Home » » Cổ tích Trần Quốc Vượng

Cổ tích Trần Quốc Vượng

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012 | 07:23


Cổ tích Trần Quốc Vượng
HOÀNG Hồng-Minh

Chân dung GS TRẦN QUỐC VƯỢNG
Tranh sơn dầu của Đinh Quang Tỉnh
Ngày xưa anh Vượng thỉnh thoảng kể cho tôi nghe những câu chuyện cổ tích. Trong thế giới cổ tích của tôi từ khi nào đã có chính bản thân anh, Trần Quốc Vượng.
Trần Quốc Vượng thích được gọi là "anh", cho nó trẻ một thể. Như thế cũng tiện hơn với các loại bạn bè mọi trang lứa, và khôn hơn khi anh giao lưu với các phụ nữ trẻ. Còn xưng, thì anh thích là "tớ". Không nghi ngờ gì nữa, nền xưng hô ở xứ Việt phức tạp nhất thế giới, vượt xa cả xứ Trung Hoa, từ đồng nghĩa với "hết hiểu" trong nhiều ngôn ngữ! 

Tôi mà được bầu làm nghị sĩ xứ Việt, tôi sẽ đề xuất một dự luật về xưng hô trong giao tiếp hành chính công cộng: xưng, phải là "tôi"; gọi, phải là "ông" hoặc "bà". Trong mọi giao tiếp trong nước, trong mọi giao tiếp ngoài nước bất kể thể chế xã hội, không một ngoại lệ!

Còn lại khi gặp nhau riêng tư, kể ra nghe "tớ" thật êm ấm, chắc theo xếp hạng ngày xưa thì "tôi" còn trên "tớ" một bậc. Thật là khiêm nhường.

Anh Vượng nói năng với tempo rất từ tốn, giọng trung, nhưng sắc, đọng. Nếu chỉ đọc cái anh viết, mà không được nghe khẩu khí của anh, sự thiệt thòi ấy không thể bù đắp được. 
Về tâm thế, giữa cung đình và dân gian, anh chọn hẳn dân gian. 

Anh thích điền dã, vỉa hè, góc nhà bạn bè, và những người thất thế. "Tớ phù suy" là câu cửa miệng của anh. 

Phía bên kia của anh, là "các bố ấy".

Ở Hà Nội trước kia đi đâu thì đi, đến mùa rét về, lá bàng đỏ cạu, mọi người co nhau lại, tụ tập nhau. Thời ấy đâu đã có nhiều "dây nói". Cả phía bắc số điện thoại chỉ có 4 chữ số! "Không dây" như mobile thì đừng bàn, thế giới còn chưa có nhé. Cả mãi sau này, ai muốn gọi một cú điện thoại ra nước ngoài thì phải thư từ hẹn nhau từ trước đó cả tháng, rồi chuẩn bị cả một đống tiền, rồi ra bưu điện. Mất cả một buổi sáng, và mất đến bao nhiêu bữa ăn cho cả một gia đình, xót hết cả ruột! 

Tóm lại thời ấy chỉ có nền í ới nhau trực tiếp. Cả nước là một nền tâm sự vụn, ai nói thế nhỉ? Thế mà gặp nhau rất nhiều, và ít lỡ hẹn, mới biết cái lối sống còn quan trọng hơn sự hỗ trợ của công nghệ.

Với dân “ngâm cứu”, phổ biến là kiểu gặp nhau ở các quán trà, hoặc sang hơn và hiếm hơn, ở các quán càfê xung quanh các viện nghiên cứu vào ngày các viện này họp hành. Thế rồi không khí các câu chuyện ở đó thường nóng dần lên về cuối giờ, cuối cùng một "chiến sĩ" nào đó phải xung phong lần này rước cả đám về nhà mình. Mua chai rượu "quốc lủi" thút lá chuối khô, ít gói lạc rang, kẹo lạc, ít thuốc lá thuốc lào, thêm lạng trà ngon, thế là xong, mà cũng hết mấy phần của tháng lương. Giàu hơn nữa thì cũng có những buổi "đập phá", nghĩa là ăn uống mặn, nhưng hiếm hơn.

Các quán quanh các công sở nghiên cứu thời đó tuy chưa bao giờ được ghi vào niên giám, nhưng đã nằm trong bản đồ của bạn bè. Nếu bạn định tìm một nhà nghiên cứu "dân gian" nào, cách tốt nhất là tìm họ ở các quán đó. Dù không bắt được ngay anh ta, thì chủ quán hoặc các “nghiên cứu quán” ở đó cũng chỉ ra cho bạn biết ngay là vị ấy đang làm gì, ở đâu, kể cả đang đi công tác xa nơi nào và bao giờ sẽ về! “Các nhà nghiên cứu cung đình” thì không bao giờ lai vãng những quán này, vừa tốn tiền, vừa không biết nói chuyện gì, mà lơ mơ là bị knocked-out liền! Chả dại.

Anh Vượng thích trà thích rượu thích bia, tửu lượng thường thường bậc trung.

Anh hay bảo "thế nào tớ cũng phải viết cuốn 'người Việt xấu xí', thừa hết tư liệu rồi". Không biết cuối cùng anh có viết không.

Tôi đặc biệt khó chịu chữ “nam” bị người Trung Hoa lạm gọi các địa danh theo cách lấy họ làm trung tâm, gọi cho đến tít tận xứ “Nam Dương” bất chấp tên người ta là Indonesia. Tôi bảo anh việc họ gọi như thế là lối chủ quan của họ đã đành, nhưng người Việt không nên tự gọi thêm mình là “nam”. Anh Vượng thì bảo “cứ gọi thế, để mình đừng bao giờ quên phải xử lý cái ‘bắc’ ”.

Những buổi tụ tập về nhà, trời rét, cài kín cửa, khói thuốc lá thuốc lào đặc quạnh không gian! Nhưng niềm vui thì quả là ngây ngất, vô tận.

----

Thời gian đâu có chịu dừng! Ngày cưới con gái anh cập bến… Anh làm một ngày riêng trước đó với mấy bạn bè phù suy. 

Cả căn hộ của anh ở Kim Liên trở thành các góc phòng vẽ. Các họa sĩ có tiếng thời đó vẽ cô con gái rượu sắp cưới của anh để làm quà cho gia đình.

Rồi bữa tiệc trưa dân dã được bày ngay ở sàn nhà trải chiếu. Trên mặt chiếu lót một lô báo ngày, hồi ấy thì cũng chỉ có vài tờ báo ngày thôi.

Người anh cả hôm ấy là Bùi Xuân Phái. Sự ngưỡng mộ ông Phái thật là hồn nhiên, ngay ở trong giới họa sĩ, khi gặp nhau trực tiếp. Ông Phái cao ráo, trắng trẻo, thông thái, thanh thoát. Ông có vài cái bút dạ khác màu luôn luôn dắt ở túi áo ngực. Vừa ăn vừa uống, thỉnh thoảng ông lại lấy bút dạ ra, vẽ lên mấy góc báo, lề báo trống. Đám anh em trong mâm hô hào xí phần theo lượt, xé cắt ngay các mẩu báo đó cất vào túi, như một cuộc đào vàng thành công cho mình. 

Ông Phái biết rất rõ giá trị của chính mình. Ông bảo "tranh là gặp gỡ. Tranh của tôi bây giờ rẻ như bèo, vài chục đô một chiếc. Sau này sẽ đắt như vàng, nhưng lúc đó tôi đã chết ngoẻo từ bao giờ mất rồi." 

Ông Phái ngắm mãi người của tôi, trẻ măng khi ấy. Rồi ông đòi giấy vẽ nghiêm chỉnh, vẽ hồi lâu bức "người của tôi”. Mọi người nín thở, dừng ăn uống theo dõi. Theo "luật của hội”, do bức này được vẽ cẩn thận đàng hoàng, chứ không phải là “một mẩu vẽ thoáng vụt trên góc báo", tôi không được quyền nhận nó, mà nó phải thuộc về chủ sự, nghĩa là anh Vượng. Anh Vượng cầm bức tranh ngắm nghía cùng các anh khác mãi không thôi, cuối cùng anh ân cần vị tha trao lại nó cho tôi! Tôi biết anh xót tiếc nó lắm, và tôi cũng thật chịu ơn cả tác giả lẫn chủ nhà.

----

Thời gian, ôi thời gian. Những bạn bè vong niên ấy, vẫn như ngồi quanh mình hôm nao, cứ như những chiếc lá bàng chín đỏ dần khi mùa đông về, để rồi theo gió lạnh mà hun hút bay đi.

Ngày xưa anh Vượng thỉnh thoảng kể cho tôi nghe những câu chuyện cổ tích. Trong thế giới cổ tích của tôi từ khi nào đã có chính bản thân anh, Trần Quốc Vượng.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved