Home » » TRIẾT HỌC TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

TRIẾT HỌC TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Written By kinhtehoc on Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012 | 04:30


BS Hồ Hải

Bài viết riêng tặng cho con trai và tất cả các bạn trẻ Việt đang đi theo con đường khoa học trong mọi lĩnh vực.

Đúng ra bài này không có trong dự tính của tôi. Nhưng nhờ TS Vũ Thị Phương Anh vào bàn luận trong bài này, nên nó giúp tôi có ý tưởng viết để cho các bạn nào chưa thấy tầm quan trọng của triết học như định nghĩa của nó. Hòng giúp cho những người làm khoa học biết nghiên cứu khoa học hơn và biết nhìn một công trình nghiên cứu khoa học nào có giá trị và công trình nào không có giá trị. Hiểu theo nghĩa triết học thì một công trình nghiên cứu khoa học là một công trình triết học. Nó có nhiệm vụ đi tìm bản thể luận của vấn đề nghiên cứu và sau đó sử dụng phương pháp luận (trong nghiên cứu gọi là phương pháp nghiên cứu) để đi tìm ra nhận thức luận của vấn đề được nghiên cứu.
Chúng ta hãy quay lại định nghĩa của nghiên cứu khoa học(NCKH) là gì? NCKH là một hoạt động tìm kiếm, xem xét, điều tra, thử nghiệm. Dựa trên những số liệu, tài liệu, kiến thức etc... đạt được từ các thí nghiệm nghiên cứu khoa học để phát hiện ra những cái mới về bản chất của sự vật của thế giới tự nhiên và xã hôị, nhằm sáng tạo ra phương pháp và phương tiện kỹ thuật mới hơn, cao hơn và giá trị hơn để thay thế dần cái cũ hơn, lạc hậu hơn và ít hiệu quả hơn.Ví dụ: khi nhà nước Việt Nam quyết định cỡi trói kinh tế có chỉ huy, một thành phần, bao cấp để thực hiện kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa, thì chứng tỏ kinh tế bao cấp, có chỉ huy của chính trị là không bằng kinh tế thị trường. Nhưng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là kinh tế nhiều thành phần có chỉ huy của chính trị là tốt hơn hay xấu hơn kinh tế thị trường theo qui luật cung cầu thì nhà nước Việt Nam vẫn xem là một mô hình mới, chưa từng có ở đâu trên thế giới và vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Tức là đang thực hiện một cuộc nghiên cứu về khoa học xã hội trên hơn 86 triệu dân Việt với một điều chưa biết, chưa rõ là nó tốt hơn hay xấu hơn, như trong một bài viết của tôi.
Bao giờ cũng vậy, một công trình nghiên cứu chuẩn gồm những công đoạn:
1. Đặt vấn đề, trong đặt vấn đề luôn có mục đích và mục tiêu nghiên cứu.
2. Phương pháp nghiên cứu, luôn có thiết kế nghiên cứu và phương pháp toán học cho nghiên cứu.
3. Kết quả.
4. Bàn luận.
5. Kết luận.
Dĩ nhiên để có 5 công đoạn trên của một công trình nghiên cứu khoa học chuẩn bao giờ người làm nghiên cứu cũng có cái tên của đề tài nghiên cứu. Tên đề tài nghiên cứu, tôi không nhắc ra ở đây, nhưng nó là cái quan trọng, nó nói lên tất cả bản thể luận và nhận thức luận của một công trình. Một người hiểu biết nghiên cứu thấu đáo, đã từng làm nghiên cứu chuẩn, chỉ cần đọc tên một đề tài có thể hiểu đề tài có giá trị hay không! Tôi muốn lưu ý tên đề tài nghiên cứu trước khi đi vào phân tích triết học trong nghiên cứu khoa học là ở điểm mấu chốt này.
Thế thì bản thể luận (ontology) trong một công trình nghiên cứu là ở đâu? Xin nhắc lại, bản thể luận là đi tìm bản chất của sự tồn tại. Ở đây, một công trình nghiên cứu chuẩn luôn có mục đích và mục tiêu nghiên cứu. Chính mục đích và mục tiêu nghiên cứu là bản thể luận của nghiên cứu khoa học. Vì 2 lẽ sau đây:
1. Mục đích nghiên cứu là nhằm trả lời 3 câu hỏi: tại sao phải làm? làm vì nhằm vào việc gì? để phục vụ cho điều gì?
2. Mục tiêu nghiên cứu là để trả lời câu hỏi: làm cái gì?
Cả 2 lẽ trên là đi tìm bản thể luận của vấn đề cần nghiên cứu. Khi một công trình nghiên cứu chuẩn luôn đặt ra vấn đề đi tìm bản chất của sự vật, hiện tượng đang tồn tại được đưa vào nghiên cứu. Nếu một công trình nghiên cứu mà vấn để được đặt ra không giải quyết được bản thể luận hay còn gọi là cái bản chất của một sự vật, hiện tượng đang còn những tồn tại bất cập hay chưa hiểu biết thì công trình nghiên cứu đó chưa chuẩn.
Và như vậy phương pháp luận của một công trình nghiên cứu là phương pháp nghiên cứu (Methodology). Sau khi đã đặt ra những vấn đề còn tồn tại (mục đích nghiên cứu) và đưa là những công việc phải đi tìm bản chất của sự tồn tại (mục tiêu nghiên cứu) thì người ta tiếp tục đưa là phương pháp luận triết học để giải quyết và đi tìm bản chất của vấn đề còn tồn tại. Tức đi giải quyết bản thể luận của vấn đề. Nó nằm ở phần thứ 2 của một công trình nghiên cứu, đó là phương pháp nghiên cứu. Mỗi đề tài nghiên cứu thuộc loại nào, đều có sự tương ứng với một phương pháp nghiên cứu cho nó. Nếu công trình nghiên cứu đặt ra bản thể luận A mà dùng phương pháp nghiên cứu không tương ứng với A, lại tương ứng với B là một công trình nghiên cứu không chuẩn và kết quả của nó sẽ không có tính ứng dụng vào thực tiễn. Một cách tổng quát, tôi tâm đắc với TS Nguyễn Văn Tuấn trong bài viết này.
Bước thứ ba trong công trình nghiên cứu chuẩn là bước dùng hiện tượng học (Phenomenology) để ghi nhận những hiện tượng và sự vật để cho ra kết quả của nghiên cứu mà mẫu nghiên cứu đã được thiết kế trong phương pháp nghiên cứu. Lúc này vai trò của hiện tượng học trong triết học đóng vai trò quan trọng. Mọi ghi nhận trung thực, khách quan mà không theo kiểu chủ quan và chủ nghĩa kinh nghiêm của hiện tượng học đều đóng vai trò rất quan trọng cho quá trình thu thập dữ liệu cho một công trình nghiên cứu chuẩn. Cho nên hai trong những đức tính tối quan trọng cho một người làm khoa học là luôn khách quan và trung thực.
Phần bàn luận là phần làm rõ hơn vài trò của phương pháp luận, để tìm ra những cái đúng, sai, tốt xấu etc... của vấn đề nghiên cứu để đi đến kết luận. Lúc này có sự kết hợp giữa phương pháp khoa học (Methodology) theo phép biện chứng (Dialectics) và nhận thức luận (epistemology) cho vấn đề để bàn luận tìm ra những nhận thức nào cần, những nhận thức nào của nghiên cứu không cần. Để cuối cùng đưa ra những kết luận cuối cùng tương ứng với phần đặt vấn đề của một công trình nghiên cứu.
Như vậy, kết luận của một nghiên cứu là giải đáp vấn đề nhận thức luận của vấn đề cần nghiên cứu. Nó giải đáp bản chất, nguồn gốc và phạm vi hiểu biết của vấn đề còn tồn tại. Hay nói cách khác là nó tìm ra câu trả lời cho bản thể luận còn đang chưa được khai phá, kiểm chứng ... để đưa ra bản chất của vấn đề nghiên cứu sẽ có giá trị mới hơn, cao hơn và có giá trị hơn cái cũ để áp dụng vào cuộc sống sinh động bằng sự phát triễn kỹ thuật cho tự nhiên hoặc một học thuyết mới phù hợp với xã hôị đang cần.
Qua đó, ta thấy rằng: Như ví dụ tôi đã nêu ở đầu bài viết, nếu nhà nước Việt nam có những công trình nghiên cứu một cách toàn diện, chuẩn cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì nhà nước Việt Nam trước hết phải xác định rõ 3 vấn đề cho nền kinh tế này là:
1. Có định nghĩa rõ ràng về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là gì?
2. Bản thể luận của nó là gì?
3. Và cuối cùng là đi tìm nhận thức luận của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để đưa ra những qui luật, học thuyết phù hợp với tình hình xã hội. Nếu không, chúng ta như thầy bói mù sờ voi và tổ quốc, dân tộc sẽ là vật thí nghiệm của những trò chơi chính trị.
Hy vọng bài viết ngắn này sẽ giúp cho các bạn trẻ là sinh viên triết học, kinh tế học, giáo dục, y tế, sinh học, toán học, vật lý học, hóa học, giao thông vận tải, cơ khí, hàng hải, nông, ngư, lâm nghiệp etc..... làm nền tảng để tìm ra những bản thể luận đang tồn tại trong chuyên ngành mình và tìm ra được nhận thức luận để đưa từng ngành nghề tốt hơn, phù hợp hơn cho tổ quốc và dân tộc trong tương lai gần. Hy vọng lắm, các bạn có gì hỏi và chưa rõ cứ hỏi. Một nhà khoa học là một người trung thực, khách quan, không sợ dốt và giấu dốt, vì biển học là vô bờ. Nên tôi cũng mong các bạn nào hiểu biết hơn đóng góp cho tôi bài viết này hoàn thiện hơn, tôi cảm ơn nhiều.

Cuối tuần vui vẻ,


Asia Clinic, 13h45' ngày 13/12/2009
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved