Home » »

Written By kinhtehoc on Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012 | 14:56


Việc sưu tập, nghiên cứu, phổ biến di sản văn học của Nguyễn Du không bao giờ bị đứt đoạn, nó luôn phát triển cùng với sự tiến bộ của ngành văn bản học và ngữ văn học nước ta, đặc biệt từ sau những năm 60 của thế kỷ XX, khi việc sưu tầm, nghiên cứu văn học được ý thức như là hoạt động khoa học. Tuy vậy, việc nghiên cứu di sản của Nguyễn Du về mặt văn bản học, chưa phải đã kết thúc, và cũng chưa biết đến khi nào mới kết thúc...

DI SẢN CỦA NGUYỄN DU VÀ THỜI GIAN


Trịnh Bá Đĩnh

Sáng tác của Nguyễn Du (1765-1820) được lưu hành từ rất sớm, có lẽ ngay từ lúc nhà thơ còn sống. Phạm Quý Thích, người cùng thời, chỉ mất sau Nguyễn Du năm năm từng có bài thơ nổi tiếng bằng chữ Hán đề vịnh Truyện Kiều. Nhiều nhà nho ở Thăng Long, nhất là những học trò của Phạm Quý Thích, trong đó có một số người là danh thần, danh sĩ chắc có biết và từng tham gia vào việc phổ biến Truyện Kiều, và cũng có thể không chỉ có Truyện Kiều mà còn cả những sáng tác khác của Nguyễn Du nữa. Tương truyền, Truyện Kiều được chính Phạm Quý Thích nhuận sắc và cho in ở phố Hàng Gai thuộc Hà Nội bây giờ. Nghe nói, sau khi Nguyễn Du mất vài chục năm, vua Tự Đức từng có sớ cho quan tỉnh Nghệ An thu thập tất cả di cảo của Nguyễn Du để đưa về kinh. Nếu những chuyện đó là có thực, thì cho tới lúc ấy, sáng tác của ông đã có ảnh hưởng khá lớn trong xã hội, chí ít là ở tầng lớp có văn hóa cao.
Từ đó đến nay, việc sưu tập, nghiên cứu, phổ biến di sản văn học của Nguyễn Du không bao giờ bị đứt đoạn, nó luôn phát triển cùng với sự tiến bộ của ngành văn bản học và ngữ văn học nước ta, đặc biệt từ sau những năm 60 của thế kỷ XX, khi việc sưu tầm, nghiên cứu văn học được ý thức như là hoạt động khoa học. Một điểm mốc đáng chú ý là năm 1965, nhân dịp 200 năm sinh, Nguyễn Du được Hội đồng hòa bình thế giới quyết định kỷ niệm như một danh nhân văn hóa thế giới và Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo tiến hành kỷ niệm trọng thể thi hào dân tộc của mình. Một trong các hoạt động kỷ niệm là việc nghiên cứu và cho xuất bản lại các tác phẩm của Nguyễn Du. Hai công trình nghiêm túc đáng được chú ý ra mắt lúc đó là Thơ chữ HánNguyễn Du ([i]) do Lê Thước và Trương Chính sưu tầm, hiệu đính, chú thích 249 bài thơ và cuốn Truyện Kiều([ii]) do nhóm nghiên cứu văn bản của Viện Văn học thực hiện. Sau đó, tác phẩm của Nguyễn Du còn được nhiều nhà nghiên cứu khác giám định, bổ sung, hiệu đính và cho in lại. Đến nay, chúng ta đã có được các tác phẩm sau của Nguyễn Du: Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh), Văn chiêu hồn, Thơ chữ Hán (Thanh Hiên thi tập hay Thanh Hiên tiền hậu tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục), Văn tế Trường Lưu nhị nữ, Thác lời trai phường Vải.
Tuy vậy, việc nghiên cứu di sản của Nguyễn Du về mặt văn bản học, chưa phải đã kết thúc, và cũng chưa biết đến khi nào mới kết thúc. Còn có những ý kiến hồ nghi tác giả một số bài thơ chữ Hán vẫn được coi là của Nguyễn Du. Việc xác định thời điểm ra đời của các tác phẩm còn chưa được giải quyết. Ngay về thời điểm Nguyễn Du viết Truyện Kiều thì mặc dù đã mất nhiều công sức, nhưng các ý kiến trong giới nghiên cứu vẫn còn rất khác nhau. Nổi cộm nhất vẫn là chuyện văn bản Truyện Kiều: cần tìm kiếm một văn bản Kiều gần sát với bản do chính Nguyễn Du viết ra. Bản gốc thì đã hoàn toàn thất lạc. Bản in sớm nhất mà các nhà khảo cứu hiện có được là bản ra đời năm 1871, tức sau khi tác giả mất đã nửa thế kỉ. Hiện nay có đến vài chục bản Kiều khác nhau. Tuy nhiên, thực ra thì sự sai biệt giữa các văn bản không lớn, chủ yếu khác nhau ở một số chữ phiên âm, một số cách hiểu chữ nghĩa của từ. Do đó, trọng tâm của giới nghiên cứu là hướng vào tìm hiểu tư tưởng và nghệ thuật của Truyện Kiều cùng những sáng tác khác của ông.
*
*        *
Truyện Kiều , một tác phẩm được Nguyễn Du sáng tác khi “chồng chất những khối lỗi ở trong lòng” và được viết “như có máu chảy trên đầu ngọn bút”, tất nhiên phải chứa đầy những tâm tình của ông. Tuy nhiên, vì thông qua một câu chuyện, lại là câu chuyện có sẵn của Trung Quốc thì dẫu sao, tâm tình ấy cũng chỉ được bộc lộ gián tiếp, được ánh xạ qua sự kể khách quan. Thơ chữ Hán và Văn chiêu hồn thì khác, đó là nơi giãi bày trực tiếp tấm lòng, ghi dấu trung thành những sự biến trong cuộc đời thăng trầm của ông. Tìm hiểu chúng trước hết là nhằm làm rõ “phẩm cách phức tạp và sinh hoạt bi đát” (Đào Duy Anh) của Nguyễn Du. Trước Cách mạng tháng Tám, Đào Duy Anh, Trần Trọng Kim đã từng viết về các thi phẩm này. Trong cuốn Khảo luận về Kim Vân Kiều([iii]), Đào Duy Anh dành phần cuối, gọi là “phụ lục” để viết về thơ chữ Hán Nguyễn Du. Sau này có nhiều tác giả khác tiếp tục tìm hiểu thơ chữ Hán và Văn chiêu hồn như Hoài Thanh, Xuân Diệu, Đinh Hùng, Trương Chính, Nguyễn Lộc…
Ba tập thơ chữ Hán: Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm,  Bắc hành tạplục như là ba tập nhật kí bằng thơ của Nguyễn Du trong một khoảng thời gian dài từ năm nhà thơ 21 tuổi đến năm ông 49 tuổi (1814), ở đó “bài nào cũng chứa đựng một lời tâm sự” và “bộc lộ thái độ sống của ông một cách rõ nét” (Trương Chính). Căn cứ vào tập Bắc hành tạp lục, Đào Duy Anh còn vẽ lại được con đường sứ trình của nhà thơ từ Huế tới Bắc Kinh và từ Bắc Kinh trở về. Các bài thơ chữ Hán cho thấy rõ là nhà thơ lớn của chúng ta đã có một cuộc sống hết sức chật vật không chỉ trong “mười năm gió bụi” mà cả khi đã ở quê nhà Hồng Lĩnh. Về “cuộc đời lưu ly phiêu bạt” với “những sinh hoạt bi đát” của Nguyễn Du thì hầu như mọi người đã nhất trí, tuy nhiên, tâm sự của ông, điều mà Đào Duy Anh gọi là “phẩm cách phức tạp” được bộc lộ qua nội dung thơ chữ Hán thì đến nay vẫn có nhiều ý kiến khác nhau. Cụ thể trên hai khía cạnh: thái độ của Nguyễn Du đối với các triều đại Lê, Tây Sơn, Nguyễn và nội dung tình thương của ông trước những kiếp tài hoa bạc mệnh và những người cùng khổ.
Tình cảm thực của Nguyễn Du đối với các triều đại Lê, Tây Sơn, Nguyễn như thế nào? Trước Cách mạng, Đào Duy Anh cho rằng thơ chữ Hán của Nguyễn Du là “bài bi ca khẳng khái”, trong đó “lòng trung trinh là phần chủ yếu trong tâm tính Nguyễn Du… Cái lòng ấy, đến lúc chết ông vẫn chung chú vào nhà Lê vua Lê”([iv]). Thái độ bất đắc chí của Nguyễn Du khi làm quan triều Nguyễn cũng được Đào Duy Anh giải thích là bởi vì nhà thơ luôn mang tâm sự day dứt của “kẻ bề tôi phải thờ hai vua”. Còn với Tây Sơn, thì theo Đào Duy Anh, Nguyễn Du có thái độ chống đối đến cùng. Hơn bốn mươi năm sau, tới năm 1988, trong lời giới thiệu cuốn Thơ chữ Hán Nguyễn Du, nhà nghiên cứu vẫn bảo lưu ý kiến của mình. Ông viết “Nổi bật nhất (ở thơ chữ Hán – TBĐ) là lòng cô trung của Nguyễn Du đối với nhà Lê, trọn vẹn từ trước đến sau. Hình như nhà thơ thấy rằng, nhà Lê mất là mất luôn cái lẽ sống của mình. Khi làm quan với nhà Nguyễn mà lòng nhớ nhà Lê vẫn không phai nhạt”([v]). Ở đây cũng cần nói thêm rằng, theo sách sử và Gia phả, Nguyễn Du là con cựu thần nhà Lê, thân phụ ông làm đến Đại tư đồ; chú bác, anh em đều làm quan to đời Lê – Trịnh. Khi Tây Sơn ra Bắc, Nguyễn Du bất hợp tác và trốn tránh. Đến năm 1786 ông còn toan vào Gia Định với Nguyễn Ánh khi đó đang mưu đồ đánh Tây Sơn. Nhà Nguyễn lên cầm quyền, Nguyễn Du ra làm quan, đường quan lộ không có gì trắc trở, tuy nhiên ông luôn buồn bực và bất đắc chí.
Đến năm 1965, trong phần giới thiệu cuốn Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Trương Chính đã đưa ra nhận xét khác với Đào Duy Anh. Trương Chính không phủ nhận thái độ trung với nhà Lê và chống Tây Sơn của Nguyễn Du, song theo ông khi ra làm quan với nhà Nguyễn, Nguyễn Du chỉ nhớ nhà Lê như nhớ “cái sự muôn năm cũ” chứ không phải cô trung. Nhà thơ hiểu rằng vận nhà Lê đã hết. Nguyễn Du buồn và bất đắc chí, cái buồn và bất đắc chí của một ông quan bị chèn ép. Ở đây, Trương Chính cũng không đồng tình với Hoài Thanh khi nhà phê bình cho rằng thái độ của Nguyễn Du đối với các triều đại bấy giờ không rõ rệt lắm trong việc đưa ra nhận định: “[Nguyễn Du] theo nhà Nguyễn mà lại nhớ tiếc nhà Lê, và dường như nhớ tiếc cả Tây Sơn nữa”([vi]). Hoài Thanh đưa ra nhận định này là căn cứ vào bốn câu trongLong thành cầm giả ca:
Thành quách suy di nhân sự cải,
Kỷ xứ tang điền biến thương hải.
Tây Sơn cơ nghiệp tận tiêu vong,
Ca vũ không di nhất nhân tại.
(Thành quách đổi dời việc đời cũng khác,
Bao nơi nương dâu trở thành biển cả.
Cơ nghiệp Tây Sơn tiêu vong đâu hết,
Mà còn sót lại một người trong làng ca múa)
         Song với Trương Chính, bốn câu thơ này chẳng hàm ý nhớ tiếc nhà Lê mà chỉ là cảm xúc của nhà thơ về việc đời “bãi bể nương dâu”.
         Nhà nghiên cứu Nguyễn Lộc có vẻ đồng tình với Trương Chính trong đánh giá tình cảm của Nguyễn Du đối với nhà Lê. Theo ông, Nguyễn Du quả có nhớ nhà Lê cả trong cuộc đời lẫn trong thơ, nhưng vẫn ý thức được sự sụp đổ của nó là tất yếu, “nhớ mà không có ý muốn phục hồi”([vii]). Tuy nhiên, Nguyễn Lộc lại nghiêng về phía Hoài Thanh trong cách hiểu bốn câu thơ đã dẫn trên của bài Long thành cầm giả ca. Ông cho rằng ít nhất thì Nguyễn Du cũng không thể có thái độ thù địch với Tây Sơn, khi mà nhà thơ đã đặt sóng đôi một bên là người mình yêu mến với một bên là kẻ thù, nếu quả ông coi Tây Sơn là kẻ thù (Tây Sơn cơ nghiệp tận tiêu vong,/ Ca kỹ không lưu nhất nhân tại). Nhận xét đó thật xác đáng, tuy nhiên những câu thơ tương tự như thế thật quá hiếm hoi trong thi tập của Nguyễn Du. Tại sao vậy? Có lẽ Nguyễn Lộc đã đúng khi cho rằng “điều quan trọng đối với Nguyễn Du không phải là vấn đề triều đại này hay triều đại khác, mà là vấn đề nhà thơ biết đặt lòng mình nơi những con người bất hạnh, những con người đau khổ”([viii]) tức là tinh thần nhân đạo của nhà thơ.
         Vấn đề tinh thần nhân đạo, cái khía cạnh thứ hai trong tâm sự của Nguyễn Du cũng đã được các nhà phê bình nghiên cứu đề cập đến nhiều với việc phân tích những bài thơ: Điếu La Thành ca giả, Long Thành cầm giả ca, Thái Bình mại giả ca, Sở kiến hành, các bài thơ về Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Âu Dương Tu,...
         Đào Duy Anh trong cuốn khảo luận kể trên của mình đã lý giải tình cảm xót thương của Nguyễn Du đối với những kiếp tài hoa nhưng xấu số (người con hát ở Long Thành, cô Cầm trong Long Thành cầm giả ca,…) và những kẻ nghèo khổ “dưới đáy xã hội” xuất phát từ chỗ cho rằng nhà thơ là người “đồng cảnh” với họ. Hình ảnh cuộc đời là sự phóng chiếu hình ảnh cá nhân nhà thơ: ông thương những giai nhân bạc mệnh “vì thấy số phận họ cũng bi đát như mình”. Ông cũng đã từng nếm đủ sự đau đớn khổ sở cả về vật chất lẫn tinh thần, cảnh “sinh kế quẫn bách trong bước giang hồ mười năm gió bụi”.
         Trương Chính lại một lần nữa không đồng tình với cách nhìn nhận ấy. Theo ông, “không phải lúc nào và ở đâu Nguyễn Du cũng chỉ thấy mình và chỉ nghĩ đến mình”([ix]). Nguyễn Lộc cũng khẳng định: Nguyễn Du không bao giờ “chỉ ngồi ngắm cái bóng dưới chân mình” và ông còn đi xa hơn khi cho rằng trong thi phẩm của Nguyễn Du thấm nhuần một chủ nghĩa nhân đạo: Nguyễn Du luôn quan tâm đến cuộc đời, đến con người, “không chỉ riêng Trung Quốc mà của cả Việt Nam”, “khắp nhân gian”, “khắp cõi người”. Vậy là tình thương của Nguyễn Du từ chỗ được lý giải như loại tình cảm cá nhân của một con người “đồng cảnh”, “đồng bệnh”, đi tới chỗ được xem như một phẩm chất của chủ nghĩa nhân đạo rộng lớn. Bước đi đó dường như tiến gần hơn tới chỗ giải thích đúng đắn nội dung thi phẩm của nhà thơ. Tác phẩm Văn chiêu hồn càng cho ta rõ điều ấy. Văn chiêu hồn không chỉ là bài ca dài về “tình trắc ẩn” của Nguyễn Du đối với một hạng người nào đó, mà về tình yêu thương với tất thảy “thập loại chúng sinh” và cả ý nguyện muốn giải thoát cho họ.Văn chiêu hồn nói về cõi âm. Đối với cách hiểu nghệ thuật của chúng ta thì cõi âm là một ám dụ về trần thế. Nhưng có thể trong lòng, trong tâm linh nhà thơ Nguyễn Du, nó lại thực hữu, thực hữu như cuộc sống trần thế, là mặt thứ hai của cuộc sống trần thế. Tình thương của nhà thơ đã ôm trùm cuộc đời một cách trọn vẹn, cả phần này lẫn phần kia, âm thế và dương thế.
         Cho đến nay, trừ Truyện Kiều, các thi phẩm của Nguyễn Du chủ yếu mới được xem xét về phương diện nội dung. Có thể người ta nghĩ rằng việc nghiên cứu các thi phẩm này chỉ để hỗ trợ cho việc làm sáng tỏ thêm Truyện Kiều; có thể lại nghĩ rằng để biết tài năng nghệ thuật của Nguyễn Du thì xét Truyện Kiều đã là đầy đủ. Thực trạng nghiên cứu ấy, về khách quan, ta thấy các thi phẩm của Nguyễn Du chưa được xem như có giá trị nghệ thuật tự thân. Trong khi đó thì ngay từ năm 1943, Đào Duy Anh đã viết rằng: “về hình thức cũng như về nội dung, tôi tưởng Nguyễn Du có thể để cùng hàng với thơ Cao Bá Quát và có thể đem so sánh với thơ Đường”([x]).
*
*        *
          Nhưng dẫu sao thì các thi phẩm của Nguyễn Du cũng không thể có cái địa vị như của Truyện Kiều trong lịch sử văn học và văn hóa. Nói đến di sản Nguyễn Du chủ yếu phải nói đến Truyện Kiều. Nói về việc tiếp thu nghiên cứu di sản Nguyễn Du quan trọng nhất phải nói về quá trình tiếp thu nghiên cứu Truyện Kiều. Dưới đây, chúng tôi chỉ phác qua những giai đoạn chính của quá trình đó qua việc nêu lên một số nét tiêu biểu về tư tưởng và phương pháp tiếp cận Truyện Kiều.
         1. Giai đoạn từ khi Truyện Kiều ra đời cho đến năm 1930
         Trong quãng thời gian hơn một trăm năm này, người bình luận Truyện Kiều là các nhà nho và “nhà nho tân học” (chữ của Đào Duy Anh). Ở thế kỷ XIX, các nhà nho thường qua những bài thơ vịnh hay những bài tựa viết về Truyện Kiều mà bộc lộ cách nhìn, chính kiến của mình đối với tác phẩm. Còn sang thế kỷ XX, các nhà nho tân học lại phát biểu bằng các bài văn chính luận. Việc bình luận ở cả giai đoạn này luôn chia thành hai dòng khen và chê (“kẻ khen người chê, kẻ yêu người ghét ồn ào” – Ngô Đức Kế). Ngợi khen có khi đến tán dương quá mức; trái lại, những lời chê bai cũng đôi khi đến độ quá gay gắt.
         Ở thế kỷ XIX, người bình luận có khi đứng trên lập trường đạo đức chính thống “tam cương ngũ thường” để đánh giá các nhân vật Truyện Kiều, nhất là Thúy Kiều. Nguyễn Văn Thắng ca ngợi Thúy Kiều “xét sau trước đủ trung hiếu tiết nghĩa”. Minh Mệnh đánh giá Kiều có hiếu, biết tiết nghĩa. Ngược lại cũng trên lập trường này, Nguyễn Công Trứ lại mạt sát Kiều: “Bạc mệnh chẳng làm người tiết nghĩa,/ Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm”. Cùng một chỗ đứng mà khen chê hoàn toàn trái ngược nhau. Bênh vực, thông cảm với Thúy Kiều nhiệt tình nhất phải nói là các nhà nho như Mộng Liên Đường chủ nhân, Phong Tuyết chủ nhân, và nhất là Chu Mạnh Trinh, những người bình luận Truyện Kiều từ lập trường “nhân sinh”. Họ thấy ở Thúy Kiều một “người đồng điệu” (Chu Mạnh Trinh), dù “tuy khác đời mà chung một dạ” (Mộng Liên đường chủ nhân). Họ luôn nhiệt tình bênh vực cho phẩm hạnh, đạo đức của nàng Kiều.
         Sang đầu thế kỷ XX, việc bàn luận về Truyện Kiều có lúc đã trở thành luận chiến mang màu sắc đấu tranh chính trị xã hội. Đáng chú ý là cuộc đấu tranh của các ông Ngô Đức Kế và Huỳnh Thúc Kháng chống việc đề cao quá đáng Truyện Kiều của ông Phạm Quỳnh và một số người khác. Phạm Quỳnh trong bài diễn thuyết năm 1924 đọc tại lễ kỷ niệm Nguyễn Du nhân ngày mất đã đánh giá Truyện Kiều là “quốc hoa” “quốc hồn, “quốc túy” của dân tộc. Trái lại, Ngô Đức Kế choTruyện Kiều chỉ là cuốn truyện phong tình, trong đó không tránh khỏi tám chữ “ai, dâm, sầu, oán, đạo, dục, tăng, bi”. Huỳnh Thúc Kháng cũng đồng tình và coi đấy là “cuốn sách có hại”, không thể dùng làm sách để học tập.
         Nhận xét về việc bình luận Truyện Kiều ở giai đoạn này, ông Đào Duy Anh đã rất đúng khi cho rằng: “hai bên (khen và chê - TBĐ) đều lấy tư tưởng luân lý mà phê bình phán đoán một tác phẩm nghệ thuật”([xi]). Họ đều xem chức năng văn học là “tải đạo” và nhiều khi coi tác phẩm văn chương như một cuốn sách luân lý. Ngay Phạm Quỳnh, môt người được xem là có cái nhìn mới mẻ, táo bạo, nhưng khi nhận định về Thúy Kiều cũng viết rằng nàng “là một người đa tình, nhưng không đắm đuối vì tình; lấy nghĩa mà chế tình là đúng luân lý đạo đức”([xii]).
         Tuy nhiên, dù thuộc vào hàng ngũ những người khen ngợi hay hàng ngũ những người phê phán Truyện Kiều, thì tất cả họ đều đánh giá cao nghệ thuật văn chương của Nguyễn Du. Nhưng văn chương được nhìn như có sự tách rời của hình thức với nội dung. Ngô Đức Kế thừa nhận: “Kể về văn chương quốc âm của ông Nguyễn Du thì cũng hay thật”, nhưng lại nói thêm “văn thì hay mà truyện lại phong tình” (tức là dở, đáng chê trách – TBĐ). Văn lúc này được xem là kĩ thuật vẽ cảnh, tả người, dùng câu, đặt chữ sao cho khéo, xinh xắn. Còn nội dung thì cần chân thực (đối lập với bịa đặt, hoang đường). Thực ở đây là cái thực kinh nghiệm – “những điều trông thấy” – chứ không phải cái thực khách quan. Nhân vật, xã hội do nhà văn tạo ra với nhân vật, xã hội của đời sống thực tế không phải lúc nào cũng được phân biệt rõ.
         2. Giai đoạn từ năm 1930 đến Cách mạng tháng Tám
         Nghiên cứu phê bình văn học lúc này đã hoàn toàn khác trước. Nó đã thành một bộ môn riêng biệt, mang ý nghĩa hiện đại. Cũng như trong đời sống văn học, trong đời sống nghiên cứu phê bình xuất hiện những khuynh hướng khác nhau. Điều này cũng thấy trong việc tìm hiểu Truyện Kiều. Có thể thấy rõ ba khuynh hướng sau: 1/ phê bình ấn tượng chủ quan với Hoài Thanh, Lê Tràng Kiều, Lưu Trọng Lư,…; 2/ phê bình giáo khoa với Đào Duy Anh, Dương Quảng Hàm; và, 3/ phê bình “khách quan khoa học” với Nguyễn Bách Khoa.
         Những người phê bình theo lối ấn tượng chủ quan cho rằng không thể phân tích, cắt nghĩa tác phẩm nghệ thuật vì làm vậy là tiêu diệt nó. Họ chủ trương lĩnh hội tác phẩm nghệ thuật bằng trực giác, dựa vào ấn tượng chủ quan của người đọc. Hoài Thanh viết: “Chất thơ bàng bạc trong Truyện Kiều phải được cảm nhận một cách hồn nhiên. Cứ phân tích, giảng giải, nó sẽ tan đi. Đến đây phải im hơi nhẹ bước mới hòng nhận thấy cái đẹp khi dịu dàng thùy mỵ, khi tráng lệ huy hoàng”([xiii]).
         Theo họ, những người thường bị gọi là phái “nghệ thuật vị nghệ thuật” thì nhà phê bình không phải là người giải thích tác phẩm mà là người “kể lại cuộc phiêu lưu của mình qua các tuyệt phẩm” (A.France). “Đọc Truyện Kiều là theo những lời văn êm đềm, bóng bẩy để phiêu lưu trong giây lát, trong một cuộc đời phiêu lưu của một cô gái giang hồ, bất hạnh” (Lê Tràng Kiều). Họ phủ nhận việc tìm hiểu tư tưởng, triết lý của tác phẩm, mà đề cao cái tạo nên ở người đọc những xúc cảm nghệ thuật mạnh. Tuy nhiên, tuyên bố thì như vậy, nhưng trong thực tế khi phê bình Truyện Kiều, họ vẫn sử dụng thao tác phân tích, lý giải tác phẩm, coi nó như một văn bản khách quan. Bài phê bình Một phương diện của thiên tài Nguyễn Du: Từ Hải của Hoài Thanh là một minh chứng cho điều đó. Một số luận điểm của những người tiêu biểu cho phái “vị nghệ thuật” lúc này đã bị những nhà “vị nhân sinh” phê phán. Trong cuộc đấu tranh giữa hai phái “vị nghệ thuật” và “vị nhân sinh” những năm 1935-1939, Truyện Kiều nhiều lần được đưa ra làm ví dụ. Những nhà “vị nhân sinh” cho rằng thước đo giá trị tác phẩm là “lý tưởng của nó” có “lợi hay hại cho sự tiến hóa chung của nhân quần”; họ phê phán việc chỉ đề cao giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Tuy vậy, lúc này do sự chi phối trực tiếp của cuộc đấu tranh chính trị, lại xuất phát từ quan niệm duy vật khá thô sơ về nghệ thuật, nên việc đánh giá Truyện Kiều của họ cũng có nhiều điều thiếu sót.
         Đào Duy Anh trong công trình Khảo luận về truyện Kim Vân Kiều khi bàn về văn chương Truyện Kiều có một số ý kiến gần gũi với những nhà “vị nghệ thuật” nói trên, song thực chất thì khuynh hướng của ông khác hẳn. Việc công trình của ông dành cả một chương bàn về tư tưởng Nguyễn Du trong Truyện Kiều là một bằng chứng. Theo Đào Duy Anh thì tư tưởng Nguyễn Du ở đây là “tài mệnh tương đố” và nó “làm nòng cốt cho toàn truyện”. Một triết lý lại làm nòng cốt cho toàn truyện thì đó là điều mà các nhà “vị nghệ thuật” không bao giờ chấp nhận được. Đào Duy Anh sử dụng rất nhiều dữ liệu về tác giả (dòng họ, gia đình, hành trạng,...), thời thế, nguồn gốc tác phẩm, nhằm soi sáng Truyện Kiều từ nhiều phía. Có người cho rằng ông ảnh hưởng cách nghiên cứu của G.Lanson. Mở đầu cuốn sách, Đào Duy Anh nói rõ ông viết công trình này nhằm đối tượng là “những học sinh đang muốn tìm hứng thú nghiên cứu quốc văn”. Do vậy, ta có thể gọi đây là khuynh hướng giáo khoa (hay khuynh hướng nhà trường). Cách xem xét này về sau cũng thấy được vận dụng trong cuốn Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm.
         Một khuynh hướng bị phê phán nhiều nhất lúc này là của Nguyễn Bách Khoa với hai cuốn sách: Nguyễn Du và Truyện Kiều([xiv]) (1941) và Văn chương Truyện Kiều([xv]) (1945).Nguyễn Bách Khoa xác lập một phương pháp riêng gọi là “khoa học” để nghiên cứu văn học và thực tế đã vận dụng nó để xem xét Truyện Kiềutrong hai công trình kể trên. Ông chủ trương “gác bỏ hết tình cảm riêng, thành kiến và dư luận…” tức các yếu tố chủ quan của người đánh giá. Theo ông, “bất cứ vấn đề gì cũng là một vấn đề toán pháp” nên đều có thể nghiên cứu theo cách của khoa học chính xác. Dễ hiểu vì sao có sự tranh cãi gay gắt giữa Nguyễn Bách Khoa và Hoài Thanh và những người cùng hướng với ông trong việc nghiên cứu Truyện Kiều. Theo Nguyễn Bách Khoa thì Truyện Kiều là sản phẩm do Nguyễn Du tạo ra, Nguyễn Du lại là sản phẩm của thời đại ông. Thời đại Nguyễn Du là thời đại suy tàn thì con người Nguyễn Du là con người chiến bại. Truyện Kiều do vậy là chiến bại, sầu oán. Chiến bại, sầu oán làm nên chất thơ, vẻ đẹp của Truyện Kiều… Đúng là một logic đanh thép, chỉ có điều nó không đúng với thực tế sáng tạo văn học. Nguyễn Bách Khoa cũng vận dụng nhiều luận thuyết khoa học: tâm lý học, di truyền học,… để giải thích Truyện Kiều. Các luận giải nhiều khi máy móc, cực đoan và đã bị phê phán một cách chính đáng([xvi]).
         3. Giai đoạn từ Cách mạng tháng Tám tới đầu những năm 80
         Nổi bật ở giai đoạn này là việc nghiên cứu Truyện Kiều trong quan hệ với hiện thực đời sống xã hội theo quan điểm mỹ học marxist. Tác phẩm văn học được nhìn nhận như là sự phản ánh đời sống xã hội và bộc lộ thái độ của nhà văn đối với hiện thực đó. Hai công trình theo hướng này xuất hiện sớm và đáng chú ý hơn cả là cuốnQuyền sống của con người trong Truyện Kiều của Hoài Thanh (1949) và bài báoĐặc sắc của văn học cổ điển Việt Nam qua nội dung Truyện Kiều([xvii]) của Đặng Thai Mai. Vấn đề tinh thần nhân đạo và tính hiện thực của Truyện Kiều được hai tác giả chú ý đặc biệt và coi là giá trị cơ bản của tác phẩm.
         Cuốn Quyền sống của con người trong Truyện Kiều, theo tác giả, thì nó được viết trên tinh thần của “chủ nghĩa nhân văn mới”. Hoài Thanh cho rằng, khi Nguyễn Du dựng lên một cuộc đời, một con người trong tác phẩm, thì đó là cách ông phát biểu ý kiến của mình trước những vấn đề thời đại. Nói về Thúy Kiều, “Nguyễn Du đã nói giùm nỗi niềm cho tất cả những người bị ngạt thở trong cái khuôn phong kiến”. Còn nói đến Từ Hải là nói đến cái mơ ước được sống phóng túng, “sống mạnh mẽ, sống say mê ở ngoài khuôn khổ bấy giờ”. Giá trị nhân văn của Truyện Kiều theo Hoài Thanh chính là ở đó. Ông Đặng Thai Mai cũng đặt vấn đề: tinh thần nhân đạo của Nguyễn Du là thế nào? Theo ông, đó trước hết là tình yêu đối với con người, con người bị đày đọa. Từ đây, ông đưa ra khái niệm nhân dân tính của tác phẩm.
         Nghiên cứu tính hiện thực của văn học, Hoài Thanh cho rằng cần phải thấy xã hội phong kiến trong Truyện Kiều qua con mắt của Nguyễn Du. Ông đã dành hẳn một chương của công trình cho việc phân tích xã hội phong kiến trong Truyện Kiềuvà đi đến kết luận: “Đó là xã hội mục nát đến tận xương”. Còn Đặng Thai Mai thì nói nhiều đến “tinh thần tả thực”, “bút pháp tả thực” của Nguyễn Du. Trong bài viết của mình, ông đặt vấn đề tìm hiểu xem Truyện Kiều có phản ánh ít nhiều gì xã hội Việt Nam ở đầu thế kỷ trước hay không? Theo Đặng Thai Mai, mặc dù là câu chuyện của nước ngoài, nhân vật hoàn cảnh đều ở Trung Quốc, nhưng “từ Truyện Kiều, ta có thể nhận lấy những tia hồi quang soi rọi cho mọi người nhìn thấy những mối mâu thuẫn của xã hội phong kiến trên con đường phân hóa”. Ông cho rằng, đó là cách nhìn của phản ánh luận. Nội dung xã hội của tác phẩm, chủ nghĩa nhân đạo, nhân dân tính, tinh thần hiện thực, những thuật ngữ thể hiện tiêu chí đánh giá Truyện Kiều mà Hoài Thanh và Đặng Thai Mai vận dụng trong hai công trình kể trên sẽ còn tiếp tục vang lên từ những cuốn sách và bài viết về Truyện Kiều trong suốt cả giai đoạn này.
         Từ sau hòa bình năm 1954 đến cuối những năm 50, xuất hiện cách nhìn dung tục trong việc xem xét quan hệ giữa Truyện Kiều và hiện thực xã hội thời đại Nguyễn Du qua những công trình của Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Minh Tranh.Truyện Kiều được họ xem như “tri thức lịch sử chính xác về xã hội và con người Việt Nam cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX” (Trương Tửu). Từ đấy dẫn tới việc phân tích nội dung xã hội Truyện Kiều một cách thô thiển, chẳng hạn các tác giả trên tìm cách xác định thành phần giai cấp, “liên minh giai cấp” của các nhân vật trong truyện: Thúy Kiều thuộc tiểu phong kiến lớp dưới, yêu Kim Trọng vốn thuộc tầng lớp thống trị là thể hiện xu hướng tiểu phong kiến vươn lên thành phần phong kiến thống trị. Kiều lấy Thúc Sinh là tiểu thư phong kiến tìm lối thoát trong thành phần phú thương… Kết quả những công trình nghiên cứu thuộc loại đó là đã làm giảm uy tín của nghiên cứu phê bình văn học theo tinh thần phản ánh luận. Tuy nhiên, thật may mắn là ảnh hưởng của chúng không lớn và đã bị phê phán kịp thời. Những năm 60, 70 việc nghiên cứu Truyện Kiều có những bước tiến mới. Dịp kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du (1965) xuất hiện nhiều công trình, bài viết về Truyện Kiều của các nhà nghiên cứu, phê bình và nhà văn. Cuốn Thi hào dân tộc Nguyễn Du([xviii]) của nhà thơ Xuân Diệu cũng ra đời trong dịp này. Trong đó, phần viết về Truyện Kiều có nhiều khám phá có giá trị về nghệ thuật thơ, về “tài thơ” của Nguyễn Du. Dường như để khắc phục cách hiểu máy móc của giai đoạn trước về quan hệ giữa nội dung tác phẩm và hiện thực xã hội, giờ đây những vấn đề chủ quan của người sáng tác đã được chú ý nhiều: tư tưởng xã hội, tư tưởng nghệ thuật của Nguyễn Du, triết lý trongTruyện Kiều,... Tuy nhiên, điểm nổi bật nhất lúc này vẫn là vấn đề tìm hiểu phương pháp sáng tác của Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Đáng chú ý hơn cả là cuốn chuyên khảo Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du([xix]) của Lê Đình Kỵ (1970), trong đó, những trang viết về nhân vật của Truyện Kiều rất đặc sắc với nhiều kiến giải thú vị. Phần viết về lý tưởng thẩm mỹ của Nguyễn Du qua nhân vật Thúy Kiều có những khám phá mới. Tuy nhiên, việc nhà nghiên cứu tìm hiểu phương pháp sáng tác của Nguyễn Du ở Truyện Kiều trong tương quan với phương pháp sáng tác của chủ nghĩa hiện thực khiến nhiều người không đồng tình, nhất là khi ông thực sự lấy các nguyên tắc của chủ nghĩa hiện thực làm tiêu chuẩn để đo sáng tác của Nguyễn Du (nội dung xã hội, nội dung phản ánh, tính cách và hoàn cảnh điển hình, những chi tiết hiện thực chủ nghĩa, ngôn ngữ đa dạng phong phú, ăn khớp với sự thật đời sống,...). Điều gì chưa ăn khớp với các tiêu chuẩn đó, được ông gạt vào khu vực “những ràng buộc của mỹ học đương thời”. Khách quan thì người ta thấy, ông đã khẳng định có một thứ chủ nghĩa hiện thực trong Truyện Kiều, hay ít ra là “một cố gắng vươn tới chủ nghĩa hiện thực”. Ở điểm này, dù người ta có đồng tình với tác giả hay không thì việc đặt vấn đề nghiên cứu phương pháp sáng tác Truyện Kiều vẫn đã là một bước tiến quan trọng về phía trước. Các công trình tiếp theo sau của Nguyễn Lộc, Đặng Thanh Lê([xx]) tránh sử dụng những tiêu chí có sẵn về phương pháp vốn thường được đúc kết từ các nền văn học phương Tây để tìm hiểu Truyện Kiều mà chủ yếu căn cứ vào thực tế phát triển văn hóa, văn học truyền thống Việt Nam. Tuy nhiên, ám ảnh về một chủ nghĩa hiện thực không phải là không còn. Đối với chúng ta, vấn đề này chỉ được giải quyết triệt để nếu trả lời được hai câu hỏi sau đây: Một là, phải chăng có một con đường tiến hóa chung cho các nền văn học ở cả phương Đông lẫn phương Tây và như vậy tiến đến chủ nghĩa hiện thực là một tất yếu? Hai là, ở thời đại Nguyễn Du phải chăng đã có những tiền đề kinh tế xã hội và văn hóa để làm nảy sinh phương pháp hiện thực chủ nghĩa? Các ý kiến vẫn còn khác biệt nhau, vấn đề còn để ngỏ. Tuy nhiên, trên thực tế nghiên cứu thì từ cuối những năm 70, việc quan tâm đến nội dung xã hội trong tác phẩm, quan hệ giữa tác phẩm và hiện thực đời sống đã dịu bớt đi, những cách tiếp cận mới đối với Truyện Kiều đã bắt đầu xuất hiện.
         Ở miền Nam thời kỳ 1954-1975 cũng có không ít người để tâm phê bình, nghiên cứu Truyện Kiều. Dịp kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du, trên các tập sanVăn (s.43,44), và Bách khoa thời đại (s.209), nhiều bài phê bình Truyện Kiềuđược công bố. Trước đó, năm 1960, có cuốn Chân dung Nguyễn Du([xxi]) tập hợp một loạt bài viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều của nhiều tác giả: Nguyễn Văn Trung, Trần Bích Lan, Trần Thanh Hiệp, Doãn Quốc Sỹ,... Trước sau năm 1970, cũng thấy một số công trình khá công phu của Phạm Thế Ngũ, Đặng Tiến, Nguyễn Đăng Thục,… Dưới ảnh hưởng của phê bình văn học phương tây hiện đại, phê bình nghiên cứu Truyện Kiều cũng đã xuất hiện một số khuynh hướng như: phê bình hiện sinh với Nguyên Sa, Đặng Tiến, và ít nhiều cả Thanh Lãng; phê bình cấu trúc luận với Bùi Hữu Sủng, Trần Ngọc Ninh,… Tuy nhiên, các tìm tòi nói chung còn lẻ tẻ, chưa tác giả nào triển khai một cách hệ thống và kết quả cũng không khám phá được nhiều. Có một cuốn sách khiêm tốn về số trang với những bài tiểu luận ngắn gọn, nhưng lại gây được hứng thú ở đông đảo người đọc, đó là cuốn Đọc lại Nguyễn Du của Vũ Hạnh([xxii]), trong đó có nhiều nhận xét sâu sắc, tinh tế về tư tưởng và nghệ thuật Truyện Kiều.
         4. Giai đoạn từ đầu những năm 80 đến nay
         Truyện Kiều được tiếp cận bởi nhiều phương pháp mới: phong cách học, thi pháp học, kí hiệu học,… Đã xuất hiện một số công trình đáng chú ý của Phan Ngọc, Trần Đình Sử, Đỗ Đức Hiểu và một vài tác giả khác. Điểm chung của các phương pháp nghiên cứu này là ở chỗ: thứ nhất, tác phẩm được nhìn nhận là một văn bản nghệ thuật, trong đó thế giới nghệ thuật do nhà văn tạo ra không có liên hệ trực tiếp với thế giới hiện thực được nó thể hiện; thứ hai, văn bản nghệ thuật này là một hệ thống nghệ thuật mà “nói đến nội dung là nói cả hình thức hóa nội dung và nói đến hình thức là nói luôn cả việc hình thức này có tác dụng gì trong việc thể hiện nội dung” (Phan Ngọc), nghĩa là không tách Truyện Kiều thành hai phần nội dung và hình thức để nghiên cứu. Thực ra, sự ý thức như vậy cũng đã có từ giai đoạn trước và cũng đã được áp dụng vào phân tích tác phẩm, tuy nhiên lúc này nó được quan niệm triệt để và tiến hành nhất quán hơn.
         Năm 1985, xuất hiện công trình được giới ngữ văn học chú ý: Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều([xxiii]) của Phan Ngọc. Tư tưởng chủ đạo làm xuất phát điểm cho nhà nghiên cứu là nhằm xác định những cống hiến nghệ thuật của riêng Nguyễn Du – cái mà ông gọi là phong cách Nguyễn Du. Những cống hiến đó, theo ông, là một giá trị khách quan, “có thể tính toán được”. Để “định lượng” những cống hiến của Nguyễn Du, ông đã dùng cách thức gọi là “thao tác luận”. Đi vào phân tích Truyện Kiều, đầu tiên ông căn cứ vào tần số lặp lại để chỉ ra những “nét trội” trong tác phẩm; tiếp theo, ông đặt chúng trên hai trục lịch sử và thời đại để xem xét, đối chiếu nhằm làm sáng tỏ đóng góp riêng của Nguyễn Du. Nhiều điều mới mẻ đã được ông nêu lên: phương pháp tự sự kịch trong Truyện KiềuTruyện Kiều, tiểu thuyết phân tích tâm lý hiện đại – phân tích tâm lý tàn nhẫn,… Tuy nhiên, xung quanh những kết luận của ông cũng có nhiều ý kiến khác nhau.
         Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử trong các bài viết về Truyện Kiều được tập hợp dưới tiểu mục “Mấy khía cạnh thi pháp Truyện Kiều”([xxiv]) đã soi tác phẩm qua một loạt các phạm trù của thi pháp học hiện đại: cái nhìn nghệ thuật, không gian, thời gian nghệ thuật,… Ông xuất phát từ chỗ xác định trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã sáng tạo ra một chủ đề tư tưởng mới so với Kim Vân Kiều truyện; từ đó dẫn tới sáng tạo ra loại cốt truyện và người kể chuyện mới. Những phân tích của nhà thi pháp học đối với cái nhìn nghệ thuật về con người, thời gian nghệ thuật của Truyện Kiều cũng có nhiều điểm mới mẻ và thú vị.
         Nhìn chung, các tác giả đều cố gắng khách quan hóa việc phân tích tác phẩm, muốn làm cho những kết luận của mình là hiển nhiên, “không còn tranh cãi”. Tuy vậy, mọi việc không đơn giản, các ý kiến vẫn cứ rất xa nhau. Chẳng hạn, Phan Ngọc cho rằng, Nguyễn Du đã cải tạo tư tưởng tình – khổ ở Kim Vân Kiều truyện thành tư tưởng tài – mệnh (“tài mệnh tương đố”) trong Truyện Kiều, song Trần Đình Sử lại cho rằng “thân mệnh tương đố” mới là tư tưởng cơ bản của Truyện Kiều, còn ởKim Vân Kiều truyện là “tài mệnh tương đố”,… Điều đó có nghĩa là những cuộc tranh luận sẽ vẫn tiếp diễn và như vậy nghiên cứu, phê bình Truyện Kiều sẽ tiếp tục tiến triển.
         Sáng tác của Nguyễn Du không thật đồ sộ về khối lượng, nhưng có vị trí đặc biệt quan trọng trong di sản văn học và văn hóa dân tộc. Hơn nữa, nó lại rất năng sản. Từ Truyện Kiều đã nảy sinh biết bao những hình thức sáng tạo văn học và văn hóa khác nhau: thơ ca về Kiều, các phóng tác Truyện Kiều bằng văn học, sân khấu, điện ảnh; rồi rất nhiều những dạng thức của nghệ thuật dân gian: đố Kiều, giảng Kiều, lẩy Kiều, bói Kiều,… Đặc biệt là số lượng rất lớn những bài bình luận, những công trình phê bình, nghiên cứu Truyện Kiều. Để thấy rõ vị trí và ý nghĩa di sản của Nguyễn Du, tốt nhất là chúng ta hình dung giả định những sáng tác của ông không được viết ra và vì thế cũng không có những sáng tạo văn hóa văn học lấy cảm hứng từ đó. Ta sẽ thấy ngay một khoảng trống vắng lớn trong đời sống lịch sử văn học và văn hóa dân tộc. Quả thật, vẫn có thể nói, Truyện Kiều còn tiếng ta còn, tiếng ta còn thì văn hóa của chúng ta còn.
Nguồn: Trịnh Bá Đĩnh, Phê bình văn học Việt Nam hiện đại, Công ty Liên Việt &Nxb. Văn học, Hà Nội, 2011



[i] Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nxb. Văn học, H, 1965.
[ii] Truyện Kiều, Nxb. Văn học, H, 1965.
[iii] Đào Duy Anh, Khảo luận về Kim Vân Kiều, Sđd.
[iv] Đào Duy Anh, Khảo luận về Kim Vân Kiều, Sđd, tr.228
[v] Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Sđd.
[vi] Xin xem Hoài Thanh, “Quyền sống của con người trong Truyện Kiều của Nguyễn Du”, TrongNguyễn Du về tác gia tác phẩm, Sđd.
[vii] Nguyễn Lộc, Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX, Nxb. [ĐH&THCN, H., 1976], Giáo dục, H., 1998.
[viii] Nguyễn Lộc, Văn học Việt Nam..., Sđd.
[ix] Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Sđd, tr.19
[x] Đào Duy Anh, Khảo luận về..., Sđd, tr.240
[xi] Đào Duy Anh, Khảo luận về..., Sđd,tr.197
[xii] Phạm Quỳnh, Truyện Kiều, Trong Thượng Chi văn tập (III).
[xiii] Hoài Thanh, “Một vài ý kiến về quyển Nguyễn Du và Truyện Kiều của ông Nguyễn Bách Khoa”, Vì Chúa nguyệt san, Tlđd.
[xiv] Nxb. Hàn Thuyên, Hà Nội, 1941.
[xv] Nxb. Hàn Thuyên, Hà Nội, 1945.
[xvi] Xem thêm: Đinh Gia Trinh, “Nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều”, Thanh Nghị, số 58-68, 1944.
[xvii] Đặng Thai Mai, “Đặc sắc của văn học cổ điển Việt Nam qua nội dung Truyện Kiều”, Tập san Đại học sư phạm, số 3, 1955.
[xviii] Nxb. Văn học, H., 1966.
[xix] Nxb. Khoa học xã hội,H., 1970.
[xx] Xin xem: Đặng Thanh Lê, Truyện Kiều và thể loại truyện Nôm, Nxb. Khoa học xã hội, H., 1979.
[xxi] Nam Sơn xuất bản, Sài Gòn, 1960.
[xxii] Cảo Thơm xuất bản, Sài Gòn, 1966.
[xxiii] Phan Ngọc, Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, Sđd.
[xxiv] Trần Đình Sử, Những thế giới nghệ thuật thơ, Nxb. Giáo dục, H, 1995. Về sau, những quan điểm này được Trần Đình Sử phát triển và kết quả là chuyên luận đồ sộ Thi pháp Truyện Kiều, Nxb. Giáo dục, H., 2003, có những đóng góp cho bộ môn Kiều học.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved