Hồi kí Nguyễn Đăng Mạnh
Tôi có đọc được tập hồi kí của Gs Nguyễn Đăng Mạnh, bản chưa in (và chắc sẽ khó in) lưu hành ở dạng pdf. Ai muốn download tôi chỉ dùm cho chỗ download. Cuốn hồi kí tiết lộ nhiều điều thú vị về các văn nghệ sĩ. Chẳng biết bao nhiêu là thật và bao nhiêu là giả, bởi vì tác giả nhiều khi viết rằng nghe người này kể lại, và “người này” lại nghe người kia thuật qua. Nhưng có vài đoạn đọc vui vui.
===
Về Tố Hữu:
Tôi đã nghe Hoàng Ngọc Hiến thuật lại về Tố Hữu trong cuộc họp nhà văn đảng viên hồi tháng sắu năm 1979. Nguyên Ngọc trình bầy bản đề cương chống Mao-ít. Tố Hữu đã quạt cho Nguyên Ngọc một trận, cho đây là hiện tượng “ngược dòng”, ông có cách nói mỉa mai rất ác. Nhân thấy Nguyên Ngọc, người thấp, nhân làm đổ cái micro trên bàn chủ tịch đoàn, ông nói: “Cái bục này đối với tôi hơi cao, đối với anh Nguyên Ngọc thì cao quá!”. Ông còn đến vuốt râu Nguyên Hồng: “Để râu sớm quá đấy, để trốn họp chi bộ chứ gì!”. Gần đây Kim Lân còn cho tôi biết, hôm ấy, Tố Hữu đến chỗ Kim Lân, nói: “Dạo này viết ít quá đấy!”. Kim Lân buột miệng nói: “Bác lại phê bình em rồi!”. Có vậy thôi mà nghĩ sợ quá. Kim Lân nói: “Tôi nhớ trong truyện Tam quốc, có hai anh bạn thân, sau một anh làm to, anh kia đến chơi, nói suồng sã về những kỉ niệm thuở hàn vi. Sau bị tay kia cho người đuổi theo thủ tiêu – Sợ quá!”.
Năm 1986, Đại hội Đảng lần thứ VI. Tố Hữu mất hết mọi chức vụ. Tự tột đỉnh vinh quang tụt xuống đất. Đau lắm! Từ Sơn đến chơi thấy nhà như có tang. Ông nói với Từ Sơn: “ Chúng nó tiếc gì mà không cho mình làm cố vấn!”. Rồi kéo Từ Sơn ra ngoài vườn như sợ có kẻ nào nghe trộm: “Có gan lên chiến khu làm cách mạng lại không?” Đúng là cay cú đến mức điên rồ!
Tố Hữu rất ghét thi hoa hậu. Ông nói với Hoàng Điệp, Nhà xuất bản Văn hoá thông tin: “Thi hoa hậu để khoe mông khoe đùi chứ gì! Làm như thế những phụ nữ xấu người ta tủi. Sao không thi bắn súng?” Tất nhiên Tố Hữu rất ghét Gooc bachốp. Chị Tố Nga, vợ Hoàng Ngọc Hiến, bắt chước giọng Huế của ông rất vui: “Miềng có Hồ Chí Minh của miềng chứ! Thấy người ta chốp chốp, cũng chóp chóp”.
Những năm cuối đời, ở Tố Hữu, có chuyện này cũng lạ: thường phủ nhận những điều mình đã nói, đã làm. Trong cuốn Chân dung và đối thoại, Trần Đăng Khoa nói đến chuyện Phù Thăng một thời bị qui chụp chính trị rất nặng. Khoa cũng thuật lại cuộc phỏng vấn Tố Hữu về việc sáng tác bài Hoan hô chiến thắng Điện Biên. Tố Hữu nói, không hề biết chuyện Phù Thăng, còn những điều Trần Đăng Khoa hỏi ông về bài Chiến thắng Điện Biên là bịa. Thực ra Tố hữu từng viét bài phê phán Phù Thăng, còn về cuộc phỏng vấn ông về bài Chiến thắng Điện Biên thì Khoa nói với tôi: “Em có ghi băng hẳn hoi, đâu có bịa”
Về Lê Đức Thọ:
Nguyễn Khải nói về uy quyền ghê gớm của Lê Đức Thọ một thời. Anh chứng kiến Sáu Bắc (Lê Đức Thọ) tiếp Sáu Nam (Lê Đức Anh). Hôm ấy, Thọ gọi một số văn nghệ sĩ đến hỏi chuyện. Thọ đang tiếp khách. Bọn Khải phải ngồi đợi ở phòng bên cạnh. Lát sau, khách ra về. Hoá ra khách là lê Đức Anh. Nguyễn Khải thấy Lê Đức Anh đi ra, cứ đi giật lùi, giật lùi ra mãi giữa sân mới dám quay đít lại. Thọ tiếp chúng tôi. Đúng lúc ấy thấy Phạm Hùng đi sang. Hùng đề nghị gặp Thọ một lát. Thọ phẩy tay: “Để lúc khác nhé, giờ đang bận tiếp khách văn chương”. Thọ coi Hùng chẳng là cái gì, tuy Hùng lúc đó là thủ tướng, thay Phạm Văn Đồng ”.
“Nói chung cộng sản coi văn nghệ sĩ như rác. Lê Duẩn coi Tố Hữu cũng chỉ như một con hát. Nhưng lại sợ văn nghệ. Vì chỉ dùng tuyên truyền, dùng nước bọt mà giành được nước. Chỉ nói, có làm gì đâu. Nói đủ cả, chẳng làm gì. Thí dụ, cứ nói phê bình tự phê bình mà chưa bao giờ phê bình tự phê bình cả. Có dám nói thật đâu mà phê bình tự phê bình. Chỉ toàn đào tạo gia nhân, đầy tớ, bọn nịnh hót. Sợ văn học cũng vì thế. Vì văn nó nói sự thật, nó lật tẩy. Rất sợ biểu tượng hai mặt. Chỉ đề cao văn tuyên truyền, đề cao vè. Thật ra bọn nhà văn nói chung nhát, không dám chống chế độ đâu!”.
Về Chế Lan Viên:
“ Chế Lan Viên một thời, dựa thế Tố Hữu cũng hách lắm. Tô Hoài gọi là thằng nặc nô của đảng. Hồi chỉnh huấn văn nghệ sĩ, Chế Lan Viên làm tổ trưởng, nói với Nguyễn Tuân: ông tưởng ông to lắm à? Tôi phụ trách ông kia mà! Họp chấp hành, ý kiến Chế Lan Viên là quyết định. Thí dụ, ban chấp hành bàn có nên kết nạp Phan Quang không? Mọi người chờ ý kiến của Chế Lan Viên. Chế lan Viên đi đái vào, nói: “Thằng Thép Mới nó còn ở ban chấp hành được thì thằng Phan Quang sao không cho vào hội được!”. Ai cũng gọi là thằng tuốt; Thằng Nguyễn Đình Thi, thằng Tô Hoài, thằng Hoàng Trung Thông, chẳng sợ ai cả. Không thể đối đáp kịp mồm Chế Lan Viên. Phải về nhà mới nghĩ ra cách bác lại, nhưng hôm sau, không còn lý do để tranh cãi nữa, vì lão ấy lại nói chuyện thân mật”.
“Nhưng Chế lan Viên chết rất khổ. Vũ Thị Thường phục vụ rất mệt. Gần chết hay quát tháo vợ con. Vũ Thị Thường nói chỉ thèm được ngủ, khi Chế lan Viên chết, việc đầu tiên là ngủ bù một giấc, dạy mới có sức mà khóc”.
Về Nguyễn Tuân
Tiếp xúc nhiều với Nguyễn Tuân, tôi thấy ông không nói yêu ai, mến ai bao giờ. Điều này trái hẳn với Xuân Diệu. Qua các bài viết của ông, tôi biết ông rất quý Ngô Tất Tố, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Văn Bổng, Lý Hải Châu... Quý nhưng không thích nói ra miệng. Theo anh Lý Hải Châu, ông cũng rất quý bác sĩ Trần Hữu Tước. Khi Trần Hữu Tước mất, ông nói: “Sao những người tử tế thì chết, mà mấy thằng đểu giả mất dạy thì cứ sống mãi!”.
Những người ông ghét khá nhiều. Theo tôi được biết, ấy là : Như Phong, Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông, Phùng Bảo Thạch, Hoài Thanh, Vũ Đình Liên, Vũ Ngọc Phan, Bùi Huy Phồn, Vũ Đức Phúc, Nam Mộc, Phan Cự Đệ, Anh Thơ, Huy Cận, Hoàng Văn Hoan, Trường Chinh ... Nhưng theo tôi, chỉ kể trong số người viết văn, ông ghét nhất ba người: Như Phong, Hoàng Trung Thông và Chế Lan Viên.
===
Để ngày mai tôi trích ra vài đoạn còn “ác liệt” hơn nữa.
NVT
Đây là địa chỉ để download: http://kazenka.googlepages.com/Hoi_ky_Nguyen_Dang_Manh.pdf