Home » » Chùm thơ Đường : Lý Bạch , Đỗ Phủ và Trương Cửu Linh

Chùm thơ Đường : Lý Bạch , Đỗ Phủ và Trương Cửu Linh

Written By kinhtehoc on Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012 | 22:21

Chùm thơ Đường : Lý Bạch , Đỗ Phủ và Trương Cửu Linh

Trương Thái Du

Trương Thái Du dịch thơ
1. Khúc thanh bình
Lý Bạch
Tưởng mây là áo mặt là hoa
Gió xuân sương sớm níu hiên nhà
Nếu chẳng gặp người trên Quần Ngọc
Thì hẹn Dao Đài dưới ánh Nga.
Một đóa hồng tươi, ngát lệ sương
Núi Vu thần nữ uổng buồn vương
Hỏi trong cung Hán ai nào sánh
Thương Triệu ái phi cậy phấn hương.
Người đẹp cùng vui với chúa hoa
Vua ngắm cười hoài, mãi kiêu sa
Khỏa đi muôn hận xuân đưa gió
Tựa song đình bắc thưởng trầm xa.
Dịch năm 1999
Thanh bình điệu
Âm Hán – Việt
Vân tưởng y thường hoa tưởng dung
Xuân phong phất hạm lộ hoa nùng
Nhược phi Quần Ngọc sơn đầu kiến
Hội hướng Dao Đài nguyệt hạ phùng
Nhất chi hồng diễm lộ ngưng hương
Vân vũ Vu sơn uổng đoạn trường
Tá vấn Hán cung thùy đắc tự
Khả lân Phi Yến ỷ tân trang
Danh hoa khuynh quốc lưỡng tương hoan
Trường đắc quân vương đới tiếu khan
Giải thích xuân phong vô hạn hận
Trầm hương đình bắc ỷ lan can
Chú thích: Một hôm nhân lúc hoa Thược Dược nở, Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi tụ hội để đàn hát. Lý Bạch đang say rượu vẫn bị khiêng tới để làm thơ. Trong men nồng, ông múa bút thành bài ca trên. Chính vì ngầm so sánh Dương Quý Phi với Triệu Phi Yến trong thơ, về sau ông bị thất sủng. Mối giao cảm giữa thi sĩ và thân phận Triệu Phi Yến hóa ra là ý thức về chính mình của Lý Bạch, ông chẳng khác nào phấn hương của vua chúa. Quần Ngọc, Dao Đài: nơi ở của Tây vương mẫu, đại khái là thiên đường cực lạc vậy. Vu sơn: Sở Tương Vương đi chơi ở đất Cao Đường, nằm mộng ái ân với thần nữ núi Vu. Vị thần này sớm làm mây, khuya làm mưa ở Dương Đài. Từ đó “Mây – Mưa” mang thêm nghĩa giao hoan, hưởng lạc.
2. Thu hứng
Đỗ Phủ
Ngọc sương rải khắp rừng phong
Vu sơn, Vu hiệp chập chùng khói bay
Dòng sông bụi sóng ken dày
Âm u mặt đất gió mây nối vần
Cúc khơi dòng lệ hai lần
Cô thuyền vườn cũ buộc chân tim này
Áo đông dao thước đã bày
Bạch thành rộn rã chiều đầy tiếng châm
Dịch năm 1995
Thu hứng (kỳ 1)
Âm Hán – Việt
Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm
Vu sơn, Vu hiệp khí tiêu sâm
Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng
Tái thượng phong vân tiếp địa âm
Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ
Cô chu nhất hệ cố viên tâm
Hàn y xứ xứ thôi dao xích
Bạch đế thành cao cấp mộ châm
Chú thích: Đỗ Phủ làm bài thơ này khi ở Quì Châu, nay là huyện Phụng Tiết, Tỉnh Tứ Xuyên, trong mùa thu 766. Tiếng châm là tiếng dao thước thợ may đập vào miếng đe kê phía dưới khi cắt vải.
3. Xúc cảm
Trương Cửu Linh
Xuân lá lan xum xuê
Thu quế hoa thanh khiết
Mạch sống cứ tràn trề
Làm nên vòng thời tiết
Ai hay kẻ ẩn mình
Ngồi nghe gió thao thiết
Cây cỏ cũng có lòng
Chẳng cần người đẹp biết
Dịch năm 1994
Cảm ngộ
Âm Hán – Việt
Lan diệp xuân uy nhuy
Quế hoa thu hạo khiết
Hân hân thử sinh ý
Tự nhĩ vi giai tiết
Thùy tri lâm thê giả
Văn phong tọa tương duyệt
Thảo mộc hữu bản tâm
Hà cầu mỹ nhân chiết
Chú thích: Trương Cửu Linh (673-740) người Triều Châu. Làm quan lớn trong triều nhà Đường, ngay thẳng, có khí tiết, vì dèm pha và mếch lòng vua, ông bị bãi chức. Về quê ông đứng ra tổ chức, đốc thúc khai thông đèo Mai Lĩnh để tiện việc đi lại cho công chúng. Ông mất thụy là Văn Hiến, người ta kính trọng, tránh húy mà gọi ông là Khúc Giang Công. Nhân dân nhớ ơn ông lập miếu thờ trên núi, có biển đề bốn chữ ''Phong Độ Thiên Thu''. Tôi cùng dân tộc, cùng họ với ông, triệt để tôn kính Khúc Giang Công nên thường hay đọc thơ và cố gắng trau dồi tinh thần của ông. Ở đây tôi mạn phép xếp Trương Cửu Linh đứng thứ ba sau Thi Tiên Lý Bạch và Thi Thánh Đỗ Phủ.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved