Tính hiện đại của đạo đức và hạnh phúc
Nguyễn Chí Hoan |
Là “cuốn sách nhập môn vào các vấn đề triết học của việc làm người và của loài người”, Tôi là ai - và nếu vậy thì bao nhiêu?* của Richard David Precht được cấu trúc bằng các chuỗi câu hỏi; cứ mỗi đáp án lại được dẫn dắt đến một câu hỏi khác và gợi ý một tính tương đối của mối liên hệ không thể tách rời giữa đạo đức với hạnh phúc.
Có lẽ nên nói về tính hiện đại của triết học, bởi đây là một “cuốn sách nhập môn vào các vấn đề triết học của việc làm người và của loài người” (tr.12); tuy nhiên rõ ràng tác giả cuốn sách này - một triết gia, nhà báo, nhà văn người Đức sinh năm 1964 - muốn tránh cái ấn tượng (vẫn được giả định phổ biến) coi triết học là lĩnh vực cao xa khô khan và chẳng rõ ích lợi gì, như một kinh nghiệm của chính tác giả khi còn là một sinh viên ngành triết ở Đại học Cologne: “Thêm nữa, tôi bức xúc khi thấy triết học đại học vô dụng đến mức nào.” (tr.8), mà một trong những lý do quan trọng là bởi tác giả nhận thấy triết học hướng về quá khứ có vai trò áp đảo trong hoạt động hàn lâm, lấn lướt triết học hướng về hiện tại.
Ý tưởng của Precht là trình bày triết học phương Tây như một lộ trình của tư tưởng hiện thời - những câu hỏi và luận chứng rõ ràng đã không từ trên trời rơi xuống. Nhưng đây không phải một lịch sử triết học, mặc dù trong điểm khởi hành tác phẩm có một tham chiếu quan trọng với lịch sử đó khi Precht nhìn thấy rằng chủ nghĩa duy vật trong triết học phương Tây ngày nay “đang ở cao trào thứ ba đến từ kết quả của ngành nghiên cứu não bộ” sau hai cao trào trước đó gắn với Khai sáng rồi với Học thuyết Tiến hóa của Darwin và các thành tựu của sinh vật học (tr.11).
Song, ở chừng mực đáng kể, Precht đặt mình vào phía những chất vấn đối với cao trào đó: anh ta cấu trúc tác phẩm này trên các câu hỏi chủ chốt của Immanuel Kant - “Tôi có thể biết gì? Tôi nên làm gì? Tôi có thể hy vọng gì?”
Lập trường này của Precht hàm chứa một định nghĩa về tính hiện đại của triết học, ngay từ chỗ anh ta triển khai câu hỏi cơ bản thứ nhất nêu trên vào câu “Người ta có thể biết gì về chính mình?” và đưa vào đáp án “một lựa chọn rất cá nhân” về “Bốn chiến sĩ tiên phong của nền tư duy hiện đại” gồm “Nhà vật lý học Ernst Mach sinh năm 1838, triết gia Friedrich Nietzsche 1844, nhà nghiên cứu não bộ Santiago Cajal 1852, và nhà phân tâm học Sigmund Freud 1856” (tr.13).
Tính hiện đại đó được thấy ngay trên tổng thể ba đáp án cho ba câu hỏi lớn vừa nêu: dung lượng lớn nhất dành cho đáp án về câu hỏi thứ hai - “Tôi nên làm gì?”. Triết học quay về việc trả lời và tư vấn cho những vấn nạn đạo đức, thoạt nhìn có vẻ khá là không hấp dẫn, cho dù thực tế là từ thập niên 1970, triết học đạo đức đã trở lại mạnh mẽ với các chủ đề lối sống hiện đại, các quan hệ chính trị thể chế-nhà nước-tôn giáo, khoa học và môi sinh. Nhưng Precht muốn nhấn mạnh cách nhìn từ các biến chuyển nền tảng đã định hướng toàn bộ suy nghĩ và các luồng tư tưởng qua hai thế kỷ đó cũng như đã phát lộ cái có thể gọi là tính tương đối của những quan niệm về đạo đức và hạnh phúc - những câu hỏi lớn có lẽ chưa bao giờ thúc bách như ngày nay khi mà văn minh loài người nhìn chung dường như đang thành tựu tột bậc.
Tương ứng với sự phát triển tri thức, những quan niệm về đạo đức ngày càng phức tạp về nội hàm - “Mỗi khi xã hội thấy một vấn đề mới thì cũng hình thành ngay một đạo đức mới” (tr.230) dựa trên các giá trị truyền thống bất di bất dịch như lương tâm, trách nhiệm, dân chủ, công bằng, bác ái. Tính hiện đại của sự phức tạp ấy là do các cơ sở tham chiếu của những quan niệm về đạo đức và hạnh phúc không ngừng tăng tiến độ phức tạp.
Precht vạch ra lược đồ phát triển ấy từ câu hỏi chủ điểm phần thứ nhất - “Tôi có thể biết gì?”
Chương mở đầu đáp án này có chủ đề “Sự thật là gì?” và đưa ra câu trả lời, thông qua luận chứng về Nietzsche với câu trích từ luận văn “Sự thật và dối trá” của ông - “Chúng ta chưa bao giờ đi tìm chính mình, vậy thì làm sao có chuyện một ngày nào đó chúng ta tìm thấy mình?” (tr.31), một câu trả lời đã làm rõ tính tương đối của khái niệm lâu đời về “Sự thật”, được củng cố bằng quan niệm hiện đại rằng các giác quan và bộ não con người vốn không hình thành để nhận thức thế giới như vốn thế, vậy nên không thể có năng lực nhận thức tuyệt đối khách quan. Hệ quả là, như Precht đặt ra, “Câu hỏi đầu tiên là: Bộ não sinh ra từ đâu? Và tại sao nó có cấu tạo như hiện tại?” (tr.32)
Để đi đến một câu hỏi như thế, và rồi đằng sau câu hỏi ấy, người ta hiểu rằng lao động và tri thức đã chất cao như núi rồi và vẫn còn tăng tiến, nhưng nó dường như vẫn sẽ không vượt qua được tính tương đối về sự thật - việc nghiên cứu bộ não có thể xem như một hệ thống cố tìm hiểu chính mình, đồng thời “còn lâu” mới thấu hiểu nổi cơ chế sản sinh ra tinh thần, ý thức và giác tính (tr.60) - và tính tương đối do ràng buộc về đạo đức - “Thách thức của môn nghiên cứu não đòi hỏi những suy nghĩ hoàn toàn mới về các khả năng và mối hiểm nguy đối với bộ não của chúng ta” (tr.364).
Đó là một trong những biểu thị phản biện của triết học đương thời đối với những say sưa khoa học của sinh học thần kinh và nghiên cứu não, những say sưa mà trong chừng mực nhất định nhà triết học này vẫn có thể chia sẻ - bởi “xét về mặt giải phẫu cơ thể có thể phân bạch rõ ý thức và vô thức” (tr.119) và việc nghiên cứu phần vô thức ấy, cái phần “vốn tạo nên phần lớn nhất trong kinh nghiệm và cả nhân cách của chúng ta” thì “hiện nay có lẽ đã trở thành lĩnh vực nghiên cứu quan trọng nhất tiến tới việc tự nhận thức có tính khoa học của con người.” (tr.125)
Tại sao vai trò của triết học lại vẫn còn, hơn nữa, là quan trọng như nó vốn thế, trong khi sinh học thần kinh, tâm lý học thực nghiệm và nghiên cứu não đã có thể chỉ ra cơ sở về mặt sinh lý của cảm xúc, trực giác đạo đức, cảm nhận về giá trị,... ? Bởi lẽ các động thái xã hội bắt nguồn từ những kích động tâm lý, nhưng việc phán xét đối với các kích động và trạng thái tâm lý đó lại luôn liên quan đến việc người ta có thể, có quyền đòi hỏi gì ở những người xung quanh, những người khác, v.v. và bao giờ những phán định đó cũng dựa trên những “hợp đồng” giữa con người với nhau; và “Khởi thủy của câu hỏi này là một vấn đề triết học” (tr.445)
Đằng sau tất cả các vấn đề về đạo đức và quan niệm về hạnh phúc là cái được nhìn nhận từ cổ xưa và không thay đổi: ý nghĩa. Dành những trang cuối nói về “ý nghĩa cuộc sống”, Precht viết rằng: ““Ý nghĩa” không là một đơn vị đo lường khoa học, không là một đồ vật, cũng không là một quá trình điện sinh lý.”, đó “không phải là một đặc tính của thế giới, mà là một cấu trúc đặc thù nhân tính”; và đó là chuyện “cái cân cũng không biết trọng lượng của chính mình.”(tr.499). Nhưng toàn bộ các trình thuật của cuốn “nhập môn” này hiển nhiên đã dựa trên những loạt nỗ lực kiểu “cái cân tự cân chính mình” của ngành nghiên cứu não.
Triết gia này rất hóm hỉnh: anh ta đã cấu trúc cuốn sách bằng các chuỗi câu hỏi; cứ mỗi đáp án lại được dẫn dắt đến một câu hỏi khác; và nó đã gợi ý một tính tương đối của mối liên hệ không thể tách rời giữa đạo đức với hạnh phúc - tính tương đối có nền tảng tâm sinh lý hẳn hoi, và nó tương đối vì hai ý niệm ấy không thể tách rời nhau mà tồn tại được.
---
* Tôi là ai - và nếu vậy thì bao nhiêu? Một chuyến du hành triết luận của Richard David Precht, Trần Vinh dịch, NXB Dân trí ấn hành tháng 1/2012.
Ý tưởng của Precht là trình bày triết học phương Tây như một lộ trình của tư tưởng hiện thời - những câu hỏi và luận chứng rõ ràng đã không từ trên trời rơi xuống. Nhưng đây không phải một lịch sử triết học, mặc dù trong điểm khởi hành tác phẩm có một tham chiếu quan trọng với lịch sử đó khi Precht nhìn thấy rằng chủ nghĩa duy vật trong triết học phương Tây ngày nay “đang ở cao trào thứ ba đến từ kết quả của ngành nghiên cứu não bộ” sau hai cao trào trước đó gắn với Khai sáng rồi với Học thuyết Tiến hóa của Darwin và các thành tựu của sinh vật học (tr.11).
Song, ở chừng mực đáng kể, Precht đặt mình vào phía những chất vấn đối với cao trào đó: anh ta cấu trúc tác phẩm này trên các câu hỏi chủ chốt của Immanuel Kant - “Tôi có thể biết gì? Tôi nên làm gì? Tôi có thể hy vọng gì?”
Lập trường này của Precht hàm chứa một định nghĩa về tính hiện đại của triết học, ngay từ chỗ anh ta triển khai câu hỏi cơ bản thứ nhất nêu trên vào câu “Người ta có thể biết gì về chính mình?” và đưa vào đáp án “một lựa chọn rất cá nhân” về “Bốn chiến sĩ tiên phong của nền tư duy hiện đại” gồm “Nhà vật lý học Ernst Mach sinh năm 1838, triết gia Friedrich Nietzsche 1844, nhà nghiên cứu não bộ Santiago Cajal 1852, và nhà phân tâm học Sigmund Freud 1856” (tr.13).
Tính hiện đại đó được thấy ngay trên tổng thể ba đáp án cho ba câu hỏi lớn vừa nêu: dung lượng lớn nhất dành cho đáp án về câu hỏi thứ hai - “Tôi nên làm gì?”. Triết học quay về việc trả lời và tư vấn cho những vấn nạn đạo đức, thoạt nhìn có vẻ khá là không hấp dẫn, cho dù thực tế là từ thập niên 1970, triết học đạo đức đã trở lại mạnh mẽ với các chủ đề lối sống hiện đại, các quan hệ chính trị thể chế-nhà nước-tôn giáo, khoa học và môi sinh. Nhưng Precht muốn nhấn mạnh cách nhìn từ các biến chuyển nền tảng đã định hướng toàn bộ suy nghĩ và các luồng tư tưởng qua hai thế kỷ đó cũng như đã phát lộ cái có thể gọi là tính tương đối của những quan niệm về đạo đức và hạnh phúc - những câu hỏi lớn có lẽ chưa bao giờ thúc bách như ngày nay khi mà văn minh loài người nhìn chung dường như đang thành tựu tột bậc.
Tương ứng với sự phát triển tri thức, những quan niệm về đạo đức ngày càng phức tạp về nội hàm - “Mỗi khi xã hội thấy một vấn đề mới thì cũng hình thành ngay một đạo đức mới” (tr.230) dựa trên các giá trị truyền thống bất di bất dịch như lương tâm, trách nhiệm, dân chủ, công bằng, bác ái. Tính hiện đại của sự phức tạp ấy là do các cơ sở tham chiếu của những quan niệm về đạo đức và hạnh phúc không ngừng tăng tiến độ phức tạp.
Precht vạch ra lược đồ phát triển ấy từ câu hỏi chủ điểm phần thứ nhất - “Tôi có thể biết gì?”
Chương mở đầu đáp án này có chủ đề “Sự thật là gì?” và đưa ra câu trả lời, thông qua luận chứng về Nietzsche với câu trích từ luận văn “Sự thật và dối trá” của ông - “Chúng ta chưa bao giờ đi tìm chính mình, vậy thì làm sao có chuyện một ngày nào đó chúng ta tìm thấy mình?” (tr.31), một câu trả lời đã làm rõ tính tương đối của khái niệm lâu đời về “Sự thật”, được củng cố bằng quan niệm hiện đại rằng các giác quan và bộ não con người vốn không hình thành để nhận thức thế giới như vốn thế, vậy nên không thể có năng lực nhận thức tuyệt đối khách quan. Hệ quả là, như Precht đặt ra, “Câu hỏi đầu tiên là: Bộ não sinh ra từ đâu? Và tại sao nó có cấu tạo như hiện tại?” (tr.32)
Để đi đến một câu hỏi như thế, và rồi đằng sau câu hỏi ấy, người ta hiểu rằng lao động và tri thức đã chất cao như núi rồi và vẫn còn tăng tiến, nhưng nó dường như vẫn sẽ không vượt qua được tính tương đối về sự thật - việc nghiên cứu bộ não có thể xem như một hệ thống cố tìm hiểu chính mình, đồng thời “còn lâu” mới thấu hiểu nổi cơ chế sản sinh ra tinh thần, ý thức và giác tính (tr.60) - và tính tương đối do ràng buộc về đạo đức - “Thách thức của môn nghiên cứu não đòi hỏi những suy nghĩ hoàn toàn mới về các khả năng và mối hiểm nguy đối với bộ não của chúng ta” (tr.364).
Đó là một trong những biểu thị phản biện của triết học đương thời đối với những say sưa khoa học của sinh học thần kinh và nghiên cứu não, những say sưa mà trong chừng mực nhất định nhà triết học này vẫn có thể chia sẻ - bởi “xét về mặt giải phẫu cơ thể có thể phân bạch rõ ý thức và vô thức” (tr.119) và việc nghiên cứu phần vô thức ấy, cái phần “vốn tạo nên phần lớn nhất trong kinh nghiệm và cả nhân cách của chúng ta” thì “hiện nay có lẽ đã trở thành lĩnh vực nghiên cứu quan trọng nhất tiến tới việc tự nhận thức có tính khoa học của con người.” (tr.125)
Tại sao vai trò của triết học lại vẫn còn, hơn nữa, là quan trọng như nó vốn thế, trong khi sinh học thần kinh, tâm lý học thực nghiệm và nghiên cứu não đã có thể chỉ ra cơ sở về mặt sinh lý của cảm xúc, trực giác đạo đức, cảm nhận về giá trị,... ? Bởi lẽ các động thái xã hội bắt nguồn từ những kích động tâm lý, nhưng việc phán xét đối với các kích động và trạng thái tâm lý đó lại luôn liên quan đến việc người ta có thể, có quyền đòi hỏi gì ở những người xung quanh, những người khác, v.v. và bao giờ những phán định đó cũng dựa trên những “hợp đồng” giữa con người với nhau; và “Khởi thủy của câu hỏi này là một vấn đề triết học” (tr.445)
Đằng sau tất cả các vấn đề về đạo đức và quan niệm về hạnh phúc là cái được nhìn nhận từ cổ xưa và không thay đổi: ý nghĩa. Dành những trang cuối nói về “ý nghĩa cuộc sống”, Precht viết rằng: ““Ý nghĩa” không là một đơn vị đo lường khoa học, không là một đồ vật, cũng không là một quá trình điện sinh lý.”, đó “không phải là một đặc tính của thế giới, mà là một cấu trúc đặc thù nhân tính”; và đó là chuyện “cái cân cũng không biết trọng lượng của chính mình.”(tr.499). Nhưng toàn bộ các trình thuật của cuốn “nhập môn” này hiển nhiên đã dựa trên những loạt nỗ lực kiểu “cái cân tự cân chính mình” của ngành nghiên cứu não.
Triết gia này rất hóm hỉnh: anh ta đã cấu trúc cuốn sách bằng các chuỗi câu hỏi; cứ mỗi đáp án lại được dẫn dắt đến một câu hỏi khác; và nó đã gợi ý một tính tương đối của mối liên hệ không thể tách rời giữa đạo đức với hạnh phúc - tính tương đối có nền tảng tâm sinh lý hẳn hoi, và nó tương đối vì hai ý niệm ấy không thể tách rời nhau mà tồn tại được.
---
* Tôi là ai - và nếu vậy thì bao nhiêu? Một chuyến du hành triết luận của Richard David Precht, Trần Vinh dịch, NXB Dân trí ấn hành tháng 1/2012.