Home » » Hiện tương teo tóp của văn học

Hiện tương teo tóp của văn học

Written By kinhtehoc on Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012 | 03:02



Từ Nguyên Thạch
Trên các tờ báo, tạp chí ngày càng vắng những trang dành cho văn học. Các tờ báo lý giải vì lượng bạn đọc lãnh vực này ngày càng ít đi. Đó là một lý do còn tranh cãi. Nhưng có một lý do khác ít được nói ra (hoặc ngại nói ra) là tính đa nghĩa của tác phẩm văn học, khi đăng lên không khéo bị hiểu nghĩa sai. Lợi đâu chưa thấy mà đã gặp rắc rối, lôi thôi bởi cơ quan “tư tưởng”, “quản lý báo chí”. “Chi bằng thôi đừng đụng đến. Báo không có trang văn học cũng chẳng chết ai!”. Một số vị lãnh đạo báo chí phát biểu như trên.

Với quan niệm đơn giản như vậy, văn học ngày càng thưa dần trong đời sống tinh thần của xã hội.
Thử tượng tượng một xã hội mà trong đó không có văn học như một thực thể sống thì xã hội đó sẽ ra sao?

Các nhà lý luận nói văn học là lương tâm của xã hội. Trong quá trình phát triển đi lên của xã hội, con người luôn tự vấn lương tâm để tìm ở đó lý do sự tồn tại của chính mình. Văn học là thế giới hướng tới, khác với thế giới thật trần tục. Con người tìm đến văn học là tìm tới khát vọng, ước ao mà cuộc đời thật không mang lại để được an ủi, vỗ về; để tìm thấy động lực sống và cống hiến tích cực cho xã hội.

Văn học là sự khúc xạ của bức tranh cuộc đời. Nó chắt lọc, tỉa tót cây đời thành vòng hoa trên đôi vai phận người. Nó giúp con người phân biệt cái đẹp và xấu, cái thiện và ác, cái vĩnh cửu và khoảnh khắc. Từ đó, con người biết tự mình tìm đến cái chân- thiện- mỹ; tìm thấy sức mạnh mà tiếp tục cuộc “trăm năm cô đơn”… Nói tóm lại, văn học trở thành động lực thúc đẩy xã hội phát triển. 

Con người sống, làm việc và tồn tại không chỉ có nhiệm vụ tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội. Con người còn có một nhu cầu khác: làm giàu cho tâm hồn mình. Người ta làm giàu tâm hồn bằng nhiều cách nhưng có lẽ chủ yếu là thông qua con đường nghệ thuật. Nghệ thuật là khái niệm nói chung, trong đó có văn học. Một khi tâm hồn con người càng giàu có thì cuộc sống càng có ý nghĩa. Lúc con người ý thức được sự tồn tại của mình thì hắn biết quý trọng từng phút giây đang sống, từng ánh nắng qua thềm, từng mầm cây mới nhú, từng tiếng hót chim bay...

Một xã hội biết trân trọng một nụ hoa, một tiếng hát, một nụ cười thì xã hội đó an lành, bình yên, hạnh phúc. Tội ác và mầm móng tội ác không có điều kiện tồn tại.

Cũng thông qua văn học, sợi dây gắn kết cá nhân với nhân loại sẽ bền chặc hơn. Một thế giới sẽ đoàn kết hơn, thương yêu hơn. Đó là về mặt không gian. Còn về mặt thời gian, văn học có khả năng đưa quá khứ về hiện tại, trộn hiện tại vào tương lai. Có nghĩa là con người vượt thoát ra khỏi thời gian vật chất. Con người phi thời gian sẽ tồn tại mãi mãi. Vâng, Kiều của 300 năm trước và 300 năm sau vẫn sẽ tồn tại như hôm nay và tiếp tục phát triển. Tất nhiên!

Với con người, được sống trong thế giới phi không gian và phi thời gian là điều hằng mơ ước. Nó làm cho con người lớn lên theo nghĩa sức mạnh về tinh thần. Cuộc sống thú vị hơn và đáng sống hơn.
Quay trở lại với lý luận văn học là lương tâm của thời đại. Nếu thời đại đó chỉ lo sản xuất ra vật chất mà không chú ý xây dựng những giá trị tinh thần hướng về cái chân-thiện-mỹ tất sẽ dẫn tới rối loạn, đe dọa tới sự bình yên của mỗi cá nhân. Đó là một xã hội không an toàn, xã hội bất hạnh. Và quy luật sẽ đưa xã hội đó tụt hậu, suy vong.

Ngày nay, đời sống văn học tồn tại và phát triển thông qua việc xuất bản, phát hành sách báo, phát thanh- truyền hình, qua mạng Internet. Trong đó, kênh báo chí đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển văn học.

Thế thì xin đặt lại câu hỏi đầu bài: Vì sao các tờ báo ngại đăng các tác phẩm văn học văn học? Có phải báo chí ngày nay thiếu một tri thức nhất định về lý luận văn học? Câu trả lời là không, vì báo chí là nơi tập hợp những bộ óc lớn. Bởi vậy, chỉ có thể lý giải họ thiếu một niềm tin, từ đó đưa tới sự chọn lựa cầu toàn. Và hậu quả là xã hội đang hứng chịu một nghịch lý: Tìm sự yên ổn trong một xã hội mất yên ổn!./.

8-2011


Từ Nguyên Thạch
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved