Khúc ngoặt ngôn ngữ của lý thuyết trò chơi
| Filed under 2. Lý thuyết phê bình
Trần Ngọc Hiếu
Trò chơi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống con người. Johan Huizinga, sử gia người Hà Lan, trong công trình kinh điển khảo cứu về trò chơi, Homo Ludens, đã nhận định: “(nền văn minh nhân loại) đã nảy sinh trong trò chơi, như là trò chơi và chưa bao giờ rời bỏ nó”(1). Trò chơi, theo đó, không đơn thuần là một hoạt động cơ bản của con người, nó xuyên thấm vào tất cả các hoạt động khác, trở thành nguyên mẫu của các mô hình tổ chức đời sống, các hình thái ý thức, đi vào trong tư duy của con người như một hệ hình để suy nghĩ, nhận thức về thế giới và về chính mình.
Trò chơi xuất hiện từ rất sớm, với tần số ngày càng cao trong các diễn ngôn triết học, nhân loại học, tâm lý học, mỹ học, văn học… Ở các diễn ngôn này, trò chơi vừa là một hoạt động thực tiễn, là đối tượng nhận thức, nghiên cứu của những lĩnh vực nói trên, vừa là một khái niệm để từ đó, con người mở rộng suy tưởng về những bình diện khác, chiều kích khác của văn hóa, xã hội, nhân sinh. Tập hợp các diễn ngôn về trò chơi này hình thành nên cái được gọi là lý thuyết trò chơi mà bảng phả hệ của nó, theo tổng thuật của Gordon Slethaug trong cuốn Encyclopedia of Contemporary Literary Theory (Bách khoa toàn thư lý thuyết văn chương đương đại), được bắt đầu từ triết học cổ đại Hy Lạp, kéo dài qua nhiều thời đại và đặc biệt phát triển trong thời kỳ hậu hiện đại (2).
Mặc dù chủ nghĩa hậu hiện đại, như một thuật ngữ, lần được tiên được đặt ra bởi Jean Francois Lyotard trong cuốn Hoàn cảnh hậu hiện đại xuất bản năm 1979 nhưng trong nhiều bảng niên biểu, lộ trình của chủ nghĩa hậu hiện đại thường được tính từ giữa thập niên 50 TK XX, song hành với nhiều biến động lớn trên thế giới về lịch sử, chính trị, khoa học kỹ thuật, văn hóa…, làm thay đổi sâu sắc những nền tảng tư duy của con người. Cũng chính ở giai đoạn này, ta được chứng kiến sự hiện diện nổi bật của khái niệm trò chơi trên diễn ngôn ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trải rộng từ triết học, mỹ học, tâm lý học, nhân học cho đến chính trị, luật pháp, kinh tế, toán học, vật lý, công nghệ thông tin…
Lý thuyết trò chơi bước vào thời kỳ phát triển sống động nhất, mang bản chất của một lý thuyết đa ngành. Riêng trong triết học, văn hóa học, mỹ học, lý thuyết văn học, chỉ cần nhìn vào tổng thuật của G.Slethaug, ta cũng có thể thấy hầu như những nhà tư tưởng, những học giả quan trọng hàng đầu của thời kỳ này đều tư duy về trò chơi hay sử dụng trò chơi như một khái niệm, một hệ hình để tư duy về những vấn đề khác. Các khái niệm có quan hệ họ hàng với trò chơi, theo đó, cũng được mở rộng hết sức đa dạng, trong đó có nhiều khái niệm được xem là từ then chốt trong lý thuyết văn hóa, văn học đương đại như carnival, tính biểu hành (performativity), trò chơi ngôn ngữ (language game), văn bản khả độc/khả tác (readerly/writerly text)…
Sự sống động của lý thuyết trò chơi ở giai đoạn này còn thể hiện ở chỗ nó tạo ra nhiều khúc rẽ trong sự vận động của mình.
Một trong những khúc rẽ quan trọng ấy mà chúng tôi muốn giới thiệu trong bài viết này là khúc ngoặt ngôn ngữ.
J.Huizinga nói rằng bản thân việc con người sử dụng ngôn ngữ để biểu đạt các ý niệm về thế giới đã là một trò chơi: “Ngôn ngữ,… công cụ đầu tiên và quan trọng nhất mà con người tạo nên để giao tiếp, dạy dỗ, ra lệnh. Ngôn ngữ cho phép con người phân biệt, thiết lập và phát ngôn về sự vật; nói gọn lại, nó cho phép ta gọi tên sự vật và bằng việc gọi tên như thế, ta đã đưa sự vật vào trong địa hạt tinh thần. Khi hình thành lời nói và ngôn từ, tinh thần luôn luôn cọ xát giữa sự kiện thực tế và trí tuệ, hay nói khác đi, nó đang chơi với khả năng định danh kỳ lạ này. Đằng sau mỗi hình thức biểu đạt trừu tượng luôn là những ẩn dụ đậm nét, và mỗi ẩn dụ là một trò chơi trên ngôn ngữ. Do đó, với việc tạo ra một hình thức biểu đạt đời sống, con người đã tạo ra một thế giới thứ hai, mang tính thơ cùng với thế giới tự nhiên”(3). Quan điểm của J.Huizinga, cố nhiên, vẫn dựa trên tiền đề là sự đối lập giữa trò chơi và hiện thực. Các nhà tư tưởng hậu hiện đại sau này đã phản biện lại tiền đề trên, và đi xa hơn khi cho rằng, hiện thực (tất nhiên, cùng những ý niệm lân cận họ hàng với nó như thế giới, lịch sử, xã hội, văn hóa, con người…) là các trò chơi ngôn ngữ không hơn.
Trò chơi ngôn ngữ được triết gia Ludwig Wittgenstein thiết lập như một khái niệm then chốt và đặc biệt phức tạp, sau đó, nó lại được J.F.Lyotard vận dụng để biện luận về đặc trưng của chủ nghĩa hậu hiện đại. Khái niệm này được hình thành trước hết từ quan sát của L.Wittgenstein về trò chơi: ông nhận thấy các hình thức được gọi là trò chơi (game) trong đời sống đa dạng, phong phú đến mức không thể quy đồng tất cả về một bản chất duy nhất được. Ngôn ngữ cũng vậy, nó không phải là một khách thể đơn nhất, tự trị, tự đủ.
L.Wittgenstein nhìn ngôn ngữ như tập hợp một loạt các hoạt động khác nhau: miêu tả, kể chuyện, chất vấn, dịch thuật, ra lệnh, đùa cợt, biểu lộ cảm xúc… Chỉ khi được sử dụng để thực hiện các hành động này, ý nghĩa của ngôn ngữ mới được sinh thành. Wittgenstein gọi các hành động ngôn ngữ mà ta vừa nói là các trò chơi ngôn ngữ bởi lẽ, giống như trò chơi thông thường, các hành động này đều phải tuân theo các luật lệ, quy tắc nhất định. Nhưng luật trong các trò chơi ngôn ngữ là gì? “Các trò chơi ngôn ngữ không có những quy tắc trong bản thân chúng, mà được cấu tạo nên từ sự thỏa thuận mặc nhiên hay minh nhiên giữa những người tham gia cuộc chơi”(4).
Tuân theo luật, do đó, là tuân theo những khế ước, tập quán được thiết lập bên trong một cộng đồng ngôn ngữ. Luật của các trò chơi ngôn ngữ không phải chỉ là những quy tắc được hình thành một lần là xong xuôi, hoàn kết, kiên cố mà sẽ còn được bổ sung, thay đổi, kiến tạo và phá bỏ không ngừng.
J.F.Lyotard sử dụng lại khái niệm trò chơi ngôn ngữ của L.Wittgenstein song đi xa hơn, ông nhấn mạnh đến tính chất cạnh tranh của trò chơi này (chúng ta nhớ rằng cả J.Huizinga cũng xem cạnh tranh, đấu tranh là một dạng thức cơ bản, phổ biến nhất của trò chơi). Trò chơi ngôn ngữ nhằm đến mục đích chiến thắng thay vì hướng đến sự đồng thuận và chân lý; thắng là mục tiêu tự thân của luật chơi.
Ở đây, chúng tôi xin được trích lại khá dài đoạn diễn giải của J.F.Lyotard về điều này bởi diễn giải của ông có sức gợi mở rất lớn để tư duy lại văn học: “Phát ngôn là đấu tranh, hiểu theo nghĩa chơi, và các hành vi ngôn ngữ cho thấy một sự đối chọi, tranh đua chung. Điều này không nhất thiết có nghĩa người ta chơi là để thắng. Người ta có thể đi một nước cờ chỉ để thỏa thú vui nghĩ ra nó: chẳng phải đấy là điều chúng ta tìm thấy trong việc dùng ngôn ngữ để khiêu khích, gây rối nơi các chuyện phiếm dân gian hay văn học hay sao? Việc liên tục nghĩ ra các cách nói, các từ ngữ và các ý nghĩa ở cấp độ lời nói (parole) giúp cho ngôn ngữ (langue) phát triển đem lại những niềm vui lớn. Nhưng tất nhiên ngay thú vui này cũng không phải là độc lập với cảm giác thành công, ít nhất là thắng được đối thủ, nhưng cao hơn, là đủ sức thắng được ngôn ngữ đã xác lập, thấy được sự liên tưởng, sự âm vang”(5).
Chính tại điểm này, cách tiếp cận văn học như là trò chơi ngôn ngữ của J.F.Lyotard nói riêng, của lý thuyết hậu hiện đại nói chung thực sự là một khúc ngoặt so với quan điểm của hình thức luận và cấu trúc luận trước đó. Trò chơi ngôn ngữ của văn học, cố nhiên, cũng hàm chứa những luật lệ, nguyên tắc nhất định song các luật lệ, nguyên tắc chi phối việc kiến tạo lời nói nghệ thuật không chỉ đơn thuần nhằm tạo ra khoái cảm thẩm mỹ tự thân.
Như là một phát ngôn, một hành vi ngôn ngữ, văn học còn tồn tại trong thế cạnh tranh với các diễn ngôn khác, đối đầu với các thiết chế quy định sự cấu thành, sự hợp thức của diễn ngôn. Chính các kiến giải của chủ nghĩa hình thức và cấu trúc về đặc trưng của văn học như là sự vi phạm những luật lệ, chuẩn mực của ngôn ngữ thông thường ít nhiều đã thể hiện sự tự ý thức được tình thế cạnh tranh này. Lưu ý rằng đằng sau những luật lệ, chuẩn mực của ngôn ngữ kia là những thỏa thuận, tập quán được kiên cố hóa thành các định chế. Bởi vậy, bằng sự ganh đua, cạnh tranh, sẵn sàng phá bỏ những chuẩn tắc, văn học là một trong những phương thức quan trọng để chống lại sự xơ cứng của các định chế, các khuôn mẫu tạo nghĩa, cho phép những gì vốn không được phép chơi, không được phép nói, những cách thức diễn đạt mới trở thành hợp thức. Nói như Wolfgang Huemer: “Bằng việc tập trung vào nhu cầu khẩn thiết được nói ra những gì khó diễn đạt và tìm những cách thức mới để thể hiện điều đó, nhà thơ đã đưa ngôn ngữ đến những giới hạn của nó, thậm chí có khi còn vượt qua nó.
Ngay cả khi vi phạm những luật lệ chi phối ngôn ngữ thông dụng thì nhà thơ cũng hướng ta chú ý đến những luật lệ này và biến chúng trở thành đối tượng phê bình. Nói tóm lại, họ đưa ra những ví dụ súc tích về các cơ chế hoạt động của ngôn ngữ, từ đó, khám phá và mở rộng những giới hạn của nó”(6). Khám phá cơ chế của ngôn ngữ và mở rộng những giới hạn của nó chính là quá trình con người tự nhận thức về bản thể, mở rộng giới hạn của chính mình, để nhớ lại câu nói nổi tiếng của Martin Heidegger, một đại diện lớn khác của triết học ngôn ngữ hiện đại, “ngôn ngữ là ngôi nhà của hữu thể”.
Khái niệm trò chơi ngôn ngữ trong triết học J.F.Lyotard có liên đới với một khái niệm khác - tiểu tự sự và dĩ nhiên, khái niệm này được hình thành trong mối quan hệ với khái niệm trung tâm của chủ nghĩa hậu hiện đại theo biện giải của J.F.Lyotard – đại tự sự. Nếu đại tự sự được hiểu là các triết thuyết lớn, các hệ thống lý luận mang tham vọng trở thành trung tâm, phổ quát, bao trùm tất cả, đóng vai trò như một thứ siêu ngôn ngữ chứng thực cho những thứ được coi là tri thức, cấp cho chúng tính hợp pháp thì tiểu tự sự chính là các chiến lược, các trò chơi ngôn ngữ để thoát ra ngoài sự trấn áp của các đại tự sự vốn nhân danh cái phổ quát, cái tất yếu để khẳng định sự dị biệt, sự phức tạp, nằm ngoài những khuôn khổ định sẵn. Đặc trưng của hoàn cảnh hậu hiện đại, theo J.F.Lyotard, không phải là sự lên ngôi của các tiểu tự sự thay thế cho các đại tự sự thống trị; đúng hơn, nó là “hoàn cảnh cho phép các tiểu tự sự trở thành các chiến lược chính trị khả thi”(7).
Đến đây, khúc ngoặt ngôn ngữ của lý thuyết trò chơi có sự móc nối với khúc ngoặt chính trị học văn hóa. Trò chơi ngôn ngữ của nghệ thuật không đơn giản là một trò chơi vô tư, mang tính hình thức chủ nghĩa thuần túy nữa mà hàm ẩn tính chính trị ở bề sâu. Sự tìm tòi hình thức, những nỗ lực phá vỡ quy ước thể loại, ngữ pháp, ngữ nghĩa… trong văn chương hậu hiện đại, thực chất, chính là nỗ lực tạo hình cho các tiểu tự sự, kháng cự lại nguy cơ bị đồng hóa, bị hòa tan tiếng nói vào trong các đại tự sự. Không phải ngẫu nhiên khi tính trò chơi trong văn chương hậu hiện đại lại thể hiện đặc biệt rõ nét, nhiều khi cực đoan và táo bạo hơn cả, ở bộ phận văn chương nhỏ, phụ – mượn thuật ngữ của Gilles Deleuze – như văn chương nữ quyền, đồng tính, da màu, hậu thuộc địa… Phương diện chính trị này cho thấy nghệ thuật hậu hiện đại với diện mạo và tinh thần đậm tính trò chơi của mình, xét đến cùng, không hề đối lập với tính nghiêm túc, hơn nữa, nó mang tính can dự xã hội mạnh mẽ.
Chú thích
1. Johan Huizinga, Homo Ludens,Boston: Beacon Press, 1955, trang 173.
2. Johan Huizinga, tlđd, trang 4.
3. Jean-Francois Lyotard, Hoàn cảnh hậu hiện đại, Phạm Xuân Nguyên dịch, NXB Tri Thức, Hà Nội, 2007, trang 35.
4, 5. Jean-Francois Lyotard, tlđd, trang 80-81
6. John Gibson & Wolfgang Huemer [ed], The Literary Wittgenstein, London & New York: Routledge, 2004, trang 6.
7. Victor E. Taylor (ed.), The Encyclopedia of Postmodernism,New York: Routledge, 2001, trang 246.
Nguồn: Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 332, 2012