Xin báo các bạn một tin vui: chúng ta đang vững bước trên con đường chủ nghĩa xã hội. Xin mời đọc Vững bước trên con đường xã hội chủ nghĩa của GS Nguyễn Đức Bình.
Tôi không được hân hạnh đọc nguyên tác, nhưng đọc bài giời thiệu thì có hai ý chính:
1 – Tiếp tục kiên định và sáng tạo con đường xã hội chủ nghĩa, con đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.
2 – Chủ nghĩa tư bản từ chỗ “giãy chết” hay “đang đứng bên bờ vực thẳm” hồi thế kỷ trước giờ đây trở thành “đã hết triển vọng lịch sử”.
Xin phép bình luận hai ý này trên quan điểm của một người tìm hiểu về kinh tế học. Về ý thứ nhất, tôi có một niềm tin sâu sắc rằng các cá nhân tìm kiếm phúc lợi của cá nhân họ. Sự lựa chọn của phần đông các cá nhân trong xã hội là sự lựa chọn tối đa hóa phúc lợi xã hội. Nếu chủ nghĩa xã hội thực sự đem lại lợi ích cho nhân dân, thì người cộng sản Việt Nam không cần phải kiên định nữa, mà tự nhân dân, với tiếng nói của mình, sẽ buộc hệ thống chính trị đi theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Tôi không rõ nhân dân Việt Nam đã quyết định lựa chọn chủ nghĩa xã hội từ khi nào, và từ bấy đến giờ có đổi ý chưa, nhưng tôi chắc chắn rằng khẳng định chủ nghĩa xã hội theo kiểu hô hào “kiên định” là một sự dối trá, nếu không muốn nói là bịp bợm. Tôi cho rằng một nhà nghiên cứu chân chính sẽ khẳng định chủ nghĩa xã hội bằng cách đưa ra những bằng chứng, rằng chủ nghĩa xã hội đã đem lại những lợi ích thế này, thế này... cho nhân dân, và trong kỳ trưng cầu dân ý vừa rồi có đến xx% người đi bầu ủng hộ chủ nghĩa xã hội...
Về ý thứ hai, thì đầu năm tôi xin gửi lời chúc mừng chủ nghĩa tư bản. Từ chỗ “giãy chết” đến chỗ “hết triển vọng” là một tiến bộ lớn lao! Dù gì thì cũng thoát chết rồi.
Hãy xem lại đoạn giới thiệu:
Đọc đoạn này tôi thấy buồn. Buồn vì năm qua nhân dân ta đã gia nhập WTO, vốn có thể coi là một buớc dài trong quá trình toàn cầu hóa đầy mâu thuẫn trong bản chất. Thật là một thiệt hại lớn lao! Triển vọng của chủ nghĩa xã hội từ chỗ là “con đường tất yếu khách quan” giờ đây phụ thuộc vào “các nhân tố chủ quan của cách mạng xã hội” của các nước XHCN còn lại. Ô hay! Nếu chẳng may mấy ông này không “vững bước” mà lại sẩy chân thì nhân dân ta sẽ ra sao?
Tôi vốn dốt về phương pháp, nhưng cũng biết rằng thật khó mà nhìn vào bối cảnh toàn cầu hiện nay để kết luận rằng CNTB đã hết triển vọng, nhường chỗ cho CNXH. Chỉ có trí tưởng tượng trẻ thơ nhìn ba chiếc ghế xếp hàng thành một đoàn tàu (*) mới có thể giúp đưa ra một kết luận ngoạn mục đến vậy.
Có một câu xin hỏi các bạn: Những chỉ số nào ở VN cho thấy chúng ta ngày càng vững bước tiến lên CNXH?