Home » » Khảo về văn hiến Đại Việt qua trường hợp Hoàng đế Lê Thánh Tông

Khảo về văn hiến Đại Việt qua trường hợp Hoàng đế Lê Thánh Tông

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012 | 22:49

Khảo về văn hiến Đại Việt qua trường hợp Hoàng đế Lê Thánh Tông
Kỳ 3: Người củng cố ngôn ngữ văn tự và văn chương dân tộc
Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển
Trần Trọng Dương
Không chỉ thực hiện những chính sách ngôn ngữ văn tự phù hợp với bối cảnh lịch sử của đất nước và tình hình văn hóa của khu vực, điều đáng nói hơn là Lê Thánh Tông và các triều thần thi nhân của mình đã tiến hành thành công một cuộc cải cách về ngôn ngữ thơ ca thế kỷ XV.
Về văn tự
Từ thời Lý Trần cho đến thời Lê Thánh Tông, Đại Việt sở dĩ đã được coi là nước văn hiến bởi lẽ các triều đại này đã thực hiện những chính sách ngôn ngữ văn tự phù hợp với bối cảnh lịch sử của đất nước và tình hình văn hóa của khu vực.

Đến triều Lê Thánh Tông, Đại Việt vẫn sử dụng chính sách song ngữ (tiếng Hán và tiếng Việt) và tam văn tự (chữ Hán, chữ Sancrit và chữ Nôm). Tuy nhiên, có sự phân chia khả năng hành chức cho từng ngôn ngữ và các hệ thống chữ viết. Tiếng Hán (chữ Hán) được coi là ngôn ngữ của nhà nước, ngôn ngữ quan phương dùng cho việc quản lý hành chính (công văn giấy tờ), ngoại giao với khu vực, ghi chép lịch sử, văn học, tôn giáo và khoa cử. Tiếng Việt và chữ Nôm được coi là tiếng bản ngữ và văn tự bản sắc, dùng để giao tiếp thường nhật (kể cả khi thiết triều?)1. Đây đồng thời là công cụ giao tiếp giữa triều đình với các cấp quản lý phía dưới và với dân chúng. Và quan trọng nhất, nó là công cụ giao tiếp chính thức của toàn bộ cộng đồng cư dân Việt.

Tuy nhiên, xét ở khía cạnh kiến tạo văn hiến, Lê Thánh Tông có đóng góp lịch sử nhất định ở phương diện này. Ông là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử, đưa chữ Nôm và ngôn ngữ bản địa (tiếng Việt) vào sáng tác thơ ca cung đình. Tập thơ Nôm lớn nhất thế kỷ XV - Hồng Đức quốc âm thi tập (HĐQATT) có thể coi là một kho tàng về ngôn ngữ tiếng Việt cổ thế kỷ này. Tập thơ là những sáng tác thơ Đường luật của Lê Thánh Tông và triều thần với nội dung khá phong phú, gồm ba trăm hai mươi tám bài (328) với độ dài văn bản là 18368 lượt chữ (so với Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi có hai trăm năm tư (254) bài với độ dài văn bản là 14224 lượt chữ).

Cải cách ngôn ngữ dân tộc

Điều đáng nói hơn nữa là Lê Thánh Tông và các triều thần thi nhân của mình đã tiến hành thành công một cuộc cải cách về ngôn ngữ thơ ca thế kỷ XV. Nhiều người vẫn coi Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi là một đỉnh cao không thể vượt qua. Từ định kiến đó, một số ý kiến coi HĐQATT là một sự “giậm chân tại chỗ” hay là “vệt kéo dài” của ngôn ngữ thơ Nôm Nguyễn Trãi đầu thế kỷ XV. Chúng tôi cho rằng, quan niệm như vậy xuất phát từ mục đích nghiên cứu của giai đoạn đó: đề cao tuyệt đối thơ Nguyễn Trãi để làm nổi bật tính nhân dân, tính dân tộc của tác phẩm, hạ thấp thơ văn cung đình của triều thần vua tôi Lê Thánh Tông để phê phán những tệ lậu của chế độ phong kiến.

Thực tế, Lê Thánh Tông đã tạo ra một đỉnh cao khác về ngôn ngữ nghệ thuật vào thế kỷ XV. Đỉnh cao này đã được ông chuẩn bị một cách bài bản và học thuật2. Trong Hồng Đức quốc âm thi tập hàng loạt các thủ pháp tu từ mới đã được thiết lập.

Lần đầu tiên, lối ngôn ngữ thơ cảm giác được hiện thực hóa bằng cách sử dụng các từ láy thuần Việt. Các từ láy tập trung với mật độ dày đặc, để tạo nên những hiệu ứng đa chiều từ tất cả các giác quan:

Rỡ rỡ cửa vàng ngày Thuấn rạng
Làu làu phiến ngọc lịch Nghiêu phân
Cao vòi vọi ngôi hoàng cực
Khắp lâng lâng phúc thứ dân

(Nguyên đán)

Cũng lần đầu tiên các từ láy đi đôi với lối điệp từ để tạo sóng âm:

Mặt làu làu, vóc thỏ thanh thanh
Tròn tròn, méo méo in đòi thuở
Xuống xuống, lên lên suốt mấy canh
Tháng tháng liếc qua, lầu đỏ đỏ
Đêm đêm liền tới, trướng xanh xanh

Theo thống kê của Vương Lộc, số lượng từ láy trong HĐQATT lên đến ba trăm bảy mươi lăm (375) đơn vị3, ví dụ như: chạnh chạnh, cạy cạy, chấp chảnh, chắm chắm, êu ếu, dặng dặng, kềnh kềnh, lam am, lom om, năm nắm, nghể ngái, tha la, xun xoăn, lởm thởm,… Kỹ thuật này sau đó đã trở thành một thủ pháp quen thuộc rất hay được các chúa Trịnh sử dụng trong các tập thơ Nôm Ngự đề Thiên hòa doanh bách vịnh, Lê triều ngự chế quốc âm thi, Kiền nguyên ngự chế thi tập. Truyện Kiều cũng không ít lần sử dụng biện pháp tu từ học này, ví dụ như: trông vời bạt lệ phân tay, góc trời thăm thẳm, ngày ngày đăm đăm…

Lê Thánh Tông cũng là người đầu tiên đưa ngôn ngữ dân gian vào hoạt động sáng tạo nghệ thuật cung đình. Thực ra, dùng các ngữ liệu của văn học dân gian vào việc sáng tác thơ Đường luật đã bắt đầu thấy từ Nguyễn Trãi. Nhưng thơ Nguyễn Trãi là thơ ở ẩn; dân dã cũng là có lý do khách quan và chủ quan riêng của nó. Còn thơ trong HDQATT thì cái dân dã ấy, cái dân gian ấy lại bắt nguồn từ ý định nghệ thuật chủ quan. Đáng nói hơn, đó là nhận thức của một vị vua “sùng Nho chuộng Chữ” như Lê Thánh Tông. Nhận thức ấy của ông đã truyền sang cho cả các Nho thần tài hoa của mình, ví dụ những câu như: mướp đắng khen ai đổi mạt cưa, hay chớ chơi chống bỏi trẻ xem khinh, hay Kìa ai vẽ rắn sự còn gương.

Không những thế, Lê Thánh Tông và các hiền thần của mình còn ý thức một cách sâu sắc về việc tận dụng từ vựng thuần Việt và hạn chế một cách tối đa các từ Hán Việt trong thơ của mình. Theo thống kê của Bùi Duy Tân, từ thuần Việt trong HĐQATT chiếm hơn 70% (khoảng 2400 từ), từ Hán Việt chiếm 30% (khoảng 1000 từ)4. Số liệu này càng có ý nghĩa khi chúng ta biết trong tiếng Việt hiện đại, từ vựng gốc Hán chiếm đến 70% đến 80%. Ví dụ:

Sông trăng lạt vẻ sao thưa,
Gác cũ, rêu đầy, lấp dấu thơ.
Mưa tạnh, hoa sầu, chiều lạt mạt,
Xuân về, én thảm, tiếng u ơ.
Đêm tàn, ruột thắt, hồn xơ xác.
Gối chiếc, châu đằm, giấc ngẩn ngơ.
Lá thắm, thơ bài, mong bắt chước,
Nước xuôi, thơ ngược, biết bao giờ…?

(Hoài viễn bài 16)

Bài thơ không có một từ Hán Việt song tiết nào, chỉ có 12 từ Hán đã gia nhập khá sâu vào tiếng Việt như: hoa, xuân, tạnh,chiếc, sầu, châu, hồn, mong, thảm, én, gác, thơ. Về mặt phong cách học, đây rõ ràng là một kỹ pháp khác hẳn so với đời sau, như trường hợp thơ Bà Huyện Thanh Quan với lối thơ đài các mà xa xăm kiểu “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, nền cũ lâu đài bóng tịch dương”. Lần đầu tiên, kỹ xảo âm thanh được sử dụng như một phương pháp tạo nghĩa, tạo cảm giác. Cũng là lần đầu tiên, một tác giả viết tiếng Việt đã “hình dung khởi điểm về điều rằng tổ chức âm thanh là có nghĩa”5 và ý thức về “những lặp lại về nhịp điệu”6. Các kỹ thuật này tân kỳ đến mức, nói như Vương Lộc, “nếu lấy ra khỏi tập thơ, khó có thể nghĩ rằng nó đã được viết ra cách đây năm thế kỷ”7. Đến đây, người viết đột nhiên nhớ đến những câu kiểu như Thơ mới của Phạm Thái: “buồn đốt lò vàng hương nhạt khói, sầu nâng chén ngọc rượu không hơi” (thơ tế Trương Quỳnh Như). Nhưng cái ấn tượng về cách chơi chữ “nước xuôi> < thơ ngược” quả cũng khiến người đọc giật mình.

Lần đầu tiên, thơ Nôm Việt xuất hiện lối tư duy ngôn ngữ nghệ thuật theo hệ hình. Nhà thơ đã tổ chức bài thơ bằng cách thiết lập các phương trình đồng đẳng, để tạo nên những biểu tượng thơ đa chiều8:

Chín vạc đặt yên bằng núi
Ai rằng sự chẳng đến muôn dân

(Ông đầu rau)

Ba ông đầu rau (một vật rất đỗi dân gian) là đồ dùng để đặt nồi nấu nướng. Từ đó, Lê Thánh Tông đã đặt ra các hệ phương trình bất ngờ:

Ông đầu rau (dùng để đặt nồi) = ba chân vạc (của đỉnh, vạc)
Muôn dân (nhờ đó mà nấu nướng) = trăm họ được nhờ

Mặt khác, tác giả cũng đã sử dụng lại một hệ phương trình biểu tượng song trùng khác trong truyền thống mỹ học của Nho gia:

Chín vạc = biểu tượng truyền quốc = tượng trưng cho giang sơn đất nước
Nấu canh (trong vạc) = điều canh = chăn dân, vỗ trị quốc gia

Và phương trình bất ngờ nhất, thú vị nhất là:

ông đầu rau = người ở dưới khuông phò bách tính và xã tắc = Thừa tướng.

Nói như Nguyễn Phan Cảnh, thì Lê Thánh Tông ở đây đã thực hiện thao tác cơ bản nhất của hoạt động sáng tạo nghệ thuật: “tùy theo nội dung của tiêu chí lựa chọn để lập phương trình”9. Theo chúng tôi, đây là một trong những kỹ xảo thơ phức tạp nhất trong kho tàng văn học cổ của dân tộc. Biểu tượng ông đầu rau có lẽ cũng là hình tượng thơ độc đáo trong lịch sữ mỹ học Nho giáo. Điều đáng nói hơn nữa là lối tư duy ngôn ngữ này đã được Lê Thánh Tông sử dụng một cách triệt để, từ đó ông sáng tạo ra một thể loại mới. Đó là lối thơ vịnh vật- khẩu khí với hàng loạt các hệ hình như: thằng bù nhìn- tướng soái, con cóc- ông vua, quả dưa- hiền thần, đám khoai- gia tộc,…

Có thể nói, những đóng góp trên của Lê Thánh Tông về mặt ngôn ngữ dân tộc, cụ thể là ngôn ngữ nghệ thuật là không thể phủ nhận. Không những thế, những đóng góp ấy còn thể hiện ở một số mặt khác về mảng Hán văn Việt Nam trung đại, như bài viết sẽ bàn dưới đây.

Thiết lập khuynh hướng văn học Nho gia quan phương

Văn học Nho gia đã bắt đầu khởi phát từ đời các triều đại trước đó, và rõ nét nhất là trong thơ của một số tác gia cuối đời Trần. Thế nhưng thơ Trần Nguyên Đán, Nguyễn Phi Khanh có hơi hướng xuất thế của người đi ở ẩn. Phải đến Lê Thánh Tông, xu hướng văn học Nho gia theo dòng chính thống mới thực sự xuất hiện, bởi cũng lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, vị chủ tao đàn nguyên soái lại chính là một hoàng đế thánh vương. Văn chương là một nhu cầu của đạo đức. Nghệ thuật là một cách để giáo hóa. Làm thơ là một hành vi chính trị. Nhà thơ Hoàng đế cũng là Nguyên soái của Tao đàn mà “các hội viên” không ai khác chính là đám Nho thần tài năng. Mục đích của thơ ca là hướng đến một trạng thái bình hòa của ổn định chính trị theo mẫu hình Đường Ngu Nghiêu Thuấn. Vua tôi cùng xướng họa để làm một cuộc hòa tấu bất tận về một nền đức trị lý tưởng. Niềm cảm hứng thơ ca đồng nhất với cảm hứng đạo đức. Đạo đức- thơ ca cùng vận hành với nhịp vận hành của vũ trụ và thời đại. Nói như John K. Whitmore, “giai đoạn này đã tạo ra nét riêng cho ba thập kỷ tiếp theo: vua ham văn chương, các nhà Nho trẻ tài giỏi; thơ ca và đạo Khổng.”10

Cái cộng cảm ấy là một thứ tình cảm đạo đức mà thời nay khó có thể tưởng tượng được. Niềm vui ngây ngất trong Quỳnh uyển cửu ca không hẳn là vì hai năm được mùa liên tiếp, mà bởi bản chất của hiện tượng: mùa màng bội thu là một phong vũ biểu “lấy vũ trụ để xác định chuẩn mực đạo đức.”11 Cho nên, Hồng Đức (đức cực lớn)- niên hiệu thứ hai ông dùng cho thời đại cai trị của mình, chính là một biểu hiện về bản chất của thể chế Nho giáo thời bấy giờ. Trong bài Quân minh thần lương, ông viết dâng lên Thái Tổ Cao Hoàng Đế rằng:

孝孫洪德承丕緒,
八百姬周樂治平。

Hiếu tôn hồng đức thừa phi tự
Bát bách Cơ Chu lạc trị bình


(cháu hiếu hồng đức nối cơ đồ lớn
Sẽ vui với cảnh trị bình như tám trăm năm nhà Chu)

Thực chất, Lê Thánh Tông muốn nói rằng: ông đang được thừa hưởng cái đức lớn của tổ tông để lại (đức ấm). Hành động “tự tu, tự tỉnh” của cá nhân được chuyển đổi thành “đạo đức tông tộc.” Công lao cá nhân khởi nguồn từ công nghiệp của tổ tiên.

Hơn thế nữa, “thiên đức” đã nhất thể hóa với “tổ tông chi đức”, để trở thành một thực thể siêu hình tối thượng đang hiện thực hóa qua hành động “thay trời hành đạo” của bậc thiên tử. Cho nên, Thân Nhân Trung có lần mới họa lại rằng:

格天帝德妙全能
協應休徵百榖登

Cách thiên đế đức diệu toàn năng
Hiệp ứng hưu trưng bách cốc đăng


(tiếp được với trời, đức của nhà vua mới diệu kỳ toàn năng
Phúc lành ứng hợp, tỏ rõ ra ở việc mùa màng bội thu)

Trời cảm ứng với đức của người cầm quyền sẽ tạo ra những điềm lành (hưu trưng). Nhà vua là người “thông linh” bằng những nghi lễ cúng tế thần, đó là các nghi lễ “báo cáo đạo đức” chứ không phải là “báo cáo chính trị”. Lần đầu tiên trong lịch sử Đại Việt, thơ ca- đạo đức- chính trị hòa làm một. Cảm hứng nghệ thuật- xúc cảm đạo đức thiêng liêng và ý thức trách nhiệm chính trị đã nhất thể hóa một cách tuyệt đối

Lê Thánh Tông đã gây dựng nên cả một triều đại thi ca. Các Nho thần văn sĩ trẻ trong triều đều do chính tay ông tuyển chọn. Vua cùng các hoàng tử và các quan trong Hàn lâm viện và Đông các nhiều lần xướng họa. Con số các tác giả trong triều của ông còn lại tác phẩm đến nay cỡ khoảng 70 người, số lượng nhiều hơn hẳn các văn thần trong Tao đàn nhị thập bát tú. Lần đầu tiên trong lịch sử, vua tôi đã có sự cộng cảm và tiến hành các sáng tác tập thể.

Trong bài tựa Quỳnh uyển cửu ca (năm 1494), chính nhà vua đã viết: “ta nhân lúc muôn việc được rỗi, nửa ngày được nhàn, thường xem các sách, vui thích lục nghệ, mọi sự huyên náo lắng xuống, một ngọn đèn sáng thơm tho, thị dục ít, tinh thần trong sáng, ở yên hứng cao, mới phấn khởi nghĩ đến khuôn phép lớn của thánh đế minh vương, lòng cẩn thận của trung thần lương bật. Gọi chàng “giấy”, họ “bút”, thượng khách “mực”, trọng thần “nghiên đá”, bảo đi bảo lại rằng: chân tình ta phát triển ra, có anh khí dào dạt, thành cách ngôn hay. Các ngươi có thể ghi chép giúp ta được không?” Đây có thể coi là những lời tự sự chân thành hay một nét chân dung tạ họa của ông ở cạnh khía này.

Sáng tạo thể tài thơ Nôm vịnh sử dân tộc là một đóng góp nữa ở mặt văn chương của Lê
Thánh Tông. Vịnh sử là một thể thơ chức năng của Nho giáo nhằm nêu lên những bài học của tiền nhân và khuyến giới cho người hành đạo, học hỏi quá khứ để áp dụng cho thực tiễn hiện tại. Từ trước Lê Thánh Tông, thơ vịnh sử chỉ nằm gọn trong giới hạn của thơ chữ Hán. Tập thơ Cổ tâm bách vịnh của Lê Thánh Tông- tập thơ vịnh Bắc sử cũng nằm trong lối đi cũ như vậy. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, Lê Thánh Tông cùng quần thần đã tạo nên một bước phát triển mới. Cái mới và cũng là đóng góp của Lê Thánh Tông đối với văn học và văn hiến Đại Việt được thể hiện ở hai mặt: (1) đưa thể tài vịnh sử vào việc sáng tác thơ Nôm, (2) chú trọng vịnh các nhân vật lịch sử của Đại Việt. Đúng như Bùi Duy Tân đã phát hiện “chỉ đến thời Lê Thánh Tông mới xuất hiện lối thơ vịnh Nam sử và viết bằng chữ Nôm. Lê Thánh Tông là người đầu tiên dùng chữ Nôm vịnh nhân vật lịch sử dân tộc, mở đường cho sự xuất hiện một lối thơ rất độc đáo và rất phong phú về cảm hứng dân tộc, cảm hứng nhân văn trong văn học trung đại Việt Nam”12 . Đây có thể coi là sự dung hội hợp lý giữa quan niệm thẩm mỹ Nho gia với mục đích phát triển của dân tộc. Bài học lịch sử và bài học đạo đức không gì hùng hồn hơn, thiết thực hơn bằng cách chiêm nghiệm qua chính các nhân vật lịch sử của đất nước mình.


Như trên đã nói, chức năng của thơ vịnh sử là nêu lên những bài học theo tiêu chuẩn của Nho gia. Đó có thể là bài học về khí tiết, về đạo đức, về phẩm hạnh, về tài năng, về sự nghiệp trị bình. Thơ Nôm Lê Thánh Tông còn có đóng góp nữa, đó là “thể hiện cảm hứng lịch sử qua việc đề cao nhân cách văn hóa của danh nhân đất Việt.”13 Hơn thế nữa, ông còn vịnh cả... bề tôi của mình. Đây cũng là hiện tượng ít thấy trong lịch sử Nho giáo cũng như văn học dân tộc. Bài vịnh về trạng nguyên Nguyễn Trực có thể coi là “một kiểu vinh danh rất mới” của ông:

Nối dòng thi lễ nhà truyền báu
Tranh giải khôi nguyên bảng chói vàng

Còn đối với trạng nguyên Lương Thế Vinh, ông đã có những câu thơ “huyền thoại hóa” vị hiền thần của mình:

Chiếu thư thượng đế xuống đêm qua
Gióng khách tiên đành kíp tới nhà
Cẩm tú mấy hàng về động ngọc
Thánh hiền ba chén ước hồn hoa
Khí thiêng đã lại thu sơn nhạc
Danh lạ còn truyền để quốc gia
Khuất ngón tay than tài cái thế
Lấy ai làm trạng nước Nam ta


Có thể nói, ở khía cạnh văn học sử, Lê Thánh Tông đã mở rộng nguyên mẫu của thể tài thơ vịnh sử. Ở khía cạnh ngôn ngữ, ông đã mở rộng biên độ chức năng của thơ Nôm, hơn nữa là của tiếng Việt. Thơ Nôm Lê Thánh Tông là “sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố Nho giáo tích cực và tinh thần dân tộc tự chủ về mặt văn hóa”14. Đó là những đóng góp không thể phủ nhận được.

Thơ Nôm đề vịnh phong cảnh Đại Việt

Đầu thế kỷ XV, thơ Nôm Nguyễn Trãi chủ yếu là lối thơ trữ tình, với những biểu trưng ước lệ của Nho giáo, với trúc quân tử, tùng đống lương, mai ẩn dật, lan giấu hương. Lê Thánh Tông là người đã “giải truyền thống” lối diễn đạt ấy bằng cách đưa những vấn đề của bản địa vào thơ. Thơ ông tràn ngập các địa danh của đất nước Đại Việt. Không những thế ông tỏ ra có một ý thức rõ rệt về vấn đề cương vực địa lý, về “Nam quốc”, “Nam thiên”. Có thể nói như Yves Lacoste, đằng sau những bài thơ vịnh phong cảnh là cả “một tầm vóc lịch sử”15.

Kinh lịch khắp các nơi trên lãnh thổ của mình, Thiên Nam động chủ là người có nhiều cảm xúc hơn cả, và có nhiều ý thức về lãnh thổ quốc gia về hơn ai hết. Kia sông Bạch Đằng, nọ núi Song ngư, đó cửa Thần Phù, nữa chùa Trấn Quốc. Nhìn ngắm giang sơn, nhà thơ vẫn đọc trong đó những bài học lịch sử và niềm tự hào về chiến công hiển hách của cha ông:

Leo lẻo doành xanh nước tựa dầu
Trăm ngòi ngàn lạch chảy về chầu
Rửa không thảy thảy thằng Ngô dại
Dịa mọi lâng lâng khách Việt hầu
Nọ đỉnh Thái Sơn rạnh rạnh đó
Nào hồn Ô Mã lạc loài đâu

Bốn phương phẳng lặng kình bằng thóc
Thong thả dầu ta bủa lưới câu (Bạch Đằng giang)


Đôi câu thơ kết của bài thơ là một cái lạ. Tự hào về đất nước với tư cách là vị quân chủ mà không chút kiêu căng, cái tư thế thanh thản buông câu trên dòng sông chiến địa có phần nào mang dáng dấp của một thi nhân minh triết.

Thơ Nôm khẩu khí

Như trên đã đề cập đến thơ Nôm khẩu khí từ góc độ của ngôn ngữ hệ hình. Ở đây, chúng ta còn thấy loại thơ này còn là một đóng góp của Lê Thánh Tông về mặt giọng thơ. Giọng thơ là điều hiếm thấy trong bối cảnh văn hóa trung đại, khi quan niệm mỹ học thời này là việc “giả giọng truyền thống” với các định hướng sáng tác là “nghĩ cổ, tập cổ, hoài cổ”. Loại thơ này hầu che lấp con người cá nhân của chủ thể sáng tạo. Thế nhưng, giọng thơ của Lê Thánh Tông nổi lên như một hiện tượng độc đặc, đến mức nó là một trong những tiêu chí quan trọng nhất để phân biệt nhà thơ này với các tác giả khác trong tập Hồng Đức quốc âm thi tập, đó là chất giọng đế vương, mà trước đến nay người ta vẫn thường định danh bằng cụm từ “thơ khẩu khí”16.

Thơ khẩu khí của Lê Thánh Tông lấy những vật tầm thường, nhỏ mọn làm đối tượng chính, từ những đồ gia dụng như bếp, cái rế, quạt, ấm đất, bù nhìn cho đến những con vật bình thường như gà, chó, kiến, cóc, rận, muỗi... Thấp thoáng sau những ẩn dụ là chất hóm hỉnh, hài hước, vừa thông minh dí dỏm nhưng cũng hết sức ý vị. Những vật bình dị thế kia nhưng khi qua ngòi bút của ông bỗng biến thành những nhân vật có tài ích đối với triều đình, xã tắc.

Mở đường Truyện thơ Nôm Đường luật


Truyện thơ Nôm là một sản phẩm độc đáo của văn hóa Việt Nam. Trước nay, phần đa công chúng chỉ biết đến các tác phẩm truyện thơ Nôm viết theo thể lục bát hay song thất lục bát được sáng tác khá muộn, quãng từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX. Thế nhưng trong Hồng Đức quốc âm thi tập có đến hai truyện thơ Nôm viết theo thể thơ Đường luật. Cấu trúc của mỗi truyện gồm nhiều bài thơ ghép lại với nhau theo trình tự tuyến tính thời gian của chuyện kể. Chuyện thứ nhất là Lưu Nguyễn gặp tiên với các tình tiết: hai chàng vào núi, gặp tiên nữ, tống biệt, và quay lại nũi cũ tìm người tiên. Chuyện thứ hai là chuyện Chiêu Quân cống Hồ (gồm 49 bài thơ Nôm Đường luật) với các tình tiết: nhà vua lên ngôi, xã tắc thái bình, vua cầu tôi hiền, vua kén cung nữ, Chiêu Quân nhập cung, Chiêu Quân được sủng ái, Chiêu Quân bị thất sủng, Chúa Hung Nô cầu hôn, Chiêu Quân bị cống sang Hồ, Chiêu Quân từ biệt vua và song thân, Chiêu Quân ở đất khách, oán trách quân vương, và tự tử. Về cấu trúc vĩ mô thì cả hai đều là các câu truyện có mở đầu và kết thúc trọn vẹn. Tuy nhiên, mỗi một khúc đoạn được thể hiện bằng một bài thơ Đường luật đồng thời cũng là một bài thơ độc lập, mang tính trữ tình. Vì vậy, đặc điểm lớn nhất của chúng là tính trữ tình- tự sự. Tự sự là cái cớ để tác giả thể hiện cái tình cảm của mình vào đó. Hơn hết lối kể chuyện với nhân vật thứ ba- người kể, đã khiến cho tác phẩm giầu sức cuốn hút hơn. Đây có thể coi là một sáng tạo nữa của Hồng Đức quốc âm thi tập.

Tạm thời, có thể đi đến nhận định rằng đây là hai truyện thơ Nôm Đường luật sớm nhất trong lịch sử17 mà đến nay còn lưu giữ được18. Dù rằng, đó có thể là sáng tác tập thể chứ không phải của Lê Thánh Tông. Đây là những sự kiện có ý nghĩa sâu sắc, rằng: 1.truyện thơ Nôm Đường luật là lối truyện thơ cổ xuất hiện trước, và có thể là tiền thân của các truyện thơ Nôm lục bát ở các thế kỷ sau. 2.truyện thơ Nôm là sản phẩm của các Nho sĩ bác học, xuất phát từ cung đình19.

Lê Thánh Tông với văn nôm biền ngẫu


Thập giới cô hồn quốc ngữ văn là bài văn tế Nôm được chép trong bộ Thiên Nam dư hạ tập do chính Lê Thánh Tông và các triều thần biên soạn. Tác phẩm gồm mười một đoạn, đoạn mở đầu và mười đoạn răn mười loại cô hồn: thiền tăng, đạo sĩ, quan liêu, nho sĩ, thầy thiên văn địa lý, lương y, tướng quân, hoa nương, thương cổ (lái buôn), đãng tử (kẻ lang thang). Tác phẩm viết theo lối văn biền ngẫu. Mười đoạn sau đều kết thúc bằng một bài kệ theo thể thất ngôn bát cú, đôi chỗ pha lục ngôn. Toàn bài văn tế xấp xỉ bốn trăm câu văn, câu thơ. Cùng với bài thệ văn của Lê Lợi, đây có thể coi là hai áng văn Nôm cổ còn lại của thế kỷ XV.

Mặt mũi vẻ vang,
Chân tay rún rẩy.
Sắm của ăn, lo của mặc;
Săn mớ thuốc, sắp mớ rau.
Khoét móng chân, vẹn mẽ đồng tiền;
Nhổ lông mũi, bương đầu cái nhíp...
Để trễ việc cửa việc nhà;
Lo lắng đánh đàn đánh đúm.
Thăm tìm quán khách, chơi bời dại nguyệt dại hoa;
Đủng đỉnh cầu đình, lơ lửng đứng đường đứng sá...
Hỡi ôi!
Sống bởi chưng ở nết ỡm ờ,
Thác cho phải nên thân đói khát...


Văn tế là thể loại giao thoa giữa Phật giáo với quan niệm tín ngưỡng của người Việt. Văn tế cô hồn có xuất phát từ văn hóa Phật giáo. Bùi Duy Tân cho rằng bài này đã dựa vào khoa Mông sơn thí thực - một loại văn “thỉnh âm hồn” thường dùng trong tết trung nguyên, dùng để cúng các cô hồn20. Dân gian có câu: tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân. Một số nhà nghiên cứu coi đây chỉ là một bài văn để giáo huấn theo tư tưởng chính thống chứ không phải là mục đích nhân đạo theo tinh thần tư bi bác ái của Phật giáo. Song, chúng tôi cho rằng không hẳn như vậy. Đây có lẽ là bài văn tế được soạn ra nhân dịp tiết trung nguyên để tuyên đọc trong một đại lễ cúng cô hồn của triều đình. Điều này chứng tỏ rằng, Lê Thánh Tông chỉ bài Phật trên phương diện mô hình nhà nước và quản lý xã hội. Tức là ngay ở thời kỳ thịnh trị nhất của Nho gia- thời được coi “độc tôn Nho thuật”, Phật giáo vẫn tồn tại với những chức năng cứu rỗi tâm linh ngay trong tầng lớp phía trên của xã hội. Nhập triều vẫn là Nho. Nhưng trong các mối quan hệ khác, các tôn giáo “khác mối” (dị đoan) vẫn hành chức như thường. Điều này có thể thấy rõ qua những ghi chép về Lê Thánh Tông qua Đại Việt sử ký toàn thư, ông cùng từng có quan hệ với giới tăng lữ và đạo lưu và viết khá nhiều thơ văn cầu đảo.

Tuy nhiên, điểm đặc biệt đáng nói đến của bài văn tế chính là hơi hướng Nho giáo của nó. Người chủ đàn tế chính là đương kim hoàng thượng. Cúng cô hồn là cúng xá tội vong linh. Nhưng các vong linh ấy vẫn là bề tôi, là thần dân của ông. Cho nên, bài văn tế ngoài chức năng cứu rỗi siêu thoát, còn mang tính chất giáo giới, khuyến trừng. Lê Thánh Tông đã mượn lời răn cô hồn để giáo huấn người sống21, mượn Phật lễ để nói về lễ nhà Nho:
Mừng hội công danh;

Đua tài văn võ.
Chĩnh chện áo dài đai rộng;
Nghênh ngang đòng cả mác dài...
Vào thì làm rường làm cột, khỏe chống miếu đường;
Ra thì nên ải nên thành, bền che phiên chấn...

(
Giới quan liêu)

Qua bài văn, tác giả đã phần nào phác ra được những hiện thực của xã hội thế kỷ XV. Đó là “sứ điệp văn nghệ lời Việt” (chữ của Thanh Lãng)22. Bài Thập giới cô hồn quốc ngữ văn là áng văn tế cổ nhất, là đóng góp nữa của Lê Thánh Tông về mặt thể loại23.

Thánh tông di thảo - tập truyện truyền kỳ đầu tiên của văn học trung đại

Thánh Tông di thảo là tập truyện do Lê Thánh Tông sáng tác, được người đời sau tập hợp và chép lại. Cuối mỗi truyện đều có lời bàn của Sơn Nam Thúc. Tập truyện này gồm có mười chín truyện ngắn và một truyện phụ lục. Tập truyện này lấy những dữ kiện lịch sử xã hội thời chống Minh và thời Lê Thánh Tông, ngoài ra còn tiếp thu những truyện dân gian. Về mặt loại hình, thì tập truyện bao gồm các thể loại truyền kỳ, truyện kỳ ảo, truyện ngụ ngôn và tạp ký. Tập truyện này được đánh giá là “bước tiến rõ rệt của văn tự sự truyện ký từ chỗ nặng về ghi chép sự tích cũ đến chỗ hư cấu, phóng tác những truyện mới.” 24

Văn xuôi trung đại Việt Nam trước Thánh Tông di thảo có ba tác phẩm. Việt điện u linh là tập thần tích với bút pháp thần thoại. Thiền uyển tập anh chỉ là những ký chép về hành trạng các thiền sư, phả hệ các dòng thiền, Có thể coi đây là hai tác phẩm thiền phả, ít nhiều có tính chất văn học. Tác phẩm thứ hai là Lĩnh Nam chích quái của Vũ Quỳnh thì đơn thuần là sưu tập truyện dân gian. Việt điện u linh và Lĩnh Nam chích quái là hai tác phẩm thuộc thể loại chí quái. Phải đến Thánh Tông di thảo mới có những “bước đột khởi của thể loại”25 (chữ của Vũ Thanh).

Thoát khỏi folklore và sử ký, Thánh Tông di thảo lần đầu tiên chạm đến ngưỡng của sự sáng tạo bằng các thủ pháp nghệ thuật. Lần đầu tiên, truyện ngắn trung đại xuất hiện nhân vật thứ ba. Đó là tác giả- người kể chuyện. Người kể chuyện tham gia vào cấu trúc của tác phẩm với tâm trạng trữ tình: “ta ở địa vị Đông cung là bậc quý, sau này lên ngôi nam diện là bậc tôn, cả thiên hạ cung phụng một người, giàu sang còn gì bằng nữa? Tại sao chỉ nửa thuyền trăng tỏ, khúc địch véo von đã làm cho ta thay đổi, coi thường mọi vị trân cam không bằng một bầu mây nước. Nỗi lòng này do từ đâu?” (Gặp tiên ở hồ Lãng Bạc). Và đây đó trong chuyện xuất hiện những đoạn miêu tả tâm lý nhân vật. Đây là “tiền đề cho những truyện ngắn tâm lý”26 của Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ vào thế kỷ XVI. Xuyên suốt toàn bộ tập truyện còn là những tình tiết hư cấu của tác giả trên cơ sở của truyền thuyết và truyện dân gian. Năng lực hư cấu của tác giả đồng thời cũng loại bỏ các thủ pháp truyền thống của văn xuôi lịch sử (sử ký). Các dữ kiện lịch sử có thật đã được tác giả “tiêu hóa” nhằm hướng đến một tác phẩm nghệ thuật thuần túy, điều này chứng tỏ truyện ngắn của Lê Thánh Tông đã “tách rời khỏi thế bất phân với sử học và triết học.”27 Thêm nữa, tác giả cũng đã sử dụng các yếu tố kỳ ảo như là một thủ pháp kỹ thuật nhằm tạo sự lôi cuốn cho chuyện kể, nhiều tình tiết đan xen như mơ như thực, như mộng như đời.

Những chuyện kể còn được mở rộng về mặt đối tượng phản ánh. Lần đầu tiên những hạng người rất bình thường (chứ không chỉ là thần, thánh, thiền sư....) trở thành nhân vật chính của tác phẩm. Nói như Vũ Thanh, “sự đa dạng của đề tài được phản ánh, sự xuất hiện của những màu sắc mỹ học mới mẻ, việc hướng tới bản sắc nghệ thuật của thể loại, cũng như việc quan tâm đến cuộc sống, đến con người trong một ngòi bút đã bắt đầu tạo được những nét riêng biệt quý giá đã xác định vị trí quan trọng của Thánh Tông di thảo trong tiến trình phát triển của truyện ngắn Việt Nam trung cổ.”28

---
1. Chúng tôi cho rằng, có khả năng, tiếng Hán (văn ngôn) chỉ được dùng cho các văn bản. Còn khi thảo luận, thì tiếng Việt đã được dùng trong các buổi chầu với tư cách là một ngôn ngữ sống động.

2. Chứng cớ là ông đã ra lệnh sưu tầm thơ Nôm Nguyễn Trãi (cũng như các tác phẩm khác). Đọc Nguyễn Trãi nằm lòng đến mức ông đã phải thốt lên rằng: “Ức Trai tâm thượng quang Khuê- Tảo”.

3. Vương Lộc. (tb2007). Một vài nhận xét bước đầu về ngôn ngữ trong Hồng Đức quốc âm thi tập. trong “Lê Thánh Tông- về tác gia và tác phẩm”. Nxb Giáo Dục. H. tr.656.

Theo Nguyễn Phạm Hùng thì số lượng từ láy lớn hơn, 552 từ, chiếm 21,36% mẫu khảo sát (2584 lượt chữ). Xem “Lê Thánh Tông- về tác gia và tác phẩm”. Nxb Giáo Dục. H. tr.644-645.

4. Bùi Duy Tân. 1983. Hồng Đức quốc âm thi tập- một tác phẩm lớn của văn học tiếng Việt thế kỷ XV. Tạp chí văn học. số 3 năm 1983. tb2007. trong “Lê Thánh Tông- về tác gia và tác phẩm”. Nxb Giáo dục. tr.590.

Cũng trong bài viết này, tác giả cung cấp một số số liệu khác thú vị. “Nếu so sánh tỷ lệ số lượt từ xuất hiện, tức độ dài văn bản và số lượng của các từ khác nhau, thì ở Hồng Đức quốc âm thi tập là 15242/3383= 4.5, ở Quốc âm thi tập là 11057/2235= 4.9. Cách sử dụng kho từ vốn có của các tác giả Hồng Đức quốc âm thi tập phong phú hơn đổi mới hơn Nguyễn Trãi trong Quốc âm thi tập.

5. IU.M.Lotman. 2004. Cấu trúc văn bản nghệ thuật. Trần Ngọc Vương, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Thu Thủy dịch. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. tr.200.

6. IU.M.Lotman. 2004. sdd. Tr.209-219.

7. Vương Lộc. bdd. Tr.660.

8. Như cách nói của Đỗ Lai Thúy là “biểu tượng lấp lửng hai mặt (ambivalence)… Thế giới đồ vật cũng là xã hội con người.” [xem Đỗ Lai Thúy. 2004. Lê Thánh Tông - nhà nho - hoàng đế - thi nhân. Nxb Giáo dục. H. tr.665.

9. Nguyễn Phan Cảnh. (tb 2001). Ngôn ngữ thơ. Nxb. Văn hóa Thông tin. H. tr.57.

10. John K. Whitmore.1992. Hội Tao đàn- thơ ca, vũ trụ và thể chế nhà nước thời Hồng Đức (Vietnamese Poetry and History). Trần Hải Yến dịch, Tc Văn học, số 05.1996; tb.2007. trong “Lê Thánh Tông- về tác gia và tác phẩm”. Nxb Giáo dục. H. tr.402.

11. John K. Whitmore.tb2007. bdd. tr.408.

12. Bùi Duy Tân. 2007. Cảm hứng dân tộc- cảm hứng nhân văn qua thơ Nôm vịnh sử của Lê Thánh Tông. Trong “Lê Thánh Tông- về tác gia và tác phẩm”. Nxb Giáo dục. Hà Nội. tr.606-607.

13. Bùi Duy Tân. 2007. sdd. tr.608.

14. Bùi Duy Tân. 2007. sdd. tr.607.


15. Yves Lacoste. 1982. Lời tựa Anthologie de la Litérature Populaire du Vietnam, L’Harmatan, Paris. [Chuyển dẫn theo Đặng Thanh Lê. 2007. Về giai đoạn khai sáng thơ Nôm Đường luật: cảm hứng lịch sử qua thơ Lê Thánh Tông. Trong “Lê Thánh Tông- về tác gia và tác phẩm. Nxb Giáo dục. Hà Nội. tr.600.]

16. Theo như chúng tôi biết thì người đầu tiên định danh cho chất giọng của Lê Thánh Tông là Phạm Thế Ngũ trong cuốn Việt Nam văn học sử giản ước tân biên.

17. “Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu (tr.277-278) từng đặt giả thiết rằng tác phẩm này có thể có từ đời Trần. Vì theo sử liệu cũ (Việt sử thông giám cương mục) thì năm 1306, vua Trần Anh Tông đem Huyền Trân Công chúa gả cho vua Chiêm Thành, khiến cho các văn nhân đương thời bất bình, đã mượn chuyện vua nhà Hán gả Vương Chiêu Quân cho chúa Hung Nô để làm thơ chỉ trích sự việc đó” [theo Kiều Thu Hoạch. 1993. Truyện Nôm - nguồn gốc và bản chất thể loại. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. tr.99]

Tuy nhiên, tác giả Kiều Thu Hoạch cho rằng Truyện Chiêu Quân cống Hồ có lẽ thuộc vào thế kỷ XVI-XVII, cùng với ba tác phẩm truyện thơ Nôm Đường luật khác là Tô Công phụng sứ, Lâm tuyền kỳ ngộ và Tam quốc thi [xem Kiều Thu Hoạch. 1993. sdd. tr.98]. Tạm thời, chúng tôi chưa đề cập đến vấn đề văn bản học của Hồng Đức quốc âm thi tập. Nhưng ít nhất, người sao chép hai truyện thơ trên hẳn có lý do để coi đây là hai tác phẩm của thời Hồng Đức. Lý do ấy là gì thì chúng tôi xin được để lại dịp khác sẽ tiếp tục nghiên cứu.

18. Nguyễn Phạm Hùng dè dặt coi đây như là “những mầm mống của truyện thơ Nôm sau này.” [Nguyễn Phạm Hùng. 2007. Mấy nhận xét về nghệ thuật thơ Nôm trong Hồng Đức quốc âm thi tập. trong “Lê Thánh Tông- về tác gia và tác phẩm”. Nxb Giáo dục. Hà Nội. tr.643]

19. Đây cũng là một thông tin khá thú vị để nghiên cứu về một hiện tượng phổ biến của các loại hình nghệ thuật dân gian khác như hát cửa đình, quan họ, ca trù,...vốn là những nghệ thuật được truyền bá từ cung đình ra dân gian. Và kết quả ấy dường như chống lại “đại tự sự” về mô hình: dân gian ảnh hưởng đến bác học, đã trở thành chân lý trong học giới bao lâu nay.

20. Bùi Duy Tân. 2007. Lễ Vu Lan- tiết trung nguyên và hai bài văn tế cô hồn thời cổ. trong “Lê Thánh Tông- về tác gia và tác phẩm”. Nxb Giáo dục. Hà Nội. tr.667-678.

21. Lê Thánh Tông. 2007. bdd. Tr.672.

22. Thanh Lãng. 1973.Văn học Việt Nam (II), Thế hệ dấn thân yêu đời. Nxb Phong trào Văn hóa.tr.153-192.

23. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Nguyễn Thuyên từng làm một bài văn tế ca sấu. Có người cho đó là bài văn tế bằng chữ Nôm. Thực ra, ĐVSKTT ghi sự kiện bài văn tế và tài thơ quốc âm của Nguyễn Thuyên ở hai mục khác nhau.

24. Viện Văn học. 1984. Từ điển văn học (bộ cũ, Tập 2). Nxb KHXH. H.

25. Vũ Thanh. 1998. Thánh Tông di thảo - bước đột khởi trong tiến trình phát triển của thể loại truyện ngắn Việt Nam. Hoàng đế Lê Thánh Tông - Nhà chính trị tài năng, nhà văn hóa lỗi lạc, nhà thơ lớn.sdd. tr.421-435.

26. Vũ Thanh.1998. bdd.tr.427.


27. Vũ Thanh.1998. bdd.tr.428.

28. Vũ Thanh.1998. bdd.tr.435.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved