Văn chương và lịch sử - Phác thảo một cách nhìn
Nguyễn Mạnh Hà
Vấn đề văn chương và lịch sử là vấn đề quen thuộc với chúng ta, bởi trong tiềm thức chúng ta luôn ăn sâu quan niệm “văn - sử bất phân” của cha ông. Thế nhưng trong sự phát triển ngày càng chuyên biệt, nhiều mối hoài nghi đã được đặt ra. Và giờ đây chúng ta hãy cùng dừng lại đôi phút để trao đổi về vấn đề này.
Lịch sử và văn chương có mối quan hệ mật thiết với nhau, tạm thời không bàn đến vấn đề này trong truyền thống dân tộc vì như thế là quá rõ, bởi văn chương ngày ấy không phải là nơi trí tưởng tượng được bay bổng mà là công cụ hành chức, mà hãy bàn đến nó trên cơ sở nguyên lí. Văn chương và lịch sử đều tuân thủ một cách thú vị hai trục thời gian đồng đại và lịch đại. Trước hết dù nói gì đi nữa thì văn chương và lịch sử đều là câu chuyện của thời điểm hiện tại, tại thời điểm đó mọi sự được mã hoá bằng văn bản. Đối với tác phẩm văn chương dưới sự tác động của tâm lí học về sáng tạo và xã hội học về các thiết chế đã làm cho nó trong thời điểm hiện tại phải là nó, nghĩa là nó được tồn lưu. Giá trị tồn lưu ấy là giá trị một thời và mãi mãi, giá trị bị quy định bởi lịch sử và có quyết định tới lịch sử. Như vậy bản thân văn chương trong sự sống động đã là vấn đề của lịch sử nếu ta xem lịch sử là một quá trình tiếp biến. Phản ánh luận của mác xít trên thực tế là là sự lí luận hoá mô hình thiết chế xã hội, nơi vật chất quyết định ý thức, văn chương là sự phóng chiếu,(văn chương là kết quả nảy sinh ra từ xã hội và là động lực của xã hội.)
Cả văn chương và lịch sử đều tồn tại trên cơ sở tính kế thừa. Thế nhưng lịch sử là sự kế thừa đơn thuần nếu lịch sử ấy được các sử gia xem xét một cách nghiêm nhặt, nghĩa là các sử gia đồng tình với quá khứ, còn văn chương là sự kế thừa có tính xét lại, nghĩa là vừa tiếp thu quá khứ vừa phải đối thoại với quá khứ, nếu không đối thoại với quá khứ văn chương mãi mãi nằm trong chết cứng, trong một trạng thái tĩnh ngột ngạt. Điều này lí giải tại sao văn học thế giới lại chứng kiến nhiều sự tái sinh Ơđíp, tái sinh Đônkihôtê, hay sự xuất hiện của cổ tích hiện đại, của thể loại nhại cổ tích, nhại lịch sử.
Văn chương và lịch sử còn có mối tương đồng trong bản chất, trong sự “viết”. Lịch sử là sự tiếp nối của những biến động, những biến động ấy được lưu lại bằng văn bản. Như vậy suy cho cùng lịch sử là một sự xây dựng. Sự xây dựng này trước hết phải có sự kiện khách quan, sau nữa phụ thuộc thế nhìn, vào cái nhìn của các sử gia. Và phải chăng chúng ta cần đặt câu hỏi: tại sao sự kiện này lại được xem là sự kiện lịch sử trong lúc sự kiện khác lại không được xem là sự kiện lịch sử? Điều này phụ thuộc vào cái mà trong văn chương gọi là “nhãn quan tự sự”. Nguyên tắc tự sự được xây dựng trên cơ sở điểm nhìn và giọng điệu, dựa trên cơ sở điểm nhìn và giọng điệu, nhà văn có thể mô tả sự kiện này hay sự kiện kia là tuỳ thích (phụ thuộc vào xúc cảm riêng). Do đặc điểm này mà văn chương luôn đầy ắp tính thực tại hiểu theo nghĩa rộng nhất của từ này. Về thực chất lịch sử không có gì khác chỉ có điều lịch sử tuân theo một thế nhìn (tính phiến diện), chúng ta luôn nhìn lịch sử từ những biến động chính trị mà chưa đứng trên góc nhìn khác (chẳng hạn có thể xét lịch sử từ góc độ văn minh).
Ngoài ra có một điều khác cần được nhắc đến đó là mối tương quan “liên văn bản” trong hai chuyên ngành. Lịch sử như đã nói là sự tiếp nối của những biến động, nó là câu chuyện khách quan nhưng khi phóng chiếu vào văn bản thì lịch sử ấy là sự dán ghép của nhiều văn bản, tức không có một văn bản nào trùng khít với diễn biến lịch sử. Và do đó xem xét lịch sử trên thực tế là xem xét tính văn bản của lịch sử. Điều này có liên quan đến vấn đề liên văn bản trong văn chương. Dù rằng văn chương là sân chơi của hư cấu còn lịch sử là khoa học của kỹ thuật ghi chép khách quan (văn chương thuộc về vấn đề chủ quan, lịch sử thuộc về khách quan). Trên cơ sở này có thể nói rằng: lịch sử là tiểu thuyết đã được hiện thực hoá, còn tiểu thuyết là một lịch sử đáng lẽ xảy ra.
Như vậy, có thể kết luận rằng, văn chương và lịch sử dầu thuộc về hai lĩnh vực khác nhau nhưng giữa chúng có nhiều mối tương đồng. Nếu ta hình dung văn chương và lịch sử như hai hình tròn thì hai hình tròn ấy có khi tách bạch nhau, có khi giao nhau và cũng có khi trùng khít nhau (tuỳ thuộc vào góc nhìn, vào tiêu chí đem ra để quan sát, đối sánh).
Hà Tĩnh, 03/08/2008