Home » » Mấy ghi chú về phông triết học của ký hiệu học Tartu

Mấy ghi chú về phông triết học của ký hiệu học Tartu

Written By kinhtehoc on Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012 | 07:29


Đằng sau văn bản: Mấy ghi chú về phông triết học của ký hiệu học Tartu

 | Filed under 2. Lý thuyết phê bình
M.Iu. Lotman
0.0. Trong bài báo này tôi muốn phân tích những khía cạnh cốt lõi nhất của hướng tiếp cận văn bản được hình thành từ các công trình nghiên cứu của cha tôi Giáo sư Đại học Tổng hợp Tartu, Iury Mikhailovich Lotman[1], hướng tiếp cận đã trở thành nền tảng của khuynh hướng được gọi là Trường phái ký hiệu học Tartu -Moskva.
Đặc điểm quan trọng nhất của Trường phái cấu trúc – ký hiệu học Tartu là nguyên tắc “lấy văn bản làm trung tâm”: không phải ngôn ngữ, không phải ký hiệu, không phải cặp đối lập nhị phân, cũng không phải các quy tắc cú pháp, mà văn bản mới là trung tâm của hệ thống khoa học này. Hiện đã có một khối lượng tương đối lớn các công trình nghiên cứu viết về Trường phái Tartu, phân tích  quá trình hình thành, lịch sử, và những quan điểm cơ bản của nó từ nhiều góc độ khác nhau[2]. Bài viết của tôi có đặc điểm thế này: tôi sẽ không nói tới các luận điểm về văn bản đã được phát biểu trong nhiều ấn phẩm, mà sẽ nói về các luận điểm hoặc là chưa được phát biểu, hoặc là được phát biểu chư thật đầy đủ. Nói cách khác, điều khiến tôi quan tâm không hẳn là các văn bản của Tartu về văn bản, mà chủ yếu là những gì còn ở bên ngoài và ở đằng sau các văn bản ấy.
0.1. Vẫn còn phải nói thêm một nhận xét sơ bộ. Phương pháp luận khoa học hiện đại yêu cầu phải định vị được vị thế của nhà nghiên cứu với đối tượng nghiên cứu của được ông ta. Với ý nghĩa như thế, quan điểm của tôi không chỉ có nhiều bất lợi (trước hết, về mặt tâm lý), mà còn có ưu thế không kém phần quan trọng. Một mặt, tôi có may mắn được làm người chứng kiến quá trình ra đời, hình thành và phát triển của các nền tảng lý thuyết và phương pháp luận cơ bản của Trường phái ký hiệu học Tartu. Quá trình trưởng thành của bản thân tôi với tư cách là một học giả gắn chặt với bối cảnh này: tôi không phải làm quen với ngôn ngữ của Trường phái Tartu, có thể nói, đó là tiếng “mẹ đẻ” của tôi. Mặt khác, ngay từ đầu, tôi đã có ý đồ vượt ra ngoài khu vực uy tín quá lớn của phụ mẫu song thân (từ bầu không khí miệt mài nghiên cứu khoa học nhân văn ở Tartu, tôi muốn đi sâu vào các lĩnh vực “chính xác” của lý luận thơ, ngôn ngữ học, điều khiển học), thậm chí, tôi còn chuyển từ Tartu về Tallin để tách khỏi họ thuần tuý về phương diện địa lý. Mặc dù sau này có một số công trình ký tên cùng cha tôi, nhưng đó không phải là kết quả nghiên cứu chung: từng phần do từng tác giả phụ trách đều được tách ra rõ rệt.
Tất cả những điều trên là tiền đề tạo nên hiệu quả “lập thể”: tôi sẽ cố gắng khảo sát vấn đề từ quan điểm bên trong kết hợp với quan bên ngoài.
1.0. Iu.M. Lotman chẳng những tỏ ra không mấy quan tâm tới việc xây đặt nền móng triết học và phương pháp luận cho các quan điểm của mình, mà ông còn cố gắng dấu kín các quan niệm ấy. Tất nhiên, ở một mức độ nảo đó, điều ấy còn gắn với áp lực tư tưởng hệ: cấu trúc luận của Trường phái Tartu rất khó ăn nhập với giáo lý mác-xit (Xem phần Nhập môn trong Các bài giảng về thi pháp học cấu trúc[3]). Nhưng dĩ nhiên vấn đề không chỉ là ở đấy, mà còn ở thái độ của của Iu.M.Lotman đối với triết học. Ông thấy cần thiết phải giới thuyết công trình nghiên cứu thể hiện tính triết học rõ nhất của mình bằng những lời thế này: “Không nên nghĩ phần trình bày vắn tắt với bạn đọc một số nguyên tắc nghiên cứu là phần có tham vọng nhắm tới ý nghĩa triết học. Tác giả cực kỳ xa lạ với những tham vọng như thế”[4].
Cần nhấn mạnh rằng, việc Iu.M.Lotman tạo ra một khoảng cách với triết học không có nghĩa ông thiếu am hiểu lĩnh vực này: Lotman rất tinh thông triết học nói chung, đặc biệt là triết học châu Âu thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, đồng thời, những công trình khoa học đầu tiên của ông không chỉ mang tính triết học thuần tuý, mà còn mang tính liên ngành, nằm ở ranh giới giữa các lĩnh vực nghiên cứu văn học, lịch sử và triết học. Nhưng ngay cả trong các công trình này, triết học vẫn chỉ là đối tượng chứ không phải là phương pháp nghiên cứu, ngay từ năm 1960, khi Iu.M.Lotman phát triển một hướng tiếp cận khoa học mang tính cách tân triệt để, ông hoàn toàn tránh xa các ám chỉ triết học. Và chỉ không bao lâu trước khi qua đời, ông mới dám đưa ra một số khái quát gần với diễn ngôn triết học.
2.0. Vào năm 1964, khi Những bài giảng về thi pháp học cấu trúc, công trình đặt nền tảng cho Trường phái Tartu xuất bản và, sau đó, các tập Những công nghiên cứu về hệ thống ký hiệu lần lượt ra đời, thì người ta thấy rõ ngay, không chỉ mình đám công chức triết học nửa mùa, mà ngay cả một số tác giả nghiêm túc cũng tiếp nhận chúng với thái độ thù địch. Về vấn để này, chỉ cần kể tên nhà triết học xô viết lớn nhất A.F.Losev, nhà ngữ văn học xô viết lớn nhất M.M.Bakhtin và nhiều tác giả gần cận với ông ấy, những người rất thận trọng – để không nói lời thù địch –  thể hiện thái độ với tư tưởng của trường phái ký hiệu học Tartu – Moskva[5], cũng đủ để thấy rõ, vấn đề hoàn toàn không đơn giản chỉ là ở cục diện chính trị[6]. Hướng  tiếp cận được trình bày trong Những bài giảng… về nguyên tắc không được khoa nhân văn học Nga truyền thống chấp nhận. Để hiểu lý do vì sao lại có sự khước từ như vậy, cần dừng lại một chút để phân tích đặc điểm của nó.
2.1. Tâm lý Nga nói chung, đặc biệt là nền văn hoá nhân văn, vốn quen tiếp nhận một cách thoải mái và sâu sắc những tư tưởng triết học lãng mạn Đức: Schelling, Fichte, mà trước hết là Hegel. Trong thời đại xô viết, chủ nghĩa Hegel với tư cách là “nguồn cội” của chủ nghĩa Mác đã trở thành một bộ phận của hệ tư tưởng chính thống, nhưng trước cách mạng, đa số các nhà tư tưởng có ít nhiều tiếng tăm ở Nga (chỉ có một thiểu số ngoại lệ: N.Fёdorov, V.Rozanov, P.Florenski, L.Sestov) đều tìm thấy – đôi khi rất bất ngờ – mối liên hệ sâu sắc với hệ thống của Hegel. Ở đây, sự khác biệt về chính trị chẳng hề có chút ý nghĩa quan trọng nào: chủ nghĩa Hegel trở thành bộ phận hợp thành hữu cơ trong thế giới quan của cả phái sùng Slavơ lẫn phái sùng phương Tây, của cả các nhà tư tưởng tôn giáo lẫn các nhà vô thần luận, cả các nhà cách mạng lẫn cánh phản động. Thậm chí, có thể khẳng định, không ở đâu (kể cả ở Đức), sự đam mê Hegel lại mang tính toàn thể giống như ở nước Nga. Cái sự thật tự nó rất đáng chú ý kia có ý nghĩa cực kỳ quan trọng khi đặt trên cái nền hoàn toàn chối bỏ một nhà triết học Đức vĩ đại khác: Kant. “Tư tưởng Nga mắc phải chứng dị ứng kỳ lạ với triết học Kant”,- A.V.Akhutin đã tuyên bố như thế trong một bài tiểu phẩm có nhan đề đặc biệt: Minh triết và quỷ sứ (Ở đâu có Minh triết, ở đó có tư tưởng triết học Nga, ở đâu có quỷ sứ, tất nhiên, ở đó có Kant)[7]. Không thể nói rằng ở Nga, người ta không nhận ra các tư tưởng của Kant, nhưng từ thổ nhưỡng của Nga, việc giải thích các tư tưởng của Kant bao giờ cũng chuyển vấn đề nhận thức luận sang lãnh địa của bản thể luận. Có lần, O.Mandelstam phát hiện ra rằng thơ Nga đã bị Ariosto và Tasso đầu độc do chưa nhận được phát tiêm chủng phòng ngừa của Dante. Phỏng theo cách diễn đạt của Mandelstam, có thể nói, tai hoạ của triết học Nga là ở chỗ, do không được đào tạo sơ bộ trong trường học của Kant, nên nó bị rơi vào pháp thuật của Hegel[8].
Iu.M.Lotman là tín đồ của chủ nghĩa Kant[9]. Mặc dù rất hiếm khi có thể bắt gặp trong các công trình của Lotman những trích dẫn rút từ tư tưởng và trước tác của Kant (những trích dẫn quan trọng được giữ lại trong các công trình ở giai đoạn cuối đời), nhưng trong rất nhiều năm, Kant là người đối thoại thường xuyên, và trong các bài giảng của Iu.M.Lotman tên tuổi của Kant được nhắc đến nhiều hơn rất nhiều so với các văn bản viết của ông. Nhưng vấn đề cũng không chỉ đơn giản như vậy. Bản thân cơ sở kiến tạo của trường phái Tartu đã thể hiện rõ nét nền móng triết học Kant.
3.0. Tôi chỉ phân tích một thí dụ về sự tác động sâu sắc bởi những tư tưởng của Kant tới quá trình hình thành hệ hình chủ nghĩa cấu trúc Tartu. Sẽ không thể hiểu một cách chính xác phạm trù trung tâm – văn bản – nếu đặt nó bên ngoài trường tri thức  của chủ nghĩa Kant. Văn bản chính là “vật tự nó” (Ding an sich). Nên nhớ, quan niệm “vật tự nó” của Kant có tầm quan trọng chung đối với sự hình thành hệ thống phương pháp luận của các công trình nghiên cứu điều khiển học từ đầu những năm 1950 đến hết những năm 1960. Để nghiên cứu hệ thống phức tạp này, người ta đã sáng chế ra phương pháp “hộp đen”: chúng ta biết được cái gì đang đi qua lối vào hệ thống và sẽ nhận được cái gì ở lối ra, nhưng hoàn toàn không thể nhìn vào phía bên trong của nó[10]. Những kiến tạo tương tự như thế là rất phổ biến trong các công trình nghiên cứu cấu trúc – ký hiệu học. Xin đối chiếu các mô hình NGHĨA ↔ VĂN BẢN (I.Melsuk) trong ngôn ngữ học và CHỦ ĐỀ ↔ VĂN BẢN (A.Zonkovski và Iu.Seglov) trong thi pháp học. Chẳng hạn, với  mô hình NGHĨA ↔ VĂN BẢN, người ta giả định rằng, ngôn ngữ tự nhiên là một “hộp đen”, ở lối vào, các nghĩa được đưa qua, còn ở lối ra, sẽ nhận được những văn bản tương đương với các nghĩa ấy.
Toàn bộ những kiến tạo nói trên trong ngôn ngữ học và thi pháp học cấu trúc cần được tiếp nhận trên cái nền hệ hình Saussure – (tân) Platon: ngôn ngữ (langue) là cái gì có tính thứ nhất và tuyệt đối (tư tưởng của Platon), trong khi đó, lời nói(parole) chỉ là sự phản ánh chưa hoàn hảo, là cái bóng của ngôn ngữ. Văn bản chính là một dạng riêng lẻ của lời nói. Diễn giải vấn đề theo kiểu điều khiển học, theo đó, tương quan ngôn ngữ/lời nói là tương quan giữa mã (code) và thông tin(message) chỉ lưu giữ cái thoáng chốc của văn bản trong tương quan với ngôn ngữ[11]. Chủ nghĩa cấu trúc khác biệt với các khuynh hướng ngôn ngữ học xuất hiện trước nó không hẳn là ở những tư tưởng và phương pháp mới, mà chủ yếu là ở sự thay đổi đối tượng nghiên cứu. Với nhà cấu trúc luận, ngôn ngữ hoàn toàn không phải là cái giống như cánh cú pháp học trẻ vẫn quan niệm. Chủ nghĩa cấu trúc tựa như trút bỏ tất cả những gì thừa thãi để dọn sạch đấu trường nghiên cứu cho mình.
3.1. Một trong những cách ngôn rút từ Kinh Thánh mà Iu.M.Lotman yêu thích là: “Hòn đá mà những người thợ xây bỏ đi đã thành vật đắc dụng”(Ps.118,22)[12]. Văn bản là “hòn đá vứt đi” của chủ nghĩa cấu trúc; Iu.M.Lotman đã biến nó thành hòn đá thử vàng của Trường phái Tartu. Khác với cấu trúc luận cổ điển, trong quan niệm của trường phái Tartu, văn bản không phải là một thực tại trực tiếp nào đấy, mà, cũng giống như ngôn ngữ, là vấn đề, là “hộp đen”, là “vật tự nó”. Văn bản mang tính nội tại tuyệt đối trong tương quan với hiện thực ngoài văn bản, chúng tồn tại trong quan hệ bổ sung lẫn nhau. Văn bản, đó là một cấu trúc khép kín và độc lập, nó chính là như thế và cần được nghiên cứu như thế. Những yếu tố riêng lẻ của cấu trúc này không có giá trị độc lập; giá trị của chúng (valeur của Saussure) do một tập hợp các chức năng cấu trúc quy định. Vì thế mà các công trình ra đời vào những năm 1960 đặc biệt chú trọng tới việc nghiên cứu hệ thống phương pháp luận phân tích nội tại văn bản (phương pháp các đối lập ngữ nghĩa)[13]. Đây cũng là nguồn cội tạo nên sự hoài nghi nào đó đối với lĩnh vực liên văn bản: vì mỗi yếu tố cấu trúc của văn bản có đặc điểm của vị trí của nó trong cấu trúc ấy, nên sự tương đồng (hoặc thậm chí đồng nhất) vật liệu giữa các mảnh khác nhau của văn bản chỉ có ý nghĩa không đáng kể[14].
3.2. Tuy nhiên, quan niệm về tính nội tại tuyệt đối của văn bản chẳng những không loại trừ vấn đề về mối liên hệ giữa văn bản với hiện thực ngoài văn bản, mà còn khiến cho vấn đề ấy trở thành cấp thiết đặc biệt. Bản thân Những bài giảng về thi pháp học cấu trúc đã được khép lại bằng một mục rất dày dặn bàn về các mối liên hệ ngoài văn bản, mục này không tổng kết lại những gì đã nói ở các chương trước, mà chỉ ra hướng mở của những công trình nghiên cứu sau này.
3.2.1. Điều phải xét lại đầu tiên là mối quan hệ giữa ngôn ngữ và lời nói (văn bản), một quan hệ có tính nền móng với chủ nghĩa cấu trúc. Từ quan điểm cấu trúc luận của Trường phái Tartu, không thể nói về sự chính yếu, tính ưu trội của ngôn ngữ đối với lời nói, chẳng những thế, nhìn chung, không thể nói về ngôn ngữ và lời nói theo kiểu tách rời chúng với nhau. Chẳng những thế, ở đây còn có một cái gì đó hoàn toàn khác với cặp đối lập ngữ vị học (mà rốt cuộc là đối lập Aristotle) giữa hình thức và bản thể được nối kết với nhau bởi một quan hệ chính phụ. Về vấn đề này, với Iu.M.Lotman, khía cạnh năng động của vấn đề mới có ý nghĩa quan trọng[15]: sự sản sinh ra văn bản không phải là sự hiện thực hoá một cách tự động tiềm năng ngôn ngữ, mà là một sự phiên dịch; hiệu thế năng động giữa ngôn ngữ và văn bản là một trong những nguồn mạch tiến triển của hệ thống ký hiệu học.
3.2.2. Vấn đề cần xét lại tiếp theo là sơ đồ giao tiếp của Jakobson[16], trong đó, ngôn ngữ và văn bản hoạt động với tư cách là hai trong số sáu thành tố:
                 Mã (Ngôn ngữ)
        Thông tin (Văn bản)
                   Người phát…………………………Người nhận
                  Ngữ cảnh
                  Sự tiếp xúc
Theo R.Jakobson, người phát diễn đạt thông tin nhờ sự trợ giúp của ngôn ngữ và có tính đến ngữ cảnh, anh ta chuyển thông tin ấy cho người nhận qua kênh tiếp xúc. Theo Iu.M.Lotman, hành vi giao tiếp nói chung không phải là sự chuyển giao một thông tin có sẵn – không phải chỉ vì  trước và ngoài văn bản, ngôn ngữ chẳng có khả năng làm như thế – điều này cũng đúng với mọi thành tố còn lại của sơ đồ Jakobson. Ngữ cảnh là cái cùng với – văn bản (nối kết với – văn bản), nó không thể tồn tại trước văn bản, văn bản phụ thuộc vào ngữ cảnh và ngữ cảnh phụ thuộc vào văn bản với cùng một mức độ như nhau. Hành vi giao tiếp là hành vi phiên dịch, hành vi biến đổi: văn bản biến đổi ngôn ngữ biến đổi người nhận[17], xác lập sự tiếp xúc giữa người gửi và người nhận, làm biến đổi bản thân người gửi. Chẳng những thế, bản thân văn bản cũng tự biến đổi, không còn đồng nhất với bản thân nó.
4.0. Nếu các nguyên lý khởi điểm hình thành vào những năm 1960 của Trường phái Tartu gắn với trạng thái tĩnh của các hệ thống ký hiệu học được kiến lập trên nền móng của triết học Kant, thì sự phát triển các nguyên lý ấy vào những năm 1970 với việc chuyển trọng tâm vào sự năng động lại có các cơ sở triết học hoàn toàn khác. Quan niệm, theo đó văn bản không bao giờ đồng nhất với bản thân – bởi khi nhập vào những quan hệ mới ngoài văn bản (ví như trong quá trình giao tiếp), cấu trúc của nó thường xuyên bị phức tạp hoá, còn ngữ nghĩa thì đa dạng hoá – buộc người ta phải nghĩ tới Thần ngôn (“logos”.- ND.) tự phát triển ở Héraclite. Ở đây, tôi muốn thử đưa ra một đối sánh tuy rất ít hiệu quả, nhưng không kém phần quan trọng: đối sánh với các tư tưởng của F. Schiller và W. Humboldt[18].
Iu.M.Lotman xem F. Schiller – theo tôi có đôi chút phóng đại – là nhà tư tưởng kiệt xuất, người đã bổ sung và phát triển một cách cơ bản hệ thống của Kant bằng cách đưa vào đó một chiều kích bổ trợ: tự do và hai phạm trù gắn vơi nó là sự năng động và sáng tạo. Theo Iu.M.Lotman, với điều đó, F. Schiller đã tạo ra tiền đề để khắc phục cặp đối lập chủ thể và khách thể – tức là khắc phục lời nguyền của nhận thức luận châu Âu.  “Vật tự nó” hoá ra chan chứa sự tự do sáng tạo.
Trong lĩnh vực khoa học nhân văn thuần tuý, W. Humboldt cũng đề xướng những tư tưởng tương tự như thế khi ông phân biệt ngôn ngữ như một sản phẩm hoàn bị (εργον)  và như một sức mạnh sáng tạo (ενεργεια). Cấu trúc luận truyền thống thường diễn giải quan niệm của W. Humboldt thế này: lời nói (văn bản) ăn khớp với công việc, còn ngôn ngữ ăn khớp với năng lượng; căn nguyên sáng tạo của hoạt động ngôn ngữ (langage của Saussure) là cái tụ kết trong ngôn ngữ. Tư tưởng này của W.Humboldt có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngữ pháp học sinh sản, N.Chomsky đã dựa vào đó để phê phán chủ nghĩa cấu trúc.
4.1. Sự độc đáo trong hướng tiếp cận của Iu.M.Lotman nằm ở chỗ, với ông,ενεργεια trước hết là thuộc tính vốn có của văn bản, chứ không phải của ngôn ngữ. Thoạt nhìn, tư tưởng rất xa lạ này tựa như tìm thấy đường song hành trong mỹ học của Pavel Florenski, một trong số tư tưởng gia người Nga tuyệt vời nhất hồi đầu thế kỷ XX. P.Florenski nhấn mạnh rằng, tác phẩm nghệ thuật (tức là văn bản nghệ thuật) đồng thời vừa là εργον, vừa là ενεργεια. Chẳng hạn, bức tranh thánh treo trong bảo tàng là εργον, một vật, là vật chết giống như tác phẩm nghệ thuật, nhưng đem treo trong nhà thờ thì nó lại là ενεργεια. Từ đây, P.Florenski đưa ra kết luận về sự cần thiết phải xây dựng những bảo tàng kiểu mới: cần phải thay thế những bảo tàng chỉ trưng bày các bộ sưu tập εργον bằng những viện bảo tàng có khả năng tự phát triển năng lượng của các tác phẩm nghệ thuật[19]. Từ quan điểm cấu trúc luận của trường phái Tartu, sự khác nhau giữa bức tranh thánh trong bảo tàng và trong nhà thờ nằm ở chỗ, trong bảo tàng, nó được đặt vào một ngữ cảnh mà với nó là vô hạn định, ngữ cảnh ấy cắt đứt mọi mối liên hệ ngoài văn bản cần thiết cho sự hoạt động bình thường của nó. Nhưng bảo rằng, tranh thánh trong bảo tàng chỉ là vật chết thì cũng quá đơn giản: về cơ bản, văn bản tự nó không tạo ra ngữ cảnh của mình; nó có khả năng làm tái sinh những mối liên hệ ngoài văn bản đã bị tổn thất, tạo ra những mối liên hệ mới thay thế cho những liên hệ đã mất. Tranh thánh trong nhà thờ và trong bảo tàng dĩ nhiên có cuộc đời khác nhau, và sự khác nhau về chức năng sẽ dẫn tới sự khác biệt về cấu trúc, nhưng chỉ có thể nói về cái chết của một tác phẩm nghệ thuật, khi sự huỷ hoại hoàn toàn về phương diện lý học của nó dẫn tới sự huỷ hoại hoàn toàn của nó trong ký ức văn hoá. Chẳng hạn, chương X trongEvgheni Oneghin của Pushkin đã bị cháy vẫn tiếp tục sống trong ký ức văn hoá Nga bằng cách tạo ra những dấu hiệu của một sự sống nhiều khi rất buồn cười.
5.0. Những ghi chú lướt qua của chúng tôi không kỳ vọng đạt tới sự đầy đủ và tính hệ thống. Chúng nhắm tới một mục đích khác: đặt hệ hình quan niệm của Trường phái Tartu vào một viễn tượng triết học nào đó. Sở dĩ việc xác định viễn tượng ấy trở thành công việc không hề đơn giản là do thái độ đối với triết học của người đặt nền móng cho trường phái ấy. Trong những cuộc trò chuyện tâm tình, ông thường quả quyết, trong thời đại của chúng ta, triết học chuyên nghiệp là cái đã lỗi thời (ấy là ông nói về triết học phương Tây, còn nói về triết học xô viết, chỉ là trò vô nghĩa). Nhà triết học chuyên nghiệp, theo cách diễn đạt của ông, là một miệng ăn gia vị chuyên nghiệp. Thời đại của triết học tư biện đã qua, đồ gia vị cần phải cho vào món ăn chính. Về phương diện tri thức khoa học, điều đó có nghĩa, không phải lâu đài khoa học cần được xây dựng trên một nền tảng triết học nào đó có sẵn từ trước, mà ngược lại, triết học của khoa học cần phải là sự khái quát các kết quả đã thu nhận được.
Lã Nguyên dịch
Nguồn:  Лотмановский сборник 1. М., 1995. С. 214–222


[1] Iu.M.Lotman có 3 con trai. Lotman Mikhain Iurevich (sinh năm 1952), tác giả bài báo này, là trai trưởng, hiện là Giáo sư ký hiệu học và nghiên cứu văn học của Đại học Tổng hợp Tallin, sau đó, Lotman Grigori Iurevich (sinh năm 1953), trai thứ, là hoạ sỹ và Lotman Aleksei Iurevich (sinh năm 1960), trai út, là nhà sinh vật học.-ND.
[2] Chỉ xin kể ra đây 2 chuyên luận: Shukman A. Literature and Semiotics: A Study of the Writings of Yu. M. Lotman. Amsterdam u.a., 1977; Grzybek P.Studien zum Zeichenbegriff der sowjetischen Semiotik (Moskauer und Tartuer Schule). Bochum, 1989.
[3] Lotman Iu.M. Các bài giảng về thi pháp học cấu trúc. Q.1: (Dẫn luận. Lý luận câu thơ)[Ghi chép học thuật Tổng hợp Quốc gia Tartu, 1964. Q.160 (= Các công trình nghiên cứu về hệ thống ký hiệu I)].
[4] Lotman Iu.M.- Văn hoá như chủ thể và bản thân nó là khách thể của mình// Wiener Slawistischer Almanach. 1989. Bd. 23. S. 187-197.
[5] Bakhtin tỏ thái độ bao dung với những ấn phẩm đầu tiên của Tartu, nhưng về sau, chủ yếu do bị ảnh hưởng bởi những người gần cận, ông đã xét lại quan điểm của mình. Ngược lại, Trường phái Tartu trước sau bao giờ cũng đánh giá cao Bakhtin, bằng chứng là: Quyển IV Những công trình nghiên cứu về các hệ thống ký hiệu được dành tặng Bakhtin. Trên các ấn phẩm của Tartu chỉ có một lần duy nhất đăng tải một bài phê bình tư tưởng của Bakhtin: bài báo ngắn của M.L.Gasparov, trong đó Gasparov không hẳn là chống lại bản thân Bakhtin, mà chủ yếu chống lại đám môn đệ của ông (Xem: Gasparov M.L.-М. М. Bakhtin trong văn hoá Nga thế kỷ XX // Các hệ thống mô hình hoá thứ sinh. Тарту, 1979. Tr.. 111–114
[6] Dù thời trẻ, cả Losev lẫn Bakhtin đều đánh giả chủ nghĩa Mác một cách xứng đáng, nhưng vào những năm 60 – 70 họ được xem, nếu không phải là những phần tử đối lập, thì chí ít cũng là các nhân vật thay thế khoa học nửa mùa.
[7] A.V.Akhutin hiểu rõ mình viết điều gì: dù tỏ ra có ý định xem xét vấn đề một cách khác quan, bài tiểu luận của ông cũng mắc chứng bệnh ấy rất nặng. Trước A.v.Akhutin, ngay trong thời gian Thế chiến I, nhà triết học theo phái tân Slavo là V.Erne đã trút vào Kant cả một bản cáo trạng cực kỳ gay gắt trong bài văn công kích có tiêu đề chống lại nước Đức: Từ Kant đến Krupp.
[8] Điều chúng tôi nói ở đây cố nhiên là có sự đơn giản hoá: ông tổ triết học của Nga V.S.Soloviёv chính là người đã được đào tạo từ triết học Kant, có thể nhận ra âm vang đầy sống động của triết học Kant trong văn hoá Nga (ví như trong trước tác của P.Florenski). Nhưng chính cách thức thảo luận về các tư tưởng của Kant lại nói lên sự bất cập trong việc tiếp nhận các tư tưởng ấy: tranh luận về các mệnh đề bắt buộc, đó là một chuyện, nhưng phân tích theo tinh thần phê phán các nền móng của tri thức triết học, lại là chuyện hoàn toàn khác. Vấn đề khoa học luận trong triết học Kant được tiếp nhận ở Nga bằng chiếc chìa khoá bản thể luận.
[9] Ý đồ trình bày triết học Platon như là nền móng ký hiệu học Lotman tạo ra ấn tượng kỳ lạ: Vetik R. Platonism of J. Lotman // Semiotika. 1994. Vol. 99. № 1/2.
[10] Xem: Ashby W.R.- Nhập môn điều khiển học. M.,1959.
[11] Cũng cần phải nhắc tới ý đồ của L.Elmslev trong việc xây dựng hệ thống phương pháp luận cho chủ nghĩa cấu trúc dựa trên nền tảng triết học Aristotle, chứ không phải trên nền tảng triết học Platon.
[12] Iu.M.Lotman thường thích trích câu cách ngôn này từ bản Phúc âm từ Hình thức, vì cách diễn đạt ở đây mạnh mẽ hơn: “Hãy chỉ cho ta hòn đã mà những người thợ xây bỏ đi! Nó chính là hòn đá thử vàng”.
[13] Cần chỉ ra sự khác nhau cơ bản giữa phương pháp kiến lập các dẫy đối lập trong các công trình của Iu.M.Lotman với Trường phái Prague, và ở mức độ thấp hơn, với C. Levi-Strauss: các đối lập âm vị học và hình thái học ở Trường phái Prague và các đối lập ngữ nghĩa ở Levi-Strauss phục vụ cho việc mô tả ngôn ngữ chứ không phục vụ cho việc mô tả văn bản.
[14] Trong các công trình nghiên cứu ra đời sau Những bài giảng về thi pháp học cấu trúc, Iu.M.Lotman ngày càng chú ý nhiều hơn tới cái mà trong Những bài giảng…được gọi là “những mối liên hệ ngoài văn bản”. Hơn nữa, những mối liên hệ này được khảo sát không phải trong các thuật ngữ thông tin giữa các văn bản riêng lẻ, hoặc càng không phải giữa các mảnh của chúng, mà như các mối liên hệ cấu trúc trong không gian chung của một nền văn hoá được xem như một chỉnh thể. Những khái quát tiếp theo của hướng tiếp cận này dẫn tới sự hình thành quan niệm về ký hiệu quyển.
[15] Tính năng động của hệ thống ký hiệu là một trong những khái niệm chìa khoá của Trường phái Tartu, nó bổ khuyết về cơ bản cặp đối lập đồng đại và lịch đại của Saussure (ở mặt này, cũng như nhiều bình diện khác, có thể nhận ra mối liên hệ rõ rệt giữa Trường phái Tartu với Nhóm Ngôn ngữ Prague và những công trình cuối đời của R.O.Jakobson). Trong quan niệm của Iu.M.Lotman, tính năng động gần như đã dự đoán trước những tư tưởng của ngữ pháp học sinh sản mới ra đời hồi đó, đôi khi, nó nhằm tranh biện, chống lại những tư tưởng của N.Chomsky, tác giả của thuyết ngữ pháp học sinh sản mà theo Iu.M.Lotman chẳng có liên hệ gì với tính năng động đích thực.
[16] Jakobson R. – Closing statement on linguistics and poetics // Sebeok T. (ed.). Style in language. Cambridge (Mass.), 1960
[17] Xem: Lotman Iu.M.- Văn bản và cấu trúc cử toạ// Ghi chép học thuật Tổng hợp Quốc gia Tartu. 1977, Q.422, tr.55-61.
[18] Như tôi biết thì Iu.M.Lotman nói chung không nhắc tới W. Humboldt như một nhà triết học. Nhưng cũng nên nhớ rằng, W. Humboldt vừa ảnh hưởng trực tiếp tới tư tưởng triết học Nga, vừa ảnh hưởng gián tiếp qua A.A.Potebnhia.
[19] Các công trình và tư tưởng của P.Florenski rất gần gũi với Trường phái Tartu, và không phải ngẫu nhiên, một số công trình cực kỳ quan trọng của ông đã được xuất bản lần đầu ngay trong các ấn phẩm ký hiệu học của Tartu. Phải chỉ ra rằng, bên cạnh các nhà tư tưởng Nga đầu thế kỷ XX, P.Floren đứng riêng ra một chỗ tương đối biệt lập. Cả các nhà vô thần mác xít lẫn các tác giả của giáo hội (G.Florovski và V.Zenkovski) cùng phê phán quan điểm của ông. Tôi cho rằng, tư tưởng theo tinh thần triết học Kant ở ông là nguyên nhân khiến ông không được chấp nhận. Dù P.Florenski hoàn toàn không tiếp nhận nhiều tư tưởng của Kant, nhưng phương pháp luận trong cuốn Trụ cột và sự khẳng định chân lý của ông luôn luôn giữ vững tinh thần triết học phê phán của Kant.
Bản dịch giả gửi phebinhvanhoc.com.vn
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved