Home » » TRIẾT LÝ HY LẠP THỜI BI KỊCH [Phần 1]

TRIẾT LÝ HY LẠP THỜI BI KỊCH [Phần 1]

Written By kinhtehoc on Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2012 | 23:55

TRIẾT LÝ HY LẠP THỜI BI KỊCH
[Phần 1]
TỰA
Khi sự việc liên quan đến những con người không động chạm gần gũi đến chúng ta, thì muốn tán thưởng hay khước bác họ toàn triệt, ta chỉ cần biết đến những cứu cánh họ tự đề ra cho mình. Đối với những con người gần gũi chúng ta hơn, chúng ta phán đoán họ căn cứ vào những phương tiện họ sử dụng để đạt đến các cứu cánh; thường khi, trong lúc phản đối những cứu cánh họ đề ra, chúng ta vẫn yêu mến một vài người do ở những phương tiện họ sử dụng và cái phạm tính của ý chí họ. Thế mà những hệ thống triết học chỉ hoàn toàn chân thực đối với những người kiến tạo ra chúng. Thông thường các triết gia đi sau chỉ xem chúng như là một lầm lẫn vĩ đại, những đầu óc yếu đuối hơn thì nhìn thấy chúng là một tích tập những sai lầm và những chân lý mà tổng số thế nào cũng là một sai lầm, và họ chẳng khỏi lên án chúng vì lý do đó. Chính vì thế biết bao kẻ khinh thị triết gia, vì những cứu cánh của triết gia khác biệt với những cứu cánh của họ; những kẻ đó đứng cách xa chúng ta. Trái lại, kẻ nào có sở thích với những vĩ nhân thì cũng có những sở thích đối với những hệ thống triết lý; dẫu họ có sai lầm toàn triệt chăng nữa, thời ít ra họ cũng chứa đựng một điểm hoàn toàn chẳng thể phi bác được, một âm độ, một khí vị riêng tư; người ta có thể đi từ những hệ thống ấy mà phăng lần lên đến hình ảnh các tác giả tạo ra chúng, cũng như căn cứ vào cây cối người ta có thể kết luận về đất đai đã sản sinh ra căn đó vậy. Dẫu sao mặc lòng, đây là một lối sống và một lối nhìn các sự vật đã từng hiện hữu, do đấy lối sống và lối nhìn đó là khả hữu: hệ thống là chiếc cây xuất sinh từ miền đất nọ.
Tôi trần thuật bằng các giản lược hóa lịch sử các triết gia này. Tôi chỉ muốn trừu xuất ra từ mỗi hệ thống cái mảnh vụn nhân cách chứa đụng trong hệ thống vào tạo thành những chân lý bất khả phi bác, bất khả biện luận mà lịch sử phải có nhiệm vụ bảo tồn. Đây là một mưu định đầu tiên để tìm gặp lại những nhân cách đó và tái tạo lại chúng nhờ sự đối chiếu, một cố gắng để làm vang vọng lên một lần nữa tất cả sự đa điệu của tâm hồn Hy Lạp. Nhiệm vụ của tôi là đưa ra ánh sáng điều mà chúng ta phải luôn luôn yêu mến và tôn sùng và điều mà chẳng có bất luận tri thức nào về sau này có thể cướp đoạt mất khỏi chúng ta: bậc vĩ nhân.
TỰA LẦN THỨ NHÌ [1]
Nỗ lực muốn thử trần thuật lại ở đây lịch sử của các triết gia Hy Lạp thời Cổ đại khác biệt với các dự tính tương tự, do ở tính cách vắn gọn của nó. Muốn đạt đến sự vắn gọn này, đối với mỗi triết gia, tôi chỉ kể ra một số rất ít những học thuyết của họ, do đó quả là khiếm khuyết. Nhưng tôi đã chọn những học thuyết trong đó biểu lộ mạnh mẽ nhất nhân cách của mỗi triết gia, trong khi nếu liệt kê đầy đủ tất cả những công lý đã được truyền đạt cho chúng ta, như trong các sách giáo khoa, thì chỉ đưa đến chỗ xóa nhòa đi trọn vẹn nhân cách. Vì lẽ đó, những toát lược thuộc loại này rất là buồn nản; trong những hệ thống ngày nay đã bị phi bác, chỉ có nhân cách mới làm chúng ta lưu tâm, vì đấy chính là thực tại độc nhất vĩnh viễn không thể phi bác được. Nhờ vào ba giai thoại ta có thể phác họa nên chân dung một con người, bởi đó tôi cố gắng rút ra từ mỗi hệ thống ba giai thoại, và tôi không bận tâm đến những điều còn lại.
NHẬP ĐỀ
(1875)
1. Mọi người đều có lúc kinh thán tự nêu lên câu hỏi: Làm sao người ta có thể sống được? Thế mà người ta vẫn sống. Sẽ có một giây phút nào đó, họ bắt đầu hiểu rằng bản thân họ sở dĩ một tính sáng hóa thuộc loại tính sáng hóa họ hết lòng ngưỡng mộ trong chiếc cây mà họ nhìn thấy bò lan và leo lên cao để chinh phục một chút ánh sáng, một chút đất lành, vào tự tạo cho mình một niềm hoang lạc riêng trong một miền đất thù nghịch hững hờ. Trong những câu chuyện kể của một người thuật lại đời mình, luôn luôn có một lúc người ta kinh ngạc hỏi rằng tại sao chiếc cây lại có thể sống trong những điều kiện như thế và lại có thể sống với một sự dũng cảm bất khả lay chuyển nhường kia.

Nhưng có những cuộc đời trong đó những khó khăn trùng trùng điệp điệp. Đấy là cuộc đời những nhà tư tưởng. Và ta phải lắng nghe những gì được kể với chúng ta về cuộc đời họ, bởi vì ta thấy trong đó những khả tính của cuộc sống, mà chỉ cần lên tiếng kể lại, cũng đủ ban cho chúng ta niềm hân hoan cùng sức mạnh, và rót ánh sáng xuống cuộc đời của những người kế vị họ. Trong những cuộc đời đó cũng có biết bao là phát minh, suy tưởng, táo bạo, tuyệt vọng và hy vọng như trong các cuộc du hành của những nhà hàng hải đại danh. Và thật ra, đấy cũng là những cuộc lữ hành thám hiểm trong những xứ miền xa xôi nhiều hiểm nạn nhất của đời sống.
Điều kinh ngạc trong những cuộc đời này, là hai bản năng thù nghịch vốn thường xuyên lôi kéo về hai chiều chống đối, lại có vẻ như bị buộc phải bước đi dưới cùng một chiếc ách: bản năng hướng về tri thức bị buộc phải không ngừng từ bỏ miền đất con người quen sinh sống để lao mình vào trong cõi bất xác và bản năng ước muốn sự sống bị buộc phải không ngớt lần mò tìm kiếm một trường sở mới để an lập. Người ta nghĩ đến James Cook, người phải dò dẫm tìm đường suốt ba tháng ròng với chiếc ống dò đường trên tay, và những hiểm nguy đôi khi trở thành quá đỗi lớn lao đến độ ông ta phải quay trở lại tìm kiếm một nơi trú ẩn trong chính nơi chốn mà vừa mới đây ông đã tưởng là nơi chốn hiểm nghèo nhất. (Lichtenberg, IV, 152)
Mối tranh chấp giữa đời sống và tri thức càng lớn mạnh, bước đi dưới cùng một chiếc ách nói trên càng trở thành lạ lùng khi mà hai bản năng ấy càng mãnh liệt, nghĩa là khi một đằng đời sống càng giàu có và tươi nhuận hơn và đằng khác, tri thức càng khát khao ham hố và càng tàn nhẫn đẩy đưa đến mọi loại phiêu lưu.
2. Vì lẽ đó đôi mắt của tâm hồn tôi không thể chán gợi nên một loạt những nhà tư tưởng mà mỗi nhà trong tự thân đều mang chứa cái tính chất đặc thù không thể tưởng tượng được kia, và mỗi nhà đều đánh thức dậy cùng một niềm kinh ngạc do ở cái khả tính của đời sống mà họ đã biết khám phá ra cho chỉ riêng mình họ: tôi muốn nói đến những nhà tư tưởng đã sống vào thời đại cường kiện và phong phú nhất của Hy Lạp, vào thế kỷ trước những cuộc chiến tranh xứ Médie và ngay cả vào thời diễn ra những cuộc chiến tranh này. Bởi vì những tư tưởng gia đó đã đi đến chỗ tìm thấy những khả tính tuyệt vời của đời sống; thế mà theo như tôi thấy; về sau này, dân tộc Hy Lạp dường như đã quên mất đi phần tốt đẹp nhất của những khả tính đó. Và dân tộc nào có thể tự hào mình đã tìm thấy lại được những khả tính kia?

Đối chiếu những nhà tư tưởng thuộc về một thời đại khác và mộ dân tộc khác với cái loạt những khuôn mặt nói trên khởi đầu từ Thalès và kết thúc với Démocrite, trình diện ngay cả trước mặt những con người cổ Hy Lạp có triết gia Socrate cùng các môn đệ và tất cả những vị thủ lãnh trường phái của xứ Hy Lạp hậu kỳ - đấy là điều chúng tôi muốn thực hiện trong tác phẩm này, với hy vọng rằng sẽ có những kẻ khác nhau sau chúng tôi hoàn thành nó một cách tốt đẹp hơn. Dẫu sao chăng nữa, tôi nghĩ rằng những nhận định này bao giờ cũng được kết thúc bằng tiếng kêu thốt lên tán tụng: Họ kỳ tuyệt dường nào!
Trong các vị ấy, chẳng bao giờ tôi nhìn thấy những khuôn mặt cau có hay thô bạo, những kẻ tán dương cuồng tín hiện thời, những tên làm bạc giả của khoa thần học, những bọn thông thái rởm xanh xao và suy nhược (dầu rằng mầm mống của tất cả những thứ đó đều đã có sẵn và chỉ cần một hơi thở độc hại là đủ cho cỏ dại lan tràn). Tôi cũng chẳng thấy kẻ nào trong các vị ấy, vì muốn làm ra vẻ quan trọng bằng cách nói đến “sự cứu rỗi của linh hồn” hay bằng cách đặt ra câu hỏi “hạnh phúc là gì?” lại đi đến chỗ quên lãng trần gian và nhân thế.
Ước gì ta có thể tìm thấy lại được những khả tính đó của đời sống! các thi sĩ và các sử gia phải suy tư về nhiệm vụ này; bởi vì những người như thế thật quá hiếm hoi, ta không nên để cho vuột mất. Đúng hơn, chừng nào chưa tái tạo được những hình ảnh của họ và tô vẽ chúng hàng trăm lần trên vách, người ta còn chưa được phép ngưng nghỉ; và chính vào ngay lúc đó, người ta mới không được phép ngưng nghỉ. Bởi vì điều mà thế kỷ rất sáng tạo của chúng ta đang bị thiếu thốn, chính là sự sáng hóa mà các triết gia thời cổ đại đã bị cưỡng buộc vào: nếu không có sự sáng hóa đó, thì vẻ đẹp tuyệt vời của họ phát xuất từ đâu? Sự xấu xí của chúng ta do đâu mà có?
Vẻ đẹp là gì nếu không là hình ảnh nơi đó ta thấy phản ảnh niềm hoan lạc dị thường mà thiên nhiên cảm nghiệm được mỗi khi có một khả tính mới mẻ và phong phú của đời sống vừa được khám phá ra? Và sự xấu xí là gì, nếu không phải là sự tủi giận chống lại chính mình, khi người ta đem lòng hoài nghi không chắc nghệ thuật có còn khả năng quyến dụ chúng ta về với đời sống?
1
Có những kẻ thù của triết học, và người ta nên lắng nghe họ. Nhất là khi họ khuyên nên trừ bỏ siêu hình học khởi đầu óc bệnh hoạn của những người Đức và nên tự thanh lọc bằng khoa vật lý học, như Goethe, hay tự chữa trị bằng âm nhạc, như Richard Wagner. Các y sĩ của quần chúng đều vất bỏ triết học. Nếu muốn biện chính cho triết học, thì người ta phải chứng minh tại sao những dân tộc lành mạnh lại cần đến triết học và họ đã dùng nó vào việc gì. Nếu thực hiện được chuyện đó, có lẽ ngay cả những dân tộc bệnh hoạn cũng sẽ nhờ vậy mà có được tri thức hữu ích về những lý lẽ theo đó triết học là có hại cho họ.
Cố nhiên, không thiếu những thí dụ tốt đẹp về một sức khỏe có thể tự duy trì mà không cần đến một triết lý nào hay có thể tiếp theo bằng một sự sử dụng khoa triết lý rất điều độ đến đổi hầu như là một trò chơi. Những người La Mã vào thời đại huy hoàng của Đế Quốc đã bỏ lơ không cần đến triết lý theo dõi như thế.
Nhưng người ta có thể kể tên một dân tộc bệnh hoạn mà khoa triết học đã hoàn trả lại cái sức khỏe bị hư mất đi không? Nếu có bao giờ triết lý đó tỏ ra hữu dụng, bổ ích, dự phòng, thì đấy chính là nơi các dân tộc lành mạnh. Triết lý chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng các dân tộc bệnh hoạn. Khi một quốc gia suy nhược cảm thấy mối liên kết hợp nhất nó với các công dân đã trở thành lỏng lẻo, thì chưa bao giờ triết lý lại siết chặt lại cái nút nối kết sự hợp nhất quốc gia cả. Mỗi khi một người bị cám dỗ rút lui xa lánh thế sự và đóng khép lại chung quanh hắn một rào cản của sự cô lập ích kỉ, thì khoa triết lý lại sẵn sàng gia tăng sự cô lập và hủy hoại hắn vì sự cô lập này.
Triết lý trở thành nguy hiểm ngay khi triết lý không còn thụ hưởng sự toàn vẹn những quyền lợi của mình nữa, vì chỉ có một sức khỏe quốc gia trọn vẹn mới bảo đảm những quyền lợi đó cho triết lý – dầu rằng điều này không nhất thiết đúng cho tất cả mọi dân tộc.
Giờ, chúng ta hãy quay về cái uy quyền tối thượng đứng ra quyết định về điều ta có thể gọi là tình trạng lành mạnh nơi một dân tộc. Những người Hy Lạp, dân tộc thực sự lành mạnh, đã biện chính một lần vĩnh viễn cho khoa triết lý, chỉ do sự kiện là họ đã triết lý, và lại còn triết lý nhiều hơn tất cả những dân tộc khác. Thậm chí, họ lại còn chẳng biết dừng lại đúng lúc nữa. Vì cho đến lúc tuổi già hốc hác vô vi, họ đã cư xử như những kẻ nồng nhiệt sùng phụng triết lý, dẫu rằng họ chỉ hiểu triết lý như là những điều tinh tế đầy chất kính tín và những sự hợp lý hóa linh thánh tín điều Thiên chúa giáo. Bởi không biết dừng lại đúng thời, họ đã giảm thiểu rất nhiều sự cống hiến có thể dành cho hậu thế man di, hậu thế mà trong nỗi vô minh cùng cơn bồng bột của tuổi trẻ, đã bị định mệnh du vào trong những màn lưới, những chiếc bẫy được kết dệt nên một cách giả tạo đó.
Bù lại, những người Hy Lạp đã biết khởi đầu đúng lúc, và họ giảng dạy rõ ràng hơn bất cứ dân tộc nào khác cho ta biết phải khởi sự triết lý lúc nào. Không nên chờ lúc lâm cảnh khốn nạn, như những người muốn dẫn xuất triết lý từ sự bất mãn vẫn thường nghĩ. Mà ta phải khởi đầu trong hạnh phúc, trong sự trưởng thành hùng mạnh hoàn toàn, trong ngọn lửa của sự khoái hoạt nồng cháy, tức sự khoái hoạt của tuổi thanh niên kiêu dũng và chiến thắng.
Khi triết lý vào giai đoạn đó của lịch sử Hy Lạp, dân tộc Hy Lạp, vừa cho ta biết bản chất và nhiệm vụ của triết lý là gì, vừa cho ta biết bản tính riêng tư của họ. Nếu vào thời ấy, họ chỉ là những người có tinh thần thực tiễn, những tay bỡn cợt tầm phào và thản nhiên như bọn trưởng giả có ăn học ngày nay tưởng tượng ra, hoặc giả nếu họ đã chỉ sống trong bầu không khí say sưa phóng dục bất tận của lòng nhiệt hứng, của âm nhạc, của đời sống dinh dưỡng phè phỡn và xúc cảm, như các đầu óc ngu tối và hão huyền giả thiết, thì nguồn mạch triết học sẽ chẳng bao giờ tuôn trào ra từ dân tộc Hy Lạp. Cao tay lắm, ta cũng chỉ thấy trào vọt ra một dòng suối mà chẳng mấy chốc sẽ lặn chìm trong bãi cát hay tan bay thành sương khói, chứ chẳng bao giờ xuất hiện sòng sông thênh thang sóng cả oai vệ mà chúng ta được biết dưới tên triết học Hy Lạp.
Tất nhiên, người ta đã cố công chứng minh rõ ràng tất cả những gì người Hy Lạp đã có thể tìm ra và học hỏi từ ngoại quốc, ở Đông Phương, và biến thái của những gì họ đã mang về được từ nước ngoài. Cố nhiên, người ta sẽ chứng kiến việc đặt kề cận nhau những vị gọi là những bậc thầy Đông phương và những học trò Hy Lạp giả định của các vị ấy, bằng cách đặt tiên tri Zoroaster kế cận với Heraklit, các triết gia Ấn Độ với trường phái Elée, những người Ai Cập và Empedokles, thậm chí còn xếp Anaxagoras với những người Do Thái và Pythagoras vào giữa những người Trung Hoa. Trong chi tiết, người ta đã không đạt đến điều gì lớn lao, nhưng trong toàn bộ, thì chúng ta sẽ sẵn lòng chấp nhận ý tưởng trên, miễn là người ta đừng bắt chúng ta kết luận rằng triết học Hy Lạp chỉ là một món hàng nhập cảng, rằng triết học Hy Lạp đã không nẩy mầm từ miền đất quê hương và tự nhiên, và thêm vào đó, vì là một điều xa lạ, triết học ấy đã phá hoại hơn là làm cho dân tộc Hy Lạp tiến bộ.
Không gì phi lý cho bằng gán ghép cho dân tộc Hy Lạp một nền văn hóa bản thổ. Trái lại, họ đã thâu hóa nền văn hóa sống động của tất cả các dân tộc khác và nếu dân tộc Hy Lạp đã đi xa được đến như thế, chính là vì họ đã biết nhặt lấy ngọn thương mà vài dân tộc khác đã để nằm yên bất động, để phóng đi xa hơn. Dân tộc Hy Lạp thật tuyệt vời trong nghệ thuật học hỏi với kết quả, và cũng như họ, chúng ta sẽ phải học hỏi những dân tộc láng giềng của chúng ta, và đem kiến thức thâu đạt được phụng hiến cho đời sống chứ không phục vụ cho tri thức bác học, như một đà nhảy từ đó ta phóng mình nhảy lên cao vời và cao hơn dân tộc láng giềng.
Những vấn đề liên hệ đến nguồn gốc của triết học thì tuyệt đối giống nhau, vì ở khởi nguyên, bao giờ cũng chỉ có sự thô lậu bất thành hình dạng, trống rỗng, xấu xí, và nơi mọi sự, duy những cấp độ cao đẳng mới là đáng kể.
Những ai thích chuyên tâm nghiên cứu triết lý Ai Cập hay Ba Tư bởi vì nghĩ rằng những triết lý ấy có lẽ mang tính chất “độc đáo” nguyên bản hơn và chắc chắn là cổ xưa hơn, thì cũng thiếu thận trọng như những kẻ cứ nhất mực quy dẫn thần thoại Hy Lạp – vốn rất ảo dị và sâu xa – về những sáo ngữ vật lý học, mặt trời, sấm chớp, giông bão và sương mù, được xem như nguồn gốc cho thần thoại, hoặc những kẻ tưởng đã tìm thấy chẳng hạn trong sự sùng kính mù mờ cùng một vòng trời nơi các dân tộc Ấn-Âu khác, một hình thức của tôn giáo có tính chất hơn là tín ngưỡng đa thần của người Hy Lạp.
Bất luận nơi nào, con đường truy tầm nguồn gốc cũng dẫn cho ta thấy tình trạng dã man. Và nếu dân tộc ta lưu tâm đến lại là dân tộc Hy Lạp, ta phải luôn luôn tâm niệm rằng nhu cầu vô độ về tri thức thời tự nó cũng dã man như lòng thù ghét tri thức, và tâm niệm rằng nhờ vào cảm thức về đời sống, nhờ vào nhu cầu một đời sống lý tưởng, người Hy Lạp đã chế phục được bản năng tri thức của họ, một bản năng vốn vô độ khôn nguôi trong tự thân; bởi vì điều gì họ học được, họ liền muốn sống nó ngay.
Người Hy Lạp đã triết lý nó như những con người văn minh. Họ đã đề ra những cứu cánh của văn minh, như thế họ tránh được khỏi phải sáng hóa ra thêm một lần nữa những yếu tố của triết học và khoa học, do hiệu quả của lòng phô trương ái quốc quá khích nào đó. Ngược hẳn lại, họ hoàn toàn chú tâm nhay đến việc bổ khuyết, gia tăng, nâng cao và thanh lọc cái tri thức vay mượn của họ, một cách hoàn hảo đến độ lúc bấy giờ tất cả bọn họ đều thật sự trung thành – và theo một nghĩa cao hơn, trong một lãnh vực tinh thần hơn, - những con người sáng hóa. Quả vậy, họ đã sáng tạo nên những tiêu thức chính yếu của tinh thần triết học, mà toàn thể hậu thế đã chẳng thêm thắt được vào đó điều gì thiết yếu.
Tất cả các dân tộc đều đắm chìm trong sự mơ hồ hỗn độn so với cái lý tưởng tuyệt vời về một xã hội các triết gia ấy, xã hội của các vị tổ sư Hy Lạp, Thales, Anaximander, Heraklit, Parmenides, Anaxagoras, Empedokles, Demokrit và Sokrates. Tất cả đều được đẽo gọt ra từ cùng một khối. Tư tưởng và tính khí họ được gắn liền với nhau do một tất yếu tính nghiêm mật chặt chẽ. Họ không biết đến bất luận quy ước nào, vì ở vào thời họ, giai cấp các triết gia và các nhà bác học chưa hiện hữu. Trong sự cô đơn rạng rỡ hào quang, tất cả bọn họ là những người duy nhất của thời đại đem trọn cuộc đời mình phụng hiến cho tri thức. Tất cả đều có được cái đức tính quả quyết của những bậc cổ đức, nhờ đấy họ vượt qua tất cả những con người thời mới. Nó cho phép họ tìm thấy cái hình thể riêng biệt của mình và kế đó đưa hình ảnh ấy đến chỗ phát triển toàn vẹn, trong những chi tiết nhỏ nhoi nhất, nhờ vào sự hóa thân. Bởi vì không có một thời thượng nào đến trợ giúp để làm nhẹ bớt trách nhiệm cho họ.
Như thế, tất cả bọn họ họp thành cái mà Schopenhauer đã gọi là một Cộng hòa các Thiên tài, để đối lại với Cộng hòa các nhà Bác học. Họ là những người khổng lồ truy vấn lẫn nhau xuyên qua những khoảng không hư xen kẽ của thời gian. Dửng dưng với những chú lùn ương ngạnh, ồn ào đang luôn mồm la hét ở bên dưới, những người khổng lồ ấy theo đuổi cuộc tương thoại tâm linh cao nhã của họ. Chính từ cuộc tương thoại tâm linh cao vời đó, tôi muốn thuật lại những gì mà sự đui điếc của chúng ta ở thời hiện đại có thể nghe và nghe thấu, hẳn nhiên là chỉ một phần rất nhỏ mà thôi.
Theo như tôi thấy, trong cuộc tương thoại này, những hiền nhân thời cổ từ Thales đến Sokrates đã nói đến tất cả những gì tạo thành cái mà chúng ta cho là tính tinh yếu của tinh thần Hy Lạp, dĩ nhiên là bằng những ngôn từ rất tổng quát. Trong ngôn thuyết cũng như trước đó trong nhân cách của họ, đã hiển hiện những nét lớn của thiên tài Hy Lạp mà toàn bộ lịch sử Hy Lạp chỉ là một chiếc bóng chiếu dọi, một bản sao mơ hồ không nói lên với chúng ta bằng những từ ngữ rõ ràng trong sáng. Ngay cả khi nếu như chúng ta giải thích chính xác và toàn diện đời sống của dân tộc Hy Lạp, thì chúng ta chỉ gặp thấy cái phản ánh của hình ảnh đang long lanh màu sắc vô vàn sinh động hơn trong những thiên tài cao tuyệt nhất của Hy Lạp.
Biến cố triết học đầu tiên của đất Hy Lạp – tức sự chỉ danh Thất Hiền, mang lại một nét đầu tiên rõ rệt và khó quên cho hình ảnh của chủ nghĩa Hy Lạp. Các dân tộc khác có những bậc thánh, dân tộc Hy Lạp có những bậc hiền.
Người ta có lý khi bảo rằng một dân tộc được định tính không phải bằng những vĩ nhân của họ, mà bằng cái cách họ truy nhận và tôn vinh các vĩ nhân đó. Sống vào những thời đại khác, triết gia là một kẻ lữ hành cô độc, bị sự tình cờ run rủi vào trong một môi trường thù địch, lòn lỏi lén lút ở đó hay dùng sức mạnh vượt thoát ra ngoài. Nhưng nơi dân tộc Hy Lạp, triết gia không có mặt ở đấy bởi tình cờ. khi triết gia xuất hiện vào thế kỷ thứ VI và thứ V giữa những hiểm nạn chập chùng và những cám dỗ của một đời sống càng lúc càng có tính cách thuần túy thế tục hơn, khi triết gia tiến bước như thể đột hiện ra từ sào huyệt của Trophonios, giữa bầu không khí của xa xỉ, của kiêu hãnh và sự phát kiến, giàu có và nhục cảm, từ bầu không khí của những thuộc địa Hy Lạp, chúng ta đoán ngay ra rằng y chính là một sứ giả uy nghiêm, người mang theo cùng một lời cảnh cáo mà ở cùng thế kỷ ấy sẽ được tuyên xướng bởi bi kịch và được gợi ra bằng những bí nghiệm của phái Orphée trong những chữ tượng hình kỳ lạ của những nghi lễ của họ.
Do đó, phán đoán của những triết gia ấy về đời sống và hiện sinh nói chung chứa đựng nhiều ý nghĩa hơn là một phán đoán tân thời, bởi vì các triết gia đó đã chứng kiến sự tròn đầy sung mãn của đời sống và nơi họ - không như nơi chúng ta – cảm thức của nhà tư tưởng không bị chẹt vào giữa ước vọng một cuộc đời tự do, tươi đẹp, cao đại, và bản năng ước muốn sự thật vốn chỉ cho biết về giá trị của đời sống tự nội.
Căn cứ vào bản tính cùng kinh nghiệm của mình, chúng ta khó đoán cảm được vào thời ấy, trách vụ của triết gia là gì giữa lòng một nền văn minh đích thực và có một sự thống nhất mạnh mẽ về phong thức như thế, vì hiện giờ chúng ta không tìm đâu ra một nền văn minh loại ấy. Trái lại, chỉ có một nền văn minh như văn minh Hy Lạp mới có thể tỏ lộ cho ta biết trách nhiệm của triết gia là gì.
Như tôi đã nói, chỉ có văn minh Hy Lạp mới có thể biện minh cho triết học, vì chỉ nền văn minh ấy mới biết và mới có thể chứng nghiệm tại sao và làm thế nào triết gia không phải là một kẻ lữ hành nào bất luận, xuất hiện do tình cờ và cứ bất ngờ xuất hiện đó đây.
Có một luật thép cột chặt triết gia vào một nền văn minh đích thực, nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu không có nền văn minh ấy? Lúc bấy giờ, triết gia giống như một ngôi sao chổi không thể dự đoán được đường bay và, bởi đó, gây kinh hoàng, trong khi trong một giả thuyết thuận lợi hơn, triết gia chiếu rạng như một tinh thể vĩ đại nhất trong thái dương hệ của nền văn minh đó. Dân tộc Hy Lạp biện chính cho sự hiện hữu của triết gia, bởi sự kiện là nơi họ, triết gia không ở trong tình trạng một vì sao chổi.
2.
Sau những nhận định trên đây, người đọc sẽ không bị chướng ý khi thấy tôi nói đến những triết gia trước Platon như một xã hội mạch lạc và tôi có ý định dành riêng cho họ thiên nghiên cứu này.
Với Platon thì bắt đầu một điều hoàn toàn khác hẳn. Hay như ta cũng có thể nói với cùng lý lẽ, kể từ Platon trở đi, các triết gia thiếu mất một cái gì thiết yếu, khi đem họ so sánh với Cộng hòa những Thiên tài trải dài từ Thales đến Sokrates. Nếu muốn nêu lên phán đoán bất lợi cho những vị cổ sư đó, ta có thể cho họ là hẹp hòi và bảo rằng những hậu duệ của họ, đứng đầu là Platon, ăn nói dễ hiểu hơn. Nhưng sẽ chính xác và thành thật hơn nếu ta bảo rằng những vị sau là những kẻ rối rắm, còn những vị trước là những mẫu người thuần khiết.
Ngay chính bản thân Platon là kẻ rối rắm vĩ đại đầu tiên, kể cả trong triết lý lẫn con người. Học thuyết về Linh Tượng [Eidos] của Platon chứa đựng những yếu tố Sokrates, Pythagoras và Heraklit, chính vì thế học thuyết ấy không phải là một hiện tượng thuộc kiểu mẫu thuần khiết. Cả trên bình diện con người, Platon tụ hội trong ông sự cẩn trọng vương giả và sự bình lặng uy nghi của Heraklit, lòng từ ái âu sầu của nhà lập pháp Pythagoras, lẫn biện chứng pháp của tay học lọc lõi về tâm hồn là Sokrates.
Tất cả những triết gia về sau đều là những kẻ rối rắm pha trộn như thế. Khi họ xuất hiện với một khí chất rất nổi bật, như những triết gia phái Khuyển nho, thì đó không còn là một kiểu mẫu nữa, đấy là một bức hí họa.
Nhưng điều quan trọng hơn nhiều, chính là: họ là những kẻ sáng lập ra các học phái, và tất cả các học phái do họ sáng lập ra đều là những trung tâm chống đối nền văn minh Hy Lạp và sự thống nhất về phong thức mà nền văn minh ấy đã bảo trì được cho đến thời đại của họ. Họ tìm kiếm một sự cứu chuộc theo lối của họ, nhưng chỉ là sự cứu chuộc cho những linh hồn cá nhân mà thôi, hay cùng lắm là cho những nhóm bạn hữu hay môn đồ thân cận. Trái lại, hoạt động của các triết gia cổ xưa hơn lại nhằm đến sự cứu rỗi tập thể, sự thanh lọc của tất cả mọi người dầu họ có ý thức đến hay chăng. Không nên ngăn cản dòng văn minh Hy Lạp, mà phải cất xa khỏi đường đi của nó những hiểm họa khủng khiếp. Triết gia hộ trì và bảo vệ cho Tổ quốc.
Quả là một bất hạnh thật sự vì chúng ta đã chỉ lưu giữ được quá ít tác phẩm của các bậc thầy đầu tiên đó của triết học và chúng chỉ đến tay chúng ta dưới tình trạng các tản văn. Vì sự thất tán đó, chúng ta vô tình áp dụng cho họ những thẩm định sai lầm. Và dựa vào sự kiện, hoàn toàn do tình cờ là Platon và Aristoteles không hề thiếu những người ngưỡng mộ cũng như những kẻ sao chép, nên chúng ta bất công với những bậc tiền bối tiên phong của hai triết gia này.
Đôi khi chúng ta chấp thuận có một định mệnh cho những cuốn sách, một fatum libellorum. Nhưng đấy hẳn phải là một định mệnh hiểm ác khi đã cho là tốt trong việc loại trừ không cho chúng ta đọc Heraklit, bài thơ tuyệt vời của Empedokles, những tác phẩm của Demokrit, mà các bậc cổ gia cho là sánh ngang với Platon và dầu ở tình trạng hiện tại cũng vượt bỏ Platon về phương diện thuần phác. Bù lại chúng ta được gia ân ban thưởng các tác phẩm của triết gia khắc kỷ, các triết gia phái Epikure và Cicero.
Hình như là phần vĩ đại nhất của tư tưởng Hy Lạp và sự phát lộ bằng ngôn ngữ của nó đã bị cướp mất khỏi tay chúng ta, một số mệnh không nên làm chúng ta kinh ngạc, nếu như ta nhớ đến sự bất hạnh hẩm hiu của Scotus Erigena hay của Pascal, và nếu ta nghĩ rằng ngay cả trong thế kỷ của ánh sáng này đây, ấn bản lần đầu của tác phẩm Thế giới như Ý lực và Biểu tượng của Schopenhauer cũng bị xé ra để làm bả giấy. Nếu muốn chấp nhận rằng trong lãnh vực này có một ơn thiên luận đặc biệt, thì cũng được đi. Và xin người ta hãy lập lại với thi hào Goethe:
Ubers Niedertrachtige,
Nieamand sich beklage,
Denn es ist das Machtige,
Was man dir auch sage.
(Những thực tại ô nhục, mà chẳng ai than vãn, vì đấy chính là những thực tại mạnh mẽ nhất, người ta chỉ hoài công nói đến)
Nhất là những thực tại ấy còn mạnh mẽ hơn sức mạnh của chân lý.
Hiếm khi nhân loại sản sinh ra một cuốn sách hay, cuốn sách dũng cảm ca vang bài chiến ca của chân lý, bài thánh ca của lòng hào hùng triết lý. Trong khi đó, nhờ vào những tình cờ bất hạnh nhất, sự mờ ám đột ngột của những tâm trí, những cơn khủng hoảng do mê tín hay ác cảm vô lối, và sau hết, còn tùy thuộc và cả sự lười biếng của một thầy thư ký hay của những côn trùng và mưa gió, mà cuốn sách ấy sống sót thêm được một thế kỷ nữa hay quay trở lại tình trạng mục nát và biến thành cát bụi.
Nhưng chớ nên than vãn. Tốt hơn, chúng ta nên lặp lại những lời kết luận và an ủi mà Hamann gởi đến cho những đầu óc có văn hóa đang than thở về những tác phẩm đã bị thất tán: “Nhà nghệ sĩ làm cho một hạt đậu chui qua lỗ kim, há lại cần đến cả một giá đậu để duy trì kỷ xảo đã luyện tập được hay sao? Người ta ưa đem câu hỏi đó ra chất vấn tất cả những người có ăn học nhưng lại không biết sử dụng các tác phẩm của cổ nhân một cách tốt đẹp hơn con người sử dụng những hạt đậu ấy”
Ở vào trường hợp chúng ta, phải thêm là chúng ta không cần có thêm một lời nói, một giai thoại, ngày tháng nào nữa được truyền đến chúng ta, thậm chí chúng ta sẽ còn cần ít hơn nữa để thiết định sự kiện: xét chung thì dân tộc Hy Lạp biện chính cho sự hiện hữu của khoa triết lý.
Một thời đại bị xâm hại do cái tai họa mà người ta gọi là nền văn hóa đại chúng, nhưng trong bản chất lại là vô văn hóa và hoàn toàn thiếu hẳn sự thống nhất về phong thức, sẽ chẳng biết làm gì với triết học, dẫu rằng nó được công bố ầm ĩ trên các đường phố và các công trường do thiên tài của đích thân Chân Lý. Nền triết học ấy sẽ chỉ là cuộc độc thoại thông thái của kẻ nhân du cô độc, là con mồi mà cá nhân tình cờ chộp được, là bí mật của những hội đoàn khép kín hay một cuộc tán gẫu ba hoa vô hại giữa các ông già thông thái với bọn trẻ. Chẳng một ai có thể liều lĩnh hoàn tất trong tự thân mình cái định luật của khoa triết học, chẳng có lấy người nào đó sống một cuộc đời triết lý với lòng chân thành trung trực sơ đẳng đã từng cưỡng bách một hiền nhân thời cổ phải cư xử như một người khắc kỷ nếu họ đã nhất tâm quy phụng đức tin vào các nguyên lý của trường phái đó – dầu họ ở đâu, họ là gì đi nữa.
Ngày nay, các chính phủ, các giáo hội, các phong tục, các thời thượng và sự hèn nhát của con người đã đồng lõa với nhau trong việc sử dụng những phương tiện chính trị và cảnh sát để bắt hoạt động triết lý an trí trong một bề ngoài thông thái phù phiếm vô bổ. Tất cả tự giới hạn ở tiếng thở dài: “Ồ … thế nhưng!” hay ở nhận định: “Xưa kia…” Triết học đã mất đi lý do hiện hữu cốt yếu. Vì lẽ đó, nếu có chút ít can đảm và liêm khiết, con người hiện đại sẽ phải khu trừ triết lý nhờ những lời lẽ giống như những lời lẽ Platon đã dùng để trục xuất các thi sĩ bi kịch ra khỏi nền Cộng hòa của ông.
Cố nhiên, triết lý sẽ có quyền đối đáp lại bằng lời lẽ các thi sĩ bi kịch đã biết dùng đối đáp lại Platon. Nếu người ta cưỡng bách triết lý phải lên tiếng, thì triết lý sẽ có thể trả lời: “Hỡi dân tộc bất hạnh! Có phải lỗi của ta đâu, nếu như ta phải sống một cuộc đời lang thang phiêu bạt trên đất mi, nếu như ta phải lẫn trốn và giả trang, như thể ta là một kẻ tội đồ và các ngươi là quan tòa lên án? Hãy nhìn nàng Nghệ thuật, chị em của ta! Nghệ thuật cũng chịu chung số phận như ta. Chúng ta phải tị nạn nơi các dân tộc man dã và chẳng còn biết phải phụng hiến tâm thành của mình cho ai nữa. Nơi đây, quả thế, ta và Nghệ thuật không còn lý do hiện hữu nữa. Nhưng các vị quan tòa đoán án chúng ta cũng sẽ lên án các ngươi nữa và bảo cùng các ngươi: trước hết, các ngươi hãy có một nền văn minh đi đã, rồi các ngươi sẽ học biết được triết lý muốn gì và triết lý có thể làm gì”
(còn tiếp)

Nguồn: Nietzsche. Triết lý Hy Lạp thời Bi kịch / Die Philosophie im Tragischen Zeitalter der Griechen (1872). Trần Xuân Kiêm dịch. Sài Gòn: Nxb. Tân An, 1975. Bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved