Giải cấu trúc và khái niệm trì biệt
Lucie Guillemette và Josiane Cossette
Lý thuyết ký hiệu của Jacques Derrida thuộc trào lưu hậu cấu trúc luận, đối lập với cấu trúc luận của Saussure. Theo nhà ngôn ngữ học này thì cái biểu đạt (hình thức của ký hiệu) trực quy về cái được biểu đạt (nội dung của ký hiệu) và chuyên chở mọi tư tưởng ngôn tâm luận (logocentrisme: lấy lời nói làm trung tâm, dĩ ngôn vi trung). Derrida chủ trương đánh đổ lịch sử siêu hình vốn vận hành theo phương thức đối lập. Ông chủ trương giải kiến tạo luận để đặt lại vấn đề về tính cố định của cấu trúc và từ đó chủ trương sự vắng bóng của cấu trúc, của trung tâm, của đơn nghĩa. Quan hệ trực tiếp giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt không còn đứng vững nữa, và như vậy, từ cái biểu đạt này sang cái biểu đạt khác, có những sự trượt nghĩa vô hạn.
Khái niệm “hậu cấu trúc luận” chỉ một trào lưu phê bình xuất hiện trong những năm 1970 và phế truất ngai vị của cấu trúc luận với tư cách là một lý thuyết thống trị về tư duy ngôn ngữ và văn bản. Phê bình giải kiến tạo luận cho rằng trong ngôn ngữ, cái biểu đạt không quy chiếu về cái được biểu đạt mà xuất phát từ những cái biểu đạt khác.
Derrida không đồng tình với quan điểm cho rằng “tính cấu trúc của cấu trúc” luôn chiếm vị trí trung tâm. Cùng với Claude Levi-Strauss là đại diện của tư duy cấu trúc luận, Derrida chỉ ra rằng, cùng với việc cấm đoán loạn luân, cùng với những sự đối lập giữa tự nhiên và văn hóa, toàn cầu và quy phạm, cấu trúc không thể đứng vững được nữa: “sự cấm kỵ loạn luân là mang tính toàn cầu [tự nhiên] nhưng đó cũng là một điều cấm, một hệ thống quy phạm và cấm kỵ [văn hóa]” (Derrida, viết và sự khác biệt, Paris, Seuil, 1967. Tr. 415)..
Như vậy, Derrida bác bỏ lịch sử siêu hình có thứ bậc và các cặp đối lập đã tồn tại cho đến thời điểm đó và làm nền tảng cho mọi lý luận logic về thế giới. Derrida bác bỏ cấu trúc luận và tỏ ra nghi hoặc sơ đồ của Saussure (mối quan hệ giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt).
Một số khái niệm cơ bản
Mối quan hệ giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt không còn là mối quan hệ của cấu trúc luận nữa. Thế nên, có hai cách để xóa bỏ sự khác nhau giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt, “cách thứ nhất, cách truyền thống, nhằm buộc ký hiệu phải phụ thuộc tư duy; cách thứ hai, đối lập với cách thứ nhất, nhằm xem xét lại hệ thống trong đó vận hành sự quy giản trước đó: và trước hết là sự đối lập giữa tính duy cảm và tính duy lý” (Derrida, sđd, 413). Theo cấu trúc luận, cái biểu đạt là phần cảm tính của ký hiệu bởi nó có thể được nắm bắt bằng các giác quan, nó như cái vỏ vật chất cho phép tiếp cận cái được biểu đạt. Cái được biểu đạt thì lại tương ứng với khái niệm, mang tính phi vật chất và lý tính. Derrida phản đối sự đối lập này.
Do vậy, quan niệm của Derrida về ký hiệu luôn gắn liền với cấu trúc trong triết học phương Tây. Như vậy, sơ đồcái biểu đạt = cái được biểu đạt (quan hệ trực tiếp giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt) được xem xét lại. Ví dụ, khi nghe từ “nước”, chúng ta có thể nghĩ đến những giọt nước, một cái hồ, một ký hiệu hóa học (H2O), v.v… Chúng ta không nhất thiết phải nghĩ đến hình ảnh cố định của nước, đến một biểu hiện tư duy mang tính toàn cầu. Thế nên, mỗi khái niệm (cái biểu đạt) mà “nước” có thể quy chiếu gợi ý một cái biểu đạt khác. Chuỗi các biểu đạt được hình thành một cách vô hạn đó được biểu hiện bằng một sự vận hành không có giới hạn và làm cho văn bản mang tính mở, làm cho nó dịch chuyển, vận động.
Từ ngữ quy chiếu đến, hoặc “nêu” các từ ngữ khác. Văn phạm học của Derrida chủ trương rằng viết mang tính nguyên thủy, cũng như lời nói, viết và nói có sự xung đột trường tồn không tương quan lực lượng. Do vậy:
- Viết không thể là sự sao lại ngôn ngữ nói vì viết cũng như ngôn ngữ nói không cái nào xuất hiện trước.
- Theo cách này, viết không chỉ là chữ viết, mà là kết cấu và việc ghi lại dấu vết.
Dấu vết biểu hiện sự bất khả của nguồn gốc, của trung tâm. Nó là cái không-nguồn-gốc của nguồn gốc, là “nguồn gốc tuyệt đối của nghĩa nói chung. [...] Nếu như dấu vết thuộc về chính sự vận động của nghĩa, thì xem ra, nghĩa được viết ra ở dạng này hay ở dạng khác, cho dù người ta có ghi lại hay không, trong một thành tố “cảm tính” và “mang tính không gian” mà người ta gọi là “bên ngoài” (Sđd, tr. 103).
Theo Derrida, văn bản không thể được cắt nghĩa bằng nguồn gốc (tác giả, xã hội, lịch sử: tức là bối cảnh) bởi vì gốc của nó là sự tái lặp. Văn bản là viết, và viết là ngôn ngữ (không ý hướng). Viết là ngôn ngữ so với diễn ngôn thực thi ngôn ngữ.
Dù vậy, chỉ có đọc thì văn bản và viết mới có năng lực. Siêu-viết, đó là việc đọc bao hàm việc viết. Đặc trưng của viết là tính văn bản, mà tính văn bản vừa là sự kết thúc vừa là sự không-kết thúc của văn bản: “Chúng ta không thể nghĩ đến việc kết thúc một cái gì đó không có giới hạn. Sự kết thúc là vòng giới hạn trong đó sự tái lặp trì biệt mãi được lặp đi lặp lại. Đó chính là không gian vận hành của nó. Sự vận động này là sự vận động của thế giới như một trò chơi” (Sđd, tr. 367).
Giải kiến tạo luận
Derrida quan tâm đến sự đối lập giữa viết và nói. Phương pháp tiếp cận giải kiến tạo của Derrida cho chúng ta thấy tính nhị nguyên này không bao giờ tương đương mà luôn có thứ bậc. Một cực (sự có mặt, cái thiện, chân lý, đàn ông, v.v…) luôn chiếm ưu thế so với cực thứ hai (sự vắng mặt, cái ác, dối trá, phụ nữ, v.v…).
Trong trường hợp của nói và viết, người ta thường gán cho phát ngôn những phẩm chất tích cực như tính độc sáng, trung tâm, sự có mặt, trong khi sự viết lại bị đẩy ra phía sau, bị quy giản thành một vị thế phái sinh.
Từ Platon đến nay, viết chỉ được xem như biểu trưng của lời nói: Derrida gọi quan điểm này là truyền thống ngôn tâm luận trong tư tưởng phương Tây. “Giải kiến tạo chỉ toàn bộ các kỹ thuật và chiến lược mà Derrida sử dụng để hạ bệ, phân cắt và dịch chuyển các văn bản duy tâm” (Hottois, Từ phong trào phục hưng đến hậu hiện đại. Lịch sử triết học hiện đại và đương đại, 1998, tr. 399 – 400).
Tuy nhiên, giải kiến tạo không có nghĩa là phá hủy và việc giải kiến tạo được thực hiện qua hai giai đoạn:
1. Giai đoạn lật đổ: vì cặp phạm trù luôn có thứ bậc nên trước hết cần phải phá hủy mối tương quan lực lượng. Trong gian đoạn đầu tiên này, viết phải có ưu thế hơn nói, tha nhân ưu thế hơn bản thân, sự vắng mặt ưu thế hơn sự có mặt, cái cảm tính ưu thế hơn cái lý tính, v.v…
2. Giai đoạn trung tính hóa: chúng ta tách từ đã được phát huy ở giai đoạn một ra khỏi tính logic nhị nguyên. Như vậy, chúng ta từ bỏ những nghĩa đã có trước, những nghĩa đã khắc sâu trong tư tưởng nhị nguyên. Giai đoạn này cho ra đời nhị tính, siêu phát ngôn, siêu-viết. Chữ “giải kiến tạo” như vậy trở thành “không thể xác định” (Hottois, Sđd, tr. 306)
Giải kiến tạo được áp dụng cho các văn bản, phần lớn là các văn bản lịch sử triết học phương Tây. Như vậy, các từ mới trở thành “không thể xác định”, không thể phân loại và kết hợp hai cực vốn được cho là đối lập trước đó.
Derrida đã áp dụng giải kiến tạo luận vào việc nghiên cứu một văn bản nổi tiếng của Platon trong đó các cực đối lập lại được kết hợp với nhau, và theo cách đọc này, “liệu pháp dược, bùa yêu này, cái vừa là phương thuốc vừa là độc dược này đã được đưa vào cơ thể với tất cả tính hai mặt của nó. Vẻ đẹp đó, nét hấp dẫn đó, sức mạnh thôi miên đó có thể lần lượt hoặc đồng thời vừa tốt vừa xấu” (Derrida, Dược học Platon, 1972. Tr. 264).
Lý thuyết này đã trở nên hấp dẫn đối với các nhà nghiên cứu văn học và các nhà văn, nhất là các nhà văn nữ quyền. Bằng phương pháp giải cấu trúc và chiến lược trì biệt, các nhà văn nữ quyền luận tạo ra các từ ngữ mới. Những từ ngữ này vượt qua các hệ thống nhị nguyên nói chung và đặc biệt là sự đối lập nữ giới/nam giới được ngầm hiểu như là sự đối lập giữa cái thống thiết và ngôn luận (pathos/logos), giữa tha nhân và bản thân.
Giải kiến tạo, đó là vượt qua tất cả các sự đối lập về khái niệm cứng nhắc (nam giới/nữ giới, tự nhiên/văn hoá, chủ thể/khách thể, cảm tính/lý tính, quá khứ/hiện tại, v.v…) và không phân biệt giữa các khái niệm với nhau. Mỗi phạm trù đều có dấu vết của phạm trù đối lập nó.
Lý thuyết trì biệt
Khái niệm trì biệt (différance) xuất hiện trong một buổi nói chuyện của Derrida tại Hội triết học Pháp vào năm 1968. Khái niệm này đúc kết tư duy ký hiệu học và triết học của Derrida. Tất cả các khái niệm đã được đưa ra trước đó được sử dụng trong lý thuyết này.
Chữ a (Derrida thay thế chữ “e” trong chữ différence -sự khác biệt – bằng chữ “a”, NDB) chỉ nhiều khía cạnh của việc áp dụng lý thuyết này.
1. Trì biệt là sự khác biệt hủy hoại sự sùng bái danh tính và sự thống trị của bản thân trước tha nhân; nó đồng nghĩa với việc không có nguồn gốc (đơn vị gốc). Trì biệt đồng nghĩa với sự không đồng nhất.
2. Trì biệt đánh dấu một khoảng cách được viết ra (chữ a), chữ mà người ta thấy mà không nghe thấy.
3. Trì biệt là dịch chuyển, trượt, phá hoại.
4. Trì biệt là sự tiến triển (đấu tranh chống lại các nghĩa cố định), nó là sự dịch chuyển những cái biểu đạt. Cái biểu đạt luôn biểu nghĩa ngoài lề bởi không có cái được biểu đạt siêu nghiệm, nguyên thủy và có tính tổ chức.
Lối viết trì biệt quy về chính nó bởi nó đoạn tuyệt với cái được biểu đạt và vật quy chiếu (chiếu vật). Việc nhấn mạnh về chủ đề viết được vận hành như là phương thuốc chống lại chủ nghĩa duy tâm, siêu hình học và bản thể học.
Nguyễn Duy Bình dịch
Nguồn: “Déconstruction et différance”, Tạp chí Signo, Rimouski, Québec.