|
|
"Thời gian là một ngọn lửa thiêu đốt ta. Nhưng chính ta là ngọn lửa." Jorge-Luis Borges |
Từ lâu tôi vẫn bị ám ảnh bởi vấn đề thời gian. Nhưng gần đây, khi bắt đầu "trông tuổi già bóng xế", tôi bỗng cảm thấy vấn đề trở thành gay go và cấp bách. Mình không còn lại bao nhiêu thời gian nữa, tôi tự bảo, cho nên phải cố gắng tận dụng tất cả thời gian còn lại. Để làm gì? Để suy nghĩ về một số vấn đề hệ trọng, bắt đầu bằng vấn đề thời gian. Bởi vì nếu hiểu được thời gian, thì biết đâu... Biết đâu đó chẳng phải là một chìa khóa mở rộng ra bao nhiêu cánh cửa, bao nhiêu con đường, bao nhiêu chân trời mới? Và nếu giải đáp được bài toán trong những bài toán, vén được màn bí mật trong những bí mật của cuộc đời, thì biết đâu chẳng có hy vọng tự đưa mình... thoát khỏi thời gian? Tôi biết đó là một điều không tưởng, một hành trình mạo hiểm mà trên đó đã bao nhiêu người vấp ngã và đắm chìm. Một người bạn đã nhìn tôi ái ngại: "Mày mà suy nghĩ về thời gian thì có ngày phát điên mất. Tao bắt đầu lo cho mày..." Tôi cảm ơn anh bạn, nhưng cũng thầm nghĩ: Cần gì phải lo? Cùng lắm thì phát điên, nhưng điên vì một lý do vô cùng chính đáng, một vấn đề đã từng ám ảnh bao nhiêu thế hệ thi sĩ, triết gia và khoa học, một vấn đề mấu chốt nằm giữa lòng cuộc sống. Còn nếu hiểu được rõ hơn thời gian, thì biết đâu mình sẽ làm chủ được phần nào thời gian, hay ít ra làm bạn được với thời gian, trong mình?... |
|
Vậy thời gian là gì nhỉ? Làm thế nào hiểu được thời gian? Có thể nào hiểu được thời gian? Bởi vì còn gì dễ cảm thấy hơn thời gian, nhưng cũng còn gì khó hiểu hơn thời gian! Thời gian có mặt ở khắp nơi, nhưng cũng không tìm thấy ở nơi nào. Trong mỗi tia nắng, trong mỗi tiếng chim, trong từng ngọn cỏ, đều có thời gian. Trong mọi niềm vui, trong từng nỗi nhớ, trong mỗi ước mơ, đều có thời gian. Thời gian vừa ở bên ngoài, vừa ở trong lòng ý thức. Có thể nói rằng đâu đâu cũng có mặt thời gian, cũng như đâu đâu cũng có mặt không gian. Nhưng thời gian mới thực là vô cùng bí hiểm. Bởi vì không gian nằm sờ sờ ra đấy, chỉ cần mở mắt ra là nhìn thấy, giơ tay ra là nắm bắt được, tha hồ tác động vào. Nhưng còn thời gian? Tìm thời gian ở đâu, dù đập tan bình cát đo thời gian hay tháo hết những đinh ốc đồng hồ, cũng không thể nào tìm thấy thời gian trong đó. Thời gian bàng bạc khắp nơi, nhưng cũng không trú ngụ nơi nào. Mỗi giây phút trôi qua là thời gian. Trong khi tôi viết hay đọc những giòng này, thời gian đã đi qua. Có thời gian thì mới có di chuyển, động tác, nhưng ngay cả im lìm, bất động cũng cần có thời gian. Phải có thời gian mới có hiện hữu. Người ta vẫn quen nhìn thời gian như một định luật đưa tới già nua, tàn tạ, hủy diệt, nhưng không mấy ai nghĩ rằng chính nhờ có thời gian nên mới có tác động, hiện hữu, nẩy sinh. Nếu không có thời gian, thì sẽ không bao giờ có sự sống. Không có sự hình thành của trái đất, hơn mười tỷ năm sau tiếng "Big Bang", không có sự