Home » » Chơi với cây của những mùa xuân cũ

Chơi với cây của những mùa xuân cũ

Written By kinhtehoc on Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2012 | 00:58

Chơi với cây của những mùa xuân cũ
Nhã Thuyên


Minh họa: Lê Thiết Cương

Sau ngày 23 tháng Chạp hằng năm, khi tiễn cá Chép ra sông để ông Táo về trời là lúc cha tôi bắt đầu lo việc đưa cây cối vào nhà đón Tết.

Cha tôi chuẩn bị đào từ rất sớm, bằng việc đặt những người trồng đào quen, bưng cả một cây đào về, hay một ai đó có ý tặng cha tôi từ sớm, khi nụ đào vẫn còn ủ kĩ trong vỏ gỗ thâm nâu, mới nhìn, tôi thường không khỏi cảm giác thất vọng. Trông nó thật kì cục và đơn điệu, vẻ đẹp của nó còn ngủ trong thân cây, màu hồng đào còn ngủ trong màu nâu như đất, và tôi cần phải biết chờ đợi để được thưởng thức nó. Tôi tỉ mẩn ngồi cắt, xé giấy đỏ cùng cha tôi, bọc quanh chậu và cũng nhất định muốn dự phần vào việc chuyển cây đào vào nhà, xê xích vị trí này, vị trí khác, để chọn lấy một không gian đẹp nhất. Tôi đính lên đó một tấm thiếp năm mới chưa viết gì. Tết đã về thật gần trong lòng con trẻ. Và tôi loanh quanh chơi bên cây đào hằng ngày, vì đó là tâm điểm của mùa xuân ở ngôi nhà này, khi bánh chưng chưa gói, khi bánh kẹo chưa về, khi nước lá cuối năm chưa bốc khói, khi quần áo mới chưa được bày ra...

Cha tôi thường hay ngồi lật lại cuốn album gia đình, trong đó vẫn còn dòng chữ bằng bút bi nắn nót, nét chữ hơi gẫy, nhưng lại lượn sóng “Sài Gòn: 1990”. Cuốn album này cha mua trong một chuyến tàu hàng dừng chân ở Sài Gòn. Tôi thèm những chuyến đi của cha. Tôi lật mấy tấm hình tôi hồi nhỏ, gương mặt lầm lỳ không cười, đứng cạnh chậu cây cảnh đặt trong nhà: năm nào tôi cũng đứng ở đúng cái cây đó để chụp ảnh, để biết đã lớn lên cỡ nào theo độ lớn của cây. Những lần di chuyển của gia đình tôi làm mất dần những tấm hình quý giá đó, tôi vẫn còn nhớ lại chúng trong hình dung, nhưng không sao tìm lại được nữa.

Có một đợt nhà tôi bị mất trộm khi vừa chuyển tới một nơi ở mới, cửa rả chưa thật chắc chắn. Đau lòng nhất với cha tôi, chính là mất đi phần lớn số chậu cảnh đã theo ông không biết bao nhiêu năm qua. Trong số đó, có một cây si đúng 20 năm tuổi mà cha tôi hằng ngày tự cắt tỉa, chăm chút theo hình một con đại bàng đang sải cánh. Những đường uốn bằng dây thép của ông vụng về, nhưng tôi thấy thật đẹp. Cây si đó mỗi lần di chuyển là mỗi lần cha tôi phải hì hục mang theo. Tôi biết, cha tôi rất đau lòng vì cây si kỉ niệm của ông, ông bắt đầu chơi với nó từ thời trẻ.

Tôi không còn nhớ những chậu cây để đo độ lớn của chị em tôi sau này lưu lạc ở nơi nào. Tôi vẫn thầm mong chúng không chết, hình dung trong tâm tưởng là chúng nhảy ra khỏi những cái chậu chật hẹp, bám ở một góc tường, ở một góc đường, ở bờ sông, chúng nhảy nhót di chuyển đâu đó, nhưng chúng vẫn còn sống sót. Có những lúc, tôi chỉ nhìn cuốn album và nghĩ ngợi. Không dám hỏi gì khi cha tôi ngồi đó, gương mặt xạm đen đang cúi xuống những trang album kiểu cũ, chỉ vừa được những khổ ảnh nhỏ xíu, và tôi cố nghĩ xem điều gì ông đang mơ...

Những cái cây bao giờ cũng làm tôi vui hơn một chút. Chơi với cây, tôi học được sự kiên nhẫn, nỗi chờ đợi để được thưởng thức một vẻ đẹp bất ngờ sẽ nhú ra. Chơi với cây, lúc nào tôi cũng thấy mình mới mẻ vì phát hiện ra sự kiên nhẫn và niềm vui im lặng của mình.
Tàn mùa xuân, qua Giêng, mưa xuân phơi phới và nhìn những cánh đào, những cánh đào mỏng mảnh rụng xuống, vương vãi trên mặt bàn uống nước và dưới nền nhà, tôi cứ nghĩ tới câu thơ của Hàn Mặc Tử:

Xin dâng này máu đang tươi
Này đây tiếng khóc nụ cười chen nhau...


Cha tôi gấp lại trang giữa cuốn tiểu thuyết đọc dở, cuốn tiểu thuyết bị rơi tàn thuốc làm thủng một lỗ đen cỡ đầu ngón tay út. Ông bê chậu đào ra trước sân nhà, đào một khoảnh đất và đặt cả cái cây xuống. Giấy đỏ bị xé rách phập phồng như một lớp áo mỏng bọc quanh cái chậu cây vừa bị khoét rỗng, còn vương lại ít đất tơi và vài sợi rễ bị đứt. Nhựa từ cành đào gẫy chảy ra, sánh đặc lại và vàng óng lên. Hết niềm vui của hoa, bây giờ, tôi lại phải đợi thưởng thức niềm vui của những chiếc lá mới sẽ nhú lên, những mầm xanh mới, và rồi, tôi sẽ chờ để có được niềm vui của những quả đào tơ tròn nhỏ xíu, lông tơ lún phún trên lớp da xanh, chỉ chừng đầu ngón tay cái là lại rụng xuống đất chứ không lớn được thêm lên, nằm buồn xo như một đứa trẻ bị đám bạn bỏ lại...

Có một mùa xuân, cha tôi trồng thêm một cây bàng ở đầu ngõ. Tôi ngồi bóp vụn những viên đất mát lạnh trong lòng tay, muốn đưa đất lên mũi hít hà và trám đầy lên mặt. Thật là lạ lùng, tôi thường có ý tưởng rằng mình sắp bé xíu lại, như một viên sỏi trắng, một viên bi, và ai đó khoét giùm tôi một cái lỗ nhỏ trong bờ cỏ, tôi lăn mình vào đó nằm chơi, để nghe tiếng dế, tiếng giun đất cãi cọ, để những cô nàng nhện cần mẫn nhả tơ giăng trên cỏ, và sáng mai mùa đông, sương lạnh đọng thành những mảng ngọc long lanh, và những hạt ngọc trai đó chỉ biến mất dần dần khi mặt trời lên cao. Cái cây bàng lớn lên được cỡ chừng một đứa bé lên ba và đã ra chừng chục cái lá xanh thì bị một cái ô tô chạy qua chèn làm gẫy. Tôi nhớ cha tôi quyết định thay bằng một cây dâu da, nhưng ông đổ bệnh trước khi một cái cây được trồng lên, và chúng tôi rồi cũng rời khỏi ngôi nhà đó.
Mùa xuân nào, tôi cũng dành dụm chút yên tĩnh để chơi với những cái cây của tôi, của cha tôi, những cái cây chỉ còn trong kỉ niệm...
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved