Alexis de Tocqueville (1805–1859), trong Nền Dân Trị Mỹ (bản tiếng Việt của Phạm Toàn, NXB Tri Thức, tái bản lần 3, 2013), nổi tiếng với nhận định: nền dân chủ hiện đại không thể vận hành tốt mà không có "những đức tính của người công dân". Vì thế, theo ông, khoa học chính trị không chỉ nghiên cứu nền dân chủ như là định chế mà còn như là lối sống đặc thù, lối sống của "con người dân chủ". Lối sống ấy thấm nhuần trong tư tưởng, tình cảm, nhất là trong những "tập quán của con tim", bởi, những quyền tham gia của người dân mà mọi hiến pháp dân chủ đều cam kết chỉ có thể trở thành hiện thực trong một nền "văn hóa chính trị" sống động. Ông du nhập một thuật ngữ hệ trọng vào châu Âu: sự dấn thân dân sự (civic involvement), và đặt xã hội trước "sứ mệnh giáo dục về nền dân chủ" (mission to educate democracy). Thật đáng kinh ngạc khi thấy rằng những tư tưởng rất hiện đại ấy, về cơ bản, đã sớm có mặt trong triết học chính trị và giáo dục của Aristoteles hơn hai nghìn năm trước!
NHỮNG ĐỨC TÍNH CÔNG DÂN
"Thực tế" hơn thầy của mình là Platon và cũng tỉnh táo không kém cựu thủ tướng Anh W. Churchill, Aristoteles (cũng như Platon) tuyệt nhiên không xem thể chế "dân chủ" là "tốt nhất" mà chỉ là "ít xấu nhất" so với mọi hình thức khác trong lịch sử! Trong Chính trị luận (bản tiếng Việt của Nông Duy Trường, NXB Thế giới, 2012), ông phân biệt chế độ dân chủ như là quyền lực của số đông (democratein) với sự cai trị của số ít (oligarchein) hoặc của một cá nhân. Sự khác biệt tùy thuộc vào việc chế độ ấy thực sự phục vụ cho lợi ích chung hoặc chỉ do lợi ích riêng của một tập đoàn hay một cá nhân. Tùy vào thực chất, ba loại chế độ đều có thể thoái hóa: quân chủ trở thành chuyên chế, quý tộc trị trở thành tập đoàn trị, dân chủ trở thành độc đoán của đa số. Sở dĩ dân chủ là hình thức "ít xấu nhất", vì, theo ông, đó là nơi con người - với tư cách là "sinh vật chính trị" - có thể thực hiện bản tính của mình. Trung thành với ý tưởng về "hạt mầm" (entelechie), đặc tính (nhân học) này chỉ có thể hiện thực hóa trong đời sống cộng đồng. Vì thế, giống như Platon, ông tập trung vào nền "giáo dục công cộng" (quyển 7 của Chính trị luận). Nền giáo dục ấy không giới hạn vào việc khuyến khích các đức tính công dân chỉ với mục đích là củng cố và duy trì trật tự nhà nước hiện có. Trái lại, cần có cái nhìn rộng hơn để vun bồi những đức tính với mục đích "hoàn thiện tâm hồn" nói chung. Nói cách khác, cái chính trị "đơn thuần" phải được vượt bỏ và nâng lên mới có thể hiện thực hóa nó.
Aristoteles nêu ba đức tính chính trị của người công dân: dũng cảm, công bằng và sáng suốt. Chúng vừa là nguồn gốc cho sự tự trọng của mỗi cá nhân, vừa là điều kiện cho hạnh phúc cá nhân và cộng đồng. Trong nền dân chủ hiện đại, những đức tính "bản chất" ấy, với tên gọi khác, vẫn còn đầy sức sống. Ngày nay, có lẽ người ta sẽ gọi là: sự quả cảm trong xã hội dân sự, cảm thức về công lý và năng lực lấy thái độ chính trị. Dù điều kiện xã hội có thay đổi đến đâu và trọng tâm được đặt vào đức tính nào, cả ba rõ ràng quan hệ với nhau rất mật thiết. Cảm thức về công lý đòi hỏi phải có năng lực phán đoán để biết lấy thái độ chính trị, đồng thời cũng cần có lòng quả cảm để thực thi trong thực tế. Trong ba đức tính ấy, năng lực phán đoán giữ vai trò chủ đạo. Tình hình càng phức tạp, hành động và hệ quả càng khó lường, năng lực phán đoán càng cần thiết. Ngược lại, năng lực phán đoán chính trị lại cần dựa vào cảm thức công lý và lòng quả cảm mới có hiệu nghiệm.
Đúng theo tinh thần triết học giáo dục của Aristoteles, các đức tính chính trị nói trên không phải là phẩm tính tự nhiên, mà phải được sở đắc dần dần qua sự "rèn tập thành thói quen" trong bối cảnh và thực tiễn chính trị, xã hội tương ứng. Từ thời cổ đại sang cuối thế kỷ 19 của Alexis de Tocqueville đến thế kỷ 21 của chúng ta, dường như đều đúng như thế cả! Có chăng, sự phát triển năng lực phán đoán chính trị ngày nay, về cơ bản, một mặt, là vấn đề của truyền thông và giáo dục, và mặt khác, là làm sao có nhiều điều kiện để tích cực tham gia vào đời sống công cộng.
Ta không quên nhắc lại một điểm trung tâm và đặc sắc khác trong cách hiểu về dân chủ và giáo dục của ông: sự đa dạng của những "cái tốt". Được tiếp cận với nhiều lĩnh vực tri thức khác nhau, với nhiều kỹ năng và nhiều ngành nghệ thuật là yêu cầu cơ bản để phát huy tiềm lực giáo dục nơi con người. Để hành động hợp lý, ta cần biết đến các khả năng khác để có thể lựa chọn. Khác với cương lĩnh giáo dục ít nhiều mang tính "quyền uy” của Platon, đường lối giáo dục khai phóng và tự do của Aristoteles lưu lại ảnh hưởng sâu đậm nhất trên nền giáo dục Tây phương hiện đại, thể hiện trong ước muốn được tự do "mưu cầu hạnh phúc". (Đồng thời, ta cũng không quên sự khó khăn trong việc điều hòa các xung đột khó tránh giữa những "cái tốt" mà bản thân Aristoteles cũng từng vướng phải, chẳng hạn, khi bênh vực... chế độ nô lệ!).
GIÁO DỤC DUY THỰC VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA NÓ
Ta dễ dàng nhận ra những chỗ mạnh của triết thuyết giáo dục duy thực, trong thực tế, đang tiếp tục chiếm lĩnh tư duy giáo dục hiện đại. Trước hết, từ mục đích giáo dục:
1. mục tiêu tối cao của đời sống và của giáo dục là hạnh phúc (theo nghĩa rộng của eudaimonia); 2. mục tiêu ấy phụ thuộc vào việc vun bồi lý tính; 3. vì thế, cần tăng cường học tập từ kho tàng tri thức được hệ thống hóa của nhân loại; và 4. hiện thực hóa tiềm năng của người học để đáp ứng các vai trò và các trách nhiệm xã hội khác nhau trong cuộc sống được hợp lý hóa cao độ.
Từ mục đích ấy, rút ra chức năng chính của nhà trường: truyền đạt và không ngừng phát triển lẫn sử dụng tri thức. Chương trình giảng dạy, mặc nhiên và kỳ cùng, là đào tạo chuyên ngành "khoa học", ở đâu cũng giống nhau vì chân lý thì bao giờ cũng... giống nhau! Về phía người dạy, phải nắm vững nội dung chuyên môn và cần có kỹ năng sư phạm chuyên nghiệp. Các tiêu chuẩn đánh giá (PISA, sắp hạng đại học, chuẩn giáo sư...) ngày càng đồng dạng và thống nhất.
Mô hình duy thực được ủng hộ từ nhiều phía: giáo chức, phụ huynh, giới kinh tế, chính trị và những ai có... "đầu óc lành mạnh".
Tiếng nói chỉ trích ngày càng mạnh mẽ cất lên từ phía các tác giả "hiện sinh" và "hậu-hiện đại": 1. mô hình duy thực còn thiếu phê phán đối với óc "duy khoa học"; 2. quan niệm quá "hẹp" và "cứng nhắc" về con người; 3. tự xưng là "toàn diện" (trí, đức, thể, mỹ) nhưng sa vào chỗ phân loại và phân ngành quá sớm; 4. chịu trách nhiệm về hệ thống điểm số phiến diện và thi cử nặng nề.