Home » » Tính hợp thức, cộng đồng và chủ nghĩa hậu thực dân: nhà văn và văn bản du hành ở Đông Á sau 1945

Tính hợp thức, cộng đồng và chủ nghĩa hậu thực dân: nhà văn và văn bản du hành ở Đông Á sau 1945

Written By kinhtehoc on Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012 | 00:14

Tính hợp thức, cộng đồng và chủ nghĩa hậu thực dân: nhà văn và văn bản du hành ở Đông Á sau 1945

Karen Thornber
Những tương tác trong thế giới văn chương Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) thịnh hành dưới thời đế quốc Nhật Bản (1895-1945), chậm lại trong một thời gian ngắn do hậu quả tức thì của việc Nhật Bản bại chiến và giải thực dân hóa Trung Hoa, Triều Tiên và Đài Loan (Trung Quốc) năm 1945, và sau đó được hồi phục thành những đường dẫn chủ đạo cho giao lưu nghệ thuật nội vùng. Phân tích những tiếp xúc văn chương Đông Á cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI giúp chúng ta hiểu rõ hơn sự tương nhượng xuyên văn hóa hậu chiến bên trong khu vực này cũng như những động lực hậu thực dân hiển hiện. Bài viết này trước hết giới thiệu khung lý thuyết về các không gian tiếp xúc văn chương hậu thực dân. Đây là những khu vực mơ hồ và thường đầy tính tự nhiên (physical) và sáng tạo, nơi các nhà văn từ các cựu mẫu quốc và (nửa) thực dân tương tác với một cựu mẫu quốc hoặc nửa thực dân khác, và đọc-chuyển hóa văn hóa (bàn luận, dịch, liên văn bản) trứ tác của một cựu mẫu quốc hoặc nửa thực dân khác. Tiếp đó tôi sẽ đi đến một cái nhìn bao quát về các không gian tiếp xúc Đông Á hậu thực dân, để thấy lịch sử lâu đời của Trung Hoa và Triều Tiên với tư cách là những nền văn minh thịnh vượng với hàng triệu tạo tác nghệ thuật, những hành vi tàn bạo của Nhật Bản nửa thực dân và trong thời kỳ chiến tranh, sự thất bại của Nhật Bản và khoa địa chính trị của Chiến tranh Lạnh đã định hình những mối quan tâm và liên minh văn chương nội vùng Đông Á thời hậu chiến theo những cách rất khác với các khu vực hậu thực dân khác ra sao. Phần còn lại của bài viết sẽ phân tích ưu thế của các nhà văn và văn bản trong tương tác văn chương Đông Á hậu thực dân: tạo lập cộng đồng văn chương. Những tiếp xúc sáng tạo nội vùng Đông Á theo nhiều cách là tương đồng song thường phân rẽ mạnh khỏi địa chính trị và khỏi những tiếp xúc văn hóa vùng sau 1945 thành những phần khác của thế giới. Phần kết là một vài suy nghĩ của tôi về nguyên nhân vì sao nghiên cứu về tương tác văn chương nội vùng Đông Á cuối thế kỷ XX lại phân mảnh và rời rạc, về các khuynh hướng tương lai mà nghiên cứu văn chương có thể diễn ra.
Ở Đông Á, giống như phần lớn các khu vực khác trên thế giới, con người và các sản phẩm văn hóa liên tục diễn tiến, tương tác với các khu vực khác trong và xuyên ranh giới nghệ thuật, dân tộc, địa lý, ngôn ngữ, chính trị, tư tưởng và thời gian. Theo cách đó, họ sáng tạo và là hiện thân của những không gian linh động của chuyển hóa văn hóa, nơi mà chuyển hóa văn hóa được hiểu, theo cách nói của Sylvia Spitta, là “nhiều tiến trình khác nhau của đồng hóa, vay mượn, chối bỏ, giễu nhại, kháng cự, mất mát và cuối cùng là biến thái [các sản phẩm văn hóa]”(1). Đồng thời, khẳng định và nhấn mạnh vốn và quyền lực văn hóa, chuyển hóa văn hóa hầu như luôn luôn kéo theo việc tương nhượng sức mạnh. Mary Louise Pratt nhận diện chuyển hóa văn hóa là một hiện tượng “vùng tiếp xúc”, một khái niệm mà bà tạo ra để miêu tả “những không gian xã hội – nơi những nền văn hóa rất khác biệt nhau gặp gỡ, va chạm, và móc níu với nhau, thông thường trong những mối quan hệ thống trị và lệ thuộc rất không cân xứng”(2). Thuộc số năng động nhất trong các không gian này là các vùng tiếp xúc văn chương, hay chính xác hơn, tinh vân tiếp xúc văn chương(3). Theo nghĩa rộng nhất của nó, thuật ngữ mới sáng chế này định rõ những không gian tự nhiên và sáng tạo, ở đó các nhà văn của các nền văn hóa khác nhau tương tác với các nhà văn của một nền văn hóa khác, đọc và chuyển hóa văn hóa sản phẩm sáng tạo của một nền văn chương văn hóa khác. Những không gian tiếp xúc văn chương này sôi sục chảy từ những điểm gây hấn đến những vòng xoáy sôi động, rồi đến vùng nước bình lặng bị bao quanh bởi những xoáy động kết nối với nhau. Những động lực đa hướng và thường căng thẳng ở những khu vực như thế đặc biệt hấp dẫn với một xã hội khác khi chúng hút các xã hội vào xung đột đang hiện hữu hoặc mới có.
Các nhà văn từ các cựu mẫu quốc thường ngoại lai hóa, phê phán hoặc làm biến chất những đối tác hậu thuộc địa của mình trong những bình phẩm, dịch thuật, và liên văn bản các nền văn chương hậu thực dân. Họ thường xuyên hành động như vậy chỉ trên nền tảng của những cội rễ xã hội chính trị và văn hóa của một văn bản và ngôn ngữ tổng hợp của văn bản đó. Một số thách thức nảy sinh từ nhận thức về quyền uy văn chương của chính họ, song nhiều thách thức bắt nguồn từ sợ hãi, mặc dù vô thức, liên quan đến sự phát triển nghệ thuật và thương mại hậu thuộc địa. Về phần họ, những nghệ sĩ văn chương của các nước cựu thuộc địa – băn khoăn bản thân mình và các sản phẩm sáng tạo của mình thấp kém, ngang bằng hay hơn hẳn các đối tác hậu đế quốc của mình – thường cố tạo nên tính hợp thức văn chương của chính mình so với cựu mẫu quốc, và cuối cùng củng cố một vị trí cho chính mình và nền văn hóa của mình trên diễn đàn văn chương thế giới. Họ làm thế một phần nhờ thu hút sự chú ý đến những thành tựu và khác biệt của nền văn hóa của riêng họ. Những mối quan hệ văn chương liên-hậu thuộc địa, tức là những mối quan hệ giữa các nhà văn và văn bản của những khu vực hậu thuộc địa khác nhau – được đặc thù bởi sự thù địch với tình bạn chân thành; một số nhà văn hậu thuộc địa thể hiện rõ mối cảm thông và kính trọng đối với các đồng nghiệp ở các khu vực hậu thuộc địa khác, còn những nhà văn khác lại hăng hái tạo nên tính ưu đẳng trong quan hệ của chính mình.
Dù không kém căng thẳng và bị tô vẽ bởi sự âu lo, tinh vân tiếp xúc văn chương Đông Á hậu thực dân vẫn có xu hướng tác động qua lại nhiều hơn nhưng tôn ti trật tự ít hơn các đối tác của mình ở những nơi khác trên thế giới – với việc giả định rằng không phải đọc văn học châu Á bằng lý thuyết phương Tây hiện đại, mà chúng ta đọc văn học châu Á song song với những lý thuyết này và diễn ngôn khác. Đáng chú ý nhất là, ngoài việc nhân nhượng tính hợp pháp văn chương – một mối quan tâm chung trong các không gian tiếp xúc văn chương hậu thực dân – những nghệ sĩ văn chương khắp Đông Á đã dành sự chú ý đáng kể cho việc ủng hộ và tạo lậpnhững cộng đồng nhà văn, độc giả, văn bản, và cuối cùng là các dân tộc. (Nhà văn và văn bản trong các không gian hậu thực dân khác cũng xây dựng những cộng đồng xuyên qua sự chia cắt quyền lực cựu thực dân/đế quốc, song những xu hướng này được tuyên bố nhiều hơn và luật định ít hơn bởi những tôn ti dân tộc ở Đông Á cuối thế kỷ XX – đầu thế kỷ XXI). Các nhà văn Đông Á xây dựng cộng đồng trong đối thoại với nhau, cũng như trong các bàn luận, dịch thuật, và liên văn bản tác phẩm của một cộng đồng khác. Cộng đồng của họ thịnh vượng không chỉ bởi tính thuần nhất mà thay vào đó bởi thái độ trân trọng cái khác biệt, không bởi đàn áp bi kịch của quá khứ thực dân và thời chiến mà ngược lại, bởi việc giải cứu cho những bi kịch này thành một tiêu điểm trung tâm.
Việc giải thực dân hóa hầu hết các đế quốc châu Âu thế kỷ XX bị kéo dài, cay đắng và gây chấn thương. Các cựu thực dân châu Âu chống chọi để tồn tại suốt một thời kỳ dài với di sản thực dân – thứ chỉ bị đẩy lùi hết sức chậm chạp; cai trị trực tiếp chấm dứt, song những thế lực cựu đế quốc vẫn duy trì một số chuẩn mực điều khiển kinh tế, chính trị và văn hóa(4). Như Adam Shaman đã lưu ý rất đúng, khi bàn về Gayatri Chakravorty Spivak và Homi Bhabha – hai học giả hàng đầu về chủ nghĩa hậu thực dân, thuật ngữ hậu thực dân xác định “một bước chuyển về thời gian, một quá trình giải thực dân khó khăn, trong đó văn hóa bản địa giành lại quyền điều khiển sau một giai đoạn của chủ nghĩa thực dân song lại phải chiến đấu với di sản của nền văn hóa đã qua – dẫu nói một cách chính xác thì không hoàn toàn đã qua – của chủ nghĩa thực dân”(5). Mặt khác, việc giải thực dân nước Nhật đế quốc bại chiến, bị thúc bách khi nó chấp nhận Tuyên ngôn Potsdam ngày 14 tháng Tám năm 1945, được thực hiện trọn vẹn và ngay tức thì; việc Nhật Bản rút quân khỏi Trung Quốc, Triều Tiên và Đài Loan (Trung Quốc) diễn ra hết sức nhanh chóng, giải phóng các nước này khỏi sự cai quản trực tiếp và gián tiếp của Nhật.
Ở hầu hết các cựu đế quốc, việc giải thực dân bị kéo dài và việc kẻ đi xâm chiếm thuộc địa là một trong những đồng minh thắng trận trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai, không tính đến việc thiếu di sản văn hóa được thừa nhận của nước cựu thực dân, khẳng định chắc chắn rằng những chiều hướng văn hóa, kinh tế và chính trị của xứ hậu thuộc địa mới độc lập vẫn hội tụ ở cựu mẫu quốc, điển hình là cựu mẫu quốc cũng nắm quyền cai quản các cựu thuộc địa của mình. (Dù các thuộc địa ở châu Phi, Trung Đông, Nam và Đông Nam Á, và những nơi khác có những nền văn hóa lâu đời và rực rỡ trước khi bị thực dân hóa, song những nền văn hóa này, không như của Trung Hoa và Triều Tiên, ít khi được thừa nhận, ít được kỷ niệm và tích cực gắn bó hơn nhiều, bởi kẻ xâm chiếm thuộc địa sau cùng trước khi thuộc địa hóa. Lịch sử lâu đời của Trung Hoa và Triều Tiên với tư cách là những người dẫn đạo văn hóa, cũng như các lĩnh vực nghệ thuật thời kỳ thuộc địa sôi động của họ, lý giải cho sự lệ thuộc văn hóa của họ suy giảm đi sau giải thực dân).
Mặt khác, các quốc gia Đông Á nhanh chóng phát triển những điểm tham chiếu chính trị, kinh tế và văn hóa khác nhau – Mỹ và châu Âu cho Nhật Bản, Nam Hàn và Đài Loan (Trung Quốc); Liên bang Xô viết cho Bắc Hàn và Trung Quốc. Việc tái định hướng đúng lúc này khiến cho những ký ức về chủ nghĩa thực dân, dù được kiến tạo, trở nên có sức mạnh; sự thù hận đối với Nhật Bản vì không cố chuộc lại những tội ác thời kỳ thực dân và thời kỳ chiến tranh thậm chí còn mạnh mẽ lên. Trao đổi văn hóa văn chương nội vùng Đông Á không chỉ tiếp tục tồn tại mà còn phát triển trong môi trường này; các nhà văn và văn bản va chạm nhau về địa vị, nói về tội ác và thương thảo việc chuộc lỗi, và xây dựng những cộng cảm với các nhà văn, văn bản khác trong thế đối diện với những điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội hỗn loạn.
Từ những năm đầu của giải thực dân, một khát vọng về một cộng đồng văn chương Đông Á và sau rốt là cộng đồng nhân loại đã điển hình cho: 1) những tương tác cá nhân giữa các nhà văn; 2) những luận bàn văn chương của các khu vực khác nhau trong vùng – thường được tính đến như những cận văn bản của dịch thuật; và 3) dịch thuật và liên văn bản nội vùng Đông Á. Các tiêu điểm đã bị thay đổi bởi thời gian. Những tiếp xúc văn chương Đông Á thời hậu chiến gắn với việc xây dựng các cộng đồng có xu hướng tập trung vào việc hun đúc những mạng lưới linh hoạt, cách mạng, và đau khổ, bất kể sự phân chia cựu thực dân/đế quốc và những liên minh thời Chiến tranh Lạnh. Ngược lại, những tương tác từ các thập kỷ gần đây hơn lại tập trung vào việc sản sinh những mạng lưới được thống nhất trong việc lên án những tội ác của Nhật Bản thời thực dân và chiến tranh. Chỉ trong những năm 1960, khi Nhật Bản can thiệp vào cuộc chiến tranh Việt Nam thì trí thức Nhật Bản mới bắt đầu bày tỏ sự quan tâm đối với việc nước Nhật không cố chuộc lại những tội lỗi đầu thế kỷ XX mà họ đã gây ra cho Trung Quốc, Triều Tiên và Đài Loan (Trung Quốc); và chỉ đến những năm 1980 sự lo âu này mới lên đến đỉnh điểm. Những yêu sách của Trung Quốc đối với việc Nhật Bản phải nhận lỗi cũng bị trì hoãn cho đến những năm 1980, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc, để hóa giải những chỉ trích nhằm vào những cải cách theo định hướng thị trường của họ và sự thiếu hụt thương mại với Nhật Bản ngày càng gia tăng, đã vay mượn chủ nghĩa ái quốc chống Nhật như một bộ phận của tư tưởng ái quốc kế thừa đưa vào chủ nghĩa xã hội. Cho đến lúc đó, chính phủ Trung Quốc vẫn áp chế những thuật sự về tội ác thời chiến, đáng chú ý nhất là tiểu thuyết Nanjing (Nam Kinh, 1939) của nhà văn Trung Quốc Ah Long, tác phẩm đầu tiên và là một trong vài tác phẩm hư cấu Trung Quốc trong 50 năm nói về cuộc thảm sát Nam Kinh năm 1937. Những mệnh lệnh và kiểm soát gắt gao thời Chiến tranh Lạnh trên phương tiện đại chúng đều gây sao nhãng mối quan tâm đến Nhật Bản(6). Ở Nam Hàn, nội chiến, sự hồi phục, và tình cảm chống Bắc Hàn đều khiến cho những lưu tâm đến quá khứ thuộc địa bị giảm thiểu. Phải sau những năm 1980, với việc những lời lẽ chống cộng nhạt dần đi, chính quyền Nam Hàn mới thấy trong tình cảm chống Nhật một câu chuyện thống nhất và gây ấn tượng sâu sắc.
Dù bị trì hoãn, bàn luận về việc nhận lỗi vẫn chiếm ưu thế ở Đông Á nhiều hơn các khu vực hậu thuộc địa khác vì thất bại của Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai và do sự phản đối các đồng minh thời kỳ Chiến tranh Lạnh trong khu vực. (Những quốc gia thắng trận ít phải chịu trách nhiệm hơn về những tội ác của họ, giống như các nước có quan hệ văn hóa, kinh tế, hoặc chính trị độc lập hơn). Trong vài thập kỷ gần đây những khu vực chính thống và bình dân đã xem xét kỹ và kết tội mạnh mẽ việc Nhật Bản nại cớ không xin lỗi một cách xác đáng về những tội ác thời chiếm đóng thuộc địa và chiến tranh(7). Căng thẳng lịch sử cũng để lại dấu ấn lên những tiếp xúc giữa các nhà văn và văn bản trong vùng Đông Á, song với ngoại lệ là thời kỳ ngay sau chiến tranh thì khó cản trở được giao lưu văn hóa, nhà văn và văn bản là một bộ phận không thể thiếu của sự giao lưu này và thậm chí còn kích thích sự giao lưu đó. Các nhà văn và văn bản Trung Quốc, Triều Tiên và Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục thể hiện sự căm phẫn đối với những hành vi tàn bạo thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng và chiến tranh. Nhưng nói chung họ vẫn tiếp nhận các nhà văn và văn bản Nhật Bản như những đồng minh của mình trong việc vạch trần sự dã man của Nhật Bản và thúc ép nhà cầm quyền Nhật thể hiện sự hối hận chân thành hơn nữa. Có hai dẫn chứng liên quan đến việc này: 1) những bản dịch tiếng Trung thời hậu chiến truyện ngắn Ikiteiru heitai (Những người lính đang sống, 1938) của nhà văn Nhật Bản  Ishikawa Tatsuzō viết về những hành vi tàn bạo thời chiến tranh của Nhật tại Trung Quốc; và 2) chân dung của một nhà văn Nhật Bản trong tiểu thuyết gần đây Wa (Ếch, 2009) của nhà văn Mạc Ngôn.
Sau khi những cấm đoán chống lại những diễn ngôn văn chương về Nam Kinh được dỡ bỏ ở Trung Quốc vào những năm 1980 thì Zhong Qing’an và Ou Xilin công bố bản dịch Ikiteiru heitai ở Bắc Kinh năm 1987; sau đó là bản dịch của Liu Musha xuất bản ở Đài Bắc năm 1995. Truyện của Ishikawa bị chỉ trích ở Đông Á vì minh oan/rửa tội cho những hoạt động quân sự của Nhật ở Trung Quốc, song các dịch giả lại nhấn mạnh vai trò kép quan trọng của tác phẩm trong việc khẳng định những bất công nhằm vào Trung Quốc và tạo thuận lợi hơn cho những hòa giải Trung-Nhật. Như Zhong Qing’an và Ou Xilin bình trong lời nói đầu bản dịch của họ: “Dù cuốn sách miêu tả quân đội giết người, bắn pháo, và cướp bóc có nhiều nét giống với những gì người Nhật đã làm ở Trung Quốc, liên quan đến phát xít Nhật thời kỳ đó, thì những miêu tả đó vẫn đáng ca ngợi. Tác phẩm là một minh chứng có sức mạnh cho việc Nhật Bản xâm chiếm Trung Quốc và những hành vi man rợ ở đó, đặc biệt là cuộc thảm sát Nam Kinh… Đọc xong tác phẩm, người ta có thể kính trọng Ishikawa? bạn không cho rằng Ishikawa không chỉ là một tác giả kiệt xuất mà còn là một chiến binh can đảm chống phát xít…? Có những người bạn Nhật như thế khiến chúng ta vừa lòng… Nếu bản dịch này có lợi cho tình hữu nghị Trung-Nhật thì chúng ta sẽ thấy vui và được an ủi”(8).
Tương tự, Liu Musha viết trong lời nói đầu của mình rằng “vào một kỷ nguyên mà chính quyền Nhật Bản liên tục tìm cách thay đổi các sự kiện lịch sử về cuộc chiếm đóng Trung Quốc và việc tàn sát thường dân Trung Quốc thì có lẽ loại tiểu thuyết do một nhà văn Nhật Bản vĩ đại viết và phơi bày công cuộc chiếm đóng đó như thế đã cung cấp thêm những bằng chứng lịch sử”(9). Dù khá tẻ nhạt so với nhiều mẩu chuyện về sự tàn bạo, văn bản của Ishikawa vẫn được thừa nhận là một liều thuốc giải độc cho những phủ định cuộc chiến tại Trung Quốc, một ghi chép có lẽ cụ thể và chắc chắn hơn đã được các viên chức/sĩ quan Nhật Bản thực hiện nghiêm túc hơn những miêu tả của người Trung Hoa. Các dịch giả Trung Quốc thực sự tin rằng việc đưa được câu chuyện này đến với độc giả Trung Quốc có lẽ sẽ giúp vào việc chuộc lỗi của Nhật Bản và thiết lập lại tình hữu nghị Trung-Nhật. Những lời tựa của họ – phần không thể thiếu được của các bản dịch – đã biến văn bản của Ishikawa từ một sự vạch trần những hành vi quân sự của Nhật ở Trung Quốc thành một lý lẽ hiển nhiên đòi Nhật phải xin lỗi.
Về phần mình, Wa của Mạc Ngôn hàm ý xa xôi đến trách nhiệm của các nhà văn và nhà phê bình thế kỷ XXI. Các nhà nghiên cứu đã nói đến việc tiểu thuyết này đã thành công như thế nào trong việc đoạn tuyệt với truyền thống: phong cách kể chuyện rời bỏ lối viết lịch sử điển hình; và chính chuyện kể này giải quyết những vấn đề xuyên quốc gia về tăng trưởng và kiểm soát dân số. Phần quan trọng nữa của Wa là khắc họa mối quan hệ giữa một nhà văn Trung Quốc với một nhà văn Nhật Bản. Như đã nói, các nhà văn Trung Quốc, Triều Tiên và Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục lên án sự tàn bạo của Nhật Bản thời chiếm đóng thuộc địa và chiến tranh. Song, như trong Wa, họ thường miêu tả các nhà văn và văn bản Nhật Bản như những đồng minh của mình trong việc tố cáo sự tàn bạo Nhật Bản và ép nhà cầm quyền Nhật Bản phải thể hiện rõ ràng hơn sự hối lỗi của mình.
Wa miêu tả cuộc đời đầy nghịch lý và thăng trầm của một bác sĩ nông thôn bị giằng xé giữa chính sách một con của Trung Quốc và thực tế khao khát của các bậc làm cha mẹ. Song điều đặc biệt thú vị về tiểu thuyết của Mạc Ngôn từ góc nhìn xuyên quốc gia là cả năm phần của cuốn tiểu thuyết đều mở đầu bằng một lá thư của người kể chuyện Khoa Đẩu (tức Nòng nọc) gửi cho nhà văn Nhật Sugiya Yoshito. Bức thứ nhất cho biết Sugiya đã đến thăm Khoa Đẩu và dì của nhà văn ở Trung Quốc năm 2002; Khoa Đẩu khẳng định việc Sugiya thích dì mình và khao khát biết nhiều hơn về công việc làm một bác sĩ nông thôn của người phụ nữ này đã khơi nguồn cho anh viết nhiều về cuộc đời của bà. Mặc dù có nhiều nét tương đồng, song Mạc Ngôn phủ định việc Sugiya được dựa theo nhà văn Nhật Bản giành giải Nobel, Ōe Kenzaburō, năm 2002 từng đến thăm thành phố quê hương Mạc Ngôn ở Đông Bắc Cao Mật (Gaomi), tỉnh Sơn Đông để làm bộ phim tư liệu cho đài NHK; trong chuyến thăm này Ōe – cũng như Sugiya – trò chuyện với dì Mạc Ngôn, một bác sĩ nông thôn, và câu chuyện của bà đặc biệt hấp dẫn ông. Người ta cũng lưu ý rằng Mạc Ngôn và Ōe là bạn bè, và đều hâm mộ các tác phẩm văn chương của nhau từ những năm 1990. Trang bìa bản dịch tiếng Anh năm 2001 tác phẩm 师傅越来越幽默 (Thầy càng nói càng buồn cười, 2000) thể hiện rõ những khẳng định mạnh mẽ của Ōe về người đồng nghiệp Trung Quốc của ông. Ông nói hết sức giản dị: “Nếu tôi được chọn người trao giải Nobel, thì đó là Mạc Ngôn”.
Song quan trọng hơn những nhận diện chính xác về các nhà văn được khắc họa trong tiểu thuyết này là văn bản tác phẩm miêu tả tình bằng hữu văn chương nội vùng châu Á ra sao trong một lịch sử nhiễu loạn như vậy. Wa cho biết cha của Sugiya từng là sĩ quan quân đội và đã bắt giam người dì của Khoa Đẩu và gia đình bà, kể cả người ông của bà, một bác sĩ danh tiếng trong quân đội Trung Quốc. Bất đắc dĩ để câu chuyện này ngăn cản mối quan hệ của họ, Sugiya xin lỗi Khoa Đẩu về những tội ác mà thế hệ cha ông đã phạm phải; Khoa Đẩu không chỉ tán thành việc làm đó của Sugiya, bằng đòi hỏi một mô hình như nhau cho cả người Nhật và Trung Quốc mà còn khẳng định rằng cả Sugiya và cha ông đều là nạn nhân của cuộc chiến tranh này. Trong một lá thư khác, Khoa Đẩu cho biết dì ông đặc biệt thích được chuyện trò lại với Sugiya và giục Sugiya trở lại Trung Quốc: “Dì tôi nói về ông mỗi khi bà gặp tôi; bà tha thiết muốn ông quay lại… Bà cũng nói rằng có nhiều điều trong lòng muốn chia sẻ, vậy mà không có ai để bà có thể mở lòng. Nhưng nếu ông tới, bà sẽ cởi mở tất cả, chả giữ lại gì”(10). Trong thư khác, Khoa Đẩu khẳng định rằng Sugiya cũng được các nhà văn Trung Quốc chào đón thân thiết nếu ông trở lại thăm lục địa này lần tới.
Wa khẳng định những triển vọng của tình bằng hữu Trung-Nhật, trong văn chương và nhiều lĩnh vực khác, thông qua việc miêu tả một nhà văn Nhật không chỉ là con trai của một sĩ quan quân đội – người đã hãm hại gia đình Khoa Đẩu mà còn là người chỉ trích cách đối xử với người Trung Quốc của Nhật Bản trong thời kỳ chiến tranh, là một người bạn quý mến của Khoa Đẩu, một người bạn tâm phúc của gia đình trong tương lai, là độc giả đầu tiên những bản thảo của Khoa Đẩu, và thực tế là ánh sáng dẫn dắt việc sáng tạo nên bản thảo đó. Wa đặt lên các nhà văn Nhật Bản và Trung Quốc một trọng trách là xin lỗi và chấp nhận lỗi về quá khứ và sau đó tạo nên những kiểu hợp tác, cá nhân và nghề nghiệp, và điều đó sẽ đủ sức khiến cho quá khứ ấy không bao giờ trở lại. Những việc Mạc Ngôn đã làm trong một cuốn tiểu thuyết tập trung vào những chấn thương do chính sách một con của Trung Quốc đã dẫn đến sự khẩn thiết phải thừa nhận những sai lầm của quá khứ: nếu những vết thương lâu đời vẫn không được chữa lành thì không thể có được sự quan tâm đầy đủ đến nỗi thống khổ gần đây, và thậm chí nỗi đau còn trầm trọng hơn.
Trong diễn từ nhận giải Nobel năm 1994 Ōe đã thể hiện sự đoàn kết với các nhà văn Trung Quốc, với bình luận “với tôi, tình huynh đệ trong văn chương thế giới là ở những mối quan hệ như vậy (giữa các nhà văn) trong những điều kiện cụ thể… Hiện nay tôi đang lo ngại sâu sắc về số phận của những tiểu thuyết gia Trung Quốc tài năng (bao gồm cả Mạc Ngôn) – những người bị tước đoạt tự do sau sự kiện Thiên An Môn”. Quan trọng hơn nữa là trong cuộc chuyện trò năm 1995 với nhà văn Triều Tiên/Hàn Quốc Kim Chiha, Ōe bình luận: “Tôi không cho rằng một người Nhật Bản đã nhận giải Nobel hay Nobel được trao cho mọt người Nhật… Tôi nhận nó không phải với tư cách một nhà văn Nhật mà là một nhà văn châu Á”(11). Mặc dù trí thức Đông Á có vẻ do dự hơn Ōe trước việc từ bỏ hoàn toàn bản sắc dân tộc, và trong khi các nhà văn Hàn Quốc đương thời chẳng hạn, đã than phiền rằng người Hàn hiện nay không đọc đủ các tác phẩm của chính mình vì họ đọc quá nhiều văn học Nhật Bản thì nhiệt tình của Ōe trong việc kiến tạo những cộng đồng/hợp tác châu Á, về văn chương và những lĩnh vực khác, lại được nhiều nhà văn và văn bản khác chia sẻ nhiều về giai đoạn hậu chiến. Có lẽ hùng hồn nhất về vấn đề này chính là Mạc Ngôn. Tôi sẽ trích ra đây một đoạn trong diễn văn của ông tại Hội chợ sách Franfurt năm 2009: “Mục đích chúng tôi đến hội chợ sách này là thực hiện một ý tưởng lý thuyết của Goethe về một nền văn học thế giới. Trong kỷ nguyên khởi đầu thông tin và đối thoại, thông tin và đối thoại giữa các nhà văn là tuyệt đối cần thiết. Ngồi lại với nhau, đối thoại trực tiếp, chính là thông tin; đọc tác phẩm của nhau cũng là được trò chuyện nhiều lần: một nhà văn có quốc tịch riêng, song văn chương thì lại không biên giới… Chúng ta hãy để văn chương đảm nhận một vai trò quan trọng trong việc cổ vũ thông tin giữa các nước, các quốc gia, và giữa các cá nhân. Và trong kỷ nguyên thông tin và đối thoại này, chúng ta hãy đảm nhận những vai trò mà chúng ta có và đảm nhận chúng cho thật tốt”(12).
Mạc Ngôn có lẽ quá phóng đại tình huống – không phải mọi nhà văn đều xác định rõ quốc tịch, và cũng không phải mọi nền văn chương đều không có biên giới. Tuy nhiên, nhãn quan rộng mở hơn của ông thì có thể. Và như tiểu thuyết Wa của ông đề xuất, những cộng đồng văn chương tưởng tượng và rộng mở không phải là những thế giới không tưởng thuần nhất. Thay vào đó chúng là những khu vực năng động, đa chiều mà ở đó các dân tộc và các nền văn hóa đấu tranh vì và thường là giành được sự hợp thức và tôn trọng lẫn nhau.
Hai thập kỷ trước đã chứng kiến học thuật phát triển cả ở những tiếp xúc văn chương nội vùng châu Á đầu thế kỷ XX lẫn chủ nghĩa hậu thực dân, song ngoại trừ những nghiên cứu về sự phổ biến của nhà văn Nhật Bản Murakami Haruki ở châu Á thì diễn ngôn hàn lâm đã coi nhẹ những không gian văn chương nội vùng Đông Á hậu thực dân. Nhiều không gian trong số đó đã bị lu mờ thực sự bởi những chia cách địa chính trị. Vẫn chiếm ưu thế cho đến những năm cuối 1980 là những nhìn nhận Trung Quốc và Nhật Bản tách biệt vĩnh viễn bởi những tuyến tư tưởng và chính trị sai lầm; những nhìn nhận Nhật Bản và Triều Tiên là tương đối biệt lập với nhau, phi thực do sự phụ thuộc mang tính thực dân mới để lại. Nhưng sau đó những căng thẳng của chiến tranh lạnh được làm dịu và những hạn chế về du nhập văn hóa bình dân và những du hành nội vùng và toàn cầu được dần dỡ bỏ. Thêm nữa, bốn vùng đất Đông Á đã tích cực phát triển những quan tâm quốc tế đến văn hóa của mình. Họ cũng tìm cách củng cố chủ nghĩa thế giới của chính dân tộc mình bằng cách thiết lập những chương trình ngôn ngữ và trao đổi sinh viên. Tất cả những phát triển này khiến chúng ta suy nghĩ đầy đủ hơn về sự đa dạng và những chuyển hóa văn hóa thường là phức tạp diễn ra ở châu Á và từ giải thực dân đến ngày nay.
Hiểu biết của chúng ta sẽ phong phú hơn nhờ tìm hiểu các sản phẩm văn hóa mọi kiểu loại đã vươn ra ngoài các biên giới như thế nào thông qua việc tạo nên các mạng công việc phức tạp, hấp dẫn – thứ phủ định những phân chia dân tộc, văn hóa và ngôn ngữ1
Trần Hải Yến dịch
__________________
([1]) Sylvia Spitta: Between Two Waters: Narratives of Transculturation in Latin America.Houston: Rice UP, 1995, 24.
(2) Mary Louise Pratt: Imperial Eyes: Travel Writing and Transculturation.London: Routledge. 1992, 7.
(3) Xem thêm Karen Thornber: Tinh vân tiếp xúc văn chương nội vùng Đông Á đầu thế kỷ XX: trường hợp văn chương kiểm duyệt của Nhật Bản dịch sang tiếng Trung và tiếng Triều Tiên, đăng trên tạp chí Nghiên cứu văn học, số tháng  11 – 2010 (ND).
(4), (5)  Adam Sharman: Tradition and Modernity in Spanish American Literature: From Dari­o to CarpentierPalgrave Macmillan, 2006, 87, 91.
(6) Xin xem Yinan He: History, Chinese Nationalism and the Emerging Sino-Japanese ConflictJournal of Contemporary China, Vol.16,  No.50, 2007.
(7) Xin xem Alexis Dudden: Troubled Apologies Among Japan, Korea, and the United States, Columbia University Press, 2008, và Jennifer Lind, Sorry States: Apologies in International Politics, Cornell University Press, 2010.
(8) Zhong Qing’an và Ou Xilin: “Yizhe de hua”, Huozhe de shibing (Beijing: Kunlun Chubanshe, 1987), 4-5.
(9) Liu Musha: “Shichuan Dasan [Ishikawa Tatsuzō] qiren ji zuopin”, Huozhe de shibing  (Taipei: Maitian Chuban Youxian Gongsi, 1995), 8.
(10) Mo Yan: Wa (Taipei: Mutian Chuban, 2009), 219.
(11) Ōe Kenzaburō và Kim Chiha: An Autonomous Subjec’s Long Waiting, Coexistence,positions.east asia culture critique, 4,4, spring 1997, 287.
([1]2) Mo Yan: A Writer Has a Nationality, but Literature Has No Boundary, Chinese Literature Today 1:1 (Summer 2010).
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học số 5 / 2011.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved