Minh Châu |
Chưa có câu trả lời chính xác cho câu hỏi đó, bởi các thống kê về lượng sách tiêu thụ hằng năm không tính đến sách lậu bán vỉa hè và số lượt e-book lậu được tải về từ mạng.
Bấy lâu nay người Việt Nam bị kết luận là không thích đọc sách. Bằng chứng là lượng sách in ra trên mỗi đầu sách vô cùng khiêm tốn, những đầu sách giải trí bán chạy nhất cũng khó lòng lên nổi con số 10.000 bản, chứ chưa nói đến những đầu sách có giá trị tư tưởng, hàm lượng tri thức cao và mang tiếng khó đọc. Ở một đất nước có hơn 80 triệu dân, trong đó khoảng 30% là dân thành thị, thì con số ấy quả là giễu cợt. Và cứ theo các thống kê lượng sách bán ra hằng năm, mỗi người Việt Nam mỗi năm đọc chưa đến một cuốn sách, bất kể sách giải trí hay sách công cụ… Nhưng những con số thống kê ấy liệu đáng tin đến đâu khi nó đã bỏ qua một lượng lớn sách lậu đang bán tràn lan ở các sạp vỉa hè và những cộng đồng đông đảo người đọc sách lậu trên mạng?
Hơn mọi hiệu sách
Việt Nam hiện có khoảng vài chục diễn đàn và website chia sẻ e-book không bản quyền đủ mọi thể loại và ngôn ngữ, miễn phí hoặc có thu phí, với số lượng thành viên khổng lồ. e-thuvien.com - một diễn đàn chia sẻ e-book thuộc hàng lớn nhất, có gần 750.000 thành viên, theo như số liệu được đưa lên công khai. Nếu tính đến khả năng một người đăng ký nhiều tài khoản khác nhau, thì ít nhất cũng có khoảng 300.000 đến 400.000 thành viên là người thực. Ở đây, e-book được chia thành các thể loại khác nhau: Văn học trong nước, Văn học nước ngoài, Thi ca, Tùy bút - Biên khảo, Lịch sử, Triết học, Tôn giáo, Kinh tế, Khoa học, Kiếm hiệp - Dã sử… với số lượng đầu sách có thể nói là phong phú hơn bất cứ hiệu sách nào. Các thành viên có thể tải về những cuốn sách xuất bản từ thời 1930-1945 cho đến những cuốn sách vừa mới “ra lò”. Những cuốn sách mới nhất, “hot” nhất được các thành viên tích cực của diễn đàn liên tục cập nhật từng chương, từng đoạn nhỏ, chờ khi hoàn thành sẽ chế bản thành một e-book trọn vẹn.
Ở những kho sách điện tử như thế này, bất cứ người sử dụng internet nào cũng có thể tải xuống hàng nghìn cho đến hàng chục nghìn đầu sách bằng nhiều định dạng để đọc trên các thiết bị khác nhau như máy đọc sách điện tử, máy tính bảng, điện thoại di động, máy tính cá nhân một cách đơn giản và tiện lợi.
Hẳn các nhà phát hành sách sẽ rất ngạc nhiên khi thấy số lượng các sách được cho là cao cấp, khó đọc hay kén độc giả được đưa lên chia sẻ và tải xuống không hề ít, trong tương quan với các loại sách giải trí có đông đảo độc giả. Chính bản thân người viết cũng lấy làm ngạc nhiên khi thấy cuốn Emile hay là về giáo dục của Rousseau, Phê phán lý tính thuần túycủa Kant, Bàn về tự do của John Stuart Mill và nhiều cuốn sách không hề dễ đọc khác cũng được gõ lại và thậm chí có từ 5.000-10.000 lượt người tải xuống, chưa kể đến việc chúng còn được chia sẻ ở nhiều nơi khác trên internet.
Chịu khó “đào bới” các diễn đàn kỹ hơn, bạn sẽ thấy việc nói người Việt Nam lười đọc sách hẳn là một kết luận hơi vội vàng, bởi sau mỗi phần chia sẻ sách miễn phí, là vô số lời cảm ơn, “sâu sắc” và “vô hạn”, dành cho những người đã có công đưa sách lên mạng, hoặc bày tỏ sự yêu thích của mình đối với cuốn sách được tải về.
Không chỉ có vậy, ở trang mạng xã hội face-book cũng có không ít các Hội đọc sách, Hội yêu sách… với số lượng thành viên lên đến con số hàng chục nghìn. Người viết bài này còn dám khẳng định phần lớn các máy đọc sách điện tử, máy tính bảng, điện thoại di động thông minh đang được sử dụng ở Việt Nam, đều cài đặt một hoặc nhiều phần mềm đọc sách điện tử, sẵn sàng giúp chủ nhân tiếp cận tri thức.
Từ những điều kể trên, có thể nói cộng đồng người đọc sách và yêu sách ở Việt Nam không hề nhỏ, và họ cũng không chỉ đọc những sách giải trí thị trường, chỉ có điều, vì nhiều lý do, họ không muốn hoặc chưa muốn mua sách in hoặc sách điện tử được phát hành một cách chính thống mà thôi.
Những ngần ngại
Tất nhiên không thể khẳng định 5.000 người tải xuống cuốn Bàn về tự do của John Stuart Mill sẽ bỏ tiền mua bản sách đó ở trong hiệu nếu không có bản điện tử chia sẻ miễn phí. Nhưng cũng không thể vô tư mà nói rằng việc chia sẻ vô tội vạ e-book lậu trên mạng không ảnh hưởng gì đến ngành xuất bản. Nói cách khác, chính cái suy nghĩ coi tri thức như một thứ cần phải được chia sẻ miễn phí này đã và đang góp phần bóp nghẹt ngành xuất bản non trẻ và yếu ớt của Việt Nam.
Nước ta chưa chứng kiến tiền lệ nào những website như vậy bị kiện hay đóng cửa. Nhưng nếu nhìn ra nước ngoài, có thể thấy, đến nay những website cung cấp e-book lậu lớn đều đã bị vô hiệu hóa. Mới đây, hai website là www.ifile.it và www.library.nu (tức là gigapedia.org), mỗi website lưu trữ khoảng 400.000 - 500.000 đầu sách, đã bị đóng cửa sau khi bị liên minh các nhà xuất bản của nhiều nước đâm đơn kiện. Hai website này cho tải sách về miễn phí nhưng kiếm được đến 8 triệu USD từ quảng cáo. Sau khi vụ kiện thắng lợi, ông Jens Bammel, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà xuất bản quốc tế (IPA), khẳng định: “Chúng tôi sẽ không khoan nhượng với những kẻ kiếm lời bất chính bằng việc đánh cắp lợi nhuận mà các nhà xuất bản xứng đáng được hưởng”. Còn giám đốc điều hành IPA, ông Alexander Skipis, thì nhận định, hành vi xâm phạm bản quyền một cách có hệ thống giờ đây đã trở thành “một loại tội phạm nguy hiểm và một ngành kinh doanh béo bở”.
Nhưng ở Việt Nam, có rất nhiều lý do ngăn cản các nhà xuất bản khởi kiện các website chia sẻ e-book không bản quyền, mà nguyên nhân quan trọng nhất là hầu hết các website này đều có máy chủ đặt ở nước ngoài, người quản trị chính cũng sống ở nước ngoài. Đã có những website từng bị đóng cửa hoặc bị chặn, nhưng chỉ được một thời gian ngắn, để rồi trở lại còn lớn mạnh hơn trước, bởi hệ thống luật pháp của chúng ta chưa hoàn thiện và các chế tài cũng chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, vì hầu hết các website này chia sẻ e-book một cách phi lợi nhuận, nên việc kiện cáo dễ kéo theo thái độ thù ghét của hàng trăm nghìn thành viên đối với nhà xuất bản. Đây chính là điều khiến các nhà xuất bản cảm thấy hết sức ngần ngại khi phải đối đầu với các website e-book lậu, nhất là vì bản thân họ cảm thấy mình đơn độc hoặc chưa đủ mạnh. Đơn vị quản lý cấp nhà nước là Cục xuất bản cũng chưa có những động thái thích hợp hỗ trợ giới xuất bản trong việc bảo vệ bản quyền của mình. “Một cây làm chẳng nên non”, nếu chỉ một nhà xuất bản đơn lẻ khởi kiện thì khác nào đá ném ao bèo, không khéo còn bị những người quen tải sách miễn phí tẩy chay.
Chưa có cơ quan nào làm công việc ước tính thiệt hại do các website e-book lậu gây ra cho ngành xuất bản, và ảnh hưởng lâu dài của chúng ra sao, nhưng nếu tình trạng này còn kéo dài, thì các đơn vị xuất bản sẽ ngày càng khó trụ lại trong thị trường sách vốn đã èo uột. Để cho ra đời một cuốn sách phải tốn biết bao nhiêu công của nhưng chưa kịp thu hồi vốn thì sách đã phát tán đầy rẫy trên mạng. Lòng đam mê cùng lửa nhiệt tình của những người làm sách chân chính làm sao mà không lụi dần khi công lao của họ cứ ngang nhiên bị đánh cắp như vậy.
Nói Việt Nam chưa hình thành một nền văn hóa đọc là chính xác, song có lẽ không phải bởi người Việt Nam ít đọc sách, mà là vì, nhiều người trong chúng ta chưa có văn hóa đọc đấy thôi.
Hơn mọi hiệu sách
Việt Nam hiện có khoảng vài chục diễn đàn và website chia sẻ e-book không bản quyền đủ mọi thể loại và ngôn ngữ, miễn phí hoặc có thu phí, với số lượng thành viên khổng lồ. e-thuvien.com - một diễn đàn chia sẻ e-book thuộc hàng lớn nhất, có gần 750.000 thành viên, theo như số liệu được đưa lên công khai. Nếu tính đến khả năng một người đăng ký nhiều tài khoản khác nhau, thì ít nhất cũng có khoảng 300.000 đến 400.000 thành viên là người thực. Ở đây, e-book được chia thành các thể loại khác nhau: Văn học trong nước, Văn học nước ngoài, Thi ca, Tùy bút - Biên khảo, Lịch sử, Triết học, Tôn giáo, Kinh tế, Khoa học, Kiếm hiệp - Dã sử… với số lượng đầu sách có thể nói là phong phú hơn bất cứ hiệu sách nào. Các thành viên có thể tải về những cuốn sách xuất bản từ thời 1930-1945 cho đến những cuốn sách vừa mới “ra lò”. Những cuốn sách mới nhất, “hot” nhất được các thành viên tích cực của diễn đàn liên tục cập nhật từng chương, từng đoạn nhỏ, chờ khi hoàn thành sẽ chế bản thành một e-book trọn vẹn.
Ở những kho sách điện tử như thế này, bất cứ người sử dụng internet nào cũng có thể tải xuống hàng nghìn cho đến hàng chục nghìn đầu sách bằng nhiều định dạng để đọc trên các thiết bị khác nhau như máy đọc sách điện tử, máy tính bảng, điện thoại di động, máy tính cá nhân một cách đơn giản và tiện lợi.
Hẳn các nhà phát hành sách sẽ rất ngạc nhiên khi thấy số lượng các sách được cho là cao cấp, khó đọc hay kén độc giả được đưa lên chia sẻ và tải xuống không hề ít, trong tương quan với các loại sách giải trí có đông đảo độc giả. Chính bản thân người viết cũng lấy làm ngạc nhiên khi thấy cuốn Emile hay là về giáo dục của Rousseau, Phê phán lý tính thuần túycủa Kant, Bàn về tự do của John Stuart Mill và nhiều cuốn sách không hề dễ đọc khác cũng được gõ lại và thậm chí có từ 5.000-10.000 lượt người tải xuống, chưa kể đến việc chúng còn được chia sẻ ở nhiều nơi khác trên internet.
Chịu khó “đào bới” các diễn đàn kỹ hơn, bạn sẽ thấy việc nói người Việt Nam lười đọc sách hẳn là một kết luận hơi vội vàng, bởi sau mỗi phần chia sẻ sách miễn phí, là vô số lời cảm ơn, “sâu sắc” và “vô hạn”, dành cho những người đã có công đưa sách lên mạng, hoặc bày tỏ sự yêu thích của mình đối với cuốn sách được tải về.
Không chỉ có vậy, ở trang mạng xã hội face-book cũng có không ít các Hội đọc sách, Hội yêu sách… với số lượng thành viên lên đến con số hàng chục nghìn. Người viết bài này còn dám khẳng định phần lớn các máy đọc sách điện tử, máy tính bảng, điện thoại di động thông minh đang được sử dụng ở Việt Nam, đều cài đặt một hoặc nhiều phần mềm đọc sách điện tử, sẵn sàng giúp chủ nhân tiếp cận tri thức.
Từ những điều kể trên, có thể nói cộng đồng người đọc sách và yêu sách ở Việt Nam không hề nhỏ, và họ cũng không chỉ đọc những sách giải trí thị trường, chỉ có điều, vì nhiều lý do, họ không muốn hoặc chưa muốn mua sách in hoặc sách điện tử được phát hành một cách chính thống mà thôi.
Những ngần ngại
Tất nhiên không thể khẳng định 5.000 người tải xuống cuốn Bàn về tự do của John Stuart Mill sẽ bỏ tiền mua bản sách đó ở trong hiệu nếu không có bản điện tử chia sẻ miễn phí. Nhưng cũng không thể vô tư mà nói rằng việc chia sẻ vô tội vạ e-book lậu trên mạng không ảnh hưởng gì đến ngành xuất bản. Nói cách khác, chính cái suy nghĩ coi tri thức như một thứ cần phải được chia sẻ miễn phí này đã và đang góp phần bóp nghẹt ngành xuất bản non trẻ và yếu ớt của Việt Nam.
Nước ta chưa chứng kiến tiền lệ nào những website như vậy bị kiện hay đóng cửa. Nhưng nếu nhìn ra nước ngoài, có thể thấy, đến nay những website cung cấp e-book lậu lớn đều đã bị vô hiệu hóa. Mới đây, hai website là www.ifile.it và www.library.nu (tức là gigapedia.org), mỗi website lưu trữ khoảng 400.000 - 500.000 đầu sách, đã bị đóng cửa sau khi bị liên minh các nhà xuất bản của nhiều nước đâm đơn kiện. Hai website này cho tải sách về miễn phí nhưng kiếm được đến 8 triệu USD từ quảng cáo. Sau khi vụ kiện thắng lợi, ông Jens Bammel, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà xuất bản quốc tế (IPA), khẳng định: “Chúng tôi sẽ không khoan nhượng với những kẻ kiếm lời bất chính bằng việc đánh cắp lợi nhuận mà các nhà xuất bản xứng đáng được hưởng”. Còn giám đốc điều hành IPA, ông Alexander Skipis, thì nhận định, hành vi xâm phạm bản quyền một cách có hệ thống giờ đây đã trở thành “một loại tội phạm nguy hiểm và một ngành kinh doanh béo bở”.
Nhưng ở Việt Nam, có rất nhiều lý do ngăn cản các nhà xuất bản khởi kiện các website chia sẻ e-book không bản quyền, mà nguyên nhân quan trọng nhất là hầu hết các website này đều có máy chủ đặt ở nước ngoài, người quản trị chính cũng sống ở nước ngoài. Đã có những website từng bị đóng cửa hoặc bị chặn, nhưng chỉ được một thời gian ngắn, để rồi trở lại còn lớn mạnh hơn trước, bởi hệ thống luật pháp của chúng ta chưa hoàn thiện và các chế tài cũng chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, vì hầu hết các website này chia sẻ e-book một cách phi lợi nhuận, nên việc kiện cáo dễ kéo theo thái độ thù ghét của hàng trăm nghìn thành viên đối với nhà xuất bản. Đây chính là điều khiến các nhà xuất bản cảm thấy hết sức ngần ngại khi phải đối đầu với các website e-book lậu, nhất là vì bản thân họ cảm thấy mình đơn độc hoặc chưa đủ mạnh. Đơn vị quản lý cấp nhà nước là Cục xuất bản cũng chưa có những động thái thích hợp hỗ trợ giới xuất bản trong việc bảo vệ bản quyền của mình. “Một cây làm chẳng nên non”, nếu chỉ một nhà xuất bản đơn lẻ khởi kiện thì khác nào đá ném ao bèo, không khéo còn bị những người quen tải sách miễn phí tẩy chay.
Chưa có cơ quan nào làm công việc ước tính thiệt hại do các website e-book lậu gây ra cho ngành xuất bản, và ảnh hưởng lâu dài của chúng ra sao, nhưng nếu tình trạng này còn kéo dài, thì các đơn vị xuất bản sẽ ngày càng khó trụ lại trong thị trường sách vốn đã èo uột. Để cho ra đời một cuốn sách phải tốn biết bao nhiêu công của nhưng chưa kịp thu hồi vốn thì sách đã phát tán đầy rẫy trên mạng. Lòng đam mê cùng lửa nhiệt tình của những người làm sách chân chính làm sao mà không lụi dần khi công lao của họ cứ ngang nhiên bị đánh cắp như vậy.
Nói Việt Nam chưa hình thành một nền văn hóa đọc là chính xác, song có lẽ không phải bởi người Việt Nam ít đọc sách, mà là vì, nhiều người trong chúng ta chưa có văn hóa đọc đấy thôi.