ông viết cho La Khâm Thuận. Nếu ta đem cái nhãn giới triết học cao lên mấy độ nữa, thì ta biết cái học của họ Vương không phải là cái học tầm thường. Điều đó xin để khi nào bàn đến cái học họ Vương ta sẽ nói chuyện.
Còn cái lối dùng trực giác là chính cái thần bí của những nhà khoa học. Nhờ có cái trực giác cho nên các nhà đại khoa học mới tìm ra được những cái rất huyền bí và sáng tạo ra được nhiều cái rất tinh xảo. Song khi dùng trực giác ta phải dùng cái lý trí chánh đáng mà kiểm duyệt lại. Đó là nói qua để Phan quân nghe mà thôi, chớ nói cho hết lẽ, thì dài quá. Thì giờ ít ỏi, xin Phan quân miễn cho.
VI. – Sau cùng Phan tiên sanh cho tôi cắt nghĩa chữ quân là miễn cưỡng và tiên sanh nói rằng hai chữ trung quân không hạp thời. Điều đó, khi tôi viết, tôi cũng đã biết sẽ có người không nghe ra. Ý tôi nói chữ quân tức là nói chữ chủ. Khi xưa các dân tộc mới nhóm lên, ai có thế lực giữ được một chỗ nào thì làm chủ chỗ ấy, người giữ cái ngôi ông chủ ấy gọi là quân. Vậy chữ quân với chữ chủ là một nghĩa. Nhưng quân thì nói về đường chánh trị, mà chủ thì dùng về việc gì cũng được.
Đã có xã hội là phải có quân, cho nên Tuân Tử nói rằng : “Quân giả quần giả”. Có quần mà không có quân, thì thành ra loạn. Cái quyền của ngôi quân, hoặc do thế lực của một nhà chiếm lấy, hoặc do nhân chúng công nhận mà trao cho, bởi chưng nhân chúng khi xưa không mấy khi biết lợi dụng cái quyền của mình mà cử lấy người ra giữ lấy ngôi quân, thường là chỉ bị những nhà có thế lực chiếm lấy. Khi những nhà đã chiếm được cái ngôi cao ấy, thì xưng là đế, là vương, và giữ lấy ngôi cao ấy làm của riêng mình, bắt thần dân phải phục tùng mình.
Khổng giáo phát minh ra trong thời đại chỉ biết có đế, có vương, cho nên cũng nhận những bậc ấy làm quân, và dạy những bậc ấy phải làm chức vụ của mình, nghĩa là phải bảo dân. Khổng giáo cho cái quân quyền là cái thần khí, làm chủ sự trị loạn của nhân dân, cho nên mới nói trung quân, chớ không nói trung vương hay trung đế, vì khi mà bậc vương bậc đế nào đã lạm dụng cái quân quyền mà chuyên chế quá độ, thì người nào được lòng dân, được phép trừ bỏ bậc vương bậc đế ấy đi. Bởi vậy cho nên Mạnh Tử nói rằng : “Chỉ nghe nói giết một đứa Trụ, chớ không nghe nói giết vua bao giờ”. Về sau ta theo lối chuyên chế mà hiểu cái nghĩa trung quân hẹp đi cho nên mới nói trung quân là trung với nhà làm vua. Song Khổng giáo có dạy rằng : “Người trung thần tòng đạo bất tòng quân” chính là để chữa cái nghĩa hẹp chữ quân vậy.
Đã nói quân quyền tức là chủ quyền, cho nên những dân tộc bị bọn đế vương áp chế thái quá mới nổi lên trừ bỏ bọn ấy mà giữ cái quân quyền. Cũng vì thế cho nên dân nước Pháp dựng lên cuộc cách mạng bèn xướng lên cái chủ nghĩa “souverain peuple” tức là dân giữ quân quyền.
Khi nhân chúng đã nhận cho một người, hay cho cả dân được giữ cái quân quyền, thì người cả nước phải phục tùng cái mạng lệnh những người đã được giữ cái quân quyền ấy. Nếu không thì thành ra loạn. Người trong nước trung với cái quân quyền đã định, là cái chánh thể vững, không trung với cái quân quyền ấy là cái chánh thể đổ. Vậy nên tôi nói rằng : “Bất kỳ ở vào thời đại nào, hai chữ trung quân vẫn có nghĩa chánh đáng”.
Phan quân đem hai chữ lập hiến để bác cái nghĩa chữ quân. Vậy lập hiến là cái gì ? Có phải là những lời ước, định rõ cách thi hành cái quân quyền đó không ? Người nào giữ cái cơ quan nào, phải theo cái giới hạn đã định, hễ ra ngoài cái giới hạn ấy là phạm tội. Người phạm tội ấy là bất trung với quân, thì người khác lại có quyền được trừng trị. Vậy cái ý nghĩa lập hiến đời nay với cái ý nghĩa của Khổng giáo có khác nhau là bao nhiêu.
Tôi đã nói : người học Nho giáo phải đạt tới cái tinh thần mới hay, chớ đừng cố chấp theo từng chữ từng nghĩa vụn vặt mà thành ra hủ nho như ta đã trông thấy.
Tôi nói các xã hội ngày nay chỉ đổi được cái danh mà không đổi được cái thực. Điều ấy là thật quả thế, chớ không phải là nói ngoa. Tôi dám hỏi Phan tiên sanh rằng đã có cái xã hội nào bỏ được cái quân quyền, như tôi đã nói trên kia chưa ? Dân tộc nầy đánh đổ cái chánh thể chuyên chế đi, định ra lập hiến để giao cái quân quyền cho một bọn người cộng hòa. Dân tộc kia nổi lên định ra lập hiến để hạn chế cái oai quyền ông vua, gọi là quân chủ lập hiến. Rút cục lại, người làm dân vẫn phải chịu cái quân quyền, có khi đỡ được một chút chuyên chế của một người, thì lại bị chuyên chế của một bọn. Người đóng thuế vẫn phải đóng thuế, người đi lính vẫn phải đi lính, người hèn yếu vẫn phải người khỏe mạnh bắt nạt. Cái danh tuy đổi mà cái thực vẫn còn.
Khổng giáo sở dĩ có cái hay là muốn theo chánh thể nào cũng được, cốt nhứt là hạp thời thuận lý thì thôi, và bao giờ cũng bắt người trên phải làm những điều nhân chánh, phải thương dân, yêu dân, đừng để nó đói khổ, đừng làm điều hà lạm, khiến dân được an cư lạc nghiệp. Muốn được như thế, thì từ vua quan cho chí người thường ai cũng lo sửa mình, biết điều nhân nghĩa, hiểu lẽ công bằng, ai cũng làm việc nghĩa trước việc lợi. Nếu người một xã hội mà số nhiều được như thế, thì dẫu cho chánh thể nào, nước cũng trị được.
Tôi nói như thế, là nói thực tình, chớ không phải như Phan tiên sanh đã nói là vì cái cảm tình của tôi đối với Nho giáo mà nói một cách tống tình đâu. Cứ ý tôi thì tôi cho đạo ấy là hay, là phải, và tôi muốn rằng người mình có cái tinh thần riêng của mình. Nếu ta biết gây bón nó lên, thì nó cũng có thể mạnh mẽ tốt tươi, như cái tinh thần của người ta. Cái gì của ta hay thì ta giữ lấy, cái gì ta không có thì ta đi học của người, làm thế nào cho ta lớn lên được mà ta vẫn là ta, chớ không lẫn với người. Ấy là bụng thực của tôi như thế. Tôi vẫn biết Nho giáo như ta đã thi hành ra tự xưa đến nay có nhiều điều dở. Nhưng cái dở đó là vì người mình không biết dùng lấy cái tinh thần mà chỉ giữ khư khư lấy cái cặn bã, mình không biết tùy thời mà biến đổi, để đến khi đổ bẹp cả, rồi không biết tự hối, lại đổ tội cho Nho giáo. Xét ra tôn giáo nào và học thuật nào cũng vậy, người sáng lập ra, chỉ dạy mình cái tôn chỉ mà thôi. Về sau cái hình thể cứ biến mãi đi, đến khi không biến được nữa là mất. Nho giáo sở dĩ đến mực này là vì ta không biết theo thời mà biến. Giả sử ta bỏ hết những cái vụn vặt cặn bã đi, những cái ấy có lẽ thích hạp với thời cổ mà không thích hạp với thời nay nữa ; rồi ta rút lấy cái tinh thần, gây nó lên cho mạnh mẽ, thì biết đâu ta lại không làm được việc rất đáng làm hay sao ?
Trước kia tôi cũng như Phan quân, điều gì của ta, tôi cũng cho là dở, muốn bỏ đi cho hết, để đi lượm của người về mà thay vào. Sau lần lần tôi thấy những cái mình muốn lượm của người, lại là cái bã mà người ta nhai chán muốn nhả ra. Nếu mình lại chạy theo mà lượm lấy đem về làm của quý, thế chẳng hóa ra mình dại lắm sao !
Tôi chắc Phan quân cũng biết rằng ngay ở bên Tây, những nhà thức giả có nhiều người cũng lấy cái cảnh tượng xã hội ngày nay làm lo, còn đi tìm tòi xem có cách gì mà sửa đổi được không. Huống chi ta đây cũng là tai mắt, có đủ trí tuệ, ta há không làm ra được việc gì là riêng của ta, mà lại cứ nhứt nhứt phải chạy theo đuôi người làm gì.
Phan quân với tôi cùng nhau đã được trò chuyện một đôi lần, tôi biết Phan quân là người học thức rộng và lại có nhiệt tâm về sự cải cách của xã hội ta. Nhưng tôi e rằng Phan quân nóng ruột quá, cho nên vội muốn theo Tây học. Phan tiên sanh nhiệt tâm đến nỗi cái tinh thần nuôi tiên sanh từ thuở nhỏ đến giờ, mà đến khi chia tay ra đi, không được một giọt nước mắt ! Tiên sanh vốn không phải là người tây học mà nhiễm được cái tinh thần tây học như thế, thì ra cái tinh thần tây học mạnh thật, mà cái tinh thần Nho học suy nhược lắm thật ! Tôi càng nghĩ càng xót xa đau đớn cho cái tinh thần nước nhà, đến nỗi hàng lệ chứa chan. Hay là vì tôi không cho tây học là mãn nguyện, quay trở lại làm bạn với Nho giáo, cho nên lại bị Nho giáo quyến rũ mà mê đi như thế chăng. Có lẽ cái tinh thần Khổng giáo và cái tinh thần tây học khác nhau ở một chút mối tình đó chăng.
Dầu thế nào mặc lòng, xem đó thì biết Phan quân với tôi đi hai con đường khác nhau. Thôi thì tiên sanh đã chia ra tả hữu, vậy tiên sanh cứ đi đường tả, tôi cứ đi đường hữu, mong rằng một ngày kia ta cùng nhau tới một chỗ cao ráo sạch sẽ, tiên sanh thì đem cái tài năng của tây học, tôi thì đem những vật liệu của nước nhà, rồi hai ta cùng ra sức xây lấy một cái nhà thật đẹp, theo kiểu mẫu rất mới, mà vẫn là nhà của ta, chớ không giống nhà của người. Lúc ấy ta cùng nhau cả cười rằng ta đi con đường khác nhau mà cùng tới một cái mục đích.
Nếu được như vậy, thì ta cũng có thể phảng phất như câu Mạnh Tử nói : “Quân tử diệc nhân nhi dĩ hĩ, hà tất đồng”.
Lệ Thần TRẦN TRỌNG KIM


Nguồn: Bài đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 60 (10.7.1930). Phiên bản điện tử:http://vi.wikisource.org/wiki


[1] Panthéisme : phiếm thần luận, thuyết phiếm thần (học thuyết tôn giáo triết học đồng nhất thượng đế với tự nhiên và coi tự nhiên như hiện thân của thượng đế)
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved