"Siêu lý thuyết" (metatheory) nghe ghê gớm thật ra chỉ là lý thuyết về... lý thuyết! Nếu giáo dục là đối tượng nghiên cứu (lý thuyết), đồng thời là hành động thực hành (dạy và học) thì "siêu lý thuyết" bàn về cả hai lĩnh vực ấy. Nó sẽ giúp ta có cái nhìn tổng quan về đời sống giáo dục với tất cả sự phức tạp và phong phú của nó.
SIÊU LÝ THUYẾT GIÁO DỤC
Trong mớ bòng bong của thế giới giáo dục, Wolgang Brezinka (1928-), một trong những nhà lý luận giáo dục hàng đầu hiện nay, cho ta cái nhìn khá sáng sủa, dễ hiểu khi phân biệt ba lớp lý thuyết, gồm: khoa học giáo dục, triết học giáo dục và sư phạm thực hành ("Siêu lý thuyết về giáo dục", 1978).
KHOA HỌC GIÁO DỤC
Là một "khoa học", khoa học giáo dục (hay giáo dục học) quan sát, mô tả, phân tích nhân quả, rút ra những dự đoán và thao tác theo hướng "công nghệ học":
- trước hết, nó mô tả những hiện tượng và những gì liên quan đến giáo dục từ thực tại quan sát được, thử tìm các mối quan hệ nhân quả giữa những hiện tượng ấy, đưa ra các dự đoán, và, từ đó, phát triển một "công nghệ học", tức phương tiện và phương pháp nhằm tạo ra những kết quả được mong muốn nhưng chưa có trong thực tế. Khoa học giáo dục chỉ mang lại những thông tin về sự kiện và các mối quan hệ, nhưng không đưa ra những đánh giá có tính quy phạm.
TRIẾT HỌC GIÁO DỤC
Triết học giáo dục (hay triết lý giáo dục) thì khác! Là một bộ môn triết học, nó tra hỏi những khái niệm và những vấn đề cơ bản, có tính nguyên tắc của giáo dục, tức tra hỏi về tiến trình giáo dục lẫn về ngành giáo dục. Triết học không mô tả như khoa học giáo dục, trái lại, từ những mô tả ấy, đưa ra những đánh giá và đề ra những quy phạm cho nền giáo dục. Những đánh giá ấy thường vượt ra khỏi phạm vi khoa học đơn thuần, nhưng rất cần thiết cho việc lấy quyết định (chẳng hạn, về mục tiêu của giáo dục đối với cá nhân và xã hội v.v..). Nói cách khác, triết học giáo dục sử dụng kết quả của khoa học, có tính chặt chẽ khoa học (đón mời phản biện và phản đề nghị), nhưng lại sử dụng phương pháp đặc thù triết học.
SƯ PHẠM THỰC HÀNH
Trong trường hợp lý tưởng, sư phạm thực hành sẽ tiếp thu có chọn lọc các thành tựu của khoa học giáo dục và triết học giáo dục để đề ra lý thuyết giáo dục. Hướng đến hành động, lý thuyết giáo dục thường được soạn thảo từ một quan điểm triết học, đạo đức, thế giới quan hay tín ngưỡng nhất định nào đó. Chẳng hạn, lý thuyết giáo dục (mác xít, tự do, Phật giáo, Kitô giáo v.v..) cho ta biết những gì nên làm và không nên làm trong lĩnh vực giáo dục nơi một bối cảnh văn hóa-lịch sử cụ thể. Từ đó, có đường lối, chính sách và định chế giáo dục tương ứng.
MỘT HAY NHIỀU TRIẾT HỌC GIÁO DỤC ?
Câu chuyện giáo dục của chúng ta sẽ diễn ra trong khuôn khổ cuộc Trò chuyện triết học, vì thế, hướng trọng tâm vào các vấn đề thuộc triết học giáo dục. Đây hoàn toàn là do đặc tính của cuộc trao đổi chứ không phải do việc đặt nặng hoặc xem nhẹ một trong ba hướng tiếp cận đều có tầm quan trọng riêng: khoa học giáo dục, triết học giáo dục và sư phạm thực hành.
Đi vào triết học giáo dục, lập tức ta gặp phải mấy khó khăn lớn:
- trước hết là sự đa tạp đến vô cùng của những ý kiến khác nhau. Trong nhiều ngành khoa học khác, nhất là trong khoa học chính xác và khoa học tự nhiên, tuy vẫn có ý kiến khác biệt, nhưng hầu như đều dễ đồng thuận về những vấn đề cốt lõi giữa những nhà chuyên môn có thẩm quyền và đều thừa nhận công trình nào thật sự có đóng góp vào chuyên ngành. Trong triết học nói chung, và triết học giáo dục nói riêng, tình hình khác hẳn: bên cạnh những nhà chuyên môn, ai cũng thấy mình có quyền tham gia ý kiến, và cho ý kiến mình là đúng, chưa nói đến việc sẵn sàng sử dụng quyền lực và quyền uy! Ranh giới đúng/sai thường mập mờ, và chỉ còn có thể chờ đợi ở thiện chí và tinh thần đối thoại.
- Các chủ đề thường rất rộng, khó bao quát hết, lại đụng chạm ngay đến những xác tín, niềm tin cố hữu của mỗi cá nhân, tập thể, dễ gây chia rẽ, phân hóa hơn là đoàn kết, đồng thuận. Thử điểm qua một vài trong vô số quan điểm đối lập khó bề hòa giải: - giáo dục là truyền đạt kiến thức hay tăng cường năng lực tự trị trong nhận thức và phán đoán? - những kiến thức, năng lực ấy là gì và trong chừng mực nào chúng là linh hoạt, mềm dẻo hay có thể tác động, lèo lái, đưa vào khuôn khổ? - giành ưu tiên cho giáo dục tự do hay giáo dục "sứ mệnh", giáo dục cá nhân hay giáo dục công dân? - đâu là sự khác biệt giữa giáo dục với giáo huấn, với huấn luyện và nhồi sọ? - giữa quyền hạn của trẻ em, phụ huynh, nhóm chủng tộc và xã hội, và, trong trường hợp có xung đột, ai được hưởng quyền ưu tiên? - giữa giáo dục và cải cách xã hội: giáo dục để cung ứng nhân lực và tái sản xuất xã hội sẵn có hay là nhân tố để thay đổi xã hội? v.v..và v.v..
- Giáo dục và tư tưởng giáo dục có lịch sử quá lâu dài với vô số triết thuyết khác nhau từ Đông sang Tây. Giáo dục đi liền với sự hình thành văn minh nhân loại, trong đó biết bao nhiêu châu ngọc bị vùi lấp và lãng quên cần phải được khai quật và mài dũa cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Liệu có thể bàn về triết học giáo dục "từ hư vô" với lòng kiêu mạn ngây ngô của kẻ phát minh cái bánh xe?
Vâng, có bao nhiêu loại triết học, bao nhiêu nền triết học, bao nhiêu cách triết lý thì có bấy nhiêu loại triết học giáo dục và bấy nhiêu cách thức "làm ra" chúng. Theo nghĩa ấy, không hề có cái gì gọi là "triết học giáo dục nói chung", mà chỉ có những nền triết học giáo dục có thể phân loại theo nhiều cách khác nhau mà thôi. Khó mà không đồng tình với nhận định trên đây cùa Bách Khoa Thư Giáo dục Gale!
Thế nhưng ai và quốc gia nào cũng kêu than về sự khủng hoảng, thiếu vắng triết lý giáo dục và hô hào xây dựng một nền triết lý giáo dục thật đặc sắc và vô địch cho riêng mình!
SỐNG TRONG NHIỀU VIỂN TƯỢNG!
Trong hoàn cảnh nhất định, mỗi người, mỗi quốc gia đều công khai hay mặc nhiên bị chi phối bởi một triết học giáo dục. Thụ động chấp nhận hoặc mù quáng tuyệt đối hóa nó đều trái với tinh thần... triết học! Khác với mọi sinh vật khác, con người có thể sống trong nhiều viễn tượng: nhất quán với mình, đồng thời biết rằng bên cạnh mình còn có nhiều viễn tượng khác đáng được trân trọng và khám phá. Triết học giáo dục, nếu có, khó có thể là cái "túi khôn" bao chứa và thâu thái mọi tinh hoa, trái lại, theo thiển ý, chỉ có thể là một thái độ, một tầm nhìn, một cách ứng xử văn hóa.
Chúng ta sẽ đến với kho tàng triết học giáo dục trong tinh thần ấy.