Cái tên Đặng Lê Nguyên Vũ bỗng nhiên trở nên “nóng hừng hực” trong tuần qua, vì những lùm xùm quanh sự xuất hiện của doanh nhân này như một nhân vật trong cuốn sách “Tài năng và đắc dụng”, bên cạnh những tên tuổi lớn như Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam hay Thomas Alva Edison, Albert Einstein, Bill Gates… của thế giới. Người ta cho rằng như thế là xếp Vũ ngang hàng với vĩ nhân, rồi còn đặt câu hỏi phải chăng có sự sắp xếp đó là vì Vũ đã bỏ tiền PR cho bản thân…
Nóng đến mức, nếu Vũ là một ngôi sao trong lĩnh vực giải trí, chắc chắn cát sê của anh sẽ lên vùn vụt, sẽ có rất nhiều show diễn mời anh xuất hiện. Nếu thì, cũng chắc chắn anh sẽ xuất hiện, trả lời phỏng vấn rất nhiều báo, khẳng định theo nhiều kiểu, rằng đây không phải là lỗi của anh, hoặc anh không định PR bản thân…
Nhưng đọc lại vài chục bài viết quanh vụ lùm xùm này, điểm đầu tiên đáng lưu ý, là Vũ chưa hề xuất hiện, chưa hề giải thích trên bất kỳ tờ báo nào trong nước (phải nói rõ thế, vì Vũ có trả lời trên một tờ báo nước ngoài), duy nhất luật sư Vương Công Đức – đại diện ủy quyền của Đặng Lê Nguyên Vũ gửi văn bản cho báo Sài Gòn giải phóng đề nghị đính chính “Đặng Lê Nguyên Vũ không phải là đồng tác giả của nhóm chủ biên”. Còn trả lời trên báo nước ngoài thì Vũ nói rõ hơn, rằng Vũ không quen biết gì nhóm tác giả, mà do TS Phan Quốc Việt giới thiệu, chứ bản thân Vũ không liên quan.
Thế mà, không hiểu vì sao, dù không lên tiếng, nhưng Vũ dường như đang phải “giơ đầu chịu báng”, hứng chịu phần lớn búa rìu dư luận, cứ như thế đây là live show của riêng mình Vũ, không có ai dính dáng gì cả. Nhưng vì Đặng Lê Nguyên Vũ chưa hề phát biểu gì, nên Phát ngôn và hành động xin không bình luận gì đến Vũ, mà chuyển hướng bình luận về… những người khác, xung quanh vụ lùm xùm này.
Trước hết là hai đồng chủ biên, GS.TSKH Nguyễn Hoàng Lương và GS.TS Phạm Hồng Tung. Ngay khi vụ lùm xùm mới bắt đầu, vào ngày 12/5 GS.TS Phạm Hồng Tung đã phát biểu trên báo chí, trong đó chủ yếu nói lại cho rõ về mục tiêu của công trình là “tập trung làm sáng tỏ về con đường hình thành và bộc lộ tài năng, quá trình phát triển nhân cách tài năng và việc tài năng của các cá nhân đó được sử dụng như thế nào”, rằng “14 trường hợp nhân tài được lựa chọn để nghiên cứu ở đây không nhất thiết là những nhân tài xuất chúng tiêu biểu nhất của Việt Nam và thế giới” (những điều này đã được ghi trong phần lời mở đầu và tổng luận)
GS Tung cũng giải thích rõ ràng rằng, trong công trình đó, nhóm chủ biên không có ý định so sánh các trường hợp nghiên cứu với nhau, càng không nhận định rằng 14 trường hợp này là các bậc anh hùng, danh nhân tiêu biểu của lịch sử Việt Nam hay thế giới.
Về phần GS.TSKH Nguyễn Hoàng Lương, ông đã chọn cách im lặng không trả lời báo chí, chỉ đưa ra văn bản phúc đáp đã gửi đến báo Sài Gòn giải phóng cũng chính với những lập luận như GS.TS Phạm Hồng Tung đã trả lời ở trên.
Nghĩa là, doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ đáp ứng tiêu chí là người tài năng, thuộc lĩnh vực kinh tế – kinh doanh, và thuộc thời hiện đại. Và quả thật, với những tiêu chí này thì ông Vũ hoàn toàn đủ tiêu chuẩn.
Nhưng tiếc thay, khi được hỏi về lý do chọn ông Vũ, GS Phạm Hồng Tung lại có hai trả lời khác nhau. Một lần, GS Tung trích luôn lý do đã đưa ra trong cuốn sách, là “Một trong những doanh nhân tiêu biểu, thành đạt của Việt Nam thời kỳ đổi mới”. Lần khác khi câu hỏi có thêm ý “ông Đặng Lê Nguyên Vũ có “gợi ý” cho nhóm tác giả viết về mình hay không” thì ông Tung lại trả lời “về việc này thì tôi cũng không được rõ vì trước khi xuất bản thành sách thì đây là một đề tài nghiên cứu khoa học và là một đề tài nhánh nên mỗi người đảm nhiệm làm về một vài nhân vật. Lúc đó GS.TSKH Nguyễn Hoàng Lương có nhiệm vụ chọn và làm việc về trường hợp ông Đặng Lê Nguyên Vũ”.
Đọc đến đây, thấy buồn vì phần trả lời của GS Phạm Hồng Tung. Bản thân người viết bài này cứ ước gì ông đừng trả lời như thế, thì những phần trả lời khác của ông sẽ rất hợp tình, hợp lý. Nhưng khi ông “đá bóng” sang cho người đồng chủ biên, thì dư luận lại thấy hoang mang? Hai người là đồng chủ biên với nhau, không lẽ cứ mạnh ai nấy làm, chỉ ghép lại là xong? Kể cả có “độc lập” đến thế thì cũng phải có trao đổi qua lại kỹ lưỡng chứ?
Chính sự không nhất quán của một trong 2 vị đồng chủ biên đã khiến người đọc thêm băn khoăn. Nếu đã là một đề tài khoa học, như GS Phạm Hồng Tung cho biết là được nghiệm thu và đánh giá tốt, thì những người đã làm đề tài đó hãy vững vàng bảo vệ đề tài của mình. Còn chính người chủ biên đã lung lay vì dư luận, thì trách sao được dư luận tiếp tục dồn đuổi.
Không chỉ có chủ biên cuốn sách, mà ngay cả GS.TSKH Đào Trọng Thi, chủ nhiệm của cả công trình lớn mà cuốn sách kia là sản phẩm của đề tài nhánh, cũng đã có những phát biểu khiến dư luận băn khoăn. GS Đào Trọng Thi khẳng định “bất bình về việc các tác giả đã lựa chọn những nhân vật như vậy rồi để xâu chuỗi, lại lấy chủ để là giới thiệu một cách “mập mờ” trong các nhân vật từ cổ đến kim, ở trong nước và thế giới và đặt một doanh nhân bình thường ở Việt Nam xếp bên cạnh những vĩ nhân”.
GS Thi còn khẳng định đề tài nghiên cứu của ĐH Quốc gia chẳng liên quan gì đến việc các vị chủ biên tự lọc ra một vài nhân vật rồi giới thiệu như là những nhân vật xuất chúng. Ông trách NXB Chính trị quốc gia, kêu gọi các tác giả dũng cảm đứng ra chịu trách nhiệm chứ đừng trốn chạy trách nhiệm và tìm chỗ nọ chỗ kia để “đánh tráo khái niệm”. “Đó không phải là sự dũng cảm của những người làm khoa học. Mình có thể có những sai sót, có sự không chuẩn xác nhất định thì có thể cải chính và sửa chữa lại…”
GS Thi thẳng thắn là thế, nhưng dư luận lại không biết đâu mà lần? GS Phạm Hồng Tung khẳng định cuốn sách xuất bản từ những kết quả của đề tài nhánh đã được hội đồng nghiệm thu và đánh giá tốt hẳn hoi, nhưng người chủ nhiệm đề tài lớn lại khẳng định đề tài lớn chẳng hề liên quan, thì biết phải hiểu thế nào đây?
Thôi thì, khía cạnh tốt của vụ lùm xùm là khiến rất nhiều người trong cuộc phải lên tiếng, để dư luận đọc xong, tự suy ngẫm về chuyện làm khoa học ở nước mình thôi vậy. Chỉ tiếc là, những người làm khoa học lên tiếng hẳn hoi đấy, nhưng dư luận thì vẫn chỉ thích “thịt” Đặng Lê Nguyên Vũ mà thôi.