Đi xích lô Huế
Đi xích lô Huế lạ lắm, vừa lãng đãng, an nhàn lại vừa như được tận hưởng cái cảm giác làm người sang ngay ở chốn kinh kỳ, hoa lệ mà u hoài.
Du khách muôn nơi, đến Huế hầu như ai cũng mong muốn được một lần đi dạo bằng xích lô.
Xích lô Huế có sắc thái riêng. Màu sắc trang trí xe không loè loẹt. Xe có độ cao đủ tầm để du khách có thể ngắm dòng sông Hương, đủ vừa cho đôi uyên ương không cảm thấy chống chếnh nhưng cũng lại không quá chật cho ai đó cảm thấy ngại ngùng mỗi lúc ngồi chung...
Xe chạy êm êm chậm lướt đi trên những con đường rợp bóng lá me bay. Đi đến đâu thành quách, phố xá, dòng sông và cả những khu vườn yên tĩnh hiện dần ra đến đấy khiến cho lòng người như chẳng thể muốn rời xa. Chính vì thế mà đi xích lô trên đường phố Huế, dù là khách lạ hay quen, bao giờ cũng có cảm giác như mình vừa đi đâu xa mới được trở về nhà, về với Huế yêu thương và gần gụi.
Mùa đông, đi xích lô Huế cũng có cái thú riêng. Trong cơn mưa bụi lây rây, các bác xế lô bao giờ cũng cẩn thận kéo chiếc mui bạt lên, che cho khách khỏi ướt, thế nhưng cũng có người thích được đi mui trần cho những làn mưa mỏng như sương khói ấy phất nhẹ vào mặt, để tìm cái cảm giác tê tái của đất trời lúc chớm đông.
Xích lô chạy từ từ như xe đạp, băng qua những con đường rợp bóng cây xanh, qua dòng sông xanh êm đềm chảy giữa lòng thành phố, khiến tâm hồn lâng lâng một khúc lãng du. Khi đêm về, ánh đèn rọi qua vòm lá tạo thành những đốm sáng trắng lay động trên khắp nẻo đường. Đi dạo bằng xích lô có cái tiện là có thể chủ động dừng lại để chụp ảnh nơi mình thích hoặc tạt vào quán chè, quán nước nhâm nhi chút gì đó mà vẫn được chờ.
Những chiếc xích lô hòa lẫn trong dòng xích lô trôi êm qua các nẻo đường, lướt dưới những vòm cây lung linh đốm sáng.
Xích lô Huế bây giờ có nhiều, nghe nói gần 5.000 chiếc và người ta cũng đã lập nên cả những nghiệp đoàn xích lô hẳn hoi để làm ăn sinh sống.
Có người nói, dân xích lô Huế nói ít mà trải đời, nhìn vẻ chất phác và lầm lụi vậy chứ chớ coi thường, bởi trong số họ, còn có những người trước đây vốn từng là những ông giáo học hoặc giới chức công sở biết nói tiếng Tây thành thạo. có những người đọc thơ và nói điển tích rất "mùi".
Chính vì thế mà nhiều du khách đến Huế đã thuê họ chở đi chơi để được nghe họ kể cho biết đủ thứ chuyện buồn vui, mới cũ của xứ này, thậm chí cả những chuyện được liệt vào hàng “thâm cung bí sử” tự thuở nào trong chốn cấm cung xưa.
Xích lô là một phần kỷ niệm Huế xưa, là tài sản nuôi Huế lớn lên như đã từng nuôi sống bao mảnh đời cơ cực. Khó có thể hình dung một ngày kia trên các nẻo đường xứ Huế mộng mơ không còn nữa những chiếc xích lô sớm tối đi về.
Là phương tiện chuyên chở, nhưng xích lô Huế chủ yếu chở người. Các bà, các cô thích đi lại bằng xích lô. Từ trên xích lô, quý bà bước xuống, tay khép nép vạt áo dài như tấm bình phong chở che đức hạnh, rón rén mà cao sang, thuần thục như một vũ công khổ luyện lâu ngày. Đi xích lô quý nhất ở phong cách lên xuống và cái dáng ngồi. Đức hạnh từ trong cái dáng. Người Huế rất coi trọng dáng ngồi, đặc biệt từ trên xích lô, trước cả trăm ngàn cặp mắt của bàn dân thiên hạ: thẳng ro, đoan chính và trang đài. Ngoài Huế ra, đố nơi mô bắt chước được. Nhiều anh đắm say cái dáng ngồi của cô em Đồng Khánh dịu dàng.
Hẳn nhiều người còn nhớ Nhà-thơ-xích-lô Nguyễn Văn Phương luôn luôn sống lạc quan với cuộc sống giản dị, hạnh phúc qua những vòng bánh xe lăn của chiếc xích lô trên đường cùng những bài thơ anh sáng tác:
Giọt nước Hương Giang
Hạt muối hòa tan trong ly nước
Tôi cũng hòa tan giữa cuộc đời
Làm tên phu xe qua ngày tháng
Chở bao tiếng khóc lẫn nụ cười
Vắng khách đôi khi về chở gió
Không tiền không bạc vẫn cười vang
Dừng lại bên cầu nghe nước chảy
Chợt thấy mình: một giọt nước Hương Giang.
Hát vang bài xích lô
Người lên non ẩn dật
Chuyên đốn củi đốt than
Ta ẩn trong lòng phố
Đạp xích lô lang thang
Khi gặp khách ta chở
Lúc vắng khách ta nằm
Có tiền ta uống rượu
Không tiền ta hát ngâm
Mặc ai lùi xuống chó
Mặc ai tiến lên voi
Ta giữ lòng thanh bạch
Dưới hai vầng sáng soi
Đã lâu rồi quên hết
Những thị phi giang hồ
Từng đêm ngồi gõ nhịp
Hát vang bài xích lô.
(Sưu tầm tổng hợp từ Internet)