kết hợp của các phân tử thành các cơ thể đơn bào, rồi đa bào, không có sự xuất hiện của các loài cỏ cây, cầm thú, không có sự tiến hóa liên tục cho tới loài người, với bộ óc tinh vi, sáng tạo. Đó là những thành quả của sự tiến hóa không ngừng của vạn vật, tức là những thành quả của thời gian. Và chỉ cần có một sự đổi thay vô cùng nhỏ bé trong định luật thời gian, cũng đủ đưa tới muôn ngàn đảo lộn trong cuộc sống hàng ngày: xe cộ đâm nhau, tiếng nói lắp bắp, tim đập loạn xạ, hình ảnh nháo nhào, tư tưởng lộn xộn, v.v.... Không thể nào tưởng tượng nổi không có một định luật bất di bất dịch của thời gian. Phải chăng đặc điểm của thời gian chính là điều đó, vừa biến động, vừa bất biến, biến động trong hiện tượng, nhưng bất biến trong nguyên lai? Nếu có một đấng Thần linh Tối thượng, thì tôi nghĩ không phải là thần Sấm, thần Chớp, thần Mưa, thần Sinh nở, v.v... mà là thần Thời gian, bởi vì chỉ có thời gian mới bao trùm và chế ngự tất cả. Thay vì chúng ta than vãn, ca cẩm thời gian mỗi ngày đục phá, gậm nhấm cuộc đời, thì có lẽ chúng ta nên ca tụng Thời gian chính là đấng Tạo hóa, là tác giả tối hậu của mọi hiện hữu trong thế giới này. Có thời gian là có tất cả. Nếu có thời gian, tôi có thể làm được mọi thứ, kể cả trở thành bất tử ! Thật ra, thời gian không phải là một, mà là hai: đó vừa là một định luật tự nhiên, khách quan, bao trùm thế giới, vừa là một khái niệm chủ quan của con người đơn độc. Bởi vì chỉ có con người mới có ý thức về thời gian. Con người là sinh vật duy nhất biết rằng mình sẽ chết, và biết rằng thời gian liên tục trôi qua. Nhưng cái khổ của con người cũng nằm trong ý thức về thời gian đó, hay đúng hơn trong ý thức về khoảng cách giữa hai loại thời gian. Thời gian vật lýthì vô tình, giá lạnh, đi trên một con đường thẳng tắp, đều đặn như một cái máy (tuyệt hảo bởi vì không bao giờ hư!), tạo tác và phá hủy mọi sinh vật, mọi hiện hữu. Trong khi đó thời gian tâm lyù lại hữu tình, nóng bỏng, quay theo một hình tròn, lúc nhanh lúc chậm, với bao nhiêu kỷ niệm nhớ thương về dĩ vãng, cũng như bao nhiêu dự trù lo lắng cho tương lai. Chúng ta hãy lắng nghe tiếng vang của thời gian trong tâm hồn người thi sĩ. |
|
Chúng ta thử tự hỏi: nếu không có thời gian, thì liệu còn có bao nhiêu vần thơ và bao nhiêu nhà thi sĩ? Nói một cách khác: giả sử các nhà thi sĩ quên đi mọi kỷ niệm, thì liệu còn có lý do gì để làm thơ? Tôi chắc rằng lúc bấy giờ chỉ còn lại một loại thơ: đó là thơ Thiền. Bởi vì chỉ có nhà thơ Thiền mới làm thơ về hiện tại, còn đa số các nhà thơ đều sống về dĩ vãng, về kỷ niệm, về tuổi thơ, với bao nhiêu nhớ nhung, tiếc nuối. Là thi sĩ, theo tôi, không phải là "Say với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây", như lời của Xuân Diệu. Là thi sĩ, chính là mang trong tiềm thức một bồ kỷ niệm, và một bầu cảm xúc đi đôi với những kỷ niệm đó. Và lời thơ, chính là nguồn cảm xúc dâng trào, quyện vào với kỷ niệm, dội lên thành thơ. Để ý kỹ, chúng ta sẽ thấy đa số những từ ngữ, khái niệm, hình ảnh trong các bài thơ đều liên quan tới dĩ vãng như: "nhớ nhà ... quên lãng ... kỷ niệm ... xa xưa ... cố hương ... dấu chân ... lần cuối ... dở dang ... lỗi hẹn ... bến cũ ... biệt ly ... vấn vương ... bụi thời gian ... thuở nào ... xa vắng ... nhớ nhung ... nắng cũ ... mòn mỏi ... phai màu ... ước hẹn ... hao mòn ... ngừng trôi ... chia phôi ... hoài cảm ... ấu thơ, v.v..." Chẳng hạn như bài văn đầy âm điệu sau đây của Đinh Hùng, cũng mang bao nhiêu hình ảnh của quá khứ, của thời gian: "Thu năm nay, tôi lại đi trên con đường vắng này, nghe từng chiếc lá rơi trên bờ cỏ. Những cây liễu xanh đứng buồn như những nàng cung nữ đời xưa, và trong vườn nhà ai thấp thoáng hoa phù dung buổi sáng nở trắng như một tâm hồn còn tre û. Nắng ở đây vẫnlà nắng ngày xưa, và linh hồn tôi vẫnlà linh hồn năm trước. Đường này hiu hắt, tôi đem lòng về để gặp mùa thu thương nhớcũ, và may cũng thấy thu về để nước hồ xanh. Chân ai đi xa vắng đằng kia hay đó chỉ là gió thoảng mong manh, và gió nào vương vấn hồn tôi hay đó chỉ là dư thanhcủa một ngày xưa cũ?" Cũng như trong những vần thơ của Apollinaire, vẫn còn phảng phất hương vị của thời gian, của một mùa thu thương nhớ: "J'ai cueilli ce brin de bruyère,Nếu không phải là nhớ thương, thì nhà thơ cũng mang nặng trong mình một mối sầu vạn cổ, cũng như TrầnTử Ngang đã không ngăn được xúc động khi ngẫm tới thời gian, tới không gian vô tận, bên cạnh kiếp người ngắn ngủi, nhỏ bé vô cùng: "Tiền bất kiến cổ nhân,Và thời gian đối với nhà thi hàoLý Bạchcũng như giòng nước lạnh lùng trôi qua, không làm sao ngăn chận được, cũng như nỗi buồn của số phận làm người không thể nào làm tan đi trong men rượu: "Trừu đao đoạn thủy, thủy cánh lưu.Sinh ra, già đi, chết đi ... Con người như một chiếc thuyền mỏng manh, lênh đênh trên biển cả, không biết trôi dạt nơi đâu, mà cũng không thả neo được giờ phút nào, cũng như lời năn nỉ củaLamartinekhi muốn níu kéo lại những khoảnh khắc êm đẹp nhất của cuộc đời: "Ainsi, toujours poussés vers de nouveaux rivages,Ôi, nhà thi sĩ mới ngây thơ làm sao, bởi vì chỉ cần hỏi lại câu: "Muốn thời gian ngừng lại trong bao nhiêu lâu?" là đã thấy mình vô lý đến sượng sùng! Nếu thời gian ngừng lại, thì không có thời gian. Mà nếu không có thời gian, thì làm gì có ai mà tận hưởng, có cái gì mà tận hưởng? Chỉ còn cách xin thời gian trôi qua, nhưng riêng ta thì vẫn như vậy, không chút đổi thay. Ôi vẫn cái ta, vẫn cái thường là nguồn gốc của mọi khổ đau... Và liệu có gì là thường còn? Trong bầu không khí hừng hực đấu tranh cho tự do tín ngưỡng, nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã kêu lên: "Rồi đây... rồi mai sau còn...chi?Tất cả rồi cũng sẽ trở thành tro tàn, cát bụi. Tác phẩm nào tuyệt tác đến đâu chăng nữa cũng sẽ bị thời gian phá hủy, ngoại trừ... Ngoại trừ tấm gương hy sinh cao cả của các đấng Bồ Tát, bởi vì được truyền tụng từ thế hệ này qua thế hệ khác, nên đã vượt khỏi thời gian. Nói tóm lại, thời gian đối với nhà thi sĩ là một điều chủ quan tới tột độ, vừa là một mối sầu vạn cổ, một nỗi nhớ thương man mác, và một niềm đau ray rứt đê mê (une douleur exquise). Đó không phải là một cái gì trừu tượng mà là một sự thực sống động, không ngừng vang dội trong chiều sâu tâm thức. Nhà thơ biết mình không tránh khỏi thời gian, chịu đau cái nỗi đau thời gian, nhưng không thể nào từ bỏ được nó. Bởi vì nỗi đau thời gian đó chính là mình, nó đã trở thành mình... |
|
Thời gian không phải chỉ là một nỗi đau, mà còn là một câu hỏi không ngừng dằn vặt con người, qua bao nhiêu thế hệ. Câu hỏi đó không chỉ nằm trong phạm vi những lý luận siêu hình của nhà triết học, cũng như lời của Bachelard : "Suy nghĩ về thời gian là công việc đầu tiên của mọi siêu hình học". Nó bắt nguồn từ chiều sâu tâm thức của mỗi người, như một ngọn lửa âm ỉ nhưng cũng có thể bùng cháy lên bất cứ lúc nào, thúc đẩy bởi một sự bức thiết nội tâm. Cũng như trước "cái chết", và "sự sống", con người không thể nào thoát ra khỏi sự ám ảnh của "thời gian"... Từ cổ xưa, người ta đã ý thức về thời gian qua những quan sát về sự đổi thay trên thế giới. Đối với người Trung Hoa, mọi sự vật đều biến chuyển theo những định luật tự nhiên, tức là luật biến hóa của vũ trụ, được Khổng Tử chép lại trong Kinh Dịch : từ Thái Cực sinh ra Lưỡng Nghi, sinh ra Tứ tượng, Bát Quái, cho tới 64 Quái, với Ngũ Hành tương sinh tương khắc, sinh ra vạn vật. Lão Tử trong Đạo Đức Kinh, cũng vạch rõ những biến chuyển tự nhiên của vũ trụ, nhưng khuyến cáo con người không nên cưỡng lại mà nên thuận với những biến đổi tự nhiên đó. Ảnh hưởng của đạo Lão và Phật đã mang lại cho nền văn minh Trung Hoa một lối nhìn siêu thoát về thời gian, cũng như trong bài Tiền Xích Bích Phú của Tô Thức : "...Bác có biết nước và trăng không ? Nước chảy thế kia mà chưa từng đi bao giờ, mặt trăng khi tròn khi khuyết như vậy mà chưa từng thêm bớt bao giờ. Bởi vì ta tự ở nơi biến đổi mà xem ra, thì cuộc trời đất cũng chỉ ở trong một cái chớp mắt ; mà nếu ở tự nơi không biến đổi mà xem, thì muôn vật cùng với ta đều không bao giờ hết cả..." Tại Tây phương, triết lý ngay từ ban đầu đã luôn luôn dao động giữa hai khuynh hướng của tư tưởng cổ xưa Hy Lạp : giữa "tất cả đổi thay" theo Héraclite, và "tất cả bất biến" theo Parménide. Đối với Héraclite, đặc tính của cuộc sống là sự lưu chuyển không ngừng của sự vật ( panta rhei ) : "Người ta không bao giờ tắm hai lần ở một giòng sông". Điều đó nằm trong định luật chung của vũ trụ gọi là logos, bao trùm và tác động trên tất cả mọi hiện tượng trên thế gian. Tất cả luôn luôn biến đổi, cái này đưa tới cái kia, vừa chống đối nhau vừa nẩy sinh ra nhau, như "sáng / tối", "nóng / lạnh", "ngày / đêm". Ngược lại, Parménide cho rằng sự có mặt (être) là vĩnh cửu, và tất cả đổi thay chỉ là những vẻ bên ngoài. Cũng trong chiều hướng này, Platon chủ trương bên cạnh thế giới hiện tượng đổi thay, còn có thế giới của Tư Tưởng, của Linh Hồn, một thế giới vĩnh cửu bất biến, vượt khỏi thời gian. Thời gian đương nhiên trở thành "hình ảnh chuyển động của sự vĩnh cửu bất động" (image mobile de l'éternité immobile). Đối với Aristote, thời gian cũng như sự chuyển động mang một tính chất vĩnh cửu, vô thủy vô chung. "Thời gian là thước đo của sự chuyển động (mesure du mouvement), giữa trước và sau ; thời gian liên tục, bởi vì thuộc vào sự liên tục". Chỉ có thời gian hiện tại mới là thời gian thực sự. Theo trường phái Khắc Kỷ (Stoiciens), thời gian không có thực chất, nhưng "mọi sự vật hiện hữu và chuyển động chính ở trong thời gian". Thời gian nằm trong cuộc sống của thế giới, tức là của Tạo Hóa, bởi vì vũ trụ chính là Thiên Nhiên, là Tạo Hóa. Do đó, nhà hiền triết khắc kỷ tuân theo và chấp nhận thời gian, sống phù hợp với thời gian, để hòa đồng với Tạo Hóa. Trong một lá thư cho học trò mình, Sénèque viết : "Không có gì thuộc về ta cả, Lucilius ạ. Chỉ có thời gian là của ta. Cái tài sản thoáng qua và trơn tuột đó là điều duy nhất mà Tạo Hóa đã tạm trao cho chúng ta"... Ngược lại với quan điểm này, Epicure định nghĩa thời gian như "tai nạn của những tai nạn" (accident des accidents). Khác với không gian, thời gian tự nó không là gì, nó không thuộc vào cấu trúc của thế giới, mà là do những nguyên tử và không gian tạo thành. Thời gian không phải là một thực thể, và sở dĩ con người cảm thấy thời gian là nhờ ở những biến đổi của sự vật. Do đó, người ta có thể tránh né thời gian được, bởi vì luôn luôn có khả năng thoát khỏi bằng cách nhớ tới một khoảng thời gian khác. Ngay trong khi bị tra tấn hành hạ, người ta cũng có thể cảm thấy hạnh phúc bằng cách nhớ tới những giây phút hạnh phúc trong quá khứ. Thời gian không xâm phạm được vào nhà hiền triết, bởi vì chỉ là một cái gì lướt qua và không tồn tại được. Vào thời kỳ Trung cổ, Thánh Augustin đã đưa ra những nhận định sâu sắc về thời gian : "Thời gian là gì ? Nếu không ai hỏi tôi về thời gian, thì tôi biết rõ ; nhưng khi cần phải giải thích thì tôi không còn biết thời gian là gì. Tuy vậy, tôi dám mạnh bạo quả quyết rằng, nếu không có gì xảy ra, sẽ không có thời gian đi qua ; nếu không có gì xẩy đến, sẽ không có thời gian sắp tới ; nếu không có gì hiện hữu, sẽ không có thời gian hiện tại. Nhưng hai thời gian này, quá khứ và tương lai, làm sao chúng có mặt được, nếu quá khứ không còn nữa và tương lai chưa tới ? Ngay cả hiện tại, nếu luôn luôn còn đó, không mất đi trong quá khứ, nó sẽ không phải là thời gian ; nó sẽ là vĩnh cửu. Vậy, nếu hiện tại muốn là thời gian, phải mất đi trong quá khứ, thì làm sao chúng ta có thể khẳng định rằng nó cũng có mặt, khi mà lý do duy nhất của sự có mặt này chính là sự không còn nữa ? Thành thử thực ra nếu chúng ta có thể nói rằng thời gian có mặt, thì chính là bởi vì nó đi vào không-có mặt". Đó chính là nghịch lý của thời gian : quá khứ không còn bởi vì đã qua rồi, tương lai không có bởi vì chưa tới, chỉ có hiện tại là có thật, nhưng hiện tại phải biến mất ngay mới là hiện tại, bởi vì chỉ cần kéo dài một chút đã trở thành quá khứ ... Như vậy, theo Augustin, không hề có 3 loại thời gian (quá khứ, hiện tại vàtương lai), mà chỉ có 3 thể của thời gian, đồng thời có mặt trong ý thức con người. "Cả 3 thể của thời gian đó đều có mặt trong ý thức, và tôi không thấy chúng ở nơi nào khác". Ông cũng nêu lên một câu hỏi mấu chốt : "Làm sao tôi có thể vừa có mặt trong hiện tại, vừa có đủ tầm nhìn để thấy rằng thời gian trôi qua ?". Đối với Pascal, thời gian thuộc vào những gì không thể định nghĩa được, vàdù thế nào định nghĩa cũng vô ích. Leibniz cho rằng thời gian cũng như không gian, là những gì hoàn toàn tương đối, không có thực thể : không gian là "trình tự của những gì có khả năng cùng có mặt" (ordre des coexistences possibles), trong khi đó thời gian là " trình tự của những gì có khả năng kế tiếp nhau" (ordre des successions possibles), nhưng có liên hệ với nhau. Đó chính là một vấn đề nan giải của thời gian, bởi vì làm thế nào giải thích được tính chất đôi của thời gian, vừa là kế tiếp vừa là liên tục, vừa phân biệt vừa bao gồm những giây lát hình thành nó? Nếu tôi bị thời gian cuốn đi theo dòng hiện tượng, thì làm sao tôi nghĩ được về thời gian ? Nhưng nếu tôi chỉ là người đứng nhìn bàng quan, thì tôi đã bị tách ra khỏi thời gian mất rồi. Kant, triết gia của thế kỷ Ánh Sáng, cho thời gian đóng một vai trò quan trọng hơn, vì là một hình thái phổ biến cho phép con người nhận biết được các hiện tượng. Kant quan niệm rằng thời gian không phải là một khái niệm xuất phát từ kinh nghiệm, nhưng đã có trước kinh nghiệm, cũng như không gian. Cả hai là những hình thái tiên nghiệm ( a priori ) của cảm giác, thuộc về trực giác và phát xuất từ chủ thể. Chỉ với giả thuyết đó người ta mới có thể cảm thấy được sự đồng thời hoặc kế tiếp của mọi hiện hữu. Thời gian không phải là một ý niệm, mà là một trực giác thuần túy, bởi vì chỉ có một không gian và một thời gian, vô biên và bao gồm tất cả các không gian vàthời gian đặc biệt. Kant coi không gian và thời gian là những "thực thể theo kinh nghiệm", bởi vì vừa có hậu quả khách quan, vừa là chủ quan, bởi vì chúng là những hình thái của trực giác. Sự chủ quan này chính là một "tính lý tưởng siêu nghiệm" (idéalité transcendantale), điều khiển tất cả các tri thức nói chung và là điều kiện của sự hiểu biết. Đối với Hegel, thời gian có ba kích thước : 1. quá khứ, là sự hiện hữu như bị xóa bỏ, như không có mặt ; 2. tương lai, là sự không-có-mặt, nhưng tất định có ; 3. hiện tại, là sự trở thành lập tức, và sự kết hợp của hai cái trên. "Chỉ có thời gian khi có lịch sử , tức là có sự hiện hữu của con người... Con người ở trong thời gian, và thời gian không có ngoài con người ; do đó con người chính là thời gian và thời gian chính là con người". Nhưng bám sát chiều hướng lịch sử một cách quá đáng cũng có hại cho cuộc sống, theo Nietzsche : "Con vật sống một cuộc đời không có lịch sử... Ngược lại con người vì tựa mình vào gánh nặng mỗi ngày một gia tăng của quá khứ, nên bị nó đè lên mình và đẩy xiêu hướng đi, làm chậm bước như một gánh nặng vô hình của bóng tối". Thời gian cũng có thể bao gồm tất cả. Đó là quan điểm của Bergson, người đã xây dựng nên một triết lý hoàn toàn dựa lên thời gian. Đó không phải là thời gian của khoa học, của vật lý, của máy móc, của đồng hồ, không phải thời gian được đo tính, phân tích, mổ xẻ, chuyển đổi thành không gian. Mà là thời gian được con người sống và cảm nhận. Thời gian thực sự là thời gian của chiều sâu tâm hồn, một khoảng thời gian có bề dầy, co giãn linh động, mang tới những cảm giác mạnh mẽ, có chất lượng và không thể thay bằng số lượng. Đó là một dữ kiện trực tiếp của ý thức (donnée immédiate de la conscience), vượt khỏi ngôn từ, lý luận, và chỉ có thể cảm nhận bằng trực giác. Đối với Bergson, "Thời gian là sáng tạo, hoặc không là gì hết". Thời gian tính (temporalité) giữ một vị trí trung tâm trong triết lý của Heidegger. Bởi vì con người trước hết là "có mặt ở thế gian" ( être-au-monde ) cho nên tự định nghĩa là sự lo lắng, và sự lo lắng chỉ có thể có trong thời gian, tức là điều kiện tối hậu. Thời gian tính là bản chất sủa sự hiện hữu chân thực. Thời gian đối với con người không phải ở bên ngoài, nó không phải là một cái gì bên ngoài đâm bổ vào chúng ta, để bắt chúng ta phải tuân theo luật của nó, và hủy hoại chúng ta nếu cần. Và sự có mặt, bởi vì chính nó là thời gian tính, cho nên cũng là lịch sử tính (historicité). Jules Lagneau cho rằng không gian và thời gian không thể tách rời nhau được, trừ khi bằng cách trừu tượng hóa. "Không gian và thời gian là sự chuyển động được trừu tượng hóa". Nhưng nếu không gian và thời gian đều là bằng chứng của sự tùy thuộc của ta vào sự vật, thì cũng có những sự khác biệt giữa hai khái niệm này : "Không gian là dấu hiệu của quyền lực của ta. Thời gian là dấu hiệu của sự bất lực của ta". Bởi vì, theo Alain, học trò của ông, "Cảm nhận thấy không gian, tức là biết mình đang ở đâu, và sẽ tới đâu lát nữa, nếu muốn. Trong khi đó, nếu mình muốn tới ngày hôm sau, thì chỉ có một cách là chờ đợi. Vì vậy cho nên không có sự cảm nhận về thời gian". Như vậy, quan niệm của triết học về thời gian mỗi ngày một thêm phức tạp, và có lẽ đã đi tới một ngõ cụt không thể nào tiến xa hơn được. Triết học ngày nay quanh đi quẩn lại, nghĩ tới nghĩ lui, rồi rốt cuộc cũng như thể "con rắn tự cắn đuôi mình", hay "con kiến mà leo cành đào"... trong câu ca dao nọ. Không tìm thấy giải đáp nơi triết học, con người hiện đại thường quay về phía khoa học, với hy vọng vén được màn bí mật về thời gian, nhờ những khám phá mới nhất của vật lý và sinh học. |
|