Home » » Một số ý kiến về việc sửa đổi Hiến pháp

Một số ý kiến về việc sửa đổi Hiến pháp

Written By kinhtehoc on Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013 | 23:54


GS NGÔ BẢO CHÂU

Việc sửa đổi Hiến pháp 1992 được Nhà nước tổ chức với qui mô rộng hơn hẳn các lần trước. Người dân quan tâm hơn đến việc sửa đổi Hiến pháp, trông đợi nó sẽ đem đến những chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội. Để đáp ứng sự trông đợi đó, Hiến pháp sửa đổi cần thể hiện những thay đổi đã diễn ra trong thực tế đời sống, những chủ trương đã được Đảng cầm quyền đề ra trong cương lĩnh, và cần gạt bỏ những cản trở trên con đường phát triển của đất nước.
A – Phương hướng chung
Xuất phát từ nhận định rằng công cuộc đổi mới chính trị đi tiếp sau đổi mới kinh tế, mà được nêu trong các văn kiện của Đảng như là “đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị”, chúng tôi tin rằng việc sửa đổi và bổ sung Hiến pháp 1992 cần trở thành một bước quan trọng trong tiến trình này. Vì vậy, phương hướng sửa đổi chính là thể hiện trong Hiến pháp những vấn đề mà Đảng đã nhiều lần nhấn mạnh trong các văn bản chính thức từ nhiều năm qua: Mở rộng và thực hành dân chủ, thực hiện dân chủ hoá toàn bộ đời sống chính trị đất nước, để dân chủ trở thành mục tiêu và động lực phát triển, để người dân thực sự làm chủ đất nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời loại bỏ những tàn dư lạc hậu của mô hình chính trị đảng – nhà nước kiểu cũ.
B – Một số nguyên tắc chung
Chúng tôi đề xuất một số nguyên tắc chung cho việc sửa đổi Hiến pháp:
  1. không sửa những điều khoản đang vận hành ổn định;
  2. bỏ (hoặc sửa) những điều khoản trong thực tế đã tỏ ra lạc hậu, kìm hãm sự phát triển hoặc là mầm mống của những mâu thuẫn, mất ổn định nghiêm trọng trong xã hội;
  3. bổ sung những điều khoản tạo điều kiện tăng cường sự tham gia của người dân vào đời sống chính trị, quy định chế độ trách nhiệm cá nhân của công chức, viên chức và cơ chế bảo vệ Hiến pháp;
  4. tiếp cận phù hợp với thực tế chính trị, sửa Hiến pháp để thúc đẩy tiến bộ xã hội trong ổn định.
C – Những điều khoản cần giữ trong Hiến pháp 1992
1. Điều khoản về lực lượng vũ trang
Đề nghị giữ nguyên Điều 45 của Hiến pháp 1992: “Các lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và những thành quả của cách mạng, cùng toàn dân xây dựng đất nước”. Quy định như Điều 45 của Hiến pháp 1992 là đủ, đúng, rõ ràng, nhất quán với các Điều khoản về nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quân sự của công dân Việt Nam.
Điều 70 của Dự thảo sửa đổi đề xuất bổ sung ba điểm (lực lượng vũ trang phải trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; lực lượng vũ trang phải bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân; lực lượng vũ trang có nhiệm vụ thực hiện nghĩa vụ quốc tế). Những ý này chưa từng xuất hiện trong các Hiến pháp nước ta, dễ tạo nên những nhầm lẫn về nhận thức và hành động, gây ra những tranh cãi không cần thiết. Thêm nữa, việc đề cập chung chung về nhiệm vụ “thực hiện nghĩa vụ quốc tế” là ngược với nguyên tắc trung lập, không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Trong từng trường hợp cụ thể, khi cần thiết, Quốc hội sẽ quyết định việc này.
2. Những Điều khoản về phúc lợi và công bằng xã hội
Đề nghị giữ nguyên như trong Hiến pháp 1992 quy định “Bậc tiểu học là bắt buộc và không phải trả học phí” trong Điều 59, các nội dung của Điều 56 liên quan đến bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, và những quy định cụ thể của Điều 67 về an sinh xã hội. Đây là những Điều khoản đã có ý nghĩa thực sự tích cực trong đời sống xã hội nhưng Dự thảo sửa đổi đã lược bỏ.
3. Điều khoản về ngôn ngữ quốc gia
Đề nghị giữ như Hiến pháp 1992, tức là bỏ khỏi Dự thảo Điều 5 Khoản “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt”, vì: (i) Tiếng Việt nghiễm nhiên đang là tiếng mẹ đẻ của 85% dân số, (ii) Quy định này có thể bị lợi dụng để kích động bất hoà dân tộc.
4. Quyền con người và quyền công dân
Những quy định chung chung giới hạn quyền con người, ví dụ như trong Khoản 2 Điều 15 hoặc Khoản 2 Điều 16 của Dự thảo sửa đổi, có thể  bị lạm dụng để vi phạm quyền con người. Chúng tôi đề nghị không thêm những Điều khoản giới hạn này vào Hiến pháp.
D – Những điều cần thay đổi trong Hiến pháp 1992
1. Về vị trí của kinh tế nhà nước
Chúng tôi tán thành việc Dự thảo sửa đổi đã bỏ Điều 19 của Hiến pháp 1992 về vị trí của kinh tế nhà nước.
2. Về sở hữu đất đai
Hiến pháp 1992 (Điều 17) và Dự thảo sửa đổi (Điều 58) vẫn khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, không thừa nhận các hình thức sở hữu khác. Thực tế cho thấy quy định này không phù hợp với quy luật của kinh tế thị trường; gây ra nhiều thất thoát, lãng phí, tham nhũng và dung túng cho việc chiếm đoạt đất dẫn đến mâu thuẫn xã hội, khiếu kiện tập thể, xung đột ngày càng gay gắt. Cuối cùng thì đất đai không còn là “sở hữu toàn dân” trên bất kỳ phương diện nào. Vì vậy, chúng tôi đề nghị công nhận trong Hiến pháp đa sở hữu về đất đai, bao gồm sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể và sở hữu cá nhân.
3. Về tài phán Hiến pháp
Điều 120 của Dự thảo về Hội đồng Hiến pháp là một điều khoản mới, đáng hoan nghênh. Để Hội đồng Hiến pháp có thực quyền, chúng tôi đề nghị triển khai Điều khoản này trong Hiến pháp để bao gồm những nội dung sau:
  • Hội đồng Hiến pháp có quyền phán quyết về tính hợp hiến của mọi văn bản quy phạm pháp luật cả trước và sau khi đã được các cơ quan nhà nước ban hành, và hành vi của công chức, viên chức;
  • Quy định cụ thể cơ cấu, quyền hạn, nhiệm vụ của Hội đồng Hiến pháp;
  • Quy định rõ tiêu chuẩn chọn lựa thành viên Hội đồng Hiến pháp (tương tự như tiêu chuẩn đối với các chức vụ Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Chánh án Toà án tối cao).
4. Về chính quyền địa phương
Đề nghị quy định trong Hiến pháp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân từ cấp quận, huyện trở xuống do cử tri trực tiếp bầu ra.
5. Về những thuật ngữ không rõ nghĩa
Đề nghị sửa hoặc bỏ những thuật ngữ không rõ nghĩa trong Hiến pháp, ví dụ “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, “nâng cao chất lượng dân số”.
E – Về Điều 4
Chúng tôi cho rằng việc bổ sung Điều 4 vào Hiến pháp 1980 nói về sự lãnh đạo của Đảng là không thực sự cần thiết, nhưng đã là một thực tế lịch sử. Chúng tôi cũng cho rằng trong hoàn cảnh hiện tại, việc bỏ Điều 4 có thể dẫn đến những hậu quả chưa thể lượng định đối với tiến trình phát triển trong ổn định của đất nước.
Trong thời điểm hiện tại, nếu giữ Điều 4, chúng tôi đề nghị bổ sung những ý sau đây: “sự lãnh đạo của Đảng là do nhân dân uỷ thác, có điều kiện và phải được nhân dân kiểm tra, giám sát; cơ chế kiểm tra, giám sát phải được pháp luật quy định”. Ngoài ra, chúng tôi thấy không cần đưa vào Hiến pháp các nội dung về tính giai cấp, nền tảng tư tưởng của Đảng vì những điều này thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều lệ Đảng.
F – Về hiệu lực thực tế của Hiến pháp
Hiến pháp chỉ có giá trị khi nó được thực sự tôn trọng và được áp dụng đúng. Nhiều điều khoản quan trọng của Hiến pháp 1992 đã không được thực hiện, không được giải thích một cách trung thành với tinh thần của Hiến pháp. Để góp phần vào việc khắc phục tình trạng này, chúng tôi đề nghị:
1. Tránh dùng cụm từ “theo quy định của pháp luật” ngay trong câu hiến định quyền của một chủ thể. Quyền của chủ thể cần được hiến định trong một câu độc lập. Một câu khác sẽ uỷ nhiệm  phương cách thực hiện quyền này cho luật. Ví dụ câu “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí theo quy định pháp luật” nên đổi thành “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Việc thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí theo luật định”.
2. Cùng với việc ban hành Hiến pháp mới, Quốc hội cần nhanh chóng xây dựng một số Luật như Luật về quyền tự do ngôn luận, lập hội, hội họp, biểu tình, đồng thời sửa đổi một số Luật, Bộ luật có nội dung không còn phù hợp như Luật đất đai, Luật bầu cử, Luật Báo chí. Việc sửa đổi Luật bầu cử cần theo hướng thực hiện quyền tự do bầu cử, ứng cử và vận động tranh cử của công dân.
Ký tên: Những người tham gia làm trang mạng Cùng Viết Hiến Pháp cùng ký vào văn bản này vào ngày 30/3/2013
Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, Nguyễn Anh Tuấn,
Nguyễn Ái Cần, Vũ Công Giao (Khương Duy), Trần Kiên, Bùi Đức Lại, Nguyễn Xuân Long,
Riêng GS. Nguyễn Đăng Dung là thành viên Ban biên tập của CVHP, đồng thời là thành viên Ban biên tập của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, không tham gia soạn văn bản này.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved