Home » » Thuồng Luồng - cá Sấu - Rồng

Thuồng Luồng - cá Sấu - Rồng

Written By kinhtehoc on Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012 | 05:53


Trên Năng Lượng Mới, Xuân Nhâm Thìn, 2012, tác giả An Chi có bài viết: “Năm Thìn, sao không là năm Long?” Qua tựa bài, công nhận rằng tác giả đặt vấn đề khá thú vị. Tuy nhiên, khi đọc nội dung chúng tôi thấy cách lý giải trong bài chưa thuyết phục, có những điểm cần xem lại. Chính vì thế chúng tôi viết bài trao đổi dưới đây để bạn đọc đối chiếu và nhận xét.

Ông An Chi viết: “ta không gọi năm con Rồng là năm Long mà gọi là năm Thìn là vì ta đặt cách gọi này vào phạm vi của thập nhị địa chi: Tí, Sửu, Dần, Mão (Mẹo), Thìn, Tị, Ngọ, Vị (Mùi), Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Trong phạm vi này, ta cũng không gọi năm con Trâu là năm Ngưu  mà gọi là năm Sửu ; không gọi năm con Cọp là năm Hổ  mà gọi là năm Dần ; không gọi năm con Rắn là năm Xà  mà gọi là năm Tị , không gọi năm con Ngựa là năm Mã  mà gọi là năm Ngọ , v.v..”;; “Sở dĩ “thìn” liên quan đến “rồng”, theo chúng tôi, là do mối quan hệ kép sau đây: 1. Thìn chính là một giống rồng; 2. Thìn còn là sấm mà con rồng thì lại chính là thần Sấm”.

 Điều không ổn đầu tiên của ông An Chi là khẳng định “Thìn chính là một giống rồng”, “Thìn còn là sấm” và “con rồng thì lại chính là thần Sấm. Chúng ta biết rằng chữ Long đã được tìm thấy trên Giáp Cốt 甲骨, tức đã được khắc trên mai rùa (giáp) và xương thú (cốt) từ thời nhà Thương (商朝) (1). Dĩ nhiên vào thời đó chữ Long có dạng ký tự khác với chữ Long 龍 ngày nay. Nhưng tại sao các nhà lịch pháp Trung Hoa cổ đại không sử dụng chữ Long 龍 mà lại dùng chữ Thìn 辰 trong mười hai địa chi? Xin thưa, Thập nhị địa chi (còn gọi là Địa chi 地支 hay Thập nhị chi 十二支) là phép tính thời gian, phương hướng, bốn mùa…kết hợp với Thập Can 十干 (Giáp, Ất, Bính, Đinh...) trong phép Can Chi 干支 để tạo ra chu kỳ 60 năm (còn gọi là Lục thập hoa giáp, bắt đầu từ Giáp Tí đến Quý Hợi). Theo Cựu Đường Thư 舊唐書 và Tống Sử 宋史 (hai bộ chính sử trong Nhị thập tứ sử của Trung Quốc) và bộ Luận Hành 論衡 (quyển 14) của Vương Sung 王充 (27-97) thì Can Chi được sử dụng khoảng gần cuối triều đại nhà Thương (TK 12 TCN), ban đầu chỉ dùng để ghi ngày, rồi dần dần về sau áp dụng để ghi cả năm, tháng và giờ. Đến đời Hán Quang Vũ Đế 漢光武帝 (6 TCN – 57) (2), Can chi mới kết hợp thêm 12 con vật (thập nhị sinh tiêu) làm biểu tượng, chính thức dùng để tính chu kỳ 12 năm. Vậy, trong thập nhị địa chi, cách gọi tên và chữ viết của các chi xuất hiện sớm hơn 1000 năm so với việc kết hợp 12 con vật vào Can Chi. Từ đó cho thấy rằng trong Thập nhị địa chi, chữ Thìn 辰 là từ được sử dụng trước, dùng để chỉ thời gian chứ không phải là rồng/long 龍, còn “rồng” xuất hiện sau nên chỉ được xem là biểu tượng của Thìn. Vì thế, ta không nên nhầm lẫn điều này. Theo chúng tôi, việc lấy 12 con vật của Hoàng đạo Trung Quốc làm biểu tượng là để dễ dàng ghi nhớ. Nhìn chung, biểu tượng này còn khá phổ biến trong những lĩnh vực khác, thí dụ như Dịch lý, tử vi, tướng số, bói toán và sấm vĩ …

Trở lại chữ Thìn 辰, trong một số tự điển Hán ngữ, chữ này có hai âm Hán Việt là Thần và Thìn. Chữ 辰 thuộc bộ Thần 辰, là chi thứ năm trong thập nhị địa chi, gọi là chi Thần (ta thường gọi là Thìn) dùng để chỉ thời gian, thí dụ: người xưa quan niệm một ngày có 12 giờ, mỗi giờ được gọi là “canh” (mỗi canh bằng 2 giờ ngày nay), do đó khi nói giờ Thìn là chỉ giai đoạn từ 7 giờ đến 9 giờ sáng; còn ngày Thìn là một ngày trong chu kỳ 12 ngày (bắt đầu từ ngày Tí đến ngày Hợi) gọi là Thiếp Thần . Trong 12 tháng thì tháng Thìn là tháng ba Âm lịch. Xét về phương hướng thì Thìn chỉ hướng Đông Nam; còn theo Ngũ hành thì Thìn tương ứng với Thổ; theo thuyết Âm – Dương thì Thìn là Dương… Chúng tôi thử tra cứu một số từ điển Hán ngữ, cố tìm xem trong đó có quyển nào công nhận “Thìn 辰 là một giống rồng” như ông An Chi tuyên bố, rất tiếc là không thấy (đã xem Tân Hoa tự điển 新华字典, Trung Quốc Bách khoa toàn thư 中国百科全书, Cao cấp Hán ngữ tự điển 高级汉语字典…). Có lẽ ông An Chi đã biết “tử huyệt” này nên củng cố bằng câu  “Thìn có nghĩa gốc (đã mất) là rồng”, với ý rằng “có tìm đi nữa sẽ vẫn không thấy”. Vậy, xin phép hỏi: ông dựa tài liệu nào để khẳng định như thế?

Còn trường hợp ông An Chi khẳng định “Thìn là sấm” và “rồng chính là thần Sấm” thì cũng cần xem lại. Ông Chi cho biết “Thuyết quái truyện” (Kinh Dịch) giải thích: “Chấn là sấm, là rồng”, rồi ông kết luận: “Sở dĩ có lời giảng như thế là vì rồng chính là thần Sấm”.

Chúng tôi đã tham khảo chữ Thìn 辰 và Long 龍/龙 trong những quyển từ điển Hán Ngữ kể trên, đặc biệt là trong Wikipedia Trung Văn 中文, vẫn không thấy định nghĩa “Thìn là sấm” hay “rồng là thần Sấm”. Còn xét về khái niệm Chấn, chúng ta biết rằng quẻ Chấn 震 hay Thuần Chấn là quẻ thứ 51 nằm trong phần Hạ kinh của Kinh dịch 易經 (có tổng cộng 64 quẻ). Quẻ Chấn có đồ hình là |::, với nội quái, ngoại quái  đều là ☳ (Chấn hay Sấm). Trong Đại Truyện Kim Chú 大傳今注 có câu: Chấn vi lôi. (…). Cổ nhân diệc thị vi thần vật. Cố Chấn  vi long 古人亦視為神物. 故震為龍, nghĩa là  “Chấn là sấm. (…). Người xưa cũng xem sấm là thần vật, do đó chấn là rồng”. Qua những câu như thế, có vẻ như “Chấn là sấm, là rồng” thật sự. Nhưng trên thực tế, cần phải hiểu rằng sấm và rồng chỉ là biểu tượng của quẻ Chấn, chứ không phải chính là quẻ Chấn. Đây là điều đã khiến ông An Chi nhầm lẫn.

Kế tiếp, rồng có phải là thần Sấm hay không? Theo truyền thuyết, rồng có thể phun lửa, tạo sấm sét và mưa, nhưng rồng không phải là thần Sấm như chúng ta đã biết. Ông An Chi dẫn chứng: “Trong đầm Sấm có thần Sấm, mình rồng mà đầu người, vỗ bụng (thành tiếng sấm)”. Vậy đã quá rõ. Vị thần có “mình rồng, đầu người” ấy chắc chắn không phải là con rồng mà chúng ta đang bàn rồi. Nếu là thần Sấm thì vị thần ấy chỉ ở đẳng cấp “đầm”, vô danh tiểu tốt. Vậy thần Sấm có “tầm quốc gia, quốc tế” là ai? Xin thưa, có nhiều vị thần Sấm với ngoại hình và tên gọi khác nhau tùy theo nền văn hóa và tôn giáo. Trong đạo Hindu, thần Sấm là Indra; trong đạo Shinto là Raijin らいじん; trong thần thoại Aztec là Tlaloc; trong nền văn minh Hy Lạp xưa gọi là Zeus; ở Bắc Âu gọi là Thor; ở Phần Lan gọi là Ukko…Riêng tại Việt Nam, theo bachkhoatrithuc.vn và Cao Đài từ điển thì “Thần sấm chính là Thiên lôi”, một vị thần cầm búa đã từng xuất hiện trong truyện cổ tích của nước ta. Ở Trung Quốc thần Sấm được gọi là Lôi Công 雷公 (có tên tiếng Anh là Lei Gong, Lei Kung hay Lei Shen/Thunder God). Lôi Công được mô tả là một kẻ đáng sợ, có những móng vuốt, cánh dơi, mặt xanh với cái mỏ chim và chỉ vận khố”. “Lôi Công mang một cái trống và dùi để tạo ra sấm sét và một cái đục để trừng trị kẻ ác”. / “Lei Gong is depicted as a fearsome creature with claws, bat wings, and a blue face with a bird's beak and wears only a loincloth”.“Lei Gong carries a drum andmallet to produce thunder and a chisel to punish evildoers”(Wikipedia). Tóm lại, với ngoại hình như thế thì chắc chắn thần Sấm không phải là con rồng như nhận xét của ông An Chi.  

Ông Chi viết tiếp: “thận  là con thuồng luồng (Xin x. Khang Hy tự điển, Từ nguyên, Từ hải, v.v.). Nghĩa này của chữ thận  cũng là nghĩa đã mất của chữ thìn  (chữ này hiện nay chủ yếu dùng để ghi và gọi tên của chi thứ năm trong mười hai địa chi)”.

Khi cho rằng “thận  là con thuồng luồng” thì ông Chi chỉ đúng một phần, bởi vì chữ thận 蜃 còn có nghĩa khác, một nghĩa quan trọng hơn, được sử dụng phổ biến hơn là thuồng luồng. Đó là từ dùng để chỉ động vật có vỏ, động vật hai mảnh vỏ hoặc thân mềm, thí dụ như con sò lớn, con hàu, con trai, xà cừ… (theo Thuyết văn giải tự 說文解字, Vĩnh Nhạc đại điển 永樂大典, Trung Quốc đại bách khoa toàn thư 中国大百科全书, Erya - bách khoa toàn thư của Trung Quốc…).  

Ông Chi khẳng định: thuồng luồng là một giống cá sấu”. Để chứng minh cho luận điểm này ông cho biết “trong Cổ sử Việt Nam (Nxb Xây dựng, Hà Nội, 1955), Đào Duy Anh đã viết: “Người mình gọi con crocodile (một loài cá sấu nhỏ – AC) là thuồng luồng mà sách chữ Hán của ta cũng gọi là giao long”. “Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên (Nxb KHXH, Hà Nội, 1967) cũng giảng thuồng luồng là “cá sấu” (nghĩa 2), bên cạnh nghĩa 1 là “loài vật dữ ở dưới nước, hình rắn, hay hại người”. Cái sai của ông An Chi là nhập nhằng giữa thuồng luồng và cá sấu.

Xét ở phạm trù hẹp, một số từ điển Anh-Anh định nghĩa crocodile là loài bò sát có da cứng, mõm dài, răng bén, sống ở sông và hồ trong những vùng nước nóng (hot) trên thế giới. (theo những từ điển do Cambridge University Press xuất bản: British English; American English, Business English, Learner's Dictionary, Essential British English, Essential American English). Còn xét ở phạm trù rộng thì theo Wikipedia, “một con crocodile là bất kỳ loài nào thuộc họ Crocodylidae (…). Ngoài ra, thuật ngữ này có thể được dùng một cách lỏng lẻo hơn để chỉ tất cả các thành viên hiện có của bộ Cá sấu Crocodilia”/A crocodile is any species belonging to the family Crocodylidae (…). The term can also be used more loosely to include all extant members of the order Crocodilia.

Vậy, xét cả phạm trù hẹp và rộng thì crocodile chỉ là danh từ chung nói về cá sấu, chứ không được định nghĩa chính xác là một loài cá sấu nào, do đó, thật khó mà đồng ý với ông An Chi rằng crocodile là “một loài cá sấu nhỏ”, bởi vì kích cỡ cá sấu có sự khác biệt giữa các loài, từ loài cá sấu nhỏ Osteolaemus tetraspis cho tới loài cá sấu nước mặn rất lớnCrocodylus porosus. Ta biết rằng loài Palaeosuchus và Osteolaemustrưởng thành chỉ dài khoảng 01-1,5m, song có những loài cá sấu khác lớn hơn khá nhiều, chúng dài trên 4,85m và nặng trên 1.200 kg. Xét về kỷ lục, theo Wikipedia, năm 1974, người ta đã bắn hạ một con cá sấu dài 6,2m trên sông Mary ở Northern Territory, nước Úc, nhưng đây chưa phải là con cá sấu lớn nhất, vì trước đó, vào năm 1926, người ta đã bắn hạ một con cá sấu dài khoảng 07m ở gần Dhamara, kích cỡ bộ sọ của nó bằng 1/9 tổng chiều dài cơ thể nó.

Kế tiếp, chúng ta thử tìm hiểu crocodile có phải là thuồng luồng hay giao long không. Chắc chắn là không, bởi vì crocodile là thuật ngữ nói về động vật có thật; còn thuồng luồng/giao long là sản phẩm tưởng tượng của con người, chỉ tính truyền thuyết, huyền bí. Hai phạm trù này đối lập nhau.

Crocodile là một từ trong tiếng Anh, có nguồn gốc từ chữ κροκόδιλος (crocodilos) trong tiếng Hy Lạp cổ đại, có nghĩa là “thằn lằn”, từng được sử dụng trong cụm từ ho krokódilos ho potamós, tức “thằn lằn của sông (Nile)”. Có một số hình thức biến đổi từ trong tiếng Hy Lạp đã được chứng minh, bao gồm hình thức κροκόδειλος (crocodeilos) từng được trích dẫn trong nhiều sách tham khảo bằng tiếng Anh. Chúng tôi chưa thấy quyển từ điển Anh - Anh nào giải thích rằng crocodile chính là thuồng luồng hay giao long. Vậy thuồng luồng/giao long là gì?

Trong Hán Việt từ điển trích dẫn, chữ Giao 蛟 (thuộc bộ trùng 虫) có nghĩa là Thuồng luồng. Thí dụ, trong Kí mộng 記夢, Nguyễn Du viết: Lam thủy đa giao li 藍水多蛟螭, nghĩa là “sông Lam có nhiều thuồng luồng và con li”. Chữ Giao 蛟 và Giao long 蛟龍 đều có nghĩa là thuồng luồng. Theo truyền thuyết, giao long là “một loại cá sấu có hình dáng giống như một con rắn khổng lồ. Có sừng giống một con rồng với cái bờm màu đỏ. Dưới phần giữa lưng có những vảy xếp ngược”/A kind of crocodile shaped like a huge serpent. Horned like a dragon, with a red mane. Below the middle of the back it has scales inversely arranged (Wikipedia). Vậy, nếu cho rằng giao long là con vật hư cấu từ cá sấu thì chấp nhận được. Nhưng khẳng định thuồng luồng/giao long (con vật tưởng tượng) chính là cá sấu (con vật có thật) thì hoàn toàn ngộ nhận. Cái sai của ông An Chi là nhập chung hai nghĩa trong từ điển tiếng Việt và hiểu chúng chỉ là một: thuồng luồng là“loài vật dữ ở dưới nước, hình rắn, hay hại người”(nghĩa 1) = “thuồng luồng là cá sấu” (nghĩa 2).

Ông Chi viết tiếp: “rồng ở đây thực chất và nguyên mẫu là cá sấu, như có thể thấy trong bài “Con rồng chẳng qua là con cá sấu «lên đời»” của Huệ Thiên, đăng trên Kiến Thức Ngày Nay số 340 (Xuân Canh Thìn, năm 2000). Còn trong tiếng Tày-Nùng thì luồng chính là rồng – mà theo chúng tôi thì tiếng Việt và tiếng Tày-Nùng có một mối quan hệ tế nhị về ngữ tộc (…) và ta có đẳng thức kép: – thuồng luồng = cá sấu = rồng”.

Thêm một lần nữa, ông An Chi ảo tưởng rằng: thuồng luồng = cá sấu = rồng. Rồng là khái niệm dùng để chỉ những con vật trong truyền thuyết, thần thoại và văn hóa dân gian của nhiều nước trên thế giới, trong đó phải kể đến Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Myanmar, một số nước ở Tây Á và Trung Á, kể cả phương Tây… Con rồng Trung Quốc ðýợc xây dựng theo nhiều thuyết khác nhau nên chúng có hình dáng khác nhau. Diện mạo con rồng Việt Nam cũng thay ðổi theo từng thời kỳ lịch sử. Con rồng có thể là hình ảnh tưởng tượng từ rắn và trăn (theo Văn Nhất Đa 聞一多, Hà Tinh Lượng 何星亮); từ sấm chớp (theo Chu Thiên Thuận 朱天順); từ cá sấu (theo Vương Đại Hữu 王大有); từ cầu vồng (theo Hồ Xương Kiện 胡昌健, Robert Blust); từ cây tùng (theo Doãn Vinh Phương 尹榮方)…; rồng cũng có thể là kết quả tổng hợp từ nhiều ðộng vật khác nhau. Theo Kim Lương Niên 金良年, rồng có “ðầu như lạc ðà, sừng giống nai, mắt như thỏ, tai giống trâu, cổ như rắn, bụng giống ếch, vẩy như cá chép, móng vuốt giống ðại bàng, lòng bàn chân nhý cọp”(頭 似駝,角似鹿, 眼似兔, 耳似牛, 項似蛇, 腹似蜃, 鱗似鯉, 爪似鷹, 掌似虎) (3). Trong Thuyết Văn Giải Tự, Hứa Thận viết: “龍 鱗虫之長 能幽能明 能細能巨 能短能長 春分而登天 秋分而潛淵” (rồng đứng đầu các động vật có vẩy, có thể ẩn hiện, biến nhỏ hóa to, ngắn hoặc dài, xuân phân thì bay lên trời, thu phân thì trầm sâu đáy vực) (4). Điều này cho thấy rồng chỉ là con vật huyền thoại, thiên biến vạn hóa, không có hình dáng nhất định (xem Hóa thư 化書, năm 930, một quyển sách nói về sự biến hóa, hợp nhất những nhân tố của tư tưởng đạo Lão, Phật và Nho Giáo).

Tóm lại, có nhiều giả thuyết khác nhau nói về rồng, song chưa có tài liệu nào ðủ sức thuyết phục, khẳng ðịnh chính xác là rồng bắt nguồn từ một hay nhiều vật tổ hoặc sự vật tổ nào. Vì thế, khẳng ðịnh rồng là cá sấu “lên ðời”, cho dù  phân tích từ chữ Long trên Giáp Cốt và những thời kỳ sau thì tất cả cũng chỉ là suy diễn cá nhân, “ăn theo” quan ðiểm rồng là hình ảnh hý cấu từ cá sấu, một giả thuyết ðã có từ rất lâu. Chữ long 龍 ở ðây là nói về loại rồng biết bay, chứ không phải là loại thuồng luồng hay cá sấu như cách giải thích của ông An Chi.  Cãn cứ vào Thuyết Văn Giải Tự, chữlong 龍 hình thành từ ba chữ: 1. Nhục 肉 (thịt, biến thể là 月); 2. Phi 飛 (bay); 3. Ðồng 童 (làm thanh phù, giản lược còn chữ lập 立 trên ðầu). Từ những yếu tố này chúng ta có thể kết luận: quan niệm rồng biết bay ðã có từ thời cổ ðại. Trong Hán ngữ, khi nói về cá sấu người ta sử dụng chủ yếu là từ Ngạc 鳄 và Ngạc khoa 鳄科, chứ không phải là Long 龍/龙. Vì thế, nếu cho rằng cá sấu là rồng thì ðã bước sang thế giới huyền bí. Nói cách khác, không nên ðánh tráo khái niệm thuồng luồng/giao long, áp ðặt nó và cá sấu thành con rồng trong tâm thức người Việt. Chúng ta biết rằng có nhiều loại rồng với tên gọi khác nhau, có thể sử dụng danh từ chung là Long 龍 hoặc gọi riêng là Ứng long 應龍 (rồng có cánh) hay Cầu long 虯龍 (rồng có sừng)…, nhưng không thể cho rằng thuồng luồng/giao long là con rồng. Trong từ ðiển tiếng Việt (Văn Tân chủ biên), ông An Chi cũng ðã từng trích dẫn ðịnh nghĩa: thuồng luồng là “loài vật dữ ở dưới nước, hình rắn, hay hại người”. Điều này cũng có thể thấy rõ trong bộ sử Hậu Hán Thư 後漢書, do Phạm Diệp 范曄 biên soạn vào thế kỷ thứ 5: người Việt xưa “có tục xăm hình thủy quái trên người để tránh giao long làm hại”. Và ý này cũng có trong Lĩnh Nam Chích Quái 嶺南摭怪, truyện họ Hồng Bàng 鴻龐: người Văn Lang thời đó  xuống nước đánh cá thường bị giống giao long làm hại nên có tục xâm ḿinh theo dạng thủy quái để tránh tai họa giao long”. Vậy đã quá rõ: thuồng luồng là loài vật dữ ở dưới nước, hình rắn chứ không phải là rồng. Chúng tôi nghĩ rằng không nên thấy những từ nào có chữ Long 龍 rồi ðều qui kết rằng ðó là rồng trong tâm thức người Việt (vài bài viết khác trên Internet cũng ðã nhầm lẫn về ðiều này).

Kế tiếp, ông Chi dẫn chứng: “trong tiếng Tày-Nùng thì luồng chính là rồng – mà theo chúng tôi thì tiếng Việt và tiếng Tày-Nùng có một mối quan hệ tế nhị về ngữ tộc”. Cứ cho rằng “luồng” trong tiếng Tày – Nùng có nghĩa là “rồng” như trong tiếng Việt đi nữa, nhưng không thể từ âm “luồng” rồi suy diễn để có kết quả: thuồng luồng = rồng như ông An Chi đã khẳng định.

Theo quan điểm ngôn ngữ học chính thống hiện nay của nước ta, tiếng Tày-Nùng thuộc nhóm ngôn ngữ Tày-Thái, hệ ngôn ngữ Thái-Kadai (5), trong khi đó tiếng Việt thuộc nhóm ngôn ngữ Việt-Mường, hệ ngôn ngữ Nam Á (6). Hai nhóm ngôn ngữ này khác nhau. Chúng tôi không phủ nhận một số từ trong tiếng Tày-Nùng có cách phát âm gần giống tiếng Việt và đồng nghĩa với tiếng Việt, song hiện tượng này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến nguyên nhân giao thoa, vay mượn lẫn nhau giữa các ngôn ngữ. Nhưng trong trường hợp này, khẳng định “luồng” trong tiếng Tày – Nùng là “thuồng luồng” trong tiếng Việt thì khó mà chấp nhận được. Bởi vì từ “luồng” (trong thuồng luồng) hay long, rồng trong tiếng Việt đều có nguồn gốc từ tiếng Hán. Theo Nguyễn Tài Cẩn (7), từ “rồng” được đưa vào tiếng Việt từ thời Tây Hán (202 TCN - 9 sau khi chúa Jesu ra đời) cho tới Đông Hán (23 – 220); còn “luồng” thì du nhập vào tiếng Việt khoảng thời kỳ đầu đến giữa đời Đường  (618 - 907), “long” được mượn khoảng cuối đời Đường. Nếu xét “mối quan hệ tế nhị về ngữ tộc” thì chắc chắn rằng tiếng Mường gần gũi với tiếng Việt hơn là tiếng Tày – Nùng, ấy là chưa kể những ngôn ngữ khác thuộc nhóm Việt-Mường cũng khá gần với tiếng Việt, thí dụ như tiếng Cuối, tiếng Arem, tiếng Chứt, tiếng Mã Liềng và tiếng Pọng. Nếu chịu khó tìm hiểu tiếng Việt qua các giai đoạn: Việt-Mường cổ, Việt-Mường chung, tiếng Việt cổ, tiếng Việt trung đại và hiện đại, ta sẽ thấy mối quan hệ ngữ tộc giữa tiếng Việt và nhóm ngôn ngữ Việt-Mường còn tế nhị hơn nhiều so với tiếng Tày-Nùng.

Ông Chi viết: “Trong hai năm 1987-88, tại Tây Thuỷ Pha 西水坡, thành phố Bộc Dương 濮陽, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), người ta đã khai quật 186 ngôi mộ thuộc nền văn hoá Ngưỡng Thiều, cách đây trên dưới 6.000 năm. Tại mộ M45, người ta đã tìm thấy hài cốt của một người lớn, mỗi bên có một tượng động vật đắp bằng vỏ sò; bên trái là tượng một con hổ, bên phải là tượng một con rồng. (…) . Một số tác giả khẳng định rằng đây là tượng Thương Long và Bạch hổ. Nhiều tác giả còn nâng cấp con rồng này lên thành “Trung Hoa Đệ Nhất Long” 华第一龙. Vậy đây là một con rồng như thế nào? Thưa đó chẳng qua là một con cá sấu không hơn không kém . Cứ nhìn vào toàn thân con vật bọc vỏ sò, nhất là cái mỏm chiếm đến 2/3 chiều dài của cái đầu rồi so sánh với mõm cá sấu bây giờ thì sẽ thấy ngay.

Chúng tôi thử đi tìm Trung Hoa đệ nhất long mà ông An Chi đã đề cập, để rồi thấy những hình ảnh từ hudong.com (Toàn cầu tối đại Trung văn bách khoa 全球最大中文百科) và dahe.cn (cổng thông tin mạng của chính quyền tỉnh Hà Nam - 河南省政府门户网):


H1 (nguồn: hudong.com)                                      


H2 (nguồn: dahe.cn)

Hai trang mạng trên giới thiệu những bài viết về Trung Hoa đệ nhất long, chúng tôi xin trích vài chi tiết bổ sung để bạn đọc tham khảo: bộ xương trong H1 là hài cốt của một người đàn ông trung niên, cao 1,84m; bên tay trái bộ xương là mô hình con hổ dài 1,39m, cao 0,63 m; bên phải là mô hình con rồng dài 1,78m, cao 0,67m. Nếu chúng ta đồng ý đây là con rồng và hổ thì dẫn tới nghịch lý: cách bố trí này không giống phương vị của thuật Phong thủy 風水. Trong Phong thủy, phần viết về Âm trạch 陰宅 (cuộc đất để chôn cất hay mồ mả) có câu: “Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ”, nghĩa là bên trái mộ (hay người chết) là rồng xanh, còn bên phải là hổ trắng. Xét về Dương trạch 陽宅 (cuộc đất để xây cất nhà) cũng vẫn là tả Thanh Long và hữu Bạch Hổ. Chúng ta biết rằng Thanh Long 青龍 và Bạch hổ 白虎 là hai khái niệm được sử dụng trong Phong Thủy và là hai thánh thú trong Tứ tượng của Thiên văn học Trung Quốc, bên cạnh Chu tước 朱雀 và Huyền Vũ 玄武. Thanh Long thuộc hành Mộc 木phương Đông; cònBạch hổ thuộc hành Kim phương Tây (xem phương hướng trong H3 và H4).


H3 (nguồn: vatgia.com)             


H4 (nguồn:  phongthuy.bantinnhadat.vn)

Nếu cho đầu hài cốt quay về hướng Nam, chân hướng Bắc thì ta sẽ có hình ảnh giống như trong H1: bên trái hài cốt là con hổ, bên phải là con rồng. Song điều này hoàn toàn sai với cách bố trí trong phong thủy, quan sát hai hình dưới ta sẽ thấy rõ điều này:

                     
H1 Rồng bên phải hài cốt
(sai Phong thủy)                                            


H5-1 Rồng bên trái ngôi nhà
 (đúng Phong thủy, nguồn: ngoisao.net)

Ngay cả trong Táng thư, một quyển sách kinh điển về Âm trạch (nằm trong bộ Tứ khố toàn thư), Quách Phác cũng cho rằng “Bên trái huyệt mộ là gò Thanh Long” và “Thanh Long kỵ quay lưng vào mộ”. Thế nhưng hình “con rồng” trong H1 lại cho thấy lưng quay về phía hài cốt, tức quay lưng về phía huyệt mộ theo hướng nằm của hài cốt. Như vậy thì không thể tránh Hung phùng Cát” 掙凶逢吉 theo phong thủy.
Tóm lại, đọc hết thông tin về Trung Hoa đệ nhất long của hai trang mạng trên, rất tiếc là chúng tôi không thấy một dòng nào miêu tả “con rồng” trong H1 là cá sấu. Có lẽ, để củng cố thêm quan điểm “rồng là cá sấu lên đời”, ông An Chi đã tưởng tượng con rồng trong H1 là cá sấu: vì nó có “cái mỏm chiếm đến 2/3 chiều dài của cái đầu”. Tuy nhiên, nhìn “con rồng” trong H1 chúng tôi thấy không giống cá sấu, bởi vì hàm trên và dưới của nó dầy hơn so với tỷ lệ mõm của cá sấu. Mặt khác, tư thế nằm của cá sấu là nằm sấp (bụng chạm đất), chứ không phải nằm nghiêng bất thường như “con rồng” trong H1. Thêm một khác biệt nữa: “con rồng” trong H1 cho thấy nhiều nhất chỉ có 4 ngón chân, trong khi đó cá sấu thật sự thì có 5 ngón chân (xem H5 và H6). 
  
                                                                             
H5-12/13 (nguồn: vietbao.vn)


H6 (nguồn: Wikipedia tiếng Anh)

Theo chúng tôi, do cách bố trí hai con vật trong H1 sai phong thủy nên chưa chắc đó là rồng và hổ, vì có thể người Trung Quốc muốn dựa vào bằng chứng khảo cổ ấy để khẳng định họ chính là “con cháu của rồng” như hai trang mạng trên cho biết. Nếu quan sát “con hổ” trong H1 chúng ta thấy rằng hình dạng của nó hoàn toàn khác con hổ ngoài đời, đặc biệt là ở cái mõm dài và nhọn hơn nhiều so với cái mõm của một con hổ thật sự.

Kết luận: Thìn không phải là sấm hoặc là một giống rồng, vì trong từ điển Hán ngữ chữ Thìn 辰 không có nghĩa là sấm và rồng; rồng cũng không phải là thần Sấm, vì thần Sấm “chính hiệu” theo cách hiểu của chúng ta là Thiên Lôi (Việt Nam) hay Lôi Công (Trung Quốc); crocodile cũng không phải là một loài cá sấu nhỏ, vì đây là danh từ chung chỉ nhiều loài cá sấu với kích cỡ khác nhau; thuồng luồng/giao long cũng không phải là cá sấu, vì chúng chỉ là hình ảnh hư cấu từ cá sấu; và chắc chắn rằng cá sấu cũng không phải là con rồng như chúng ta thường thấy trong thần thoại, truyền thuyết, kiến trúc, điêu khắc và hội họa…Tóm lại, không thể cho rằng thuồng luồng = cá sấu = rồng. Nếu  khẳng định “rồng là cá sấu lên đời”, thì đó cũng chỉ là một giả thuyết, bởi vì, còn những thuyết khác cũng khá nổi bật (và chưa chắc đúng), thí dụ: rồng là hình ảnh tưởng tượng từ trăn, rắn, hoặc dòng sông…Nếu tìm hiểu, người đọc có thể thấy những bài viết giải thích về nguồn gốc khác nhau của rồng trên sách, báo và Internet. Có một giả thuyết mà chúng tôi cho rằng cần quan tâm, đó là: rồng xuất phát từ cầu vồng, một quan niệm dựa trên cách nhìn về con rắn cầu vồng (rainbow serpent) có từ kỷ Pleistocene (kỷ Canh tân?). Mời bạn đọc xem bài The origin of Dragons của GS Robert Blust trên Anthropos, 2000 (8). Dĩ nhiên, đây chỉ là một gợi ý, chúng tôi không chứng minh cho giả thuyết này. Mục đích chính của chúng tôi là trao đổi về bài viết của ông An Chi.

Ghi chú: Để tìm hiểu về rồng một cách toàn diện, mời bạn đọc tham khảo những quyển sách sau: Big Book of Dragons, Monsters, and Other Mythical Creatures (Dover Pictorial Archive Series) - by Ernst Lehner, Johanna Lehner; Book of the Dragon - by Judy Allen, Jeanne Griffiths; Chinese Dragons - by Roy Bates; Dragonology (Ologies) - by Ernest Drake, Dugald; Dragonology (Hardcover) - by Dugald A. Steer; Dragons and Wizards CD-ROM and Book - by Marty Noble, Eric Gottesman; The Book of Dragons & Other Mythical Beasts - by Joseph Nigg; The Book of the Dragon - by H. Gustavo Ciruelo Cabral; The Rite (Forgotten Realms: The Year of the Rogue Dragons, Book 2) - by Richard Lee Byers; Dragonflight (Dragonriders of Pern Trilogy) - by Anne McCaffrey.
(1) Nhà Thương còn được gọi là nhà Ân (Ân đại 殷代) hay Ân Thương 殷商. Xét về lịch sử, đây là triều đại đầu tiên được công nhận là một triều đại Trung Quốc. Theo Lưu Hâm thì nhà Thương trị vì từ khoảng năm 1766 TCN tới khoảng năm 1122 TCN, tuy nhiên theo Trúc thư kỉ niên 竹書紀年 (Biên niên sử viết trên thẻ tre ) thì vào khoảng 1556 TCN đến 1046 TCN; còn theo Hạ Thương Chu đoạn đại công trình 夏商周断代工程 thì vào khoảng 1600 TCN tới 1046 TCN.
(2) Hán Quang Vũ Đế 漢光武帝 (6 TCN – 57), tên thật (húy) là Lưu Tú 劉秀, tự Văn Thúc 文叔, là vị Hoàng đế sáng lập nhà Đông Hán, trị vì từ năm 25 đến khi băng hà.
(3): Trung Quốc thần bí Văn hoá Bách khoa tri thức 中國神秘文化百科知識, trang 73, 1994.
(4): “Xuân phân, theo lịch Trung Quốc cổ đại, là điểm giữa của mùa xuân, nó là một trong hai mươi tư tiết khí trong nông lịch và tiết khí này bắt đầu từ điểm giữa mùa xuân.(…) Theo quy ước, tiết Xuân phân là khoảng thời gian bắt đầu từ khoảng ngày 20 hay 21 tháng 3 và kết thúc vào khoảng ngày 4 hay 5 tháng 4 trong lịch Gregory theo các múi giờ Đông Á khi tiết Thanh minh bắt đầu. Ở Nam bán cầu thì thời điểm đó lại là ðiểm thu phân.” “Tiết Thu phân, theo lịch Trung Quốc cổ đại, là tiết khí có khởi đầu bằng điểm giữa của mùa thu, nó là một trong hai mươi tư tiết khí trong nông lịch. (…) Theo quy ước, tiết thu phân là khoảng thời gian bắt đầu từ khoảng ngày 23 hay 24 tháng 9 khi kết thúc tiết bạch lộ và kết thúc vào khoảng ngày 8 hay 9 tháng 10 trong lịch Gregory theo các múi giờ Đông Á khi tiết hàn lộ bắt đầu. (…) Ở Nam bán cầu thì thời điểm đó lại là điểm diễn ra ðiểm xuân phân (Vernal equinox) tại bán cầu này”. (Wikipedia).
(5): Hệ ngôn ngữ Tai-Kadai, (các tên gọi khác bao gồm: ngữ hệ Tai-Kadai, hệ ngôn ngữ Kradai, ngữ hệ Kradai, hệ ngôn ngữ Thái-Kadai, ngữ hệ Thái-Kadai, ngữ hệ Tráng-Đồng, ngữ hệ Thái-Tạp Đại v.v), là một hệ ngôn ngữ bao gồm khoảng 70 ngôn ngữ tập trung tại Đông Nam Á và miền Nam Trung Quốc. Hiện nay ngữ hệ này được coi là bao gồm 5 nhánh chính: ngữ chi Lê (Hlai), ngữ chi Đồng-Thủy (Kam-Sui), ngữ chi Ngật Ương (Kra), ngữ chi Thái (Tai) và tiếng Ông Bối (OngBe hay Bê) với vị trí chưa rõ ràng. (Wikipedia).
(6): Ngữ hệ Nam Á hay hệ ngôn ngữ Nam Á là một tổng hợp bao gồm khoảng 168 ngôn ngữ (theo Ethnologue) tại miền nam của châu Á, tập trung tại Đông Nam Á và rải rác tại Ấn Độ cùng Bangladesh. Ngôn ngữ có nhiều người dùng nhất trong hệ thống này là tiếng Việt, với gần 77 triệu người, sau đó là tiếng Khmer, với khoảng 7 triệu người. Trong số các ngôn ngữ của ngữ hệ, chỉ có tiếng Việt, tiếng Khmer và tiếng Môn là có lịch sử được ghi chép lại lâu dài và chỉ có tiếng Việt cùng tiếng Khmer là các ngôn ngữ có địa vị ngôn ngữ chính thức (tương ứng tại Việt Nam và Campuchia). Các ngôn ngữ còn lại chỉ được một thiểu số người sử dụng. (Wikipedia).
(7): Nguyễn, Some evidences on linguistics, character and culture, Hanoi National University Publisher, (Nguyễn Tài Cẩn, Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hoá, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000).
(8): The Origin of Dragons (Nguồn gốc của rồng) by Robert Blust,Anthropos, Bd. 95, H. 2. (2000), pp. 519-536, dài tổng cộng 18 trang với phần giới thiệu tóm tắt: “This paper addresses a question that has puzzled scholars for more than a century: "Why is a belief in dragons found over much of the earth?" It argues that dragons evolved from rainbows through the concept of the rainbow serpent, a concept that itself extends far back into the Pleistocene. In this perspective many seemingly arbitrary traits which are widely associated with dragons are seen to have a physical explanation”.

Vương Trung Hiếu
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved