Cao Tự Thanh
Sau khi tập đoàn Nguyễn Ánh đánh bại vương triều Tây Sơn năm 1802, Việt Nam bắt đầu trở thành một đất nước thống nhất và hòa bình sau ba trăm năm phân tranh và nội chiến. Nhưng sáu mươi năm sau, từ chỗ là một quốc gia hùng mạnh bậc nhất Đông Nam Á, Việt Nam lại mau chóng rơi xuống địa vị một nước nô lệ với bước lùi đầu tiên là Hòa ước 1862 nhường cho thực dân Pháp ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, và hơn thế nữa, còn bị chia thành ba khu vực khác nhau trên bản đồ Đông Dương thuộc Pháp sau đó. Sự bất lực trong các hoạt động thực tiễn của triều Nguyễn là một trong những nguyên nhân chủ yếu đã dẫn tới kết quả bi thảm nói trên, và nhiều người đã đặt vấn đề tìm kiếm các yếu tố dẫn tới sự bất lực ấy ngay từ thời Gia Long. Nhưng là một lực lượng góp phần làm ra lịch sử, triều Nguyễn với thể chế, thiết chế và cơ chế chính trị của nó cũng là một tổ chức bị lịch sử chi phối; cho nên muốn tìm hiểu triều Nguyễn thời Gia Long trên một đường hướng như vậy thì trước hết phải đặt nó vào mối quan hệ với các điều kiện lịch sử có thể nói là một vận hội mới đầu thế kỷ XIX của Việt Nam.
Trong gần ba thế kỷ trước 1802, Việt Nam là một quốc gia phong kiến mang trong sự phát triển của nó nhiều nghịch lý. Sau khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, đất nước này rơi vào sự khủng hoảng trên đường hướng phát triển với chính thể quân chủ Nho giáo và tình trạng nội chiến triền miên. Không lạ gì mà trong thời gian từ 1527 đến 1802, nhiều hiện tượng, lãnh vực và quá trình xã hội ở Việt Nam đã mang trong sự hình thành và phát triển của chúng một dáng vẻ giống như ngẫu nhiên và đầy mâu thuẫn. Người trí thức tiêu biểu bậc nhất ở Việt Nam thế kỷ XVI là Nguyễn Bỉnh Khiêm thì thực thi lý tưởng kinh bang tế thế Nho gia bằng cách phục vụ cho nhà Mạc "ngụy triều", các chúa Nguyễn Đàng Trong trong ý hướng chia cắt đất nước thì góp phần mở mang đất nước tới vùng Nam Bộ, Đàng Trong vốn là địa bàn suốt hai trăm năm không có phong trào khởi nghĩa nông dân thì sản sinh một Tây Sơn trong chưa đầy hai mươi năm lần lượt xô đổ chính quyền phong kiến ở cả hai miền Nam Bắc, tập đoàn Nguyễn Ánh chống Tây Sơn để khôi phục chiếc ngai vàng của dòng họ thì trở thành người thống nhất quốc gia... Tình hình nói trên khiến cho trong thời gian trước 1802, xã hội Việt Nam trở thành một môi trường vừa năng động về nhận thức vừa bất an về tâm lý, vừa hàm chứa một tiềm năng sáng tạo to lớn vừa đòi hỏi các điều kiện phát triển ổn định. Môi trường ấy đã làm dấy lên trào lưu thống nhất đất nước cuối thế kỷ XVIII và từ 1802 trở đi cũng đặt triều Nguyễn thời Gia Long vào một vận hội mới với những yêu cầu và phương tiện khác trước mà chủ yếu là chung quanh vấn đề hoàn tất quá trình thống nhất quốc gia.
Cần minh định về khái niệm "thời Gia Long". Nếu nói thời Gia Long là đời vua Gia Long (1802 - 1819) theo một Niên biểu các vua triều Nguyễn thì cũng chẳng có gì sai, có điều không thể căn cứ vào sự tồn tại thân xác của các ông vua để phân kỳ lịch sử chính trị. Trong lịch sử triều Nguyễn, thời Gia Long khác hẳn với các thời sau ở chỗ nó chỉ mới đạt tới chỗ thống nhất quốc gia về mặt chính trị và vẫn quản lý đất nước bằng hệ thống quân chính. Phải đến 1832 - 1833, dưới thời Minh Mạng thì triều Nguyễn mới xóa bỏ được thiết chế tản quyền, giải thể Bắc thành và Gia Định thành để thống nhất đất nước về mặt hành chính đồng thời đưa văn quan vào vị trí đứng đầu bộ máy cai trị các địa phương thay cho chế độ võ tướng trấn thủ. Cho nên có thể hiểu "thời Gia Long" trong lịch sử phát triển của hệ thống chính trị triều Nguyễn là thời gian 1802 - 1832, ở đó yêu cầu hoàn tất quá trình thống nhất đất nước vừa là đòi hỏi khách quan của lịch sử vừa là điều kiện phát triển của dân tộc. Chính ở đây, có thể thấy tình trạng không ăn khớp giữa nội dung và tính chất của yêu cầu này với nhận thức và hoạt động của triều Nguyễn thời gian 1802 - 1832.
Có thể nói chu kỳ phát triển - phân ly - hợp nhất là một quy luật phát triển phổ biến của nhiều dân tộc và quốc gia thời phong kiến, nhưng việc thống nhất Việt Nam đầu thế kỷ XIX có những nội dung khác hẳn với thời Đinh Tiên hoàng dẹp loạn Mười hai sứ quân. Trước hết, trào lưu thống nhất đất nước cuối thế kỷ XVIII đã dấy lên từ yêu cầu xác lập một thị trường dân tộc thống nhất của kinh tế hàng hóa tiền tư bản (1), yêu cầu này gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội trong nước lúc ấy đồng thời phù hợp với tình hình thương nghiệp quốc tế mà trước hết là từ Trung Hoa tới Đông Nam Á đương thời. Thứ nữa, trong hai trăm năm phát triển biệt lập với Đàng Ngoài, xã hội Việt Nam ở Đàng Trong đã bước hẳn vào bối cảnh văn hóa Đông Nam Á, nên việc thống nhất đất nước đầu thế kỷ XIX còn là sự tìm kiếm một mô hình kết hợp phù hợp giữa hai hệ thống Đông Á và Đông Nam Á trong văn hóa Việt Nam. Sau cùng, ngay việc phát triển kinh tế - xã hội để hoàn tất quá trình thống nhất đất nước lúc ấy cũng bị chi phối bởi quy luật phát triển lịch sử không đồng đều, nên nó đòi hỏi phải được tiến hành trên một căn bản định hướng thống nhất, toàn diện và lâu dài bên cạnh một hệ thống tổ chức kết hợp cả các biện pháp kinh tế, chính trị và văn hóa đáp ứng được nguyện vọng chính đáng và thể hiện được lợi ích cơ bản của nhiều nhóm xã hội. Ở đây dĩ nhiên có nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung thì việc xác lập được hệ thống chính trị thống nhất trên toàn quốc từ 1802 đã đưa lại cho Việt Nam nhiều điều kiện phát triển mới. Thành quả và lực lượng, kinh nghiệm và khả năng sáng tạo của dân tộc trong các hoạt động xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, tổ chức xã hội và bảo vệ Tổ quốc ở cả hai miền Nam Bắc trước đó đã bắt đầu được hợp nhất dưới sự lãnh đạo, tổ chức và quản lý của một nhà nước thống nhất; đồng thời việc chấm dứt chiến tranh từ 1802 còn tạo ra cho Việt Nam những tiền đề kinh tế và chính trị thuận lợi hơn trước trong việc giao lưu với quốc tế qua các hoạt động ngoại giao và ngoại thương. Những điều nói trên đã thực sự làm nên một vận hội có thể tạo ra bước ngoặt lớn lao trong sự phát triển của lịch sử và văn hóa Việt Nam...
Nhưng triều Nguyễn thời Gia Long đã không nắm được vận hội ấy. Bỏ qua khả năng kết hợp các nguồn lực trong nước với nước ngoài để xây dựng kinh tế và phát triển xã hội mà thống nhất đất nước, nó đã đi theo con đường chính trị, dùng hệ thống chuyên chính để khẳng định vương triều mà thống nhất quốc gia. Định hướng sai lầm ấy xuất phát từ khoảng cách giữa khả năng nhận thức của triều Nguyễn về hiện tình đất nước cũng như giữa năng lực thực tiễn của nó với yêu cầu xã hội. Trước hết, nhìn từ khía cạnh kinh tế của vấn đề thì việc thống nhất Việt Nam sau 1802 phải dẫn tới việc xác lập một thị trường dân tộc phát triển và giao lưu rộng rãi với nước ngoài, nhưng điều này lại vượt quá năng lực tổ chức và quản lý của triều Nguyễn sau 1802, nên với sự lạc hậu về tư duy kinh tế và nhất là với sự thỏa mãn của một kẻ vừa giành được ngai vàng, nó đã mau chóng hướng tới biện pháp "an toàn" trên đường hướng duy trì nền kinh tế tự cấp tự túc kiểu tiểu nông với chính sách trọng nông ức thương và chủ trương bế quan tỏa cảng. Thứ hai, về mặt văn hóa - xã hội thì việc khắc phục các hậu quả của hai trăm năm phân liệt và phát triển biệt lập giữa hai địa bàn Đàng Ngoài - Đàng Trong cần có một quan điểm văn hóa cởi mở bên cạnh những biện pháp vĩ mô, nhưng sự câu nệ về "lễ nhạc" của một kẻ phục thù lại đưa triều Nguyễn tới một lối nghĩ cứng nhắc và sa đà vào vụ việc vụn vặt như tiến hành thống nhất y phục để làm trò cười cho những câu loại "Tháng tám có chiếu vua ra, Cấm quần không đáy người ta hãi hùng" của nhân dân và sĩ phu xứ Bắc... và gây ra những chướng ngại tâm lý cho việc đẩy mạnh quá trình giao tiếp trong nội bộ dân tộc. Thứ ba, trên phương diện kế thừa quốc thống thì triều Nguyễn lại hình thành trong cuộc phản kích của giai cấp phong kiến Việt Nam chống lại phong trào nông dân cuối thế kỷ XVIII, không có công lao gì với dân tộc nên cũng dễ rơi vào chỗ bị cô lập và do đó mặc dù sau khi đánh bại Tây Sơn đã thực hiện một sách lược đối nội "hòa giải và hòa hợp" khá khôn ngoan, nó cũng phải nghiêng về khuynh hướng dùng bạo lực để khẳng định địa vị chính thống. Và sau cùng, ngay sau 1802 nó lại chưa có kinh nghiệm quản lý một địa bàn như Đàng Ngoài cũ, vốn không thuần nhất về mặt chính trị đồng thời có một truyền thống phát triển kinh tế - xã hội khác nhiều so với khu vực Đàng Trong và do đó cũng phải mất một thời gian để thích ứng với hoàn cảnh... Đây là chưa nói tới sự chống đối và bất hợp tác của một số cựu thần Tây Sơn và Lê Trịnh, chưa nói tới sự phân hóa vì quyền lợi và nhận thức diễn ra trong nội bộ triều Nguyễn sau 1802, chưa nói tới những khó khăn kinh tế - xã hội của một quốc gia vừa trải qua hơn hai mươi năm chiến tranh, chưa nói tới những vướng mắc trong quan hệ với phong kiến Chân Lạp, Tiêm La hay những nguy hiểm tiềm ẩn trong quan hệ với phương Tây tư bản... Việc hoàn tất quá trình thống nhất đất nước trong những điều kiện như vậy rõ ràng không phải dễ dàng, nhưng đáng nói là theo quán tính quân phiệt và với bản chất phục thù, triều Nguyễn thời Gia Long đã chọn một phương án coi nhẹ hạnh phúc của nhân dân và bất chấp quyền lợi của dân tộc, nên cũng không xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân làm hậu thuẫn cho hệ thống chính trị của mình. Không phải ngẫu nhiên mà chính "đất trung hưng" của triều Nguyễn cũng rúng động sau khi Minh Mạng cho giải thể Gia Định thành : trong sự biến thành Phiên An, tầng lớp thương nhân và giai cấp đại địa chủ ở Nam Kỳ đã gói ghém trong hành động ủng hộ Lê Văn Khôi sự bất mãn với chính sách kinh tế của triều Nguyễn (2). Cái cung cách phát triển hệ thống chính trị theo kiểu coi nhà là triều và coi triều là nước ấy còn góp phần đẩy mạnh sự phân hóa và chia rẽ trong triều đình nhà Nguyễn sau 1802, từ những mâu thuẫn chung quanh việc lựa chọn người kế vị của Gia Long tới các xung đột dẫn tới cái chết của Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành rồi hai bản án dành cho Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt, Tổng trấn Bắc thành Lê Chất... Chính vì vậy mà quá trình thống nhất hành chính đầu thế kỷ XIX của triều Nguyễn dài hơn thời gian chống Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII, cũng chính vì vậy mà sau 1832 sự phát triển của xã hội Việt Nam vẫn tiếp tục gặp hai trở lực kinh tế - văn hóa ngàn đời là đói nghèo và lạc hậu, vì quá trình thống nhất đất nước ở đây đã bị tách rời với nhiệm vụ xây dựng quốc gia.
***
Là chính quyền đầu tiên và duy nhất thời phong kiến ở Việt Nam xây dựng được hệ thống chính trị của mình từ Lạng Sơn tới Cà Mau, triều Nguyễn có điều kiện thuận lợi hơn hẳn các triều Lý, Trần, Lê để lãnh đạo dân tộc xây dựng và phát triển đất nước. Nhưng ngay từ thời Gia Long, họ đã bỏ qua vận hội mới của đất nước khi tập trung xây dựng hệ thống chính trị không vì dân tộc của mình. Đồng thời, trên phương diện đối ngoại thì bỏ qua những thuận lợi để né tránh những hiểm họa của một vận hội, Gia Long trong thực tế cũng khước từ một cuộc đối đầu ngang sức với phương Tây tư bản, và chính vì vậy mà hậu duệ của ông ta đã phải bước vào cuộc chiến đấu không cân sức với chủ nghĩa thực dân. Tiến hành cuộc chiến tranh chống Tây Sơn để giành giật ngai vàng nên không thể có một tầm nhìn xa rộng trong hoạt động lãnh đạo đất nước sau chiến tranh, từ 1802 triều Nguyễn đã dồn ép các yếu tố và động thái xã hội mới trong đất nước vào một khuôn mẫu vì quyền lợi và theo nhận thức của mình chứ không muốn hòa mình vào một xã hội đang có nhiều khả năng và điều kiện phát triển mới trong bối cảnh đất nước và thời đại lúc ấy. Cho nên mặc dù đều là những người yêu nước theo kiểu của họ, tất cả các vua triều Nguyễn từ Gia Long đến Tự Đức cũng vẫn bất lực trong việc biến vương triều thành động lực chính trị thúc đẩy đồng thời nhất hóa vào với sự phát triển của đất nước nửa đầu thế kỷ XIX, và vì vậy cũng phải thất bại trong cuộc đấu tranh giành quyền thống trị với chủ nghĩa thực dân tư bản Pháp sau đó. Không sống với một lịch sử như nó có mà là như họ muốn, triều Nguyễn thời Gia Long đã hạn chế sức sản xuất trong quốc gia, kìm hãm sự sáng tạo của dân tộc, và do đó còn phong tỏa đời sống tư tưởng, văn hóa và khoa học Việt Nam đầu thế kỷ XIX trong một thiết chế ao tù phục cổ, quân phiệt và ngu dân...
Tháng 8. 1996
(1) Xem thêm Cao Tự Thanh, Động lực lịch sử và động thái văn hóa của nội chiến Tây Sơn - Nguyễn Ánh trong Những vấn đề văn hóa - xã hội thời Nguyễn, Nxb. Khoa học xã hội, 1995
(2) Xem thêm Cao Tự Thanh, Nho giáo ở Gia Định, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1986, tr. 128 - 132
Hai bài viết, một hiện tượng...
Báo Cựu Chiến binh Thành Phố Sài Gòn tháng 5 và tháng 6. 1997 có in hai bài viết của ông Trần Khuê nhận xét cuộc Hội nghị về triều Nguyễn - thời Gia Long tháng 11. 1996 ở Sài Gòn, hai bài này là hậu thân của một văn bản đã được ông Trần Khuê in vi tính và gởi tới cả nhiều nơi, nhiều người không quen kiểu rải truyền đơn hay phát quảng cáo ít nhất hai lần trước khi đăng báo. Lối thông tin khá kinh tế thị trường ấy khiến người ta phải tìm mọi cách để giật mình, vì trong ba Hội thảo về triều Nguyễn năm 1988, 1992 (đều đã có Kỷ yếu) và 1996 tổ chức ở thành phố Sài Gòn hoàn toàn không có dòng tham luận nào của ông Trần Khuê được mời tới. Nhưng tuy trong lý lịch khoa học chưa từng có lấy một bài viết đủ đầu đủ đuôi về triều Nguyễn, ông vẫn hiên ngang đòi "thảo luận" với tôi, nên tôi phải lên tiếng. Có điều trước tiên cần nhắc cho ông Trần Khuê nhớ rằng về triều Nguyễn thì cái học viết truyền đơn in quảng cáo của ông không có chỗ nào đáng cho những người đọc sách phải mất thời giờ thảo luận đâu, điều gì ông chưa biết hay không hiểu thì tôi nói cho mà nghe, vậy thôi.
Tựu trung, ông Trần Khuê nhắc tới bài dự Hội nghị triều Nguyễn 1996 của tôi về hai điểm. Thứ nhất, ông thắc mắc "thế nào là quá trình thống nhất đất nước (đầu thế kỷ XIX)" và "thế nào là sự hoàn tất quá trình ấy". Thứ hai, dựa vào câu "Cho nên mặc dù đều là những người yêu nước theo kiểu của họ, tất cả các vua triều Nguyễn từ Gia Long đến Tự Đức cũng vẫn bất lực trong việc biến vương triều thành động lực chính trị thúc đẩy đồng thời nhất hóa vào với sự phát triển của đất nước nửa đầu thế kỷ XIX..." trong bài viết của tôi, ông kết luận tôi cho rằng Gia Long là người yêu nước, rồi hùng hồn rằng không được phép coi những kẻ như Nguyễn Ánh, Lê Chiêu Thống... là những người yêu nước. Tôi sẽ giải thích thật ngắn gọn cho ông từng điểm một.
Thứ nhất, thời Gia Long trong bài viết của tôi trước hết và chủ yếu là một giai đoạn chính trị, nên khái niệm quá trình thống nhất đất nước tôi dùng dĩ nhiên trước hết và chủ yếu phải có ý nghĩa là một quá trình thống nhất đất nước về mặt chính trị, và sự hoàn tất quá trình ấy chính là sự thống nhất đất nước về hành chính trong thời gian 1832 - 1833, sau khi Minh Mạng lần lượt giải thể Bắc Thành và Gia Định thành, chia đặt các đơn vị hành chính cấp tỉnh trực thuộc chính quyền trung ương. Dĩ nhiên đó chỉ mới là sự thống nhất về chính trị - hành chính chứ chưa phải là sự thống nhất về kinh tế - xã hội hay văn hóa - khoa học... là điều mà triều Nguyễn khó làm được và hậu nhân cũng không thể đòi hỏi quá cao ở họ. Nhưng khó làm được là một chuyện còn làm cho đúng cách là một chuyện khác, và tôi cho rằng ngay từ việc hoàn tất quá trình thống nhất đất nước về mặt chính trị thì triều Nguyễn cũng đã không làm đúng cách. Còn sẽ là một sự lăng mạ nếu cho rằng ông Trần Khuê không biết thế nào là "quá trình thống nhất đất nước (về mặt chính trị)", nên tôi không cần giải thích ở đây.
Thứ hai, về câu "Các vua triều Nguyễn từ Gia Long đến Tự Đức..." thì ai cũng hiểu rằng Gia Long đây là Nguyễn Ánh từ 1802 trở đi, vì trước 1802 thì chưa có niên hiệu Gia Long và trên thực tế thì Nguyễn Ánh cũng chưa thống trị được toàn Việt Nam. Ông Trần Khuê cố ý hay thật tâm không hiểu cũng không sao vì có người khác hiểu, nên để ngắn gọn thì xin ông cứ trưng ra bằng chứng về việc từ 1802 trở đi vua Gia Long của triều Nguyễn đã có hành động hay ý đồ bán nước, rước voi giày mả tổ, cõng rắn cắn gà nhà, còn nếu không thì dù không đồng ý ông cũng phải chấp nhận cách nói của tôi, chứ đừng trộn lẫn Gia Long với đám vua quan ăn mày lưu vong xứ người loại Lê Chiêu Thống, Trần Khang để triển lãm quan điểm và kích động dư luận, tóm lại khi không có bằng chứng về việc ai đó bán nước hay rắp tâm bán nước thì tôi phải thừa nhận lúc ấy y là một người yêu nước ít nhất là theo kiểu của y, vậy thôi. Mà nói về lý thì con người cũng thay đổi theo hoàn cảnh, lúc cầu viện quân Xiêm nước Pháp trước 1802 Nguyễn Ánh là một kẻ sẵn sàng trả bất cứ giá nào để tiêu diệt Tây Sơn - một kẻ không còn gì để mất thì dễ làm những chuyện ô nhục lắm, còn từ 1802 trở đi thì ông ta lại là một kẻ sẵn sàng làm bất cứ chuyện gì để gìn giữ chiếc ngai vàng của bản thân và hậu duệ - một kẻ có quá nhiều ham muốn thì dễ làm những chuyện thất nhân tâm lắm, ông Trần Khuê ạ. Ông không hiểu sự phân biệt chính trị về Nguyễn Ánh và Gia Long của tôi nên dĩ nhiên không thể hiểu mấy chữ "theo kiểu của họ" mà tôi dùng, đó là bản chất giai cấp kết hợp với tư thế cá nhân trong mối quan hệ với các hoàn cảnh khách quan xác định. Nhưng học vấn của ai cũng có giới hạn, ông Trần Khuê không thấy được sự thay đổi hiển nhiên và khách quan về tư thế và bản chất chính trị của Nguyễn Ánh sau khi trở thành Gia Long thì tôi không kể vì "bất tri giả bất tội" (kẻ không biết thì không bắt tội), có điều ông không những "bất tri nhi vi tri" (không biết lại nói là biết) mà còn xuất phát từ một nếp nghĩ phi khoa học và vô nguyên tắc về lịch sử để nhìn nhận về triều Nguyễn và Hội nghị triều Nguyễn 1996, đây mới là điều cần bàn.
Vì nhiều lý do, trước đây nhiều người chưa có một sự phân biệt rạch ròi tư thế và bản chất chính trị của Gia Long với của Nguyễn Ánh khi chưa là Gia Long, nên cứ coi Nguyễn Ánh như một kẻ sinh ra là đã có máu bán nước và thích bán nước mãi đến lúc đã thành Gia Long. Đến nay thì người ta đã nhìn nhận vấn đề khoa học hơn, tìm cách lý giải chi tiết hơn, nhưng ông Trần Khuê mặc dù không thể tìm đâu ra bằng cớ về việc Gia Long bán nước cũng vẫn xiển dương cách nhìn đầy cảm tính ấy, có phải vì thật tâm tán thành hay không thì không biết nhưng chắc chắn là vì có lợi cho ông trong việc kích động dư luận để lên án những kẻ cả gan "độ lượng" với Gia Long ! Có điều vì bận tung hoành rối rít và phát ngôn tung tóe giữa cái tam giác mờ ba góc "quan điểm", "luân lý" và quản lý hành chính ấy khi nhìn nhận triều Nguyễn, ông Trần Khuê đã quên không nhìn lại để thấy các nhận định lịch sử của ông cứ xoay như chong chóng. Ông trịnh trọng rằng nghiên cứu khoa học "cần phải tôn trọng sự kiện, tuyệt đối không được thêm bớt..." nhưng lại kết luận Nguyễn Ánh có công củng cố sự nghiệp thống nhất đất nước do Quang Trung để lại mà không hề "tôn trọng sự kiện" Gia Long bế quan tỏa cảng và trọng nông ức thương, nghĩa là hạn chế kinh tế thương nghiệp, một hành động phá hoại tận gốc cơ sở kinh tế - xã hội của việc thống nhất đất nước đầu thế kỷ XIX. Chưa hết, ông nghiêm nghị ghi cho Gia Long một cái công to tướng với đất nước như thế rồi lại đùng đùng phẫn nộ bác đơn đề nghị của ai đó xin thưởng công cho đương sự bằng cách đặt lại tên đường Gia Long, thế theo tôn ý thì Gia Long có công hay có tội, yêu nước hay không yêu nước vậy ? Ông líu lo răn bảo kẻ khác rằng nghiên cứu lịch sử "đâu có thể cứ nói khơi khơi mà được" nhưng khơi khơi hạ bút rằng công lao mở mang đất nước về phía Nam là thuộc về các chúa Nguyễn chứ không phải của chúa Nguyễn Ánh vì "lúc bấy giờ ông còn bận mãi đánh nhau với Tây Sơn", cứ như các chúa Nguyễn phân công nhau người đánh Tây Sơn kẻ lo cuốc đất, vứt hết bao nhiêu mồ hôi xương máu của nhân dân Đàng Trong trên đường Nam tiến mà quy ráo công lao cho các ông chúa cát cứ Đàng Trong! Ông chê thiên hạ "hư cấu vong mạng, điếc không sợ súng" nhưng khẳng định một cách bạt mạng khinh cả đại bác rằng các chúa Nguyễn là những người "vận dụng cơ chế thị trường" trong khi thật ra họ chỉ lợi dụng kinh tế ngoại thương và hơn thế nữa, còn là những kẻ làm tan nát nền kinh tế thương nghiệp ở Đàng Trong với chủ trương tài chính sai lầm là phát hành tiền kẽm sau tiền Thiên minh thông bảo ! Rõ ràng ông Trần Khuê chưa hề tiến hành nghiên cứu triều Nguyễn với các vấn đề có liên quan một cách có hệ thống và nghiêm túc mà chỉ khai thác những thiếu sót, sai lầm rời rạc ở một số tham luận trong Hội nghị triều Nguyễn 1996, giải thích và hệ thống hóa theo ý mình cho thành những vấn đề "quan điểm" đồng thời biến chúng thành một cái đinh để treo chân dung khoa học và quan điểm tự họa của mình lên mà tự chiêm bái thôi... Với học vấn chắp vá và tâm thuật bất chính như vậy thì ông có tư cách gì mà phê phán nhận thức lịch sử của kẻ khác, có tư cách gì mà nhận xét tham luận của một số tác giả trong Hội nghị triều Nguyễn 1996 là khả thủ khả xả hay sâu sắc sâu cùn ?
Người ta còn thấy ông Trần Khuê công kích vài Giáo sư, Phó Tiến sĩ một cách cao ngạo nhưng lại rất thiếu tự trọng thân phận. Các Giáo sư và Phó Tiến sĩ bất quá chỉ là trí thức, mà trí thức thì bất quá chỉ là kẻ có thể tự học thêm, có chuyện gì họ chưa học tới hay học mà chưa hiểu rõ cũng là sự thường, chứ đâu phải Giáo sư hay Phó Tiến sĩ thì không được phép dốt hay là một thứ tội tổ tông mà ông đay nghiến dữ vậy ? Nếu ông thấy mình đúng thì cứ việc coi họ như tác giả của những ý kiến sai trái khi thảo luận, theo tinh thần "Học vấn vô phân khoa bảng, đạt giả vi tôn" (Học vấn không chia bằng cấp, kẻ đạt là tôn), cần gì phải lôi những danh hiệu ấy ra rêu rao để vô hình trung thành phỉ báng cả những chức danh khả kính của hệ thống học hàm học vị quốc gia ? Người nước ngoài đọc bài của ông mà khâm phục ông sát đất nhưng coi thường trí thức khoa học xã hội Việt Nam, thì ông có sự gì vinh dự ? Người trong nước thấy ông công kích các Giáo sư Phó Tiến sĩ như vậy mà cho rằng ông muốn có những danh hiệu ấy lắm lắm nhưng không được ai phong nên ghen ăn ghét ở, thì ông có tiếng gì thanh cao ? Sự thiển cận tới mức vô trách nhiệm và bất trí ấy còn che mất tầm nhìn khoa học có lẽ cũng không mấy xa của ông Trần Khuê, khiến ông thong manh trước một nhu cầu khoa học lớn của nền văn hóa Việt Nam mà cũng là một nhu cầu thực tiễn lớn của nền hành chính Việt Nam hiện nay là tìm hiểu thời Nguyễn và triều Nguyễn một cách có hệ thống, toàn diện và thấu đáo. Không lạ gì mà ông cứ quy sai sót của nhiều tác giả trong Hội nghị triều Nguyễn 1996 về vấn đề quan điểm mà không hiểu rằng trong khoa học thì năng lực sáng tạo nhiều khi không tương ứng với ý chí sáng tạo, không hiểu rằng ở đây ngoài việc đổi mới tư duy sử học còn có yêu cầu cải tiến phương pháp và hoàn thiện kỹ năng nghiên cứu, không hiểu rằng việc khắc phục ngay từ cội nguồn những sai sót ấy đang là một thách thức lớn mà xã hội và thời đại đang đặt ra cho học giới Việt Nam... Tóm lại nếp nghĩ theo lối mòn cực đoan và động cơ làm người hùng ích kỷ đã biến ông Trần Khuê thành một kẻ đốt đền gây rối, gieo rắc nghi kỵ đối với việc nghiên cứu triều Nguyễn và có thể sẽ gây thêm ít nhiều khó khăn cho việc giải quyết yêu cầu khoa học và thực tiễn này trong tương lai.
***
Báo Cựu Chiến binh Thành phố Sài Gòn tháng 7. 1997 mới đây đã đăng tải bài Phải tôn trọng sự thật lịch sử của tác giả Lê Minh Đào bày tỏ sự lo ngại trước những khuynh hướng tư tưởng - học thuật lệch lạc mà hai bài viết của ông Trần Khuê "thông báo". Là một người thuộc hàng con cháu, tôi hoàn toàn đồng tình với nỗi lo ngại ấy của các bác các chú, những người lính đã không tiếc xương máu để đất nước và cả việc nghiên cứu triều Nguyễn có được ngày hôm nay. Nhưng với tư cách là một người đọc sách, tôi cho rằng những sai sót có thật trong Hội nghị triều Nguyễn 1996 (mà ông Trần Khuê đã nêu ra được một phần) chủ yếu chỉ thể hiện sự lúng túng về phương pháp và phần nào đó là sự non nớt về bản lĩnh chứ hoàn toàn không mang ý nghĩa sự phản bội về nhận thức trong học thuật như ông Trần Khuê đã suy diễn và quy chụp một cách đầy ác ý cho nhiều tác giả. Sự thật và cái đúng bao giờ cũng đáng quý trọng, nhưng sẽ trở thành đáng ghê sợ khi chúng trở thành phương tiện của hạng người muốn làm quan tắt nên chỉ lăm lăm học tắt để lên án, tố giác... kẻ khác không phải vì đại cuộc mà chỉ vì cá nhân (hay nhóm) mình. Cho nên hãy "Coi chừng cái không thẳng trong việc thẳng", đó là điều chủ yếu mà tôi muốn nói với người đọc về hai bài viết của ông Trần Khuê.
Tháng 7. 1997