TẬP 1
vũ trụ và thượng đế
bạch liên
vài lời nói đầu
Trong cơn nhàn rỗi, ai là người suy nghĩ lại không tự hỏi: Tôi là ai đây? Tôi từ đâu đến? Tôi sanh ra ở cõi Trần làm chi? Sau khi thác rồi, tôi còn hay mất? Nếu còn, tôi phải đầu thai lại một lần nữa phải không? Tại sao dân chúng trên Ðịa Cầu không tiến hóa đồng bực với nhau?
Những vấn đề nầy xưa nay đã làm tốn hao không biết bao nhiêu giấy mực rồi, mà đâu cũng hườn đó, chớ không đi đến kết quả hợp lý nào cả, bởi vì con người còn mắc trong vòng Luân hồi, Nghiệp chướng, sanh rồi tử, tử rồi sanh, không biết được ngày mai thế nào thì làm sao giải quyết được những sự bí mật của Tạo Công.
Thế nên, hồi đời cổ Ai Cập, trên ngạch cửa Thánh Ðiện thờ Nữ Thần Isis có khắc câu này: "TA LÀ TẤT CẢ NHỮNG GÌ ĐÃ CÓ TỪ THỜI DĨ VÃNG, ĐƯƠNG Ở THỜI HIỆN TẠI VÀ SẼ CÓ Ở THỜI TƯƠNG LAI. CHƯA CÓ MỘT NGƯỜI PHÀM PHU TỤC TỬ NÀO VÉN ĐƯỢC BỨC MÀN CỦA TA”.
Chúng ta có thể tin cậy vào khoa học không? Không thể được; bởi vì khoa học còn đương tìm học những gì mà Ðức Thượng Ðế đã tạo ra cả tỷ năm trước rồi. Những sự phát minh đời nay thay thế những sự phát minh thời xưa, những giả thuyết mới sửa đổi những giả thuyết cũ . . . rồi cứ tiếp tục như thế, từ đời này qua đời kia. Khoa học hiện kim tiến rất xa về phương diện vật chất, nhưng chưa công khai nhìn nhận có Tinh Thần là phần hồn. Khoa học chưa nói tiếng chót. E cho 2.000 năm sau, khoa học thuở đó sẽ cho khoa học của thế kỷ 20 này còn vụng về ấu trĩ, không khác nào nhà Bác học đời nay đã cười những sự hiểu biết của ông Paracelse hồi thế kỷ 16 vậy.
Chúng ta cũng không thể nhờ các Tôn giáo giải quyết bởi vì ngày nay hầu hết các tín đồ đều không cố gắng ăn ở như lời của các vị Giáo Chủ đã dạy bảo thuở xưa.
Hỏi về những kiếp tái sanh và nghiệp quả thì tôn giáo đưa ra thuyết Âm Ty Ðịa Ngục, Lục Ðạo Luân Hồi và dẫn chứng những chuyện Hồi Dương Nhơn Quả, Từ Ân Ngọc Lịch, Mục Liên Thanh Ðề.
Về việc quăng hồn người vào hỏa ngục đời đời kiếp kiếp, ta phải tự hỏi: Con người làm tội gì? nặng nề đến đâu mà bị hành phạt đến thế? Không ai dạy con người phải làm những điều gì và tránh những điều gì. Tới chừng con người lầm lỗi thì bị hành phạt. Vậy thì sự công bình ở đâu? Nếu quả thật có hỏa ngục thì không còn ai tin tưởng về lòng từ bi bác ái vô tận vô biên của Thượng Ðế nữa vì Ngài chỉ chờ con người phạm tội đặng hành phạt một cách dữ tợn.
Sự thật chẳng bao giờ có điều đó. Người ta bịa đặt ra những điều hành phạt gớm ghiếc vì những quyền lợi riêng tư của cá nhân.
Về thuyết Âm Ty Ðịa Ngục, Lục Ðạo Luân Hồi, tôi tin rằng trong các hàng Phật tử, bạn nào có đọc Túc Sanh Truyện rồi suy nghĩ kỹ lưỡng thì không còn tin có Thập Ðiện Diêm Vương nữa. Túc Sanh Truyện thuật 550 kiếp của Ðức Phật Thích Ca:
Trước hết, Ngài đầu thai làm thú ở dưới nước như Vua cá; kế đó Ngài đầu thai làm thú ở trên bờ như Nai, Voi, Khỉ. Thoát kiếp thú, Ngài đầu thai làm người. Ngài cũng phạm tội lỗi như chúng ta bây giờ, nhưng không hề bị hành phạt dưới Âm phủ. Cuối cùng thì Ngài tu hành rồi lần lần lên tới bực toàn giác là Phật.
Hơn nữa trong Mahâvagga 6 (Phạm Võng Kinh 6) có câu này: "ÐỨC PHẬT NÓI VỚI CÁC TỲ KHEO NHƯ VẦY: LINH HỒN ĐI ĐẦU THAI TỪ LOÀI NẦY QUA LOÀI KHÁC XUYÊN QUA TẤT CẢ NHỮNG HÌNH DẠNG: ĐÁ CÁT, CÂY CỎ, CẦM THÚ VÀ NHỮNG NGƯỜI TÁNH TÌNH KHÁC NHAU CHO ĐẾN KHI LÊN TỚI BỰC TOÀN GIÁC LÀ PHẬT." (Tin lành của Ðức Phật, trương 127. Evangile du Bouddha par Carus page 127).
Vậy thì các bạn Phật tử cho những lời nói trong Túc Sanh Truyện và Phạm Võng Kinh đúng với sự thật hay là tin những quyển Hồi Dương Nhơn Quả, Từ Ân Ngọc Lịch, Mục Liên Thanh Ðề, trong đó chỉ thấy Diêm Vương phạt toàn là những người Tàu chớ không có người Nhựt, người Anh, người Ba Tư hay là người Việt Nam nào cả.
Hai chỗ trái ngược nhau, nếu tin cái này thì ắt phải bỏ cái kia.
Hiện nay, một bằng chứng cụ thể đánh đổ thuyết Âm Ty Ðịa Ngục mà không còn ai cãi lẽ được nữa là Hồn Ma hiện về mà người ta chụp hình được. Hồn Ma cũng nói chuyện với người sống như lúc họ còn sanh tiền. Hỏi họ: "Có hỏa ngục hay không?" thì họ trả lời: "Chúng tôi không thấy."
Ðiều này rất dễ hiểu: Nếu có Hồn Ma hiện về thì không có Âm phủ, nhược bằng có Âm phủ thì không có Hồn Ma hiện về; bởi vì hồi sanh tiền, ai ai lại không lầm lỗi. Nếu lầm lỗi bị bắt xuống Âm phủ hành tội, thì làm sao trở về Dương thế đặng hiện ra.
Tôi có đọc Tạp chíThần Linh Học (Revue Spirite) và nhiều quyển sách Thần Linh Học, trong số đó có:
1 – Chuyện Cô Katie King và nhà Bác học William Crookes.
2 – Lá thư của người chết.
3 – Những Hồn Ma hiện về (Formes matérialisées) của Bác sĩ Raoul Montandon và nhứt là quyển Những sự kỳ diệu của Thần Linh Học (Les Merveilles du Spiritisme), tác giả là Bác sĩ Jean Philippe Crouset mới xuất bản năm 1971, có 75 hình.
Tôi có kể mấy chuyện ấy ra để chứng minh rằng: Không có Âm phủ hay Diêm Vương Thập Ðiện chi cả. Chỉ có thế thôi.
Ngày nay, các Tôn giáo lớn giống như một cái xác không hồn vì đã mất khoa Mật hay là Bí Truyền, nên không giải thích được những điều thuộc về Siêu Hình Học, vì thế bị Khoa học khinh khi.
Thuở xưa các Tôn giáo lớn đều có hai khoa: Khoa Mật hay là Bí Truyền (Esotérisme) và Khoa Hiển hay là Công Truyền (Exotérisme).
Khoa Mật dạy về sự sanh hóa Vũ Trụ Càn Khôn, những Luật chi phối sự tiến hóa của Vạn vật và những phương pháp biến đổi con người thành một vị Siêu Phàm trong vài chục kiếp.
Còn Khoa Hiển là Công Truyền dạy: Cang thường, luân lý, sự thờ phượng cúng tế. Vì không hiểu Luật Trời, cho nên những tín ngưỡng Tôn giáo chứa đầy những sự mê tín dị đoan, làm cho Khoa học không còn tin cậy Tôn giáo nữa.
Tuy nhiên, ở khắp mọi nơi, giữa chốn phồn hoa đô hội, ở thời đại nào luôn luôn cũng có một nhóm Huynh đệ học khoa Huyền bí học một cách kín đáo. Vì thế từ đời này qua đời kia, mối Ðạo không hề dứt.
Một trăm năm trước đây, Thiên Ðình thấy Nhơn loại đã tiến gần đến mức hiểu được đôi chút những sự bí mật của Tạo Công cho nên mới sai một vị Cao đồ của Chơn Sư là Ðức Bà Blavatsky đem Khoa Hạ Bí Pháp ra truyền bá khắp nhơn gian đặng thức tỉnh quần chúng đừng quá say mê khoa học vật chất mà gây ra muôn vàn tội lỗi. Bà Blavatsky và Ðại Tá Olcott lập ra Hội Thông Thiên Học ở New York ngày 17 tháng 11 năm 1875, sau dời về Adyar (Madras) rồi ở tại đó cho tới ngày nay.
Société Théosophique dịch là Hội Minh Triết Thiêng Liêng đúng hơn là Hội Thông Thiên Học, song nửa thế kỷ nay người ta quen với danh từ này rồi, vậy thì cứ để như thế, không hại chi cả.
Thông Thiên Học dạy về Vũ Trụ và Nhơn sanh rất rành rẽ [[1]] và đúng với sự thật bởi vì những Ðấng Cao Cả đem Khoa Huyền bí học dạy lần đầu tiên tại Hệ thống Ðịa Cầu là những vị Thiên Tôn đã dự phần vào sự thành lập Thái Dương Hệ này. Thế nên không bao giờ có sự lầm lạc được. Giáo lý Thông Thiên Học vốn do các vị Tiên Thánh truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ kia cho những ai có đủ những điều kiện để học hỏi nó, chớ không tiết lộ ra ngoài. Hiện giờ những sách Thông Thiên Học nguyên bản vốn viết bằng Anh văn, và có dịch ra nhiều thứ tiếng như: Pháp, Ý, Ðức, Tây Ban Nha . . .
Quí bạn nào giỏi về ngoại ngữ nên đọc những sách Thông Thiên Học Anh văn hay Pháp văn; có nhiều quyển viết bằng Anh văn chưa dịch ra Pháp văn.
Ngày nay, khắp hoàn cầu người ta đọc sách Thông Thiên Học rất nhiều mặc dầu chưa làm Hội viên Hội Thông Thiên Học. Người ta thích nó hơn các giáo lý khác vì nó đưa ra những lý lẽ mà khoa học có thể chứng minh được và độc giả cũng có thể thí nghiệm được và thấy hiệu quả.
Tuy nhiên, Hiểu là một việc, còn Hành là một việc khác nữa. Học Ðạo mà không Hành Ðạo thì không bao giờ Ðắc Ðạo. Thiết tưởng cũng nên biết rằng: Chúng ta còn đương học gián tiếp, nghĩa là hiểu bằng lý trí chớ không thấy được những điều mà chúng ta đương học hỏi. Nên khiêm tốn một chút. Hãy nhìn lên Trời mới thấy Vũ Trụ vô tận vô biên.
Muốn học được trực tiếp, tức là thấy được những cõi vô hình và cách phối hợp các nguyên tử đặng làm ra những cơ quan khác nhau trong thân thể con người và vạn vật, hay là nhiều việc khác nữa thì phải dày công luyện tập, trường trai, khổ hạnh, khắc kỷ, tự chủ, lo giúp đời tùy phương tiện, và sống một đời cao thượng thì mới hội đủ những điều kiện đặng học tập phương pháp mở Huệ Nhãn là một quan năng cao siêu hơn con mắt thường.
Có thể nói rằng Huệ Nhãn không khác nào một cái kính hiển vi có sức phóng đại mấy chục ngàn triệu lần hơn trước. Vì vậy nó mới có thể giúp con người thấy được những cõi Trời ở chung quanh mình. Mấy cõi này làm bằng vật chất tế nhị và thanh bai hơn chất Hồng Trần không biết bao nhiêu lần. Mở Huệ Nhãn tức là dùng được kính hiển vi đó.
Ngày nay, khắp Hoàn Cầu có nhiều người mở được Thần Nhãn, thấy được cõi Trung Giới và ý muốn của kẻ khác, thì câu chuyện Thần Nhãn không còn là điều mơ hồ như trước kia người ta tưởng vậy.
Tôi soạn những tập nhỏ này cốt ý trước nhất để giải thích vài điểm và vài danh từ chuyên môn thuộc về Huyền bí học, chẳng hạn như: Monade, Ego, Essence Élémentale, Essence Monadique, Souffle du Logos, Tanmatra, Tattva, Asura v.v. . . .; kế đó là muốn cho quí bạn độc giả có một quan niệm đúng đắn về Thông Thiên Học, tôi vẫn biết giáo lý Thông Thiên Học hữu ích rất nhiều cho sanh viên Huyền bí học hơn là các bạn còn bôn ba trên con đường đời dài thăm thẳm, dường như chạy đến tận chơn Trời.
Tuy nhiên, điều cần thiết là mỗi người đều nên biết rằng: Thật con người là Chơn Thần, một Ðiểm Linh Quang của Ðức Thượng Ðế. Con người sanh ra ở cõi Trần đặng học hỏi Cơ Tiến Hóa hầu ngày sau, khi ngày giờ đã điểm thì thành ra một vị Siêu Phàm. Ấy là mục đích đã định sẵn cho con người trong Thái Dương Hệ. Vì mấy lẽ nầy mà Ðức Phật đã nói: "TA ĐÃ THÀNH PHẬT, CÒN CÁC NGƯƠI SẼ THÀNH PHẬT”.
Còn Ðức Jésus cũng lập lại câu này: "TA NÓI: CÁC NGƯƠI LÀ NHỮNG VỊ THƯỢNG ĐẾ” (Jean X – 34 – )
Và trên ngạch cửa của Thánh Ðiện Delphes (Hy Lạp) có khắc câu châm ngôn nầy: "NGƯƠI HÃY BIẾT NGƯƠI RỒI NGƯƠI SẼ BIẾT VŨ TRỤ VÀ CÁC VỊ THƯỢNG ĐẾ".
Cầu xin những sách Thông Thiên Học giúp ích được quí bạn phần nào trên con đường tìm Chơn lý và tu tâm luyện tánh.
Lành thay! Lành thay!
Bạch Liên
Phạm ngọc Ða
53 Nguyễn Ðình Chiểu
– châu đốc –
chương thứ nhất
những thái dương hệ trên không gian
Ban đêm ta nhìn lên không gian thấy hằng hà sa số những đốm sáng: người ta gọi là những Ngôi Sao hay là Ngôi Tinh Tú. Ðối với con mắt phàm của ta, ta không phân biệt được chúng nó ra sao, cái nào lớn, cái nào nhỏ, và cái này cách xa cái kia bao nhiêu dặm. Ta chỉ biết Khoa học nói rằng: Sao nào nháy là Mặt Trời, còn sao nào không nháy là Hành Tinh hay là Trái Ðất.
Nhưng theo Huyền bí học thì tất cả những Ngôi Tinh Tú trên không gian đều sắp đặt thành những hệ thống gọi là Thái Dương Hệ. Mỗi Thái Dương Hệ gồm một Ngôi Mặt Trời ở chính giữa và những Dãy Hành Tinh xây chung quanh. Mỗi Dãy Hành Tinh gồm ít nhất là bảy Bầu Hành Tinh. Trên mỗi Hành Tinh đều có những nhơn vật sanh sanh hóa hóa và tiến hóa như ở tại cõi Trần của chúng ta vậy.
Chắc chắn là hình thù của những loài người trên mấy Dãy Hành Tinh đó không giống nhau và ngôn ngữ cũng bất đồng, sự tiến hóa cũng không đồng bực với nhau. Mấy loài vật cũng vậy. Ðiều này không khác nào những việc mà người ta thấy hiện giờ ở cõi Trần này.
Có những Thái Dương Hệ sanh trước, có những Thái Dương Hệ sanh sau, thế nên có những Thái Dương Hệ lớn và cũng có Thái Dương Hệ nhỏ.
những ngôi mặt trời lớn hơn ngôi mặt trời của chúng ta
Người ta nói bề trực kính của Ngôi Mặt Trời soi sáng chúng ta đo được lối 1.391.000 cây số, bằng 109 lần bề trực kính của Trái Ðất.
1 – Tinh cầu Arcturus (Pl. Bouvier) 27 lần lớn hơn bề trực kính của Mặt Trời tức là 37.557.000 cây số.
2 – Tinh cầu Aldébaran (Pl. Taureau) 30 lần lớn hơn bề trực kính của Mặt Trời tức là 41.730.000 cây số.
3 – Tinh cầu Pégase 140 lần lớn hơn bề trực kính của Mặt Trời tức là 54.740.000 cây số, lớn hơn khoảng giữa Mặt Trời và Trái Ðất. Mặt Trời cách xa Trái Ðất: 149.000.000 cây số.
4 – Tinh cầu Mira Ceti (Pl. Baleine) và Tinh cầu Bétegeuse 300 lần lớn hơn tức là 417.300.000 cây số.
5 – Tinh cầu Hercule 400 lần lớn hơn.
6 – Tinh cầu Antarès 407 lần lớn hơn.
7 – Tinh cầu Canopus một triệu lần lớn hơn Ngôi Mặt Trời của chúng ta.
Hiện giờ các nhà Thiên văn mới thấy một Ngôi Sao bốn tỷ cây số bề ngang và đặt tên là Epsilon. Không biết có phải Ngôi Sao nầy lớn nhất trong Vũ Trụ hay là trong tương lai còn khám phá ra được nhiều ngôi sao lớn hơn nữa.
Có một điều có thể nói được là: Sự tiến hóa trên các Thái Dương Hệ đó cao hơn sự tiến hóa tại Thái Dương Hệ của chúng ta không biết bao nhiêu lần mà nói. Ngoài ra chúng ta không hiểu một mảy may gì về sự sống trên các Thái Dương Hệ đó cả.
bảy cung trong vũ trụ
Theo Huyền bí học thì trong Vũ Trụ, các loài vật từ loài Tinh Chất cho tới loài Kim Thạch, Thảo Mộc, Cầm Thú, Con Người và các Tinh Linh hay Ngũ Hành, các hàng Thiên Thần và các loài khác dầu hữu hình hay vô hình đều chia ra bảy loại hay bảy nhóm cũng gọi là bảy Cung (Rayon) [[2]]
Bảy cung này là:
1 – Cung thứ Nhất là Cung Ý Chí hay Uy Quyền.
2 – Cung thứ Nhì là Cung Minh Triết.
3 – Cung thứ Ba là Cung Trí Tuệ sanh hóa (Cung Thích Nghi).
4 – Cung thứ Tư là Cung Mỹ Lệ – Hòa Thanh.
5 – Cung thứ Năm là Cung Hiểu Biết cụ thể.
6 – Cung thứ Sáu là Cung Sùng Ðạo.
7 – Cung thứ Bảy là Cung Pháp Môn – Phù Thủy.
Mỗi Cung còn chia ra làm bảy chi nữa (Sous Rayons ou sous Types). Có tất cả là 49 Chi. Nhưng trong sách thường để 49 Rayons chứ không dùng chữ Sous Rayons.
Mỗi người hay mỗi thú vật đều thuộc về một trong bảy Cung, nghĩa là người này thuộc về Cung thứ Nhất, người kia thuộc về Cung thứ Nhì, người nọ thuộc về Cung thứ ba . . .
Các loài vật cũng vậy.
Vần đề Cung và Chi rất nhiệm mầu, nên không có tiết lộ ra nhiều. Mà thiết tưởng dầu có nói ra cũng không ai hiểu.
bảy nhóm thái dương hệ
Cũng như con người và các loài vật, những Thái Dương Hệ trên không gian đều chia ra bảy Nhóm hay là bảy Cung.
Mỗi Cung gồm cả triệu Thái Dương Hệ, lớn có nhỏ có. Mỗi Thái Dương Hệ đều ở dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Vị Chủ Tể đã tạo lập ra nó. Vị Chủ Tể này là Ðức Thái Dương Thượng Ðế.
Các Thái Dương Hệ đều chịu ảnh hưởng lẫn nhau, nhứt là những Loại thuộc về một Cung với nhau. Xin thí dụ như vầy rõ hơn:
Quả Ðịa Cầu của chúng ta là một Bầu Hành Tinh. Nó thuộc về một Nhóm Hành Tinh lấy Mặt Trời làm trung tâm, nghĩa là chúng nó xây chung quanh Mặt Trời và sự sống của chúng nó do Mặt Trời ban xuống.
Cũng thế đó, Thái Dương Hệ của chúng ta thuộc về một nhóm Thái Dương Hệ mà cả thảy đồng lấy một ngôi Mặt Trời lớn hơn nữa làm trung tâm.
Rồi cứ tiếp tục như thế từ dưới lên trên.
Xin đem ra đây một bằng chứng:
Trong quyển Vạn vật đều Luân Hồi (La Réincarnation Universelle) tác giả là ông Charles de Saint Sevin, nơi trương 21 có nói như sau:
“Tất cả Thái Dương Hệ của chúng ta đều di chuyển và hướng về Tinh cầu Véga với tốc độ là 20 cây số trong một giây đồng hồ tức là 12.000 cây số trong một giờ” (Le système solaire tout entier se déplace vers Véga à 20 Km seconde ou 72.000 Km heure).
Ðây là một điều bất ngờ, xưa kia người ta đinh ninh rằng: Những Ðịnh Tinh hay là Mặt Trời thì ở một chỗ, nay người ta lại thấy Mặt Trời cũng di chuyển vậy.
Cũng nên biết rằng: Những Thái Dương Hệ đều liên lạc với nhau, những Thái Dương Hệ đồng một Cung với nhau đều giúp đỡ lẫn nhau. Ðức Leadbeater trong quyển Chơn Sư và Thánh Ðạo (Les Maîtres et le Sentier), trương 200 có nói như vầy: "Tôi thấy những Sứ Giả từ những Thái Dương Hệ khác qua viếng Ðịa Cầu chúng ta mặc dầu tôi không biết mấy vị ấy tới đây có những mục đích gì."
bảy vị hành tinh Thượng Ðế hư không
Bảy Cung trên không gian vẫn ở dưới quyền điều khiển của bảy Vị Ðại La Thiên Ðế gọi là bảy Vị Hành Tinh Thượng Ðế Hư Không (7 Logos Planétaires Cosmiques). Mỗi Vị làm Chúa tể một Cung.
Thiên Chúa giáo gọi các Ngài là: Bảy Vị Ðại Thiên Thần chầu chực trước Ngai của Ðức Chúa Trời (Les 7 Esprits devant le Trône de Dieu).
Các Ngài phụ tá Ðức Thượng Ðế trong việc tạo lập Vũ Trụ Càn Khôn.
Ðức Thượng Ðế, chúa tể vũ trụ càn khôn
Các vị Thánh Nhơn, các vị Thiêng Liêng Cao Cả và các Thánh kinh đều dạy rằng có một sự sống duy nhứt đời đời bất diệt, cội rễ của sự sanh tồn của hằng hà sa số những Tinh cầu với các loài vật trên không gian.
Người ta gọi sự sống này với nhiều tên khác nhau, tùy theo ngôn ngữ của các giống dân tộc trên Ðịa Cầu hoặc:
1 – Ông Trời.
2 – Ðức Chúa Trời.
3 – Ðấng Tạo Công – Ðấng Hóa Công.
4 – Ðấng Tạo Hóa.
5 – Thái Cực Thánh Hoàng.
6 – Dieu.
7 – Logos Cosmique.
8 – Brahman – Phạn Vương – Isvara.
9 – Allah.
10 – Ahura Mazda v.v. . . .
Ngài là:
1 – Ðấng Vô Thỉ Vô Chung.
2 – Không sanh mà có.
3 – Ðộc Nhất Vô Nhị.
4 - Nhân Vô Nhân.
5 – Căn vô Căn.
những điều của Ðức Phật nói về Thượng Ðế
Trong quyển Ánh Sáng Á Châu (La Lumière de l'Asie) có thuật lời Ðức Phật nói về Thượng Ðế như sau:
"Om ! Amitaya! Chớ nên ướm thử dùng lời nói mà đo cõi vô biên, hay là nhúng dây tư tưởng vào cõi vô tận. Người hỏi cũng lầm mà người trả lời cũng lầm vậy. Ðừng hỏi chi cả."
Kinh sách dạy rằng: Trước khi vạn vật sanh ra chỉ có Phạn Vương (Brahma) trầm tư mặc tưởng. Nhưng chớ nên suy gẫm đến Phạn Vương hay là lúc sơ khởi. Con mắt phàm không hề thấy được Phạn Vương hay là một ánh sáng nào cả. Trí người phàm cũng không thể hiểu được. Những màn lần lượt vén lên, cái này rồi đến cái kia. Phải có những bức màn và sau những bức màn nầy thì có những bức màn khác.
Các Ngôi Tinh Tú cứ vận chuyển mà không hỏi han chi cả. Miễn là sự sanh, sự tử, sự buồn, sự vui, cái nguyên nhân và cái hậu quả còn lại thì đã đủ rồi.
Cuộc đời và ngày giờ cứ luân chuyển không ngừng, cũng như dòng nước của con sông chảy từ nguồn ra biển, dầu mau, dầu chậm, các lượn sóng cũng vẫn là một, mặc dầu coi khác nhau, cứ nối tiếp với nhau, cái sau nhồi cái trước.
Bao nhiêu đây tưởng cũng đủ cho tánh hiếu kỳ của chúng ta.
ba ngôi Thượng Ðế
Ba Ngôi có ba nhiệm vụ khác nhau:
1 – Ngôi thứ Nhứt: Luôn luôn không hiện ra. Ngài vốn là Vô Ngã và cội rễ của sự sanh tồn.
2 – Ngôi thứ Nhì: Phân chia Âm Dương – Tinh Thần và Vật Chất. Ngài bảo tồn những hình hài của Ngài đã tạo ra.
3 – Ngôi thứ Ba: Biến đổi Hỗn Nguơn Nhứt Khí Mulaprakriti ra những Nguyên tử và Phân tử đặng lập bảy Cõi trên Không gian.
chương thứ nhì
bảy cõi trên không gian
(Les 7 plans cosmiques)
Bảy cõi này là:
1 – Cõi thứ Nhất là Plan Adi – xin gọi là cõi Tối Ðại Niết Bàn Hư Không.
2 – Cõi thứ Nhì là Plan Anoupadaka – xin gọi là cõi Ðại Niết Bàn Hư Không.
3 – Cõi thứ Ba là Plan Atmique Cosmique – Monde divin – xin gọi là cõi Niết Bàn Hư Không.
4 – Cõi thứ Tư là Bouddhique Cosmique, cõi Bồ Ðề Hư Không.
5 – Cõi thứ Năm là Plan Mental Cosmique, cõi Trí Tuệ Hư Không hay là cõi Thượng Giới Hư Không.
6 – Cõi thứ Sáu là Plan Astral Cosmique, cõi Trung Giới Hư Không.
7 – Cõi thứ Bảy là cõi Hạ Giới Hư Không – Plan Physique Cosmique hay là Plan Cosmo Prakritique.
Mỗi cõi chia ra bảy cảnh.
trạng thái ba ngôi
Ba Ngôi có Ba Trạng thái khác nhau:
1 – Trạng thái của Ngôi thứ Nhất là Ý Chí (Volonté).
2 – Trạng thái của Ngôi thứ Nhì là Minh Triết (Sagesse).
3 – Trạng thái của Ngôi thứ Ba là Hoạt Ðộng (Activités) có chỗ gọi là Trí Tuệ sanh hóa (Intelligence créatrice).
tượng trưng vô cực và ba ngôi
Người ta vẽ năm hình để tượng trưng Vô Cực và Ba Ngôi.
Hình số 1: Tượng trưng Vô Cực
Hình số 2: Tượng trưng Ngôi Thứ Nhứt không hiện ra (1er Logos non manifesté). Cũng gọi là Thái Cực.
Hình số 3: Tượng trưng cho Ngôi thứ Nhì, phân chia Âm Dương, Tinh Thần và Vật Chất. Cũng gọi là Lưỡng Nghi.
Hình số 4: Tượng trưng Ngôi thứ Ba, hiệp nhất Âm Dương để sanh hóa. Cũng gọi là Tứ Tượng.
Hình số 5: (Tétraktys) tức là Thiên Không Tứ Tượng (Quaternaire Cosmique) tượng trưng ba trạng thái của Ba Ngôi nhập vào vật chất sẵn sàng sanh hóa.
Khi vòng tròn không còn nữa, chỉ còn Thập Tự Giá thì sự sanh hóa bắt đầu.
vũ trụ sAnh RA để làm gì?
Nêu ra câu hỏi: Vũ Trụ sanh ra để làm gì? thì câu trả lời liền là: Vũ Trụ sanh ra để giúp cho Chơn Thần tiến hóa.
Chơn Thần là ai?
Chơn Thần là một Ðiểm Linh Quang của Thượng Ðế, chính là con của Ngài (Xin xem quyển 2 Thái Dương Hệ của chúng ta).
vũ trụ sAnh ra lần đầu tiên hồi nào?
Vũ Trụ sanh ra lần đầu tiên hồi nào? Chắc chắn không một ai trả lời nổi. Biết chăng chỉ có tám Vị mà thôi: Ấy là Ðức Thượng Ðế và bảy Vị Hành Tinh Thượng Ðế Hư Không. Ðừng nói chi tới Vũ Trụ, quả Ðịa Cầu mình đây nếu hỏi nó được mấy tuổi và nhơn vật do cách nào sanh ra thì chắc phải làm thinh chớ biết làm sao mà trả lời.
Nếu nói theo thuyết La Place thì Ðịa Cầu trước kia là một bầu lửa, nó xây tròn và nguội lần rồi mới có sự sanh sản các loài vật.
Nói như thế tức là Lửa sanh ra Ðất, Lửa sanh ra Nước, Lửa sanh ra Kim Thạch, Thảo Mộc, Cầm Thú và Con Người.
Nói tóm lại là Lửa sanh ra tất cả. Có phải như vậy hay không?
Toàn là Vật Chất chớ không có phần Tinh Thần là Linh Hồn. Vậy sự khôn ngoan của con người ở đâu đến?
Tín điều thứ Hai trong 14 Tín điều của Phật giáo hiện kim như sau đây:
"VŨ TRỤ TIẾN HÓA CHỚ KHÔNG PHẢI SANH HÓA. NÓ VẬN CHUYỂN THEO ĐỊNH LUẬT CHỚ KHÔNG PHẢI DO TÁNH BẤT THƯỜNG CỦA MỘT VỊ THƯỢNG ĐẾ”.
Ðúng vậy, nhưng Vũ Trụ phải được sanh hóa lần đầu tiên rồi từ đó về sau mới tiến hóa, cũng như nếu cha mẹ chúng ta không sanh chúng ta ra đây thì làm sao chúng ta có thân mình đặng càng ngày càng lớn khôn.
Dầu sao chúng ta nên nhớ rằng: Tin tưởng là một việc và sự thật là một việc khác nữa.
đại kiếp CỦA vũ trụ,
sự luân hồi của trời đất
Tất cả những Thái Dương Hệ trên không gian đều tuân theo Luật Luân Hồi và Nhân Quả: sanh rồi diệt, diệt rồi sanh, cứ nối tiếp nhau mãi không ngừng. Mỗi Thái Dương Hệ đều có một Ðại Kiếp riêng biệt khác nhau. Thái Dương Hệ nầy tan rã rồi thì tới Thái Dương Hệ kia. Tới một ngày kia, đúng ngày giờ thì tất cả những Ngôi Mặt Trời trên Không gian, dầu lớn hay nhỏ, sanh ra lâu đời hay mới sanh ra đều tắt hết một lượt rồi bắt đầu tan rã. Linh Hồn Vạn Vật đều nhập vô Tâm Ðức Thượng Ðế. Lúc đó trên không gian tối tăm mù mịt.
Xin quí bạn nhớ rằng: Hình hài làm bằng vật chất phải hư hoại, nhưng Tinh Thần là Sự Sống còn mãi không bao giờ mất.
Lúc nầy là lúc nghỉ ngơi, bởi đã hết một Ðại Kiếp của Vũ Trụ. Thời kỳ nghỉ ngơi cũng dài bằng thời kỳ sanh hóa. Hết lúc nghỉ ngơi thì sanh hóa lại. Khi tái sanh, vạn vật đều ở vào vị trí cũ của mình, nghĩa là trước kia tiến đến bực nào thì bây giờ cũng ở vào bực đó, cả thảy đều lo hoạt động như trước. Một Bầu Hành Tinh, một Thái Dương Hệ hay là một Vũ Trụ đều phải trải qua bốn thời kỳ:
– Thành, Trụ, Hoại, Không.
Chẳng phải con người phải Luân Hồi mà Trời Ðất vẫn Luân Hồi vậy.
một đại kiếp CỦA vũ trụ gồm bao nhiêu năm trần thế?
Kinh Thánh Bà La Môn có nói rằng: Một Ðại Kiếp của Vũ Trụ gồm 100 năm Phạn Vương.
Một năm Phạn Vương có 360 ngày và 360 đêm. Ngày và đêm dài bằng nhau.
Một ngày Phạn Vương dài bằng 4.320.000.000 năm Trần thế.
Một đêm của Phạn Vương cũng dài bằng 4.320.000.000 năm Trần thế.
Một ngày và một đêm Phạn Vương dài 8.640.000.000 năm Trần thế.
360 ngày và 360 đêm tức là một năm của Phạn Vương dài bằng:
8.640.000,000 x 360 = 3.110.400.000.000 năm Trần thế.
100 năm Phạn Vương dài bằng:
3.110.400.000.000 x 100 = 311.040.000.000.000 năm Trần thế.
Bà Blavatsky nói rằng con số đó thuộc về Công truyền, Hiển, không đúng sự thật. Tuy nhiên người ta thường dùng số này.
Người ta cho rằng Thái Dương Hệ của chúng ta sanh ra đã 1.056.884.703 năm rồi. Nhưng tôi tưởng số đó chưa ắt đúng bởi vì mấy điều này không có tiết lộ ra ngoài. Và trong cuộc Tuần Hườn thứ Tư này 300 triệu năm đã trôi qua tại quả Ðịa Cầu của chúng ta.
chương thứ ba
hỗn nguơn nhỨt khí
Hỗn Nguơn Nhứt Khí là chất khí hằng có đời đời trên không gian vô cùng vô tận. Tiếng Phạn là Mulaprakriti, cũng gọi là Koilon. Koilon có nghĩa là Trống không. Tiếng Pháp là Ether primordial, xin gọi là Tiên Thiên Dĩ Thái đặng phân biệt với Dĩ Thái Hồng Trần (Ether physique).
hỖn nguơn nhỨt khí trống rỖng
Những vị mở tới Phật Nhãn hay Tối Thượng Huệ Nhãn xem coi Koilon thì thấy nó trống rỗng, nhưng nó vừa trống rỗng mà cũng vừa cứng rắn một lượt, điều mà chúng ta không quan niệm được. Tại sao vậy?
hỗn nguơn nhỨt khí koilon là
chất cực kỳ cứng rắn
Huyền bí học dạy rằng Ðức Thượng Ðế dùng thần lực của Ngài xoi lủng Hỗn Nguơn Nhứt Khí Koilon làm ra hằng hà sa số những lỗ trống, gọi là những bọt Koilon (Bulles de Koilon).
Ngài phối hợp những bọt này đặng làm ra những nguyên tử căn bản (atome ultime) và dùng chúng nó để lập bảy cõi Trời hay là bảy cõi của Hư Không.
Thế thì Hỗn Nguơn Nhứt Khí cứng rắn lắm sao? Thật đúng vậy.
Nhà Bác học Anh Sir Oliver Lodge đã chứng minh điều này trong hai đoạn dưới đây – trong quyển sách của ông.
năng lượng của hỗn nguơn nhỨt khí
a) – Sức mạnh cố hữu của Hỗn Nguơn Nhứt khí:
Ông Sir Oliver Lodge nói:
"Mỗi ly khối của không gian chứa đựng một cách thường trực một năng lượng mà hiện giờ chưa có thể hiểu thấu được, đụng chạm tới được, nó mạnh bằng năng lượng của toàn diện một cái máy điện, sức mạnh một triệu Kí-lô-hoách phát ra trong 30 triệu năm như vậy."
Nhưng mà sự ước lượng của ông còn thấp hơn chớ không phải cao hơn thực tế, nó còn kinh ngạc hơn nữa.
Energie intrinsèque de l'éther.
Chaque millimètre cube de l'espace, dit-il, renferme d’ une manière permanente et pour le moment, inaccessible, l’énergie totale qu’une installation d’une puissance d’un million de Kilowats produirait en trente millions d’années.
Là encore, son estimation est bien plutôt en dessous qu’en-dessus de la stupéfiante réalité.
Ðiều nầy nói ra như chuyện chiêm bao. Nửa thế kỷ trước, trừ ra các nhà Huyền bí học và vài nhà Khoa học, thì không ai tin được những lời trên đây.
Nhưng bây giờ người ta đã thấy sức mạnh của nguyên tử rồi thì chắc là người ta không còn phải hoài nghi về sức mạnh của Hỗn Nguơn Nhứt Khí (Koilon) nữa.
tỷ trỌng của hỗn nguơn nhỨt khí
b) – Về tỷ trọng của Hỗn Nguơn Nhứt Khí Koilon, sau khi tính toán rồi ông Sir Oliver Lodge kết luận như sau:
"Do theo căn cứ nầy thì sự ước lượng thấp hơn hết của Tỷ trọng Hỗn Nguơn Nhứt Khí là 10 ngàn triệu lần (10 tỷ) tỷ trọng của Bạch kim."
Rồi đoạn sau ông thêm vào câu này:
"Tỷ trọng này có thể lên tới 50 ngàn triệu (50 tỷ) tỷ trọng của Bạch kim)."
"En faisant sur cette base une sorte d’estimation minima de la densité de l’éther, on arriverait à quelque chose comme dix mille millions de fois celle de platine.
Il y ajoute plus loin que cette densité pourrait devenir cinquante mille millions de fois celle platine."
Trích trong quyển Hóa Học Huyền Bí của Ðại Ðức Annie Besant và Leadbeater. Xuất bản năm 1920 (trương 154-155).
La Chimie Occulte par A. Besant et Leadbeater. Edition 1920.
một tấc khối của hỗn nguơn nhỨt khí nặng bao nhiêu?
Ta biết rằng: tỷ trọng của Bạch kim là 21,4 có nghĩa là một tấc khối (dm3) Bạch kim nặng 21 kg 4, muốn kiếm sức nặng của 1 tấc khối Hỗn Nguơn Nhứt Khí thì ta lấy 21 kg 4 nhân cho 10 tỷ thì ta sẽ có:
21,4 x 10.000.000.000 = 214 tỷ Kí lô, nghĩa là một tấc khối Hỗn Nguơn Nhứt Khí nặng 214 tỷ Kí lô.
Ông Sir Oliver Lodge còn nói con số này có thể tăng lên 5 lần như vậy nghĩa là một tấc khối Hỗn Nguơn Nhứt Khí có thể nặng 1.070 tỷ Kí lô.
Áp lực của nó thật là phi thường. Ông Henri Poincaré, một nhà Toán học trứ danh của nước Pháp cũng có nói "Nguyên tử chỉ là một lỗ trống rỗng trong Hỗn Nguơn Nhứt Khí."
(L'atome n’est qu’un trou dans l’éther).
Ðể làm sáng tỏ vấn đề vật chất trống rỗng và vừa đặc cứng một lượt, tôi xin trích lục ra đây cho quí Huynh xem bài Nguyên Tử, một Tiểu Vũ Trụ đầy sự huyền diệu của Bác sĩ O’Brien đương kim Giáo sư Trường Ðại Học Notre Dame.
chương thứ tư
nguyên tử
một bầu tiểu vũ trụ đầy sự huyền diệu
Bác sĩ O’Brien, đương kim Giáo sư Trường Ðại Học Notre Dame. Suốt 35 năm, Bác sĩ tận tụy với Khoa học, Triết học và Tôn giáo, thường giải thích sự phát triển của Khoa học. Ông sáng tác nhiều bộ sách có giá trị, như quyển Truths Men Live By (The Macmillan Co. – xuất bản tại New York) được các nhà Bác học, các Triết gia và những nhà bênh vực Tôn giáo hoan nghinh nhiệt liệt.
-----------------------
Nếu ta thấy một hành khách gọi năm người phu khuân vác tới khiêng một chiếc hộp nhỏ bằng bao thuốc lá như bao thuốc "Ách Chuồng," chắc ta cho đó là trò hề. Nhưng khi thấy năm người lao công lực lưỡng ấy rán sức xô đẩy cái hộp không nhúc nhích, thì ta sẽ ngạc nhiên, không còn cho là một trò đùa nữa. Nếu vị hành khách nầy mở hộp ra cho ta thấy trong đó chỉ đựng một tí mảnh vụn vật chất nhỏ hơn đầu mũi kim thì ta sẽ sững sờ kinh ngạc dường nào.
Sau đó, chiếc hộp được đem cân thì thấy nó nặng tới mấy ngàn ký, chắc chắn người ta sẽ dụi mắt mà tự hỏi: Phải chăng đây là chiêm bao? Thật sự, việc lạ kỳ nầy có thể xảy ra nơi cõi Trần như vậy sao?
Mới đây, nhờ sự nghiên cứu về Vật lý hạch tâm (Physique nucléaire) các nhà Bác học khám phá ra một Tiểu Vũ Trụ mới có nhiều sự lạ lùng ngoài sức tưởng tượng của con người, còn ly kỳ hơn chuyện Tây Du, Phong Thần nữa.
Hẳn thật, về Vật lý học, các nhà thông thái chứng minh rằng một hạt bụi nhỏ mà chúng ta vừa nói trên có thể cân nặng tới mấy tấn nếu được loại bỏ những khoảng trống không, rồi chồng chất các nguyên tố cấu thành ấy chung lại với nhau.
Vậy ra vật chất cũng có khoảng trống rỗng nữa sao? Dĩ nhiên là có. Hiện nay chúng ta đều biết hầu hết các cái trống không đều tạo thành vật chất. Ở khoảng giữa mênh mông trống rỗng, có những vi phân tử cực nhỏ, đến đỗi không thể thấy hay chụp ảnh được, vì nó quay cuồng với một tốc độ rất mau lẹ.
Nhiều lý thuyết gia Vật lý dùng toán học để chứng minh sự có thật những vi phân tử nhỏ nhít để học hỏi trong phòng thí nghiệm và nghiên cứu nhiều hiện tượng kỳ diệu lạ lùng.
Xưa kia, Tổ tiên ta biết rằng có nhiều chất hợp thành dung lượng là do các nguyên tử dày đặc và bất động hợp thành (ít ra họ cũng hiểu như vậy). Nhưng ngày nay, nhờ ra công tìm tòi thực hiện, các nhà Bác học tân thời khám phá nhiều việc mới mẻ làm xáo trộn những lý thuyết xưa và chứng minh rằng: Hầu hết vật chất là trống không và có rất nhiều vi phân tử đều chứa điện và quay cuồng với tốc độ hết sức mau lẹ. Còn nguyên tử thì giống như Thái Dương Hệ thâu nhỏ lại.
Sự phát minh này hãy còn mới mẻ, nên chưa phổ biến. Vào năm 1911, nhờ công thí nghiệm của nhà Vật lý Tân Tây Lan là ông Ernest Rutherford, được giải thưởng Nobel, trình bày rõ ràng về sự cấu tạo huyền diệu của nguyên tử.
Thế giới mới trong nguyên tử có nhiều điều kỳ diệu mường tượng thuở xưa ông Galilée dùng viễn vọng kính nhìn xem vòm trời bao la chưa ai biết, rồi hốt nhiên khám phá ra Trái Ðất này không đứng yên một chỗ, mà nó xây chung quanh mặt trời như các hành tinh vậy.
Sự khám phá vĩ đại của ông Galilée đánh đổ lý thuyết cũ kỹ là con người ở chính giữa Vũ Trụ. Nhờ vậy mà tánh khoe khoang, ngạo mạn của con người bị một vố rất nặng, trở nên khiêm tốn, nhìn biết Tạo Hóa là Ðấng Cao Cả, uy quyền, trọn lành vô lượng. Chắc chắn một ngày gần đây, sự tiết lộ Thái Dương Hệ nhỏ nhít của nguyên tử trở nên quan trọng như sự phát kiến của Galilée.
Ðây là công trình của các ông Thomson, Rutherford, Moseley, Bohr, Fermi, Millikan, Compton, Urey và nhiều nhà danh tiếng khác đã dẫn đường cho chúng ta suy xét và tìm hiểu thế nào là vật chất.
Vật chất do các phân tử (molécules) hợp thành, đường bán kính trung bình bằng một phần mười triệu ly (1/10.000.000 m/m). Phân tử do các nguyên tử hợp thành. Nguyên tử nhỏ nhất, nhỏ đến nỗi ta lấy 5 triệu (5.000.000) hạt nguyên tử sắp thành hàng dài, thì nó chỉ lớn bằng cái chấm câu này. Nguyên tử do sự cấu tạo của một hay nhiều chánh điện tử (protons), chứa điện dương, hợp với trung hòa tử (neutrons) làm thành cái nhân (noyau). Chung quanh là điện tử (électrons) chứa điện âm, tương đương số chánh điện tử, quay vòng theo cái nhân với tốc độ mau lẹ không thể tưởng tượng được.
Khi nhà Thiên văn nhìn vào viễn vọng kính để dò xét bầu trời rộng bao la, thấy cái vực thẳm vĩ đại mênh mông xa cách các vì tinh tú thì không khỏi có cảm giác kinh ngạc và khủng khiếp. Nhưng đối với nguyên tử, nếu đem so sánh cái khoảng trống không với Thái Dương Hệ, thì nó còn rộng lớn hơn khoảng trống của Thái Dương Hệ chúng ta đang sanh sống đây rất nhiều. Vì vậy Khoa học cho rằng: Ðiều cốt yếu để tạo vật chất là cái trống không (le vide).
Khi nhìn vào tấm vách tường bằng bê tông, ta thấy toàn là một khối dày đặc cứng chắc, không chút kẽ hở, nhưng thật ra nó có rất nhiều lỗ trống lớn và thưa thớt như lưới bắt cá vậy.
Một ngày kia, trong khi giảng bài, Giáo sư O’Brien hỏi một người sanh viên có chân trong đoàn túc cầu:
– Anh cân được bao nhiêu?
Sanh viên đáp:
– Một trăm ký.
Giáo sư hỏi tiếp:
– Hỏi thật chớ không có ác ý. Nếu người ta vứt bỏ hết cái trống không từ đầu đến chân của anh rồi chất đống lại thì anh còn bao lớn?
– Tôi tưởng trong thân thể của tôi chẳng có khoảng trống nào đáng kể.
– Vậy anh hãy nghe đây. Nếu bỏ hết mấy khoảng trống không của anh mà chất đống lại thì xác thân của anh chỉ còn bằng hạt bụi nhỏ xíu, nhỏ đến đỗi mắt thường không thấy. Anh tin lời tôi không? Vậy anh hãy đọc đoạn này của một Vật lý gia lừng danh nước Anh là Arthur Eddington, đương kim Giáo sư Ðại Học Ðường Cambridge .
Dứt lời, ông trao quyển sách của Giáo sư Eddington nhan đề Vạn Vật của Vũ Trụ Hồng Trần (The Nature of the Physical World) có mấy hàng như vầy:
"Sự tiết lộ của Lý học tân tiến về cái trống không trong nguyên tử làm cho trí khôn con người còn sững sờ hơn là sự tiết lộ của các Ðịnh Tinh. Nguyên tử cũng xốp và có lỗ hở như Thái Dương Hệ vậy.
Nếu chúng ta loại bỏ hết các khoảng trống không trong thân thể con người và gom góp lại những CHÁNH ĐIỆN TỬ và ÐIỆN TỬ của con người làm thành một khối, thì xác thân của chúng ta chỉ còn nhỏ bằng hạt bụi, phải dùng kính phóng đại mới đủ sức thấy mà thôi."
Cách thay hình đổi dạng này chỉ là sự sa thải những khoảng trống không và chỉ để lại các phân tử của vật chất, vì vậy sức nặng của cái hạt dày đặc điện tử và chánh điện tử của cầu thủ cao 1 thước 85 phân bằng hạt bụi gần như không thấy được đó cũng cân nặng 100 ký.
Cũng một lẽ ấy, nếu chúng ta loại bỏ những khoảng trống không nguyên tử của các vật chất nơi Trái Ðất này thì Bầu Hành Tinh của chúng ta ở đây sẽ gầy bớt, và đường kính của Trái Ðất đo được một ngàn thước là nhiều.
Tốc độ của các phân tử quay theo quỷ đạo của nó cũng lạ thường.
Ngày kia, Giáo sư O’Brien hỏi một trong các sanh viên của ông đang ngậm ống điếu:
– Theo ý anh, những nguyên tố của cái ống điếu mà anh đang hút đó nằm yên hay chuyển động?
Sanh viên đáp:
– Tôi tưởng nó nằm yên.
– Này, ống điếu anh đang hút đó do sự phối hợp ba bộ phận nhỏ căn bản: ÐIỆN TỬ, TRUNG HÒA TỬ và CHÁNH ĐIỆN TỬ hợp thành; điện tử quay tròn mãi không ngừng theo chung quanh cái nhân do CHÁNH ĐIỆN TỬ và TRUNG HÒA TỬ hợp lại. Thật ra, những Ðiện tử trong ống điếu của anh nó xây vòng theo quỷ đạo (Orbites) hơn một triệu lần trong một giây đồng hồ! Các nhà Lý học nhìn nhận tốc độ quỷ đạo mau lẹ quá trí tưởng tượng con người là chuyện thật của Khoa học khỏi phải bàn cãi gì nữa. Tốc độ điện tử còn mau hơn tốc độ các Hành Tinh rất nhiều, mặc dầu nguyên tử nhỏ cực điểm. Những phần tử BETA do phóng xạ thể (Corps radio-actifs) phát ra quá mau lẹ với tốc độ 300.000 cây số trong một giây, bằng tốc độ ánh sáng.
Dầu trong một phần nhỏ mọn nào của vật chất cũng đều chứa một năng lực gần như vô tận. Nếu ta dùng trọn năng lực nguyên tử của miếng than đá, thì có thể làm cho chiếc tàu thủy khổng lồ và đẹp nhất thế giới, là chiếc "Queen Mary" chạy qua biển Ðại Tây Dương lượt đi và lượt về.
Mới đây Bác sĩ George Clark, Giáo sư Ðại Học Illinois, nổi tiếng khắp hoàn cầu về môn này, trong một buổi giảng, có chiếu trên màn ảnh, quang phổ X (spectre de rayon X) một vệt lọ nghẹ, thì thấy hiện trên màn bạc vệt lọ đó, sự cấu tạo thiên nhiên, kết thành nhiều hình học (figures géométriques) rất mỹ thuật, như một nghệ thuật kiến trúc tuyệt hảo.
Sự cân xứng toàn mỹ về cách sắp đặt thứ tự các cấu tạo phân tử rất đúng theo toán học, có thể nói là một kho tàng vô giá ẩn tàng trong vết lọ.
Bởi đó, nhà Bác học bước sâu vào – mặc dầu rất ít – thế giới huyền diệu của vật chất, tất cả đều hấp dẫn say mê, yên lặng mơ mộng trước vẻ đẹp huy hoàng mà họ vừa thấy thoáng qua giữa những hạt bụi cát. Những sự khám phá về Lý học hạch tâm đã đánh đổ chủ nghĩa duy vật bằng sự giải thích minh bạch về Vũ Trụ. Hơn nữa sự khám phá quan trọng này làm tăng thêm sự tin tưởng vững chắc và ghi khắc vào lòng con người sự thật, có Ðấng Sáng Tạo. Theo các bậc thông thái thì không có vật chất nào vô giá trị, dầu trong phần nhỏ mọn của vật chất đều có sự mỹ lệ huyền diệu.
Thuở xưa, người ta chỉ trên vòm Trời mênh mông đầy ánh sao nhấp nhoáng để chứng tỏ rằng có một Ðấng Cao Cả. Ngày nay, nhờ sự tiến triển mới mẻ của Khoa Thiên văn chẳng những làm vững chắc bằng chứng, mà còn thêm sự kính cẩn khi chiêm ngưỡng sự lạ lùng của bầu trời.
Còn Ðức Thượng Ðế tỏ sự uy nghiêm của Ngài trong những Dãy Ngân Hà, những Thái Dương Hệ và những Vũ Trụ tí hon như hạt bụi. Nhưng dường như sự uy nghi của Ngài ẩn tàng trong những vi phân tử của hạt bụi còn nhiều hơn các vì sao trên Trời.
Sự kết quả về nguyên tử lý học chứng minh lời chơn thành của Thánh Augustin hồi thế kỷ thứ tư, khi Thánh tuyên hô: "Deus est maximum in minimis." NHỮNG VẬT HÈN MỌN CHỪNG NÀO, THÌ SỰ UY QUYỀN CỦA THƯỢNG ĐẾ CÀNG SÁNG TỎ THÊM CHỪNG NẤY.
Bằng chứng là khi nghiên cứu về nguyên tử, các nhà Bác học thường gặp những định luật toán pháp chỉ rõ ràng đường lối duy vật không thể giải thích được thế giới vô hình. Thay lời cho Khoa học, nhà thông thái Andrews Millikan tuyên bố: "Kẻ nào biết suy xét đều có phương pháp riêng để tin tưởng có Thượng Ðế."
Nguyễn Tấn Tài
(Thuật theo Sélection du Reader's Digest, viết theo quyển Truths Men Live By, của Giáo sư O’Brien).
(Trích Ðạo Học số 11 ngày 15-8-1954)
vật chất trống không
Mặc dầu ta thấy vật chất có hình dạng, màu sắc và rất cứng. Ta tưởng nó đặc, nhưng kỳ thật là nó trống rỗng.
Nhà Ðại Toán học Henri Poincaré có nói: Vật chất chỉ là một lỗ trống trong Dĩ thái (La matière n'est qu'un trou dans l'éther).
Lời tuyên bố này vẫn giống y như Huyền bí học, nhưng phải mở Thần Nhãn thì mới thấy nó trống rỗng.
Sự phân tách một nguyên tử mới chứng minh được điều đó.
Nguyên tử gồm hai phần:
Ở chính giữa là một hột gọi là nhân.
Chung quanh nhân có những âm điện tử xây tròn không khác nào những hành tinh xây chung quanh Mặt Trời.
Nhân cũng gồm có hai phần:
Những dương điện tử (protons) và những trung hòa tử (neutrons) không chứa thứ điện nào cả. Nếu đem phân tích nữa thì sẽ thấy những gì, không ai biết.
Ta chỉ biết rằng thân mình của các loài vật từ Kim Thạch, Thảo Mộc, Cầm Thú cho tới Con Người đều làm bằng những tế bào. Mỗi tế bào do nguyên tử hợp thành. Thế thì thân mình các loài vật đều là những bầu điện lực.
Thử hỏi Ðiện là gì? Thì người ta chỉ trả lời Ðiện là một thứ rung động.
Vậy thì vật chất vốn trống không. Nhưng đừng tưởng trống không là không có gì hết. Có "Cái Ðó" song ta chưa biết nó ra sao. Có sự rung động thì làm sao nói rằng: "Không có gì hết được."
parabrahm – vô cực – bất khả tri
Kinh Thánh Ấn còn dùng một tiếng nữa là Parabrahm nghĩa là Vô Cực, Bất Khả Tri (Absolu, Inconnaissable).
Bàn đến việc tạo lập Vũ Trụ Càn Khôn là việc lấy ngao lường biển rồi, thì bàn đến Vô Cực, Bất Khả Tri làm chi nữa. Bất quá là thỏa mãn tánh hiếu kỳ chớ không đi đến kết quả nào cả.
Thật quả đúng như lời Phật nói:
"Om ! Amitaya! Chớ nên ướm thử dùng lời nói mà đo cõi vô biên hay là nhúng dây tư tưởng vào cõi vô tận. Người hỏi cũng lầm mà người trả lời cũng lầm vậy. Ðừng nói chi cả."
Tuy nhiên chúng ta nên tìm hiểu con người sanh ra ở cõi Trần làm chi và phải làm thế nào đặng đạt được mục đích đã định sẵn cho nhơn loại trong Thái Dương Hệ nầy trước ngày giờ do Thiên Cơ đã định.
Bao nhiêu đây tôi tưởng cũng là nhiều lắm rồi.
hết tập 1