Bạn Đọc Việt Nam Và Thơ Hiện Đại?
Hoàng Hưng
Để có ý niệm đúng về thơ hiện đại, không gì bằng tìm hiểu nó từ nguồn cội.
Người ta coi Arthur Rimbaud (1853-1891) là một trong những ông tổ của thơ hiện đại. Bức thư của cậu học trò tỉnh lẻ 18 tuổi gửi cho bạn, sau này được gọi là “Hiến chương của thơ hiện đại”, đã nêu lên một định nghĩa mới lạ về nhà thơ: “Nhà thơ là nhà “thấu thị” (voyant) có nhiệm vụ thăm dò “vực thẳm của cái chưa biết”. Muốn trở nên thấu thị, phải tìm cách làm loạn tất cả các giác quan.” Ngôi sao băng kỳ lạ nhất trong lịch sử thơ, gã “lưu manh” (voyou) như đương thời dè bỉu đó, đã để lại những đoạn thơ-văn xuôi đầy ảo giác, đã phát hiện “thuật giả kim của ngôn từ”: mỗi nguyên âm như một nút bấm điện tử mở ra một thế giới huy hoàng tất cả các giác quan.
Ông tổ thứ hai, một nhân cách tương phản, một vị “gõ đầu trẻ” nghiêm cẩn, đã nghiền ngẫm từng chữ và tháo lắp cấu trúc hàng trăm lần để có một bài thơ hoàn mỹ: Stéphane Mallarmé (1842-1898) đề cao nhạc tính bên trong, thi pháp liên tưởng và đòi nhà thơ là người tạo nghĩa, “đem lại một nghĩa mới cho các từ của bộ lạc”.
Cùng lúc ấy, bên kia Đại Tây Dương, ông tổ của thơ hiện đại Mỹ, với giọng nói của giống đực, cuồn cuộn Mississipi, loảng xoảng sắt thép bến cảng, đưa vào thơ đời sống ngồn ngộn và “cái tôi” phơi trần. Người khổng lồ Walt Whitman (1819-1892) đương thời được đánh giá là “sự hỗn xược kỳ cục về ngôn từ và khí chất”.
Qua thế kỷ 20, thơ hiện đại nổi bật trào lưu “siêu thực” với tham vọng cách mạng về nhận thức và mỹ học: “Gạt bỏ sự kiểm soát của lý trí, để vô thức và tiềm thức dẫn dắt một cách viết tự động (écriture automatique) nhằm đạt được nhận thức nguyên sơ, trực giác về sự vật” (Tuyên ngôn siêu thực của André Breton, 1924).
Khó mà khái quát vài đặc điểm về sự phong phú đa dạng chưa từng có của thơ ca qua suốt một thế kỷ đầy biến động xã hội và nhảy vọt về khoa học kỹ thuật.
Về thi pháp, ta có thể thấy thơ hiện đại khác thơ trước nó (cổ điển, lãng mạn) ở những điểm sau:
- Thơ hiện đại mang một nhạc tính nội tại, thứ nhạc do một xung động tiềm thức tạo ra và tác động tới tiềm thức người đọc (có thể so sánh với tác động của những câu thần chú). Thể điệu của thơ hiện đại chủ yếu là thơ tự do có vần hoặc không vần, thơ văn xuôi, tức là thể điệu không định sẵn, thể hiện trung thực và trực tiếp sự bộc phát và diễn tiến lắm khi đầy nghịch lý của tâm trạng nhà thơ “trong phút ấy” (nhạc tính của thơ cổ điển dựa trên nhạc tính của từ ngữ - với thể điệu có sẵn – có tác động gợi hình ảnh và làm cảm động, thích hợp với tâm trạng tĩnh, quen thuộc).
- Hình ảnh trong thơ hiện đại bất ngờ, sửng sốt, nhiều khi kết hợp hai sự vật rất xa nhau, tạo sự nhảy vọt về trí tưởng. Điều quan trọng là những kết hợp bất ngờ ấy không do “sự nghĩ” mà có. Đó là thành quả của đời sống tiềm thức mạnh (giống như những chất liệu của ban ngày kết hợp thành giấc mộng ban đêm). Nó cũng thể hiện “cái ngẫu nhiên” của đời sống hiện đại đầy bất trắc, đầy biến động không ai đoán định nổi.
- Thơ hiện đại là “nghệ thuật của ngôn ngữ” theo đúng nghĩa. Dễ thấy nhất là ý thức làm mới ngôn ngữ. Hai con đường làm mới ngôn ngữ thơ: một là đưa vào thơ những từ ngữ mới xuất hiện trong đời sống, hai là tạo nghĩa mới cho từ cũ và tạo hẳn chữ mới. Trong phút xuất thần của nhà thơ, những kết hợp từ, có vẻ vô nghĩa song lại chấn động tâm linh, buột ra từ cõi hoang sơ khi ngữ âm còn trinh trắng u ơ như những tín hiệu thiên nhiên chưa khoác “ách” ngữ nghĩa của cộng đồng. Cực đoan hơn, nhiều nhà thơ hiện đại khẳng định họ không sử dụng ngôn ngữ, ngược lại họ phục vụ nó: bị sức mạnh bí mật của ngôn ngữ chiếm lĩnh, họ chỉ là người truyền sự ám ảnh của nó đến người đọc.
- Thơ hiện đại là sự bộc lộ triệt để đời sống thực của nội tâm con người, bao gồm cả đời sống tình cảm, đời sống bản năng, đời sống tâm linh. Trực giác, tiềm thức đóng vai trò rất lớn để phát lộ tầng sâu của đời sống ấy vốn bị tư duy duy lý che lấp suốt nhiều thế kỷ (thơ lãng mạn đã làm cuộc giải phóng tình cảm tự nhiên khỏi ách lý trí, nhưng chưa thoát khỏi tư duy duy lý). Cũng vì thế, thường khi, thơ hiện đại là ẩn ngữ phải được giải mã bởi trực giác, tiềm thức.
Nói cho đúng, những điều nói trên về thơ hiện đại đã có đây đó trong thơ ngàn năm trước, nhất là ở những thần cú, quỷ thi. Thơ hiện đại đã lọc ra những yếu tố thơ thuần túy, thơ đích thực trong thơ cũ, gạt đi những yếu tố văn xuôi, dù văn xuôi đầy "chất thơ”.
Ở Việt Nam , Thơ Mới (1932-1945) ảnh hưởng nặng thơ lãng mạn Pháp thế kỷ 19, số đi xa nhất cũng mới ảnh hưởng thơ tượng trưng (Baudelaire, Verlaine… Thơ tượng trưng được coi là tiền đề của thơ hiện đại). Hàn Mặc Tử giai đoạn sau có thể coi là “luồng run rẩy mới” (chữ Victor Hugo dùng cho thơ Baudelaire) với những vần thơ ám ảnh tinh huyết, ác mộng ma mị hoặc siêu thoát lên cõi thượng thanh khí. Song giống như Baudelaire và Rimbaud thời kỳ đầu, ông chưa thoát khỏi câu thơ cổ điển, còn những bài thơ-văn xuôi của ông thực ra chưa vượt lên nổi một thứ văn xuôi giàu hình ảnh và nhạc điệu. Không có cơ sở gì để nói thơ Hàn Mặc Tử là “thơ siêu thực” (như ý kiến vài nhà nghiên cứu phê bình văn học gần đây). Cũng không nên nhầm lẫn “cái khó hiểu”, sản phẩm của “sự nghĩ” rắc rối và bẻ chữ vặn nghĩa của ai đó trong nhóm Xuân Thu Nhã Tập (như trong câu “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà”) với tính cách hàm hồ, tăm tối mà đời sống tiềm thức tạo ra trong thơ hiện đại, không đánh vào “sự hiểu” mà đánh vào “sự cảm”.
Từ 1945 đến nay, một số yếu tố của thơ hiện đại đã đi vào thơ Việt Nam – một cách không mấy suôn sẻ (cuộc tranh luận gay gắt về thơ không vần trong kháng chiến ở Việt Bắc lại tái diễn theo một cách nào đó ở Sài Gòn sau 1954 chẳng hạn). Song những nhà thơ có máu “tiên phong”, “nổi loạn” không bao giờ vắng mặt trong lịch sử thơ ca dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.
Một gương mặt “hiện đại” tiêu biểu trong thơ Việt Nam là Đặng Đình Hưng (Hà Nội, 1924-1990).
Xin dẫn khổ thơ cuối cùng trong bài thơ dài Bến lạ (viết khoảng cuối những năm 1970, NXB Văn Nghệ TPHCM xuất bản năm 1991) của Đặng Đình Hưng:
Hôm qua tôi ghé alfa
Alfa không có nhà
Ô gặp nhau rồi sao vẫn cứ li
Một nắm hột khuya rắc vào bếp lạ
Đời gì
Sao cứ đi đi, những cái va li cứ về Bến lạ!
Bạn đọc sẽ hỏi alfa là ai? Bài thơ nhiều lần nhắc đến alfa mà không hề cho một yếu tố xác định nào về alfa. Có thể đó là một biệt danh quen thuộc trong đời sống riêng của tác giả, những ký hiệu alfa trong bài thơ tự nhiên gây không khí lạ và bí ẩn cho một câu thơ có thể rất tầm thường (tương tự cái tên Joseph K trong tiểu thuyết của Kafka). Bởi toàn bộ bài thơ là những bí ẩn của cuộc sống mà đích đến là cái “Bến lạ” đầy bí ẩn. Bến lạ bí ẩn và hấp dẫn như bầu trời đêm rắc “nắm hột khuya”. Những câu thơ rời rạc, nhiều khoảng trống nhưng lặp lại về âm (a-i), hiện rõ hình ảnh con người mệt mỏi, chấp nhận dửng dưng tình trạng bơ vơ của mình, chân bước từng bước tới cái chết mà miệng vẫn còn lẩn thẩn tự hỏi về sự vô nghĩa của kiếp người.
Những thứ thơ như trên chắc còn lâu mới chinh phục được nhiều người đọc. Việc Nguyễn Bính là nhà thơ được yêu thích nhất hiện nay nói lên rằng: tâm lý thưởng ngoạn của công chúng Việt Nam chưa mấy sẵn sàng để đón nhận thơ hiện đại.
Tất nhiên điều ấy phản ánh những điều kiện xã hội văn hóa hiện thời và chắc chắn sẽ thay đổi. Nên biết: tác phẩm văn học bán chạy nhất năm 1990 ở Trung Quốc là thơ của Uông Quốc Chân – một nhà thơ khá hiện đại và giải thưởng Thơ Đông Nam Á 1992 vừa được trao cho nhà thơ trẻ Thái Lan Saksiri Meesomsueb – người “phá vỡ mọi quy ước truyền thống về thơ được các nhà thơ Thái tôn thờ hàng thế kỷ nay để đi theo con đường tìm tòi riêng”. Điều đáng tiếc là chính các nhà thơ và giới lý luận phê bình Việt Nam chưa có ý thức chủ động chuẩn bị tâm thái cần thiết cho công chúng bước vào thế giới thơ hiện đại. Ngược lại, xem ra các quan niệm từ giữa thế kỷ 19 vẫn ngự trị cách nhìn nhận chính thống về thơ trước thềm thiên niên kỷ thứ ba./.
(Tạp chí Thế giới mới số 45 (1992).Bản của tác giả.