Home » » Lê Bá Khánh Trình, thần đồng toán học ngày ấy, bây giờ (1)

Lê Bá Khánh Trình, thần đồng toán học ngày ấy, bây giờ (1)

Written By kinhtehoc on Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012 | 01:38

Tôi đã tò mò, để rồi cố công mà tìm hiểu về thần đồng toán học, người được mệnh danh là “cậu bé vàng của toán học VN” những năm đầu thập kỷ 1980, người đi thi toán học quốc tế đã vừa đoạt giải nhất trong số 8 giải nhất của 40 quốc gia tham dự, đồng thời là người duy nhất đoạt giải đặc biệt cho lời giải đẹp nhất kỳ thi năm ấy, ra sao bây giờ…?

Đường đến với toán học

Lê Bá Khánh Trình thời còn học phổ thông. Ảnh do nhân vật cung cấp

Lê Bá Khánh Trình sinh ra ở Huế trong một gia đình có 6 anh chị em, bố là giáo viên trường Đại học Y, mẹ là giáo viên cấp 2. Trước khi vòng nguyệt quế của giải thưởng Toán quốc tế đặt lên đầu anh, Khánh Trình chỉ là một cậu bé nghịch ngợm, ham chơi, học “lệt lệt” như lời anh tự nhận, dù thời đó, “con giáo viên” cũng là một thương hiệu cho sự học hành không đến nỗi nào của anh. Cơ duyên đến với toán học của cậu bé Khánh Trình cũng tình cờ: Nghỉ hè lớp 9, trong một lần xem Báo Thiếu niên tiền phong, thấy có đăng đề bài thi toán dành cho học sinh giỏi quốc gia, Trình mày mò tự giải, rồi ham thích những con số từ lúc đó. Cũng là cơ duyên khi đúng năm đó, tỉnh Bình Trị Thiên mở lớp chuyên toán ở Huế, Trình đi thi và trúng tuyển dù kết quả mà anh đạt được không phải là cao.

Toán học chiếm bao nhiêu thời gian với Khánh Trình khi bé? Với những người học toàn diện thì không sao, nhưng anh học thiên về toán, các môn khác chỉ học cầm chừng. Toán học hấp dẫn anh đơn giản qua sự quan sát đối chiếu những nét tương đối để làm. Anh cũng không tự lý giải được tại sao mình lại theo môn toán mà không phải là một môn học nào khác. Trước kỳ thi học sinh giỏi toán toàn quốc, Khánh Trình chỉ đoạt giải tư trên tổng số gần 200 học sinh dự thi. Nhưng sau đó có 20 học sinh cao điểm nhất để chọn lấy 4 người sẽ được bồi dưỡng để thi toán quốc tế, Khánh Trình là một trong số đó. 4 học sinh đã ở chung với nhau trong 2 – 3 tháng ở nhà khách của Bộ Giáo dục để hằng ngày được các thầy bồi dưỡng, không chịu áp lực cụ thể nào ngoại trừ việc cố gắng giải bằng hoặc hơn học sinh thi quốc tế năm trước. Kỷ niệm của Khánh Trình thời ấy là những lần tắm ở bể nước, nhà khách không có nhà vệ sinh nên mọi sự giải quyết là chạy sang bờ đê bên kia. Riêng việc ăn uống được đặt cơm ở một nơi rất sang trọng, nơi đó như là chỗ của các bộ trưởng đến ăn. Khi đó tiền ăn được Nhà nước cho nhưng gia đình cũng phải góp thêm cho các em. Những người lớn thắc mắc về nhóm trẻ con ăn ở nơi có tiêu chuẩn dành cho bộ trưởng là sự thú vị còn rất lâu trong ký ức Lê Bá Khánh Trình.

Giải đặc biệt từ bài toán sai và sự ưu ái thời gian của giám thị!

Hồi đó, nhóm học sinh đi thi Olympic toán học quốc tế ở Anh cùng các thầy đã rất liều. Đó là Phạm Văn Tiệp (hiện đang ở Mỹ), Bùi Tá Long (trước làm ở Việt Cơ rồi chuyển sang Viện Môi trường), Phạm Ngọc Anh Cương (hiện sức khỏe rất yếu, đang ở nhà) và Lê Bá Khánh Trình. 4 người đều chưa có visa vào Anh nhưng vẫn lên đường, đi vòng sang Nga, ở đó gần 1 tuần lễ để xin visa vào Anh từ Moscow. Các thầy do Bộ Giáo dục cử đi là những người có kinh nghiệm trong việc đưa học sinh đi thi. Giấy mời của Bộ Giáo dục Anh đã khiến cho việc xin visa từ Nga không đến nỗi khó.
Lần đầu tiên, bước chân ra nước ngoài, ấn tượng của nhóm học sinh bé nhỏ ấy chỉ là sự sững sờ, choáng váng. Ngoại ngữ của các anh khi đó chỉ đủ để giao tiếp sơ sài. Ký túc xá của Đại học London là nơi tiếp đón các bạn của gần 40 đoàn từ các nước học đến dự thi. Ngày đầu tiên thi, bài số 2 về hình học tương thích với cuốn sách hình học rất hay mà trước đây ở nhà Khánh Trình đã đọc rất hứng khởi với những bài tập anh làm rất kỹ, nên anh ứng dụng như cháo chảy.

Khánh Trình giải đề thi nhanh chóng, nhưng anh cũng tự nhận, dường như các thầy đã bồi dưỡng đúng hướng để các anh thi không bị khớp, bị bất ngờ với một đề thi từ một đất nước với văn hóa và ngôn ngữ xa lạ thời ấy. Tuy nhiên sau đó Khánh Trình phát hiện ra mình giải sai bài hình học khi chỉ còn 15 phút nữa là hết giờ. Sự lo lắng và sự cập rập của thời gian lại là động lực cho anh nghĩ ra cách giải mới mẻ, sáng tạo hơn. Bài đã giải là bài công phu, rất hay nhưng nó sai. Khi anh bắt đầu chép lời giải thì chỉ còn 10 phút, Khánh Trình xin phép giám thị người Anh cho thêm thời gian để làm, ông đã rất vui lòng ngồi chờ anh làm cho xong bài, anh được thêm 10 phút để hoàn thiện bài thi của mình.


Sau 2 ngày thi, 4 ngày chấm thi là có kết quả để phát thưởng. Khi thi xong, cảm giác ít nhiều mình cũng sẽ được giải vì bài làm tốt, trong bữa tiệc của ông Thị trưởng London chiêu đãi họ cũng đã nói nhóm học sinh VN đoạt giải cao. Cảm giác gì lúc đó ư? Chỉ là sự nhẹ nhõm rằng sau một thời gian tập trung vào học dài ngày để đi thi thì xong việc là yên tâm như trút đi một gánh nặng. Khi trở về, đoàn học sinh đoạt giải năm đó được mời xuống máy bay trước tiên với đại diện của Bộ Giáo dục ra đón và tặng hoa cho các thành viên đoạt giải. Trong đoàn có một bạn là cháu gọi Thủ tướng Phạm Văn Đồng bằng “ông trẻ” nên đoàn học sinh đã được gặp Thủ tướng trong một cuộc gặp mang tính chất gia đình.

(Còn nữa)
VNMATH.COM (Nguồn: Thanh niên)
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved