Nạn “tác giả ma” nhìn từ vụ lùm xùm “Tài năng và Đắc dụng”
(Vietnamnet, 17-5-2011) Sự hiện diện của ông Đặng Lê Nguyên Vũ như là một đối tượng nghiên cứu và đồng thời là tác giả gây không ít ngạc nhiên. Đã là đối tượng nghiên cứu thì tại sao lại là tác giả?
Không biết từ bao giờ, chúng ta có xu hướng đặt nặng số lượng mà xem nhẹ phẩm chất. Những lùm xùm chung quanh số trang dành cho doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ trong cuốn sách “Tài năng và đắc dụng” là một ví dụ tiêu biểu. Nếu bình tâm nhìn sự việc bằng lăng kính khách quan, có lẽ những lùm xùm đó không đáng có. Nhưng cuốn sách còn đặt ra nhiều vấn đề về nghiên cứu khoa học ở nước ta.
Ai cũng biết lượng và phẩm (chúng ta hay quen nói là chất lượng) là hai khía cạnh khác nhau của một sự việc. Một bài báo có thể chiếm nhiều trang giấy, nhưng nếu bài báo không có ý tưởng, thì đó là một bài báo vô dụng. Số từ hay số trang giấy không nói lên hàm lượng thông tin. Do đó, thật là sai lầm khi đếm số trang giấy hay số từ để đánh giá và so sánh tầm cỡ của các nhân vật.
Ấy thế mà cuốn sách “Tài năng và đắc dụng” do GS Nguyễn Hoàng Lương và PGS Phạm Hồng Tung chủ biên đang gây ra nhiều tranh cãi, một phần lớn là về số trang! Ngoài những câu hỏi về sự hiện diện của ông Đặng Lê Nguyên Vũ trong cuốn sách bên cạnh những nhân vật lịch sử, người ta cho rằng số trang sách (42 trang) liên quan đến ông là quá nhiều so với các nhân vật như chủ tịch Hồ Chí Minh (25 trang), Nguyễn Trãi (10), Trần Quốc Tuấn (15), Đào Duy Từ (6), v.v.
Hãy bỏ qua những nhận định cảm tính, chúng ta thử xem xét vấn đề qua lăng kính khách quan và hi vọng sẽ đi đến một nhận xét công bằng hơn.
Nhập nhằng vai trò tác giả
Cuốn sách là một công trình nghiên cứu khoa học của hai vị giáo sư vừa đề cập. Một trong hai vị chủ biên tuyên bố rằng vì là công trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước (tôi nhấn mạnh), nên phải công bố, chứ không để trong ngăn tủ được.
Hoan nghênh tinh thần khoa học của vị chủ biên!
Đúng là kết quả nghiên cứu khoa học cần phải công bố, chứ không phải tiêu tiền Nhà nước (mà thực chất là của người dân) mà chẳng thấy sản phẩm nào cả. Đáng lẽ công bố quốc tế thì càng tốt hơn, nhưng trong tình huống hiện tại, công bố qua hình thức sách cũng có thể chấp nhận được.
Nghiên cứu khoa học phải bắt đầu bằng giả thuyết, và phương pháp thực hiện. Ở đây, rất khó biết giả thuyết khoa học của công trình là gì, nhưng cách thực hiện thì có vài vấn đề cần bàn.
Theo cách hiểu thông thường, người chủ trì công trình nghiên cứu phải là người thực hiện việc thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu, và quan trọng nhất là chấp bút viết báo cáo. Có thể xem cuốn sách là một báo cáo, một “sản phẩm” của công trình nghiên cứu. Thế nhưng ở đây, chúng ta thấy có sự nhập nhằng trong vai trò của người thực hiện.
Sách đề tên 2 chủ biên là GS Nguyễn Hoàng Lương và PGS Phạm Hồng Tung, nhưng phía trong bìa lại có 8 tác giả. Tám tác giả (bao gồm cả 2 người chủ biên là Nguyễn Hoàng Lương, Phạm Hồng Tung, Nguyễn Hoàng Hải, Đinh Thị Thúy Hiên, Lê Thị Lan, Nguyễn Ngọc Thắng, Phạm Minh Thế, và Đặng Lê Nguyên Vũ. Cần nói thêm rằng sách còn có người biên tập (Phạm Thị Thinh). Vấn đề đặt ra là vai trò của những chủ biên, tác giả, và biên tập viên ra sao? Ai là người thu thập dữ liệu, ai phân tích dữ liệu, và ai là người thật sự viết sách.
Ngày nay, những câu hỏi trên có ý nghĩa và mang tính thời sự. Trong hoạt động khoa học, vấn nạn tác giả ma (ghost author), tác giả danh dự (honor author), tác giả làm quà (gift authorship), v.v. đang làm vẩn đục uy tín của khoa học. Nghiên cứu khoa học ở Việt Nam cũng có tình trạng tác giả ma, tác giả danh dự. Trong thực tế, nhiều người đứng tên tác giả nhưng thật ra họ chẳng có đóng góp gì (tác giả danh dự, tác giả quà), nhưng ngược lại, có người chấp bút viết nhưng không có tên trong danh sách tác giả (còn gọi là hiện tượng tác giả ma).
Đáng lẽ theo thông lệ nghiên cứu khoa học quốc tế, người chủ biên phải minh bạch vai trò của từng tác giả (và của chính họ), nhưng rất tiếc là trong trường hợp này, họ không làm theo thông lệ như thế, và sự nhập nhằng về vai trò của các tác giả cũng như chủ biên có thể là lí do để dư luận đặt câu hỏi.
Mâu thuẫn lợi ích?
Cuốn sách gồm có 3 phần và 14 nhân vật. Phần I là những nhân tài trong lĩnh vực lãnh đạo, quản lý, bao gồm 5 nhân vật: Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Đào Duy Từ, Hồ Chí Minh, và Chulalongkorn. Phần II là những nhân tài trong lĩnh vực khoa học – công nghệ, và chủ biên chọn 4 người: Lê Quý Đôn, Trần Văn Giàu, Albert Einstein, và Thomas Edison. Phần III là nhân tài trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh, và chủ biên chọn ra 5 người tiêu biểu: Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trường Tộ, Bạch Thái Bưởi, Đặng Lê Nguyên Vũ, và Bill Gates.
Sự hiện diện của ông Đặng Lê Nguyên Vũ như là một đối tượng nghiên cứu và đồng thời là tác giả gây không ít ngạc nhiên. Đã là đối tượng nghiên cứu thì tại sao lại là tác giả? Tuy nhiên, luật sư của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã chính thức có yêu cầu đính chính rằng “Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ không phải là đồng tác giả của nhóm chủ biên quyển sách’Tài năng và đắc dụng’). Nhưng đính chính này không phù hợp với những gì in trong sách, mà trong đó tên ông được ghi là tác giả!
Có hai khả năng xảy ra: một là nhóm chủ biên tự ý đưa tên ông Đặng Lê Nguyên Vũ vào sách mà không cho ông hay biết; hai là ông … quên. Nếu trường hợp thứ nhất xảy ra, thì đó là một biểu hiện của sự tắc trách trong nghiên cứu khoa học, và có thể nói là một vi phạm đạo đức khoa học (vì đó là hiện tượng tác giả danh dự). Nếu trường hợp thứ hai xảy ra, thì đây là một trường hợp mâu thuẫn lợi ích (conflict of interest).
Mâu thuẫn quyền lợi có thể xảy ra trong nghiên cứu khoa học, và điều đó không có nghĩa là sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nghiên cứu, nhưng đương sự phải tuyên bố ngay từ đầu là sự hiện diện của đương sự là một mâu thuẫn quyền lợi. Dù trường hợp này đi nữa, thì sự việc là một tín hiệu có vấn đề về vai trò tác giả và đối tượng nghiên cứu trong công trình cấp Nhà nước này.
Sự hiện diện của ông Đặng Lê Nguyên Vũ trong sách như là đối tượng nghiên cứu cũng làm cho nhiều người ngạc nhiên, nhưng theo tôi thì không đáng ngạc nhiên. Người ta ngạc nhiên là ông đứng chung với danh sách một số nhân vật lịch sử nổi tiếng khác.
Nhưng hai vị chủ biên đã cho biết đây là một “case study” — mô hình nghiên cứu trường hợp, và họ giải thích việc chọn ông Nguyên Vũ như sau: “Một trong những doanh nhân tiêu biểu, thành đạt của Việt Nam thời kỳ đổi mới’”, chứ họ tuyệt đối không có ý định tôn vinh quá mức cá nhân ông Nguyên Vũ hay “quảng cáo, ‘đánh bóng’ tên tuổi cho doanh nghiệp Café Trung Nguyên.”
Thật vậy, chẳng có lí do gì để không chọn Đặng Lê Nguyên Vũ nếu trường hợp của ông hội đủ tiêu chuẩn nghiên cứu.
Trước hết chúng ta thử bàn qua mô hình nghiên cứu xem có phù hợp không.
Nhóm chủ biên nói rằng họ chọn mô hình case study. Thế nào là một case study? Theo tôi hiểu, khi nói đến case study là đề cập đến những nghiên cứu (a) mà phương pháp mang tính định tính (qualitative method) với số lượng cỡ mẫu nhỏ; (b) mục tiêu của nghiên cứu mang tính bao quát, dầy đặc (kiểu như cung cấp một bức tranh tổng quát của một vấn đề); (c) sử dụng một loại chứng cứ cụ thể như lâm sàng, quan sát cá nhân, lịch sử, văn bản học, v.v.; (d) phương pháp thu thập chứng cứ mang tính “tự nhiên” như quan sát quá trình phát triển của cá nhân ; (e) chủ đề hòa quyện với nhau; (f) sử dụng nhiều nguồn dữ liệu ; (g) điều tra những đặc điểm của một sự kiện, một vấn đề.
Trong case study, nhà nghiên cứu có thể chọn bất cứ ai mà họ cảm thấy có thông tin. Không nên quá cảm tính khi phê bình tại sao chọn người này mà không là người khác (cảm tính đó nên dành cho văn học, chứ không phải khoa học).
Người Việt chúng ta hình như có “ác cảm” với doanh nhân, xem họ như những người gian manh, điêu ngoa, làm lời bất chính. Ngược lại, người Việt có xu hướng ca ngợi các danh nhân quân sự, văn học, và ca ngợi… cái nghèo. Vậy thì tại sao trong thế kỉ 21 chúng ta không vinh danh một doanh nhân thành đạt, mà doanh nhân này có xu hướng trân trọng văn hóa nữa.
Do đó, đối chiếu với những lĩnh vực và mục tiêu nghiên cứu, tôi nghĩ mô hình nghiên trường hợp là hoàn toàn có thể chấp nhận được.
Nhưng trong cuốn sách này, còn có vấn tiêu chuẩn thời gian. Thật vậy, nhìn qua danh sách nhân vật trong bảng dưới đây, chúng ta thấy các nhân vật trải dài từ thế kỉ 13 đến 21. Trong số 14 người, có 11 người thuộc vào “thế hệ xưa”, hiểu theo nghĩa sinh vào thế kỉ 19 trở về trước. Như vậy là thiếu cân đối, và không phù hợp với tiêu chí “tiêu biểu” cho nghiên cứu.
Nhân vật Sống vào năm Độ tuổi
Trần Quốc Tuấn 1228 – 1300 73
Nguyễn Trãi 1380 – 1442 63
Đào Duy Từ 1572 – 1634 63
Hồ Chí Minh 1890 – 1969 79
Chulalongkorn 1853 – 1910 58
Lê Quý Đôn 1726 – 1784 59
Trần Văn Giàu 1911 – 2010 100
Albert Einstein 1879 – 1955 77
Thomas Edison 1847 – 1931 85
Nguyễn Công Trứ 1778 – 1858 81
Nguyễn Trường Tộ 1830 – 1871 42
Bạch Thái Bưởi 1874 – 1932 59
Đặng Lê Nguyên Vũ 1971 – 41
Bill Gates 1955 – 57
Điểm thứ hai đáng chú ý là trong số 14 người, chỉ có 2 người “đương thời” (tức còn sống). Đó là ông Đặng Lê Nguyên Vũ và Bill Gates. Đó là một sự thật cho thấy có vẻ thiên vị về quá khứ hơn là hiện tại.
Điểm thứ ba vấn đề tuổi tác. Tính trung bình, tuổi của 14 người là 63 tuổi. Nếu loại bỏ 2 người đương thời, thì tuổi trung bình là 68. Người trẻ nhất là ông Đặng Lê Nguyên Vũ (41 tuổi). Câu hỏi đặt ra là trường hợp ông Nguyên Vũ có phải là một trường hợp cá biệt (theo tiêu chuẩn tuổi tác)?
Chúng ta có thể ứng dụng phương pháp kiểm định thống kê để cho thấy rằng không có cơ sở để cho rằng ông Đặng Lê Nguyên Vũ là một trường hợp cá biệt trong nghiên cứu. Thật ra, trường hợp cá biệt có thể là ông Trần Văn Giàu (100 tuổi), nhưng trị số P là 0.22, nên chúng ta cũng không thể kết luận rằng ông là một trường hợp cá biệt (đứng về mặt tuổi tác).
Về số trang sách
Có người phàn nàn rằng số trang dành cho nhân vật Đặng Lê Nguyên Vũ là quá nhiều. Người ta còn so sánh với số trang dành cho nhân vật Hồ Chí Minh. Thật ra, số trang sách đâu nói lên nội dung. Nội dung mới quan trọng hơn số trang và số chữ.
Điều này thì chắc không ai phản đối, vì chúng ta thấy nhiều bài viết rất dài nhưng ý tứ thì không có bao nhiêu. Nhưng tạm thời, chúng ta hãy tạm giả định rằng “trọng lượng” ý tưởng tính trên mỗi trang giấy là tương đương nhau. Câu hỏi đặt ra là số trang dành cho Đặng Lê Nguyên Vũ có đáng chú ý không, có đáng làm chúng ta ngạc nhiên không?
Để trả lời câu hỏi này chúng ta cần phải sách có bao nhiêu trang. Theo một nguồn tin trên Tuổi Trẻ thì sách dày 328 trang, nhưng nếu trừ các trang bìa, mục lục, cảm tạ, tổng quan thì có lẽ sách có 300 trang dành cho nội dung chính. Sách có 14 nhân vật. Và, theo giả định đặt ra ở trên, nếu không có bias, thì mỗi người có khoảng 21.4 trang. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ “chiếm” 42 trang, tức cao gấp 2 lần trung bình.
Với số liệu đó, chúng ta có thể dùng phương pháp thống kê để trả lời câu hỏi trên đây. Kết quả phân tích cho thấy quả thật số trang dành cho đối tượng Đặng Lê Nguyên Vũ cao hơn các đối tượng khác một cách có ý nghĩa thống kê.
Thực ra, trong nhiều trường hợp, số trang dành cho các nhân vật lịch sử có khác biệt. Từ điển Bách khoa Toàn thư dành số chữ nhắc tới Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi thấp hơn nhiều một số nhân vật lịch sử hiện đại khác như Võ Nguyên Giáp, cụ Hồ Chí Minh. Nhưng cố nhiên, đâu có ai cho rằng cách trình bày qua số lượng từ vựng như thế là tỏ lòng thất kính với các tiền nhân như Nguyễn Trãi và Trần Hưng Đạo. Và cũng chẳng vì số lượng từ vựng ấy mà tầm cỡ của các nhân vật ấy bị giảm sút. Mọi so sánh đều khập khiễng.
Nhân vật Số từ
Hồ Chí Minh 1308
Trần Hưng Đạo 459
Nguyễn Trãi 562
Lê Duẩn 520
Võ Nguyên Giáp 560
Trường Chinh 570
Lý Thái Tổ 176
Trần Nhân Tông 295
Ngô Quyền 175
Lý Thường Kiệt 275
Nguyễn Huệ 442
Gia Long 314
Nguyễn Văn Thiệu 128
Ngô Đình Diệm 292
Tại sao trường hợp ông Đặng Lê Nguyên Vũ chiếm nhiều trang sách? Đây không phải là câu hỏi bài này muốn trả lời, nhưng hình như người chủ biên cũng chưa giải thích một cách thuyết phục. Có thể chỉ là ngẫu nhiên, nhưng cũng không loại trừ khả năng có thiên vị (vì sự khác biệt có ý nghĩa thống kê).
Cũng có thể ông Đặng Lê Nguyên Vũ cung cấp nhiều thông tin hơn những người đã qua đời (và nếu như thế thì người chấp bút viết về các nhân vật khác còn nợ một lời giải thích).
Nói tóm lại, chúng ta chưa biết. Nhưng căn cứ vào số trang sách để so sánh ai đáng trân trọng hơn ai, theo tôi là quá cảm tính.
Tóm lại, các phân tích bán định lượng vừa trình bày trên đây cho thấy không có bằng chứng để kết luận rằng việc chọn ông Đặng Lê Nguyên Vũ là một bất bình thường. Có bằng chứng cho thấy số trang sách dành cho các đối tượng nghiên cứu rất khác nhau, và sự khác biệt không chỉ xảy ra trong trường hợp ông Đặng Lê Nguyên Vũ mà còn trong nhiều trường hợp khác.
Nhưng sự khác biệt về lượng (số trang) không thể là chứng cứ để kết luận có sự thiên vị, và càng không phải là một thước đo về phẩm chất của thông tin.
Qua công trình nghiên cứu này, có thể nói rẳng cách làm nghiên cứu khoa học xã hội ở nước ta còn nhiều bất cập.