Hà Thành Chánh Khí ca
Bùi Thụy Đào Nguyên
Hà Thành Chính Khí ca, tương truyền là của Ba Giai, một nhà thơ châm biếm ở cuối thế kỷ 19 tại Việt Nam. Đây một thi phẩm dài nhằm ca ngợi sự tuẫn tiết của Tổng đốc Hoàng Diệu, đồng thời phê phán những quan lại phản bội (bỏ chạy hay đầu hàng), khi thành Hà Nội bị thực dân Pháp đánh chiếm lần thứ hai (1882).
I. Tiểu sử Ba Giai:
Ba Giai tên thật là Nguyễn Văn Giai, năm sinh và năm mất không rõ, tuy nhiên theo nhiều nhà nghiên cứu văn học, thì rất có thể ông sống vào khoảng thời gian dưới triều Thiệu Trị (1841 - 1847) và Tự Đức (1848 - 1883).
Ba Giai, người làng Hồ Khẩu, huyện Vĩnh Thuận (Hà Nội), là con thứ ba trong gia đình nên có tên gọi là Ba Giai. Ông sinh ra và lớn lên trong cảnh nghèo khó. Cha mẹ ông đều mất sớm. Năm 18 tuổi, chú bác muốn ông chăn giữ trâu, nhưng ông không thuận, chỉ muốn dùng tài học để lập thân.
Vì vậy, ông phải đi gánh thuê để có tiền ăn học. Học giỏi, nhưng gặp lúc nước nhà lâm cảnh loạn lạc, nên ông không đi thi.
II. Hà Thành Chính Khí ca:
Tổng đốc Hoàng Diệu
Theo lời truyền tụng trong dân gian và ý kiến của một số nhà nghiên cứu, Ba Giai không chỉ nổi tiếng với các bài thơ châm biếm (đối tượng chính là các quan lại tham nhũng, các người trọc phú) mà ông còn là tác giả của tác phẩm Hà Thành Chính Khí ca (và Hà thành thất thủ ca, Hà Thành hiểu vọng).
Bài thơ này gồm 140 câu thơ lục bát, được sáng tác ngay sau khi Hà Nội bị quân Pháp xâm chiếm ngày 25 tháng 4 năm 1882.
Tác phẩm này, ngoài 6 câu đầu dùng để mở luận về chính khí của trời đất, của bậc nghĩa sĩ trung thần và 14 câu kết để người viết hướng về nhà vua, tỏ lòng kỳ vọng, số câu còn lại có thể chia làm hai phần.
Phần trên ca ngợi gương hy sinh lẫm liệt của Hoàng Diệu, bằng giọng thơ đầy cảm khái và bi tráng; phần dưới tác giả tỏ nỗi căm giận đối với những viên quan đã phản bội, chạy trốn hay đầu hàng, như Đề đốc Lê Trinh, Tuần phủ Hoàng Hữu Xứng, Án sát Tôn Thất Bá...bằng những giọng điệu mỉa mai sâu sắc.
Bài ca có nguồn gốc truyền miệng, nên giờ đây �tam sao thất bổn " không ít. Không có bút tích của tác giả để đối chiếu, nên người soạn dựa vào hai bản hiện đang có & tương đối khá hoàn chỉnh, đó là :
1. Bản do Huỳnh Lý soạn, in trong Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (1858-1920) do nhà xuất bản Văn Học (Hà Nội) ấn hành năm1984.
2. Bản do Phan Khôi (cháu ngoại của Tổng đốcHoàng Diệu) sưu tầm, đăng trên Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 777 ra ngày 4.10.1928 (bản này bị tòa kiểm duyệt thời bấy giờ cắt mất mấy câu).
Qua đấy người soạn so sánh, cân nhắc, để tạm giới thiệu với bạn đọc một áng hùng văn quí này.
***
Nhà văn Phan Khôi giới thiệu:
Trước khi Văn Thiên Tường chết theo nhà Tống, có đặt một bài ca gọi là Chánh khí ca, kể sự mình giúp vua nhà Tống không thành công và phải chết, chớ không chịu hàng nhà Nguyên. Hà thành Chánh Khí ca là do nghĩa đó và nói việc xảy ra ở Hà Nội.
Bài nầy, theo người ta nói, của ông Ba Giai là một nhà văn sĩ ở Hà Nội lúc bấy giờ làm ra.
Một bài văn đã hay lại có quan hệ nhiều về lịch sử, mà xưa nay chưa được in ra, thì chắc truyền không được rộng, và có ngày sẽ mất đi, là ngày nếu người ta quên nó ráo.
Vì nghĩ như vậy chúng tôi mới đem đăng báo để truyền lại cho đời sau một cái sử liệu.
Quân Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ hai (1882)
Hà Thành Chánh Khí caMột vừng chánh khí lưu hình,
Rộng trong trời đất: nhựt, tinh, sơn, hà,
Hạo nhiên ở tại lòng ta,
Tấc vuông son sắt hiện ra khi cùng (1)
Nên thua theo vận truân phong,
Ngàn thu rạng tiếng anh hùng sử xanh.
Có quan tổng đốc Hà-Ninh
Hiệu là Quang Viễn, trung trinh ai bằng? (2)
Lâm nguy, lý hiểm (3) đã từng,
Vâng ra trọng trấn mới chừng ba năm.
Thôn Hồ (4) dạ vẫn nhăm nhăm,
Ngoài tuy giao thiệp, trong căm những là...
Vừa năm Nhâm Ngọ, tháng ba,
Rạng ngày mồng tám, mới qua giờ thìn,
Biết cơ trước đã giữ gìn,
Hơn trăm võ sĩ, vài nghìn tinh binh.
Tiên nghiêm (5) sai đóng trên thành,
Thệ sư (6) rót chén rượu quỳnh đầy vơi.
Văn quan võ tướng nghe lời,
Hầm hầm xin quyết một bài tận trung.
Ra uy xuống lịnh vừa xong,
Bỗng nghe ngoài đã đùng đùng súng ran.
Tiêm cừu (7) nổi giận xung quan (8)
Quyết rằng chẳng để chi đàn chó dê
Lửa phun súng phát bốn bề,
Khiến loài bạch quỉ hồn lìa phách xiêu
Bắn ra nó chết cũng nhiều
Phố phường trông thấy, tiếng reo ầm ầm.
Quan quân đắc chí bình tâm,
Cửa Đông, cửa Bắc vẫn cầm vững binh.
Chém cha cái lũ hôi tanh
Phen này quét sạch sành sanh mới là!
Không ngờ thất ý tại ta,
Rõ ràng thắng trận, thế mà thua cơ!
Nội công rắp tự bao giờ,
Thấy kho thuốc cháy, ngọn cờ ngã theo
Quan quân sợ chết thảy đều,
Cửa Tây, Bạch qủi đánh liều trèo lên .
Nào ai sức mạnh gan liền?
Nào ai cầm vững cho bền ba quân?
Nào ai có chí kinh luân?
Nào ai nghĩ đến thánh quân trên đầu?
Một cơn gió thảm mưa sầu,
Đốt nung gan sắt, giãi dầu lòng son,
Chữ trung còn chút con con,
Quyết đem gởi cái tàn hồn gốc cây.
Trời cao biển rộng đất dày,
Non Nùng sông Nhị chốn nầy làm ghi!
Thương thay trong buổi gian nguy,
Lòng riêng ai chẳng thương vì người trung!
Rủ nhau tiền góp của chung,
Rước người ra táng ở trong học đường.
Đau đớn nhẽ, ngẩn ngơ dường!
Tả tơi thành quách, tồi tàn cỏ hoa!
Kể từ năm Dậu bao xa,(9)
Đến nay tính đốt phỏng đà mười niên.
Long thành thất thủ hai phen,
Kho tàng hết sạch, quân quyền dời tan.
Đổi thay trải mấy ông quan,
Quyên sanh tựu nghĩa, có gan mấy người?
Trước quan Võ hiển khâm sai (10)
Sau, quan Tổng đốc (11) một vài mà thôi.
Ngoài ra võ giáp văn khôi,
Quan, bào, trâm, hốt nhác coi, ngỡ là...
Khi bình làm hại dân ta,
Túi tham vơ nhặt chẳng tha miếng gì.
Đến khi hoạn nạn gian nguy,
Mắt trông ngơ ngác, chơn đi gập ghình.
Võ như đề đốc Lê Trinh, (12)
Cùng là chánh phó lãnh binh một đoàn,
Đương khi giao chiến ngang tàng,
Thấy quân hầu đổ vội vàng chạy ngay.
Nghĩ xem thật cũng ghê thay,
Bảo thân chước ấy ai bày sẵn cho?
Thế mà nghe nói mơ hồ
Rằng: quan đề đốc xuống hồ cửa tây;
Kẻ rằng: Treo ở cành cây
Người rằng: hẳn xuống giếng nầy không sai.
Thăm tìm ngày một ngày hai,
Định rằng hiệp táng cùng nơi học đường.
Hỏi ra sau mới tỏ tường,
Cũng loài úy tử, cũng phường tham sanh.
Phép công nên bắt gia hình,
Rồi ra nặng chữ nhơn tình lại thôi.
Văn như Tuần phủ nực cười,
Bình Chi là hiệu, năm mươi tuổi già (13)
Biết bao cơm áo nước nhà?
Nhắm trong sĩ tịch cũng là đại viên.
Chén son chưa cạn lời nguyền,
Nỡ nào bỗng chốc quên liền ngay đi?
Lại còn lẩn khuất làm chi?
Hay là tham tiếc mùi gì ở đây?
Hay là còn chước bình Tây,
Chực làm nội ứng, đợi ngày viện binh? (14)
Hay là tiếc gái xuân xanh?
Tìm nơi kiếm chốn gieo mình trú chân ?
Hay là còn chút từ thân,
Rắp toan tịch cốc (15) mấy lần lại thôi !
Sao không sợ tiếng với đời?
Sao không thẹn với người tử trung ?
Kìa Tôn Thất Bá niết công, (16)
Kim chi ngọc diệp, vốn dòng tôn nhân,
Đã quốc tộc, lại vương thần,
Cũng nên hết sức kinh luân mới là...
Nước non vẫn nước non nhà,
Nỡ sao bán rẻ một tòa Thăng Long?
Thề xưa liệu đã chẳng xong,
Lại còn mở mặt trong vòng lưỡng gian. (17)
Tư giao rắp những mưu gian,
Thừa cơ xin chữ hội thương ra ngoài.
Ấy mới khôn, ấy mới tài,
Lẩn đi tránh tiếng, giục người nói quanh.
Dâng công quyền nhận tỉnh thành,
Xui người đổ tiếng một mình quan trên.
Tội danh thiệt đã quả nhiên,
Xin đem giao xuống cửu nguyên chế đài. (18)
Thung dung kể đến phiên đài, (19)
Xỉ ban (20) cũng đã tuổi ngoài sáu mươi.
Thác trong thôi cũng nên đời.
Sống thừa chi để kẻ cười, người chê !
Nhĩ Hà, Tản lĩnh đi về,
Giang sơn tuyết chở, sương che cũng liều!
Còn như ty thuộc hạ liêu,
Kẻ công người quả còn nhiều chan chan,
Biết đâu cho khắp mà bàn,
Sau nầy sẽ có sử quan phẩm bình,
Trước rèm gió mát trăng thanh
Thừa lương nhân chốn nhàn đình thong dong.
Xa trông chót vót Bình phong (21)
Chúc mừng vạn thọ thánh cung lâu dài!
Rồi khi cá nước duyên hài,
Ra tay khang tế, giở tài kinh luân.
Nghiêu Thuấn quân, Nghiêu Thuấn dân,
Bát thiên thu, bát thiên xuân thái hòa!
Bây giờ ta gắn với ta,
Túy tinh khiển hứng, ngâm nga tiêu sầu.
Ở đời văn võ công hầu,
Càng nghe câu chuyện càng sầu bên tai!
Diễn ca Chánh khí một bài,
Để cho thiên hạ người người khuyên răn.
Chú thích :
(1) Mấy câu này dựa theo ý mở đầu bài Chánh khí ca của Văn Thiên Tường.
(2) Quang Viễn: tên hiệu của Hoàng Diệu.
(3) Lý hiểm: từng trải sự nguy hiểm.
(4) Thôn Hồ: nuốt rợ Hồ (chỉ quân Pháp).
(5) Tiên nghiêm: ra nghiêm lệnh trước.
(6) Thệ sư: cùng với quân sĩ thề sống chết đánh quân xâm lược.
(5) Có người đã chứng kiến trong khi giao chiến, nói rằng bấy giờ trong thành bắn ra, lính Pháp chẳng chết mấy; đấy là lời nói khoe đó thôi.
(6) Bấy giờ bốn ông quan tỉnh chia giữ bốn cửa, quan Tổng đốc giữ Cửa Bắc.
(7) Tiêm cừu: chỉ muốn giết kẻ thù.
(8) Xung quan: giận, tóc dựng lên đội cả mũ mão.
(9) Năm Quí Dậu, Tự Đức thứ 25 (1873), Thiếu tá hải quân Gác-nhi-ê (Francis Garnier) đánh thành Hà Nội lần đầu.
(10) Chỉ Nguyễn Tri Phương, vị tướng đã uống thuốc độc chết sau khi để mất thành Hà Nội (lần thứ nhứt).
(11) Chỉ Tổng đốc Hoàng Diệu.
(12) Đoạn nầy nói Đề đốc Lê Trinh không chết trong khi thành mất mà lại chạy trốn, theo phép phải có tội, song vì đút tiền nên được khỏi.
(13) Hoàng Hữu Xứng, tự Bình Chi, làm Tuần phủ Hà Nội bấy giờ.Ban đầu cũng thề còn mất với thành, nhưng nhịn ăn được vài bữa lại thôi và bằng lòng hợp tác với thực dân.
(14) Bản của Huỳnh Lý ghi Nghiên tinh, có nghĩa nghiên cứu tinh thường.
(15) Tịch cốc : nhịn các thứ lúa gạo, ngũ cốc.
(16) Niết công: chỉ Tôn Thất Bá làm Án sát bấy giờ. Buổi sớm mai ngày mồng tám, quân Pháp mới kéo đến, ông Bá xin giấy ra thành để thương thuyết với tướng Pháp xin hoãn binh. Sau khi thành bị hạ, tướng Pháp giao thành lại, ông Bá đứng nhận. Ông ấy lấy chứng cớ mình ra ngoài hội thương mà đổ trách nhiệm đánh nhau cho một mình quan Tổng đốc, còn mình không can dự.
(17) Lưỡng gian : hai vùng trời và đất, ý nói sống ở trên đời.
(18) Chế đài là Tổng đốc.
(19) Phiên đài là quan Bố chính.
(20) Xỉ ban: hạng tuổi tác.
(21) Bình phong là núi Ngự Bình ở Huế .
III. Trích nhận xét:
Viết về Hà Nội thất thủ lần thứ hai có vài bài như: Điếu Hoàng diệu tuẫn tiết, Hà Thành thất thủ, Hà Thành hiểu vọng, Hà Thành thất thủ ca (dài 262 câu lục bát); nhưng chỉ có Hà Thành Chính Khí ca là nổi tiếng hơn cả.
GS. Phạm Thế Ngũ nhận xét: "Hà Thành Chính Khí ca" về sau được truyền tụng hơn cả, phần vì cây bút nôm giản dị và diêu luyện của tác giả, phần vì lòng trung trực yêu chính khí, ghét gian tà đã bộc lộ trong lời lẽ. Thật chẳng kém chi bài Chính Khí ca của Văn Thiên Tường đời Tống xưa...'
GS. Thanh Lãng nêu ý kiến: Với một lối văn rõ ràng, giản dị, cảm động, hùng hồn. Nguyễn Văn Giai chỉ ra cái hèn nhát của bọn buôn dân bán nước, cốt đánh đổi cái "chánh khí" của các trung thần, nghĩa sĩ. Ở đây, tác giả đề cao cái triết lý Anh hùng theo Nho giáo, nghĩa là dù ở đâu và lúc nào cũng phải giữ được khí phách của con người quân tử, như tinh hoa của trời đất tỏa biến ra muôn vật. "Chính Khí ca" có thể xem như một bài hịch tướng sĩ, để cổ võ phong trào kháng chiến....Chính khí ca còn bộc lộ tâm lý và sức phản ứng của giới sĩ phu đối với thời cuộc: hai phe chủ hòa và chủ chiến đang xung đột nhau và ông đứng hẳn về hàng ngũ thứ hai, quyết dùng võ lực để đánh đuổi xâm lăng, thi hành chánh sách bất hợp tác để tỏ lòng căm phẫn...
Về mặt nghệ thuật, Từ điển Văn học(bộ mới) đánh giá: Tuy nghệ thuật của bài thơ chưa cao hơn truyện Nôm bình dân thế kỷ 18 đến nửa đầu thế kỷ 19, nhưng dẫu sao vẫn có ý nghĩa khái quát cao về bản chất những quan lại tham sinh, úy tử, vẫn ăn sâu vào tâm trí người nghe, người đọc.
Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Tài liệu tham khảo:
-Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, phần văn học hiện đại 1862-1945, Quốc học Tùng thư, Sài Gòn, không ghi năm xuất bản, tr.36.
-Thanh Lãng, Bảng lược đồ Văn học Việt Nam (quyển hạ -Tài liệu giáo khoa, Đại học Văn khoa Sài Gòn, NK. 1966-1967). Nxb Trình Bày, tr.60-61.
-Nhiều người soạn, Từ điển Văn học (bộ mới). Nxb Thế giới, 2004, tr. 563.
- Nhiều người soạn (Huỳnh Lý chủ biên), Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (1858-1920). Nxb Văn Học (Hà Nội), 1984.
2. Bài giới thiệu Hà Thành Chính Khí ca của Phan Khôi, đăng trên Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 777 ra ngày 4.10.1928.