CAO TỰ THANH
Văn nghiệp của Trương Vĩnh Ký
trong quá trình
tái cấu trúc xã hội ở Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX
Khác với những hiện tượng như Nguyễn Đình Chiểu mà hơn một thế kỷ qua bất cứ lực lượng chính trị hay văn hóa nào ở Việt Nam cũng phải khẳng định hay thừa nhận, Trương Vĩnh Ký là một hiện tượng đa diện và đa nghĩa. Hình thành trong một thời kỳ lịch sử đặc biệt ở đó quá trình tái cấu trúc xã hội gắn liền với thảm kịch vong quốc của dân tộc và gần như thường xuyên được kiểm nghiệm lại trong các quá trình tái cấu trúc xã hội khác nhau suốt hàng trăm năm qua, văn nghiệp của Trương Vĩnh Ký đã thật sự trở thành một biểu trưng về sự so le giữa các tiến trình văn hóa và chính trị từng diễn ra trong đất nước. Việc đặt văn nghiệp của Trương Vĩnh Ký vào quá trình tái cấu trúc xã hội ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX để tìm tới một phương hướng nhận định chính xác và công bằng về ông do đó là điều cần được đặt ra.
Nhìn chung, có thể chia các tác phẩm của Trương Vĩnh Ký thành bốn mảng: Sưu tầm – chuyển ngữ (phiên dịch các tác phẩm chữ Hán, phiên âm các tác phẩm chữ Nôm, văn bản hóa các tác phẩm truyền miệng trong dân gian...), Sáng tác (du ký, thơ...), Khảo cứu (về tiếng Việt và một số ngôn ngữ nước ngoài, lịch sử, địa lý, phong tục...), Từ điển, trong đó hai mảng đầu được nhiều người biết tới nhất. Quả thật những đóng góp học thuật và xã hội chủ yếu của ông là nằm trong hai mảng này, mặc dù trên phương diện khảo cứu ông cũng có một số đóng góp đáng chú ý, chẳng hạn quan điểm của ông về tiếng Việt đã được những nhà ngữ học như Cao Xuân Hạo đánh giá cao. Có thể nói hai mảng tác phẩm này của Trương Vĩnh Ký là chứng nhân tại bước ngoặt lớn cuối thế kỷ XIX của văn hóa sử Việt Nam, bước ngoặt mà ảnh hưởng lâu bền đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Tuy nhiên Trương Vĩnh Ký không có học vấn sâu rộng về các lãnh vực khoa học kỹ thuật và tự nhiên, nên hoạt động của ông chủ yếu chỉ giới hạn trong các lãnh vực khoa học xã hội và nhân văn vốn có những mối quan hệ trực tiếp với tư tưởng và chính trị. Hoạt động học thuật và xã hội của ông do đó cũng chịu tác động nhiều hơn của bối cảnh lịch sử đương thời ở Nam Kỳ thuộc địa, khi sự có mặt của người Pháp đã hủy diệt xã hội phong kiến đồng thời tạo ra những tiền đề cho sự hình thành một xã hội khác ở Việt Nam.
Sau khi thực dân tiến chiếm ba tỉnh miền Tây năm 1867, sự giải thể của kết cấu tổ chức và ý thức hệ xã hội phong kiến ở Nam Kỳ diễn ra ngày càng mau lẹ. Bên cạnh đó, sau thất bại của Nguyễn Hữu Huân năm 1875, phong trào võ trang chống Pháp ở Nam Kỳ về cơ bản đã hoàn toàn chấm dứt. Năm 1879, thực dân chính thức xóa bỏ chế độ quân quản với các Đô đốc Toàn quyền để thay bằng các viên Toàn quyền dân sự, tiến thêm một bước trong việc xây dựng chế độ hành chính thuộc địa ở Nam Kỳ. Trên cơ sở nền sản xuất nông nghiệp mang tính chất hàng hóa trước đó, xã hội Nam Kỳ dần dần đi vào quỹ đạo tư bản chủ nghĩa trong cái biến thái thuộc địa của nó, với hàng loạt thay đổi từ sinh hoạt kinh tế tới cơ cấu xã hội. Quá trình tái cấu trúc kinh tế và xã hội theo hướng tư bản chủ nghĩa ở đây tuy chỉ được thực hiện một cách phiến diện và nửa vời, nhưng cũng đủ làm sinh hoạt văn hóa ở vùng này bước qua một giai đoạn hoàn toàn khác trước. Tầng lớp nho sĩ truyền thống với mâu thuẫn giữa tinh thần yêu nước và lý thuyết cứu nước bị gạt bỏ một cách gần như ngay lập tức khỏi các hoạt động quản lý xã hội đồng thời không còn được thừa nhận trong ý nghĩa là lực lượng sản xuất tinh thần mang tính chất chính thống trong xã hội nữa, trong khi tầng lớp trí thức tân học không giỏi Hán học bằng nhưng có nhiều ưu thế hơn từng bước chiếm lĩnh vũ đài văn hóa. Chữ quốc ngữ latinh được coi là chữ viết chính thức từ 1879 dẫn tới những thay đổi cơ bản trong các hoạt động khoa học, giáo dục và thông tin. Ngoài việc tạo ra tiền đề vật chất – kỹ thuật cho các tổ chức, thiết chế và quan hệ mới của hệ thống giao tiếp xã hội, cái máy in và tờ báo còn dẫn tới sự manh nha tầng lớp nhà báo, nhà văn chuyên nghiệp của xã hội hiện đại...Văn nghiệp của Trương Vĩnh Ký hình thành trong hoàn cảnh ấy, với những đặc điểm của một giai đoạn quá độ trước khi Việt Nam bước vào thời kỳ khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp ở Đông Dương.
Có thể chia văn nghiệp của Trương Vĩnh Ký làm hai thời kỳ trước 1879 và từ 1879 trở đi. Các tác phẩm được nhiều người biết tới nhất trong thời kỳ đầu có Chuyện đời xưa (sưu tầm, 1866), Abrége de gramaire annamite (biên soạn, 1867), Cours pratique de langue annamite (biên soạn, 1868), Mẹo luật dạy học tiếng Pha Lang Sa (biên soạn, 1869), Poème Kim Vân Kiều(phiên âm, 1875), Petite cours de Géographie de la Basse Cochinchine (biên soạn, 1876), Đại Nam quốc sử ký diễn ca (phiên âm, 1875), Alphabet quốc ngữ (biên soạn, 1876) và nổi bật là hai tác phẩm gắn liền với nhiều tai tiếng của ông tức Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất hợi (du ký, 1876) và Cours d’histoire annamite (à l’usage des écoles de la Basse – Cochinchine) (biên soạn, 1875 – 1877), trong thời kỳ sau thì gồm nhiều tác phẩm như Chuyện khôi hài (sưu tầm, 1882), Kiếp phong trần (sáng tác, 1882), Trương Lưu hầu phú, Cổ Gia Định phong cảnh vịnh, Gia Định thất thủ vịnh, Kim Gia Định phong cảnh vịnh (phiên âm, 1882), Bất cượng chớ cượng làm chi (sáng tác, 1882), Phép lịch sự An Nam (biên soạn, 1883), Tam tự kinh quốc ngữ diễn ca, Sơ học vấn tân quốc ngữ diễn ca (dịch Hán Việt, 1884), Ước lược truyện tích nước An Nam (biên soạn, 1887), Lục Vân Tiên truyện (phiên âm, 1889), Đại học, Trung dung, Minh tâm bửu giám (dịch Hán Việt, 1889) và nổi bật là tờ Miscélannées, tờ báo tư nhân đầu tiên ở Việt Nam (1888 – 1889)... (1). So sánh về ngôn ngữ thì có thể thấy trong thời kỳ đầu ông viết tiếng Pháp nhiều hơn đồng thời phiên âm, phiên dịch tài liệu Hán Nôm ít hơn trong thời kỳ sau, điều này cũng phản ảnh những thay đổi trong sinh hoạt văn hóa đương thời trên địa bàn Lục tỉnh.
Nếu so với thiết chế xã hội Đông Nam Á, thiết chế xã hội Đông Á đã tách chính trị và văn hóa giáo dục ra khỏi tôn giáo thì so với thiết chế xã hội Đông Á, thiết chế xã hội phương Tây hiện đại lại tách văn hóa giáo dục ra khỏi chính trị. Hệ thống văn hóa giáo dục của thực dân mặc dù được áp đặt để phục vụ nhu cầu chính trị trong những ngày đầu chiếm đóng Nam Kỳ thuộc địa cũng dần dần đi vào quỹ đạo này. Cho nên nếu trong thời kỳ trước 1879 Trương Vĩnh Ký đã biên soạn nhiều sách vở bằng tiếng Pháp để hướng dẫn cho người Pháp về ngôn ngữ, địa lý, lịch sử Việt Nam thì trong thời kỳ từ 1879 trở đi ông lại tập trung vào mảng sách tiếng Việt và chữ Hán với ý hướng phục vụ cho người Việt Nam. Bên cạnh đó, vào cuối thế kỷ XIX sau quá trình phân hóa về hành động chính trị thì trong giới nho sĩ địa phương lại xuất hiện xu thế kết tập về ý thức văn hóa (2), phản ứng tự nhiên này của văn hóa truyền thống cũng tác động tới tầng lớp trí thức tân học trên đường hướng tách hoạt động văn hóa giáo dục ra khỏi các mục tiêu chính trị của chính quyền thuộc địa. Cho nên trong văn nghiệp của Trương Vĩnh Ký dường như cũng có hai con người, ở thời kỳ trước chủ yếu là một cán bộ văn hóa của chính quyền thuộc địa, ở thời kỳ sau chủ yếu là một trí thức tân học của văn hóa truyền thống, sự đối lập giữa hai con người này chính thể hiện và phản ảnh mâu thuẫn trong văn nghiệp và cả cuộc đời ông cũng như sự nhấn mạnh một trong hai con người này chính thể hiện và phản ảnh mâu thuẫn của dư luận trước nay về ông.
Dễ nhận ra ở Trương Vĩnh Ký có sự đan xen giữa học vấn hiện đại với học phong truyền thống – dường như ông rất ưa thích cái phong cách nho sĩ. Một số tài liệu cho biết mặc dù làm việc cho Pháp, ông vẫn giữ quốc tịch Việt Nam, không vào làng Tây, không bao giờ mặc Âu phục. Hơn thế nữa, tuy theo đạo Thiên chúa, ông vẫn mang một quan niệm tín ngưỡng khá gần gũi với phần đông người Việt lúc ấy. Trong bài thơ cuối đời, ông đã viết “Cuốn sổ bình sinh công với tội, Tìm nơi thẩm phán để thừa khai” – nhân vật “thẩm phán” này không mấy gần gũi với Thánh Pière của các giáo dân mà có vẻ giống với các Phán quan của Diêm Vương theo quan niệm về Âm phủ truyền thống của người Việt. Và mặc dù tin rằng văn hóa Việt Nam phải phát triển trên một căn bản tri thức mới, cái xã hội được khai hóa bởi văn minh phương Tây trong các tác phẩm loại Bất cượng chớ cượng làm chi của Trương Vĩnh Ký vẫn hiện ra một cách rất mơ hồ. Không lạ gì mà trong bài thơ đề từ trên Miscellanée ông cũng nói tới đạo tu tề trị bình như các nhà nho khi đề cao Tám điều mục Ba cương lãnh của sách Đại học. Nhưng việc dung hòa học vấn hiện đại với học phong truyền thống ở đây tự thân nó đã là một mâu thuẫn lớn, vì trong công cuộc xâm chiếm thuộc địa của thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX thì Trương Vĩnh Ký với thời kỳ đầu trong văn nghiệp của ông chỉ có giá trịï của một con cờ, còn trong thời kỳ sau thì ông giống như một người hiếu sự. Không phải ngẫu nhiên mà sau 1879 ông có những tác phẩm quan trọng như Giáo trình văn học An Nam chỉ được in thạch bản, thậm chí cả tờ Miscellanée mà ông chủ trương cũng chết yểu vì thiếu tiền. Cái phần văn nghiệp nằm ngoài ý đồ của thực dân này đã được các trí thức tân học có tinh thần dân tộc đương thời cũng như về sau ở Nam Kỳ khai thác. Chẳng hạn khi Thống đốc Nam Kỳ M. Picanon trong lời điếu văn năm 1898 nhận định Trương Vĩnh Ký như một “ông quan trung tín của xứ Nam Kỳ” từ lâu đã “hết lòng giúp đỡ Pháp quốc và thuộc địa” thì nhiều trí thức tân học đương thời ở địa phương lại nhìn nhận ông trên một căn bản ít nhiều biệt lập với công cuộc đô hộ của người Pháp ở Việt Nam. Bài văn tế của ba người Trương Minh Ký, Diệp Văn Cương, Nguyễn Trọng Quản chỉ đề cao ông về sự nghiệp trước tác và công lao giáo dục “Việc chữ nghĩa nhọc lòng biên đặt, lắm thuở công phu, Dạy học hành ra sức vun trồng, nhiều khi khuyên dỗ”, bài văn tế của Nguyễn Khắc Hòe đề cao ông như “sông Hà”, “non Thái” và kể ra hàng loạt sách vở mà Trương Vĩnh Ký biên soạn... (3) trên đường hướng khẳng định ông như một người thầy đạo cao đức trọng của tầng lớp trí thức tân học. Những tác phẩm phục vụ cho người Pháp như Phép lịch sự An Nam của ông về sau cũng được Trần Chánh Chiếu nhìn nhận như một bằng chứng giao lưu văn hóa Nam Pháp trong đó Trương Vĩnh Ký đóng cai trò chủ động “... Ông này khi sanh tiền được nhà nước tin cậy mặc dầu chứ chẳng hề ỷ thế mà hại quê hương, chỉ vẽ cho các quan Lang sa biết lễ nghĩa và phong tục của con nhà An Nam, cho khỏi chỗ mích lòng nhau, làm cho mẹ gà phải thương con vịt...” (4). Sự khác biệt về tiêu chí đánh giá Trương Vĩnh Ký giữa học giới và chính giới ấy bắt nguồn từ những đặc điểm của quá trình tái cấu trúc xã hội cuối thế kỷ XIX ở Việt Nam, một quá trình diễn ra không đồng bộ, không triệt để và với nhiều mâu thuẫn. Joseph Buttinger đã phân tích thực trạng phân hóa giai cấp không toàn diện và triệt để trong xã hội Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám 1945 như sau “Các hậu quả xã hội của sự thay đổi về kinh tế đã phá hủy xã hội truyền thống Việt Nam một cách cũng hữu hiệu như là sự chinh phục xứ Đông Dương đã phá hủy cơ cấu chính trị của xứ Việt Nam thuộc các quan lại... Về mặt lịch sử, quá trình này vừa là một sự thoái bộ vừa là một sự tiến triển xã hội. Đặc điểm thoái bộ của nó là sự nảy sinh của một bên là giai cấp đại địa chủ nửa phong kiến và một bên là một giai cấp đông đảo tá điền và vô sản nông thôn. Đặc điểm tiến triển là sự phát triển, trên một phạm vi hạn hẹp và theo những hình thức phù hợp với sự thống trị của ngoại nhân, của các loại giai cấp xã hội mà thương nghiệp và kỹ nghệ đã tạo ra ở phương Tây” (5). Quá trình tái cấu trúc xã hội không đồng bộ ấy cũng trình hiện trên phương diện văn hóa, chẳng hạn việc sử dụng chữ quốc ngữ thay chữ Hán mà Trương Vĩnh Ký là một trong những người tiên phong đã được Léon Vandermeersch nhận định “Ở Việt Nam, việc từ bỏ chữ Hán đã thực sự giải phóng một lượt tầng lớp trí thức khỏi tất cả những trở ngại của văn hóa truyền thống. Nhưng thay vì là sự nhảy vọt của cả nước lên trình độ các nước tiên tiến, kết quả lại chỉ là mở đường cho lớp tinh hoa người Việt thâu nạp một cách toàn hảo văn hóa phương Tây trong từng cá thể một, và cùng lúc làm cho lớp tinh hoa này mất gốc rễ. Vào thời thực dân Pháp, không một thuộc địa nào khác lại cung cấp cho chính quốc nhiều điển hình cá nhân tiếp nhận văn hóa thành công đến thế, nhưng đó là những thành công bật gốc khỏi môi trường dân tộc” (6). Từ góc độ này, có thể thấy được yếu tố “bật gốc” qua cả những nỗ lực bám víu vào truyền thống của Trương Vĩnh Ký, những yếu tố sẽ phát triển thành tấn bi kịch “mồ côi truyền thống” của nhiều thế hệ trí thức Việt Nam cho đến 1945.
Không ai phủ nhận những ưu thế mà nổi bật là tư duy logic và phương pháp khoa học Âu Tây trong học vấn của Trương Vĩnh Ký. Chưa rõ trong các bài báo về Thái Lan, Campuchia và Lào Trương Vĩnh Ký đã đề cập tới những vấn đề gì, song có thể nghĩ rằng ông đã ít nhiều sử dụng phương pháp so sánh dân tộc học tương tự khi viết về ngữ pháp tiếng Việt trong Grammaire de la langue annamite ông đã dùng phương pháp thống kê... Đặt vào bối cảnh khoa học xã hội ở Việt Nam đương thời, đó là những phương pháp còn mới mẻ. Vũ Ngọc Phan đã nhận định “... Với tất cả những sách rất khác nhau do Trương Vĩnh Ký biên tập, dịch thuật, soạn và xuất bản trong thời gian 1863 – 1898, người ta thấy rõ ông là một nhà bác học có óc tổ chức và có phương pháp, chứ không còn phải là một nhà văn như những nhà văn khác” (7). Tuy nhiên dù rằng ông có một học vấn bách khoa so với nhiều người cùng thời, thì cái học vấn ấy cũng còn rất nhiều khiếm khuyết. Chi tiết ông biết tới 27 thứ tiếng mà nhiều công trình trước nay vẫn chép lại của nhau chẳng hạn vẫn là một đề tài đang gây tranh cãi, và có lẽ cũng đã đến lúc đặt vấn đề xóa bỏ màn sương mù trên học vấn của Trương Vĩnh Ký, ví dụ về trình độ chữ Hán của ông. Nhiều người vẫn nói Trương Vĩnh Ký giỏi chữ Hán và chữ Nôm, nhưng thật ra không phải như vậy. Thời gian tập trung học tập chữ Hán của ông, theo những tài liệu được biết tới hiện nay là rất ngắn, chủ yếu chỉ trong vài năm trước 1847, trước khi ông vào trường Pinhalu. Dĩ nhiên từ 1860 trở đi ông cũng mất nhiều thời gian và công sức để tự học chữ Hán và chữ Nôm, song so với các nhà nho phải học đủ cả kinh sử tử tập thì học vấn về Hán học của Trương Vĩnh Ký chưa thể nói là có hệ thống. Không lạ gì mà trong việc phiên âm các văn bản Hán Nôm ông đã sai khá nhiều, hay ở nhiều chú thích điển cố lịch sử và văn học Trung Quốc trong Truyện Kiều và Lục Vân Tiên, ông đã thể hiện sự thông minh nhiều hơn là một căn bản vững chắc về Hán học. Phần lớn các bài thơ Đường luật chữ Hán và chữ Nôm của ông trong Sĩ Viện gia thảo cũng không theo đúng thể cách khai thừa chuyển hợp, thậm chí bốn câu thực và luận trong bài thơ “Cuốn sổ bình sanh công với tội” cuối đời của ông cũng không đăng đối về từ ngữ, tóm lại không thể coi Trương Vĩnh Ký là một người giỏi Hán Nôm. Trên một số phương diện khác, cái gọi là những cống hiến sử học của Trương Vĩnh Ký trong Cours d’histoire annamite (à l’usage des écoles de la Basse – Cochinchine) viết bằng tiếng Pháp thật ra chủ yếu chỉ là rút gọn các bộ sử Việt Nam vốn có trong đó có Đại Việt sử ký toàn thư in từ thời Lê, Đại Nam thực lục tiền biên in năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ in cuối năm Tự Đức thứ 1 (1848 – 1849), dĩ nhiên cũng có tham khảo tài liệu, thư từ của các giáo sĩ và một số truyền thuyết dân gian. Chẳng hạn trong khi các sử thần nhà Nguyễn không giấu diếm sự xấu xa trong hoàng tộc mà chép Mỹ Đường (con hoàng tử Cảnh) thông dâm với mẹ ruột khiến Minh Mạng phải giết chết bà Tống Thị Quyên, thì Trương Vĩnh Ký lại viết rằng Minh Mạng thông gian với chị dâu rồi giết chết bà. Nếu nhớ lại rằng Minh Mạng vốn là một ông vua cứng rắn với đạo Thiên chúa thì có thể đoán định rằng truyền thuyết này chỉ có thể do nạn nhân của ông ta tức các giáo dân đặt ra để bôi nhọ đối phương như một cách trả thù về mặt tâm lý. Cách phân kỳ lịch sử của Trương Vĩnh Ký trong bộ sử nói trên lại càng không có tiêu chuẩn khoa học gì mà nói: ông chia lịch sử Việt Nam làm ba thời kỳ, thời kỳ đầu là từ đầu đến Thiên Chúa giáng sinh, thời kỳ thứ hai là từ Thiên Chúa giáng sinh đến 1428 tức năm Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, thời kỳ thứ ba là từ 1428 trở đi, qua cả nội chiến Nam Bắc triều, Trịnh Nguyễn phân tranh, nội chiến Tây Sơn - Nguyễn Ánh và thời Nguyễn cho đến khi người Pháp xâm lược Việt Nam, bỏ qua một cái mốc rất quan trọng là 1802, tức năm Việt Nam được thống nhất trở lại. Về tư liệu thì ông cũng mơ hồ như nhiều sử gia hiện nay – chẳng hạn các địa danh núi Kho ở Bình Định, núi Chúa ở Phú Yên qua quá trình Việt Hán hóa của các sử thần nhà Nguyễn đã biến thành Khố Sơn, Chủ Sơn, và Trương Vĩnh Ký đã chép tất nhưng vì bản in tiếng Pháp không có dấu thanh điệu nên các địa danh nói trên đã biến thành Khô Sơn, Chu Sơn, những địa danh mà chắc chắn cả những người nhiều đời sinh sống tại Bình Định, Phú Yên cũng không biết ở đâu. Hay trong đoạn viết về Mạc Công Bính cháu nội Mạc Thiên Tích, một vọng tộc nổi tiếng ở Hà Tiên từ thế kỷ XVIII, ông cũng lầm mà đọc là họ Trịnh (trong Hán tự, chữ Mạc có bộ ấp có tự hình gần giống chữ Trịnh)... Cho nên nếu nhớ lại lời một người Pháp khen ngợi ông nhớ như in các nhân danh, địa danh ở Pháp thì đây quả là một chi tiết đáng buồn. Nếu so sánh phần viết về nhà Lê của Trương Vĩnh Ký với Đại Việt sử ký toàn thư thì khá giống nhau, chỉ là được rút gọn hơn và không có đoạn tổng bình ở đầu mỗi đời vua, nên thật ra chủ yếu là ông kể lại bằng ngôn ngữ của mình, còn về thể tài thì bộ sử Việt Nam viết bằng tiếng Pháp để dạy cho học sinh Việt Nam ở Nam Kỳ thuộc Pháp ấy vẫn hoàn toàn nằm trong khuôn khổ phương pháp biên niên, chẳng hạn tiêu chuẩn phân kỳ cũng là sự tồn tại thân xác của các ông vua tức các đời vua không hơn không kém.
***
Từ cuối thế kỷ XIX đến nay, quá trình tái cấu trúc xã hội ở Việt Nam đã liên tục chuyển hướng. Cho đến 1945, đó là quá trình phá vỡ thiết chế phong kiến, nhưng được thay thế bằng thiết chế tư bản chủ nghĩa trong cái biến thái thực dân của nó, quá trình này đã diễn ra một cách không trọn vẹn và với nhiều mâu thuẫn. Từ 1945 trở đi, đó là quá trình xây dựng một xã hội dân chủ hiện đại kiểu phương Tây trên đường hướng xóa bỏ ách nô dịch của ngoại nhân, nhưng được thay thế bằng những thiết chế phục vụ chiến tranh suốt ba mươi năm, quá trình này cũng đã diễn ra một cách không trọn vẹn và với nhiều mâu thuẫn. Văn nghiệp của Trương Vĩnh Ký lại hình thành ở một thời kỳ đặc biệt của lịch sử Việt Nam, khi tiến trình văn hóa không song hành với tiến trình chính trị như trong quá khứ. Những nhận định đề cao cũng như hạ thấp ông trước nay thật ra đều xuất phát từ chỗ nhấn mạnh một trong hai tiến trình nói trên, vấn đề chỉ là trong hoàn cảnh nào thì lực lượng nào nhấn mạnh tiến trình nào. Cho nên bị giằng xé giữa các định hướng tái cấu trúc xã hội có nội dung và tính chất rất khác nhau, văn nghiệp của Trương Vĩnh Ký trong hơn một thế kỷ qua đã không ngừng được kiểm nghiệm lại, và mặc dù quá trình tái cấu trúc xã hội ở Việt Nam hiện nay đang diễn ra một cách thống nhất trên lãnh thổ và toàn diện hơn về nội dung song một nhận định thực sự đúng đắn về ông có lẽ vẫn còn ở phía trước. Bởi vì từ một Chủng sinh Trường Dòng trở thành một nhà học giả, từ một viên Thông ngôn của kẻ xâm lược trở thành một người hoạt động văn hóa, vị thế của Trương Vĩnh Ký trong văn hóa sử Việt Nam quả thật rất đỗi chông chênh.
Cao Tự Thanh
(1) Theo Bằng Giang, Sương mù trên tác phẩm Trương Vĩnh Ký, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1994
(2) Xem thêm Cao Tự Thanh, Nho giáo ở Gia Định, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1996, tr. 225
(3) Đặng Thúc Liêng, Trương Vĩnh Ký hành trạng, Xưa Nay, Sài Gòn, 1927.
(4) Trần Chánh Chiếu, Ông Đốc Ký, Lục tỉnh tân văn, số 29, 1908.
(5) J. Buttinger, Việt Nam: a dragon embattled, Vol. I – From colonialism to the Việt Minh, Pall Mall Press, London, 1967, tr. 160 - 161
(6) Vandermeersch Léon, Le nouveau Monde sinisé, Presses Universitaires de France, Paris, 1986, tr. 149
(7) Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại, Khai Trí, Sài Gòn, 1960, quyển nhất, tr. 45