Tôi nghĩ rằng, hai bản phả hệ chỉ thể hiện tính tương đồng về mô thức chung trong lĩnh vực hôn nhân -- gia đình của các dân tộc thời cổ đại, ở Ấn Độ cũng như ở Việt Nam, và cả ở Trung Hoa. Điều này cũng có thể kiểm chứng qua nhiều tư liệu cùng thời. Ngay trong hiện thời, chắc hẳn mô thức hôn nhân - gia đình hiện đại của người Ấn, người Hoa, người Việt ("mười đời không rời cẳng tay", không xem là ngoại tộc để kết hôn) và nhiều dân tộc khác nữa về cơ bản cũng không khác nhau, đặc biệt là các dân tộc ảnh hưởng luân lí Nho giáo. Nói chung, mỗi thời đại có một mô thức chung về hôn nhân -- gia đình của các dân tộc đồng văn hay có giao lưu văn hoá. Thời cổ đại cũng thế. Không thể căn cứ vào hai bản phả hệ này để chứng minh sự ảnh hưởng giữa "Mahabharata" với "Truyện Lạc Long Quân -- Âu Cơ và trăm trứng".
Tưởng cũng cần lưu ý: Ai cũng biết rằng sự việc trong huyền thoại "Lạc Long Quân -- Âu Cơ và trăm trứng" đã diễn ra cách đây hơn 4.850 năm (Kinh Dương vương Lộc Tục lên ngôi vào năm 2879 tr.cn., tính đến năm 2008 s.cn. này là đã được 4887 năm). "Toàn thư" đã ghi rõ như vậy. Vì thế, những chi tiết thuộc loại "hồng hoang cổ sơ" là có thể hiểu được.
Vượt lên những điều trên, chúng ta thấy quan hệ giao lưu văn hoá giữa Việt Nam - Ấn Độ - Phật giáo - Trung Hoa đã diễn ra từ thời cổ đại, đặc biệt là tương quan đẳng lập giữa Việt -- Hoa, như Nguyễn Trãi về sau đã viết: "Mỗi bên hùng cứ một phương". Một điều khác, tôi chợt nhận ra nguyên nhân nào huyền thoại khởi nguyên của dân tộc ta lại thể hiện sự liên hệ với Trung Hoa (Phương Bắc) nhưng lại không có chi tiết bề nổi nào thể hiện liên hệ với Ấn Độ: Có lẽ huyền thoại này cũng là một cách giải thích về màu da vàng sáng của các dân tộc Việt, Hoa, Tây Tạng, Triều Tiên, Mông Cổ, Nhật Bản... trong đại chủng da vàng châu Á (gồm cả vàng sẫm như Ấn Độ, Népal, Indonésia...).
Cũng bởi ý thức xem trọng tư liệu, trong trường hợp bài này, tôi không lạm bàn, mà chỉ liệt kê lại các tư liệu. Qua việc khảo sát tư liệu, chúng ta có thể rút ra kết luận. Chỉ xin nói thêm một lần nữa, thiền sư, GSTS. Lê Mạnh Thát đã dày công phu thu thập rất nhiều nguồn tư liệu (Sankrit, Tạng, Hán...), có nhiều tư liệu thuộc loại kinh điển trong Ấn giáo, Phật giáo, mãi đến nay giới sử học mới biết đến, và ông đã ra sức trích dịch, phân tích trong cuốn chuyên luận này, mà bên trên chỉ là những đoạn trích tiêu biểu nhất.
Nếu huyền thoại lịch sử "Lạc Long Quân -- Âu Cơ và trăm trứng" đã diễn ra cách đây hơn 4.850 năm, truyền thuyết lịch sử "An Dương vương - Triệu Đà và Mỵ Châu - Trọng Thuỷ" chỉ ghi dấu một sự kiện cách chúng ta chưa tới 23 thế kỉ (An Dương vương lên ngôi: - 257 và mất: - 208, thuộc nửa sau thế kỉ thứ 3 trước công nguyên dương lịch). Nếu sự tích "Trăm trứng" là lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta và cũng khởi đầu thời kì huyền sử trong các bộ sử kí, thì những cái chết đầy tính bi kịch trong truyền thuyết An Dương vương -- ghi nhận giai đoạn lịch sử "bản lề" -- cũng chấm dứt thời kì huyền sử ấy.
Vấn đề truyền thuyết "An Dương vương" đã gây tranh cãi từ lâu, với các nhà nghiên cứu như Nguyễn Văn Siêu, Maspéro, Przyluski, Ngô Tất Tố, và có thể kể thêm Nhượng Tống (19)... Ngô Tất Tố đại để đã cho rằng, lịch sử nước ta không có ông An Dương vương nhà Thục. Thiền sư, GSTS. Lê Mạnh Thát lại tiếp tục xới lại vấn nạn sử học này, và qua một loạt thao tác truy nguyên, ông đã đi đến kết luận một cách quyết liệt.
Cũng như với huyền thoại "Lạc Long Quân -- Âu Cơ và trăm trứng", nhưng ở đây, thiền sư, GSTS. Lê Mạnh Thát khởi đầu bằng việc trích dẫn "Đại Việt sử lược" và chỉ nhắc qua "Toàn thư", "Cương mục". Có lẽ ông nghĩ như thế cũng đủ để đặt vấn đề.
Luận cứ chính của thiền sư, GSTS. Lê Mạnh Thát là bức thư của Triệu Đà đệ gửi vua Hán Văn đế (179-157 tr.cn.). Ngay trong lời nói đầu, ông viết:
"... nổi bật nhất là một lá thư do Triệu Đà gửi cho Hán Văn đế vào khoảng 179 t.dl.. do Tư Mã Thiên trong "Sử kí" hay Ban Cố trong "Tiền Hán thơ" chép lại, ghi nhận nước ta lúc ấy, tức Tây Âu Lạc Việt đang có vua. Vậy, dù không phải bất cứ lúc nào các sử liệu Trung Quốc cũng có giá trị, trong trường hợp này ta có thể chắc chắn vào thời điểm ấy, tức năm 179 t.dl., nước ta còn có vua. Từ đó, dĩ nhiên không có sự kiện Triệu Đà đánh An Dương vương. Thế thì An Dương vương do đâu ra?" (20).
Ở gần cuối sách, tổng kết cho công trình của mình, thiền sư, GSTS. Lê Mạnh Thát khẳng định:
".. xuất phát từ một lá thư do Triệu Đà gởi cho Hán Văn đế vào khoảng năm 179 t.dl., chép trong "Sử kí" của Tư Mã Thiên, xác nhận vào thời điểm đó nước ta vẫn có vua, chúng ta truy tìm tiếp do đâu mà triều đại An Dương vương xuất hiện trong lịch sử nước ta và phát hiện một lần nữa truyền thuyết An Dương vương là một dị bản của trận đánh quyết định trong anh hùng ca "Mahabharata" giữa hai anh em Pandu (Phán) và Duryodhana"(21).
Và từ đó, ông phủ nhận hẳn triều đại An Dương vương cùng các sự kiện lịch sử gắn liền với Mỵ Châu - Trọng Thuỷ. Nói rõ hơn, Triệu Đà chưa hề xâm chiếm nước ta. Do đó, ông khẳng định:
"... triều đại Hùng vương không phải do Thục Phán tiêu diệt vào năm 257 t.dl., như "Đại Việt sử kí toàn thư" và "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" đã có [ghi nhận], mà vẫn tồn tại cho đến năm 43 s.dl. với Hai Bà Trưng là những vị vua cuối cùng"(22).
Theo đó, thiền sư, GSTS. Lê Mạnh Thát tiếp tục kết luận về thành Cổ Loa:
"Ngôi thành này được kết liền với An Dương vương. Bây giờ, nếu An Dương vương là một phiên bản Việt Nam của nhân vật Duryodhana trong "Mahãbhãrata", vấn đề đặt ra là ta phải xử lí làm sao về mối quan hệ của An Dương vương với ngôi thành đó?... [...] Vậy, việc kết nối An Dương vương với thành Cổ Loa trong truyền thuyết không nhất thiết là một sự thật lịch sử, dù sau "Lĩnh Nam trích quái", một kết nối như thế đã được Ngô Sĩ Liên đưa vào "Đại Việt sử kí toàn thư" và khoác cho nó một bộ áo lịch sử chính thức" (23).
Ông còn viết khá rõ, thành Cổ Loa ấy, có thể, nếu không khẳng định dứt khoát, là do Mã Viện xây đắp, với tên gọi là Thành Kén (Kiển thành). Để làm rõ ý này, ông trích dẫn "Đại Việt sử kí toàn thư": "Viện lại đắp thành Kiên Giang ở Phong Khê, thành ấy tròn như cái kén, nên lấy làm tên". Ông viết: "Thành Kén này có khả năng là thành "chín vòng", mà "Nam Việt chí" nói tới, và thành Cổ Loa về sau, vì cả thành Cổ Loa lẫn thành Kén đều nằm ở Phong Khê. Cần nhắc lại, Phong Khê là do Mã Viện thành lập cùng Vọng Hải do tách từ Tây Vu. Thành Cổ Loa do thế không nhất thiết phải gắn liền với tên An Dương vương" (24).
Để đi đến những kết luận ấy, hầu như ở phần tổng kết, thiền sư, GSTS. Lê Mạnh Thát cũng đã tổng kết luôn cả quy trình truy nguyên vấn đề của ông. Như đã nói, ông đã căn cứ vào "Đại Việt sử lược", kể cả "Toàn thư", "Cương mục" và "Lĩnh Nam chích quái","Việt điện u linh tập" để khơi vấn đề; sau đó ông truy nguyên sự sai lầm của các bộ sách, bộ sử ấy là do những tư liệu liên quan của Trung Hoa, ngoại trừ "Sử kí" và "Tiền Hán thư". Ông viết:
"... trong bốn tư liệu Trung Quốc xưa nhất, "Giao Châu ngoại vức kí", "Quảng Châu kí", "Nam Việt chí" và "Nhật Nam truyện", thì chỉ "Quảng Châu kí" nói An Dương vương đóng đô ở Phong Khê, còn "Nam Việt chí" nói đóng ở Giao Chỉ và tả "thành có chín vòng", mà không đề cập gì tới tên đó. Nó chỉ nói An Dương vương đóng đô ở Việt Thường. Tên Cổ Loa, như vậy, được Ngô Sĩ Liên lấy từ truyền thuyết của "Lĩnh Nam trích quái" để đưa vào "Đại Việt sử kí toàn thư"(25).
Nhưng không chỉ đối với thành Cổ Loa. Các công đoạn khảo sát 4 tư liệu có đề cập đến An Dương vương, Mỵ Châu, Trọng Thuỷ (và tất nhiên cả Triệu Đà), cũng như các tư liệu có dẫn lại 4 tư liệu ấy như "Thuỷ kinh chú", "Thái bình hoàn vũ kí", "Thái bình quảng kí", "Loại thuyết", thiền sư, GSTS. Lê Mạnh Thát đã thực hiện một cách rất tỉ mỉ và rất công phu, tập trung trong chương II của cuốn sách, từ trang 77 đến trang 138, là nhằm chứng minh triều đại có quá nhiều vấn đề ấy (chữ dùng của ông) là không có thực, và phần dã sử, chính sử về "kỉ Nhà Thục" chỉ là phiên bản của sử thi Ấn Độ "Mahabharata". Thậm chí, đối với "Tiền Hán thư", bộ sách ông dựa hẳn vào đấy (cũng như dựa hẳn vào "Sử kí"), ông cũng làm rõ hai chữ "dịch thuộc", xem nó gần như đồng nghĩa với từ "đồng minh" trong Thế chiến II (1939-1945), để khẳng định triều đại Hùng vương, chứ không phải An Dương vương, nhân vật hư cấu, mới "đạt những quan hệ ngoại giao và đồng minh với Nam Việt, trong khi Triệu Đà của Nam Việt đang lo chống cự với nhà Hán ở phương Bắc. Nó [Tây Âu Lạc -- ct.] như vậy đang có vua chúa và triều đình [Hùng vương -- ct.] của nó" (26).
Nếu kể thêm một phần khá dài truy nguyên nguồn gốc của chi tiết "An Dương vương cỡi con tê sống vằn vào nước chạy, nước vì thế rẽ ra" (27), một chi tiết hầu hết các sách sử nước ta và "Nam Việt chí" của Trung Hoa đều có đề cập đến, một chi tiết thiền sư, GSTS. Lê Mạnh Thát xem thuộc loại mấu chốt nhất trong lập luận của ông, chúng ta có thể nói, các công đoạn truy nguyên, phản chứng đã được thiền sư, GSTS. Lê Mạnh Thát thực hiện đầy đủ. Để rồi, sau đó, ông trích dẫn nguyên tác "Mahabharata"cũng như dịch ra tiếng Việt các đoạn trích từ bộ sử thi Ấn Độ ấy, nhằm thực hiện thao tác cuối: phiên bản "Mahabharata"tại nước Âu Lạc (Việt Nam) cổ đại.
Cũng như ở đoạn trên (về huyền thoại "Trăm trứng"), ở đây, tôi sẽ trích dẫn lại từ cuốn sách "'Lục độ tập kinh' và lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta" của thiền sư, GSTS. Lê Mạnh Thát những đoạn "Mahabharata" ấy. Qua đó, chúng ta sẽ tự rút ra kết luận, tự trả lời câu hỏi mà nhiều nhà sử học tên tuổi ở nước ta đã trả lời trên báo chí trong vài tuần lễ vừa qua: "Liệu khẳng quyết của thiền sư, GSTS. Lê Mạnh Thát có sức thuyết phục hay không?".
Trước hết, có lẽ cũng rất cần thiết phải lưu ý một vài đoạn thiền sư, GSTS. Lê Mạnh Thát đã khảo cứu về chi tiết "sừng tê bảy tấc - rẽ nước". Theo ông, người ta có thể tìm thấy chi tiết ấy trong "Bảo phác tử" của đạo sĩ Cát Hồng. Nhưng Cát Hồng viết "Bảo phác tử" trong khoảng thời điểm 325 s.cn., nhuận sắc đến năm 345 thì xong (28). Vậy chi tiết ấy phải có trước đó nữa. Do đó, ông truy nguyên vào "Hậu Hán thư" để tìm thấy sự kiện vua An Đôn (Marcus Aurelius Antonius) nước Đại Tần (La Mã) cử sứ giả tới Trung Hoa qua đường nước ta vào năm 166 s.dl.. (chứng cứ còn lại là những đồng tiền La Mã được tìm thấy tại Óc Eo) (29).
"Việc chúng tôi dài dòng truy nguyên một số đạo thuật do [Cát] Hồng liệt ra, nhằm cho thấy, những thuật khác của Tiên đạo sẽ chịu ảnh hưởng ngoại lai như thế nào. Trong số những thuật ấy, thuật "ngậm sừng tê dài ba tấc khắc hình con cá, để vào nước, cho nước rẽ ra", dĩ nhiên có một liên lạc đến vấn đề An Dương vương... [...] Câu hỏi bây giờ là, thế thì phải chăng nó là một nhập cảng ngoại quốc?"(30). Tất nhiên câu hỏi ấy đã được thiền sư, GSTS. Lê Mạnh Thát trả lời bằng một loạt cứ liệu để khẳng định nguồn gốc ngoại lai của thuật ấy (31): "Mahabharata".
Dưới đây là những đoạn "Mahabharata" bằng tiếng Phạn (Sanskrit), do thiền sư., GSTS. Lê Mạnh Thát trích dịch:
-*- "Mahabharata" 9.29.1-26:
"Sau khi vợ con của những sát đế lị quảng đại đã trốn chạy và trại quân trở thành trống rỗng, ba xa kị ấy cảm thấy rùng mình, xao xuyến... [...] Nhưng dẫu cố tìm, họ vẫn không tìm thấy đấng nhân quân. Với kiền chuỳ trong tay, đấng ấy đã nhanh bỏ chiến trường và đi vào một cái hồ, sau khi làm cho nước rẽ ra nhờ vào huyễn thuật của mình... [...] Lúc đã tới gần hồ, trong đấy đấng nhân quân nằm nghỉ, họ nói với vị vua vô địch đang nằm ngủ trong nước rằng: Hỡi đại vương, hãy đứng lên và cùng chúng tôi đánh tên Yu dhi sơ thi ra..." . Cả một số thợ săn cũng thấy sự thể ấy, và chúng đang bàn với nhau để tìm cách tố giác nhằm kiếm tiền thưởng. Chúng nói: "Ta sẽ điểm chỉ Du ryo dha na thì bọn Pan du tất hậu thưởng, vì quá rõ ràng là, vị vua Du ryo dha na nổi tiếng nằm trong hồ ấy. Vậy, tất cả bọn ta hãy đến chỗ vua Yu dhi sơ thi ra mà mách cho ngài, tên Du ryo dha na ác nghiệt đang lẫn giấu trong nước hồ..." (32).
Thiền sư, GSTS. Lê Mạnh Thát căn cứ vào đấy để viết, mặc dù ông biết, theo truyền thuyết An Dương vương của Việt Nam chúng ta thì Thục Phán (Pan du [?]) mới cầm sừng tê, rẽ nước và đi xuống biển, chứ không phải Triệu Đà (giả thiết là Du ryo dha na): "Việc Duryodhana có thể làm cho nước rẽ ra để ông đi vào này đương nhiên ám chỉ một cách khá chắc chắn nguồn gốc đi vào nước của An Dương vương"; "nó tối thiểu đã cho ta thấy một cách mường tượng nguyên lai của chuyện đi trốn và làm cho nước rẽ ra của An Dương vương"(33).
-*- "Mahabharata" 5.7.1-20:
"Khi Kơ rit sơ na và Hắc Thiên họ Cam đã trở về thăm Đô Lỗ cùng với tất cả những người Vơ rit sơ ny, An dha ka và Bhô ja rồi, vị vua do Bảo Kiên sinh gởi ra hàng trăm gián điệp nên biết hết mọi động tĩnh của những người con Pan du" (34).
Có lẽ chi tiết "hàng trăm gián điệp" này khiến thiền sư của chúng ta liên tưởng đến mưu kế gián điệp của Triệu Đà trong việc cho con trai là Trọng Thuỷ kết hôn với con gái An Dương vương là Mỵ Châu để đánh tráo cái lẫy Nỏ Thần.
Cũng từ đoạn trích khá dài ấy ("Mahabharata" 5.7.1-20), thiền sư, GSTS. Lê Mạnh Thát còn liên hệ Krsna với Cao Lỗ: "Như Krsna, Lỗ đã làm một số việc lợi ích cho An Dương vương. Nhưng như An Dương vương không thể giữ Cao Lỗ, Duryodhana, mặc dù có hết quân đội của Krsna, đã phải mất Krsna. Mất Krsna, nên Duryodhana đã bị đánh bại, mà phải trốn vào hồ nước, làm hồ nước rẽ ra. Mất Cao Lỗ, An Dương vương bị Triệu Đà đánh bại, "phải ngậm sừng tê sống vằn vào nước", nước vì thế tự rẽ ra" (35). Thiền sư cho rằng, cái tên "Cao Lỗ" (hay Đô Lỗ, Thạch thần) "chắc hẳn là một phiên âm hai ngữ phận đầu của "Krsna" của người nước ta" (35).
Việc diễn giải cách phiên âm từ ngữ tiếng Phạn của người Việt nước ta cũng là một thao tác mà thiền sư, GSTS. Lê Mạnh Thát đã thực hiện, nhằm chứng minh "truyền thuyết An Dương vương" chỉ là phiên bản của "Mahabharata". Ông đưa ví dụ: địa danh Phan Rang là từ phiên âm của Panduranga: Pan(du)rang(a). "Cái tên Phán của con vua Thục do vậy chắc chắn đã phải là phiên âm chữ Pandu, tên người cha của Yudhisthira, kẻ đã đánh bại và tàn sát 18 đạo quân" (36).
Trước thao tác thứ 3 này, thiền sư, GSTS. Lê Mạnh Thát còn đặt mối liên hệ về con số 18: "Thời gian của cuộc chiến tranh Duryodhana như vậy kéo dài đúng 18 ngày, như con số 18 đạo quân lâm trận của cả hai bên. Chi tiết 18 đạo quân và 18 ngày đánh ấy có một quan hệ trực tiếp và đầy ý nghĩa với truyền thuyết An Dương vương, bởi vì tối thiểu là từ thời "Đại Việt sử lược" trở đi, người ta bảo rằng, triều đại Hùng vương của nước ta truyền cho nhau 18 đời và đến đời Hùng vương 18 thì bị An Dương vương đánh bại. Con số 18 đời ấy, như Ngô Sĩ Liên đã nhận xét "sợ chưa chắc là thế", bởi vì nó quá ít ỏi khi so với thời gian phải bao trùm. Bây giờ, nếu việc nối kết truyền thuyết An Dương vương với anh hùng ca "Đại Bha ra ta" trên của chúngtôi được chấp nhận, chúng ta tất có thể thấy một cách dễ dàng nó đã đến từ đâu"(37). Thiền sư cũng lí giải rõ, đó không phải là mối liên hệ trực tiếp -- nguyên xi mà gián tiếp -- khúc xạ.
Bằng vào những luận cứ và luận giải ấy, thiền sư, GSTS. Lê Mạnh Thát đã kết luận như chúng ta đã biết:
"Nếu những liên hệ vừa nói là đúng, nó tất quá rõ ràng là, truyền thuyết lịch sử dân tộc ta từ An Dương vương trở xuống cho tới khi Triệu Đà lập quốc không gì hơn là một phụ hội của anh hùng ca "Đại Bha ra ta". ... [...] Họ chỉ là những nhân vật lịch sử được mượn cho việc diễn lại bản anh hùng ca "Đại Bha ra ta" tại Việt Nam, không hơn, không kém. Vì vậy, dù là những nhân vật lịch sử thật như trường hợp Triệu Đà, họ đã [bị / được] bi kịch hoá và huyền thoại hoá cho việc diễn ra tấn anh hùng ca đó"(38).
Ở đây, phải chăng ông còn muốn nói thêm, cho dẫu tất cả những nhân vật trong truyền thuyết An Dương vương đều là nhân vật lịch sử có thật, thì họ cũng đã được Mahabharata-hoá?
Trên cơ sở những trích đoạn và luận giải đó, chúng ta thử đối chiếu trực tiếp với văn bản "Truyền thuyết An Dương vương" (truyện Rùa Vàng hay truyện Kim Quy). Truyền thuyết này,cũng có nhiều nhà soạn sách lại tách ra thành hai truyện, truyện thứ hai là "Mỵ Châu - Trọng Thuỷ":
Truyện KIM QUY
(truyện An Dương vương - Mỵ Châu - Trọng Thuỷ)
"An Dương Vương nước Âu Lạc là người ở Ba Thục, họ Thục, tên Phán, nhân việc tiên tổ cầu hôn với con gái của Hùng Vương tên là Mỵ Nương không được nên sinh ra hàm oán. Phán muốn hoàn thành ý chí của tổ tiên nên cử binh đánh Hùng Vương, diệt nước Văn Lang, cải hiệu là Âu Lạc mà ở, đắp thành ở đất Việt Thường. Thành đắp xong lại sập. Vương mới lập đàn, trai giới cầu đảo ba tháng.
Ngày mồng bảy tháng ba bỗng thấy một ông già theo phương tây mà đến thẳng cửa thành, vừa đi vừa than rằng:
- Xây đắp thành này thì bao giờ cho xong!
Vương rước vào trên điện, lạy và khóc rằng:
- Ta đắp thành này đã xong lại đổ, hao tổn công sức mà rồi không thành là tại làm sao?
Ông già thưa:
- Ngày nào có sứ giả Thanh Giang cùng đắp với Vương thì thành ấy mới xong.
Nói đoạn cáo từ.
Rạng ngày, Vương đứng ở cửa Đông trông ra thì thấy một con rùa vàng theo hướng đông mà bơi lại; rùa đứng trên mặt nước, nói được tiếng người, tự xưng là Thanh Giang sứ giả, biết rõ lẽ trời đất, âm dương, quỷ thần.
Vương mừng hỏi rằng:
- Điều đó ông già đã báo cho ta rồi.
Bèn sai lấy kim dư rước vào trong thành, mời ngồi trên điện, hỏi vì cớ gì mà thành không đắp được.
Kim Quy nói:
- Ở đây có tinh khí núi sông, con Tiên vương phụ vào để báo thù nước, lại có con gà trắng sống ngàn năm hóa làm yêu tinh ẩn ở núi Thất Diệu, trên núi có con quỷ, nguyên trước là một nhạc công chôn cất ở đây hóa ra quỷ. Ở bên có một cái quán để cho hành khách qua lại ngủ nhờ; chủ quán tên là Ngộ Không, có một đứa con gái và một con gà trắng là dư khí của quỷ thần. Hễ có người khách nào qua lại đến đấy ngủ nhờ thì quỷ tinh hóa ra thiên hình vạn trạng mà giết hại rất nhiều. Bây giờ ta nên bắt con gà trắng và đứa con gái của chủ quán mà giết đi thì tinh quái sẽ hết. Nhưng chắc là nó lại hóa ra yêu thư, sai chim cú ngậm thư bay lên trên cây chiên đàn, tâu với Thượng Đế để xin phá thành ấy đi. Thần này xin cắn cho rơi cái thư ấy xuống, Vương lập tức thu lấy; tất nhiên thành đắp mới xong.
Kim Quy bảo Vương giả làm khách đi đường xin ngủ nhờ trong quán. Vương để Kim Quy ở trên ngưỡng cửa.
Ngộ Không nói:
- Quán này có yêu tinh, đêm thường giết người, lang quân không nên ở lại, vả nay trời cũng chưa tối, nên đi mau đến chỗ khác để tránh họa.
Vương cười rằng:
- Sinh tử tại mệnh, quỷ mỵ mà làm gì, ta không sợ.
Mới ngủ lại đó.
Trong đêm có quỷ tinh đến ngoài kêu rằng:
- Ai ở trong nhà này phải mở cửa ra mau.
Kim Quy mắng rằng:
- Cửa đóng thì mày làm gì nào?
Quỷ tinh phóng hỏa lan ra vạn trạng, quỷ dị đủ phương để khủng bố nhưng rốt cuộc cũng chẳng vào được nhà.
Đến lúc gà gáy, các quỷ đều chạy tan, Kim Quy khiến Vương đuổi theo đến núi Thất Diệu, quỷ tinh thu về hết cả, Vương trở lại quán trọ.
Sáng ngày, chủ quán đem người đồng đến để chôn thi thể của khách ngủ lại hôm qua, thấy Vương ngồi đó, nói cười như không có gì cả. Quán chủ bước đến, vái lạy rằng:
- Lang quân được như thế tức là Thánh nhân rồi, xin ban linh thuật để cứu sinh linh.
Vương bảo:
- Hãy giết con gà trắng của mày mà tế thì quỷ thần tan hết.
Ngộ Không giết con gà trắng thì đứa con gái tự nhiên cũng nhào xuống chết. Vương lập tức bảo người đào núi Thất Diệu, được một nhạc khí đời cổ và một hài cốt, sai đốt trộn thành tro mà quăng ra sông.
Lúc bấy giờ trời đã gần chiều, Vương cùng Kim Quy leo lên núi Việt Thường, quỷ tinh đã hóa ra chim si hưu ngậm thư bay lên cây chiên đàn.
Kim Quy bèn hóa ra một con chuột mà bò theo sau lưng cắn chân chim; thư rơi xuống đất; Vương lập tức thu lấy thì sâu đã ăn hết hơn một nửa rồi.
Từ đó, quỷ tinh tan hết, không lại phá phách như xưa nữa.
An Dương Vương đắp thành nửa tháng đã xong; thành dài và rộng nghìn trượng, xoáy tròn như hình con ốc, lại đặt tên là thành Thăng Long (bản của Despierres ghi là Tư Long). Người nhà Đường gọi là thành Sát Quỷ Lôn bởi vì thành rất cao lớn.
Kim Quy ở lại với Vương ba năm rồi từ về. Vương bảo rằng:
- Nhờ ơn của người, thành đã vững chắc, nếu như có việc ngoài thì lấy gì mà chống giữ?
Kim Quy thưa:
- Quốc độ tu đoản, xã tắc an nguy là vận của trời, nhưng người biết tu đức thì có thể lâu dài được, Vương đã có lòng ước nguyện thì tôi đâu dám tiếc.
Mới cởi cái móng chân đưa cho Vương và nói:
- Thảng hoặc giặc có đến thì dùng móng này làm máy nỏ, đem ra mà đánh giặc thì không có gì đáng lo.
Nói đoạn trở về Đông Hải.
Vương khiến bầy tôi là Cao Lỗ làm nỏ, lấy móng này làm máy, hiệu là Linh Quang Kim Trảo Thần Nỗ. Sau Triệu Đà đem quân đến xâm lăng, cùng Vương giao chiến, Vương dùng thần nỗ mà bắn, quân Triệu Đà thua chạy, đóng đồn ở núi Trâu Sơn, đối luỹ với Vương. Triệu Đà biết Vương có nỏ thần nên không dám tái chiến mới khiến sứ thỉnh hòa. Vương mừng, cắt từ sông Tiểu Giang (nay là sông Nguyệt Đức) trở về phương Bắc cho Triệu Đà cai trị, trở về phương Nam thì do Vương cai trị.
Chưa được bao lâu, Đà sai con vào túc vệ cầu hôn với con gái Vương là Mỵ Châu. Vương bất ý không ngờ gian kế của cha con Triệu Đà. Trọng Thuỷ dỗ Mỵ Châu trộm lấy nỏ thần cho xem, rồi lén làm nỏ khác đổi lấy vuốt rùa giấu đi, nói dối với Mỵ Châu là trở về Bắc thăm cha mẹ.
Nhân đó nói rằng:
- Tình phu phụ thì không nỡ quên, mà ơn phụ tử cũng không nên bỏ, ta nay về thăm cha mẹ mà vạn nhất hai nước thất hòa, Nam Bắc cách biệt, ta trở lại tìm nàng thì nàng lấy vật gì mà làm dấu cho ta biết.
Mỵ Châu nói:
- Thiếp là nhi nữ gặp phải bước phân ly thực khó thắng được tình cảm. Thiếp có chiếc nệm gấm lông ngỗng thường mang trên người, đến lúc ấy thì thiếp lấy lông ngỗng mà rải ở các ngã ba để chỉ cho chàng biết chỗ thiếp mà đến cứu.
Trọng Thuỷ từ tạ, cắp nỏ mà về báo cáo với Triệu Đà. Đà được nỏ rất mừng liền phát binh đánh Vương. Vương không lo phòng bị, mải đánh cờ vây, cười rằng:
- Đà không sợ nỏ thần của ta sao?
Đến lúc quân Triệu Đà tiến bức, Vương mới xách nỏ ra bắn thì thần cơ đã mất; quân chạy tán loạn.
Vương chở Mỵ Châu lên ngựa chạy về hướng Nam, đến bờ biển, cùng đường, không có thuyền để sang ngang, Vương hét lớn lên rằng:
- Trời để mất ta hay sao? Giang sứ đâu, mau đến cứu ta.
Kim Quy nổi lên trên mặt nước, mắng rằng:
- Người cỡi ngựa ở sau lưng là giặc đó. Hãy giết nó ta mới cứu.
Vương bèn tuốt gươm chém Mỵ Châu.
Mỵ Châu ngửa mặt lên trời mà cầu xin:
- Thiếp là con gái, nếu có lòng phản nghịch mưu hại đến phụ thân thời chết hóa thành bụi trần, bằng như một niềm trung tín, bị người phỉnh phờ thời hóa làm ngọc châu để rửa cái thù nhục nhã này.
Mỵ Châu chết ở bờ biển, máu chảy trên nước, hàu hến ăn vào lòng hóa thành minh châu.
Vương cầm sừng văn tê bảy tấc, Kim Quy rẽ nước dẫn Vương vào biển. Đời truyền là núi Mộ Dạ, làng Cao Xá, châu Diễn, tức là chỗ đó vậy.
Quân Triệu Đà đến chỗ ấy không thấy gì hết, chỉ thấy tử thi của Mỵ Châu. Trọng Thuỷ ôm thây nàng mà về chôn ở Loa Thành, hóa làm ngọc thạch. Trọng Thuỷ thương cảm vô cùng; thấy lại những chỗ trang điểm hay tắm gội của Mỵ Châu, tưởng nhớ đến hình dung của nàng, bèn nhảy xuống giếng mà chết. Sau này, ai được ngọc châu ở Đông Hải, càng múc nước giếng ấy mà rửa thì sắc ngọc càng thêm rực rỡ. Nhân tránh tên Mỵ Châu nên gọi ngọc châu là Đại Cưu, Tiểu Cưu vậy" (39).
Điều cần nhấn mạnh, tuy dễ nhận ra nhất: Nếu đối với "Huyền thoại Lạc Long Quân -- Âu Cơ và trăm trứng", chi tiết mẫu đề (motif) cốt lõi là trăm trứng, thì đối với "Truyền thuyết An Dương vương", chi tiết mẫu đề cốt lõi, vẫn theo thiền sư, GSTS. Lê Mạnh Thát, ấy là "sừng tê bảy tấc - rẽ nước". Tôi cũng cho đây là chi tiết mẫu đề trong giao lưu văn hoá -- tôn giáo; việc có chung mẫu đề là hiện tượng thường thấy trên khắp mọi khu vực văn hoá trên thế giới, từ xưa đến nay, đặc biệt được thấy rõ nhất là trong văn học, sử học cổ đại, trung đại. Khi nói thế, chúng ta cũng có thể loại trừ trường hợp trùng hợp ngẫu nhiên. Khác với trùng hợp ngẫu nhiên vốn là hiện tượng đơn lẻ, hiếm hoi, sử dụng mẫu đề một cách cố ý hay vô thức lại là một hiện tượng phổ biến, nhưng chỉ phổ biến trong thời cổ - trung đại mà thôi. Nếu trong văn học hiện đại có sử dụng mẫu đề, thì thường là mẫu đề có tính cổ truyền (như thuyền -- bến, hoa sen -- bùn...). Trong sử học thuần chất ngày nay, người làm sử không còn dùng các thủ pháp văn chương để biểu đạt.
Thêm một điều nữa, nếu so sánh, ai cũng thấy chi tiết trăm trứng là hết sức quan trọng, đích thực là cốt lõi, vì bản thân nó chứa đựng chủ đề tư tưởng chính của "Huyền thoại Lạc Long Quân -- Âu Cơ và trăm trứng" (trăm trứng = đồng bào = đoàn kết), nhưng chi tiết "sừng tê bảy tấc - rẽ nước" trong "Truyền thuyết An Dương vương" chỉ là chi tiết phụ thuộc, không phải là cốt lõi, nên thiếu nó thì truyền thuyết này vẫn không trống rỗng tư tưởng chủ đề hoặc sai lệch chủ đề. Theo tôi, chi tiết cốt lõi là một cụm tình tiết và cụm ấy phải là "móng rùa - cái lẫy nỏ thần - hạt bụi - ngọc sáng", mà không phải là "sừng tê bảy tấc - rẽ nước", bởi vì cái chết của một người đứng đầu một đất nước như An Dương vương là cái giá phải trả, trong khi đó, sự nhẹ dạ, cả tin của Mỵ Châu đáng để tha thứ hơn, sau khi đã chết bằng một cái chết thảm khốc nhất (có cái chết nào đau đớn hơn trên đời này cho bằng cái chết bởi chính thanh gươm của người cha rất mực thương yêu, cái chết với bản án phản bội Tổ quốc!). Nói cách khác, An Dương vương không xứng đáng để nhân dân huyền thoại hoá cái chết tự vận của ông ta, đến mức xem như ông vẫn mãi còn sống trong lòng biển cả mênh mông, bao dung nào đó. Vì thế, san tước bớt chi tiết "sừng tê bảy tấc - rẽ nước", có khi lại khiến tư tưởng chủ đề đạt được giá trị cao hơn. Nhưng chúng ta không có quyền san tước tư liệu lịch sử, cho dù đó chỉ là truyền thuyết truyền miệng đã được định hình thành văn bản cố định (40).
Một điểm khác, theo tôi, "Huyền thoại Lạc Long Quân -- Âu Cơ và trăm trứng" và "Truyền thuyết An Dương vương" luôn luôn phải đi liền với nhau. Một là khởi đầu và một là kết thúc thời kì Hùng Vương -- Văn Lang. Đó là một lẽ. Lẽ khác, quan trọng hơn, cả hai sẽ bổ cứu cho nhau. Thiếu một trong hai sẽ dẫn đến những nguy cơ về tư tưởng...
Cuốn sách còn có hai chương "Thần Nông và triều đại Hùng Vương" (chương III) và "Vấn đề tiếng Việt thời Hùng Vương" (chương IV) cùng với phần tư liệu phụ lục, nhận định về tư liệu phụ lục ấy.
Trong hai chương ấy, thiền sư, GSTS. Lê Mạnh Thát đã chứng minh "Việt luật"là có thật, mặc dù bị thất truyền, để khẳng định có chữ viết riêng của dân tộc ta dưới triều đại Hùng Vương, một triều đại kéo dài hơn hai ngàn năm và cả dân tộc Việt tự thân đã phát triển đến mức đáng kể, không cần đến sự giáo hoá mị dân của thực dân phong kiến Trung Hoa cổ đại; đặc biệt, ông vận dụng kiến thức ngữ âm học lịch sử để giải mã bài "Việt ca", cũng nhằm chứng minh thêm về vấn đề chữ viết Văn Lang (Việt Nam). Nếu không có kiến thức ngữ âm học lịch sử, ngôn ngữ học đối chiếu, chúng ta sẽ ngỡ rằng công việc giải mã ngữ âm là một sự suy diễn tuỳ tiện, buồn cười, áp đặt. Thực ra, đây là một lĩnh vực không dễ chút nào.
Nhờ có thế mạnh là am hiểu sâu rộng về cổ ngữ Hán, và nắm vững ngữ âm học lịch sử, có lẽ thiền sư, GSTS. Lê Mạnh Thát đã đưa ra một vấn đề có sức mời gọi những nhà ngữ âm học Việt Nam và ngoại quốc tham cứu.
Về phần tư liệu phụ lục, thấy ngay là thiền sư, GSTS. Lê Mạnh Thát chỉ trích dịch hai bộ sử Trung Hoa mà ông đánh giá là khả tín nhất, để bổ cứu cho "Toàn thư" và "Cương mục" về phần huyền sử (một thời kì lung linh, mơ hồ!). Đó là "Hậu Hán thư" và "Sử kí - Tư Mã Thiên".
Với chủ đích đã đặt ra, đây chỉ là một bài thuộc thể "thông tin -- tư liệu", tóm lược lại cuốn sách "'Lục độ tập kinh' và lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta" của thiền sư, GSTS. Lê Mạnh Thát, chủ yếu tập trung vào hai chương dễ gây tranh cãi nhất (chương I và chương II), đặc biệt chú trọng đến tư liệu gốc được ông trích dịch và trưng dẫn trong đó, đồng thời bài này cũng tập hợp thêm những tư liệu gốc khác để đối chiếu. Vì vậy, tôi không bình luận gì thêm. Những bình luận, tôi sẽ dành cho việc nâng cao bài viết này.
Những vấn đề thiền sư, GSTS. Lê Mạnh Thát đặt ra, hiện đang gây chấn động, tạo nên những cuộc tranh luận khoa học rất bổ ích. Nhưng dẫu sao đi nữa, chỉ với việc phát hiện, trích và dịch hàng loạt văn bản trong thư tịch cổ từ nhiều nguồn ngôn ngữ khác nhau (Sanskrit, Tạng, Hán...) có chứa đựng mẫu đề (motif) "trứng - trứng hạc - trứng rồng - bọc thịt - trăm trứng - trăm con trai" hay "sừng tê - rẽ nước"đã là một đóng góp rất lớn của thiền sư, GSTS. Lê Mạnh Thát đối với việc nghiên cứu cổ sử và văn học dân gian cổ đại nước ta. Thử hỏi, trong giới nghiên cứu văn học, sử học ở Việt Nam ta và trong các nhà Việt Nam học ngoại quốc, cho đến nay, đã có ai làm được việc đó!...
__________________________
(1) Lê Mạnh Thát, "'Lục độ tập kinh' và lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta", Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Nxb. Tổng hợp TP.HCM., PL. 2549 (2005).
(2) Nhiều tác giả, "Những vấn đề lịch sử Việt nam", bài của Stephen O'Harrow, Tạp chí Xưa & Nay - Nxb. Trẻ, 2002, tr. 7.
(3) Lê Mạnh Thát, "Lịch sử Phật giáo Việt Nam" (I, II, III), Nxb. TP.HCM., 2006.
(4) Lê Mạnh Thát, "Tổng tập văn học Phật giáo" (I, II, III). Có thể đọc ở Website quangduc.com.
(5) Lê Mạnh Thát, sđd. (chú thích 1), tr.5.
(6) Khởi động bởi Hoàng Hải Vân, báo Thanh Niên, từ ngày 26-02 đến 06-03-2008. Ngoài ra còn có bài phỏng vấn GS. Phan Huy Lê, bài phát biểu ý kiến của nhà thơ, nguyên uỷ viên Bộ Chính trị Nguyễn Khoa Điềm (Bùi Ngọc Long ghi) và các bài viết của nhiều nhà báo, nhà nghiên cứu khác trên tờ báo này và ở các báo khác: Sài Gòn giải phóng, Hà Nội mới, Tạp chí điện tử BBC-Vietnamese...
(8) Mahãbhãrata (sử thi Ấn Độ). Theo HĐQG.CĐBS.TĐBK.VN., Từ điển bách khoa Việt Nam, tập 2, Nxb. TĐBK., 2002, tr. 821: "Được biên soạn vào thế 5 tr.cn., có bổ sung và sửa đổi cho tới thế kỉ 5 s.cn. Theo truyền thuyết, tác giả là đạo sĩ Vyasa (Vyãsa). Nguyên bản lúc đầu gần 24 nghìn câu thơ đôi, sau tăng lên 6 triệu. Hiện nay chỉ sưu tầm được 110 nghìn câu".
(9) Lê Mạnh Thát trích dẫn, sđd. (chú thích 1), tr.50-72, 243.
(10) Lê Mạnh Thát trích dẫn, sđd. (chú thích 1), tr.63-64, 67.
(11) Lê Mạnh Thát trích dẫn, sđd. (chú thích 1),sđd., tr. 54-55.
(12) Lê Mạnh Thát trích dẫn, sđd. (chú thích 1), sđd., tr. 47.
(13) Lê Mạnh Thát trích dẫn, sđd. (chú thích 1), sđd., tr. 48-49.
(14) Lê Mạnh Thát trích dẫn, sđd. (chú thích 1), sđd., tr. 41-42.
(15) Lê Mạnh Thát trích dẫn, sđd. (chú thích 1), tr. 18-21. Riêng truyện 23 trong "Lục độ tập kinh" này, tôi lấy bản vi tính từ website Quảng Đức:
http: // www.quangduc.com/lichsu/14vanhocpgvn13.html.
(16) Bản vi tính "Truyện họ Hồng Bàng"của Website Phật tử Việt Nam:
http: // www.phattuvietnam.org.
Xem thêm:Truyền thuyết "Ngu Cơ -- Lương Wong" của dân Mường trong cuốn "Les Muong" của Jeanne Cuisinier (1946 -- Géographie humaine et sociologie, Institut d'Ethnologie, Paris):
"Ngày xửa ngày xưa, có một nàng công chúa xứ Mường tên là Ngu Kơ, mang tiền kiếp một con nai có đốm ngôi sao (cerf étoilé), cưới một ông hoàng tử con vua Yịt tên Long Vuong, gốc vốn loài cá. Ít lâu sau, Ngu Kơ sinh được 50 con gái và 50 con trai. Nhưng rồi cơm không lành canh chẳng ngọt. Từ ở chỗ con cái không đủ đồ ăn thức uống, Ngu Cơ và Long Vuong ưa cãi vã với nhau. Cuối cùng, Ngu Kơ và Long Vuong đành phải chia tay, mỗi người một ngả. Ngu Kơ dẫn 50 người con lên miền rừng núi, và Long Vuong dẫn 50 người con kia xuôi về miền sông biển. Ngu Kơ và đám con tạo nên những dòng vua chúa mặc áo màu đen, và Long Vuong, các gia đình vua mặc áo màu vàng.
Dân Mường thờ kính bà Ngu Kơ như mẫu tổ và thường làm cờ có hình con nai đốm sao, như một vật tổ để tưởng nhớ đến bà"".
(Nguồn: http: // www. khoahoc.net, dẫn theo Web Việt Học: viethoc.org ).
Nhân đây, cũng nên đọc thêm "Truyện Liễu Nghị" của Lý Triều Uy (từ "Thái Bình Quảng kí" - đời Tống, thuộc những thế kỉ về sau rất xa) mà Ngô Sĩ Liên trong "Toàn thư" đã xem như một cứ liệu tham khảo để xác minh quan hệ nối đời giữa chúa Động Đình và chúa Kinh Xuyên: "Vậy thì Động Đình cùng với Kinh Xuyên đời đời gả con cho nhau, kể từ lâu..." và có thể ngầm xác định Âu Cơ bị Đế Lai bạc tình, bỏ rơi.Thật ra, truyện Liễu Nghị này, vua Tự Đức vẫn xác định đó chỉ là truyện do nhà tiểu thuyết viết, khi bàn bạc cùng Quốc sử quán triều Nguyễn trong việc biên soạn "Cương mục". Chúng ta cũng sẽ thấy rất rõ "Truyện họ Hồng Bàng" ("Lạc Long Quân -- Âu Cơ và trăm trứng") và "Truyện Liễu Nghị"này hầu như chỉ giống nhau vài chi tiết về địa danh, không đáng kể. (Xem bản vi tính của Website Việt Kiếm, truy cập theo link của Website Việt Học: viethoc.org, tôi đã mạn phép sao chụp, tạo thành một tệp phụ, thuộc WebTgTXA. này; hoặc có thể đọc ở các trang tìm kiếm - lưu trữ của Google)
(17) Lê Mạnh Thát, sđd. (chú thích 9), sđd., tr. 243.
(18) Lê Mạnh Thát, sđd. (chú thích 9), sđd., tr. 73 & 75. Các nhà làm sử ngày xưa dựa vào tư liệu Trung Hoa để hiệu chính, có lẽ không thoả đáng. Nếu Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai, là rơi vào trường hợp hôn nhân đồng huyết (chú lấy cháu thúc bá lại), mặc dù hôn nhân đồng huyết vốn là tập tục quần hôn thời hồng hoang cổ đại. Tôi thấy thiền sư, GSTS. Lê Mạnh Thát vẫn sử dụng chi tiết Âu Cơ là vợ trẻ của Đế Lai, khi Đế Lai bỏ lại tại hành cung của Lạc Long Quân, Lạc Long Quân liền cướp Âu Cơ với sự thoả thuận của Âu Cơ (có lẽ Âu Cơ nghĩ mình bị Đế Lai bỏ rơi), và Lạc Long Quân chiến đấu chống sự xâm nhiễu của Đế Lai theo yêu cầu của nhân dân, đúng như nguyên bản trong "Lĩnh Nam chích quái" là thích hợp hơn.
(19) Xem: Nguyễn Văn Siêu, "Phương Đình dư địa chi", Nxb. Văn hoá -- Thông tin, 2001, tr. 173-175; Trần Thế Pháp, "Lĩnh Nam chích quái", bản dịch của Lê Hữu Mục, Khai Trí xuất bản, 1960, xem bài dẫn nhập của Lê Hữu Mục về Maspéro, Przyluski, tr.16-17; Lê Mạnh Thát, "Lịch sử Phật giáo Việt Nam", tập II, Nxb. Tổng hợp TP.HCM., tr. 18-19; xem thêm: Hai bài của Stephen O'Harrow, sách đã dẫn (chú thích 2), tr. 18 & 52.
(20) Lê Mạnh Thát, sđd. (chú thích 1), sđd., tr. 9.
(21) Lê Mạnh Thát, sđd. (chú thích 1), sđd., tr. 244.
(22) Lê Mạnh Thát, sđd. (chú thích 1), sđd., tr. 244.
(23) Lê Mạnh Thát, sđd. (chú thích 1), sđd., tr. 246-247.
(24) Lê Mạnh Thát, sđd. (chú thích 1), sđd., tr. 247-248.
(25) Lê Mạnh Thát, sđd. (chú thích 1), sđd., tr. 247.
(26) Lê Mạnh Thát, sđd. (chú thích 1), sđd., tr. 87.
(27) Lê Mạnh Thát, sđd. (chú thích 1), sđd., tr. 94-95. Trích "Lĩnh Nam chích quái": "trì thất thốn văn tê, Kim Quy khai thuỷ, dẫn vương nhập hải" (Cầm bảy tấc sừng tê có vằn, thần Rùa Vàng rẽ nước, đưa vua vào biển).
(28) Lê Mạnh Thát, sđd. (chú thích 1), sđd., tr. 100.
(29) Lê Mạnh Thát, sđd. (chú thích 1), sđd., tr. 109.
(30) Lê Mạnh Thát, sđd. (chú thích 1), sđd., tr. 116.
(31) Thiền sư, GSTS. không đề cập cụ thể và trích dẫn "Kinh Thánh", mặc dù có thể ông có gián tiếp nhắc đến. Xin xem "Kinh Thánh", Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, 1986, phần "Xuất Ê-dip-tô kí": 14: 21-31. Để thuật lại việc dân Isael từ Ai Cập trở về nước cũ, phải băng qua Biển Đỏ, Kinh Thánh có đoạn: "Môi-se giơ tay ra trên biển, Đức Giê-hô-va dẫn trận gió đông thổi mạnh đến, đùa biển lại trọn cả đêm; Ngài làm cho biển bày ra khô, nước phân rẽ. Dân Y-sơ-ra-ên xuống biển, như đi trên đất cạn; còn nước làm thành một tấm vách ngăn bên hữu và bên tả" (sđd.: 14:21-22). Mặc dù lúc đi dạy học và khi viết tiểu thuyết "Mùa hè bên sông" (Nỗi đau hậu chiến), tôi chưa được đọc "'Lục độ tập kinh' và lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta", nhưng cũng đã liên tưởng đến sự trùng hợp tôi cho là ngẫu nhiên về chi tiết này giữa "Kinh Thánh" với "Truyền thuyết An Dương vương".
(32) Lê Mạnh Thát, sđd. (chú thích 1), sđd., tr. 126-128.
(33) Lê Mạnh Thát, sđd. (chú thích 1), sđd., tr. 129.
(34) Lê Mạnh Thát, sđd. (chú thích 1), sđd., tr. 131-132.
(35) Lê Mạnh Thát, sđd. (chú thích 1), sđd., tr. 133.
(36) Lê Mạnh Thát, sđd. (chú thích 1), sđd., tr. 137.
(37) Lê Mạnh Thát, sđd. (chú thích 1), sđd., tr. 136-137.
(38) Lê Mạnh Thát, sđd. (chú thích 1), sđd., tr. 138.
(39) Nguồn của bản vi tính của "Truyền thuyết Kim Quy"này:http: // lichsuvietnam.info / index.php (03/01/2008).
Bổ cứu ngoài lề (01-04 HB8):
1) Có lẽ cũng cần làm rõ hơn vấn đề An Dương vương. Tôi nghĩ rằng, dã sử và văn học dân gian nói chung, trong chừng mức nào đó, vẫn có giá trị ghi nhận sự thật lịch sử ở bình diện vĩ mô (quy mô rộng lớn), như các sự kiện lớn (các trận đánh lớn, các sự biến lớn làm sụp đổ một triều đại...), diễn ra ngay giữa xóm thôn, kinh đô, mọi người dân thuộc những vùng đất đó đều có chứng kiến, mặc dù ở bình diện vi mô (quy mô nhỏ hẹp, thầm kín với hành trạng cá nhân của nhân vật lịch sử...), nhận thức của nhân dân thể hiện trong dã sử, văn học truyền miệng chắc hẳn có nhiều sai lạc, vì rất đơn giản là việc nội bộ, cá nhân hoặc chuyện thâm cung, làm sao nhân gian hiểu rõ tường tận. Theo đó, tôi tin rằng các nhân vật An Dương vương, Mỵ Châu, Trọng Thuỷ là có thật cùng với các sự kiện vĩ mô (nhấn mạnh: quy mô rộng lớn, như việc Thục Phán đánh bại vua Hùng thứ 18; việc sáp nhập Âu Việt với Lạc Việt thành nước Âu Lạc; việc Triệu Đà tiến đánh, tuy An Dương vương chiến thắng nhưng phải cắt đất cho Triệu Đà; và nhất là việc Triệu Đà đưa binh sang vây hãm Cổ Loa, sau khi Trọng Thuỷ hoàn tất kế hoạch gián điệp, trở về Phiên Ngung, dẫn đến thảm cảnh nước mất, nhà tan của Âu Lạc, khởi đầu hơn một ngàn năm Hoa thuộc), mặc dù các chi tiết thuộc loại "vi mô" như nguồn gốc dân tộc An Dương vương, địa danh có tính chất ý niệm - biểu tượng địa lí (Ba Thục), có thể sai lạc hay chí ít cũng dễ bị xuyên tạc (các nhân vật lịch sử của nước ta thường bị những kẻ vong bản hay kiều dân xuyên tạc thành người có nguồn gốc Hán -- Hoa). Ngoài ra, lễ hội lịch sử truyền thống lại các địa phương liên quan (hội đền Cổ Loa) hiện vẫn còn duy trì đến nay cũng là một chứng cứ hùng hồn.
2) Vấn đề Lý Phật Tử, Triệu Quang Phục [+] và sự phục hiện truyền thuyết An Dương vương, có thể kể cả truyền thuyết Chử Đồng Tử: Phải chăng sự phục hiện đó là một cách phản ánh sự thật lịch sử bằng thủ pháp văn chương dân gian? Trong thực tế, việc gửi rể để lấy thông tin tình báo không phải hiếm hoi gì, mà có thể lặp đi lặp lại trong nhiều thời đại khác nhau. Xin lưu ý giúp là Triệu Quang Phục, Lý Phật Tử đều chống sự xâm lược của thực dân phong kiến Trung Hoa và đều là đạo hữu Phật giáo, nhưng lại chia rẽ nhau, tranh chấp với nhau bởi nguyên do là tham sân si và vô minh. Xem thêm: Về Triệu Quang Phục -- Lý Phật Tử trong sự phục hiện truyền thuyết An Dương vương -- Triệu Đà:
http://tranxuanan.writer.googlepages.com/suy_nvmsvdtlscdnta_b6.htm
[+]Sử cũ, trước Ngô Sĩ Liên, gọi chung là Hậu Lý Nam đế, không chép về Triệu Quang Phục, Đào Lang vương.