Home » » Chủ tịch HĐQT Tinh Vân "hỏi vặn" GS Châu

Chủ tịch HĐQT Tinh Vân "hỏi vặn" GS Châu

Written By kinhtehoc on Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012 | 22:21


"Làm được một cái gì vang dội thì không chắc, nhưng làm những cái mình cảm thấy có ý nghĩa và làm một cách thích thú thì chắc vẫn làm được" - GS Ngô Bảo Châu (NBC)  trả lời lại những câu hỏi của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Tinh Vân, ông Hoàng Tô (HT).

>>Đọc thêm kỳ trước: GS Ngô Bảo Châu phỏng vấn Chủ tịch HĐQT Tinh Vân

Ngô Bảo Châu vừa "âm" vừa "dương"


HT: Anh rất thích cuốn “Mọi việc trên đời đều là lẽ đương nhiên” của thiền sư Tinh Vân (ngẫu nhiên trùng với tên của công ty). Nhìn nhận mọi việc đều là lẽ đương nhiên thấy dễ chịu và dễ sống. Sâu hơn anh thấy bản chất nó chính là nguyên lý vị nhân. Dạo này thấy Châu bắt đầu hoạt động cộng đồng. Vậy đây có phải là lẽ đương nhiên không, giống như khi người đẹp được hoa hậu sẽ đi làm từ thiện?

NBC: Để tránh hiểu lầm, phải thưa ngay là em đánh giá rất cao việc các hoa hậu đi làm từ thiện. Em rất ngại xích mích với các người đẹp. Hoạt động cộng đồng thì không phải là một việc đương nhiên. Nó là kết quả của một quá trình suy nghĩ và lựa chọn. Phần lới những việc mình làm là đương nhiên bởi vì mọi việc phải có logic của nó. Nhưng nếu mà đương nhiên quá thì cái free will của mình hóa ra vô tác dụng, phải không anh Tô. Chẳng hạn như cần một cuộc đối thoại nảy lửa để anh Tô quyết định bỏ nàng Vật lý để đến với nàng Máy tính.

Sau cú điện thoại thông báo về giải thưởng Fields, em cảm thấy đờ đẫn mất khá lâu. Vì hiểu có nhiều cái sẽ thay đổi, chẳng hạn như sẽ phải tích cực hoạt động cộng đồng hơn, như anh Tô nói. Từ trước đến nay, em vẫn làm nhiều việc cho cộng đồng toán học Việt Nam, có việc thành, có việc bại. Với cái giải thưởng, những việc em muốn làm trước đây trở nên khả thi. Tất nhiên là sẽ phải bỏ thời gian ra để làm nó.

Giá mà moi việc đều là lẽ đương nhiên thì tốt quá. Nhưng nếu mình phải lựa chọn, thì phải lựa chọn một cách gọn gàng nhất để rồi còn sống với cái lựa chọn của mình một cách vui vẻ.


HT: Châu có tin vào những thành công lớn hơn của mình trong tương lai không, một thành công được đánh giá bởi chính mình thôi?

NBC: Tất nhiên là em tin vào công việc nghiên cứu của mình. Không có niềm tin thì không làm được cái gì. Làm được một cái gì vang dội thì không chắc, nhưng làm những cái mình cảm thấy có ý nghĩa và làm một cách thích thú thì chắc vẫn làm
được.

HT: Đọc blog Châu anh thích câu thơ “Có một con đường ta đi/Giá chi không bao giờ tới đích”. Qua câu thơ anh cảm nhận Châu là người “âm” - theo cách gọi của anh Trung Hà (*), nghĩa là sẽ quan tâm đến quá trình hơn là mục tiêu, sẽ cảm thấy hạnh phúc trong quá trình làm việc còn hơn hạnh phúc khi thành công.

Thành công giải Fields có làm Châu cảm thấy chông chênh? Câu thơ có gợi sự tiếc nuối khi em đã “tới đích”?

NBC: Có một con đường "Bổ đề cơ bản" đã đi qua. Con đường "cuộc sống" vẫn đang đi tiếp. Hy vọng là sẽ không đến đích quá sớm. Em nghiệm ra là niềm hạnh phúc mình có được trong khi đi tìm chứng minh cho bổ đề cơ bản lớn hơn nhiều so với những gì xảy ra sau đó. Cố gắng hết sức vì một cái gì đó thường thì hơi mệt, nhưng đổi lại ta có một cảm giác rất yên tâm là mình vẫn đang sống. Em không biết định nghĩa "người âm" của anh Trung Hà như thế nào. Cá nhân em thì vẫn hy vọng mình là "người dương".

Không tiếc nuối lắm đâu anh Tô ạ. Người Tây nói những gì đẹp đẽ nhất luôn có kết, còn thiền sư Tinh Vân nói đó là lẽ đương nhiên. Vậy thì còn tiếc nuối làm sao được.

HT: Anh giải thích một chút, “âm” hay “dương” là cách anh Trung Hà dùng chỉ là 2 thuộc tính đối lập dùng để phân biệt, có thể gọi là “đỏ” hay “xanh” cũng được. Còn quan điểm cũng không mới, người “âm” thường có xu hướng tư duy từ tổng hợp đến phân tích, vận dụng bán cầu não phải nhiều hơn, EQ cao, cảm tính tốt, người “dương” thì ngược lại, từ phân tích đến tổng hợp và vận dụng bán cầu não trái nhiều, IQ cao, lý trí tốt.

Người “dương” sẽ rất tập trung vào việc đạt được mục tiêu và hạnh phúc với thành công, còn người “âm” chú ý nhiều hơn đến quá trình và enjoy cả quá trình. Như vậy người “dương” sẽ hạnh phúc khi có con, còn “âm” sẽ sung sướng ở quá trình làm ra đứa bé.

Đối với doanh nghiệp, anh cũng nghiệm ra người “âm” phát huy tốt nhất ở vị trí hội đồng quản trị, còn “dương” sẽ hợp lý ở vị trí ban điều hành, thực hiện bằng được các mục tiêu của HĐQT.

Anh cũng quan sát thấy rất hiếm người vừa “âm” vừa “dương”, cũng như là 2 bán cầu não có đường liên thông với nhau nhưng rất hạn chế. Hoc toán ở phổ thông, những ai giỏi hình học hơn thường là “âm”, giỏi đại số hơn thường là “dương”. Anh đang nghi ngờ với việc giải quyết xong Bổ đề Cơ bản thì khả năng Châu vừa “âm” vừa “dương” là rất cao (cười).
(Cuộc hỏi đáp giữa ông Hoàng Tô và GS Ngô Bảo Châu quay sang đối thoại, về giới trẻ và về khoa học...)

Với 8x sẽ khó nói câu chuyện lý tưởng


NBC: Cho em hỏi thêm mấy câu. Lãnh đạo một doanh nghiệp lớn, anh Tô chắc có tiếp xúc với nhiều người ở lứa tuổi khác nhau. Anh Tô có thấy những người trẻ hơn, tạm gọi là 8x, có khác nhiều so với thế hệ của mình không? Nếu xem vẻ bề ngoài thì em thấy cũng khác. Chỉ có giao diện là khác hay là họ được lập trình một cách khác?

HT: Để tránh hiểu lầm anh phải đính chính Tinh Vân chưa phải là một doanh nghiệp lớn. Các bạn trẻ khác nhiều so với thế hệ 6x, 7x chứ. Các bạn rất rành mạch, tự tin và tràn đầy năng lượng. Rành mạch về những mục tiêu trong đời của mình, tự tin về việc mình giỏi giang và sẽ làm được mọi chuyện.

4.jpg
4.jpg
Tự tin và nhiệt huyết là tố chất chung của tuổi trẻ, nhưng rành mạch có vẻ là điểm khác biệt. Không biết Châu thế nào nhưng anh và các bạn đồng lứa có những mâu thuẫn của thế hệ in đậm trong mình. Quan niệm đạo đức thay đổi, nhiều giá trị cuộc sống đảo lộn. Nói gì thì nói, lớp 6x, 7x vẫn đầy tính lãng mạn cách mạng, ý thức trách nhiệm cao và khả năng dâng hiến, thậm chí cả đời mình cho lý tưởng. Đấy chính là điểm yếu 6x 7x so với lớp trẻ.

Với các bạn 8x sẽ khó nói câu chuyện lý tưởng, mọi việc rạch ròi, không khoan nhượng. Và cũng là lý do để nhiều bạn trẻ 8x thành công. Anh quen vài bạn sinh năm 83, 84 đã tự mình gây dựng được những tài sản rất lớn.

Giao diện khác và cũng được lập trình khác. Môi trường xã hội đã lập trình cho họ khác, và chắc là tốt hơn so với thế hệ đàn anh. “Hậu sinh khả úy”, anh cũng tin nước ta sẽ ngày càng ổn với lớp 8x, 9x toàn cầu hóa của ngày hôm nay. Không bàn đến một bộ phận nhỏ chỉ biết sống gấp và hưởng thụ nhé.

NBC: Còn anh Tô, anh đã lập trình xong bản ngã cho mình chưa?

HT: Thế là em đã đọc Lập trình sư (cười). Đấy là anh viết trong truyện cho vui thôi, còn “mọi việc đã được lập trình sẵn trong cái Chương trình lớn của Tạo hóa rồi”. Trong vật lý có khái niệm vướng mắc lượng tử (entanglement), 2 hạt cơ bản xa xôi hàng tỷ năm ánh sáng vẫn còn vướng mắc gian díu với nhau (trạng thái 1 hạt sẽ ảnh hưởng tức thì đến hạt kia), thì làm sao lập trình cho cái ngã của con người được.

Bước trượt dài cả về ngữ nghĩa lẫn đạo đức


HT: Sau thành công rất đáng tự hào của Châu thì xảy ra vụ scandal về bài báo đạo văn của đồng chí Lê Đức Thông. Ở Việt nam anh cũng quen với vài “nhà khoa học” thực nghiệm đáng kính, họ bịa số liệu trong các công trình thản nhiên và công khai, học trò của họ đang làm PhD bịa số liệu trắng trợn trong các bài báo (đăng trong nước) và thậm chí bịa cả số patent mà bài báo tham chiếu đến. Châu có hy vọng gì và có ý kiến gì về đạo đức khoa học ở môi trường trong nước? 

NBC: Câu chuyện của Lê Đức Thông là biểu hiện lâm sàng của một bệnh đã hủy hoại cả về chiều sâu lẫn chiều rộng trong giới khoa học. Gian dối trong khoa học xảy ra cả ở những người mới vào nghề như Thông cả ở những người đã có vị trí khoa học. Gian dối cũng xảy ra ở nhiều mức độ khác nhau. Trắng trợn như chép lại nguyên bài cũng có. Bịa kết quả thực nghiệm cũng không phải là hiếm.

Ở mức độ ít nghiêm trọng hơn, nhưng cũng phổ biến hơn là ký tên vào những bài báo mà mình không đóng góp gì cả. Hoặc là chế biến một kết quả để đăng ở nhiều chỗ khác nhau. Hoặc là đăng những bài báo không có nội dung, hoặc không có nội dung mới.

Em ngờ là việc định lượng hóa trong việc đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học sẽ làm căn bệnh này ngày một trầm trọng hơn. Đánh giá về mặt định lượng có ưu điểm hiển nhiên là khách quan, nhưng lại bỏ qua cái quan trọng nhất là chất lượng. Đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học là việc rất khó, vậy mà nhiều người vẫn tin rằng có thể dựa hoàn toàn vào một vài chỉ số thống kê.

TIN LIÊN QUAN
Có lẽ chúng ta chỉ nên lấy chỉ tiêu là có công bố quốc tế hay không để làm cái sàng thứ nhất. Sau đó cần một cái sàng tinh hơn để so sánh chất lượng và ảnh hưởng của công trình. Có lẽ ta nên hỏi ý kiến của các nhà khoa học nước ngoài có chuyên môn gần, hơn là dựa vào chỉ số thống kê. Lừa chỉ số thống kê thì dễ, lừa đồng nghiệp trực tiếp thì khó hơn nhiều.

Sự tha hóa đạo đức thể hiện không chỉ trong công bố khoa học và còn được che đậy bởi những thủ tục xã hội. Ta khó chấp nhận cái tập quán sinh viên nghiên cứu sinh mang phong bì đến nhà thành viên của Hội đồng chấm thi. Nhưng người ta có thể lý luận rằng đấy là một dạng phong bì như phong bì dành cho những người đi họp. Phong bì cho họp hành là việc không hay nhưng ta bắt buộc phải chấp nhận như một dạng công tác phí trong điều kiện lương bổng bất hợp lý của viên chức. Nhưng để phong bì đi họp suy biến thành phong bì của sinh viên cho thầy giáo chấm thi thì là cả một bước trượt dài cả về ngữ nghĩa lẫn đạo đức.

Cái trượt này có phần nào tương tự với việc biến hóa từ chỗ đăng bài báo không có nội dung cho đến chỗ chép bài báo của người khác, hoặc là bịa kết quả. Mỗi người nên nhận thức một cách rõ ràng về giới hạn giữa cái không hay và cái không thể chấp nhận được.
Tự nhiên sẽ điều chỉnh lòng tin


NBC: Những việc nêu ở trên đã làm hủy hoại lòng tin của xã hội với những người làm khoa học, giữa những bạn trẻ mới vào nghề và những người đã có vị trí trong giới khoa học. Có lần Phương Văn (**) nói với em là lòng tin là cái mà xã hội Việt Nam thiếu nhất. Theo anh Tô, mọi người có thể làm gì để niềm tin được khôi phục?


HT: Đúng như Phương Văn nói, lòng tin là cái mà chúng ta đang thiếu nhất. Không những thế, chúng ta còn rất thiếu niềm tin và đặc biệt thiếu đức tin. Tuy nhiên anh lại nghĩ rằng tự nhiên sẽ điều chỉnh cho cái gì thiếu quá sẽ có lại và cái gì thừa mứa sẽ bớt đi (là quá trình tăng entropy tự nhiên theo định luật 3 nhiệt động lực học). Khoa học nước ta giống như sa mạc, các nhà khoa học giống những người lữ hành. Thành công của Châu có thể chưa phải quá to tát để làm thay đổi cục diện, nhưng ít nhất đã có tác dụng như một cốc nước mát lạnh cho người lữ hành giữa sa mạc, giúp họ lấy lại sự tự tin để tiếp tục đương đầu với khô hạn…

Hình như trong blog em chia sẻ là phải chịu đựng sự nổi tiếng. Chúc em chịu đựng sự nổi tiếng thanh thản và bình tâm, và hơn thế nữa, hãy sử dụng triệt để sự nổi tiếng và thương hiệu cá nhân của mình để phất ngọn cờ đóng góp cho cộng đồng khoa học Việt Nam. Quỹ Hạt vừng là một sáng kiến tuyệt vời, rất đáng quý và đúng hướng. Đó chính là một trong những cách tốt nhất để khôi phục niềm tin vào khoa học ở Việt Nam.
Xuân Mai (ghi)

(*)Nguyễn Trung Hà: nhà đầu tư tài chính, chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Thiên Việt và hàng chục công ty khác. Anh đã từng tham gia thi Toán Quốc tế năm 1978 và theo học khoa Toán Cơ tại trường ĐHTH Lomonosov – Moscow. 
(**) Phương Văn: nickname là 5xu – một blogger nổi tiếng, tác giả cuốn sách “Thời tiết Đô thị”.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved