Home » » Phân tâm học và văn học-P1

Phân tâm học và văn học-P1

Written By kinhtehoc on Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012 | 06:28


Phân tâm học và văn học


Jean Bellemin-Noël
Các nhà thơ và các nhà tiểu thuyết là những đồng minh quý báu của chúng ta, và các bằng chứng của họ phải được đánh giá thật cao, bởi lẽ giữa lưng chừng thinh  không họ biết được nhiều điều mà túi khôn học đường của chúng ta còn chưa dám mơ tới. Về kiến thức tâm lý, họ là bậc thầy của chúng ta, những kẻ tầm thường, bởi họ đã đắm mình trong những mạch nguồn nơi chúng ta còn chưa đưa khoa học lại gần được”. (S.FREUD, DRG, 127)
I. Đọc từ khi có phân tâm học  
Phân tâm học tính đến nay đã được ba phần tư thế kỷ, tức là đã lâu hơn môn vật lý về thuyết tương đối của Einstein một vài năm. Người ta có quyền tin rằng với tất cả mọi người tính chất phong phú, giàu sức sinh sôi của các giả thuyết phân tâm học là không thể bác bỏ, rằng ngày nay không còn có ai trách móc cái bà già ấy là đã mặc những bộ đồ lót hấp dẫn để khêu gợi những kẻ mất hướng trong một xã hội Thanh giáo nghiêm cách.
Dù người ta có vui vẻ chấp nhận phân tâm học hay không, thì Freud đã bắt nhân loại phải gánh chịu điều mà trong Một khó khăn của phân tâm học(1917, EPA) ông gọi là “vết thương thứ ba của lòng tự ái” của con người. Copernic đã buộc con người phải thừa nhận rằng hành tinh nhỏ bé của nó không còn là trung tâm của thế giới nữa, còn với Darwin, con người chỉ còn là một động vật may mắn hơn những động vật khác chứ không phải là một tạo vật có nguồn gốc thần thánh; bản thân Freud đã chứng minh rằng “cái tôi không phải là chủ nhân trong chính ngôi nhà của nó” (146). Sức mạnh của những xung năng khoái lạc trong ta lớn đến mức ta không thể tính đến chuyện thuần hóa chúng hoàn toàn, và chẳng hơn gì ý chí, trí năng của ta cũng không giữ vai trò thống trị, bởi vì một bộ phận đáng kể những hoạt động tinh thần của con người thoát khỏi sự canh chừng của ý thức. Bị tước mất vị trí cao siêu trong vũ trụ và trong sinh quyển, chúng ta cũng bị mất luôn cả địa vị ấy trong lĩnh vực tâm lý mà mới đây còn tạo ra niềm vinh quang và nguồn an ủi của chúng ta: một cái gì đó trong ta nghĩ suy và điều khiển những hành động và tư tưởng của chúng ta mà chính ta cũng không biết được là có những hiện tượng ấy xảy ra. Việc con người cảm thấy bị xúc phạm trong niềm kiêu hãnh của nó – trong thói tự si của nó – cũng không phải là điều quan trọng nhất trong vụ việc này, anh ta từng thấy những chuyện khác. Cần phải chiến thắng bao nhiêu những chống đối, của truyền thống và của tôn giáo, để thúc đẩy vết thương ấy mau liền sẹo.
Nỗ lực của Freud ở đây và hiệu quả sự khám phá của ông là không tính xuể. Phong trào phân tâm học ngay từ đầu đã kinh nghiệm rằng việc thâm nhập những bí mật của người bị tâm thần phân liệt còn dễ dàng hơn là gạt bỏ những định kiến dương dương đắc thắng của các bè nhóm khoa học và thời lưu. Những kiểm duyệt của hệ tư tưởng có hiệu quả hơn và ngoan cố hơn sựdồn nén ở bên trong mỗi cá nhân. Những áp lực của gia đình, trường học, tôn giáo, thể chế, sức nặng của xã hội được tổ chức thành chế độ kinh tế, trọng lượng của một thứ triết học mơ hồ mà người ta đặt tên là “kinh nghiệm”, hay ảnh hưởng của lương tri hợp lý và duy lý, nhưng không bao giờ lý luận; với tất cả những điều đó, chúng ta vừa là nạn nhân vừa là kẻ hưởng lợi, chúng ta là những kẻ mù quáng vì ta thỏa mãn và là những kẻ lợi dụng vì ta bị mù quáng. Tất cả điều đó ẩn trú trong chúng ta, trong tư tưởng của chúng ta, trong ngôn từ của chúng ta.
Và đây là vế thứ hai của nhị thức (phân tâm học và văn học – ĐLT) của chúng ta: văn học. Chính qua văn học mà ta thức nhận được tính người của ta, nó suy nghĩ, nói năng. Bởi lẽ, ngôn ngữ được rèn giũa trong các quan hệ thường ngày với cha mẹ và bạn bè chỉ để hành động: hỏi, trả lời, để mà sống. Đại thể là, chỉ nhờ vào một cái gì đó như văn học (dù là văn học truyền miệng trong những kỷ nguyên và những nền văn minh không chữ viết) mà con người tự vấn về bản thân mình, về số phận vũ trụ của mình, lịch sử của mình, hoạt động xã hội và tinh thần của mình. Những quan niệm “cao quý” của con người, cái nhìn thế giới của anh ta được củng cố qua tiếp xúc với các truyền thuyết – những cái cần phải đọc -, rồi những huyền thoại tôn giáo, những sử thi thế tục, những chuyện kể gương mẫu, truyện cổ tích, kịch, tiểu thuyết, những chuyện tâm tình xúc động, bằng văn xuôi hay văn vần. Ngôn từ thông tri cho chúng ta, chữ viết hình thành nên chúng ta. Và chữ viết biến đổi chúng ta một cách thiết yếu, bởi lẽ cái gì đã được viết ra đều đến với chúng ta từ nơi khác, xa hoặc gần trong sự vắng mặt và từ một thời gian khác, xưa kia hay vừa mới đây: không bao giờ là ở đây và bây giờ, ở đó nói đã là đủ.
Nhưng văn học, cũng là một cái gì khác hơn cái xác được ướp ít hay nhiều của những tư tưởng có sẵn, những tư tưởng này hình thành ở ngoài bối cảnh trực tiếp, nơi mỗi người đang vật lộn: văn học không chỉ là một tổng thể những diễn ngôn được ghi nhận trước chúng ta và xa chúng ta, mà còn là một diễn ngôn đặc biệt. Từ lâu rồi người ta đã bảo và đã tin rằng nó “hữu ích và dễ chịu”; hữu ích là do nó mang tới sự khoái lạc, dễ chịu là bởi nó vẫn cứ không dùng được để sống. Diễn ngôn văn học là loại diễn ngôn chênh vênh về hiện thực. Đấy là cái đẹp của nó, là bi kịch của nó, và là vận may kỳ diệu của nó.
Hiểu được rằng những tác phẩm tạo thành văn học dần dần lắng đọng lại để tạo nên một lĩnh vực rắn chắn và mặc cho bụi bặm bay lên trước ngọn gió của cái không cốt yếu, rồi thì dòng cát chảy xuôi sườn dốc của cái thực dụng – cái mà người ta gọi là tiếng nói thông thường và văn giáo huấn – tìm ra được những lý do khiến các tác phẩm này vượt qua tác giả của chúng, thời đại của chúng, khu vực ngôn ngữ của chúng, điều này cũng không được hoàn thành trong ngày một ngày hai. Cũng như việc thừa nhận phân tâm học, và cũng một phần nhờ văn học, việc thẩm định tính độc đáo của văn học đã thật gian nan. Ở đây chúng ta hãy đành lòng nói rằng cần phải chấp nhận ý tưởng về một hành ngôn khác không chỉ nói không chính xác và cũng không đích thực cái điều mà hình như nó nói. Cũng giống như tâm thần không phải là một khối thuần nhất giản đơn với những tầng lớp và những sự phân phối các năng lực, lối viết của những tác phẩm lớn không thể được coi là sự chuyển tải một thông điệp mang một nghĩa hiển nhiên duy nhất. Những từ ngữ thường ngày được tập hợp lại theo một cung cách nào đó sẽ có được quyền năng gợi ra cái không thấy trước, cái chưa từng biết, và các nhà văn là những người trong khi viết là họ đang nói song chẳng ngờ rằng mình nói về những cái mà theo nghĩa đen “họ không hề biết”. Bài thơ biết nhiều hơn nhà thơ.
Nếu ý nghĩa là dư thừa trên văn bản, thì ở đâu đó có một sự thiếu vắng ý thức. Hành động văn học chỉ lo tàng trữ trong nó một phần của cái vô ý thức hoặc của cái vô thức. Nhiệm vụ mà phê bình văn học trong mọi thời đại đã tự xác định cho mình là phát hiện ra cái thiếu vắng hoặc dư thừa đó. Tóm lại, vì văn học mang trong lòng nó cái không – ý thức và phân tâm học thì mang lại một lý thuyết về cái thoát khỏi ý thức, nên người ta dễ dàng đi đến chỗ ghép chúng lại, thậm chí nhập chúng vào một cục. Tổng thể các tác phẩm văn học cung cấp một điểm nhìn về hiện thực của con người, về môi trường trong đó con người tồn tại cũng như về cách thức con người nắm bắt môi trường ấy đồng thời nắm bắt những quan hệ mà nó duy trì với môi trường ấy. Tổng thể này là một loạt những diễn ngôn và một quan niệm về thế giới: nối liền một mạch những văn bản và văn hóa. Học thuyết phân tâm học biểu hiện ra cũng gần giống như vậy: một bộ máy khái niệm để tạo dựng lại tâm lý chiều sâu, và các mô hình giải mã. Nếu như thực thể văn bản và bộ công cụ lý thuyết thuộc về những phạm trù khác nhau của hiện thực (một vật liệu đối với những dụng cụ thăm dò), thì không được quên rằng cái nhìn thế giới của văn chương và sự dò tìm ra những tác động của vô thức, cùng hoạt động theo một cách thức: đó là hai kiểu diễn dịch, hai kiểu đọc, ta hãy gọi là những cách đọc. Văn học và phân tâm học “đọc” con người trong nghiệm sinh thường nhật cũng như trong số phận lịch sử của nó. Sâu hơn nữa, chúng giống nhau ở chỗ chúng cùng loại trừ mọi siêu ngôn ngữ: không có sự khác biệt giữa diễn ngôn đề cập đến chúng và những diễn ngôn hợp thành chúng. Ta biết rằng không bao giờ ta có thể thật sự tách ra khỏi cái mà ta nói đến, ấy vậy mà người ta tự xác định cho mình mục tiêu đạt tới những sự thật khi nói về người đang nói.
Việc khám phá ra cái vô thức đặt lại vấn đề tri thức mà chúng ta có được về tâm lý con người, cái tri thức mà chúng ta sống từng giây từng phút. Cái đã được viết ra và còn viết nữa, cái mà tôi đọc đã được làm ra mà tôi không biết bởi những năng lượng phi thường (và hoang đường): cách đọc của tôi hôm nay ra sao đây? Mặt khác, phân tâm học tiến hành trên hành ngôn, nhân tố của sự thật và sự tha hóa trong những quan hệ giữa các cá nhân với nhau và trong chính nội tâm của mỗi cá nhân: phân tâm học cho biết điều gì đây về cái vùng hoạt động ưu tiên của hành ngôn, nó chính là tổng thể của văn học, ở đó hiện thực thầm kín của cá nhân thể hiện rõ hơn bất cứ nơi nào khác? Đấy là những câu hỏi có vẻ thực. Như vậy, mục tiêu của cuộc điều tra sẽ là mục tiêu sau đây: mô tả những nguyên lý và toàn bộ những phương tiện mà phân tâm học cung cấp cho chúng ta để giúp chúng ta đọc văn học tốt hơn.
Vậy là chúng ta sẽ phải khám phá, không chỉ trong sự đa dạng, mà cả trong lịch sử của chúng, những xu hướng khác nhau của cái mà ta có thể đặt cho một cái tên chung “tiếp cận phân tâm học đối với trường văn học”. Bởi lẽ, mỗi xu hướng đã rộ nở vào từng thời điểm khác nhau, với những thời vận khác nhau, những cường độ không như nhau.
Sau khi những ý định thử nghiệm của Freud đã được trình bày theo trình tự xuất hiện của chúng, chúng ta sẽ chuyển qua rà soát các bước đi và những kết quả mà những thử nghiệm đó đã mang lại cho đến thời kỳ hiện nay. Mục tiêu của chúng ta sẽ đạt tới nếu như, trong một sưu tập đụng chạm đến một công chúng rộng lớn, tất cả những trí óc tò mò đều đã có được một quan niệm ít nhiều rõ ràng về những phương thức can thiệp của cái nhìn phân tâm học trước vô số dạng vẻ dưới đó văn học hiện diện sống động, tích cực cho một số người mà ta mong muốn không ngừng được mở rộng.
Để kết luận, chúng ta hãy nêu lại công thức của Freud, trong đó không phải là không có chút hài hước:
“Công việc phân tích là tế nhị và khó chịu; người ta không thể sử dụng nó như sử dụng một chiếc kính kẹp mũi mà người ta kẹp vào để đọc sách và bỏ ra khi bắt đầu đi tản bộ” (NCP.201).
Vậy thì chúng ta hãy đi tản bộ để tìm kiếm nếu không phải là cái kính kẹp mũi tốt nhất để đọc cho giỏi, thì chí ít cũng một cái kính kẹp mũi tốt để đọc cho tốt hơn.
II. Đọc cùng Freud
Từ việc khám phá các giấc mơ, người ta được dẫn dắt tới trước tiên là phân tích các sáng tạo thi ca, sau đó là các nhà thơ, các nghệ sĩ [...], những vấn đề quyến rũ nhất với tất cả những ai ưng áp dụng phân tâm học”.
Để bắt đầu, xin kể một giai thoại: bịa hay thật không biết, nhưng nó nói đúng. Một người nào đó hỏi Freud rằng thầy của ông là những ai, người sáng lập ra phân tâm học đáp bằng một cử chỉ hướng về những giá sách trong thư viện của ông nơi hiện diện những công trình lớn của văn học thế giới…
Freud say mê đủ loại văn chương: kẻ ngốn sách đồng thời là một độc giả tinh tế. Văn hóa của ông là thứ văn hóa cách đây một trăm năm người ta dạy ở các trường trung học nước áo: cổ điển, nhưng đa dạng hơn, phổ quát hơn, hiện đại hơn thứ văn hóa tương tự ở Pháp. Ví dụ, những tên tuổi trở đi trở lại nhiều nhất dưới ngòi bút của ông là các tác giả đã được thừa nhận vào năm 1870: Aristophane, Boccace, Cervantès, Diderot, Goethe, Hebbel, Heine, Hésiode, Hoffmann, Homère, Horace, Le Tasse, Milton, Molière, Rabelais, Schiller, Shakespeare, Sophocle, Swift; còn về các nhà văn đương thời: Dostoievsky, Flaubert, Anatole France, Ibsen, Kipling, Thomas Mann, Nietzsche [1], Schopenhauer, Bernard Shaw, Mark Twain, Oscar Wide, Zola và Stefan Zweig. Cái mà ông rút ra từ những sự đọc của mình, trước hết đó là những định thức thành công thức đã in dấu vào trí nhớ của ông và giúp ông điểm xuyết vào văn bản của mình các trích dẫn theo thông lệ của lối viết văn hay thuộc thời đại ông. Đặc biệt đó là một hiểu biết về những động cơ thúc đẩy con người hành động, trước tiên là bằng sự tiêm nhiễm ảnh hưởng (cái vốn liếng minh triết và kinh nghiệm mà chúng ta ai cũng thâu lượm được qua tiếp xúc với những tác phẩm tiêu biểu), sau đó là xuất phát từ sáng kiến riêng của mình để học tập các thiên tài đã đi trước ông, mà không biết, trên con đường của những khám phá lớn về tâm lý học. Người ta thường thấy ông tuyên bố xác tín của mình rằng những văn bản nổi tiếng bất hủ, có thể là những người dẫn đường như: “Và hóa ra là điều này những tiểu thuyết gia và những kẻ hiểu thấu trái tim con người đã nắm được từ lâu rồi những ấn tượng của giai đoạn non nớt đầu tiên của cuộc đời để lại những dấu vết không thể xóa được [...]. (MVP, 42)
Freud sửng sốt say mê trước khả năng tiên kiến phi thường của những trí óc ấy, họ vốn không có phương tiện để phân tích, ông cảm kích vì các phán đoán, miêu tả và truyện kể của họ, nhưng không choáng váng đến mức mù quáng: ngược lại, ông bị kích thích phải tìm hiểu. Đấy là sức mạnh của những nghiên cứu của ông, của những nỗ lực đểáp dụng phương pháp khoa học của ông, phương pháp mà ông dần dà phát hiện ra, vào cái ẩn ngữ có thể nói là chính nó đã khải thị cho ông.

1. “Áp dụng” phân tâm học?
Thuật ngữ áp dụng không nên hiểu một cách sai nghĩa. Thường thì nó gợi ra rằng trong một lĩnh vực nào đó người ta sử dụng các nguyên tắc và các phương tiện thăm dò thuộc một khu vực tri thức ở bên ngoài lĩnh vực trên, tùy trường hợp được gọi là “khoa học cơ bản” hoặc “khoa học bổ trợ”.
Cũng vậy, người ta sử dụng toán học cho tất cả các môn khoa học chính xác và kể cả (thống kê học chẳng hạn) một vài khoa học nhân văn; hoặc giả người ta áp dụng hóa học bức xạ vào khảo cổ học, cổ sinh học nhờ sử dụng các bon 14 để xác định niên đại của một dụng cụ bằng đá hay một bình gốm cổ. Nhưng, trong trường hợp chúng ta quan tâm, đó không phải là một kiểu tính toán hay một công cụ đo đếm thuộc lĩnh vực định lượng, mà chính là một tấm lưới giải đoán nhằm giải mã những hiện tượng thuộc về con người mà bề ngoài rất xa cách nhau (và trước hết cần phải chứng minh là chẳng phải chúng thật sự không đồng nhất). Tính độc đáo đầu tiên của lý thuyết về vô thức là đã chỉ ra rằng sự tách biệt giữa những thái độ và hành động khác nhau của con người chỉ ở bề mặt. Một khi đã xác định được là có sự tiếp nối giữa đứa trẻ và người lớn, “người nguyên thủy” và “người văn minh”, cái khác thường và cái thông thường, cái bệnh lý và cái bình thường, thì người ta sẽ thấy ngay lập tức chiếc hố sâu được lấp đầy, chiếc hố ngăn cách các sản phẩm như dấu hiệu tiền triệu, những chuyện kể huyễn tưởng, những điều cấm kị của các cư dân Polynésie, cách tổ chức và hiệu lực của các trò chơi của bé trai hay bé gái. Có một nền tảng chung – tức là cơ chế phức tạp của các xung năng, các phương thức của sự dồn nén, những mưu mẹo của ham muốn tình dục – cho những ứng xử lạ lùng và quen thuộc của các loại cá nhân khác nhau, những lớp tuổi khác nhau, những tập thể người khác nhau mà người ta gặp gỡ trên bề mặt hành tinh. Một giấc mơ, một trò chơi, một nghi lễ, một hội kín, một huyền thoại, một truyền thuyết, một ngụ ngôn, một sử thi, một câu xướng trong trò chơi con trẻ, một tiểu thuyết, một trò đùa, ma thuật của một bài thơ, tất cả chỉ tạo nên những đối tượng nghiên cứu riêng biệt cho những chuyên gia cứ tưởng rằng mình đang làm việc trên những chất liệu không đồng nhất. Bắt đầu từ thời điểm trong đó những hiện tượng người này ở một cấp độ nào đó được coi như là những hiện thực hóa của cùng một Vô thức (chữ viết hoa nhằm xác định rằng đây là nói về hệ thống chứ không phải về một cơ cấu cá nhân – đây không phải là dấu hiệu của sự thiêng hóa) thì việc cùng một người diễn dịch đảm trách điều này trở nên hợp thức. áp dụng phân tâm học vào một lớp những đối tượng tâm thần đặc biệt, đó chính là quan sát cách thức mà sự ham muốn biểu hiện ra qua chất liệu, bối cảnh, cơ quan, thiết chế, dữ kiện văn hóa không thể phân hóa nhưng tuân theo cùng những quy luật.
Từ “áp dụng” ở đây không mang cái nghĩa có thể xếp chồng lên những nghĩa mà nó nhận được ở nơi khác; đây không phải là trò chơi khắc xuất khắc nhập với một khoa học kế cận, càng không phải là lưu đầy phân tâm học đi bất kỳ nơi đâu: dù thuận tình hay miễn cưỡng, việc phân tích các quá trình vô thức có thiên hướng can thiệp ở bất cứ nơi nào có “trí tưởng tượng” hoạt động, có nghĩa là những xúc động, một tác phẩm hư cấu, thậm chí rộng hơn là một tác phẩm miêu tả và những hiệu quả tượng trưng. Sự phân tích này có thể tự coi là hiệu quả mỗi lần con người tự xét lại mình, và mỗi lần hoạt động nhận thức của nó ra khỏi những định đề, khỏi vật lý học và kỹ thuật để quan tâm đến các cạnh khía “cụ thể” của sinh tồn và của lịch sử, của xã hội và của cá nhân. Nhà toán học, nhà thiên văn học, nhà vật lý học, người kĩ sư bước ra khỏi chuyên môn của mình chỉ còn là, nếu ta dám nói như vậy, những con người; Freud, chính ông, chiếc kính bất ly thân kẹp trên sống mũi, nhìn họ làm việc, nghiên cứu họ cả bên ngoài công việc và, chúng ta chớ quên điều này, ông cũng tự nhìn chính mình làm việc và không hề rời mắt khỏi bản thân trong khi trí óc ông nghỉ ngơi hoặc lang thang đâu đó. Chiếc kính kẹp mũi, chẳng bao giờ có chuyện ông bỏ nó xuống, bởi lẽ ông cống hiến toàn bộ thời gian của mình để giải mã cái văn bản của Nhân loại: tóm lại, ông không ngừng đọc! [2]

2. Một bài học đọc
Điều đáng lưu ý hơn nữa là mỗi khi đọc một cuốn sách ông không ngừng hành động như một nhà phân tích: ông chăm chú lắng tai đối với điều nghe được trong văn bản viết. Tuy nhiên sẽ là sai lầm khi tưởng tượng rằng ông đọc “giữa những dòng chữ”, chập chờn mơ mộng tới những gì mà điều đó gợi ra hoặc làm cho nhớ lại. Không phải nhà tiên tri, cũng không phải người ôm đồm các ý tưởng – xin đọc vấn đề này ở Sarah Kofman trong cuốn Tuổi thơ của nghệ thuật -, Freud là một nhà diễn giải, luôn luôn chú ý đến từ, ngữ, đến câu, đến hành ngôn. Người ta nói rằng ông thích trích dẫn (thậm chí thường trích dẫn cả những định thức của chính mình): điều đó, vượt quá một thời thượng, chứng tỏ rằng ông coi trọng chữ chứ không chỉ coi trọng “tinh thần” của những phát ngôn mà ông đề cập đến. Ta sẽ trở lại tính cách mẫu mực của thái độ ấy, lý do và những hậu quả của nó; tạm thời hãy nói rằng sự gắn bó với bản viết đã giữ Freud khỏi rơi vào siêu hình học, khỏi sa vào một thứ chủ nghĩa thần bí không thể đứng vững được về mặt lý thuyết. Một Jung, chẳng hạn, đã không tuân thủ được tính nghiêm ngặt cẩn trọng ấy và, ngay từ trước Thế Chiến Một, đã cần phải cho Jung hiểu là Jung đã đi lạc vào một hình thức mới của tâm lý học, hình thức này không xứng đáng mang danh hiệu phân tâm học.
Về mặt đào tạo, người thầy thành Viên vừa là một bác sĩ vừa là một bác học, và ông thầy ấy bao giờ cũng từ chối không coi mình là một nhà triết học: trước tiên ngăn ông lại là những sự kiện, sau đó là những cơ cấu trong chừng mực chúng trình bày các sự kiện, tất cả các sự kiện và chỉ các sự kiện mà thôi. Sự chú ý đến các chi tiết gắn liền với một cách làm khoa học quan tâm lắng nghe những lời nói chính xác của một người bệnh, thưởng thức diễn ngôn đích xác của nhà văn. Bằng việc ngoại suy, người ta rơi xuống vực thẳm, trở thành người đoán mộng, nhà tiên tri, thầy bói làng. Vở bi kịch Oedipe – Vua sẽ giống cái gì nếu như nó kết thúc bằng việc phát lộ sự loạn luân và một hình phạt nào đó với nhân vật chính? Điều quan trọng là Oedipe, sau khi nhận thấy mức độ nghiêm trọng của tội lỗi mình phạm phải - một cách vô thức”, bởi lẽ lời phán truyền của thần linh không sáng sủa gì hơn một điềm triệu! – đã không đi đến tự vẫn hoặc tự cầm tù suốt đời: bằng chiếc trâm lấy trộm của Jocaste, anh ta đã tự chọc thủng đôi mắt; để tự trừng phạt “ở cái nơi mà anh ta phạm tội”, tất nhiên, anh ta tự thiến nhưng một cách tượng trưng, bằng cách đảo ngược ngay chính hành vi của tội ác, bởi lẽ chính một cái gì đó của người mẹ – người vợ sẽ đánh vào cái nơi sống còn nhất của anh ta, đôi tròng mắt” và rõ ràng bằng đôi mắt đó anh ta đã thèm muốn nhan sắc phụ nữ của người mẹ – người vợ; như vậy Oedipe đã trả cái giá đúng, là cái chết của lòng ham muốn, cốt để từ nay sống trong đau khổ và tang tóc, thay vì – vả lại như có một khoảnh khắc anh ta đã mong làm như vậy – nhảy xuống biển, nơi anh sẽ được nếm trải ân sủng kép là gặp được mẹ và tìm được cái chết [3]… Ở đây Freud không đứng vào địa vị của Pythie, người đã tiên đoán theo sự gợi ý của Apollon, ông đứng vào địa vị của người trợ lý của ông ta (những người Latinh sẽ nói làinterpres), của người trung gian môi giới, của người đứng giữa lời nói khó hiểu của thần linh và đôi tai của nhà tư vấn; ông đứng giữa những gì mà tác giả bi kịch tuyên bố theo nghĩa đen và những gì mà chúng ta được phép cảm nhận ở đó, khi xét đến cả những cấu trúc vô thức biểu hiện ở đó, những thôi thúc tình dục muốn mở ra ở đó một con đường bất chấp sự chống đối của kiểm duyệt.
Ý chúng tôi giờ đây không phải là thảo luận về giá trị của một cách giải mã, cũng như tính hợp pháp của việc “áp đặt” cho một truyền thuyết được chuyển thành kịch thơ một cách đọc diễn giải theo phong cách phân tích hơn là một sự chú giải các điều thần bí hoặc một sự chuyển thể mang tính ý thức hệ. Chúng tôi phải nhấn mạnh rằng đọc với chiếc kính kẹp mũi của Freud, đó là đọc trong một tác phẩm văn học, với tư cách là hoạt động của một con người và là kết quả của hoạt động ấy, cái điều tác phẩm đó nói mà lại không để lộ điều nói bởi vì tác phẩm không biết điều đó, đọc được điều tác phẩm không nói qua cái điều tác phẩm chỉ ra và là do tác phẩm chỉ ra điều đó bằng diễn ngônnày chứ không phải diễn ngôn khác. Không có gì là vô cớ, cái gì cũng có ý nghĩa; và điều báo hiệu cho Freud, đó là những chồi mầm của vô thức. Văn bản chẳng hề biết cũng chẳng hề muốn song nó là một bản mật ước có thể và phải được giải mã. Tại sao? Trước hết, nhất định như vậy, là để giúp cho nhà phân tâm học làm chủ được các phương pháp “diễn dịch” của mình (việc này chẳng mấy giống với công việc của một dịch giả theo nghĩa thông thường, như ta sẽ thấy sau này) và để bảo đảm những định đề lý thuyết của nhà phân tâm học bằng cách kiểm tra giá trị phổ biến của các phương pháp đó; điều lợi ích này là có thực đối với sự hiểu biết mà con người có được về chính bản thân mình. Nhưng trước hết, trong vấn đề liên quan đến chúng ta, để cho phân tâm học giúp cách đọc làm sáng tỏ một sự thật của diễn ngôn văn học, trang bị cho lĩnh vực thẩm mỹ này một kích thước mới, làm vang lên một tiếng nói khác khiến cho văn học nói với chúng ta không chỉ về những người khác, mà còn về con người khác ở trong.
Việc giải đoán dẫn đến một kiểu lợi ích hoàn toàn đặc biệt. Vì đây là một công việc lao động, người ta thích tự nhủ rằng việc đó sẽ được đền đáp. Tính ra được trước hết là sự thỏa mãn hiểu biết (kể cả trong ảo tưởng, phải thú thật điều này), cái niềm vui đã khám phá ra một bí mật, bất chấp những khó khăn đã nhận biết được một nghĩa không chịu bày ra rõ ràng hiển nhiên: phân tâm học sẽ nhìn thấy ở đó một tiếng vọng của những tò mò xa xưa của đứa trẻ đối với tất cả những gì mà trong sự im lặng của bố mẹ và của cơ thể là có liên quan đến sự khác biệt của giới tính và của các thế hệ, đến sự huyền bí của sinh nở, đến những nguyên nhân của khoái lạc hoặc của các sự cấm đoán. Niềm hoan hỉ, để không trở thành vô thức, cắm sâu gốc rễ của nó vào trong những ấn tượng lâu đời đã bị lãng quên, và chắc hẳn là giao thoa với một niềm hoan hỉ khác còn khó nhìn thấy hơn nữa, những cái vô thức với nhau.
Loại sản phẩm tưởng tượng, mà ở trung tâm của chúng sự ham muốn cho các cấu trúc của nó vận hành, không phải phong phú đến vô hạn, bởi các chủ đề của nó hạn chế ở những tổ chức cổ sơ (môi miệng, hậu môn, dương vật và những thế vật của chúng) và trong khuôn hình tam giác vừa đơn giản vừa phức tạp của Oedipe: vậy là người ta có thể tưởng tượng rằng vô thức của người đọc khai thác những thuận lợi được cung cấp để tránh né sự dồn nén, một mặt bằng cách nhận ra ở kẻ khác những ngón nghề, sự khéo léo giúp hắn lừa gạt được khớp mình tài hơn sự kiểm duyệt của chính hắn, một kiểu thông đồng, có thể như vậy, tại đó những màn kịch điển hình và những trao đổi với nhau. Nguồn lạc thú thứ ba trong sự kéo dài của những lạc thú trước đó, một kiểu trạng thái chuyển di, nó dường như tự thiết lập khi quan hệ với một văn bản, thứ văn bản có khả năng gây ra những sự đồng nhất hóa, huy động những đầu tư cảm xúc mạnh mẽ, thực hiện một kiểu quyến rũ đối với cái tôi.
Sự say mê mà người ta cảm thấy đối với một cuốn sách, ít nhất là trong thời gian đọc, “thu hút mọi năng lực của tâm hồn”, như Pascal đã nói: điều đó gần như một hành vi yêu đương. Dù cho người ta cảm thấy điều đó một cách rõ rệt hay không, thì những mối liên hệ nảy sinh cho phép một hành động trong hai nghĩa: vô thức của riêng tôi biến đổi cái nhìn của tôi đối với cái tôi đang đọc và cái cuốn sách phác ra trong bóng tối mờ mờ nuôi dưỡng trong tôi những mộng mơ mang một màu sắc bất ngờ. Tất nhiên, đọc không phải là chữa bệnh; nhưng người ta có thể nghĩ rằng, trong khi chữa bệnh nhà phân tích mời gọi tôi và thầm lặng giúp tôi đọc cái văn bản mà lòng tin cậy của tôi viết ra trên ghế đivăng và tặng cho cả hai chúng tôi. 

3. Các sách và các bài viết của Freud
Freud đã giữ lại được rất nhiều từ những sách ông đọc như một con người trung thực. Ông đã cảm thấy những lạc thú của mọi người đọc, và cả những lạc thú của một độc giả am hiểu hơn, kẻ lắng nghe trong một cuốn sách cái vô thức diễn lại những huyễn tưởng của nó và thẩm định công việc của nó), nhưng ngoài ra, khi đọc, ông còn thu lượm được những chỉ dẫn quý báu cho sự tìm kiếm của ông, cũng như những bằng cớ chứng tỏ tính hữu hiệu và sự năng sản của các giả thuyết của ông [4] . Những ai có một khái niệm về sự nghiệp của ông đề biết rằng ông đã viết về các nghệ sĩ, các nhà văn, những hiện tượng văn học, những tác phẩm đặc biệt. Ngay bây giờ, chúng tôi cung cấp với sự chỉ dẫn của bản in bằng tiếng Pháp trong đó có thể tìm đọc được tác phẩm sắp xếp theo trật tự thời gian, một danh sách những cuốn sách hay những bài viết chính mà ông đặc biệt dành cho những vấn đề này.
1907 Mê sảng và những giấc mơ trong “Gradiva của Jensen (DRG).1908 Sáng tạo văn học và giấc mơ tỉnh thức (một đầu đề hay hơn sẽ là: “Nhà thơ và trí tưởng tượng, trong EPA).1910 Một kỷ niệm thời thơ ấu của L. de Vinci (SLV).1913 Đề tài về ba chiếc rương (Sự lựa chọn những chiếc rương,trong EPA).1914 Bức “Moïse của Michel-Ange (trong EPA).1916 Một vài kiểu tính cách do phân tâm học phát hiện (trong EPA).1917  Một kỷ niệm thời thơ ấu trong Dichtung und Wahrheit của Goethe (trong EPA).1919 Sự lạ lùng đáng lo ngại (Das Unheimliche, trong EPA).1928  Dostoïevsky và kẻ giết cha (bản dịch của J.B. Pontalis - Lời tựa cho cuốn Anh em nhà Karamazov, Nxb Gallimard)
Trong một cuốn sách tự thuật, khi trình bày những khả năng của học thuyết của mình đối với cái mà ngày nay người ta gọi là những nghiên cứu liên ngành, tác giả tuyên bố: “Phần lớn những áp dụng phân tích này do những công trình của chính tôi mở đầu”. (MVP, 79). Câu nói này có một âm hưởng đặc biệt khi người ta giới hạn nó trong trường nghiên cứu văn học, bởi hiển nhiên rằng, trong lĩnh vực này Freud đã mở đường cho mọi kiểu tiếp cận, từ nghiên cứu cảm xúc thẩm mỹ vàtính sáng tạo nghệ thuật đến việc đọc một văn bản duy nhất, thông qua sự phân tích những thể loại, phân tích những môtíp và phân tích những nhà văn. Chúng tôi sẽ xuất phát từ công trình của ông mỗi khi chúng tôi nghiên cứu sự phát triển của công trình ấy qua những người thường viện dẫn ông, các nhà phân tích hay các nhà phê bình văn học.
Còn cần phải có vài nhận xét về công trình của một độc giả mẫu mực. Nhận xét đầu tiên coi trọng sự quan tâm thường trực trong các bài viết có tính chất lý thuyết và kĩ thuật của ông luôn dựa vào các tên tuổi lớn và các tác phẩm lớn của nền văn học thế giới. Trường hợp Oedipe đã được nghiên cứu suốt cuộc đời của Freud, trong thực tế văn học của nó cũng như với tư cách mặc cảm chủ chốt, kể từ bức thư gửi Fliess ngày 15 tháng 10 năm 1897 đến tác phẩm Tóm tắt phân tâm học(1938). Nhận xét thứ hai sẽ làm rõ vấn đề là, trong một dịp đặc biệt, Freud đã tiến hành việc phân tích lâm sàng một người bị hoang tưởng chỉ qua việc nghiên cứu cuốn tự truyện của bệnh nhân này: ông chủ tịch Schereber nổi tiếng (trong CPS). Nhận xét thứ ba: Chắc hẳn vì ưa thích rõ ràng đối với những tác phẩm của các nhà văn mà văn chương được dụng công kĩ lưỡng và đang phát huy công dụng nhiều hơn, nên ông có phần ít đi sâu nghiên cứu huyền thoại và folklore (ông giao phó việc này cho Otto Rank một phần, Théodore Reik và Géza Roheim phần khác, MVP, tr.85.86). Vì vậy, những phân tích về Vật tổ và cấm kị xuất phát từ những tư liệu dân tộc học gốc gác ít hơn là từ những kiến tạo hoặc giải thích do nhà nhân học Frazer đề xuất.
Cuối cùng, bản danh mục ở trên đã gác sang bên một loạt tác phẩm không đề cập trực tiếp, rõ ràng đến những đối tượng “văn học”, nhưng những cống hiến của các tác phẩm đó có ý nghĩa nền tảng đối với toàn bộ tư tưởng của Freud về quan hệ của vô thức đối với ngôn ngữ; ba trong số các tác phẩm này có tầm quan trọng rất lớn đã được soạn thảo và công bố trước mọi công trình áp dụng phân tâm học vào văn học, đó là những tác phẩm đề cập đến giấc mơ, sự nói nhịu và những lời dí dỏm. Mọi thứ diễn ra như thể tác giả của chúng đã học cách đọc ở các tác phẩm ấy bằng việc xác định những điều kiện của một sự đọc sâu: chúng ta không thể làm gì khác hơn là đặt mình dưới sự hướng dẫn của ông và cùng học theo cách của ông.
III. Đọc cái vô thức
Nghệ thuật là lĩnh vực duy nhất trong đó sức mạnh toàn năng của các ý tưởng được duy trì cho đến tận thời đại chúng ta. Chỉ trong nghệ thuật mới có câu chuyện rằng một người bị các ham muốn khuấy đảo đã thực hiện một cái gì đó như là một thỏa mãn; và nhờ có ảo ảnh nghệ thuật, trò chơi này làm nảy sinh những xúc cảm như do một cái gì đó có thực. Thật có lý khi người ta nói về sự thần diệu của nghệ thuật, và nghệ sĩ thì được ví như người có ma thuật”. (S.Freud, Tot, 106)
Giấc mơ là “con đường hoàng đạo” dẫn đến vô thức. Điều này là đúng trong lịch sử, hoặc gần đúng như vậy, bởi lẽ Giải đoán các giấc mơ [5] là cuốn sách đầu tiên được ký tên chỉ một mình Freud – và thật lý thú khi cuốn sách này “xuất hiện” (sao mà hiếm hoi!) trên giá của các hiệu sách suốt những tuần lễ cuối cùng của thế kỷ XIX. Điều này còn đúng ở chỗ các giấc mơ đã giữ vị trí hàng đầu trong sự phát triển của cuộc phân tích đầu tiên,cuộc tự phân tích của Freud: một phần đáng kể những tư liệu này là từ người mơ mà Freud hiểu rõ hơn ai hết và ông còn nắm chắc trong tầm tay. Điều này vẫn còn đúng trong thời đại chúng ta, bởi lẽ nhà phân tích mời gọi người bị phân tích [6] nhớ và ghi những giấc mơ của họ (về ban đêm) cũng như những mộng mơ (ban ngày) để rồi kể lại trong những buổi thăm khám và dùng chúng làm dẫn liệu của hoạt động mở đường tiếp cận tới những ham muốn bị dồn nén.
Quả thật, Freud đã nhận thấy rất sớm rằng giấc mơ biểu lộ sự trá hình của một ham muốn bị lãng quên – hoặc ít nhất là một thử nghiệm để hoàn thành – nỗi ham muốn ấy đến nẩy mầm trên việc thực hiện một mong ước thời sự hơn, bằng cách sử dụng các yếu tố và sự kiện của ngày hôm trước. Do tự hỏi về những lý do vì thế mà những mong ước thầm kín (ý tưởng tiềm ẩn) tự biến đổi để hình thành câu chuyện không đầu không đuôi đó, thành cái chuỗi hình ảnh kỳ lạ ấy, chuỗi hành động và lời nói mà tất cả chúng ta đều biết rõ (nội dung biểu hiện), ông đã bị dắt dẫn tới chỗ xếp đặt giấc mơ vào cùng một chỗ với một ký hiệu, tìm cho nó một nguồn gốc, một giá trị, một ý nghĩa ngoài cái ý nghĩa là bảo đảm việc duy trì giấc ngủ (nhu cầu sinh học). Lâu dài, toàn bộ lý thuyết về Vô thức đã tìm và đến dựa vào việc mô tả một vài cơ chế cụ thể. Nhưng, giấc mơ mà cuộc phân tích là câu chuyện kể mà người mơ mộng nghĩ ra trong trạng thái thức, ngay từ sau giây phút mà anh ta có lại ý thức; cái mà chúng ta đã nhìn thấy, nghe thấy, gánh chịu và bị bắt buộc, đôi khi thậm chí nghĩ tới, trong suốt trạng thái kém tỉnh táo, chúng ta chỉ biết chúng qua việc chúng ta nhớ lại lúc thức giấc, chúng ta kể lại với mình cái đó, chúng ta có thể kể lại cái đó với người khác: đó là một cái gì đó đã có ghi chép lại; đó là cái mà ngôn ngữ học sẽ gọi là một tự sự. 
1. Hoạt động của giấc mơ 
Một giấc mơ biểu hiện ra như một văn bản: những câu viết liên tục vạch ra một chuỗi tiếp nối các hành vi của cảm giác, những ý tưởng cụ thể (đó là những trình bày), cả lớp mang màu sắc niềm vui hay nỗi chán chường hoặc là một tỉ lệ thay đổi giữa hai tình cảm đó (đó là xúc cảm). Chúng ta hãy thỏa thuận với nhau rõ ràng là, đây không phải là một thông điệp của một “ai đó” ẩn kín trong thâm tâm chúng ta gửi đi, đến từ những góc sâu của tuổi thơ ấu, gửi tới địa chỉ “một cái tôi” sẽ phải tiếp nhận nó, giải mã nó và tùy tình hình có câu trả lời thích đáng; một cách nhìn đơn giản như vậy sẽ là sai lệch tất cả. Giấc mơ không nói cũng chẳng nghĩ ngợi: Freud nói quả quyết rằng giấc mơ là một hoạt động (IDR – chương VI). Ông so sánh giấc mơ với một câu đố: “Các bậc tiền bối của chúng ta – ông nói – đã phạm một sai lầm là muốn giải thích giấc mơ như một bức tranh vẽ” (trang 242) [7], trong khi những bức vẽ nhỏ biểu hiện, “có mặt ở đó” để dành cho các chữ, các âm tiết, các từ cần phải đồng nhất hóa và tập hợp thành một câu.
Không có bất kỳ ai để đánh bức điện tín, cũng chẳng có một ai để giải mã câu đố – ngoại trừ khi việc phân tích can thiệp vào đó. ở đó có sự ham muốn, rất khác với nhu cầu, nếu không sẽ có thể thỏa mãn được nó và bắt nó phải im tiếng: ấy vậy mà cái đó gào thét không ngừng ở điểm phát âm của cơ thể và tâm lý của chúng ta, những tiếng kêu vui mừng và những tiếng kêu tuyệt vọng; có sự ham muốn luôn luôn sẵn sàng nắm lấy một cơ hội để mở ra một con đường đi đến tận những nơi mà ở đó sự ham muốn có may mắn khiến cho người ta nghe thấy tiếng nói của nó, đến tận sàn diễn ở đó nhà hát thường nhật của chúng ta biểu diễn, một nhà hát ở đó, ngay sau khi ý thức tỉnh táo ngừng việc áp đặt vào một đối tượng hoặc một mục tiêu rõ rệt, các nhân vật hoạt động một cách thường trực trong một cảnh trí nhái lại hoặc thuật lại những chuyện xưa. Những kỷ niệm còn tươi rói của ngày hôm trước tiếp tục tồn tại, được sắp xếp mơ hồ tùy theo những nỗi bận tâm của người đang ngủ (quan trọng hay thứ yếu, không một ai có sự lựa chọn) và một sự thúc đẩy của vô thức – từ cái mà theo nghĩa sát sao không thể nào xuất hiện như vậy trước mặt ý thức – tới chiếm lĩnh vị trí của nhà đạo diễn bằng cách áp đặt lên cái bức tranh ấy những mảnh nhỏ của kịch bản của chính bản thân mình. Lỗi lầm chủ yếu của sự so sánh này nằm ở chỗ là mọi khung cảnh đều giả định một công chúng; trước mặt sàn diễn của giấc mơ, không khác gì trong các hành lang người ta sẽ không thể tìm thấy những khán giả cũng như các kĩ thuật viên; ngay cả chỗ ngồi của người nhắc vở còn bỏ trống, thậm chí còn như tỏa ra những làn hơi nước, những tiếng sôi lục bục, những luồng gió lùa.
Nếu như có một người có thể tiếp nhận những chuyện kể ấy, một nhân chứng của cái hoạt động cuồng nhiệt ấy, thì chúng sẽ không thể xảy ra: người ta chỉ có những bản sao lại sau khi câu chuyện đã kể; không có con đường “trực tiếp”, “những bản ghi chép” chọn lọc một cách hậu nghiệm. Nói rộng thêm ra, sự ham muốn của giấcmơ vào lúc nó biểu lộ ra thì nó cất tiếng để mà không nói gì cả. Sự việc cất tiếng (việc phát âm) cần thiết với câu chuyện sau lý do tồn tại; chính là bằng việc đã nói ra (đùa nghịch) mà nó hoàn thành số mệnh của nó và biết được hình thái thỏa mãn duy nhất của nó: nếu như người ta muốn thổ lộ thì nó biểu hiện ra bên ngoài và trút bỏ phần cốt lõi của nó, nó không đợi chờ một ai đó đến trả lời nó hay bổ sung cho đầy đủ. Điều quan trọng đối với vô thức nằm ở trong cung cách mà nó điều khiển các diễn viên của nó diễn xuất, cường độ giọng nói và cử chỉ mà nó yêu cầu các diễn viên thực hiện, những trò nhào lộn mà nó bắt buộc họ làm, và một cách thức nào đó co kéo kịch bản của chúng vốn được học thuộc lòng một cách đáng yêu. Phải nhìn thấy trong nó một sức mạnh và một hình thái không phải là một bài biện luận, một lời thỉnh cầu, một bản tuyên bố, một diễn văn khai mạc phiên tòa, và cũng chẳng hề là một tập hồi ức. “Nó không hề tạo thành một bản biểu thị có tính xã hội cũng chẳng hề là một phương tiện để tự bộc lộ” bản thân Freud nói vậy (NGP, 14). Từ giấc mơ rút cục chứa đựng ba hiện tượng tách biệt: một xung năng ham muốn (tràn ngập sự vật), một chuỗi đứt đoạn những trò diễn, và chuyện kể mà tôi dựng lại về sau, về cái vở kịch câm ấy, tôi (hình như vậy) đồng thời là gian phòng, sàn diễn, cầu thang, các diễn viên, nhà đạo diễn – những ảo ảnh, những con rối, những nét khắc kỳ dị, những bóng tối…
Hãy để cho học thuyết phân tâm học cái công việc liệt kê những xung năng tình dục và để cho người thầy thuốc công việc mở lối cho một môn triệu chứng học; điều mà chúng ta quan tâm ở đây và lúc này, đó là hoạt động của giấc mơ, nói cách nào đó giữa ham muốn và chuyện kể của nó – một ham muốn không thể nói ra được, không bao giờ có hình thái, mà cuối cùng “câu chuyện kể “của nó” sáng tác ra [8]. Bởi lẽ ở điểm này chúng ta gặp lại một hoạt động tâm lý mà chúng ta không ngừng đo được những hiệu quả. Văn bản (như người ta hiểu chuyện đó bây giờ) bao gồm hoạt động ấy và do hoạt động ấy mà có. Một loại độc đáo của hoạt động, giống như nguyên liệu được sản sinh ra từng bước qua công nghệ làm biến đổi chúng và tập hợp chúng lại để có được sản phẩm cuối cùng (đó chính là cái mà người ta gọi là hiệu quả về sau) và một loại độc đáo của bài văn, khi giải mã nó cung cấp một diễn ngôn, hay đúng hơn diễn ngôn không địa chỉ, không có ý định sẵn, không có nội dung cụ thể.
Cần phải cân nhắc từng cái một trong số từ ngữ: khoảng trống mà chúng khoanh vùng, bởi lẽ chúng là âm tính, đó chính là cái khoảng không mà việc đọc sách sẽ hoàn chỉnh đầy đủ diễn ngôn văn học và ở đây tuyệt nhiên không có trò chơi chữ nào. Không có người tiếp nhận rõ ràng: một cuốn tiểu thuyết của Stendhal, ý đồ cho là nói về những năm 1820 và đã thú nhận là chỉ có thể hiểu được nó “một trăm năm sau” không hề nhằm vào những người đương thời cũng như những người Pháp, đặc biệt hơn là cả chúng ta ngày nay hay một người Eskimo vừa mới biết chữ; công chúng của cuốn tiểu thuyết là Con người, hay là bất kỳ ai biết đọc. Không có thông điệp: chẳng cho một ai riêng biệt, thử hỏi liệu có thể là người ta đòi hỏi hay dạy bảo bất kỳ điều gì không? Cuốn La Phèdre của Racine phải chăng muốn chứng tỏ là niềm say mê là nguy hiểm, phải chăng đó là điều mà người ta phải chất vấn cuốn sách. Nếu như đó chỉ là chuyện ấy, nó sẽ chịu chung số phận của những cuốn chuyên luận dành cho việc giáo dục các thiếu nữ. Không có người gửi đi: Bản thân Racine, phải chăng ông cho là có một mục đích khác hơn là viết một vở bi kịch hay về một luận chứng nổi tiếng? Một bài thơ không tự thu hẹp trong cái mà nhà thơ “cảm thấy”, cũng không phải vào cái mà những hình ảnh “muốn nói”, cũng chẳng trong cái “ấn tượng” mà một cá nhân như vậy sẽ phải cảm thấy khi bị đặt vào bước thăng trầm của lịch sử.
Phép loại suy giữa giấc mơ và văn bản văn học, chắc chắn là Freud đã không tạo dựng như vậy: ông nói một ngôn ngữ khác, phần lớn ông là tù binh của một quan niệm khác về tác phẩm nghệ thuật (biết rằng, sub spécie acternitatis, một ý tưởng sâu sắc được trình bày dưới những hình thức bề ngoài hài hòa). Nhưng ông đã mở con đường đi tới việc viết lại giấc chiêm bao thành những từ ngữ của văn bản và ngược lại. Nhất là, ông đã cởi bỏ những quy tắc chuyển hóa, những quy tắc này được áp đặt cho cái mà ông gọi là “những nội dung vô thức”. Bởi lẽ, Freud đã kế thừa từ thế kỷ của ông một cách nhìn thực chứng và vật thể đối với những gì được “ninh nhừ” trong cái “nồi hầm của bà phù thủy”, trong khi đó ngôn ngữ hiện đại lại tìm cách xây dựng lại một tiếng nói khác, được nhấn mạnh trong diễn ngôn tuân theo lô-gích của chính nó [9] (có nghĩa là trong diễn ngôn phổ biến). Những quy tắc chuyển hóa này hoặc những tiến trình nguyên cấp, chúng ta hãy nêu ra một cách nhanh chóng: – Chúng có bốn quy tắc: 1) chỉ công thức hóa cái gì có thể hình dung ra (thoáng thấy và nhất là nhìn rõ): giấc mơ, giống như một cuộn phim câm, có thể kể ra, nhắc lại những câu nói thực sự được phát âm nhưng nó phải chỉ ra cái mà nó kể lại; 2) mọi đối tượng – người, địa điểm, vật – có thể tập trung nhiều đối tượng khác ở hai đầu của đường dây chuyển hóa (một tập hợp cha, anh, đối thủ, kể cả một nhân vật nữ; ngoài ra, cần có ba phụ nữ để vật thể hóa khuôn mặt người mẹ); 3) cái chủ yếu nói chung bị chuyển dịch về một vị trí phụ trợ, và một chi tiết nhỏ nhặt lại giữ vai trò chủ yếu; 4) lớp màn tập hợp những yếu tố vô thức tỏ ra được nhào nặn một cách nguyên cấp, cho nên phần lớn thường sơ sài, thành một kịch bản tự thuật hoặc bi kịch (mà Freud gọi là “mặt tiền” của giấc mơ). Giả định rằng người bị dồn đẩy, bị đặt dưới sự kiểm duyệt, không được quyền cất tiếng nói rõ ràng và rành mạch, – bằng cái tiếng nói phát biểu về sự thật, là tiếng nói của những quá trình thứ cấp như những quá trình mà Aristote đã mô tả chúng dưới cái tên là những nguyên tắc lý tính – anh ta phải tự bày tỏ thông qua bốn đường ống ngoằn ngoèo của cái nồi chưng cất là giấc mơ – ở đầu ra, chúng ta đụng chạm tới một bài nói có vẻ là dị dạng và nhiều khuyết tật, trên thực tế đã bị biến đổi và có những âm sắc khác đi: câu nói ẩn ý, nói một chuyện kể hiển hiện đôi khi hết sức rối rắm nhưng luôn luôn nổi tiếng là có thể giải thích được ngoại trừ đối với cái dấu vết nhỏ bé ở đó có thể đoán định ra nguồn gốc của nó, cái “rốn” của nó (Freud). Bởi lẽ, trong khuôn khổ của tâm thần, mọi thứ phải tuyệt đối xác định rõ rệt, ở đó không có chuyện cho vấn đề may rủi, chỉ cần tái biến hóa cái đã cho biết – nhưng dù sao vẫn cứ tôn trọng cái sẹo cũ, nó phát hiện ra điều phỏng đoán.
2. Những mưu mẹo của ngôn ngữ
Cái hình mẫu hoạt động này xuất hiện lại trong những kịch bản của mơ mộng (đó chính xác là huyễn tưởng) cũng như trong những “huyễn tưởng vô thức” được dùng làm “khuôn mẫu” cho mọi hư cấu, trong đó một đề tài thỏa mãn lòng ham muốn của mình trên kiểu cách tưởng tượng bằng việc tự hình dung điều đó cho chính mình. Một vài những tác động của nó, xuất hiện lại tronglao động thi ca của ngôn ngữ, và nhân đó người ta có thể nhắc lại từ ngữ đẹp đẽ của Baudelaire nói về “một tu từ học chiều sâu”. Theo một nghĩa, những quá trình nguyên cấp tiến hành theo cùng một cách thức như những chuyển nghĩa của truyền thống tu từ học: ẩn dụ, hoán dụ, đề dụ v.v… ít nhất nếu không phải nói rằng tu từ học cổ điển, cho đến một điểm nào đó, bằng việc phân tích các hình thái của diễn ngôn, đã tìm lại được những cơ chế của ngôn ngữ mộng mị? Trong mọi trường hợp, những công thức được sử dụng nhiều nhất, biết rằng những chuyển nghĩa dựa trên một sự thay thế bằng dáng vẻ tương tự, tính kề cận, và phụ thuộc, giữ vị trí chủ chốt trong mỗi hệ thống [10] và chính là như vậy mà sự tích tụ tiến hành. Còn về việc chuyển dịch, nó chứa đựng nhiều những ngón nghề mà các hình thái biểu đạt sử dụng (nói ám chỉ, ngoa dụ, nói giản lược, nói ngược đời, nói giễu cợt, nói lửng v.v…). Sự việc là như vậy người ta có thể kết hợp tu từ học và việc ngôn ngữ hóa một cách cạnh khóe lòng ham muốn, khẳng định khuynh hướng rõ rệt trong ngành phân tâm học Pháp hiện đại đã che giấu trong bóng tối, kiểu hình mẫu nhiệt động học của Freud (chúng ta hãy nói bằng hình ảnh: dựa cơ sở vào những nồi áp suất), để có lợi chomột cách xử lý các hiện tượng theo ngôn ngữ học. “Vô thức được cấu trúc như một ngôn ngữ”, đó là một trong những tiên đề nổi tiếng do Jacques Lacan đề xuất – tiên đề thứ hai nói: “Cái vô thức là diễn ngôn của Kẻ khác”, điều cho phép nghĩ rằng chủ thể (Tôi) hình thành như một diễn ngôn cạn nghĩa.
Nói cho đúng, học thuyết Lacan đã mở ra [11] một sự tái định hướng do sự có sự nhấn mạnh của ông rằng phải gắn chặt sự thực hành công trình nghiên cứu giấc mơ ấy với việc coi trọng chất liệu tiếng nói. Quả thực, người ta không thể hoàn toàn chỉ dựa vào những sách viết về giấc mơ, kể cả khi chúng có nhiều hơn mức người ta vẫn nghĩ (1901: Giấc mơ và sự giải đoán giấc mơ; 1911: Việc sử dụng sử giải đoán các giấc mơ trong phân tâm học (trong TPS); 1915: hai trăm trang sách của phần hai cuốn Nhập môn phân tâm học; 1917: Bổ sung Siêu tâm lý học cho học thuyết về giấc mơ(MEY)). Có hai cuốn sách khác [12], vẫn là ở trong bước đầu sự nghiệp của Freud, nói về những hiệu quả của vô thức trong bài nói: Tâm bệnh học trong đời sống thường ngày (1901) và Lời nói dí dỏm trong mối quan hệ của nó với vô thức (1905).
Cuốn thứ nhất, một nửa dành cho việc phân tích những hiện tượng liên quan đến ngôn ngữ. Người ta gặp thấy ở đây hai đoạn nổi tiếng tái hiện lại những lý do vì sao bản thân Freud đã không thể ngay tức thì tìm thấy một tên riêng (“Signorelli”, PVQ, 5-11) và một trong số người đối thoại của ông cái từ nước ngoài mà ông tìm cách nêu ra, “aliquis” (aliquis, ibid 13-16), cũng như một chương nói về việc quên hẳn những thể từ và những chuỗi từ: bằng ấy cuộc phân tích gợi cảm.
Đây là vấn đề gì? Nói chung, từ cái mà một cái biểu đạt – theo nghĩa ngôn ngữ học: tính vật chất âm thanh hay hình ảnh của một dấu hiệu, âm thanh hay chữ viết – chấp nhận, dưới hình thái chính xác hay dưới một hình thái gần giống, một cái được biểu đạt – một giá trị của nghĩa mở rộng, tên gọi – cái được biểu đạt ấy vào một thời điểm định sẵn, sẽ không có thể tiếp nhận được bởi ý thức và tức khắc bị đẩy lùi, tuy rằng ngữ cảnh và đoạn câu còn lại gọi nó đứng vào vị trí của nó. Một nữ thanh niên áo trong một câu lạc bộ nam giới muốn gợi lại cuốn tiểu thuyết tiếng Anh mà cô ta vừa hoàn thành và nói về Chúa Jêsu: đó không phải là Quo vadis? Đó là của Lewis Wallace… người ta đã có thể xác định là Ben-Hur; vậy mà, âm thanh Hur gần với từ tiếng Đức Hure (đồi bại) và đọc từ ấy lên sẽ có thể tưởng như là một lời mời gọi tính dục, điều trước kia là vừa trơ trẽn vừa láo xược. Trường hợp những tiếng nói nhịu lại còn điển hình hơn nữa, cũng không khác đi là mấy. Thay vì một lỗ hổng trong lời nói, đó là một khách không mời mà tới xuất hiện và phản ánh – sai lệch một nguyện vọng, một cuộc chiến, một nỗi lo lắng không nói ra được. Một quý bà than phiền rằng chị em phụ nữ đã phải chi phí cả một kho báu tài khéo léo và sự chăm sóc để làm vừa lòng đàn ông miễn sao họ không đến nỗi quá xấu xí “lúc này – bà nói với cử tọa đang sửng sốt, miễn là họ có đủ năm ngón tay…” (nếu hiệu quả như ý muốn, người ta sẽ có một câu chuyện vui đùa, cợt nhả!) Nói nhịu, phải; nói nhịu calami? cũng vậy. Viết thư cho nhà phân tích của mình, một người Anh cho rằng những cơn chóng mặt của mình là do một luồng gió lạnh đáng nguyền rủa, nhưng thay vì “that damned frigid wave’, ngòi bút của anh ta lại ghi một cách nghịch ngợm “wife”: tội phạm chính, đó là cô vợ lãnh đạm. Những sai lầm trong đọc sách cũng tương tự. Một người lýnh đọc một bài thơ yêu nước: những người khác đi “chết cho tôi” trên tuyến đầu, và tôi, tôi sẽ ở lại hậu phương nơi đây ư? “Tại sao không?” – lẽ ra là “Tại sao là tôi?” (“Warum denn nicht?” /Warum denn Ich”?). Mỗi một lần nhầm lẫn như vậy là do Kẻ khác trong diễn ngôn nội tâm hay biểu đạt ra ngoài đã nói lên sự thật về lòng ham muốn của tôi bằng cách lợi dụng cái khả năng do người biểu đạt cung cấp để thực hiện một động tác len lỏi (đó chính là nghĩa thứ nhất của từ nói nhịu) và sự việc là các ví dụ ấy được vay mượn trong cuốn sổ ghi chép của tiền ý thức – có nghĩa là vay mượn ở cái gì tạm thời nằm ngoài lĩnh vực của ý thức nhưng có thể quay lại nơi ấy – cũng không thay đổi được gì trong câu chuyện, – và trên những trò chơi của âm thanh ấy, người ta thừa biết điều đó, thơ ca không ngừng dựa vào đó để nói nhiều hơn là những gì đã nói ra; vậy là những từ ngữ có vần phải chăng là gần gũi do tính đồng nhất bộ phận với những âm thanh và tiếng vang ấy kích thích một cái chạm nhẹ hay là một cuộc gặp gỡ của những ý nghĩa.
Tác phẩm thứ hai có tính phổ biến nhằm vào đối tượng là lời nói dí dỏm “Cuốn sách của tôi nói về Wiz là thử nghiệm đầu tiên áp dụng phương pháp phân tích vào những vấn đề của mỹ học” sau này Freud sẽ nói như vậy (CLP.113). Theo một cung cách có phần lộn xộn và đôi khi phỏng chừng, như mới đây Tzvetan Todorov [13] đã phát hiện điều đó, – bởi lẽ ông đã không có trong tay những khái niệm cũng như những kiểu phân loại của những nhà tu từ học hiện đại được trang bị ngôn ngữ cấu trúc – Freud tích lũy một số lượng gây ấn tượng những ví dụ về những từ ngữ đẹp, với ý định công khai là thử nghiệm xem liệu có phải “những đề xuất gợi ý bởi việc nghiên cứu các giấc mơ có thực sự được khẳng định bởi việc nghiên cứu tinh thần hay không” (MRI 255).
Bộ sưu tập những câu chuyện ngộ nghĩnh ấy, người ta cảm thấy là tác giả vui mừng được sáng tác và nêu ra, thậm chí bất chấp mọi lo lắng phải giải thích: ông cung cấp cho chúng ta một tuyển tập thật sự về những câu chuyện ấy, đặc biệt là về những câu chuyện của người Do Thái, bởi lẽ những câu chuyện ấy làm cho ông xúc động mãnh liệt. Tuy nhiên, trên thực tế ngay từ bản thảo thứ nhất hoàn thành, ngay ở những trang sách đầu tiên, hình như mọi chuyện đã rõ ràng. Nhà thơ Heine, trong một màn kịch đệm, đưa ra một nhân vật tiểu thị dân khoe khoang rằng một hôm anh ta được ngồi gần nam tước Rothschild, nam tước “đã đối xử với anh ta theo một cung cách hoàn toàn thân thiết của một nhà triệu phú” (famillionnaire) – anh ta nói vậy. Từ này là sản phẩm của sự tích hợp, ghép nối những tính từ familier (thân thiết) và millionnaire (triệu phú; xung quanh một âm tiết chung: mil… đó là cái mà người ta gọi là một từ ghép chung, một cách thức thông dụng và phong phú. Trong chuyện này, đâu là hoạt động của vô thức? Freud đã gắng sức giải thích với chúng ta vì sao Heine đã không sáng tạo ra một cách hầu như ngây thơ một từ thông minh kiểu đó, kể cả nếu như một cách có ý thức, nhà thơ cũng chỉ muốn có được một hiệu quả khôi hài trong cái trang sách ấy của cuốn Những quang cảnh của chuyến đi. Nói đến đặc điểm tinh thần cũng như giấc mơ giả định do một nhà tiểu thuyết hay một nhà viết bi kịch tưởng tượng ra rằng không thể nào xử lý khác với một giấc mơ được chép lại “từng từ một” trong một cuốn sổ thầm kín: cho rằng người ta có thể sắp xếp mọi mẩu nhỏ của một giấc mơ dành riêng cho một hoàn cảnh hư cấu, người ta sẽ mắc lừa bởi lẽ, kinh nghiệm đã cho thấy điều đó, giấc mơ ấy được tái hiện lại phục vụ cho một nhân vật cũng chứa đựng những ý nghĩa vô thức như một giấc mơ thực, hay rằng phần còn lại của vở kịch và cuốn tiểu thuyết (chúng ta sẽ trở lại vấn đề này sau). Nói cách khác, trong trò chơi chữ này, chúng ta sẽ gặp một kiểu tích hợp vốn không trở lại thường xuyên trong giấc mơ như những nhân vật chồng chất lên nhau hoặc những đồ vật hỗn độn (theo kiểu Chimère), nhưng kiểu tích hợp ấy giả định sự can thiệp của cùng một tiến trình: hai thành tố hoàn toàn của lời nói được tập trung lại. Cách viết rút gọn được chuyển vào sự cấu tạo từ ghép có hai hiệu quả: nó phản ánh những vấn đề tài chính của nhà thơ Heine (vốn biết quá rõ được đối xử thân thiết bởi một nhà triệu phú có nghĩa là gì) và mặt khác, nó làm nảy sinh một nụ cười ở người nào đó hiểu được tầm cỡ trào phúng của câu nói đùa này [14].
3. Trò chơi chữ
Chúng ta sẽ không nhấn mạnh đến những lý do kinh tế dâm dục mà theo Freud đã bào chữa cho hiện tượng được giải tỏa nhờ tiếng cười, sự điều hòa những căng thẳng nằm ngoài vấn đề của chúng ta. Chúng ta cũng không đi sâu thêm vào những tinh tế đa dạng vốn cho phép xếp bên cạnh từ hỗn hợp những từ đảo ngược, phỏng chừng, bóng gió, chơi chữ, và những nhầm lẫn khác trong lý lẽ: Todorov đã xem xét lại một cách thích đáng những phân biệt của nhà phân tâm học, ông đã sắp xếp lại trật tự vốn từ vựng quá mức của nhà phân tâm học. Dù sao, ông cũng có phần nào kết tội Freud là theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa tinh hoa (op. cit. 314) vì đã ghi chép rằng những trò chơi chữ này trước hết là đặc tính của những người nguyên thủy, những đứa trẻ, những người mắc tâm bệnh, kể cả những người say rượu. Quả thực người ta đọc được như sau.
“Đặc tính chủ yếu của từ dí dỏm, chúng ta đã tìm thấy điều đó, theo phép loại suy liên quan với việc cấu thành giấc mơ, trong một thỏa hiệp được sắp xếp bởi việc cấu tạo “tinh thần”, giữa những đòi hỏi của sự phê phán lý tính và xung năng thúc đẩy việc không chối bỏ cái niềm thích thú có trước ấy vốn gắn liền với câu vô nghĩa và trò chơi chữ” (MRT, 314).
Ngoài ra Freud tuyên bố rằng ông thấy dễ dàng “trong một tập hợp hỗn tạp những yếu tố tu từ học”, trong việc “kết phối các từ và các ý tưởng mà không quản ngại đến ý nghĩa của chúng “hơn là trong việc sử dụng chúng một cách lôgíc, có trật tự, nghiêm túc (189). Tựa như việc trở lại với những niềm vui ban đầu ấy cắt đứt một nhận thức nào đó về hoạt động “tiêu biểu” và tựa như một mặt Freud cho rằng sự phong phú của các biểu tượng “có thể được gán cho một bước thoái lùi cổ xưa trong bộ máy tâm lý (NCP, 29), Todorov, đến mức hiểu lầm về từ thoái lùi và gán cho nó một giá trị xấu xa [14], kết luận về một thứ bệnh cận thị dẫn dắt nhà lý thuyết đi tới chủ nghĩa vị kỷ và chủ nghĩa vị tộc (dân tộc trung tâm).
Quả thật, và đây là một trong những bài học chủ yếu của cuộc khảo sát về những hình thái của đường nét trí tuệ, nếu như có một khoái lạc của những trò chơi chữ, thì biểu hiện của nó phải ở con chữ: trò chơi chữ tạo ra khoái lạc. Bởi lẽ, khi còn là con trẻ, chúng ta từng được tự do chơi chữ và thích thú với chuyện đó. Một trong những hình thái của tiến trình nguyên thủy, chúng ta đã nhìn thấy nó qua việc đi từ giấc mơ đến lời dí dỏm, đó là nhầm lẫn hay đúng hơn là không phân biệt các từ và các vật, những hình ảnh qua câu nói và những hình ảnh cụ thể. Những sự thực vật lý thường hay hiện hữu trong ảo ảnh ở mọi trường hợp hình ảnh của chúng được tưởng tượng ra lại không phải là tưởng tượng theo nghĩa của hão huyền: đối với đứa trẻ, chiếc ghế  một con tàu: gian phòng  đại dương v.v… Những thực thể qua lời nói, đối với nó không phải trước hết là cái nghĩa ló ra một cách phập phù qua một âm thanh định sẵn mà là những đồ vật vật chất thực sự, chúng chui vào lỗ tai, được viết ra với những khối hình, bước ra từ cửa miệng hay từ đôi bàn tay, liên quan đến những hoạt động của cơ thể, thâm nhập vào một sơ đồ xúc cảm, thậm chí bám rễ sâu vào da thịt (xem phân tích của “Fort / Da”, EDP, tr. 15-19).
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved