Home » » Anne-Sophie Mutter, người luôn kiếm tìm điều mới mẻ

Anne-Sophie Mutter, người luôn kiếm tìm điều mới mẻ

Written By kinhtehoc on Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2012 | 02:48

Anne-Sophie Mutter, người luôn kiếm tìm điều mới mẻ
Laurie Niles


Trong sự nghiệp của mình, Anne-Sophie Mutter luôn dành một nhánh quan trọng cho các tác phẩm lần đầu ra mắt công chúng. Trong cuộc trả lời phỏng vấn xoay quanh bản thu âm mới các tác phẩm của Bach và Gubaidulina, cô luôn thể hiện sự ấm áp và nồng nhiệt khi nói đến những tác phẩm mà cô đã đem lại cho thế giới âm nhạc cổ điển.

- Có rất ít nghệ sỹ biểu diễn các tác phẩm mới, đặc biệt là các tác phẩm lần đầu ra mắt. Tôi đang tự hỏi làm thế nào mà chị lại tiếp cận với một mảng hoàn toàn mới của âm nhạc – chắc hẳn điều đó hoàn toàn khác với việc chị tiếp cận với những tác phẩm tiêu chuẩn đã được ấn định?

- Những điều gì quá quen thuộc thường được nghiên cứu chi tiết tất cả các bộ phận. Nhưng tôi cảm thấy rằng với nhiều tác phẩm đương đại chưa được nghệ sỹ nào biểu diễn trước đó có thể đem lại sự sáng tạo nhiều hơn. Nghệ sỹ có thể ít chịu gánh nặng của kỳ vọng hơn.

Với những tác phẩm đã được nghiên cứu và được biểu diễn trong vòng 250 năm qua, phần lớn chúng ta được thừa hưởng, đã ăn sâu vào tiềm thức chúng ta. Đó là những gì cùng chúng ta lớn lên và hầu như là thứ không khí chúng ta hít thở. Ví dụ hãy nhìn vào một tác phẩm của Bach, có quá nhiều khó khăn để thoát khỏi những thói quen. Nhưng với một bản violin concerto của Gubaidulana, sự tiếp cận của nghệ sỹ hoàn toàn tươi mới, điều đó rõ ràng là khách quan hơn. Mặc dù sự chủ quan cuối cùng vẫn là những gì mà âm nhạc cần có hoặc là mối ràng buộc nghệ sỹ với khán giả. Thật là tuyệt vời nếu thiết lập một đường dẫn cho thế hệ tương lai và những gì họ hiểu về tác phẩm đương đại mà nghệ sỹ mang đến thế giới này.

Mutter đã trình diễn những tác phẩm lần đầu ra mắt công chúng thế giới như “Chain 2” của Witold Lutoslawski (1986), “En reve” của Norbert Moret (1988); “Gesungene Zeit” của Wolfgang Rihm (1992); “Aftersong” của Sebastian Currier năm (1994); “Metamorphosen” của Krzysztof Penderecki năm (1995); “Second Violin Concerto” cũng của Penderecki (đề tặng cô) (1998); “Violin Sonata” của Penderecki năm 2000; “Tango Song and Dance” và Violin Concerto của Andre Previn (cả hai đều viết cho cô) và “Sur le meme accord” của Henri Dutilleux (đề tặng cô) (2002); “Concerto for Violin and Double Bass” của Previn viết cho Mutter và Roman Patkolo, và tất nhiên “Violin Concerto “In tempus praesens” của Sofia Gubaidulina.
- Với nghệ sỹ violin, một bản nhạc chứa đựng nhiều dấu ấn lịch sử. Nó hoàn toàn như một cái bẫy. Tôi nhớ một buổi trình diễn của chị, bản concerto của Beethoven, chị đã biểu diễn một bản cadenza khác. Tôi cảm thấy rất thích nó, nhưng sau đó tôi nghĩ rằng có bao nhiều khán giả sẽ…


- Thất kinh? (cười lớn)

- Thất kinh! Chính xác, chị đã đối mặt với nó như thế nào?


- Tôi nghĩ là, người duy nhất có thể giúp nghệ sỹ đứng vững là nhà soạn nhạc. Nhà soạn nhạc là cá nhân duy nhất nghệ sỹ phải tuân phục và là ý niệm luôn phải lưu giữ trong tâm hồn mình. Nhưng chúng ta biết rằng trong lịch sử, các nhà soạn nhạc luôn luôn có những quan điểm khác nhau trong những buổi trình diễn khác nhau, đặc biệt là những người đã làm chủ được các tác phẩm của mình. Không có một công thức riêng nào.

Tôi không nghĩ rằng lịch sử là một gánh nặng, nhưng nó đã làm cho chúng ta nghĩ rằng chúng ta không thể có được những cách hiểu khác. Những cách hiểu về những nhà soạn nhạc vĩ đại trong quá khứ đều là những tham khảo rất có giá trị. Ngày hôm qua khi tôi tập ở đây, một đồng nghiệp trẻ đã cùng tôi trò chuyện về những bản sonata của Bach. Cậu ấy đang tập chơi những tác phẩm này mà muốn tôi giới thiệu một bản thu âm để tham khảo. Tôi đã giới thiệu nghệ sỹ Nathan Milstein. Cậu bé mới khoảng 15 tuổi và chưa từng nghe tác phẩm nào do Nathan Milstein chơi. Tôi cảm thấy rất buồn và sốc khi thấy sự ngăn cách giữa các thế hệ. Thế hệ sau tôi không hề biết gì về những nhân vật vĩ đại của thế kỷ trước, điều đó rất đáng lo ngại. Đó cũng là căn bệnh phổ biến của thế hệ trẻ, những người nghĩ rằng một bản thu âm mới nhất mới là chân lý cuối cùng.

- Có sự thay đổi lớn trong cách chúng ta tiếp cận Bach. Nếu nghe những bản thu âm các tác phẩm Bach đầu thế kỷ 20, chị sẽ thấy những điểm khác biệt so với những bản thu âm hiện nay.

- Tôi nhớ thời điểm khi tôi bắt đầu chơi những bản concerto của Mozart, lúc đó tôi khoảng 10, 11 hay 12 tuổi gì đó. Phải đi tới tận Salzburg để tìm kiếm những phiên bản khác nhau. Đôi khi có những nốt khác biệt nhau trong các bản. Tôi chỉ có một câu hỏi về những nốt láy trang trí và sức mạnh của nó, nhưng được kết nối một cách rõ ràng. Mặc dù có đủ công cụ trong tay nhưng chúng ta đôi lúc không thể tìm được câu trả lời một cách dễ dàng. Với tôi, công cụ có nghĩa là tất cả các CD mà tôi cần, rồi lắng nghe những nghệ sỹ thể hiện tác phẩm. Thật hứng thú khi tìm thấy con đường của chính mình cho chính tác phẩm đó mà vẫn giữ được trong tâm hồn và phong cách thời đại mình đang sống.

Trên thực tế, một trong những điều thú vị về việc chơi một tác phẩm đương đại, đối diện với chính nó, bạn sẽ cảm giác như trò chuyện với ai đó, trả lời các câu hỏi và nhận lấy câu trả lời. Những khoảnh khắc tuyệt vời với một nghệ sỹ là khi nhà soạn nhạc tán thành những cảm nhận của bạn về tác phẩm của chính ông ta. Đó thực sự là sự cứu rỗi.

- Các chủ đề phổ biến khi chị làm việc với một nhà soạn nhạc hiện đại là gì? Tôi chắc là chúng hết sức khác nhau.

- Tôi nghĩ đó là những chủ đề hết sức phổ biến (cười). Tôi không bao giờ can thiệp vào công việc của họ, tôi chưa bao giờ đưa ra yêu cầu gì đặc biệt. Tôi chỉ là người nhận. Và tôi cảm thấy mình vô cùng may mắn, tôi luôn luôn cảm thấy biết ơn trước mỗi tác phẩm mà tôi được mời trình tấu đầu tiên, bởi vì tất cả những tác phẩm đó đều vô cùng đặc biệt và hiếm hoi.

- Nhiều khán giả không hiểu gì về âm nhạc thế kỷ 20 và 21, họ chỉ nghe đi nghe lại các tác phẩm của Bach trong CD của chị và ném phần còn lại đi. Vì vậy có thể nói là họ đã bị mất mát ít nhiều khi họ không tạo cho mình một cơ hội tìm hiểu.

- Tất nhiên, chúng ta chỉ là một phần nhỏ. Tôi chỉ muốn đưa ra một luận điểm là tôi không hoàn toàn yêu thích 100% những gì đã được viết ra trong thời kỳ hiện đại và tôi cũng không thích tất cả những tác phẩm của thế kỷ 18 hoặc 19. Có những giai đoạn trong cuộc đời một nhà soạn nhạc hấp dẫn bạn hơn bất kỳ nhà soạn nhạc nào khác.

Tôi đã mất một thời gian dài để hiểu được (Alban) Berg. Ông luôn luôn là một nhạc soạn nhạc hóc búa với tôi. Rốt cuộc thời điểm tốt nhất đã đến (để thu âm bản concerto của Berg) nhưng không hề dễ dàng. Tôi đã phải làm việc rất vất vả với nó. Tôi đã nghiên cứu tác phẩm này rất kỹ lưỡng nhưng lại chưa thể say mê nó nhưng tôi cần phải có những cảm xúc thực sự với âm nhạc. Nếu không có cảm xúc, việc biểu diễn chỉ là một màn thể dục cho não, tôi không cảm thấy cần thiết phải mang điều đó lên sân khấu. Tôi chỉ chơi theo cách tốt nhất có thể, thực sự thuyết phục, thực sự có cảm xúc ngay cả cho một khán giả nghiêm túc đón nhận tác phẩm, tận hưởng nó.

- Tôi có một câu hỏi khác, về một người phụ nữ thành công trong sự nghiệp mà vẫn đảm đương được vai trò người mẹ. Làm thế nào chị vẫn là một người mẹ, trong khi vẫn là một nghệ sỹ độc tấu? Chị phải điều chỉnh những gì trong suốt những năm qua để thực hiện tất cả những điều đó?

- Nhiều năm trước đây, khi con gái tôi ra đời (bây giờ nó đã 17 tuổi), tôi tất nhiên đã phải cắt giảm số lượng các buổi hòa nhạc và bắt đầu rút ngắn các chuyến lưu diễn nước ngoài của mình và sau đó bảy năm, khi trở thành một góa phụ, tôi cũng ngừng lưu diễn tại vùng Viễn Đông khỏi lịch diễn của mình.

Tất nhiên, khi có con và sau đó trở thành người mẹ đơn thân, có nhiều điều khó khăn ảnh hưởng đến việc tổ chức các buổi biểu diễn. Nhưng tôi vẫn thấy rằng cuộc đời có rất nhiều đam mê và cảm xúc. Nếu thực sự thương yêu con cái và đam mê nghề nghiệp, người ta sẽ tìm được cách làm việc hiệu quả. Tất nhiên tôi cũng cảm thấy buồn khi phải xa con nhưng tôi muốn là một người cầu toàn. Tôi phải trở thành một người tốt hơn vì các con tôi, điều đó làm thay đổi tôi một cách mạnh mẽ. Tôi bắt đầu nhìn thấy thế giới với tất cả sự toàn vẹn của nó. Vì vậy tôi đã có những dự án với lợi nhuận không ngừng được tăng lên. Mặt khác, tôi biết rằng nếu không có âm nhạc, không có nghệ thuật, không có sự kết nối với thính giả và với những kiệt tác, tôi không thể trở thành một bà mẹ hạnh phúc. Tôi không thể tưởng tượng ra cảm giác 365 ngày chỉ quanh quẩn ở nhà; điều đó không thể xảy ra với tôi. Vì vậy tôi cố gắng tiếp xúc với những ai cần tôi và không quên những tác phẩm tôi thể hiện.

Điều đó thật tuyệt vời và tôi cảm giác thật vinh dự khi được làm việc vì những đứa con của tôi và những công việc đó là dành cho tôi.

- Khi trả lời các câu hỏi, giọng nói của chị như của một giáo viên. Có phải chị đã từng dạy học?

- Trước đây tôi từng dạy tại Nhạc viện Hoàng gia và bây giờ tôi vẫn đang dạy cho các sinh viên được cấp học bổng từ quỹ của tôi, Anne-Sophie Mutter Circle of Friends Foundation. Tôi luôn cảm thấy biết ơn về những sinh viên đàn dây thông minh và thú vị đã nộp đơn xin học bổng hoặc chỉ đơn giản là gửi băng thu âm tác phẩm họ chơi đến quỹ. Chúng tôi có nhiều nghệ sỹ xuất sắc mà chúng tôi đang làm việc cùng họ. Chúng tôi có một nghệ sỹ double bass, Roman Patkolo, mà tôi vẫn gọi là Paganini của double bass. Nhiều nhà soạn nhạc xuất sắc đã viết tác phẩm tặng anh ấy. Andre Previn cũng sáng tác tặng anh ấy một double concerto, tác phẩm này sẽ được thu âm và phát hành CD vào năm tới, và một tác phẩm nữa của Penderecki dành cho anh ấy. Quỹ của tôi sẽ có nhiệm vụ thực hiện tất cả những điều đó cho kịch mục hấp dẫn này.

Tôi nghĩ rằng thật thú vị khi làm được điều gì đó cho lịch sử âm nhạc.

Sức mạnh của Mutter đã được thiết lập một cách vững chắc. Cô là thần đồng violin sinh ra tại một thị trấn nhỏ ở khu Schwarzwald trong một gia đình không có ai theo đuổi âm nhạc. Ở tuổi 13, Mutter đã được Herbert von Karajan mời chơi cùng Berlin Philharmonic. Một năm sau, Mutter bắt đầu biểu diễn rại Festival Salzburg với dàn nhạc thính phòng Anh và khi 15 tuổi, thu âm những bản nhạc đầu tiên, Violin Concerto số 3 và 5 của Mozart với von Karajan và Berlin Philharmonic.

Năm 26 tuổi, Mutter kết hôn với Detlef Wunderlich, luật sư của Herbert von Karaja, một người đàn ông hơn cô tới 30 tuổi. Họ có 2 đứa con nhưng Detlef Wunderlich đã mất vì ung thư 6 năm sau ngày cưới, năm 1995. Vào năm 2002, ở tuổi 39, Mutter kết hôn lần hai với pianist và nhà soạn nhạc và nhạc trưởng André Previn, lúc đó đã 73 tuổi. Họ là một cặp ăn ý trên sân khấu, điều đó có thể thấy khi xem họ biểu diễn cùng nhau (thậm chí họ vẫn tiếp tục biểu diễn ngay cả khi chính thức ly dị vào năm 2006).


Khi còn nhỏ, vào những lúc rảnh rỗi không chơi đàn hay đến nhà thời, Mutter thường chúi mũi vào sách. “Tôi đã say mê Sartre từ rất sớm, cô tâm sự, sau đó là văn học Đức. Tôi cũng vô cùng yêu thích các nhà văn Nga. Nhưng dù thế nào thì Thomas Mann vẫn là một trong số các nhà văn tôi ngưỡng mộ. Tôi luôn luôn đọc lại các tác phẩm như “Madame Bovary” hoặc “Effi Briest”. Những người phụ nữ tuyệt vời trong đó thường có một kết cục bi thảm. Họ thường sống bằng đam mê của chính mình và cuộc sống của họ bị chi phối bởi quan điểm của xã hội họ từng sống”.

Ở tuổi 48, Anne-Sophie Mutter đã có một sự nghiệp huy hoàng: thu âm 60 tác phẩm của 53 nhà soạn nhạc trong vòng hơn 30 năm.
Thanh Nhàn dịch theo Violinist.com
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved