Home » » ODA Và tham nhũng

ODA Và tham nhũng

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 7 tháng 6, 2012 | 04:21


Dũng Hà
Thời gian có lẽ đã quá đủ, không phải cho lời hô hào chống tham nhũng hay những hội nghị hoặc bàn tròn về việc rút kinh nghiệm. Cái đủ đó chỉ đến khi người ta nhận ra rằng một đất nước vẫn có thể tồn tại và phát triển mà không cần đến ODA, nhất là khi đất nước ấy chưa có gì bảo đảm để chính thức chấm dứt nạn tham nhũng.
 ”Tình trạng tham nhũng ở Việt Nam đã đến mức báo động, các nhà tài trợ đang trông chờ những hành động cụ thể từ Chính phủ. Vốn ODA trong giai đoạn mới sẽ phụ thuộc vào hành động thực tế đó của Việt Nam” – Đó là thông điệp chính từ các nhà tài trợ cho Việt Nam tại Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ diễn ra cách đây đúng 6 năm, vào ngày 9/6/2006 tại Nha Trang.
 Hội nghị trên diễn ra ngay sau khi vụ tham nhũng PMU 18 bị phát giác. Cũng trong hội nghị này, trong khi bà Anna Lindstedt – đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, nhấn mạnh rằng một trong những biện pháp chống tham nhũng hiệu quả là công khai, minh bạch thông tin cho báo chí, thì báo chí lại không được tiếp cận ngay cả khu vực hành lang trước phòng hội nghị…
Đã tròn 6 năm lặng tắt kể từ sự kiện sóng gió PMU18. Trong 6 năm ấy, không biết nhận định “Việt Nam là một trong những nước sử dụng vốn ODA hiệu quả nhất” đã được thực chứng như thế nào, chỉ biết rằng đã không có thêm bất kỳ một vụ scandal nào về ODA được lộ ra từ phía cơ quan chức năng Việt Nam. Có chăng, chỉ là vài “con sâu” như PCI – đại lộ Đông Tây xảy ra vào năm 2008 và mới đây nhất là câu chuyện người Đan Mạch đã quyết định dừng 3 dự án ODA viện trợ cho Việt Nam. Và những vụ việc ấy, đều chỉ được biết đến và làm rõ từ những người mang quốc tịch nước ngoài.
 Một lần nữa, thể diện quốc gia lại bị đe dọa. Một lần nữa, ODA lại không hoàn thành chức trách nhiệm vụ đối với các nhu cầu sử dụng bức thiết ở Việt Nam, khi nguồn tài trợ này có nguy cơ bị xem xét lại – từ phía những cơ quan viện trợ quốc tế đang phải chịu búa rìu dư luận của những người dân có trách nhiệm đóng thuế cho chính phủ.
 Từ năm 2006, khi vụ án PMU 18 nổ ra với hệ thống chứng cứ do phía Nhật Bản cung cấp, người ta đã phải nêu lại một triết lý then chốt và phù hợp nhất với nền tảng đạo lý: ODA không phải là tiền từ trên trời rơi xuống, mà đó là tiền đóng thuế của người dân các nước phát triển để dành cho người dân các nước đang và kém phát triển. Vì thế đương nhiên mối quan hệ giao tiếp về ODA không chỉ là giữa các chính phủ với nhau, mà thực chất nhất, đó chính là mối quan hệ trực tiếp giữa các cộng đồng nhân dân của các quốc gia. Chính người dân mới là đối tượng thụ hưởng và có toàn quyền kiểm soát đối với việc tiếp nhận và sử dụng nguồn tài trợ này.

Thế nhưng thực tế tiếp nhận và quản lý, sử dụng nguồn viện trợ ODA ở Việt Nam lại không có sự tham gia của các hội đoàn nhân dân. Ngay cả đại biểu Quốc hội – những người có chức trách đại diện cho cộng đồng nhân dân, cũng chỉ được biết đến kết quả sử dụng ODA qua các báo cáo, trong các cuộc họp thường kỳ.
 Nhận thức thế nào thì hành xử thế đó. Thực tế quản lý vốn ODA đã chỉ được xếp khá xa sau phần hành quản lý vốn ngân sách. Hệ quả là đất nước phải trả giá với những hiện tượng “chi tiêu sai mục đích”… như thông tin về các dự án mà Đan Mạch tài trợ.
 Điều khác là, lần này, DANIDA đã có riêng cho mình một cơ quan kiểm toán. Kết quả mà cơ quan kiểm toán công bố với dư luận quốc tế và xã hội Việt Nam đã nêu bằng chứng cho những đồn đoán trước đó về thất thoát trong ODA: trong số 49 tỷ dồng mà dự án ODA chuyển cho phía Việt Nam, có đến 11 tỷ đã “bốc hơi”, chiếm đến 23%.
Cái giá của tham nhũng
 Phía trước, con đường của ODA vẫn còn dài, và có thể còn quá đậm đà cho những ai quan tâm đến nó theo chiều kích “miếng ăn không phải là miếng nhục”.
 Trong năm 2012, vẫn còn hơn 7 tỷ USD mà các đối tác nước ngoài đã cam kết giải ngân ODA cho Việt Nam. Xa hơn nữa về những năm tới, con số giải ngân còn có thể lên tới 20-30 tỷ USD, gần bằng một phần ba toàn bộ GDP của Việt Nam.
Nhưng ODA, như điều đã được mô tả là “cái giá của sự phát triển”, lại bao gồm một phần rất lớn – 90% hoặc hơn – là vốn cho vay chứ không phải là vốn viện trợ không hoàn lại. Cuộc chơi rút ruột nguồn vốn này sẽ để lại một món nợ tiềm tàng, từ đời này sang đời khác và trong không biết bao nhiêu năm nữa, cho con cháu của họ.
 Đó chính là cái giá của tham nhũng.
 Ở phía trước, vẫn còn không ít công trình giao thông sử dụng vốn ODA khủng như dự án Đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, dự án Đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, dự án Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, dự án xây dựng Đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, dự án xây dựng Đường vành đai III Hà Nội giai đoạn 2. Mỗi dự án đó đều tương đương đến từ 5.000 đến 10.000 tỷ đồng hoặc hơn thế…
 Thời gian có lẽ đã quá đủ, không phải cho lời hô hào chống tham nhũng hay những hội nghị hoặc bàn tròn về việc rút kinh nghiệm. Cái đủ đó chỉ đến khi người ta nhận ra rằng một đất nước vẫn có thể tồn tại và phát triển mà không cần đến ODA, nhất là khi đất nước ấy chưa có gì bảo đảm để chính thức chấm dứt nạn tham nhũng.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved