Home » » Tranh luận văn học

Tranh luận văn học

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012 | 06:30

Tranh luận văn học:

Một cái nhìn từ xa về vấn đề

văn học Việt Nam hiện tại

Trần Kiêm Đoàn


LTS: Trong Tạp Chí Ngày Nay ra ngày 15-3-2004 tại Hà Nội, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết: “Nhìn vào danh sách hơn 1000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam người ta thấy đa số đều chỉ là những người già nua không có khả năng, sáng tạo và hầu hết đều ‘vô học’, tự phát mà thành danh.” Ba bài viết của NHT đã gây nên một cuộc bút chiến sôi nổi chưa từng có ở Việt Nam dưới chính thể cộng sản. Bài phản pháo mở màn của nhà văn Trần Mạnh Hảo đã châm ngòi cho cuộc tranh luận vẫn còn đang tiếp diễn. Độc giả ngoài nước có thể đọc các bài viết nầy và theo dõi cuộc tranh luận trên các trang Web: Talawas, BBC Vietnamese. Một ý kiến khác từ ngoài nướcvừa gửi đến Cali Today để tham gia cuộc tranh luận là của anh Trần Kiêm Đoàn tại Sacramento, Cali, Mỹ. Hẳn nhiên, đây là bài viết theo quan điểm riêng của anh Trần Kiêm Đoàn và chúng tôi cũng sẵn lòng đăng những bài viết khác của quý vị để cuộc tranh luận thêm phần hào hứng. Trân trọng. Cali Today

Tâm lý xa quê và tiếng Việt

Khi sự cố đã thành cố sự, chuyện xẩy ra đã qua đi nhưng vẫn còn dấu vết, người ta vẫn có thói quen xếp nó vào một trong hai ngăn: Ngăn kinh nghiệm hay ngăn kỷ niệm. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp xếp vào ngăn nào cũng không vừa. Không vừa chẳng phải vì nó quá lớn hay quá nhỏ mà chỉ vì nó không đủ tác động dằn vặt, chua xót, cay đắng, vinh quang, sung sướng hay tủi nhục để thành kinh nghiệm. Nhưng cũng chẳng đủ êm đềm, cảm khái, xúc động hay đam mê để trở thành kỷ niệm. Xếp vào đâu? Xếp vào ngăn hoài niệm: Đó cái ngăn tình cảm không có khóa nên thường dễ nhớ khi tưởng như đã quên và lại quên khi tưởng rằng đang nhớ. Với cuộc sống nóng bỏng ở Mỹ, thì chỉ có những suy tư và “sự cố văn chương” là có vẻ vừa vặn để xếp vào ngăn hoài niệm đó, vì trên xứ sở quá thực dụng nầy, văn chương không phải là một nhu cầu mà chỉ là một thú tiêu khiển.

Hơn hai chục năm sống xa quê hương trên đất Mỹ, hàng ngày nói tiếng Việt để thương và nói tiếng Anh để sống, tôi cứ ngỡ cái ngăn hoài niệm văn chương đó chỉ còn là quá khứ! Nhưng thực tế lại khác hơn điều suy nghĩ vì càng ngày, trong những năm về sau, tôi lại càng mở thường xuyên hơn cái ngăn hoài niệm đó.

Những năm đầu chân ướt chân ráo đến Mỹ, cũng giống như bao người cùng trang lứa và đồng cảnh ngộ, tôi “tập quên” tiếng Việt để căng mắt, rướn người, uốn lưỡi, kiếm đà... nhảy cho qua bức tường lửa của ngôn ngữ. Cái ngăn hoài niệm bị thực tế và nhu cầu cuộc sống trước mắt phong tỏa. Năm năm đầu tôi không dám mở ra. Tôi “sợ” tiếng Việt cũng như sợ phim chưởng Hồng Kông. Quên đi thì chớ, chứ mở ra thì mê. Đêm mê đọc tiếng Việt hay đêm mê thức trắng để xem phim bộ Hồng Kông, ngày mai dật dờ trong môi trường tiếng Mỹ, cầm chắc trong tay bị đuổi việc làm thì lấy gì để sống. Tôi có thể uống nước lạnh nằm nhà vài hôm... ngâm thơ, nhưng các cháu mà uống nước lạnh thì chỉ còn “ngậm thở”!

Khi “bức tường lửa” của ngôn ngữ càng lụi dần thì ngăn hoài niệm từ từ mở ra như một sự kêu gọi vô hình mãnh liệt mà bố già phân tâm học nổi tiếng thế giới, Eric Erikson, gọi là một sự “quân bình về bản lai2” (equilibrium of identity).

Trong văn học, người ta có thể dấu một đại lục dưới đáy biển, nhưng lại khó lòng mà dấu cái “bản lai Việt Nam” giữa những suy tư và trong từng con chữ. Cũng thế, có những tác giả đã thành danh, văn họ viết ra dù ký dưới bất cứ bút hiệu nào thì người đọc vẫn cảm thấy sự quen thuộc và gần gũi rất “cố tri”!

Nhìn về cuộc tranh luận văn chương

Từ phía bên nầy, tôi vừa được đọc 3 bài nhận định về tình hình nhà văn Việt Nam đương đại của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhan đề: “Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn”. Tuy đã quen với văn phong và văn tứ của anh trong những chuyện ngắn thời danh như Tướng Về Hưu, Con Gái Thủy Thần, Như Những Ngọn Gió... tôi vẫn cảm nhận được chất lửa hừng hực của Nguyễn Huy Thiệp toát ra từ cả ba bài viết. Phản ứng tâm lý tức thời của một người có chút ít duyên nợ còm với văn chương, sống xa quê hương như tôi là thật sự xúc động. Xúc động không phải vì khả năng có thể đồng ý hay không với cách nhìn và nội dung của bài viết, nhưng là vì tác giả đã bất chấp búa rìu dư luận của giới nhà văn sẽ phản ứng mạnh khi bị động chạm, để viết ra một cách thẳng thừng những suy nghĩ của mình. Auraleo Perez, một nhà văn trẻ và cũng là một bác sĩ y khoa thuộc phái cách tân Nam Mỹ nói về ngôn ngữ văn chương: “Nội dung như nồi xúp, văn phong như ngọn lửa. Đun lửa quá nhiều xúp sẽ bị cháy, khó nuốt và mất ngon; bật lửa ít biết xúp nấu bao giờ cho chín!” Như thế, có vẻ như người cầm bút cũng giống như người điều khiển vặn nút lò ga. Sự chọn lựa nào cũng ít nhiều kéo theo những hệ lụy tất yếu của nó. Tôi nghĩ là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã canh nút lò ga của anh để nấu món xúp văn chương theo tốc độ mà anh cần.

Sau đó không lâu, tôi lại được đọc bài: “Có thật đa số các nhà văn Việt Nam đều vô học, các nhà thơ đều lưu manh hay là ‘hội chứng chửi có thưởng’ thời nay?” của nhà thơ/nhà văn Trần Mạnh Hảo. Tôi đọc bài nầy cùng một đêm với những trang cuối của tác phẩm phê bình văn học “Văn Học - Phê bình, Nhận diện” của anh do Văn Học xuất bản năm 1999. Nhắc đến Trần Mạnh Hảo tôi thường nhớ đến những câu thơ tài hoa của anh nhiều hơn là các bài viết văn xuôi của anh. Có lẽ tại vì tôi cứ lẩn thẩn nghĩ rằng anh có “căn cơ” của một thiền sư “Đổi kinh lấy rượu tâm hư uống tràn” khi đọc Giao Thừa Nhớ Rét với hai câu thơ đẹp như mây khói thảo am của anh:
Rét quánh lại thành rêu trời xanh ngái
Nhớ thịt đông mây trắng ngủ trong nồi


Nguyễn Huy Thiệp và Trần Mạnh Hảo, cả hai đều là những khuôn mặt nổi tiếng trong văn giới nước nhà và hải ngoại hiện nay.

Cũng giống như nhiều người Việt sống ở nước ngoài, nhưng vẫn còn quan tâm đến sinh hoạt văn học nghệ thuật ở quê nhà, chúng tôi vẫn cố giữ cho ngọn đèn tiếng Việt tiếp tục cháy trong lòng mình và trong lòng thế hệ trẻ Việt Nam giữa một xã hội đa chủng tộc và lấy tiếng Anh làm ngôn ngữ chính như Mỹ. Tuy ít có cơ hội tiếp cận thường xuyên với tác phẩm và sinh hoạt văn học nghệ thuật tại quê nhà, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng bằng mọi phương tiện có được để không biến mình thành người “ngoại quốc” của văn học nghệ thuật Việt truyền thống và đương đại. Bởi vậy, chúng tôi không ngây thơ để cả tin vội vàng vào một nhận định bất cứ từ phía nào tới. Văn học nghệ thuật là một phần gia tài tinh thần quan trọng của văn hóa. Cho nên sự xây dựng, phê phán nghiêm khắc và nếu cần phá đổ... đều là một quá trình tổng hợp lâu dài. Quá trình đó là một chuỗi diễn biến và tác động qua lại nhiều hướng và nhiều chiều của sự kiện (facts) chứ không phải của ý kiến hay quan niệm cá nhân (opinions) đơn thuần. Khi xưa nhà thơ Cao Bá Quát có bịt mũi, nhăn mặt kêu lên: “Ngán thay cái mũi vô duyên. Câu thơ Thi Xã con thuyền Nghệ An” thì khách yêu thơ có thể thích thú vỗ tay reo cười, nhưng Mặc Vân Thi Xã không vì thế mà thịnh đạt hay suy đồi vì hội thơ đó là một thực thể sinh động của thi ca chứ không phải chỉ là nhãn hiệu phù phiếm của khẩu hiệu và thần chú để người đời bái phục hay trêu chọc.

Cũng thế, hội Nhà Văn Việt Nam như thế nào thì đã có những tác phẩm của các thành viên trong hội tự nó nói lên tư chất của họ. Từ một góc độ tích cực nhất, tôi nghĩ rằng, một tổ chức văn học và gia tài tác phẩm văn học của tổ chức đó… nếu ngày nào vẫn được còn chú ý, vẫn được khen ngợi nhiệt tình hay bị chê trách gay gắt thì ngày đó vẫn còn xác định được thế đứng và tác dụng của mình trong lòng người đọc. Điều đáng sợ nhất cho một nhà văn hay một tác phẩm văn chương là hiện tượng ra đời và biến mất trong im lặng. Paul Eszlinger nói lên điều nầy một cách thấm thía trong tác phẩm Phê Bình Thời Thượng (Contemporary Criticism), rằng: “Nhà văn và tác phẩm được coi như đã chết khi không còn ai biết hay nhớ để khen chê.” Và, ông cũng nói tiếp: “Tất cả mọi sự khen và chê dù chủ quan hay khách quan; dù nhẹ nhàng hay thô bạo đều là tiếng kèn sống động thôi thúc nhà văn nên tự biết mình để tiếp tục cầm bút vươn lên hay ném nó đi và chọn một nghề khác thích hợp hơn.”

Cũng có khi những khuynh hướng luận bàn văn học Việt Nam không phát xuất từ phía người Việt mà lại phát xuất từ phía người Mỹ. Đấy là trường hợp nhà thơ Mỹ John Balaban dịch thơ Hồ Xuân Hương và ca dao Việt Nam ra tiếng Anh quá sai lạc với nguyên bản tiếng Việt hay Nôm cũng đã gây ra nhiều tranh luận giữa chúng tôi và Art Times Journal về đề tài “To Translate is to Betray?” (Dịch là Phản?)

Nói gọn lại thì các cuộc tranh luận văn chương, từ căn bản, mang bản tính chất lành mạnh của một thực thể văn chương chưa bị lụi tàn và quên lãng.

Không lâu trước ngày ba bài viết của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nhận định về giới văn bút Việt Nam đăng trên báo Ngày Nay, tôi cũng đã có dịp nêu những ý kiến khiêm tốn của mình trong bài nhận định: “Viễn ảnh một giải Nobel văn chương cho giới văn bút Việt Nam” đăng trên các báo Xuân Việt ngữ tại Mỹ, Canada và Úc. Bài nầy cũng được e-Văn của VNExpress và TALAWAS trong nước đăng lại. Qua bài nầy, sau khi điểm qua tác giả và tác phẩm tiêu biểu của giải Nobel thời cận đại, tôi đã nêu lên câu hỏi là tại sao đã ba mươi năm sau cuộc chiến Việt Nam, một cuộc chiến trường kỳ và có tác động rất lớn trên cả toàn thế giới như vậy, đến nay chúng ta vẫn chưa có những tác phẩm văn học xứng đáng với lịch sử và thời đại, mang tầm cỡ quốc tế? Tôi không phủ nhận tài năng của đa số nhà văn Việt Nam. Nhưng sự thắc mắc vẫn chưa giải tỏa được khi nhìn lại khoảng cách quá xa giữa nhà văn và tác phẩm, giữa văn tài và văn phẩm, giữa đội ngũ khá hùng hậu của nhà văn Việt Nam và sự vắng bóng của những tác phẩm văn chương có tầm cỡ lớn lẽ ra đã có.

Đến khi đọc phần nhận diện và phân tích các nhà văn, nhà thơ của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tôi hơi bị chững lại. Vốn đã quen với thủ pháp diễn đạt tài hoa nhưng cũng cực kỳ bạo liệt trong một số chuyện ngắn đã xuất bản của anh, tôi vẫn cảm thấy quá nhiều chất lửa khi anh nói về nhà văn, nhà thơ Việt Nam bằng ngôn ngữ gay gắt, không khoan nhượng. Rất có thể vì quá say sưa trong lý luận và phân tích về tư chất và phẩm cách của giới nhà văn Việt Nam đương đại, nên anh chưa có những dẫn chứng cụ thể mang tính thuyết phục cần thiết để làm căn bản cho nhận định của anh, và đồng thời cũng làm giảm bớt sự phê bình phản bác gay gắt, nếu có. Theo nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thì đương đại hầu như đồng nghĩa với “suy đồi” (?). Tác giả viết: “Các nghệ sĩ sống trong thời hiện tại không thể tránh được sự dung tục, nhảm nhí, không thể tránh được bọn tiểu nhân, bọn phàm phu tục tử, lưu manh, philillistanh, ngụy quân tử v.v...” Như thế có nghĩa là hoàn cảnh sáng tác suy đồi hay chính bản thân lớp nhà văn Việt Nam hiện đại suy đồi? Và, nếu sự suy đồi nầy có thật, dù ở phía bên nào, thì đấy là một khái niệm mang tính triết lý, tâm lý, xã hội hay là một hiện thực có thể kiểm nghiệm được trong sự đối thoại với giò hoa thủy tiên của anh?

Phản ứng trực tiếp và nhanh chóng đối với bài viết của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là bài nhận định của nhà thơ/nhà văn Trần Mạnh Hảo. Là một nhà thơ, nhà văn, nhà biên khảo có nhiều tác phẩm thi ca và công trình biên khảo đã xuất bản, lần nầy, bài nhận định của nhà phê bình văn học Trần Mạnh Hảo xuất hiện có vẻ như không cùng một tần số với bài viết của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Thay vì cùng nhồi bóng trên sân chơi với cầu thủ Nguyễn Huy Thiệp để tranh tài cao thấp, làm bàn tung lưới đẹp mắt, thì trọng tài Trần Mạnh Hảo nghiêm khắc thổi còi phạt cầu thủ vượt quá lằn ranh giới hạn. Việc đánh giá sự tỉnh táo và suy diễn mục đích của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp khi viết bài nhận định nêu trên không quan trọng bằng sự phân tích và nhận định chân dung giới nhà văn Việt Nam hiện nay “như thế nào”. Nhất là khi Trần Mạnh Hảo muốn xác lập một hướng nhìn hầu như ngược lại với Nguyễn Huy Thiệp. Tinh hoa của nhà văn, nhà thơ là tác phẩm sáng tạo của chính họ chứ không phải những phụ dung quanh con người và lối sống của họ. Giai điệu của Requiem có làm nhân loại đời sau xúc động hay không chứ có ai thắc mắc Mozart sáng tác khi còn thanh xuân hay trong cơn chết của ông; hoặc băn khoăn vì sao mà ông viết một điệu ca bi ai đến thế đâu.

Sự phân tích và lý luận của nhà văn Trần Mạnh Hảo về bài viết của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tăng cường độ đến mức cao điểm quanh vấn đề “học” khi anh trích lại lời của NHT nói rằng, những nhà văn Việt Nam trong hội nhà văn là “vô học”.

Tôi không có ý diễn dịch xa hơn và vẫn chưa hiểu cụm từ “vô học” đặt trong nháy nháy của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có cùng một khái niệm như từ “vô học” của nhà văn Trần Mạnh Hảo trích ra từ Đại Từ Điển Tiếng Việt hay không. Đối với một nhà văn, cái phẩm chất “học” thật khác xa với cái học quy ước của trường ốc. Không ai có thể phủ nhận được rằng kiến thức và kinh nghiệm là vũ khí cần thiết của nhà văn. Vốn tri thức là phương tiện tĩnh mà học vấn là phương tiện động của nhà văn. Chất liệu sáng tác của những nhà văn điển hình là đọc, đi và sống. Cuốn sách nhỏ trong trường học và thư viện cần phải có cuốn sách lớn ngoài đời làm bảo chứng. Nhà văn chỉ đọc mà không sống thực là làm “văn nói suông”; ngược lại, chỉ sống lăn lộn ngoài đời để tìm chất liệu sáng tác mà không chịu đọc và tham khảo sách vở là viết “văn nói đại”. Văn nói suông và văn nói đại là mớ chữ nghĩa qua ngày chứ không phải văn chương đích thực.

Rõ ràng là “cái học” của nhà văn không có cùng một khái niệm, một quy ước với sự học vấn thông thường trong hệ thống trường học chính quy. Mục tiêu của trường học là cung cấp kiến thức mà sự biểu hiện hữu hình và cụ thể là bằng cấp, học vị. Nhưng mục tiêu của nghệ thuật là nắm bắt sự rung động và diễn đạt sự rung động đó bằng phương tiện nghệ thuật mà sự biểu hiện cụ thể là tác phẩm. Một nhà văn không có tác phẩm xứng đáng cũng giống như chú học trò, người sinh viên không có văn bằng tốt nghiệp tương xứng với cấp học của mình. Học là một quá trình thu thập và vận dụng. Như thế “cái học” của nhà văn là gì? Theo tôi thì cái học của nhà văn là một sự tham dự trực tiếp vào hiện thực cuộc sống. Tham dự với trí óc và tâm hồn mở rộng để tiếp thu thế giới đối tượng vào trong tâm hồn và sự suy tư độc lập của chính mình. Từ đó sử dụng một cách năng động trong âm thầm và cô đơn qua trực giác, cảm nhận, kiến thức, kinh nghiệm và bản lĩnh nội tại của chính mình để tái tạo cho mình một thế giới “không giống ai”. Đấy chính là sự độc sáng (uniqueness, personal creation) của nghệ thuật. Và, đấy cũng chính là cái mới của nghệ thuật. Sáng tạo là một tiến trình tìm ra cái mới từ trong cái cũ. Văn, thơ, nhạc, họa… cũng phải sử dụng phương tiện đã cũ, đã có sẵn hàng bao thế kỷ như ngôn ngữ, ký hiệu (chữ viết), âm thanh, màu sắc… để sáng tạo ra tác phẩm. Bởi vậy, “cái học” của nhà văn là cái học dấn thân (integration) và khám phá (discovery) để sáng tạo, chứ hoàn toàn không phải là cái học thu nhận thụ động, nhớ nằm lòng và tích lũy chờ cho đến ngày trả bài để được giám khảo đánh giá đậu hay hỏng, được hay thua. Những mảnh văn bằng cử nhân, thạc sĩ hay tiến sĩ chẳng phải là “điều kiện ắt có” để tạo ra văn chương và ngược lại.

Cái “học” của những nhà văn lớn là sự dấn thân vào môi trường mà họ muốn viết. Họ học bằng cách sống thật, bằng sự quan sát, phân tích và suy tư đến tận cùng sâu thẳm thế giới riêng tư, trần trụi, cũ mèm và mới tinh nguyên trong chính họ, xung quanh họ, thiết thân đối với họï. Thế giới nội tâm đó bao la và vĩ đại quá đối với một nhà văn, nhưng dường như “chẳng có gì đáng nói” đối với cuộc đời thường. John Steinbeck trong tác phẩm Chùm Nho Uất Hận (The Grapes of Wrath) đã chọn cuộc sống của gia đình Joad, một gia đình di dân xuất thân lang thang làm thuê ở nông trại. Những “biến cố” trong toàn bộ câu chuyện đều là những sự việc bình thường trong cuộc đời thường. Ernest Hemingway trong Ngư Ông và Biển Cả (The Old Man and the Sea) cũng chỉ quanh quẩn với ông già Santiago và con cá mập để độc thọai với biển khơi. Toni Morrison trong Bài Ca Solomon (Song of Solomon) cũng giới hạn trong thế giới của Milkman Dead một người đàn ông trung lưu, bình thường đi tìm lại gốc gác của mình. Cao Hành Kiện với Linh Sơn (Soul Mountain), chẳng cần những củ sâm 1000 năm của tiểu thuyết Kim Dung mới xây dựng được thế giới diệu kỳ cho tác phẩm. Thế nhưng họ đã xây dựng được những tác phẩm lẫy lừng trên văn đàn thế giới bằng những chất liệu “bình thường” như thế. Nếu tìm hiểu sâu hơn lịch sử đời tư của họ, chúng ta sẽ thấy được những nhà văn lớn đó đã dấn thân và “học” như thế nào.

Phải chăng đấy là cái “học” cần thiết cho người cầm bút mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp muốn nói đến?

Nếu có một “hội nghị văn học” nào đó cho những người cầm bút Việt Nam, tại quê nhà cũng như ở nước ngoài, có lẽ những ưu tiên cần nói với nhau trong lúc nầy là sự định hình lại giá trị đích thực của nội dung và sinh hoạt văn chương. Điều gì nhà văn cần nói với nhau trước nhất? Đâu là tiêu chí của sự định hình đó? Có thể là (1) sự dấn thân của nhà văn, (2) bản lĩnh và phẩm cách của nhà văn, (3) cái mới trong văn chương, và (4) cái “học” của nhà văn... chăng?
Hội văn chương xưa nay là giàn phóng của nhà văn chứ không thể là pháo đài núp bóng của nhà văn. Hội nhà văn bất cứ ở đâu là chiếc thuyền ra khơi của nhà văn chứ không phải là phương tiện để trở về bến đậu của nhà văn. Đa phần các Hội Nhà Văn ở Âu châu và Mỹ châu là một môi trường thi thố và thử thách tài năng chứ không phải là những câu lạc bộ để trải chiếu hoa cạp điều mời nhau nhập cuộc mà đấu đá, ca nhau hay cùng nhau “dấn thân”... vào ngõ cụt! Sau một thời gian nhập hội, những nhà văn nào cảm thấy mình không còn sáng tác được nữa thì tự động xin ra khỏi hội để giữ danh tiếng cho hội và khí tiết của nhà văn chứ không thể ngồi lỳ dưới bóng râm của hội để tính chuyện lão làng. Những hội nhà văn như L’Association Professionelle des Écrivains de France, Academie des Écrivains Publics de France (Pháp) hay National Writers Association, National Association of Women Writers, Southeastern Writers Association (Mỹ)... định nghĩa giá trị hội viên của họ bằng tác phẩm trình làng cụ thể và rất chật chỗ lẫn hà tiện cho sự phát triển khuynh hướng “sống lâu ra lão làng”.

Theo tôi nghĩ thì cuộc bút luận về nhà văn trong nước hiện nay mới chỉ là sự cựa mình của con rồng nghệ thuật Việt Nam. Con rồng đó cần phải có sự chuyển mình mạnh mẽ để bay cao trên một bầu trời tự do với tiếng gào mây nước mênh mang không còn giới hạn trói buộc. Con rồng chỉ xứng đáng là con rồng khi trong cuộc hành trình vào tương lai, đuổi kịp những bước đi đầy khai phóng của thế kỷ mới.

Thay lời kết luận

Tôi viết những dòng nầy từ một nơi mà thời gian đến sau Quê Mẹ của tôi đến 15 giờ. Sau một ngày làm việc, tôi mang cái máy vi tính xách tay vào trong quán cà phê Starbucks1, kêu một ly cà phê và mở máy ngồi gõ lóc cóc một mình. Thế giới xung quanh là một thế giới Mỹ. Có chăng một chút Việt Nam còn lại là những dòng chữ La Tinh có dấu nầy và một tấm lòng thương nhớ quê hương. Tôi viết những dòng nầy như những cảm nghĩ xuôi dòng nhưng cũng đầy xúc cảm. Xúc cảm khi nghĩ về những khuôn mặt thân thương của những người anh em trong trường văn trận bút mới đâu đó quanh đây và hiu hắt ở quê nhà. Tôi rất chủ quan để nghĩ rằng, từ trong sâu thẳm của tâm thức, tất cả chúng ta đều ước mong những điều tốt đẹp nhất đến với quê hương mình. Riêng trong lĩnh vực văn chương, chúng ta đã và đang có cơ hội từng bước góp mặt với những trào lưu văn nghệ thế giới mà cụ thể là sự ra đời và góp mặt của những tác phẩm văn chương mang tầm cỡ quốc tế trong những năm sắp tới. Vốn đã hơi quen với cuộc sống đầy cạnh tranh gay gắt ở Mỹ và cách đặt vấn đề đầy tính chất đương đầu và sáng tạo, tôi không nghĩ sự trưởng thành và bản lĩnh của giới văn bút thuộc thế hệ chiến tranh Việt Nam là đang bằng lòng và bảo thủ với những gì mình đang có. Nghề viết văn là một nghề “nghiệp chướng”. Một phút nhà văn không suy nghĩ đến những điều mình phải viết và sắp viết là một phút phi sáng tạo. Cần phải có sự truy tìm sâu và xa hơn trong sáng tạo. Những mũi nhọn chích vào bức tường cũ để hé ra những tia sáng mới trong văn chương bao giờ cũng nhức nhối và đầy trăn trở. Khi một chân trời đã hiện ra thì hẳn nhiên những mũi nhọn đó sẽ thành những song cửa ngắm trăng. Nếu nhìn theo một khía cạnh tích cực như thế thì những mũi nhọn Nguyễn Huy Thiệp không phải là một sự tấn công mà là một sự đánh thức. Mong sao trong những cuộc luận đàm văn chương, chúng ta ghi nhận hình ảnh mộc mạc “Nồi xúp và ngọn lửa” của Perez mà tôi đã trình bày ở phần trước.

Chắc sẽ không ai mong chỉ có “lửa non” để sưởi ấm nằm ngủ quên hay bồi “lửa già” cho nóng mặt, bỏng tay rồi quên đi món xúp văn chương mà các nhà văn đang đặt nấu ở trên lò. Tôi chỉ xin chân thành phát biểu những suy nghĩ rất chân tình phát khởi tự đáy lòng mình. Nếu không có ai nghe thì cầm bằng như chiều nay tôi đang say mê nói tiếng Việt mẹ đẻ trong quán cà phê Starbucks toàn Mỹ là Mỹ nầy. Bên ly cà phê nhạt thếch kiểu Mỹ ở phía sau mặt trời đang đứng bóng ở quê hương, lẽ nào tôi đang say sưa độc thoại với cái bóng của chính mình?!

Trần Kiêm Đoàn
California, Mùa Xuân 2004
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved