BIÊN ĐỘ CỦA SỰ KIÊU HÃNH
TUY HÒA
Danh vọng bao giờ cũng giống như món quà ưu ái của cuộc sống ban tặng những người có lòng thành đóng góp cho tiến bộ xã hội. Chỉ có thánh nhân mới khước từ danh vọng, còn phàm nhân thì ai cũng có quyền theo đuổi danh vọng một cách đàng hoàng. Thời đại truyền thông mở ra nhiều cơ hội hơn để giá trị cá nhân được phát lộ và được lấp lánh. Thế nhưng, cách tìm kiếm danh vọng hôm nay đôi khi vượt quá giới hạn cần thiết!
Trong Truyện Kiều, thi hào Nguyễn Du từng xót xa “trong tay sẵn có đồng tiền, mặc lòng đổi trắng thay đen khó gì”. Cứ ngỡ đó chỉ là tiếng thở dài chốn chen chúc thị phi, ai dè đối chiếu với đời sống văn hóa hiện tại cũng thấy ê chề. Đâu đây nghe vang lên những câu than vãn về sự khủng khoảng văn hóa đọc, nhưng hàng loạt cuốn sách sang trọng vẫn lũ lượt ấn hành. Tất nhiên, các ấn phẩm rực rỡ nhất không phải của nhà thơ hoặc nhà văn, mà phần lớn đều của… nhà giàu. Cả sách tác giả tự in lẫn sách do nhà xuất bản đầu tư, cũng phải đắn đo giá cả, vì vậy hình thức nằm ở mức độ tàm tạm. Ngược lại, sách của các đại gia thì rực rỡ trăm hồng ngàn tía rất dễ nhận diện: bìa cứng, giấy đẹp, phụ bản màu, chữ mạ vàng. Kết quả hiển thị, khi đặt cạnh nhau, sách của nhà giàu hoàn toàn lấn át sách của nhà văn hoặc nhà thơ. Đành rằng, hồn vía mỗi cuốn sách phải được quyết định bằng nội dung, song cái mẫu mã lắm khi gây ra nhiều sự mặc cảm và sự ngộ nhận.
Chục triệu đồng hay trăm triệu đồng đối với những người cầm bút đích thực thường có ý nghĩa một món tài sản, còn đối với đại gia chỉ như tiền tiêu vặt. Thôi thì chấp nhận sự thật bẽ bàng, cùng vận mạng chưa hẳn cùng phúc phận, cùng thú vui mơ mộng chưa hẳn cùng… số dư tài khoản. Chỉ có điều đáng băn khoăn, nếu ham hố vần điệu, mỗi năm in liên tục mấy tập thơ như đại gia xăng dầu ở Bình Dương thì cũng không lấy gì làm muộn phiền. Nguy hiểm nhất là trào lưu in sách để ca ngợi bản thân. Bà chủ tiệm vàng thuê người viết sách ca ngợi mình, thì ông giám đốc nông trường cũng mời vài ba người bông phèng vung bút tung hô mình. Và lẽ thường, cuốn sách biểu dương chính người bỏ tiền in sách, thì luôn huy động những ngôn từ thơm tho nhất, bay bổng nhất. Kiểu như “chị là một hình mẫu ưu tú đại diện cho Việt Nam trong thời hội nhập” hoặc “anh là một tấm gương sáng chói để chúng ta noi theo”. Kinh khủng hơn, một ấn phẩm của NXB Lao Động mở đầu bài viết về một đại gia bằng câu “Đúng là một thiên tài”. Đọc những ấn phẩm như vậy, người từng trải cười mỉa mai, còn người ngay thẳng không khỏi bực bội!
Để tránh khỏi tình trạng nhà giàu bỗng dưng trở thành danh nhân một cách lố bịch, không có cách nào khác ngoài việc đòi hỏi tinh thần trách nhiệm của các nhà xuất bản. Mới đây, một cuốn sách có tên gọi “Tài năng và đắc dụng” do một đơn vị uy tín ấn hành, đã khiến công chúng một phen sửng sốt. “Tài năng và đắc dụng” dày 328 trang, viết về 14 nhân tài tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam và thế giới. Cụ thể, cuốn sách chia làm ba phần. Về lĩnh vực lãnh đạo- quản lý tôn vinh Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Đào Duy Từ, Hồ Chí Minh và Chulalongkorn. Về lĩnh vực khoa học – công nghệ tôn vinh Lê Quý Đôn, Trần Văn Giàu, Albert Einstein và Thomas Edison. Về nhân tài trong lĩnh vực kinh tế - kinh doanh tôn vinh Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trường Tộ, Bạch Thái Bưởi, Đặng Lê Nguyên Vũ và Bill Gates.
Không thể không thắc mắc, những người biên soạn “Tài năng và đắc dụng” dựa vào cơ sở đánh giá nào để xếp Đặng Lê Nguyên Vũ cùng với những danh nhân trên. Khó hiểu hơn, trong khi các danh nhân khác được viết với số trang khá khiêm tốn, Đào Duy Từ 6 trang, Nguyễn Trãi 10 trang, Trần Quốc Tuấn 15 trang, Hồ Chí Minh 25 trang thì Đặng Lê Nguyên Vũ được xưng tụng tới 41 trang ( từ trang 242 đến trang 283). Phải chăng, tầm vóc Đặng Lê Nguyên Vũ được thổi phồng lên vì ông chủ nhãn hiệu cà phê Trung Nguyên nằm trong… hội đồng biên soạn? Hay vì nguyên nhân tế nhị hơn?
Xem ra, trong cơn lốc phô trương, không ít cuộc kiếm tìm danh vọng quên mất biên độ của sự kiêu hãnh!
Home »
CHUYỆN BÀN TRÀ
» BIÊN ĐỘ CỦA SỰ KIÊU HÃNH