Home » » Lược ý hình tướng

Lược ý hình tướng

Written By kinhtehoc on Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012 | 16:36


Một mùa Vu Lan lại qua trong tiếng mưa cuối mùa dần dần im bặt, mỗi niềm thương nhớ rồi cũng như mây chiều đọng lại cuối trời tây, bao người con hiếu hạnh lại chuẩn bị cho ngày vía Đức Địa Tạng sắp đến, theo quan niệm tín ngưỡng Phật Giáo cũng như dân gian đây là cơ hội cuối cùng trong một năm của tất cả các loài quỷ khổ, nếu túc duyên được mọi người cũng như người thân của các vong hồn làm điều phước thiện cũng như cúng kính cầu nguyện hồi hướng đến các hương hồn, thì vong hồn sẽ được Địa Tạng Vương Bồ Tát cứu độ, thoát khỏi địa ngục khổ, sanh về cảnh giới an lành.
Địa Tạng Bồ Tát tiếng Phạn là Ksitigarbaha, phiêm âm Tác Khất Xoa Để Bích Bà. Địa có nghĩa nơi chốn của Ngài hành đạo, Tạng có nghĩa là hàm chứa. Địa Tạng Bồ Tát là vị Bồ Tát có đại nguyện; “chừng nào độ hết chúng sanh thì mới nguyện thành Phật” được Đức Thích Tôn phó chúc cho trọng trách cứu độ chúng sanh trong khoảng thời gian Đức Phật Thích Ca nhập diệt cho đến khi Đức Phật Di Lặc ra đời.
Kinh Địa Tạng Phẩm Phân Thân Tập Hội Thứ 2, Đức Phật Thích Ca trước khi nhập Niết Bàn đã có lời phó chúc: “Địa Tạng ghi nhớ! Hôm nay Ta ở cung trời Đao Lợi, trong đại hội có tất cả chư Phật, Trời, Rồng, Bát bộ nhiều đến trăm ngàn muôn ức không thể nói, đem trời, người các chúng sanh chưa ra khỏi tam giới, còn ở trong nhà lửa giao phó cho ông. Ông chớ để các chúng sanh đó rơi vào đường ác cho dù trong một ngày đêm”.
Địa Tạng Bồ Tát là bậc Đại sĩ phát đại nguyện độ chúng sanh thọ khổ trong địa ngục của Phật Giáo. Nhân vì Ngài an nhẫn trong khổ đau để tìm ra phương tiện cứu độ hết thảy địa ngục thọ khổ chúng sanh, dù bao chướng duyên hay khó nhọc, Ngài không bao giờ có một niệm thối tâm và không có điều gì có thể lay chuyển nổi đại nguyện đại tâm của Ngài, vững vàn như đại địa cho nên được xưng danh là Địa Tạng. Trong Kinh Địa Tạng Thập Luân quyển nhất chép: “An nhẫn bất động giống như đại địa, tịnh lự thâm mật như mật tạng hàm chứa cho nên gọi là Địa Tạng”.
Thanh tịnh vô lượng, công đức trang nghiêm, hàm chứa hết thảy các pháp, đầy đủ các phương tiện độ sanh, khắp trong pháp giới, lớn như đại địa nhỏ như vi trần, không đâu mà không có hình tượng, công đức, thệ nguyện của Ngài, ẩn tàng hay hiển hiện, đều cụ túc thần lực và công đức đại nguyện độ sanh, cho nên xưng là Địa Tạng. Trong Kinh Đại Phương Quảng Thập Luân quyển nhất chép: “Đại Tạng là phục tàng, có nhĩa ẩn mật cất giử bảo tạng trong lòng đất”.
Mật Pháp Du Già xưng Địa Tạng Bồ Tát là “Bi Nguyện Kim Cang” hoặc là “Nguyện Kim Cang”, Vị Bồ Tát có nguyện lực cứng chắc như Kim Cang không có gì làm vỡ nổi. cho nên trong Hoa Tạng Lưỡng Giới. Kim Cang Giới Ngài là Tràng Bồ Tát trụ trong thế giới của Đức Phật Nam Phương Bảo Sanh Như Lai, còn trong Thai Tạng Giới, Ngài là một trong chín vị Bồ Tát trụ trong Địa Tạng Viện, xưng là Địa TạngTát Đỏa. Trong Luận Cứu Cánh Nhất Thừa Bảo Tánh dụ rằng: “điều cất giữ trong lòng đất dụ ý hiển hiện Như Lai Tạng”.
Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát, Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát. Đây là bốn vị đại Bồ Tát, tượng trưng cho trí tuệ, hạnh nguyện, bi nguyện và nguyện lực trong tinh thần nhập thế của Đại Thừa giáo hải.
Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát và Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát là hai vị Bồ Tát có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong đời sống cũng như văn hóa tinh thần của người Đông Phương, người Đông Phương khi còn sống gặp khổ nạn thì cầu mẹ hiền Quán Âm cứu khổ, khi mất rồi, thì trông cậy vào sự phổ độ của giáo chủ cõi U Minh Địa Tạng Từ Tôn, con người ngoài sống và chết ra đâu có gì to lớn hơn cũng như đáng để lo hơn.
Quán Thế Âm Bồ Tát vì cứu độ chúng sanh mà phải hóa hiện vô lượng vô số hóa thân để ứng duyên cứu độ. Địa Tạng Bồ Tát cũng vậy vì duyên trần cảnh khổ nên Ngài cũng không ngại “trục loại tùy hình, ứng hiện sắc thân”. Trong Kinh Chiêm Sát Thiện Ác Nghiệp Báo quyển thượng có chép: “Địa Tạng Bồ Tát do tâm đại bi phát đại nguyện lực trong thời quá khứ, cho nên Ngài hiện thân trời Đại Phạm Vương, hiện thân Đế Thích, hiện thân Thanh Văn, hiện thân Diêm La Vương, Ngài còn hiện thân Voi, Sư tử, Hổ, Báo, Trâu, Ngựa, cho đến hiện thân La Sát, Địa Ngục.v.v...vô lượng vô số các thân tướng khác nhau, để giáo hóa chúng sanh...”.
Tất cả chư tướng trang nghiêm tốt đẹp của chư Phật Bồ Tát đều do hạnh nguyện và bi tâm, cộng với công đức tu hành của quý Ngài mà hình thành. Do vậy Đức Địa Tạng Bồ Tát khi hành Đại Thừa nguyện giáo cũng như chư Phật tu tập các công đức để thành tựu phước tướng trang nghiêm, dùng phước tướng này làm hạnh duyên thứ nhất để nhiếp hóa chúng sanh, trong Kinh Địa Tạng có nói đến tiền thân của Ngài khi hành Bồ tát đạo, có kiếp Bồ tát là con một vị Trưởng giả, vì muốn được thân tướng trang nghiêm tốt đẹp như chư Phật mà phát thệ nguyện độ tất cả chúng sanh bị khổ nạn.
Hết thảy chư hạnh nguyện để thành Phật, hạnh hiếu là trên hết, nếu là một vị Phật của tương lai, là vị Bồ tát gần gũi chúng sanh nhất trong tất cả chư Bồ tát, nên lúc nào Bồ Tát Địa Tạng luôn nghĩ nhớ đến công ơn cha mẹ và tìm hết thảy nhân duyên thù thắng nhất để cứu độ cha mẹ báo đáp thâm ân, vì vậy mà Ngài là vị Bồ Tát trong nhiều kiếp quá khứ hành nguyện hiếu hạnh để thành tựu tất cả các công đức độ sanh trong cõi Ta Bà. Trong Kinh Địa Tạng cũng có đoạn chép về kiếp quá khứ của Ngài làm một cô gái dòng Bà la môn, có người mẹ bất tín Tam Bảo, không tin nhân quả, Ngài đã thành tâm cầu thỉnh Phật cứu độ thân mẫu.
Không ở trong địa vị nào hay thân phận nào mà Bồ Tát Địa Tạng lại quên đi đại nguyện độ sanh của mình, trong Kinh Địa Tạng có đoạn lại nói đến có kiếp Ngài làm vua một nước nhỏ kết bạn với vua nước lớn, hai vua thấy nhân dân làm ác mà phát thệ nguyện độ tận nỗi khổ chúng sanh.
Niềm tin vào công đức của Tam Bảo, Thần lực của chư Tăng luôn là phương pháp tối thắng để cứu độ chúng sanh, Địa Tạng Bồ Tát cũng như vậy Ngài luôn nhất tâm kính tin về điều ấy, cho nên khi còn hành Bồ Tát đạo Ngài luôn dùng phương pháp cúng dường Tam Bảo, nương nhờ thần lực của Phật, oai linh của chúng Tăng để cứu độ cha mẹ chúng sanh. Trong Kinh Địa Tạng chép: “Thuở quá khư khi Ngài làm cô gái Quang Mục, vì muốn cứu độ mẹ thoát địa ngục mà phát tâm cúng dường vị La hán và phát đại thệ nguyện độ sanh để dẫn dắt mẹ từ cảnh địa ngục vào đạo Bồ đề”.
Thế nên tự lực và tha lực luôn là điểm then chốt song song phải tu trì trong hành trình tu nhân thành Phật, và chính Địa Tạng Bồ Tát là người đã và đang hành trì, Ngài đã dùng chính sự tu trì của mình để chứng minh cho chúng ta thấy pháp môn “Bất Nhị” này. Phát thệ nguyện cứu khổ chúng sanh, ấy là tự lực, nương vào công đức thần lực Tam Bảo ấy là tha lực. Hiếu đạo là cốt lỏi của tâm tự lực, dùng tâm hiếu để phát khởi đại bi tâm, thương sót và rồi phát đại nguyện tâm, thệ độ tận pháp giới chúng sanh ấy là tha lực.
Đại Lễ Vu Lan chúng ta luôn nhắc về Đức Đại Hiếu Mục Kiền Liên Tôn Giả với duyên khởi, khi thấy mẹ đọa vào trong cảnh khổ địa ngục, Ngài cầu thỉnh Phật nói pháp Vu Lan Bồn, rồi tự thân sắm sửa trai diên cung thỉnh chư Đại đức Tăng trong mười phương sau ba tháng an cư kiết hạ, để nhờ thần lực của ngày Tự tứ, oai đức chú nguyện của chúng Tăng để cứu mẹ được giải thoát khỏi địa ngục khổ. Đây là pháp tu hiếu hạnh của Thanh Văn Thừa.
Pháp tu hạnh hiếu của Chư Phật và Đại Thừa Bồ Tát ngoài nương nhờ vào tha lực, cốt lõi đều phải dựa vào tự lực tu hành của mỗi tự thân, chính công đức của mình tu tập được mới thật sự là con đường giải thoát, mới cụ túc các duyên dấn thân vào cảnh khổ để hóa độ chúng sanh, thứ nữa vì hạnh tự lợi, lợi tha là thành Phật chi đạo của các bậc “Đại Thừa Hành Giả”, không có vị Bồ Tát nào mà không trãi qua tu tập pháp môn này, đồng thời có như vậy, mới thể nghiệm sâu sắc nỗi khổ của chúng sanh, liễu nghĩa phương pháp hóa độ, rồi từ cơ sở đó dõng mãnh phát đại thừa tâm, lập đại thệ nguyện.
Bồ tát Địa Tạng sơ phát nguyện độ sanh cũng vì hiếu hạnh muốn cứu độ cha mẹ thoát khỏi sự khổ đau, nhưng không dừng ở đó, Ngài lập thệ nguyện độ tận và giải trừ tất cả những nỗi khổ đau, chẳng những cho cha mẹ mình mà còn cho hết thảy chúng sanh. Tinh thần đó được ghi chép trong Kinh Địa Tạng qua bốn lần phát đại nguyện khi Ngài đang hành Bồ Tát Đạo, thì trong đó có đến hai lần Bồ tát vì hiếu hạnh cứu độ mẹ mình mà Ngài phát đại thệ nguyện độ tận hết thảy chúng sanh thì mới thành Phật quả.
Bồ Tát Địa Tạng thường theo nguyện lực của mình ứng hiện vào thế giới Ta bà bằng vô số hình tướng khác nhau để tùy duyên hóa độ. Tuy nhiên đa phần chúng ta biết đến Ngài qua hình ảnh một vị Tỳ Kheo thân tướng trang nghiêm, tay phải cầm tích trượng, tay trái cầm hạt minh châu, đầu trần hoặc đội mũ Tỳ lô, đứng trên hoa sen, hoặc ngồi trên con Đề thính, đây là hình tướng của hóa thân Đức Địa Tạng tại núi Cửu Hoa Sơn. Theo truyền thuyết cho rằng Ngài Kim Kiều Giác tu hành ở núi Cửu Hoa Sơn là hóa thân của Bồ Tát Địa Tạng, xuống trần gian để cứu độ chúng sanh. Đời Đường ngày 30 tháng 7, niên hiệu Khai Nguyên thứ 16, Kim Địa Tạng ở Cửu Hoa Sơn tu hành đắc đạo.
Hiện tướng Tỳ Kheo, trong hàm ý muốn độ tận chúng sanh điều trước tiên tự mình phải thoát khỏi sự ràng buộc của sanh tử, mà muốn như vậy quả vị A La Hán không thể không chứng đắc. Tay phải cầm tích trượng, trên đầu tích trượng có mười hai khoen tượng trưng cho Thập Nhị Nhân Duyên, tám khoen tượng trưng cho Bát Chánh Đạo, sáu khoen tượng trưng cho pháp Lục Độ, bốn khoen tượng trưng cho Tứ Thánh Đế. Nếu một vị hành Đại Thừa Bồ Tát mà thiếu một trong các pháp này thì khó có thể thành tựu đạo Bồ Đề. Tay trái Bồ tát cầm hạt minh châu biểu thị trí tuệ. Biểu thị Bồ tát ngoài tâm đại bi ra cần phải cụ túc trí tuệ, vì trí tuệ là ánh sáng quang minh nhất, đủ công đức và oai lực soi sáng tất cả khắp chốn u minh khiến cho chúng sanh hiện đang bị giam cầm trong ngục tối trông thấy ánh sáng trí tuệ đều được thoát khỏi khổ đau.
Đức Địa Tạng đội mão Tỳ lô, biểu thị Bồ tát thể nhập Pháp Giới Tạng Thân, thập phương cụ tướng, không nơi nào trong pháp giới mà không có hình tướng của Ngài, trong tất cả mười phương không nơi nào có chúng sanh khổ mà Ngài không đến. Mão Tỳ lô hay còn gọi là mão Ngũ Phật. Trong Kinh Chư Phật Cảnh Giới Nhiếp Chân Thật Quyển Trung chép: “Ngũ Phật Bảo Quan còn gọi là mão Ngũ Phật, mão Ngũ Trí, mão Ngũ Bảo Thiên Quan hay là Mão Quyền Đảnh Bảo Quan, đây là mão báu của Đức Đại Nhựt Như Lai, Bồ tát Kim Cang Tát Đỏa, Ngài Hư Không Tạng Bồ Tát đội trên đầu, trên chính giữa mão báu có để hình tượng Ngũ Phương Ngũ Phật dùng để biểu thị đức tướng của Ngũ Trí viên mãn”.
Bồ tát cỡi con Đề Thính, Đề Thính là con linh thú tương truyền rằng hồn của nó ở trong đất, là linh vật của U Minh Giới nên hiểu được Tâm chúng sinh, khi nằm mọp xuống đất trong giây lát thì biết rõ tất cả sự vật trong trời đất. Biểu trưng cho ý niệm “Nhơn Tâm sanh nhất niệm, Thiên Địa tất giai tri”. Khi lòng người khởi một niệm thì Trời Đất Quỷ Thần đều hay biết. Đây là chỉ cho Bồ Tát là vị đã nhiếp tâm thanh tịnh, an trụ trong chánh pháp, thành tựu cảnh giới thiền định, nhiếp phục được tâm mình không còn bị vọng tâm hay thú tánh vật dục làm cho phiền não. Cho nên, tâm của Ngài thông suốt vạn pháp. Bởi vì tất vạn pháp đều từ tâm sanh, tâm tịnh thì pháp tịnh, tâm nhiễm thì pháp nhiễm.
Bồ tát Địa Tạng ngồi trên lưng con Đề Thính thể hiện Căn Bản Trí của Ngài hiển bày cụ túc thanh tịnh. Nên có thể nghe được tất cả âm thanh khổ đau trong địa ngục mà phát tâm tế độ, đúng theo sự phó chúc của đức Phật trong kinh Địa Tạng: “Nếu có chúng sanh nào sắp đoạ địa ngục khi vừa đến cửa ngục có thể niệm một danh hiệu Phật hay Bồ tát, thời Ông nên dùng thần lực phá tan địa ngục ấy chớ để cho họ ở trong địa ngục một phút giây nào cả. Huống là để cho họ phải chịu khổ đau trong ngàn muôn ức kiếp?”.
Bồ tát Địa Tạng, vị Bồ Tát cứu độ của pháp giới chúng sinh trong diêm Phù Đề. Ngài đã đến với thế giới Ta bà ngũ trược ác thế này, trong một tâm nguyện là cứu độ tất cả chúng sanh đang lặn hụp đắm chìm trong biển khổ sanh tử, đến cảnh giới an lạc giải thoát. Chúng sanh ở cõi Ta bà này đầy dẫy những điều cang cường, nan điều nan phục mà khi nói đến ai cũng phải thối tâm, thế mà Bồ tát vẫn kiên trì không thối chuyển tâm nguyện độ sanh của mình, không bao giờ có ý niệm lìa bỏ.
Nguyện lực của Ngài thật là không có ngôn từ có thể diễn tả cho hết, hình tướng của Bồ Tát đâu đâu cũng cụ túc hàm ý cũng như bi nguyện, chúng con chỉ có thể dùng hai câu kệ trong bài tán phật để thể hiện tâm ý cũng như sự kính ngưỡng đối với ngài: “Xưng dương nhược tán thán, ức kiếp mạc năng tận”. Ngưỡng nguyện Bồ Tát thùy từ chứng giám.
Nam Mô Chúng Sanh Độ Tận Phương Chứng Bồ Đề, Địa Ngục Vị Không Thệ Bất Thành Phật, Đại Bi Đại Nguyện Đại Thánh Đại Từ Bổn Tôn Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.

Thích Tâm Mãn
(chuaminhthanh.com)
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved