Home » » VESAK TRONG TINH THẦN RỘNG MỞ VÀ KHOA HỌC

VESAK TRONG TINH THẦN RỘNG MỞ VÀ KHOA HỌC

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 21 tháng 12, 2011 | 02:01


Bài viết hưởng ứng cuộc vận động sáng tác, nghiên cứu
về UNVESAK ''08 --- Bài 1
VESAK TRONG TINH THẦN RỘNG MỞ
VÀ KHOA HỌC
Trần Xuân An
(khởi viết lúc khoảng 9 giờ sáng, 20-12 HB7)
"1. Ý nghĩa ngày lễ Vesak [rằm tháng 4 âm lịch - ct.] trong đời sống văn hoá tinh thần xã hội;
2. Ý nghĩa sự ra đời của Đức Phật đối với thế giới;
3. Những đặc tính ưu việt của Phật giáo;
4. Tầm quan trọng, lợi ích của Phật giáo trong đời sống con người;
5. Sự đóng góp của Phật giáo trong việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh".
(trích thư mời)
I. Lời mở nẻo: Phật giáo là một tôn giáo đồng thời là một hệ thống triết học được xem là rộng mở nhất. Trước hết, đó là sự rộng mở trên phương diện nhận thức về chính tôn giáo -- triết học này. Phật giáo chấp nhận mọi thứ ánh sáng khoa học chiếu rọi vào bản thân với một thái độ tự tin.
Nếu hiểu tám vạn bốn ngàn là dãy số biểu thị sự vô giới hạn, bao gồm tất cả chúng sanh thuộc mọi thời đại, chúng ta sẽ nhận ra Phật giáo chấp nhận có vô số pháp môn của vô số chúng sanh. Nói cách khác, mỗi đạo hữu, mỗi người ngoại giáo, mỗi nhà nghiên cứu có một Phật giáo trong tâm thức của riêng mình, trên cơ sở ba đại pháp môn cố hữu và cố định: Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông.
Tuy vậy, không phải tất thảy mọi tăng ni, đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đều xác lập trong chính tâm thức họ và thể hiện ra trong mọi ứng xử của họ theo tinh thần ấy.
Khi tôi viết và xuất bản những đoạn thơ, bài thơ thể hiện nhận thức, cảm xúc của chính mình về Phật giáo với tất cả lòng thành, niềm tôn kính, vẫn có người không giấu được một thái độ bất bình.
Đây là một khúc thơ:
"xuân tàn, thân bệnh...
Vô thường!
cành mai sức sống nở bừng sân đêm
mọc từ khổ sợ lo phiền
đoá sen thanh tịnh nở trên lửa hừng
chiều thôn dã khói trầm hương
theo kinh siêu thoát như sương thấm lòng
bụt là bụt của ước mong
nụ cười toả sáng bếp hồng chiều hôm".

(Cảm nhận bên dòng sông [1985-1991],
tập thơ "Nắng và mưa", Hội VHNT. Quảng Trị, 1991)
Và đây là một bài thơ tôi "đáp trả" nhà thơ Huy Cận, tác giả của bài "Các vị La hán chùa Tây Phương", khi ông hiểu "khổ đế" chỉ thuộc phạm trù lịch sử, tuỳ vào chế độ chính trị - xã hội, chứ không phải là hằng số bi đát muôn đời của loài người và tất cả mọi sinh linh khác: "Tất Đạt Đa phải rời cung thành Phật
bởi chỉ ngai vàng đâu cứu được con người
TXA.
nhập thân bao nỗi khổ buồn
thành từng pho tượng qua hồn nghệ nhân
muôn đời tố cáo trầm luân...
tượng còn nguyên đó, vô ngần đau thương!
cũng như La Hán Tây Phương
thiền sư ra trận, "xuống đường" đó thôi

tiếng chuông ngân tự cõi đời
đau đời, đời ngộ nụ cười Phật hơn!

và bao người giữa đời thường
lòng nhân văn chẳng trầm hương siêu hình
không nương tựa những câu kinh...
vẫn chiêm ngưỡng tượng cho mình cho nhau

nhà thơ hôm nay mai sau
dù vơi gánh nặng khổ đau thuở nào...

xin tiếng chuông sâu và cao
vang từ gan ruột, vọng vào trang thơ...".

(Cho mình và cho nhau [1985 -- 1990], sđd.)
Cụ thể hơn, có người phàn nàn: "Thế nào là 'Bụt của ước mong'!". Người ấy muốn trách tôi, mong tôi đừng hiểu Đức Phật chỉ là hình tượng của khát vọng, do khát vọng nẩy sinh, tái tạo như trong các truyện cổ dân gian. Lại có người khác, bấy giờ, không nhìn vào tôi, chỉ nhìn xa xăm vào dòng sông Hương trước mặt, nói như thể bâng quơ: "Lần đầu tiên tôi thấy có một người dám gọi tên huý của Đức Phật như vậy!". Người đàn ông ấy muốn nói tới 3 chữ "Tất Đạt Đa" trong câu thơ tôi tự đề từ bên trên.
Thật sự trong tôi vẫn có một Đạo Phật, một Đức Phật Thích Ca của riêng mình. Tôi không nói đến trường hợp như Hermann Hesse, một nhà văn Đức, đã nhận thức về Đức Phật không phải bằng cách khắc hoạ hình tượng trung tâm của tác phẩm "Câu chuyện dòng sông" (Nobel 1946) (1) là Đức Phật Tất Đạt Đa (thuộc bộ tộc Thích Ca), mà qua hình tượng chàng thanh niên Tất Đạt. Có thể xác định ngắn gọn hơn: Tôi nhận thức về Đức Phật Tất Đạt Đa theo góc độ sử học và triết học. Tôi nghĩ, đó chính là pháp môn, một cửa nẻo đi vào Đạo Phật, của riêng tôi, một cá nhân trong hằng hà sa số chúng sanh muôn loài.
Vậy tôi cảm nhận thế nào về sự kiện Đức Phật đản sanh?
II. Nẻo nhận thức về Vesak:
II.1. Sự kiện Đức Phật đản sanh (Vesak vĩ đại I):
Kinh điển Phật giáo đã ghi chép rõ về sự kiện đã trở thành một cột mốc lớn, một đỉnh cao trong tiến trình lịch sử của văn hoá nhân loại. GSTS. Thái Kim Lan, trên Tạp chí điện tử Talawas (talawas.org), ngày 20.5.2006, đã trích dẫn trong một bài viết của bà:
"Này các Tỷ-kheo, nay phụ vương của Ta tên là Suddhodana (Tịnh Phạn); mẫu hậu của Ta tên là Mãyã (Ma-da); kinh thành tên là Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ)".
"Này các Tỷ-kheo, pháp nhĩ là như vậy. Vị Bồ-tát khi sanh ra, Ngài đứng vững, thăng bằng trên hai chân, mặt hướng phía Bắc, bước đi bảy bước, một lọng trắng được che trên. Ngài nhìn khắp cả mọi phương, lớn tiếng như con ngưu vương, thốt ra lời như sau: "Ta là bậc tối thượng ở trên đời! Ta là bậc tối tôn ở trên đời. Ta là bậc cao nhất ở trên đời. Nay là đời sống cuối cùng, không còn phải tái sanh ở đời này nữa'" (Trung Bộ Kinh, Kinh Đại Bổn, 29, Thích Minh Châu dịch).
"Này các Tỳ-kheo, pháp thường của chư Phật, Bồ-tát Tỳ-bà-thi, khi sanh, do hông phải của mẹ mà ra, chuyên niệm không tán loạn. Ngài từ hông phải ra, vừa đến đất, không cần người đỡ, liền đi bảy bước, ngó khắp bốn phương, rồi đưa tay lên nói rằng: "Trên trời dưới đất, duy Ta là tôn quý; Ta sẽ cứu độ chúng sanh khỏi sinh, già, bệnh, chết. Ấy là thường pháp của chư Phật'".
"Giống như sư tử bước,
Ngó khắp cả bốn phương;
Nhân sư tử khi sanh,
Đi bảy bước cũng thế
Lại như rồng lớn đi,
Khắp ngó cả bốn phương,
Đấng nhân long khi sanh,
Đi bảy bước cũng thế
Khi đấng Lưỡng túc sanh,
Đi thong thả bảy bước,
Ngó bốn phương rồi nói:
Sẽ dứt khổ sinh tử.
Ngay lúc mới sanh ra,
Đã không ai sánh bằng,
Tự xét gốc sinh tử,
Thân này thân tối hậu"

(Kinh Trường A Hàm, số 1, Kinh Đại Bản Duyên, ThíchTuệ Sỹ dịch) (2).
Cũng theo cách lí giải xưa nay, Thái Kim Lan viết:
"Như Lai không phải là người sáng thế. Như Lai không đưa một yêu sách như thế. Như Lai có tiền kiếp và có cha mẹ, nhưng Như Lai là vị Phật sau rốt (tối hậu) với hạnh nguyện duy nhất: chấm dứt khổ não sanh tử luân hồi. Chỉ có Như Lai, vị Bồ tát duy nhất tuyên bố giải phóng ràng buộc sanh tử, hay nói cách khác, sự xuất hiện của Như Lai là sự xuất hiện của hạnh nguyện giải thoát, của ý chí tự do vượt khỏi trói buộc luân hồi" (2).
Điều cần nhấn mạnh ở đây về nghĩa của hai chữ "độc tôn". Trong văn cảnh này, nên chăng phải hiểu "độc tôn" có nghĩa là độc sáng, giữ lấy, suy tôn phát kiến. Đức Phật sẽ là người, 34 năm sau, phát kiến ra một chân lí cốt tuỷ, để từ đó, khai sáng Đạo Phật.
Cũng năm ngoái, trên số đặc biệt của Tạp chí điện tử Chuyển Pháp luân (chuyenphapluan.com), ngày 15.05.2006, tác giả Dã Hạc cũng trích dẫn như vậy, và còn trích dẫn đối chiếu kĩ lưỡng hơn thế, như tên bài viết đã được ông tô đậm nét: "Đức Phật Đản Sanh trong Kinh tạng Nam truyền & Bắc truyền" (3).
GSTS. Thái Kim Lan có nhận định không khác tôi về sự thật lịch sử đã được huyền sử hoá:
"Mỗi sự bắt đầu trong vũ trụ đều vướng vất một chút siêu hình, nhất là điểm bắt đầu của mọi bắt đầu, vượt khỏi thường nghiệm giác quan, nó bao hàm nghịch lý, đầy chất huyền thoại sáng thế. Bởi vì điểm bắt đầu của mọi bắt đầu cũng cần có một bắt đầu, như con tằm còn nằm trong cái kén u minh..." (2).
Tôi cũng đã viết trước đó:
"Có rất nhiều điều người ta đã cảm nhận được nhưng vô thức xua đi, quán tính vẫn ngự trị, và một tác phẩm nào đó chỉ nói lên điều mà vô thức và quán tính bảo phải im lặng như mặc nhiên thừa nhận. Từ mâu thuẫn thăm thẳm không thể nhận biết ấy, người ta vẫn say sưa tìm tòi khám phá khoa học, không chấp nhận một giả thuyết nào chưa được thực nghiệm chứng minh và lô-gích học bảo là hợp luận lí, nhưng vẫn sùng tín những huyền tượng như một thói quen hoặc như một nhu cầu. Và cơ hồ mỗi người đều có riêng một hình ảnh về huyền tượng từ sự tiếp nhận, tái tạo theo lí tưởng thẩm mĩ, lí tưởng sống riêng của mình một cách biện chứng tâm linh, có khi khác xa với nguyên thủy đến không ngờ. Hầu như con người tôn thờ chính khát vọng thăng hoa của mình từ bi kịch của đời sống. Tôn giáo và văn chương nghệ thuật phải chăng có chung cội rễ là Nỗi Đau và ước vọng Giải Thoát, Cảm Thông".
"Không có tôn giáo chắc chắn loài người không đạt đến mức nhân đạo như ngày hôm nay. Nhưng cũng không có cái gì trưởng thành mà không có tuổi ấu thơ của nó, và ấu thơ thì dĩ nhiên, rất hay huyền thoại hoá!" (4).
Tác giả Dã Hạc cũng thể hiện sự thấu hiểu và cảm thông về nhu cầu và tất yếu của việc giải huyền thoại, để tâm thức sáng tỏ hơn với một Đức Phật hiện thực trong lịch sử, nhưng ông đồng thời cho rằng, phải chấp nhận phân số bất khả tri trong nhận thức tôn giáo, hay bằng cách khác, ông khẳng định, không thể đem tầm nhận thức của con người phàm trần để hiểu chư Phật. Dã Hạc viết:
"Bản kinh cho thấy, chỉ có chư Phật mới hiểu được chư Phật. Rõ ràng, vị Thánh đệ tử, dù đã đạt đến địa vị Sanh tử trí, vẫn chưa thể nào hiểu nổi pháp của chư Phật, thì làm sao bằng vào nghiên cứu khoa học, nhìn bằng con mắt đối chiếu văn bản học... mà có thể hiểu được pháp của chư Phật, trong đó kể cả sự kiện Ngài đản sinh, vốn là một trong Bát tướng thành đạo của Ngài? Cho nên, đối với pháp Phật chỉ có thể cảm nhận được bằng chứng nghiệm, thể nghiệm tâm linh mà thôi. Những công trình nghiên cứu, khảo cứu, biên soạn, trầm tư về cuộc đời và giáo pháp của Đức Phật, trong một chừng mực nào đó, chỉ có giá trị như... nhận xét của du sĩ Vacchayana trong kinh "Ví dụ dấu chân voi"" (3).
Cho dẫu thế nào đi nữa, chúng ta đều biết những dòng trích từ kinh điển về sự kiện ngày đản sinh của Đức Phật, chỉ là những câu chữ thuộc loại lời dẫn gián tiếp. Đó là những lời kể của chính Đức Phật được các đệ tử của Người viết lại theo ngôn ngữ của chính các đệ tử ấy với các ẩn dụ văn chương bao hàm ý nghĩa triết học, với một tâm thế tán tụng, ngợi ca, suy tôn.
Thử nhìn ngắm hai bức phù điêu, tranh vẽ dưới đây, chúng ta sẽ thấy phù điêu (hình thứ 1) (5) được thể hiện bằng gam màu đỏ, màu của máu sinh sản, có giá trị hiện thực khá cao, trong khi ở bức tranh (hình thứ 2) (6), gam màu vàng, nâu, trắng, xanh, và xanh là chủ đạo, thiên về cảnh giới huyền thoại, có giá trị ảo hoá bay bổng:

hình 1 (5)

hình 2 (6)

Từ đó, chúng ta có thể lần theo các dòng chữ của tiến sĩ H. W. Schumann, tác giả cuốn sách "Đức Phật lịch sử", đã được M. O'C. Walshe dịch ra tiếng Anh, và sau đó, Nguyên Tâm Trần Phương Lan dịch ra tiếng Việt. Cuốn sách cũng đã được đưa lên mạng liên thông toàn cầu Quảng Đức (quangduc.com) (7). Qua đó, chúng ta thấy Schumann viết với ngôn ngữ khảo cứu, như chính Schumann khẳng định, "loại bỏ các truyền thuyết hoang đường bao phủ quanh cá nhân của đức Phật lịch sử, ngoại trừ những điểm có thể tìm thấy tính chất lịch sử trong đó":
"Như trong Nidànakatthà (Duyên Khởi Luận), phần giới thiệu truyện Tiền Thân hay Bổn Sanh (Jàtakas) kể câu chuyện thần thoại về hoàng hậu Màyà đã bốn mươi tuổi, ngay trước thời kỳ lâm sản đã lên đường trở về quê song thân ở Devadaha để sinh con và nhờ mẫu thân Yasodharà bảo dưỡng. Cuộc hành trình bằng xe ngựa hay xe bò cọc cạch lắc lư trên những con đường đất bụi nóng bức khiến cho việc lâm sản xảy ra sớm trước khi về đến Devadaha. Gần làng Lumbini (Lâm-tỳ-ni, nay là Rumindai) giữa trời không có nhà cửa che chở, chỉ có được tàng cây sàla (tên khoa học Shorea Robusta) và cũng không có thầy thuốc nào lo việc hộ sản, hoàng tử ấu nhi Siddhattha sinh ra đời khoảng tháng năm, năm 563 trước CN.
Lumbini được các nhà khảo cổ khai quật năm 1896. Di chỉ quan trọng nhất được tìm thấy nơi ấy là một thạch trụ cao 6m5 do hoàng đế Asoka (A-dục) dựng năm 245 trước CN với lời ghi:
"Hai mươi lăm năm sau khi lên ngôi, quốc vương Devànampiya Piyadasi (Thiên Ái Thiện Kiến, tức A-dục) ngự đến đây chiêm bái, vì đức Phật Thích-ca Mâu Ni, bậc Hiền Nhân của bộ tộc Thích-Ca, đã đản sinh tại đây. Nhà vua ban lệnh khắc một tượng bằng đá và dựng một thạch trụ. Ngài miễn thuế đất ở làng Lumbini và giảm thuế hoa lợi từ 1/4 theo lệ thường xuống 1/8".Hơn nữa, một phiến đá có lẽ xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ hai sau CN được tìm ra ở Lumbini và được lưu trữ tại một ngôi chùa nhỏ địa phương. Phiến đá cho thấy hoàng hậu Màyà sinh hoàng tử trong lúc đang đứng vịn cành cây sàla. Hình như sinh con lúc đứng là một phong tục thời ấy [xem hình 1 và hình 2 -- TXA. chua thêm]. Sau những cơn đau đớn của sản phụ, hoàng hậu Màyà không thể tiếp tục cuộc hành trình đến Devadaha nên đoàn tuỳ tùng ít ỏi của bà đưa bà trở về Kapilavatthu, cả người mệt lả. Niềm hân hoan vì hoàng tử ấu nhi của hoàng gia Gotama ra đời chẳng bao lâu lại bị lu mờ vì nỗi lo âu trước sức khỏe suy nhược dần của mẫu hậu. Bà trở nên yếu đuối vì cảm sốt, đành phải nằm trên giường, nhìn mọi việc chuẩn bị cho ngày lễ đặt tên thái tử.
Một vị hiền triết được triệu vào cung để tiên đoán vận mệnh của thái tử, đó là lão trượng Asita (A-tư-đà), một thân hữu rất được hoàng tộc Gotama quý trọng; tên vị này có nghĩa là "Bất Bạch", vừa chỉ làn da của vị ấy vừa nói lên nguồn gốc sinh trưởng từ đám dân cư ngụ ở Ấn Độ trước thời kỳ có dân chúng gốc Aryan. Vị hiền nhân Asita vốn là tế sư của hoàng tộc Gotama suốt bao năm qua. Trước tiên là dưới thời tiên vương Sìhahanu, phụ thân của vua Suddhodana, sau đó đến chính thời vua Suddhodana trước khi ngài lui về ẩn dật. Ngài xem xét vị hài nhi mới ra đời ba ngày và tiên đoán căn cứ vào một số thân tướng rằng đây quả là một vương tử phi thường sẽ trở thành một vị Phật và sẽ chuyển Pháp Luân (S. Nip 693). Ngài ứa nước mắt vì chính ngài sẽ không sống lâu nữa để nhìn thấy thái tử Siddhattha thành Phật, và ngài căn dặn cháu trai mình là Nàlaka nhớ rằng về sau phải làm đệ tử của đức Phật tương lai này.
Hai hôm sau, tám vị Bà-la-môn cử hành lễ đặt tên thái tử Siddhattha. Các vị này cũng tiên đoán nhiều việc trọng đại trong đời thái tử, hoặc sẽ thành bậc Giác Ngộ trên đường đạo giáo, hoặc làm một đại vương trong đời thế tục đầy vinh quang danh vọng. Vị trẻ nhất trong các vị Bà-la-môn này là Kondađđa (Kiều-trần-như), người mà chúng ta sẽ gặp lại ba mươi năm sau.
Còn đối với hoàng hậu Màyà, lễ đặt tên hoàng tử hài nhi là phần kết thúc của đời bà. Bảy ngày sau khi sinh con, cũng như nhiều sản phụ khác trong các xứ nhiệt đới, bà lặng lẽ qua đời không than vãn".
( http:// www. quangduc. com /DucPhat/35dpls-01a.html ) (7)

Người đọc không thấy đâu trong đoạn văn của Schumann hình ảnh con voi sáu ngà báo mộng cho hoàng hậu Màyà và chui vào bụng bà, để tượng hình thai nhi. Ở các dòng cuối của đoạn trích dẫn trên, nếu không là một nhà khảo cứu sử học, hẳn Schumann sẽ giữ nguyên chi tiết về 32 tướng tốt được ghi nhận bằng truyền thuyết dân gian và kinh điển nhuốm màu truyền thuyết. Chi tiết suy tôn về tướng mạo này, thiền sư Thích Thông Tuệ (8) đã phân tích, và cuối cùng cũng đi đến khẳng định tính lưỡng nghĩa: Một mặt, đó chỉ là những ẩn dụ nghệ thuật, và một mặt khác, đó chính là quả của nhân là vô lượng kiếp tu hành:
"Điểm qua 32 tướng tốt để chúng ta có thể nhận diện nhân dáng toàn mỹ của Đức Phật. Thật ra, có một vài chi tiết khó hình dung nơi một con người thời nay, như tướng lưỡi rộng dài quá mức hay màng da lưới ở kẽ ngón; hoặc một số tướng tốt chỉ xuất hiện khi Đức Phật đã trưởng thành chứ không phải được mô tả lúc Ngài đang ở tuổi sơ sinh, như tướng răng, giọng nói, thân hình...
Tuy nhiên, chúng ta không nên dùng ý thức phàm tình để xét đoán về một Bậc Thánh nhân, vì đôi khi những chi tiết mô tả về Ngài có thể ẩn tàng một ý nghĩa sâu xa nào đó. Ví dụ, tướng lưỡi rộng dài là kết quả bao nhiêu đời kiếp Ngài không một lời nói hư dối; khối thịt vun trên đỉnh đầu (nhục kế) là tướng của một người có trí tuệ tột đỉnh; lông trắng giữa hai chân mày (bạch hào tướng quang) tượng trưng cho Trung đạo, lìa sự cố chấp hai bên; lòng bàn chân có hình bánh xe biểu hiện một sứ mạng cao cả là lưu truyền chánh pháp... Những tướng tốt hy hữu ấy đã minh chứng bao nhiêu công đức tích lũy được trong vô lượng kiếp tu hành của một Bồ tát Nhất sanh bổ xứ, chỉ còn một đời ở cõi Ta-bà là thành tựu Phật quả".
( http:// chuyenphapluan. com /chude.php?tn=view&id=1134 ) (8)

Như vậy, tư duy và niềm tin tôn giáo trung cận đại vẫn gần với truyền thuyết, bởi cùng với truyền thuyết (và cả thần thoại nữa, một phương thức tư duy có trước cả truyền thuyết), đều được khởi sinh từ thời cổ đại xa xưa, cách đây trên 2.500 năm. Về phương diện lịch sử, truyền thuyết tôn giáo ấy lại gần với huyền sử, như huyền sử Lạc Long Quân -- Âu Cơ, An Dương Vương, Thánh Gióng...
Phải chăng, các nhà nghiên cứu thời của chúng ta rồi các thế hệ mai sau mãi mãi còn giải mã truyền thuyết, huyền thoại để tìm thấy những kết tinh tâm hồn, trí tuệ và cả tâm linh của người xưa trong đó!
Và từ sự kiện Đức Phật đản sinh, chúng ta có thể liên hệ đến ngày Người nhập niết bàn. Nếu Phật đản là một sự tích, đúng hơn là một sự thật lịch sử đã được tư duy cổ, trung và cận đại truyền thuyết hoá, thì lạ thay, sự kiện Đức Phật từ trần lại được ghi chép với ngọn bút hiện thực với các yếu tố hoàn toàn trần thế. Trong "Việt Nam phong tục", Phan Kế Bính (9) viết lại rằng, kinh điển ghi rõ Đức Phật từ giã thế gian này vì bị ngộ độc từ một bữa ăn cúng dường có "mỡ lợn". Có nhà nghiên cứu khác khẳng định sau khi phân tích: "nấm mỡ lợn" chỉ là một loại thực vật có tên như thế, chẳng hạn như "nấm mèo", "cỏ vòi voi", "cỏ gà", "hoa mào gà", "hoa bươm bướm"... Nếu chi tiết hiện thực ấy khiến chúng ta hơi ngỡ ngàng, là bởi chúng ta hướng về thời huyền sử với tâm thế đón nhận các chi tiết có tính huyền thoại. Và cũng hiện thực tương tự như thế, theo tác giả "Đức Phật lịch sử", H. W. Schumann, một người châu Âu với trí óc đầy đặc thần thoại, huyền sử La - Hy, sự thật được vẫn ghi lại một cách lạnh lùng. Nhà sử học này viết:
"Tại Pàvà, (có lẽ là Fazilnagar hiện nay, khoảng 16 km ở về phía đông nam Kasia), bậc Đạo Sư và hội chúng của ngài được người thợ rèn Cunda (Thuần-đà) mời thọ thực ngày hôm sau. Để dành món đặc biệt dâng lên vị khách tôn quý, ngoài các món khác, thợ rèn Cunda đã dọn món Sùkaramaddava. Món này đích xác là thứ gì vẫn chưa chắc chắn. Một vài học giả nghĩ rằng đó là thịt heo, một số khác cho là măng tre mềm mọc gần các trại heo, số khác nữa lại cho là một loại nấm, có thể là nấm mèo. Nhưng dù đó là thứ gì đi nữa, đức Phật cũng đã nhìn món ăn này với vẻ nghi ngờ, và bảo thợ rèn Cunda đừng mời Tăng chúng món ấy. Tuy thế, chính ngài lại thọ dụng món kia với mục đích không làm buồn lòng người thợ rèn có thiện ý" (DN 16.4.13).
Mối quan tâm này đối với vị thí chủ là một sự sai lầm. Đức Phật liền mắc bệnh huyết lỵ và chịu nhiều cơn đau bụng dằn vặt. Dù yếu đuối và kiệt sức như vậy, ngài vẫn rời Pàvà và tiến về Kusinàrà. Nhiều lần ngài bị bắt buộc phải rẽ sang một bên để tháo dạ và nghỉ ngơi ở vệ đường.
Chứng đau bụng và huyết lỵ làm mất nhiều nước ấy đi kèm với cơn khát. Khi ngài đòi uống nước, thị giả Ànanda chỉ tay về phía con suối đã bị đám xe bò đi qua làm vẩn đục nên chỉ có nước dơ bẩn không thể uống được; tốt hơn là nên tiếp tục đi đến sông Kakutthà (nay là Bàdhi hay Barhi) không xa đó mấy. Song bậc Đạo Sư cương quyết yêu cầu, rồi ngài uống nước từ dòng suối ấy mà ngay lúc này đã trở lại lắng yên và trong trẻo như cũ (DN 16.4.20).
Vừa lúc ấy có một nam tử từ bộ tộc Malla đi đến. Tên người ấy là Pukkusa. Ông nói chuyện với đức Phật thì hóa ra đó là Pukkusa, một đồ đệ của đạo sư Aølàra Kàlàma là người xưa kia đức Phật đã học tập trước thời Giác Ngộ. Khi thiện nam Pukkusa thấy các tấm y của bậc Đại Đạo Sư đang bệnh và thị giả ngài đều vấy bẩn, ông liền bảo người hầu đem lại hai tấm y vàng kim sắc dâng cúng đức Phật và tôn giả Ànanda" (DN 16.4.26)...
... "Đêm đã khuya lắm rồi. Cảnh vật hoàn toàn tĩnh mịch trong rừng Sàla khi bậc Đạo Sư sắp mệnh chung nhắn nhủ chư Tỳ-kheo một lần nữa:
"Này các Tỳ-kheo, ta khuyên bảo chư vị: Các pháp hữu vi (các hành: sankhàra) đều vô thường, chịu biến hoại. Hãy nỗ lực tinh tấn (để đạt giải thoát)!" (DN 16.6.7).Đây là những lời cuối cùng của đức Phật. Sau đó ngài lịm dần vào trạng thái bất động mà tôn giả Anuruddha tuyên bố với các Tỳ-kheo là thiền định, và rồi không còn hồi tỉnh nữa, bậc Đạo Sư tám mươi tuổi đã đắc Niết-bàn vô dư y, một trạng thái giải thoát khổ đau sau khi xả báo thân (DN 16.6.8). Đa số sử gia ở Ấn Độ ghi sự kiện này vào năm 483 trước CN.".
( http:// www. quangduc. com/DucPhat/35dpls-07.html ) (7)
Sở dĩ khi tìm hiểu về sự kiện Đức Phật đản sanh, tôi liên hệ đến cuộc nhập diệt của Người, để nhận thức về Đức Phật vĩ đại, một Đấng Giác Ngộ (Buddha) toàn giác, được sinh ra và mất đi như một Con Người viết hoa. Cũng bởi một lẽ khác, không những Người được sinh ra vào tháng Vesak (tháng tư -- tháng 5) mà theo kinh điển cổ truyền, Người còn mệnh chung vào tháng Vesak ấy, với 80 tuổi thọ, tuy có tư liệu cho rằng, thật ra, Đức Phật nhập niết bàn sớm hơn một tháng (10).
Nhưng chắc chắn là Đức Phật đã thành đạo vào tuổi ba mươi lăm, vào tháng Vesak. Tôi nghĩ, đây mới thực là cuộc đản sinh để từ một thái tử, trở thành một sa môn, rồi từ một sa môn, trở thành một Đức Phật, vì người đã thành đạo, phát kiến và chứng đắc chân lí tối thượng của tôn giáo do Người sáng lập.
II.2. Sự kiện Đức Phật thành đạo (Vesak vĩ đại II):
Trong tập thơ "Lặng lẽ ở phố" (Nxb. Trẻ, 1995), tôi đã viết về Đức Phật Thích Ca, khi Người cất bước đi ra với cảnh đời không phải là hoàng cung. Sự cách bức giàu -- nghèo, quyền quý -- nô lệ trong xã hội là ấn tượng đau đớn đầu tiên, cho dù con người về mặt tự nhiên là bình đẳng:
"... rời cung cấm buồn sững sờ
đời chia cao thấp bậc bờ, khổ đau
thương lệ mặn, máu một màu..."

Và ý định trở thành một sa môn rách rưới giáo thuyết về thiện tâm, khởi sinh trong trái tim Người từ đó:
"... ăn mày lòng thiện vá nhàu cà sa".
Kinh điển còn ghi chép lại về những giờ phút Người chứng kiến tận mắt những con người già nua, bệnh tật và hấp hối. Người đã cảm thương nỗi khổ lão, bệnh, tử của mọi kiếp người và muôn loài khác. Từ đó, Người quyết tâm tìm đường cứu khổ, thoát khổ cho nhân loại và chúng sanh muôn loài khác:
Còn nỗi khổ "sinh", Người cảm thương từ đâu?
Hoàng cung không phải là nơi mẫu thân Người sinh ra Người. Người được sinh ra dưới một gốc cây trên con đường về quê ngoại. Nói theo ngôn ngữ dân gian, Người bị "đẻ rơi". Và mẫu thân Người liền được đưa về lại kinh đô, nơi phụ thân Người là một tiểu quốc vương oai quyền và sang trọng. Khi Người mới được 7 ngày tuổi, mẫu thân người đã qua đời. Phải chăng, từ tấm bé, Đức Phật đã thấm hiểu nỗi khổ đau của giới phụ nữ lúc sinh nở, nhất là trong thời cổ đại, tử suất vốn rất cao. Nỗi khổ đau sinh nở không chỉ ở người mẹ, mà còn ở người cha!
Tuy nhiên, "sinh" còn có nghĩa là sống, nếu chữ "sinh" Hán - Việt này diễn tả trọn nghĩa chữ "sinh" theo ngôn ngữ của Đức Phật. Nhưng cũng không nên cố chấp vào từ ngữ, như lời bảo ban thường xuyên của Đức Phật. Quả thật, trong toàn bộ triết học -- tôn giáo của Người, "khổ đau" là khái niệm nền tảng nhất. Vòng luân hồi sinh tử là chuỗi xích khổ đau miên viễn, trước khi Đức Phật thành đạo. Và có một câu nói của Đức Phật, tôi đã đọc thấy và bao năm nghiền ngẫm, để rồi trong những ngày gần đây, lại một lần nữa bắt gặp trong sách "Đức Phật lịch sử" của Schumann: "Mong rằng ta không làm hại các sinh vật nhỏ trong ấy" (7). Đó là lòng từ bi vô lượng của Người, khi nhìn một giọt nước, và ý thức rằng, ăn, uống, đi, đứng, chúng sanh muôn loài đều can tội sát sanh. Sinh (sống) là một cuộc sát sanh liên tục cho đến tử (chết). Đó là bi kịch muôn đời. Đó là hằng số bi đát của thế gian này.
Đây là đoạn thơ về một thiền sư với tâm từ bi, không nỡ phạm một lỗi sát sanh nào, cho dù đó là lỗi bởi quy luật tất yếu của cõi ta bà này:
"... sợ đau cỏ dại sương nhoà
con sâu cái kiến kiếp xa luân hồi
héo gầy thiền sáng đôi môi
mắt nhìn, tay khẽ quét rồi đặt chân!"
(Trần Xuân An, "Lặng lẽ ở phố", sđd.)

Sinh (sinh nở; sinh sống), lão (già nua), bệnh (bệnh tật) và tử (chết), là một quá trình khổ đau. Trong đó, sinh sống trong quy luật tất yếu tự nhiên là phải sát sanh (động vật, thực vật) để sống, là cả một nỗi dằn vặt khôn nguôi, vô tận. Chỉ có một còn đường giải thoát là chặt đứt chuỗi xích sinh lão bệnh tử ấy, không tái sanh vào kiếp người hay kiếp sinh linh nào khác, trong cõi trần gian ta bà này, để vươn lên cõi niết bàn, vô sanh vô tử (hoặc chấp nhận tất yếu tự nhiên để được tự do trong khát vọng từ bi, nỗ lực thúc đẩy tiến trình tiến hoá).
Nhưng khổ đau không chỉ là bởi quy luật tất yếu tự nhiên, mà còn chính do dục vọngvô minh của mọi sinh linh, đặc biệt là dục vọng ở loài người...
Nhưng để phát kiến và chứng đắc chân lí tối thượng, thái tử Tất Đạt Đa đã phải tự đản sinh ra chính mình trong kiếp sống của Người. Để tự sinh nở ra chính mình (hiểu theo nghĩa tinh thần, là sự thoát li tư tưởng cũ, sáng tạo ra tư tưởng mới), vị thái tử dòng họ Cồ Đàm (Gotama) thuộc bộ tộc Thích Ca (Sakiyas) phải rời bỏ hoàng cung, nơi có phụ vương già nua, rời bỏ người vợ mới sinh nở và đứa con đầu lòng, ngay từ hôm chú bé mới được lọt lòng mẹ, rời bỏ tôn giáo cổ truyền Bà La Môn, để bắt đầu một quãng đời khổ hạnh, tu ép xác của sa môn, rồi lại từ bỏ phương pháp tu tập ấy, để sáng tạo ra con đường thứ ba, trung đạo, giữa hai con đường cực đoan, khổ hạnh chủ nghĩa và khoái lạc chủ nghĩa. Đây là quãng đời của một Con Người Truy Tìm, Thực Nghiệm Chân Lí.
Đức Phật sau khi đã thành đạo, có dịp Người kể lại cuộc thoát li gia đình và những tháng năm khổ hạnh ấy:
"Khi ta còn là Bồ-tát (vị nỗ lực hướng đến quả Giác Ngộ), ý tưởng này khởi lên trong trí ta: �Đời sống tại gia, nơi chứa đầy bất tịnh, thật là chật hẹp. Còn đời sống Sa-môn thì tự do như bầu trời khoáng đạt. Thật không dễ gì cho người gia chủ sống đời Phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh và thánh thiện viên mãn. Giả sử ta nay cắt bỏ râu tóc, khoác áo Sa-môn, xuất gia từ giã gia đình sống không gia đình?'". Khi ta đang trẻ, là trang nam tử tóc còn đen nhánh, ngay giữa tuổi xuân xanh, trong khoảng đầu thời hoa niên, ta cắt bỏ râu tóc, mặc dù cha mẹ ta phản đối việc này với mặt đầy nước mắt, ta vẫn khoác áo cà-sa xuất gia từ giã gia đình, sống không gia đình" (MN. 26.16, MN 36.10).
"Vì ta ăn quá ít mỗi ngày, nên cơ thể ta trở nên hết sức gầy yếu. Tay chân ta như các lóng tre khô đầy khúc khuỷu. Hai bàn tọa của ta trở thành giống như móng trâu, xương sống với cột tủy lồi ra trông giống chuỗi hạt. Xương sườn ta lộ rõ như rui cột của ngôi nhà đổ nát. Đồng tử của ta nằm sâu trong hố mắt thăm thẳm long lanh giống như ánh nước long lanh từ dưới giếng sâu. Da đầu ta khô héo nhăn nheo như trái mướp đắng được cắt, đem phơi nắng, khô héo, nhăn nheo. Nếu ta muốn sờ da bụng thì ta đụng nhằm xương sống vì hai thứ đã dính sát vào nhau. Nếu ta muốn đi đại tiện hay tiểu tiện thì ta ngã úp mặt xuống đất. Nếu ta chà xát tay chân thì đám lông hư mục rụng xuống trong tay ta" (MN. 12.52 -- MN 36.21).
( http:// www. quangduc. com /DucPhat/35dpls-01d.html ) (7)
Đoạn kinh điển ghi lại những nét quá phàm thế với nét bút hiện thực nghiêm ngặt, về một Đức Phật vốn sáng chói hào quang, mầu nhiệm! Từ khổ hạnh, Người tìm ra chân lí dưới gốc bồ đề. Schumann viết lại theo kinh điển như sau:
"Khi thái tử Siddhattha đã làm cho tâm ngài (citta) trở thành định tĩnh và thanh tịnh như vậy, là không còn cấu uế, thoát ly mọi lậu hoặc, nhu nhuyến, dễ sử dụng, kiên cố, bất động, ngài hướng tâm hồi tưởng các tiền kiếp (túc mạng trí).
"Ta nhớ lại nhiều kiếp quá khứ mà ta đã trải qua: một đời, hai đời, ba, bốn, năm, hai mươi, ba mươi, bốn mươi, một trăm, một ngàn, một vạn trong nhiều thành kiếp hoại kiếp của thế giới ... Ta biết: Ta đã ở nơi kia, tên họ như vậy, gia tộc như vậy, đẳng cấp như vậy, lối sống như vậy. Ta đã trải qua các sự rủi may của số phận như vậy và mệnh chung như vậy. Sau khi thân hoại, ta lại tái sanh nơi khác, với tên họ như vậy ... và rồi mệnh chung như vậy. Bằng cách này, ta nhớ lại các đời sống quá khứ với nhiều đặc điểm trong nhiều hoàn cảnh. Ta đạt được minh trí (vijjà) này trong canh đầu đêm" (Khoảng 9 giờ tối đến nửa đêm) (MN 36.16).Vào canh giữa, Sa-môn Siddhattha đạt được minh trí thứ hai: là luật nhân quả về nghiệp (karma); theo đó thiện nghiệp đưa đến tái sanh cõi thiện và ác nghiệp đưa đến tái sanh cõi ác: "Với thiên nhãn thanh tịnh, siêu nhân, vượt tri kiến phàm tục, ta thấy cách chúng hữu tình sanh tử như thế nào. Ta thấy rõ cao sang hay hạ liệt, thông minh hay ngu đần, mỗi người đều được tái sanh cõi lành hay cõi dữ tùy theo hạnh nghiệp của mình và ta biết rõ: "Những kẻ nào đã tạo ác nghiệp về thân, khẩu, ý, sau khi thân hoại mạng chung sẽ tái sanh vào khổ cảnh, chúng sẽ vào đọa xứ, địa ngục. Song những kẻ nào tạo thiện nghiệp về thân, khẩu, ý sẽ được tái sanh cõi lành, sẽ lên thiên giới" (MN 36.27).Sau cùng, vào canh cuối, khi chân trời đã bắt đầu hiện rõ ở phương đông thành một làn ánh sáng trắng, Sa-môn Siddhattha đột nhập vào tri kiến thứ ba, đó là tri kiến về "Khổ""Tứ Thánh Đế", tạo thành căn bản giáo lý của ngài (TXA. nhấn mạnh): "Ta hướng tâm đến Lậu Tận Trí, đoạn tận lậu hoặc (àsavà) và biết như thật: "Đây là Khổ (Dukkha), đây là Khổ tập, đây là Khổ diệt và đây là Con đường đưa đến Khổ diệt" và khi ta nhận chân điều này, trí ta được giải thoát khỏi dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Rồi tri kiến khởi sanh trong ta: "Sanh đã đoạn tận trong ta. Ta đã hoàn thành đời Phạm hạnh, những gì cần làm đã được làm xong, ta không còn tái sanh nữa" (MN. 36.28).Ngài liền cất tiếng reo vang bày tỏ niềm cực lạc: "Giải thoát đạt vẹn toàn
Đây là đời cuối cùng,
Không còn tái sanh nữa"" (MN 36.21).
( http:// www. quangduc. com /DucPhat/35dpls-01d.html ) (7)
Và kinh điển còn ghi chép lại con đường thứ ba, trung đạo: "Có hai cực đoan, này các Tỳ-kheo, mà người xuất gia không nên hành trì. Đó là hai cực đoan nào? (Một mặt) đắm mình vào dục lạc, thấp kém, tầm thường, hạ liệt, không xứng đáng bậc Thánh, không ích lợi. (Mặt khác) chuyên tâm khổ hạnh ép xác, gây khổ đau, không xứng đáng bậc Thánh, và cũng không ích lợi. Này các Tỳ-kheo, Như Lai đã tránh xa hai cực đoan này, và tìm ra Trung Đạo chính là con đường khiến cho ta thấy và biết (tác thành nhãn và trí), con đường đưa đến an tịnh, thắng trí, Giác Ngộ, Niết-bàn.
1. Này các Tỳ-kheo, đây là Thánh đế về Khổ (Dukkha): sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ; thân cận những gì ta không thích là khổ, xa lìa những gì ta thích là khổ, cầu không được là khổ; tóm lại, ngũ thủ uẩn (tạo thành một cá nhân sống thực) là khổ.
2. Này các Tỳ-kheo, đây là Thánh đế về Nguồn gốc của Khổ (Samudaya): Đó chính là khát ái (tanhà) đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm thấy lạc thú chỗ này chỗ kia: đó là Dục ái (Kàmatanhà), Hữu ái (bhavatanhà) và Phi hữu ái (Vibhava-tanhà).

3. Này các Tỳ-kheo, đây là Thánh đế về Khổ Diệt (Nirodha) chính là sự đoạn trừ, diệt tận hoàn toàn khát ái đó, quăng bỏ nó, chấm dứt nó, xả ly nó, không chấp thủ nó.
4. Này các Tỳ-kheo, đây là Thánh đế về Con Đường đưa đến Khổ Diệt (Magga). Đó là Thánh Đạo Tám Ngành tức là:
- Chánh Kiến (Sammà-Ditthi)
- Chánh Tư duy (Sammà-Sankappa)
- Chánh Ngữ (Sammà-Vàcà)
- Chánh Nghiệp (Sammà-Kammanta)
- Chánh Mạng (Sammà-Àjìva)
- Chánh Tinh tấn (Sammà-Vàyàma)
- Chánh Niệm (Sammà-Sati)
- Chánh Định (Sammà-Samàdhi)"
(Mv 1.6.17, 19, 22 = SN 56.11.5 -- 8)
( http:// www. quangduc. com /DucPhat/35dpls-02a.html ) (7) Không kể đến "Kiếp", "Nghiệp" vốn là các khái niệm Bà La Môn được đào sâu, nâng cao, đó chính là cốt tuỷ của Phật giáo, trên con đường trung đạo, thực nghiệm tâm linh: Tứ điệu đế, Bát chánh đạo, cộng với Luân hồi Nhân quả (liên quan đến "Kiếp", "Nghiệp") (11) như đã biết, và nếu chưa cần thiết kể đến Thập nhị nhân duyên, Vô ngã (12) (13)...
Vesak, tháng tư - tháng năm mỗi năm, nhân loại, đặc biệt là ở các nước châu Á, mọi người, cho dù là đạo hữu Phật giáo hay không, đều nhớ đến hai ngày lễ lớn: Phật đản sinh và Phật thành đạo. Cả hai đại lễ này đều là lễ kỉ niệm đản sinh của một nhân vật lịch sử văn hoá -- triết học -- tôn giáo được sinh nở ra giữa trần gian làm một con người xương thịt, và con người xương thịt ấy tự sinh nở ra chính mình. Đó là một con người Giác Ngộ, phát kiến ra và xây dựng nên một hệ triết học, tôn giáo mới, tạo nên một định hướng văn hoá mới, để trở thành một Con Người mới mẻ, khác hẳn con người xương thịt kia. Đó là một Con Người Giác Ngộ Chứng Đắc Chân Lí (Buddha).
Và cũng Vesak, tháng Đức Phật nhập niết bàn.
Đó là tháng hoa sen nở rộ, ngát hương.
III. Dừng lại trên nẻo đường và hướng tới:
Đại lễ Vesak không chỉ gói gọn ý nghĩa vào sự kiện đản sanh một con người sẽ trở thành Đức Phật, trong thời cổ đại, như một lễ kỉ niệm sinh nhật vị giáo chủ của Phật giáo và cũng là sinh nhật của một triết nhân của cả nhân loại hiện nay và trong tương lai nghìn sau. Vesak còn là tháng Đức Phật thành đạo, sáng lập ra một tôn giáo mới, với những giá trị từ bi (nhân đạo chủ nghĩa) và bình đẳng xã hội (xoá bỏ cách bức giai cấp) trước đó chưa từng có. Chính sự kiện vĩ đại thứ hai này (thành đạo) làm cho sự kiện thứ nhất (đản sinh) trở nên vĩ đại.
Để đi đến những dòng chữ này, chúng ta đã đặt Vesak - Phật giáo trong những tương quan:

-> Khoa học lịch sử -- Cuộc đời Đức Phật Thích Ca -- Niềm tin tôn giáo của đệ tử Đức Phật (Phật tử);
-> Triết học (khoa học nghiên cứu các triết thuyết) -- Triết gia đồng thời là triết nhân Thích Ca (Cồ Đàm Tất Đạt Đa) -- Đức tin tôn giáo của tin đồ, các giáo hội Phật giáo.

Cho dù khoa học lịch sử và khoa học nghiên cứu các hệ thống triết thuyết vốn thuộc lãnh địa lạnh lùng của trí tuệ, nơi vắng bóng những cảm xúc thi ca lung linh, huyền ảo, vắng bóng những tình cảm tràn bờ, siêu vượt lên lí trí của tâm linh, thì hai khoa học này vẫn rất cần thiết để soi rọi vào tôn giáo, đặt nền tảng khoa học vững chắc cho niềm tin tôn giáo. Như đã thưa trước, Phật giáo là một tôn giáo đồng thời là một hệ triết học, mà giáo chủ hay triết gia, triết nhân sáng lập đồng thời là một nhân vật lịch sử văn hoá, người đã được sinh ra, trưởng thành, không mệt mỏi trong quá trình tìm kiếm, phát kiến, thể nghiệm, truyền giảng chân lí tối thượng suốt 51 năm (kể cả quãng đời khổ hạnh, là từ năm Người 29 tuổi đến năm người trọn tuổi 80). Do đó, Phật giáo và Đức Phật Thích Ca cùng kho tàng kinh điển Phật học mãi mãi là đối tượng nghiên cứu của sử học và triết học cùng những ngành nghiên cứu khác, như văn hoá học chẳng hạn. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như các giáo hội Phật giáo ở mọi nước bạn (không có và không bao giờ có một tổ chức bao trùm, chi phối, thống trị mọi giáo hội Phật giáo như Vatican!) luôn luôn rộng mở trước những nhà nghiên cứu, các viện nghiên cứu các ngành khoa học xã hội -- nhân văn.
Không chỉ đối với khoa học xã hội -- nhân văn, Phật giáo còn rộng mở cửa thiền cho các nhà nghiên cứu khoa học tự nhiên khác, như sinh học, vật lí học...
Tất cả xuất phát từ ý thức: Các ngành khoa học chỉ làm sáng tỏ thêm và củng cố thêm đức tin tôn giáo của Phật giáo. Dân trí xã hội Việt Nam và nhân loại cũng không còn thấp kém để đau cơn đau vỡ mộng khi cuộc đời Đức Phật, tàng thư Phật học được nghiên cứu theo góc độ lạnh lùng khoa học của sử học, triết học, có thể cả văn hoá học (14)...
Vì thế, người viết bài này cảm thấy thật yên tâm, cảm thấy đâu đây mùa sen từ bi, bình đẳng và dân chủ thơm ngát, cho dù Vesak ''08 vẫn còn một quãng dài phía trước là 5 tháng nữa.

Viết xong lúc 8 : 10', ngày 21-12 HB7 tại TP.HCM.
Trần Xuân An
(viết xong phần 1, lúc 12 : 14', 20-12 HB7;
viết tạm xong phần 2 lúc 17 : 00', cùng ngày;
viết xong phần 3, lúc 8 : 10', ngày 21-12 HB7)
Tự sửa chữa, bổ sung một vài sơ suất, thiết sót nhỏ, lúc 07 : 10', 23-12 HB7

___________________ (1) Hermann Hesse, "Câu chuyện dòng sông", bản dịch của Phùng Khánh, Phùng Thăng, Nxb. Lá Bối in lần thứ 6, 1974.
(2) Thái Kim Lan, "Đức Phật đản sanh đã 2630 năm (Phật lịch 2550)", Talawas, 20-5-2006:
http:// www. talawas. org /talaDB/showFile.php?res=7223&rb=0303
Xem thêm chú thích (13) bên dưới.
Các đoạn trích dẫn kinh điển được giữ nguyên chú của GSTS. Thái Kim Lan.

(3) Dã Hạc, "Đức Phật Đản Sanh trong Kinh tạng Nam truyền & Bắc truyền", Tcđt. Chuyển Pháp luân, 15.05.2006:
http:// chuyenphapluan. com /chude.php?tn=view&id=972

(4) Trần Xuân An, "Giữa vòng tay Tam Kỳ và bè bạn", Kỉ yếu Bốn mươi năm thành lập Trường Trần Cao Vân, Tam Kỳ, Quảng Nam (Quảng Tín cũ), 1955 -- 1995, 1995, tr. 63 - 64 & Tcđt. Giao Điểm:
http:// www. giaodiem. com /mluc/mluc_III05/605_txa_mhbsXIIIa.htm

(5) Buddha Dharma Education Association Inc / BuddhaNet:
http:// www. buddhanet. net /e-learning/buddhistworld/nativity.htm

(6) Nguồn tranh : Lumbini và các di tích liên quan đến Đức Phật: web Wikimedia, web BuddhaNet, web Ncthakur-itgo, web Lebichson-org...
Xem thêm chú thích (15) bên dưới.

(7) H. W. Schumann, "Đức Phật lịch sử" (1982), M. O'C. Walshe dịch ra tiếng Anh (1987), Nguyên Tâm Trần Phương Lan dịch ra tiếng Việt (1997); Web Quảng Đức và Web Việt Nam thư quán. Xem thêm chú thích (13) bên dưới:
http:// www. quangduc. com/DucPhat/35dpls-00.html
http:// vnthuquan. net /truyen/truyentext.aspx?tid=2qtqv3m3237nnnvnvnnn31n343tq83a3q3m3237nvn

Các chú thích với tên sách viết tắt trong nguyên tác "Đức Phật lịch sử" và theo dịch giả: Ví dụ: DN 29.2 = Trường Bộ kinh (Dìgha Nikàya), số 29: Kinh Thanh tịnh; MN 104.1 = Trung Bộ kinh (Majjhima Nikàya), số 104: Kinh Làng Sama ... ; SN = Tương Ưng bộ ; AN = Tăng Chi bộ ; Mv = ...
(8) Thích Thông Tuệ, "32 Tướng Tốt Của Bậc Đại Nhân", Web. Chuyển Pháp luân:
http:// chuyenphapluan. com /chude.php?tn=view&id=1134
(9) Phan Kế Bính, "Việt Nam phong tục", Nxb. TP.HCM. tái bản, 1992, tr. 215.
(10) TN Chân Giải Nghiêm, "Đức Phật và cây cỏ", web Quảng Đức: "Các nước Phật giáo Nam truyền kỷ niệm ngày Phật Đản, Thành Đạo và Nhập Niết bàn đều vào ngày rằm tháng vesakha (khoảng giữa tháng 5 dương lịch). Ngày lễ ấy gọi là Vesak, lấy từ tên của tháng vesakha này. Các nước Phật giáo Bắc truyền thì kỷ niệm Phật Đản vào ngày rằm tháng 4, Phật thành Đạo vào ngày rằm tháng chạp và Phật nhập Niết bàn vào ngày rằm tháng 2 âm lịch".
Link: http:// www. quangduc. com /truyen-2/315ducphatvacayco.html

(11) Trần Xuân An, bài tự bạt "KHÔNG THỂ CHẠY TRỐN HƯ VÔ THÌ PHẢI VƯƠÏT THẮNG" (nhân quả siêu hình và nhân quả hiện thực; thử lí giải bằng những khái niệm sinh điện...), trong "Hát với đời ơi thương mến", tập thơ, Nxb. Trẻ, 1996, tr. 132- 135:
http://tranxuanan.writer.googlepages.com/hat_vdotmen_p3.htm

(12) HT. Thích Thiện Siêu, "Vô ngã là niết bàn", tuyển tập, Nxb. Thuận Hoá, 1996, tr, 68-104, tr. 63-67...
(13) Đối chiếu, kiểm tra trích dẫn kinh điển ở 2 chú thích (2) và (7) thuộc phần chú thích này: "Trung bộ kinh", HT. Thích Minh Châu dịch, xuất bản và tái bản vào các năm 1973, 1986. Cùng với "Trung bộ kinh", còn có các bộ kinh điển khác thuộc Kinh Tạng (Palì), Đại Thừa, Luật Tạng, Luận Tạng... tại Web Quảng Đức & Web Đạo Phật ngày nay :
http:// www. quangduc. com /kinhdien/Trungbo/trungbo00.html
http:// www. buddhismtoday. com/index/kinh.htm

(14) Về tinh thần cởi mở, dân chủ trong Phật giáo, xem thêm:
-- Trần Xuân An, "THIỀN HỌC VỚI YÙ THỨC MINH TRIẾT VỀ DÂN CHỦ, BÌNH ĐẲNG VÀ LINH HOẠT TRONG CÁCH SỐNG THIỀN", soạn và cảm nghĩ, Tcđt. Giao Điểm, 21.9.2005:
http:/ /www. giaodiem. com/mluc/mluc_III05/905_txa_thien.htm
-- Trần Xuân An, "PHÁP MÔN BẤT NHỊ TRONG THIỀN HỌC VÀ MÂU THUẪN LUẬN TRONG TRIẾT HỌC KINH TẾ - CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI", Tcđt. Giao Điểm, 03.10.2005 :
http:// www. giaodiem. com /mluc/mluc_IV05/1005_txa_phapbatnhi.htm

(15) Hình minh hoạ được sử dụng từ các nguồn trên. Ngoài ra, còn có các hình ảnh chụp các di tích Đức Phật trên đất nước Nepal: Nguồn : www. lebichson. org.

TXA.
14 : 06', 21-12 HB7
& 07 : 10', 23-12 HB7
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved