Home » » Tính hiện đại một cái mốt cuối thế kỉ XX

Tính hiện đại một cái mốt cuối thế kỉ XX

Written By kinhtehoc on Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012 | 07:50


Tính hiện đại một cái mốt cuối thế kỉ XX

 | Filed under 8. Tư tưởng - triết học - văn hóa
Jean Francois Dortier 
Lời tòa soạn: Sinh ra vào cuối thế kỷ XX, trào lưu hậu hiện đại thực hiện một cuộc giải cấu trúc về những lý tưởng của tính hiện đại (lý trí, chân lý, tiến bộ…) để đánh giá những khác biệt cũng như tính đa dạng của các văn hóa, các quan điểm, các lối sống. Tinh thần của hậu hiện đại là hoài nghi các đại tự sự. Tuy nhiên, hiện nay chính bản thân hậu hiện đại cũng đang bị hoài nghi, tức là sự hoài nghi bị hoài nghi. Ở Việt Nam hiện nay, thuật ngữ hậu hiện đại đang trở nên quen thuộc. Bởi thế, để rộng đường dư luận, chúng tôi cho in bài này như là một cách nhìn về hậu hiện đại.
Chế tạo ra âm nhạc techno bằng cách đổi các đĩa ba mươi ba vòng rock’n roll thành vynile, tạo ra những word music (âm nhạc thế giới), lai ghép những gốc rễ châu Phi và nhạc jazz hiện đại, nhạc rap của các thành phố và folklore celtic, đi ăn kiểu Ấn Độ buổi trưa và tex mex buổi tối, khoác bên ngoài bộ áo quần bó sát người bằng vải skai một tấm khăn choàng hippi cũ có hình vẽ kiểu Cachemire, một bàn tay mang farma với một thánh giá Kitô giáo, sưu tầm những vật kỷ niệm và rải khắp nơi ở những đồ vật lỗi thời, thách thức những tiêu chuẩn về thanh lịch – đó là những dấu hiệu nhỏ có vẻ vô hại, thậm chí có tính giai thoại, nhưng có thể được coi là những biểu hiện của chủ nghĩa hậu hiện đại ở chung quanh.
*
         Các mốt và các lối sống
Đối với nhiều nhà xã hội học anglo saxon (David Harvey, Colin Campbell, Zygmunt Bauman, Barry Smart), những hình thức tiêu dùng mới có một vị trí trung tâm trong văn hóa hậu hiện đại. Văn hóa này biểu hiện ở những lối sống khác nhau, chiết trung, thường là chóng tàn, và nhất là đối lập với văn hóa đại chúng đơn điệu do một tính hiện đại quy chuẩn hóa đẻ ra.
Ba nhà xã hội học Tasmanie (một hòn đảo thuộc Australia, N.D) – điều này càng có vẻ hậu hiện đại hơn là để người Australia nói – Stephen Crook, Jan Pakulsi và Malcon Waters, mô tả sự biến đổi xã hội trong các nước tiên tiến như kết quả của sự hủy kiến tạo (déconstruction) của tư bản và lao động, của sự giải cấu tạo(décomposition) ở các giai cấp xã hội, của sự phi tập trung hóa (décentralisation) uy quyền nhà nước, của sự phi khác biệt hóa (dé differenciation) văn hóa bác học và văn hóa bình dân. Nhiều cách tổ chức lao động mới thay thế cho chủ nghĩa Ford, khối tinh vân của giai cấp trung lưu đã thay thế cho những phân chia thành các giai cấp xã hội khác nhau rõ rệt…
Trong tác phẩm Thời các bộ lạc, Michel Mafesoli đã thử mô tả sự thay đổi của những liên hệ xã hội mới. Đối với nhà xã hội học này, người ta đang thấy diễn ra một sự cắt nhỏ xã hội, trong đó các cá nhân không còn thuộc về một nhóm nguyên khối nữa. Từ nay đó là một sự phân chia về sở thích và xúc cảm, những liên hệ hợp đồng và những mạng lưới tiềm tàng làm cơ sở cho những thị tộc mới khó nắm bắt và dễ chuyển động. Đằng sau chủ nghĩa cá nhân do tính hiện đại đẻ ra, M.Maffesoli nhìn thấy một sự tiến bộ trong ngôn luận tự do của mỗi người và tính đa dạng do nó đem lại. Các phong cách sống, các thị tộc, các tương tác, các mạng phải chăng có thể trở thành những từ chủ đạo để xác định các xã hội đương đại?
         Hoài nghi và giải cấu trúc
Hậu hiện đại, đó cũng là kỷ nguyên trong đó sự hoài nghi ngày càng xâm lấn mạnh mẽ. Các phong trào phản kháng những năm 60 TK XX đã tham dự rộng rãi vào sự lay chuyển những giá trị đã thiết lập, như tính ưu việt của văn hóa phương Tây, những lợi ích của sự tăng trưởng kinh tế, sự tán thành vô điều kiện đối với lý trí và khoa học, hay đối với một quá khứ lịch sử chung. Trong các thập kỷ cuối cùng này, chủ yếu ở Mỹ, người ta thấy nổ tung ra những cultural studies (nghiên cứu văn hóa) trong đó mỗi cộng đồng (da đen, phụ nữ, tính dục đồng giới…) đưa ra một quan niệm mới về các chương trình đại học được coi là quá thiên vị văn hóa thống trị (thể hiện ở các Waps - White Anglo saxons Protestant). Chủ nghĩa đa văn hóa và chủ nghĩa cộng đồng bắt nguồn từ đó. Chính trong những năm 80 TK XX và chủ yếu ở các nước anglo saxon, khái niệm chủ nghĩa hậu hiện đại vây bọc các lĩnh vực khoa học xã hội (xã hội học, nhân học) nhưng trước hết là các triết học, nghiên cứu văn học, cũng như các cultural studies. Trên thực tế, khái niệm này được nuôi dưỡng từ nhiều trào lưu triết học từng phê phán tính hiện đại duy lý và phổ quát. Đặc biệt là một nhóm những nhà triết học Pháp, được bên kia Đại Tây Dương gọi là các nhà triết học giải cấu trúc: Jean Francois Lyotard, Jacques Derrida, Gilles Deleuze và, trước họ, Michel Foucault và những phân tích phê phán của ông về xã hội hiện đại. Năm 1979, trong tác phẩm Hoàn cảnh hậu hiện đại(1), J.F.Lyotard định nghĩa chủ nghĩa hậu hiện đại như sự tìm kiếm một sự vượt qua những lý tưởng tiến bộ từng phát triển từ tinh thần Khai Sáng, và một sự bác bỏ chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa duy khoa học thoát thai từ những lý tưởng đó. Chân lý, tiến bộ, cách mạng là những giá trị lớn của chủ nghĩa hiện đại để đạt tới tự do và hạnh phúc. Theo J.F.Lyotard, sau những sự khủng khiếp của TK XX (các cuộc chiến tranh và các chế độ toàn trị), không thể chờ đợi lâu hơn nữa ở khoa học và những hệ tư tưởng chính trị lớn về những ngày mai ca hát. Sự sụp đổ của các chế độ toàn trị được coi là một sự xác nhận tư tưởng hậu hiện đại.
Trong thế giới hậu hiện đại, vẫn theo sự giải thích của J.F.Lyotard, mỗi người phải thỏa thuận với những khác biệt văn hóa của người khác mà không chờ đợi đặt những khác biệt ấy trên một lý tưởng văn minh duy nhất. Nhiều nhà triết học anglo saxon cũng đã góp phần hoàn thiện khái niệm tính hậu hiện đại. Trào lưu thực dụng, mà Richard Rorty là một gương mặt xuất sắc, xuất phát từ nguyên lý cho rằng mọi ngôn luận về chân lý của các sự vật bao giờ cũng bắt nguồn từ một điểm riêng biệt. Chủ nghĩa hậu hiện đại nảy sinh từ nhận thức ấy.
Trào lưu cuối TK XX ấy sẽ còn lại cái gì? Thuật ngữ này đã được đưa vào từ vựng thông thường để chỉ đủ loại hiện tượng đôi khi ít có những chỗ giống nhau. Trong các khoa học nhân văn, những sự phân tích hậu hiện đại đang hết hơi. Ý tưởng về tính hậu hiện đại rồi ra cũng sẽ là một mốt chóng tàn chăng?
         Nguồn gốc của tục cấm loạn luân
Theo Lévi Strauss thì tục cấm loạn luân là một dấu mốc quan trọng trong văn hóa nhân loại. Nhờ đó mà chế độ ngoại hôn ra đời, rồi hình thành bộ lạc, liên bộ lạc rồi đến quốc gia. Còn S.Freud (2), từ quan điểm phân tâm học, đã giải thích tục cấm loạn luân và các hệ quả của nó theo cách khác. S.Feud thoạt đầu lấy lại luận điểm của Charles Darwin, theo đó những nhóm hình người đầu tiên là những bầy đoàn bị thống trị bởi một con đực hùng mạnh chiếm đoạt tất cả những người đàn bà trong nhóm và loại bỏ những con đực trẻ hơn. Do đó, xã hội lúc đầu bị thống trị bởi “một ông bố hung dữ, ghen tuông, giữ lấy tất cả những người con cái cho mình và đuổi những đứa con trai đến tuổi trưởng thành”.
Theo S.Freud, sự thống trị ấy của người cha nguyên thủy đã dẫn tới mộtkịch cảnh nguyên thủy kinh khủng là việc giết bố. Những con đực trẻ liên kết nhau để giết người bố, rồi một khi hành vi của chúng được thực hiện, những đứa con trai say sưa vì vui sướng này lại ngốn ngấu người bố để chiếm đoạt sức mạnh của ông ta.
Việc giết bố ấy, theo S.Freud, là nguồn gốc của một ý thức phạm tội nặng nề xâm chiếm những đứa con trai. Sau khi bị giết, người cha nguyên thủy ấy được thần thánh hóa và được lập thành đối tượng thờ cúng. Đó là nguồn gốc kết hợp tôn giáo (thờ một vị tổ thiêng liêng) và đạo đức (ý thức phạm tội). Để cố chuộc tội, những người anh em ấy tự đặt cho mình một cấm kỵ. Vì họ đã giết người bố để chiếm đoạt những người đàn bà trong nhóm, nên họ tự cấm đoán mọi liên hệ tính dục với những người đàn bà kia. Đó là nguồn gốc của việc cấm loạn luân.
Như vậy, đối với S.Freud, có một sự tương ứng giữa lịch sử tâm thần cá nhân và lịch sử loài người. Mặc cảm Oedipe, hiểu như một sự giết bố để giành lấy bà mẹ, là trung tâm của sự phân tích này. Trong những xã hội gọi là “nguyên thủy”, tục thờ vật tổ là thờ con vật được coi là tượng trưng cho người cha nguyên thủy. Bữa ăn vật tổ nhằm hiến tế một con vật tổ tiêu biểu cho nhóm chỉ là một sự lặp lại kịch cảnh nguyên thủy ấy.
Tác phẩm của S.Freud, Vật tổ và cấm kỵ là một văn bản kỳ lạ. Về mặt kịch bản, đó là một chuyện kể về một bi kịch hoang đường, đáng coi là của Sharkespeare: việc những đứa con trai giành lấy quyền lực, việc giết người bố đưa tới ý thức phạm tội, việc lập một vương quốc mới… Không có một nhà nhân học nào, và có rất ít những nhà phân tâm học, đồng ý thừa nhận một hiện thực lịch sử nào đó cho câu chuyện này. Tuy nhiên, ngày nay, trong bối cảnh của văn hóa hậu hiện đại, có một cái gì đó làm cho người ta nhớ đến câu chuyện được coi như lànguồn gốc của văn hóa này của S.Freud.
Nguyễn Mạnh Tiến dịch
_______________
 1. J.F.Lyotard, Hoàn cảnh hậu hiện đại, Ngân Xuyên dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính, Nxb Tri thức, 2007.
2. S.Freud, Vật tổ và cấm kỵ, Đoàn Văn Chúc dịch, Trung tâm Văn hóa Dân tộc TP.HCM xb, 1986.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved