Home » » Nhận định hiện tượng luận -Về sự sáng tạo

Nhận định hiện tượng luận -Về sự sáng tạo

Written By kinhtehoc on Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012 | 06:48


Có lẽ chưa có một khoa học nào lại có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ tới tư tưởng thế giới thế kỷ XX và XXI như Hiện tượng luận. Hiện tượng luận, như ông tổ của nó, Edmund Husser đã chỉ ra, trước hết nó là một môn học về bản chất các hiện tượng; và lập trường của nó kêu gọi chủ thể tính bằng phương pháp truy nguyên bản chất hãy quay về với chính sự vật. Trải qua những phê phán và không ngừng phê phán, Hiện tượng luận đã phát triển và hoàn thiện lập thuyết của Husserl, với nhiều nhánh khác nhau, mà mỗi nhánh ấy đều có ảnh hưởng nhất định tới các lý thuyết văn học "đình đám" trong 2 thế kỷ này.
Hiện tượng luận thông diễn của M. Heidegger (Hermeneutical Phenomenology) đã đặt nền cho lý thuyết thông diễn học trong văn học, với sự góp mặt của nhiều tên tuổi vĩ đại như H. Gadamer, D. Hirsch, Paul De Man, P. Ricoeur, đặc biệt là sự mở ra với thuyết giải - cấu trúc (Deconstruction) với các tên tuổi như J. Dérrida, M. Foucault, J. Habermas... Hiện tượng học tri giác của Maurice Merleau Ponty từ khi ra đời đã nhanh chóng khẳng định vị trí của mình trong các khoa học nhân văn, đặc biệt là lý thuyết tiếp nhận trong văn học, ở phương pháp phê bình ấn tượng, phê bình trực giác. Những phương pháp này có sức ám ảnh lớn tới phê bình hậu hiện đại, mà chúng ta sẽ thấy sau này. Ở Việt Nam, trước 1975, việc tiếp nhận Hiện tượng luận chủ yếu từ Hiện tượng luận tri giác của Merleau Ponty và Hiện tượng luận hiện sinh như là sự phát triển trực tiếp trên nền tảng Hiện tượng luận tiên nghiệm của   E. Husserl, có tác động trực tiếp tới lý thuyết văn học hiện sinh, lý thuyết cơ cấu luận tinh thần (cấu trúc luận) với các tên tuổi lớn như J. Sartre, K. Jasper, G. Marcel, J. Lancan, J. Piaget...
Với ý nghĩa quan trọng ấy của Hiện tượng luận đối với việc lập thức và lập thuyết về tư tưởng văn học, Tạp chí Nhà văn tổ chức chuyên đề Hiện tượng luận và văn học [Việt Nam]nhằm kiếm tìm hướng đi căn bản, xác lập nền tảng nhận thức luận cho phê bình cũng như sáng tạo trong văn học Việt Nam từ Vấn đề lập thức và lập thức về tư tưởng Việt Nam của Phạm Công Thiện qua Nhận định hiện tượng luận Về sự sáng tạo của Trần Bích Lan đếnTrở về với Kiều trong tư thế hồn nhiên của Võ Công Liêm.


Nguyên sa TRẦN BÍCH LAN
 
  
Nhận định hiện tượng luận 
Về sự sáng tạo

 

I.
 
 
Người đọc sách thường nuôi dưỡng trong trí tưởng tượng một ấn tượng mơ hồ về người làm văn. Những kẻ rẻ rúng văn chương nghĩ rằng bọn nhà văn gồm một lớp người quái đản, gàn dở lập dị. Lối sống của họ là lối sống mơ mộng, tuyệt đối xa lánh cuộc đời thực tế, thường nhật. Cuộc đời của họ chìm trong sự bừa bãi, sa đọa, trác táng. Những kẻ khác sẵn có một thiện cảm văn chương hình dung những người làm văn như một thần tượng. Những người văn nghệ, theo họ là những người siêu đẳng. Nếp sống và cuộc đời văn nghệ không có lấy một nét tương tự với cuộc đời của chúng nhân. Mắt người văn nghệ phải đăm chiêu hay mơ mộng. Mớ tóc phải bù tung. Thái độ thường xuyên của nhà văn phải là một thái độ luôn luôn khinh bạc đối với cuộc sống cũng như đối với người đời. Tóm lại thế giới của văn nghệ bao gồm những sự kiện bài trí cố hữu khi thì là trăng sáng gió thổi mây bay, khi thì là rượu ngọt kỳ nữ, là những cuộc mạn đàm thanh tịnh hay là những cuộc truy hoan suốt sáng thâu đêm. Những hình ảnh công thức vì con người văn nghệ đó hầu như quá quen thuộc trong đời sống xã hội nên thường gây ra những tác dụng khôi hài khi những hình ảnh tưởng tượng bị đem đối chiếu với thực tại, bị thực tại làm cho đổ vỡ. Người nuôi trong óc tưởng tượng một hình ảnh công thức về nhà văn thường tỏ dấu ngạc nhiên khi thấy con người văn nghệ thực sự không phù hợp với mẫu người tưởng tượng được nặn nên trong trí óc mình. Có người hỏi: Thi sĩ làm sao sống thực tế quá như vậy? Có người thốt lên lời kinh ngạc: Văn nghệ mà cũng trần tục như thế ư? Nơi những người văn nghệ thường có phản ứng khác nhau.
Những người văn nghệ chưa ý thức được vai trò của mình, việc làm của mình thường bị những hình ảnh công thức của cộc đời xâm chiếm. Họ khoác trên vai, trên mỗi hành động cử chỉ cái lớp áo văn nghệ khuôn sáo mà người đời mặc cho họ. Nhưng đa số người hiểu thấu đáo nghề làm văn từ khước lớp áo văn nghệ hợp với thời trang đó. Một người văn nghệ bảo tôi: “Trong những giờ phút gần gũi người đàn bà tôi thường vạch rõ cho họ thấy cái khía cạnh “người” nhất của tôi. Có thể là bỉ ổi. Có thể là chán chường. Nhưng nhất định không nói chuyện văn chương. Phải gác văn nghệ sang một bên”. Thái độ đó có thể coi như một phản ứng chống lại mọi sự đóng khuôn, mọi sự công thức hóa, kỹ nghệ hóa cuộc sống văn nghệ bởi đời người. Cho nên cần phải nói thẳng rằng: Người làm văn cũng biết no, biết đói, biết ăn ngủ kỹ, phải biết đau khổ mến yêu. Họ cũng biết sống như tất cả mọi người thường trực trong những mối lo âu về thế sự cuộc đời hay tình riêng. Họ cũng sống liên đới mật thiết với vũ trụ, xã hội và vạn vật bao quanh. Lý do thật giản dị: Trước khi là nhà văn, họ là người và khi sống thường xuyên trong cuộc đời văn nghệ, nhà văn vẫn không ngừng là người bởi lẽ không thể ngừng được.
Sự sống liên đới với cuộc đời đó còn cần thiết hơn nữa cho người làm văn, bởi vì đó là một trong những điều kiện sáng tạo. Cuộc đời đem lại cho nhà văn một phần chất liệu trong tác phẩm. Tiểu thuyết gia sẽ không biết viết gì cả, họa sĩ không biết vẽ gì cả, thi sĩ không biết ngợi ca gì cả nếu họ không biết yêu mến, buồn giận, đau đớn, khinh ghét. Và những tình cảm vui buồn đó cần thiết phải được phát xuất ra từ sự va chạm với cuộc đời. Phải yêu mới nói lên được chữ tình, phải chán chường mới giãi tỏ được niềm đau. Bởi vì sáng tác là thành thật chứ không phải tuân theo quy tắc. Không thể mô tả tình cảm, giãi bày tư tưởng theo sự minh định của sách tâm lý học, theo những đường lối chính trị đã được hoạch định trong những bài xã thuyết khô khan. Không sống trong sự va chạm thường xuyên với cuộc đời, người văn nghệ sẽ chỉ sản xuất được những tác phẩm giai đoạn, những tiếng vang của giọng hô khẩu hiệu, những ý tưởng cán bộ cấp xã. Cho nên muốn có được một hình ảnh xác đáng về người văn nghệ thì trước hết phải nhớ rằng, họ vẫn là một người sống mật thiết với cõi đời, với xã hội.
Nhưng những chất liệu đến từ cuộc đời chưa đủ để làm nên tác phẩm văn nghệ. Lí do cũng thật giản dị: Không phải chỉ riêng nhà văn mới biết sống va chạm với cuộc đời. Mọi người đều sống mật thiết với cuộc đời và duy chỉ người văn nghệ mới rút ra được những chất liệu của đời để xây dựng tác phẩm nghệ thuật. Bởi vì ngoài những phút sống dao động trong lòng, đời nhà văn còn có những phút trở về với mình, riêng sống với nội tâm. Cũng như người kiến trúc xây dựng một ngôi nhà không thể hoàn thành bằng cách chở gạch ngói đến một khu đất rộng rồi xếp chồng chất gạch ngói lên nhau. Cần thiết phải ngắm địa thế của khoảng đất. Cần phải biết lùi ra một khoảng để nhận cho rõ phương hướng. Người sáng tác muốn thể hiện một tác phẩm bao giờ cũng phải đứng lùi ra ngoài khoảng đất rộng của cuộc đời, phải trở về với nội tâm. Phải trở về niềm cô độc.
Từ một sự thực đơn - giản nhất ta đã thấy ngay rằng sự sống là khởi - điểm nhưng trong giây phút linh - thiêng của sáng tạo, sự cô độc vốn thiết - yếu. Bắt đầu ngồi vào bàn viết, nhìn thẳng về trước mặt để nhập tâm thì lập tức cuộc đời đã lùi ra xa thẳm. Cuộc đời, có thể như Mai - Thảo: Ở dưới ấy. Có thể nó ở sau lưng, ở chân trời đằng trước mặt. Nhưng dù sao thì một bức tường vô hình đúc cốt nên bởi sự suy nghĩ lao lung, bởi niềm riêng bùng cháy đã ngăn cách người văn - nghệ và cuộc đời trong giây phút sáng -  tạo. Tiếng xe chạy ngoài đại - lộ chỉ còn là một tiếng vang xa. Khói thuốc lá trước mặt mang một màu sắc, hương thơm kỳ ảo. Cảnh trí đột nhiên tan biến, xa vời. Cả những ưu tư, những phiền muộn, lo âu tạp - nhạp về cuộc đời thường nhật cũng theo đó mà tan biến, xa đi. Không phải tất cả mọi tình - cảm, ý - tưởng đều tan biến. Nhưng người xây cất chỉ giữ lấy gạch ngói đồ lề, còn cỏ rác cành khô, những sự kiện không cần thiết cho thẩm mỹ đều bị loại bỏ, lu mờ. Sự thoái bỏ ra ngoài cái quay cuồng điên loạn của cuộc đời để trở về một trạng - thái trầm - tĩnh, yên lặng đó quả là cần thiết. Tôi có người bạn ở cách nhà tôi hai dãy phố. Hắn có người vợ hiền dịu và chân - thật. Người đàn bà ấy săn sóc người chồng nghệ - sĩ như người ta chăm chút một cánh chim, một bông hoa yếu mỏng. Nhưng thỉnh - thoảng người hội họa ấy thường bỏ nhà đi biệt đôi ba hôm. Hỏi ra mới biết rằng hắn đến một ngôi nhà hẻo lánh ở ngoại ô thành phố để phết màu sắc và đường nét lên khung vải. “Không thể vẽ ở nhà được”. Hắn bảo như thế. Tại vì những phút say mê sáng - tạo của hắn thường va chạm với những bữa cơm, những phút họp mặt gia - đình. Người đàn bà hiền dịu thường đem lại gần giá vẽ những tách cà - phê nóng hổi và giục - giã hắn uống, giục - giã nghỉ ngơi. Hắn không thể giải - thích để người đàn bà hiền dịu và chân thật ấy hiểu được cái vẻ thiêng - liêng của giờ phút sáng - tạo, sự cô độc cần thiết cho sáng - tạo. Lời giải - thích vụng - về có thể gây ra hiểu lầm chua xót về tình - cảm. Nên hắn vẫn phải đi vẽ ở ngôi nhà ngoại ô.
   Cũng vì giây phút nhập tâm để sáng - tạo đòi hỏi người văn - nghệ trở về với một niềm cô độc tuyệt đối nên có nhiều người thực - thà được mục kích, quen biết người văn - nghệ thường cho rằng sáng - tác là tưởng - tượng, là giả tạo. Họ nói về trăng mà không ngồi giữa vườn trăng. Nói về rượu mà không nghiêng bình cạn chén. Nói về chuyến tàu đi, về bến đò ly - biệt, về chiến trường mà trước mặt chỉ có một tờ giấy mới trắng tinh. Tôi không nghĩ rằng sáng - tác là không tưởng, giả tạo. Kẻ đủ sức thoát ra cuộc đời trong giây phút nhập - tâm, trở về với niềm cô độc trước một tờ giấy trắng lạnh lẽo và lặng im, tức là người đã sống đến điều. Họ đã cô đọng lại được trong đôi mắt tìm tòi, đôi môi mím chặt, màu vàng lướt của trăng khuya, nét long - lanh của nước chảy, vị đảo điên của rượu ngọt, chất đắm say của đôi mắt đàn bà...Sự cô lập với cuộc đời vật - chất đó mới chỉ là điểm khởi đầu. Muốn lên một ngọn núi cao thì ngay từ chân núi, người lữ hành đã gặp những vách đá, dốc cao, đã phải cách xa đô thị, xóm làng. Nhưng núi cao còn ở trên kia. Có tuyết trắng, sương mù, gió bạt ngàn và những màn mây kinh dị. Từ sự cô lập vật - chất cần thiết đó, người làm văn đi mất hút vào trong một sự cô độc tinh - thần lớn rộng vũ bão. Sự cô độc có những tính chất nặng vẻ siêu hình.
 Trước một trang giấy trắng trải rộng vấn - đề không phải là chồng chất, xếp đầy ắp lên trên những dòng chữ đen sì. Văn tự và ngôn - ngữ là những dấu hiệu gửi đến nội dung (*). Làm thế nào diễn tả cho đúng nội dung. Làm thế nào nói được điều muốn nói. Người muốn giãi tỏ, phơi bầy lên tác phẩm một tình riêng, vì vậy phải dò hỏi mình nhiều lần. Phải đối chiếu mình với mình. Tôi phải nghiêng đầu nhìn xuống tâm tư tôi như một người soi gương nhận xét từng nét, từng đường diện mạo. Như một người soi gương nhưng cũng chưa hẳn là một người soi gương. Bởi vì khi soi ngắm người đàn bà không thể phút chốc nhìn thấy diện mạo thay đổi, mái tóc phai màu, đôi mắt mờ hoen. Trái lại, khi tôi nhìn tôi nơi tâm tưởng thì cái tôi của phút trước và phút sau khi đối chiếu đã thay đổi khá nhiều. Tôi có nên sống tiếp tục trong tâm sựđó nữa không. Tiếp tục vì óc bảo tồn, lòng kiêu hãnh hay tình - cảm bi quan. Không tiếp tục thì sẽ thay đổi ra sao, đi đến viễn - tượng nào. Dù tiếp tục hay hủy bỏ thì sự đối chiếu, soi gương qua tờ giấy trắng, giữa tôi và tôi đã làm thay đổi tâm hồn. Trong sự đối chiếu, soi gương đó, tôi đột nhiên bị du đẩy vào cái khoảng mênh mông của thời gian, mênh mông của tâm tưởng để nhìn mình, soi xét mình. Chỉ có tôi nhìn tôi như người lữ hành nhìn bóng mình giữa một sa mạc, bởi vì không ai nhìn thấy tôi như tôi nhìn tôi cô đơn trong giờ phút kiếm tìm để tìm sáng tạo đó.
Làm thế nào nói được điều muốn nói? Nỗi lo âu đó đẩy người làm văn vào niềm cô độc siêu hình khi đối chiếu lòng mình. Nhưng từ giây phút dò xét đến giây phút thể hiện niềm cô độc càng trở nên sâu rộng, mênh mông, càng trở nên vũ bão hơn.
Người sáng tạo sống trong tình cảm của một Moise, khi dắt những con người bơ vơ trở về đất thánh. Moise hoàn toàn cô độc, bởi vì trong đám người đi đằng sau kia không một ai giúp đỡ người được một chút gì. Những người yêu mến tôi có thể khuyến khích hay thương xót cho tôi. Họ có thể an ủi, vuốt ve. Nhưng làm thế nào nói được điều muốn nói? Không một ai có thể giúp đỡ được tôi một tý gì trong giờ phút thể hiện tác phẩm cả. Tôi ngồi ở đây một mình tôi. Phải làm thế nào? Tôi chỉ hỏi được lòng tôi.
Và tôi không thể lùi lại được. Khi đã lao mình vào một công cuộc sáng tạo, khi muốn nói “một cái gì” người ta không thể lùi lại được nữa. Có thể việc phải làm đêm nay tôi khất lại đến đêm mai. Nhưng không thể trốn tránh, xóa bỏ được. Khi tự hỏi “làm thế nào nói lên được điều muốn nói”, tôi đã bị đưa đến một mỏm núi cao. Trước mặt, sau lưng, bên phải và bên trái đều là vực thẳm. Đằng sau là hư vô, xung quanh là hư vô. Cái người đang ngồi đăm chiêu, tìm kiếm, ở bên một chiếc bàn, một ngọn đèn nhỏ này không còn là tôi nữa. Tôi là sự kiện sắp được thể hiện trên mặt giấy này. Tôi đang ở trên đường tạo ra cuộc đời tôi. Trong sự thể hiện tác phẩm, tôi sẽ làm nên tôi và làm nên đời tôi. Phải làm bằng được. Không làm được, tôi sẽ bị biến thành một con người tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Tôi không còn là tôi nữa. Tôi bị xô ngã xuống vực thẳm. Tôi bị xô ngã xuống hư vô. Vì vậy, nên ta thường thấy những người đã chọn nghề văn rồi, vì một lý do này hay một lý do khác đã dứt bỏ sự sống trọn đời trong một niềm mong nhớ. Họ có thể thành công về tiền tài, khoa cử. Nhưng họ vẫn thèm, vẫn nhớ một cuộc đời xa cũ. Khi thì thái độ của họ như phản ảnh, một tự ty mặc cảm. Khi thì mong nhớ vẩn vơ. Bởi vì hư vô như đã bao bọc lấy họ. Họ nhìn cuộc đời hiện tại như bóng ma, bởi vì cuộc đời của họ đã rơi vào vực thẳm ngày xưa. Họ nhớ văn nghệ như những người giang hồ mong nhớ quê hương. Nhớ nơi mà ở đó họ không cảm thấy mình là người lạ mặt.
Đứng trên một mỏm núi cao mà bốn bề là vực thẳm, hư vô, lập tức một niềm lo âu xuất hiện. Lo âu chứ không phải là sợ hãi. Ở đây không có gì để sợ hãi cả. Không có ai đe dọa, ức hiếp tôi cả. Cũng không phải sợ “mất tiếng”, “danh dự suy giảm”. Không phải bởi lẽ những sự kiện phụ tạp đó đã mờ đi ở phía sau cùng với tiếng xe chạy, người đi. Nếu chỉ vì tiếng tăm, danh dự thì có thể dùng mánh lới. Dĩ vãng có thể bảo đảm được những sự kiện đó rồi.
Ở đây là một niềm lo âu. Lo âu vì đột nhiên bị đứng trước hai cái có thể: có thể có và có thể không. Có thể tôi sẽ nói được và có thể tôi không bao giờ nói lên được điều muốn nói. Có thể tôi là một con người sáng tạo, có thể tài năng của tôi là tưởng tượng, nó đang bị tiêu diệt như cơ thể tôi hao mòn trong thời gian. Có thể tôi sẽ tìm thấy tôi, thể hiện được tôi, có thể tôi sẽ rơi vào hư vô, vực thẳm. Đó là một niềm lo âu bàng bạc, thôi thúc, bao bọc đến nghẹn thở, đến cuồng loạn tâm thần.
Đó là một niềm cô độc kinh khủng. Nhưng đó cũng là sự cô độc thiết yếu cho sáng tạo.
 
II.
 
Những người văn nghệ bao giờ cũng sống trong tình cảm thích thú khi tác phẩm sáng tạo được thể hiện. Họ thường lấy bằng lòng. Tôi nghĩ như thế. Tôi đoán chắc rằng người thi sĩ nào cũng thích ngồi chép lại tác phẩm vừa hoàn tất. Có khi ở phòng riêng. Có khi ở giảng đường, thư viện. Nhưng thế nào họ cũng phải ngồi đấy để bầy biện những dòng chữ trang trọng lên một tờ giấy mới. Nhìn những dòng chữ đoan nghiêm ấy, tôi thường tưởng nghĩ đến hình ảnh một người con trai sắp lập gia đình, lo toan kê dọn, trang hoàng gian buồng ngủ. Có khi tôi nghĩ đến người con gái dậy thì thêu tên người yêu lên mảnh khăn tay trắng. Tất nhiên, có người không chép lại tác phẩm của mình một cách trang trọng bao giờ. Anh xé một tờ giấy nào đó. Có thể trang giấy học trò. Anh ném lên đấy những dòng chữ vội vã, nhanh thoáng gần như phóng túng, bừa bãi. Nhưng trong sự phóng túng, bừa bãi ấy, tôi nhìn thấy ngay một vẻ dàn xếp, giả tạo. Sự phóng túng lựa chọn trong nét chữ nhìn mục tiêu rõ rệt: làm cho bài thơ “thơ hơn”. Sự bừa bãi, phóng túng ấy ngụy trang.
Nhưng ở những dòng chữ, dù đoan nghiêm, dù bừa bãi lựa chọn, bao giờ một ý nghĩa cũng được toát lộ, đập vào mắt tôi như ánh sáng của một vì sao: sự bằng lòng của người văn nghệ. Sự bằng lòng trước tác phẩm thể hiện có thể phát lộ dưới thiên hình vạn trạng. Có người uống một cốc Whisky ngon. Người khác chọn một tách cà phê đặc, một chiếc máy chữ. Tôi thường châm lên một điếu thuốc lá và ngâm ngợi nhiều phút, nhiều giây. Người họa sĩ ở cách nhà tôi hai quãng đường không ngâm ngợi trước tác phẩm hội họa. Hắn không hút thuốc, uống rượu hay cà phê. Nhưng hắn vội vã tháo cởi bức tranh cũ ra khỏi thân gỗ mà lồng vội vào đấy khuôn vải mới còn chất nặng và thơm phức những nét vẽ, đường sơn. Xong xuôi hắn treo bức tranh lên tường, ở một chỗ chọn lọc. Rồi hắn ngồi, cũng ở một chỗ chọn lọc, sau khi mở to cánh cửa sổ, mà ngắm, mà nhìn. Hắn ngồi nhìn như thế mà gật gù cái đầu đằng trước mặt bức tranh. Ở cái đầu gật gù ấy tôi cũng nhìn thấy sự bằng lòng, thích thú. Ở hắn cũng như ở bất cứ người văn nghệ nào, tôi cũng nhìn thấy sự viên mãn lồ lộ trước tác phẩm hoàn tất, thể hiện trọn vẹn, tràn đầy.
Một người bạn văn bảo tôi rằng chỉ khi viết là thích thú. “Viết xong chán ngay”. Anh nói như thế. Tôi nghĩ rằng anh đã thành thật nhưng ý tưởng đến từ một nhận định vội vàng. Tác phẩm hoàn tất không thể tức khắc đưa tới chán chường. Tôi đồng ý rằng có những bản văn, bài thơ, bức họa ngay khi được thể hiện không hề đem lại cho người văn nghệ một sự bằng lòng nhỏ bé nào cả. Khi phải viết vội một bài văn cho số báo ra kịp ngày tôi đã sống trong một tình cảm ân hận, hối tiếc. Bản văn, dưới mắt tôi, thường mang hình ảnh của một đứa con bị ruồng bỏ, ghẻ lạnh. Thường thì mỗi khi số báo được in xong tôi vẫn đem đến biếu những người bạn thân thiết không làm văn nghệ nhưng yêu mến văn nghệ. Nhưng với những số báo chứa đựng những tác phẩm vội vã, tôi vẫn ngần ngại. Và tôi nghĩ rằng, người họa sĩ vẽ vội cho đủ số tranh tối thiểu để kịp ngày triển lãm cũng sống trong niềm tội lỗi tương tự. Tác phẩm cẩu thả, tất nhiên không thể đưa đến viên mãn được.
Nhưng đấy là những trường hợp riêng rẽ, lẻ loi. Những tác phẩm được thể hiện không đúng ngày đúng tháng ấy không phải là những tác phẩm duy nhất của cuộc đời sáng tạo. Chúng chỉ là những cuộc trác táng bất thường của tinh thần. Ở đây, tôi muốn nói đến những tác phẩm đã được nung nấu trong thời gian. Phải, những tác phẩm đã được nuôi dưỡng bằng chiều sâu của những đêm thao thức, vẻ bùng cháy của tâm hồn bao giờ cũng được đón nhận trên những ngón tay cưng chiều, yêu mến. Nói đến tình yêu mến này, tôi nghĩ đến những người văn nghệ cúi đầu, kiên nhẫn sửa lại từng lỗi in nhỏ mà ấn công để quên trên tờ giấy in thử lần đầu. Có người sửa lại hai, ba lần. Có người sửa đến bốn, năm lần mà còn sống trong e ngại. Năm ngoái, những công việc của cuộc đời không cho phép tôi về kịp để nhìn bản văn của mình trước khi máy lên khuôn. Lúc về thì máy đang chạy. Tôi đã phải đòi máy dừng lại để sửa một dòng chữ in sai. Nhà in ngần ngại. Ông chủ nhà in nói về  sự phức tạp của kỹ thuật, nếu máy in dừng lại. Đặng Lệ Kim ngần ngại. Mai Thảo cũng tỏ ý lo âu cho số báo Xuân sẽ không ra được kịp ngày. Và tôi phải dùng biện pháp mạnh: làm mặt giận. Sau cùng, mọi người chiều ý tôi nhưng những cặp mắt ấy đã nhìn tôi như một đứa trẻ con khó tính. Tôi chắc rằng, người thợ in sẽ nghĩ ngợi: bọn văn nghệ gàn thật. Nhưng với tôi, lúc ấy chỉ có một ý nghĩ: nhất định phải sửa lại lỗi in này. In sai như thế, câu văn sẽ mất nghĩa. Bài văn sẽ không ra bài văn nữa. Tác phẩm ấy sẽ không còn đúng là tác phẩm của tôi. Người đọc sẽ hiểu khác đi. Họ sẽ không bắt gặp điều mà tôi muốn gửi tới họ. Họ sẽ hiểu lầm tôi. Tôi sẽ bị biến thể dưới mắt họ. Tôi không còn là tôi nữa bởi vì nó, tác phẩm ấy, không còn đúng là tác - phẩm - tôi. Nó không còn là tôi nữa.
Nhưng tình cảm mến yêu mà mỗi người văn nghệ dành dụm để bao bọc lấy tác phẩm của mình sớm muộn cũng tan biến. Vải lụa che phủ cơ thể đứa con chau chuốt sẽ mòn, rách. Sự viên mãn sẽ tàn lụi. Tôi không nói về những tác phẩm thời niên thiếu mà người văn nghệ giấu kín trong lòng riêng vì nét vụng dại rõ ràng. Tôi muốn đề cập đến những bài thơ đăng trong số báo tháng trước, quyển sách mới phát hành, phòng triển lãm cuối mùa xuân năm ngoái: Tờ báo in xong, quyển sách gửi tặng, phòng tranh bế mạc, người văn nghệ liền thấy chán tác phẩm của mình. Sự thích thú hôm qua vụt đi mất. Nó đi thế nào? Bằng đôi cánh vội vã của chim trời? Bằng ngón chân người đàn bà bạc tình? Không biết. Nhưng chắc rằng nó không còn ở đấy, ở trong cặp mắt nhìn bức tranh, nhìn cuốn sách, tờ báo ấy nữa. Có người bạn văn chất chứa ở trong phòng ngủ của anh nhiều sách và báo từng chồng. Nhưng cuốn sách của anh không có một chỗ đứng nào trong tủ. Những bức tranh của người họa sĩ bị đầy ải vào một lãnh cung. Có thể là gác bếp, góc buồng, nghĩa là những khoảng không gian xấu số. Cả tấm khung gỗ bức tranh cũ cũng phải cởi bỏ, nhường lại vì khung gỗ còn có một ích lợi thực tiễn. Tóm lại, tác phẩm hiện lên trước mắt người văn nghệ với bóng dáng của một người tình nhân cũ. Mỗi đường nét quá quen thuộc của khuôn mặt, của cơ thể đột nhiên thành quê kệch, vụng về. Tình cảm chán chường ấy càng rõ rệt hơn nữa khi người văn nghệ nói. Hỏi họ về một tác phẩm cũ, một bức tranh hay một bài thơ, ta thường được nghe những câu trả lời gạt đi: “vẽ đã ba năm rồi”, “làm đã lâu rồi”, “viết từ mấy năm nay”.
Nhưng tại sao họ lại trả lời như thế? Tại sao lại phải nhấn mạnh rằng “viết đã lâu”, “vẽ đã lâu rồi”? Tại sao khi nhìn lại đằng sau sự chán nản lại xâm chiếm người văn nghệ? Tác phẩm ấy, trước đây, tôi đã ngồi trong đêm khuya để thể hiện. Tôi đã nghĩ trong day rứt: phải viết bằng được. Tôi là tác phẩm sắp được thể hiện đó. Không làm xong, tôi không còn là tôi nữa. Tác phẩm, trong giờ phút sáng tạo, là hào quang, là ánh sáng. Bây giờ có nó rồi đấy. Nhìn đằng sau, bóng tối xâm nhập lấy tôi. Tại sao?
Tất nhiên, sự chán chường, ghẻ lạnh trước tác phẩm cũ không có tính cách liên tục. Thoảng có lúc người văn nghệ lại cảm thấy mến yêu. Người họa sĩ gặp người yêu tranh “có mắt hội họa”, nhắc nhở đến đường nét, màu sắc của một tác phẩm bán đứt từ lâu chắc hẳn sẽ bằng lòng. Người làm thơ bắt gặp một người con gái lạ mặt, đọc một bài thơ xa cũ hoặc nắn nót thơ mình trên cuốn vở học trò sẽ sung sướng vô cùng. Tôi lại đột nhiên yêu mến tác phẩm của tôi. Tôi lại đột nhiên tìm thấy tôi và tài năng tôi. Nhưng tôi chỉ tìm thấy tác phẩm ấy với vẻ sống động của nó trong mắt người khác. Tôi chỉ tìm thấy tôi ở trong mắt người khác. Còn ngồi đây, một mình, tôi nhìn lại tác phẩm ở đằng sau, sự chán nản, bóng tối vẫn ở đấy. Tại sao?
Có người giản dị sẽ trả lời với lòng mình: bởi thời gian đã trôi qua làm cho những tác phẩm mới mẻ ấy cũ đi. Và có lẽ cũng bởi vì, người văn nghệ đã làm được những tác phẩm mới súc tích hơn, hay hơn cho nên “có mới nới cũ”. Yếu tố thời gian, tôi chắc là có một ảnh hưởng thật mạnh mẽ đến tình cảm chán nản, không mãn nguyện khi nhìn lại đằng sau. Yếu tố tiến bộ cũng có thể có được. Nhưng tất cả vấn đề không chỉ có thế. Sự “chán tác phẩm cũ” này có một nguồn gốc thật sâu xa. Nó là dấu hiệu của một sự lo âu thôi thúc, mãnh liệt. Khi người họa sĩ nói “vẽ từ ba năm”; nhà văn nhà thơ nói “viết đã hai năm rồi”, “từ mấy tháng”, thì thực chất, những người văn nghệ ấy muốn nói: bây giờ tôi không sáng tác hoàn toàn như thế. Sự sáng tạo của tôi, tác phẩm ngày hôm nay khác nhiều. Như thế, nghĩa là, tác phẩm hôm qua không hoàn toàn là tôi nữa. Nó không phản ánh trung thành cái tôi hiện tại nữa. Nó không phải là tôi. Giữa tôi và tác phẩm ở đằng sau ấy có một khoảng ngăn cách. Có thể là chân không. Có thể là hư vô. Nhưng nhất định có một khoảng ngăn cách. Tác phẩm, trước đây, tôi cho rằng nó đúng là tôi, bây giờ, nó không đúng là tôi nữa. Như vậy, một sự kiện rõ rệt hiện ra trước mắt tôi: tôi không còn là cái mà tôi đã là nữa. Giữa tôi và tôi, một khoảng chân không đã xen vào. Sự lo âu thôi thúc toát ra từ chỗ chia cắt ấy, rồi vụt lên như gió lốc trong không gian, nước xoáy ở biển khơi. Tất nhiên, tôi vẫn xác nhận với người đời và với tôi rằng, tác phẩm ấy là tác phẩmcủa tôi. Nhưng khi nhận rằng tác phẩm của tôi, sự lo âu lại xen lấn rõ rệt hơn nữa. Tác phẩm mà trước đây tôi say sưa, yêu mến. Tôi đã khoe với bạn bè để người ta nhìn thấy tôi, tôi đã chữa bản thảo để người ta đừng nhìn nhầm tôi, bởi vì tác phẩm ấy là tôi. Bây giờ, nó chỉ còn làtác phẩm của tôi. Nó là của tôi, tức là tôi còn là một cái gì khác tác phẩm ấy. Tắt một lời: tác phẩm ấy không còn là tôi nữa, bởi vì tôi đã ý thức được rằng nó là của tôi, tôi đã ý - thức được về nó như một đối - tượng.
Tôi vẫn ý thức được về sự hiện hữu của cái bàn ở trước mặt tôi, đám mây ở chân trời mà tôi không lo âu, bởi vì những sự kiện ấy luôn luôn là đối tượng, là cái mà ý thức tôi hướng về đó. Tác phẩm của tôi trước đây là tôi, bây giờ chỉ còn là tác - phẩm của tôi. Nó không còn là tôi nữa. Vậy thì tôi lo âu chính vì tôi không còn là cái mà tôi đã là  nữa.
Và sự lo âu, nguồn gốc sâu xa của tình cảm chán nản khi tôi nhìn lại đằng sau, nhìn lại tác - phẩm không phải là dấu hiệu của đổ vỡ. Trái lại. Tôi nhớ lời một nhà văn già nói với tôi khi tôi đưa đến cho anh xem những tác phẩm đầu tay: “Phải biết chán ghét, ruồng rẫy tác phẩm của mình mới viết cái mới được”. Nhà văn đã nói lên một kinh nghiệm. Thô sơ nhưng không sai lầm. Chán ghét tác phẩm của mình không phải là phương pháp giả tạo kệch cỡm để tỏ ra mình tài giỏi. Người văn nghệ không mãn nguyện thật sự về tác phẩm cũ của mình, sống trong một niềm im lặng. Bởi vì thái độ không bằng lòng về tác phẩm cũ là thái độ đối lập với sự hãnh tiến. Người phô bày ồn ào sự khinh ghét của mình với tác phẩm cũ là người muốn nói to cho người khác rõ: bây giờ tôi giỏi hơn. Hắn là sự hãnh tiến hiện hình. Nhà văn già, tất nhiên muốn nói đến người văn nghệ không mãn nguyện về tác phẩm của mình một cách thành thật. Tôi cũng chỉ bàn đến người lo âu thật sự. Trong niềm lo âu ấy chỉ có hắn và hắn. Chỉ có tôi và tôi. Chỉ có người văn nghệ buồn chán, không mãn nguyện khi nhìn về đằng sau bởi vì không tìm thấy mình. Cho nên phải đi tìm mình ở một chỗ khác. Ở đằng trước mặt. Tôi là tác phẩm sắp được thể hiện bây giờ chứ không phải tác phẩm ở đằng sau ấy. Rồi thì tác phẩm hôm nay cũng lại sẽ lùi về đằng sau. Sự lo âu thôi thúc lại đưa đến sự buồn chán, không mãn nguyện. Tôi lại phải nhìn về trước mặt. Có một ngọn đèn, điếu thuốc, thân bút và tờ giấy trắng.
Sự sáng tạo như vậy, mặc hình ảnh một dòng sông chảy đến vô cùng...
 
NS.TBL

Nguồn tin: TCNV 05-2012
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved