Chương Hai
CUỘC HÀNH TRÌNH SANG ẤN ĐỘ
I
Ngày dời Trụ Sở Hội Quán của chúng tôi càng đến gần, thì bà HPB càng phấn khởi hơn trong việc ca tụng xứ Ấn Độ, người Ấn Giáo, toàn thể phương Đông và người Đông phương nói chung, và càng hăng tiết chỉ trích người Tây phương, những tập quán xã hội, óc độc tài tôn giáo và những lý tưởng hẹp hòi nói chung của họ.
Có những đêm hào hứng sôi nổi diễn ra tại “Lạt Ma Viện”, trong những đêm đó, có xảy ra một chuyện đáng kể. Nhà nghệ sĩ Walter Paris, một trong những hội viên đắc lực nhất đã từng sống vài năm ở Bombay với chức vụ kiến trúc sư của chánh phủ, đã thích thú nói chuyện với chúng tôi về xứ Ấn Độ. Nhưng y không có lòng kính trọng đặc biệt đối với Ấn Độ và lòng ưu ái đối với dân tộc xứ ấy như chúng tôi, nên y thường làm phật lòng bà HPB với những lời lẽ mà tôi cho rằng theo lập trường của giới cai trị Anh Ấn.
Một đêm nọ, y nói chuyện về một người gia nô của y đã làm một việc lỗi lầm ngu ngốc trong khi thắng một cỗ yên ngựa, và thản nhiên nói rằng y đã quất người ấy bằng roi vọt. Ngay tức khắc, dường như bị cú roi vọt ấy quất vào mặt mình, bà HPB chồm hẳn dậy, đứng ngay trước mặt người kia, và trong một tràng độc thoại kéo dài độ năm phút, bà cho y một trận sửa sai và quở trách nặng nề đến mức làm cho y ngồi im không thốt ra được một lời nào. Bà lên án hành động của y như một cử chỉ hèn mạt, và nhân dịp ấy bà ứng khẩu thốt ra một bài luận thuyết hùng hồn chỉ trích cách đối xử của giới cai trị Anh Ấn đối với các chủng tộc Đông phương.
Đó không phải là một trường hợp đơn độc về mối bất bình của bà đối với cách sử xự của người Tây phương; bà vẫn luôn luôn giữ một thái độ đó trong nhiều dịp khác nữa, và tôi đã thường thấy bà biểu lộ hào khí và ăn nói bạo dạn y như vậy trong nhiều lần tiếp xúc với những viên chức cao cấp Anh Ấn ở Allahabad, simla, Bombay, Madras, và ở các nơi khác.
Khi cuộc hành trình sang Ấn Độ của chúng tôi đã được quyết định, tôi bắt đầu thu xếp mọi công việc riêng của tôi vào mùa thu năm 1878. Việc trao đổi thư từ vẫn tiếp tục với các bạn đạo ở Bombay và Tích Lan (một số Phật Tử và tín đồ Ấn giáo đã gia nhập Hội Thông Thiên Học bằng thơ từ). Chúng tôi không công khai tuyên bố ý định xuất hành, nhưng các bạn bè thân hữu đến đầy nhà khi họ biết được tin chúng tôi sắp ra đi. Những lời ghi chép của bà HPB trong tập Nhật Ký của tôi khi tôi thường vắng mặt tại New York trong những tuần lễ cuối cùng, diễn tả sự hối thúc của các Chân Sư mong muốn chúng tôi lên đường càng sớm càng hay. Ngày 22 tháng 10, bà viết:
“N. xuất ra và S. nhập vào(thể xác của bà) với mật lệnh của Q.T.H. dạy phải hoàn thành tất cả mọi việc vào đầu tháng 12”.
Câu ấy ngụ ý có sự thay đổi cá tính của các Nhân Vật mượn xác bà HPB, và các đoạn nhật ký với những lời ghi bằng những tuồng chữ khác nhau cũng xác nhận việc ấy.
Một đoạn Nhật Ký tương tự ngày 14 tháng 11 nói rằng chúng tôi phải cố gắng tối đa để lên đường trước ngày 20 tháng 12 là kỳ hạn cuối cùng.
Ngày 22 tháng 11, những thượng lệnh khẩn cấp khác nữa cũng đến bằng một đường lối ấy, và chúng tôi được lệnh phải bắt đầu chuẩn bị rương tráp hòm xiểng. Nhiều bạn Đạo muốn tháp tùng đi theo chúng tôi sang Ấn Độ, và vài người cũng đã cố gắng sửa soạn chuyến đi, nhưng sau cùng chỉ có hai người là cô Bates, một cô giáo người Anh, và ông Wimbridge, một họa sư và kiến trúc sư, cùng đi với chúng tôi. Kể từ đó, các thượng lệnh vẫn tiếp tục đến luôn luôn không ngớt và hối thúc chúng tôi lên đường.
Những quan khách đến viếng thăm dồn dập và vãng lai nhộn nhịp, có những bài vở xuất hiện trên các báo nói về chuyến đi của chúng tôi và những bài trả lời của bà HPB. Ngày 13 tháng 12, tôi nhận được một bức thơ viết tay của Tổng Thống Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ giới thiệu tôi cho tất cả các viên Đại Sứ và Lãnh Sự Hoa Kỳ ở hải ngoại; và một thẻ thông hành đặc biệt của Bộ Ngoại Giao giống như những thẻ thông hành cấp cho các nhà ngoại giao Mỹ, với một sứ mạng tường trình cho chính phủ về triển vọng và khả năng nới rộng những quyền lợi thương mãi của Hoa Kỳ ở Á Châu. Những văn kiện nầy đã tỏ ra có tác dụng hữu ích về sau ở Ấn Độ, khi bà HPB và tôi bị nghi ngờ là nhân viên gián điệp của Nga! Những chi tiết của sự diễn biến khôi hài nầy sẽ được tường thuật vào đúng chỗ của nó ở một chương sau.
Trong những ngày cuối cùng, tôi không hề nghỉ ngơi được chút nào, thường ngồi thức suốt đêm để viết thơ, hoặc di chuyển thường xuyên đến các thành phố xa gần để thu xếp công việc, và ăn uống rất thất thường trong khi di chuyển: trong khi đó thì luôn luôn vang dội những mật lệnh hối thúc chúng tôi phải lên đường trước ngày 17 tháng 12 là kỳ hạn chót. Tuồng chữ của bà HPB có vẻ nguệch ngoạc, và trong đoạn Nhật Ký đề ngày 15 tháng 12, tôi nhận thấy có hai lối viết khác nhau của tuồng chữ bà như đã nói trước đây, chứng tỏ rằng có hai vị Chân Sư đã mượn xác của bà trong đêm hôm đó.
Ngày 17 tháng 12 là ngày cuối cùng của chúng tôi trên đất Mỹ. Đoạn Nhật Ký của bà HPB viết:
“Một ngày đáng ghi nhớ! Olcott trở về lúc bảy giờ tối với những vé tàu “Canada” và ngồi viết thơ đến 11 giờ 30. Maynard mời HPB dùng cơm tối tại nhà y. Bà về nhà lúc chín giờ. Đến gần mười hai giờ đêm, HSO và HPB rời khỏi nhà bước lên xe ngựa để ra bến tàu”.
(Hãy nhận xét người viết luôn luôn đề cập đến bà HPB với nhân vật đại danh từ ở ngôi thứ ba).
Thế là chấm dứt giai đoạn đầu tiên của lịch sử Hội Thông Thiên Học, với cuộc khởi hành của hai nhà sáng lập rời khỏi Mỹ Quốc.
Sau lưng họ là một dĩ vãng ba năm tranh đấu; với những chướng ngại đã vượt qua; những kế hoạch đã thức hiện được vài phần; những công lao trước tác sách vở; những bạn bè bỏ cuộc nửa chừng; những kẻ thù nghịch phải đối phó; và với việc đặt nền tảng rộng lớn cho cái cơ cấu vĩ đại được xây dựng lên trải qua thời gian để quy tựu các quốc gia, cái thành quả nầy, hồi đó họ không thể ngờ trước được. Bởi vì họ đã xây dựng một công trình Những gì còn thuộc về tương lai, chúng tôi không thể tiên liệu trước. Ý nghĩ về sự phát triển thần diệu lạ lùng của Hội Thông Thiên Học, không hề thoáng qua chí đến trong những ước mơ của chúng tôi.
Một bạn đạo của chúng tôi tuyên bố rằng Hội Thông Thiên Học đã chết một cách tự nhiên trước khi chúng tôi lên đường sang Ấn Độ. Sự thật là trong những năm đầu ở New York, Hội tương đối bất động và không có làm gì đáng kể, nhưng nó bắt đầu phục sinh kể từ khi Trụ Sở Hội được dời sang Ấn Độ.
Chiếc “Canada” tách rời khỏi bến vào ngày 18 và phải đợi cho nước thủy triều lên cao mới ra khơi vào trưa ngày 19 tháng 12. Sau cùng, chiếc tàu đã vượt ra biển đại dương màu xanh biếc trực chỉ vùng Đất Hứa của chúng tôi. Lòng tôi tràn đầy một lòng hứng khởi và triển vọng tương lai đến mức tôi không còn muốn đứng trên sàn tàu để ngắm nhìn cảnh tượng đất Mỹ lui dần rồi tan biến khỏi tầm mắt mình, mà liền đi xuống phòng “cabin”của tôi để tìm vị trí hải cảng Bombay trên tấm bản đồ của xứ Ấn Độ.
II
Tuy chúng tôi rời khỏi cảng New York ngày 17 tháng 12 năm 1878, chúng tôi vẫn chưa ra khỏi hải phận Mỹ cho đến trưa ngày 19, vì bị nước ròng vào ngày 18 và tàu phải bỏ neo ở vịnh Lower Bay để chờ con nước lên. Bạn đọc hãy tưởng tượng tâm trạng của bà HPB nếu bạn có thể! Bà quở trách, quát tháo vị thuyền trưởng, viên hoa tiêu, các kỹ sư, chủ tàu, và cả những con nước thủy triều lên xuống!
Sau hơn hai tuần vượt biển Đại Tây Dương, vào ngày đầu năm 1879, tàu tiến vào hải phận Anh trong một biển sương mù dầy đặc, giống như cái tương lai hãy còn mờ mịt của chúng tôi. Sáng ngày hôm sau, tàu cặp bến Gravesend, tại đây chúng tôi đáp xe lửa đi Luân Đôn, và thế là kết thúc giai đoạn đầu của cuộc hành trình. Đến thủ đô Anh Quốc, chúng tôi được Tiến sĩ Billing và phu nhân tiếp đón nồng hậu tại tư gia của họ ở vùng ngoại ô Norwood Park, ngôi nhà nầy đã trở nên trung tâm quy tựu tất cả những bạn đạo và thư tín viên của chúng tôi ở Luân Đôn kể từ khi đó. Ngày 15 tháng 1, tôi chủ tọa một phiên họp của xứ bộ Thông Thiên Học Anh Quốc, để bầu cử một ban Chấp hành và bàn về nhiều vấn đề linh tinh khác.
Thời gian của chúng tôi ở Luân Đôn hoàn toàn bận rộn với những công việc Hội, tiếp khách, và đi viếng thăm viện Bảo Tàng Anh cùng những nơi khác. Ngoài ra cũng có những màn trổ phép thuật thần thông của bà HPB và những buổi họp đàn với bà Hollis-Billing và vong linh khuất mặt mệnh danh “Ski”, mà toàn thể các giới Thần Linh Học đều biết tên.
Diễn biến kỳ diệu nhất trong thời gian chúng tôi ở Luân Đôn là việc gặp gỡ một vị Chân Sư khi tôi và hai bạn đạo cùng nhau đi dạo chơi trên đường lộ Cannon Street. Sáng hôm đó sa mù dầy đặc đến nỗi người ta không nhìn thấy bờ bên kia đường, và cả thành phố đều hoàn toàn mờ mịt. Hai bạn tôi nhìn thấy Ngài trước nhất, còn tôi lúc ấy mắc lo nhìn quanh nên không để ý. Khi hai bạn tôi thốt lên một tiếng kêu ngạc nhiên, tôi mới quay đầu nhìn lại và gặp cái nhìn của Chân Sư, khi ấy Ngài cũng vừa quay đầu nhìn lại đằng sau. Tôi nhận ra Ngài không phải như một người quen biết thường, mà là nhận ra gương mặt của một đấng Cao Cả, vì gương mặt ấy khi người ta đã gặp một lần thì không bao giờ có thể lầm lẫn. Cũng như ánh sáng huy hoàng chói rạng của Mặt Trời so với ánh sáng nhẹ nhàng êm dịu của Mặt Trăng, vốn có một sự khác biệt rõ ràng giữa sự sáng sủa dịu hiền trên gương mặt một người hiền lương của thế tục, và sự sáng lạn huy hoàng rực rỡ trên gương mặt của một vị Siêu Nhân, nó phản ảnh cái ánh sáng bên trong của tinh thần đã thức tỉnh về phương diện tâm linh và hoàn toàn giải thoát.
Chúng tôi ba người cùng dạo chơi trong thành phố và cùng về một lượt, nhưng khi vừa bước vào nhà thì đã nghe bà Billing và bà HPB nói cho chúng tôi biết rằng Chân Sư đã đến đây và Ngài có nói đã gặp chúng tôi đi chơi ngoài thành phố. Ngài cũng có nêu đích danh của cả ba người. Câu chuyện của bà Billing thuật lại rất thú vị. Bà nói rằng cửa trước vẫn đóng và khóa chặt như thường lệ, và không ai có thể vào nhà mà không reo chuông báo hiệu. Tuy nhiên, khi bà rời khỏi phòng khách đi qua hành lang để đến phòng bà HPB, thì bà suýt đụng phải một người lạ mặt hình dung cao lớn, đứng sững ngoài hành lang trước cửa buồng của bà HPB. Bà diễn tả người ấy như là một người Ấn Độ có cái tác phong sang quý, với đôi mắt sáng và cái nhìn như soi thấu lòng người. Lúc ấy bà ngạc nhiên đến nỗi không thốt ra được một lời nào, nhưng người lạ mặt nói: “Tôi muốn gặp bà Blavatsky”,và tiến về phía cửa buồng của bà HPB. Bà Billing đích thân mở cửa cho Ngài và mời Ngài vào. Ngài bước vào phòng, tiến đến gần bà HPB, chào bà theo cung cách của người phương Đông, và bắt đầu nói chuyện với bà HPB bằng thứ ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ đối với bà Billing, tuy rằng bà nầy, với tư cách một người đồng tử công cộng với nhiều năm thực nghiệm, đã từng tiếp xúc với mọi hạng người của nhiều xứ khác nhau. Tự nhiên bà Billing đứng dậy để bước ra ngoài, nhưng bà HPB mời bà ở lại và bảo bà đừng để ý về việc hai người nói chuyện với nhau bằng một thổ ngữ lạ, vì họ cần thảo luận với nhau về một việc đạo sự trên phương diện huyền linh.
Không biết rằng người khách Ấn Độ bí mật nầy có trợ giúp thêm thần lực cho bà HPB hay không thì tôi không thể nói, nhưng khi ngồi vào bàn ăn tối hôm đó, bà làm cho vị nư gia chủ rất vui mừng thích thú khi bà thò tay xuống dưới mặt bàn rồi lấy lên cho bà kia một ấm trà Nhật Bổn bằng sứ rất đẹp, dường như do lời yêu cầu của chủ nhà, tuy rằng tôi không chắc lắm về chi tiết nầy.
Ngày 15 tháng 1, chúng tôi sửa soạn điLiverpool để đáp tàu “speke Hall” đi Ấn Độ qua ngã Địa Trung Hải, Hồng Hải và Ấn Độ Dương trực chỉ Bombay. Đúng một tháng sau, ngày 15 tháng 2, chúng tôi đã lọt vào hải phận Ấn Độ và sáng ngày hôm sau, tàu đã cặp bến hải cảng Bombay. Đêm hôm đó, tôi đã ngồi trên sàn tàu đến một giờ sáng để ngắm nhìn bầu trời xanh biếc hùng vĩ của xứ Ấn Độ, và vận hết nhỡn lực nhìn lên bờ để mong nhìn thấy ánh sáng đầu tiên của thành phố Bombay.
Sau cùng, từ đàng xa một ngọn đèn nhỏ xuất hiện trên mặt biển, và tôi liền trở về ca bin để dưỡng sức cho cái thể xác mỏi mệt được nghỉ ngơi để còn chờ đón công việc của ngày mai. Trước khi mặt trời mọc, tôi lại trở lên sàn tàu, và khi chiếc tàu lướt trên mặt nước, tôi ngắm nhìn và thưởng thức cảnh tượng hải cảng Bombay diễn ra trước mắt tôi. Động Voi (Elephanta Cave) ngay trước mặt là địa điểm đầu tiên mà chúng tôi muốn được xem, vì đó là cái kiểu mẫu điển hình của xứ Ấn Độ cổ xưa, tức đất Tây Trúc thiêng liêng cổ kính của muôn đời (Bharata-Varsha),mà chúng tôi vẫn chiêm bái tận đáy lòng và ước mong được thấy phục sinh trở lại nơi xứ Ấn Độ ngày nay. Nhưng than ôi! Khi chiếc tàu lượn vòng quanh ngọn đồi Malabar Hill, thì sự mơ ước của chúng tôi liền tiêu tan ra mây khói. Cảnh tượng mà chúng tôi thấy ngay trước mắt đó là một xứ Ấn Độ tân thời với những dinh thự, lầu đài nguy nga tráng lệ, lồng trong cái bối cảnh xinh tươi của những công viên được chăm sóc lịch sự theo kiểu du nhập từ Anh Quốc, và bao phủ chung quanh với tất cả những dấu hiệu giàu có sung mãn thu hoạch được bằng các nghiệp vụ kinh doanh thương mãi. Xứ Tây Vực cổ kính của thời đại Elephanta đã bị xóa nhòa bởi sự lộng lẫy huy hoàng của một nền trật tự mới, trong đó triết học và tôn giáo không có dự phần, và lòng tôn sùng nhiệt thành nhất được đặt vào hình ảnh của thần tượng Nữ Hoàng trên tờ giấy bạc Ru bi! Bây giờ thì chúng tôi đã quen với tình trạng đó, nhưng lần đầu tiên cảnh tượng đó gây cho chúng tôi cái cảm giác đau lòng của sự thất vọng chua cay.
Tàu chưa bỏ neo để cặp bến thì đã có ba người Ấn sắc phục chỉnh tề đến tìm chúng tôi. Đó là Mulji Thackersey, Krishnavarma và Sitaram, đã gia nhập Hội Thông Thiên Học bằng thơ từ và được cấp chứng thư của Hội. Ba người này đã ngủ đêm trên một chiếc giang đỉnh nhỏ để đợi tàu cặp bến và lấy làm vui mừng mà tiếp đón chúng tôi cũng như chúng tôi rất vui mừng mà đến xứ họ. Chúng tôi bốn người cùng với họ xuống chiếc giang đỉnh để vào bến. Khi vừa đổ bộ lên đất liền, cử chỉ đầu tiên của tôi là cúi rạp xuống hôn bực tam cấp bằng đá, một hành động chiêm bái do bản năng thúc đẩy tự nhiên của tôi! Đây là cái giờ phút chờ đợi từ lâu, nay mới là lúc chúng tôi đã thật sự đặt chân lên giải đất thiêng liêng, nơi đất lành của các Chân Sư, quê hương của các tôn giáo cổ từ ngàn đời, xứ sở của những huynh đệ đồng môn cùng một lý tưởng tâm linh với chúng tôi, và cùng sống chết với họ là tất cả những gì chúng tôi có thể mong ước. Tất cả những gì mà người ta đã nói với chúng tôi trên tàu về những thói hư, tật xấu của họ như sự nhu nhược tinh thần, thói a dua, nịnh hót, bợ đỡ, sự bất trung bất tín của họ, nay đã bị quên mất hết cả. Đó là bởi vì chúng tôi thương yêu họ vì những truyền thống tổ tiên của họ và thậm chí, vì những điểm thiếu sót bất toàn của họ như thế nào. Ít nhất đối với tôi, cái cảm nghĩ đó vẫn còn nguyên vẹn cho đến ngày nay. Tôi cảm thấy thực sự rằng dân tộc họ là dân tộc của tôi, quê hương xứ sở họ là quê hương xứ sở của tôi: ước mong sao những ân huệ của các đấng Chân Sư Minh Triết luôn luôn đến với họ và che chở họ mãi mãi!
III
Những đường phố của Bombay có một tính chất đặc biệt Đông Phương nó làm cho chúng tôi vô cùng thích thú. Những dinh cơ nguy nga đồ sộ, những sắc phục màu mè sặc sỡ của dân bổn xứ gồm đủ mọi thành phần vô cùng phức tạp, những xe cộ hình dáng dị kỳ, cái cảm giác mới mẻ lạ lùng mà toàn thể cảnh tượng đó gây ra do cái thẩm quan mỹ thuật của chúng tôi, và niềm phúc lạc thần tiên được đạt tới mục đích cuộc hành trình sau những chuỗi ngày khắc khoải chờ mong kéo dài, để đến giải đất của những dân tộc mệnh danh “ngoại đạo” thân yêu của chúng tôi, để tiếp xúc và sống chung với họ chúng tôi đã vượt qua bao vùng biển cả trùng dương và chạm trán với bao cơn giông tố bão bùng, tất cả những cảm giác, ấn tượng sống động đó làm cho lòng chúng tôi tràn ngập một niềm sung sướng hạnh phúc khôn tả.
Chiếu ngày 17 tháng 2, một cuộc tiếp tân được tổ chức tại tư gia một bạn đạo với ba trăm quan khách được mời đến để gặp gỡ chúng tôi. Như thường lệ trong những dịp nầy có đọc diễn văn chúc mừng, với những tràng hoa trồng vào cổ và nước hoa rẩy vào người chúng tôi theo phong tục bổn xứ. Bà HPB, ông Wimbridge, ông Scott và tôi đều có đáp từ tùy theo khả năng và tùy hứng của mỗi người, và cơn xúc động sâu xa trong lòng đã khiến cho tôi rơi nước mắt.
Ngày hôm sau, chúng tôi được mời đi tham dự cuộc lễ kỷ niệm “Shivaratri” của Ấn Giáo tại Động Voi. Sau đó, chúng tôi hàng ngày đều có quan khách đến viếng nườm nượp mỗi lúc càng đông, trong số đó có các gia đình cư sĩ tại gia người Parsi (Hỏa Giáo), người Ấn Giáo, các tu sĩ xuất gia, tăng lữ Kỳ Na Giáo (jain)v.v….Có những mâm lễ vật hoa quả được gởi đến tặng chúng tôi với những thông điệp chào mừng. Một đêm văn nghệ đặc biệt với vở kịch Ấn Độ “Sitaram” được trình diễn cho chúng tôi xem tại Hí Viện Elphinstone.
Ngày 7 tháng 3, chúng tôi dời chỗ ở đến một ngôi biệt thự nhỏ ở số 108, đường Girgaum, chúng tôi ở luôn tại đây suốt hai năm liền, và dùng nơi đó làm Tổng Bản Dinh Hội Thông Thiên Học Thế Giới. Bạn Mulji có tìm được cho chúng tôi một đứa tớ trai chừng mười lăm tuổi tên Babula mà ai cũng biết lòng trung tín của nó đối với bà HPB thật là tuyệt đối cho đến khi bà rời khỏi xứ Ấn Độ.
Mỗi đêm chúng tôi đều có quan khách đến viếng, trong những dịp có những vấn đề triết học, siêu hình và khoa học rắc rối khó khăn nhất được đem ra thảo luận. Chúng tôi sống và thở trong một bầu không khí tinh thần, trí tuệ, với những lý tưởng tâm linh cao cả nhất. Trong cái bối cảnh tinh thần đó, lần đầu tiên đã xuất hiện những bạn đạo cùng đồng thanh khí với chúng tôi, những người này về sau đã có liên hệ mật thiết với sự tiến triển của phong trào Thông Thien Học. Trong số những người bạn mới của chúng tôi lúc ấy, có hai anh em MM. và AM. Kunte, người anh là một giáo sư kiêm học giả ưu tú về môn Phạn Ngữ, còn người em là một vị bác sĩ giảng khoa Cơ Thể Học tại trường Đại Học Y Khoa ở Bombay. Người bác sĩ nấy đã tỏ ra thiếu sự can đảm tinh thần đến một mức độ tuyệt vọng, nó khêu gợi lòng khinh bỉ của tôi. Y là một thành viên trong Hội Đồng Quản Trị của Hôi Thông Thiên Học, được đối xử trên một cương vị bình đẳng và thân hữu mật thiết với chúng tôi. Lúc đầu y rất nhiệt thành với Hội, sẵn lòng trợ giúp và ứng đáp rộng rãi mọi nhu cầu của chúng tôi; y cung hiến nhà ở, tài sản, xe ngựa của y cho chúng tôi tùy nghi sử dụng; y thật sự coi chúng tôi như anh em một nhà. Bỗng nhiên, một ngày nọ, tên gia nô của y đem đến cho tôi một bức thơ từ chức và xin ra khỏi Hội mà không một lời giải thích lý do. Tôi còn không tin nơi thị giác của tôi, và nghĩ rằng đó chắc là một trò đùa vô lý, nhưng khi tôi hối hả đến nhà y thì mới bật ngửa người ra mà nghe y nói rằng đó là sự thật. Sau nhiều lần cật vấn về lý do của sự việc ấy, tôi mới biết rõ sự thật. Vị Khoa Trưởng Trường Đại Học Y Khoa đã khuyên y nên chấm dứt mọi liên hệ với chúng tôi, vì Hội Thông Thiên Học đã bị chánh phủ Anh Ấn nghi ngờ là có những ý đồ và mục tiêu chính trị! Như vậy, thay vì mạnh dạn đứng ra binh vực chúng tôi và tuyên bố rằng Hội Thông Thiên Học hoàn toàn không dính dáng gì đến vấn đề chính trị, mà y, với tư cách là một bạn thân của chúng tôi và là một thành viên Hội Đồng Quản Trị của Hội, đã có thể làm một cách dễ dàng, người bác sĩ giàu có phong lưu nầy, mà vấn đề sinh kế không lúc nào tùy thuộc vào cái số lương chết đói của chính phủ, lại chay thẳng một mạch về nhà và đặt sự hèn nhát của y trên giấy trắng mực đen! Người biết chuyện sẽ hiểu cái cảm giác khinh bỉ của tôi đối với y luôn luôn từ đó về sau. Ngày hôm sau, tôi viết thơ cho vị giáo sư Phạn Ngữ nói rằng vì người em ruột của y thấy có điều bất lợi trong việc liên hệ với Hội Thông Thiên Học, nên tôi hy vọng rằng không một sự e ngại tế nhị nào có thể ngăn sự rút lui của y nếu y cũng chia sẻ sự băn khoăn ấy. Sự trả lời của y là một lá đơn từ chức viết tay!
Trong một trường hợp khác, với một bạn đạo Ấn Độ mà tôi biết rằng vấn đề sinh kế của y tùy thuộc vào số lương nghèo nàn của chính phủ đài thọ là bốn chục Ru bi mỗi tháng, tôi nói:
_Anh Martandras Bhai, thí dụ như sáng mai đến sở làm, anh thấy trên bàn giấy của anh một bức thơ nói rằng anh hãy chọn một trong hai điều, là chỗ làm của anh với Hội Thông Thiên Học, bởi vì chúng tôi bị nghi ngờ là có âm mưu chính trị, thì chừng đó anh sẽ nghĩ sao?
Người bạn kia lộ vẻ đăm chiêu nghĩ ngợi, nét mặt cứng rắn như người sắp phải quyết định một việc nghiêm trọng, và kế đó với đôi môi mím chặt và một cái lắc đầu, y bèn đáp một cách quyết liệt:
-Tôi…tôi không thể làm trái với lương tri của tôi!
Tôi bèn ôm chầm lấy y và kêu to với bà HPB ở phòng kế bên:
-Qua đây! Bà hãy qua đây để nhìn xem một người Ấn Độ chân chính và một con người can đảm !...
Tên họ người ấy là Martandras Babaji Nagnath; y là một người Bà La Môn thuộc tiểu bang Maratha.
IV
Những quan khách dủ các giới vẫn tiếp tục tới viếng Trụ Sở Thông Thiên Học của chúng tôi càng ngày càng đông, và thường ở nán lại mỗi đêm cho đến khuya để thảo luận về các vấn đề tôn giáo. Nhờ những cuộc tiếp xúc nầy trong những thuở ban đầu sống trên đất Ấn Độ, mà chúng tôi mới nhận thức sự khác biệt giữa những quan niệm sống của Đông Phương và Tây Phương, và thấy rằng người Phương Đông có một nhân sinh quan cao cả hơn nhiều.
Những vấn đềdanh lợi trần gian, khác biệt chủng tộc, doanh thương, hay chính trị không hề lọt vào ngưỡng cửa của chúng tôi. Sự tiến hóa tâm linh là đề tài thảo luận nóng bỏng nhất, và đó là lần đầu tiên mà bà HPB và tôi chú trọng sâu xa đến những vấn đề tiến hóa tuần tự của linh hồn qua từng giai đoạn luân hồi chuyển tiếp theo định luật Tuần Hoàn. Chúng tôi cảm thấy hoàn toàn thỏa mãn mà được ẩn cư nơi một biệt thự hẻo lánh dưới bóng mát của những hàng dừa rậm rạp, trong một khu vực bình dân của thành phố nầy. Những chuyến vãng lai của những chiếc tàu chở đầy của cải kho tàng, sự ồn ào, náo nhiệt của thị trường thương mãi, sự cạnh tranh ráo riết của các xí nghiệp doanh thương trên thị trường bông vải và sự lên cao xuống thấp của các giá trị cổ phần; những tranh đua ti tiện nhỏ nhen giữa các hàng quan chức; những cuộc tiếp tân linh đình trọng thể tại dinh Chính Phủ; tất cả những thứ đó không hề thoáng qua trong trí óc của chúng tôi. Chúng tôi lấy làm sung sướng mà quên lãng việc đời, và bị đời bỏ quên!
Người đời có thể cho chúng tôi là cuồng tín, mộng mơ, có những hứng khởi điên rồ, không thiết thực, nạn nhân của những điều giả tưởng ngông cuồng, hoặc tự lừa dối lấy mình. Tuy nhiên, những mộng mơ của chúng tôi là ước mơ sự toàn thiện của loài người khát khao sự minh triết thiêng liêng, hy vọng duy nhất của chúng tôi là giúp đỡ nhân loại, nâng cao hoài bảo tinh thần và sống một cuộc đời thanh cao tốt đẹp hơn. Và dưới những hàng dừa sầm uất, chúng tôi đã được sự đích thân viếng thăm của các đấng Chân Sư. Sự hiện diện cao cả của các Ngài đã giúp thêm sức mạnh cho chúng tôi tiến bước trên con đường mình đang theo đuổi, và tưởng thưởng chúng tôi gấp trăm lần nhiều hơn tất cả những sự lừa đảo, phản bội, nhạo báng, lăng nhục, ngược đãi của người đời và sự rình rập theo dõi của nhân viên công an, cảnh sát, mà chúng tôi đã phải chịu.
Khi đã có các Ngài thường xuyên hỗ trợ chúng tôi, thì có hề gì nếu chúng tôi bị người đời chống đối thù nghịch? Thế gian đã không chinh phục được chúng tôi, nhưng Nghiệp Quả đã đặt để cho chúng tôi cái vai trò thắng đoạt sự thờ ơ lãnh đạm của nó và rốt cuộc đáng được cho thế gian tôn trọng.
Chúng tôi không biết, nhưng các đấng Chân Sư biết, rằng hai chúng tôi sẽ được xử dụng như cái trung tâm hạt nhân cần thiết cho sự tập trung và phổ biến những giáo lý Huyền Môn cổ truyền của Ấn Độ, nay đã đến chu kỳ tái xuất hiện để đáp ứng nhu cầu của nhân loại theo định luật Tuần Hoàn. Một người thừa hành luôn luôn là cần thiết như một vận hà để phát động những phong trào phục hưng trí tuệ và tâm linh đó, và tuy hãy còn là thiếu sót bất toàn, nhưng chúng tôi cũng tạm gọi là khá tốt để thi hành cái sứ mạng đó, bởi vì chúng tôi có ít nhất là niềm hứng khởi nhiệt thành, lòng ưu ái và sự vâng lời tuyệt đối. Những điểm thiếu sót bất toàn cá nhân của chúng tôi không đáng kể vào đâu so với những nhu cầu cấp bách của nhân loại. Bởi vậy nên, hiểu theo một ý nghĩa, chúng tôi là những người hướng đạo dọn đường khai sáng phong trào Thông Thiên Học, sẽ tác động như cái trung tâm để thể hiện và phát huy bầu ánh sáng rạng ngời của nền Minh Triết cổ truyền Đông Phương, nó đang gây nên sự thán phục và ca tụng trong các giới học giả quốc tế hiện đại do bởi sự thanh cao mỹ lệ và giá trị độc đáo vô song của nó.
Chương Ba
MỘT ĐỘNG PHÙ THỦY
I
Mọi người đều biết tên tuổi của ông A.P.Sinnett như một vị Phó Hội Trưởng Hội Thông Thiên Học, có tình thân hữu đậm đà với hai nhà Sáng Lập, và liên hệ mật thiết với mọi ngành hoạt động của Hội trong một thời gian lâu dài. Sự quen thuộc của ông với chúng tôi bắt đầu bằng một bức thơ đề ngày 15 tháng 2 năm 1879, tức chín ngày sau khi chúng tôi đổ bộ lên Bombay, trong đó, với tư cách Chủ Nhiệm tờ nhật báo Pioneer, ông bày tỏ ý muốn làm quen với chúng tôi và sẵn lòng công bố trên mặt báo mọi sự kiện lý thú về sứ mạng của chúng tôi ở Ấn Độ.
Cũng như toàn thể báo giới Ấn Độ, nhật báo Pioneer đã đăng tin chúng tôi đến. Trong thơ ông Sinnett nói rằng hồi còn ở Luân Đôn ông đã có nhiều dịp khảo sát vài hiện tượng đồng tử đáng kể, do đó ông cảm thấy thích thú với những vấn đề huyền linh hơn mọi người ký giả thông thường. Vì lẽ những định luật về các hiện tượng nầy còn chưa được khám phá, những cuộc biểu diễn thường xảy ra dưới những điều kiện không thỏa đáng, và cái trí lực đằng sau các hiện tượng vẫn còn là một vấn đề gây nhiều lý thuyết mâu thuẫn hỗn độn, không được rõ ràng dứt khoát, nên sự tò mò của ông cũng chưa được thuyết phục. Bức thơ trả lời của tôi đánh dấu sự bắt đầu một mối liên hệ quý giá và một tình thân hữu bền bỉ lâu dài. Sự trợ giúp của ông Sinnett đã đến với chúng tôi vào đúng lúc khẩn thiết nhất, và tôi không bao giờ quên rằng Hội Thông Thiên Học nói chung, và cá nhân chúng tôi nói riêng, đều có một mối biết ơn sâu xa đối với ông.
Vừa đổ bộ lên đất liền, không bao lâu chúng tôi đã được mọi người biết là có khuynh hướng đồng hóa với tư tưởng Đông Phương và không có thiện cảm với quan niệm nhân sinh của các giới trong cộng đồng Anh Ấn. Không những vậy, chúng tôi lại định nơi cư trú trong một ngôi nhà hẻo lánh ở trung tâm khu bổn xứ của thành phố Bombay, được nghinh đón một cách phấn khởi nồng nhiệt và được người Ấn Độ chấp nhận như những nhà đại diện cho nền Đạo Lý cổ truyền và hoằng khai tôn giáo của chính họ. Hơn nữa, chúng tôi không yết kiến các quan chức trong Dinh Chính Phủ, cũng không đến viếng thăm xã giao những nhân vật của giai cấp người Âu, vì giai cấp nầy thật hoàn toàn dốt đặc về Ấn Giáo và về dân tộc Ấn cũng như họ vốn mù tịt về cá nhân chúng tôi. Bởi vậy nên đương nhiên chúng tôi không có quyền trông đợi một ân sủng nào từ phía những người đồng chủng của mình, và cũng không cần phải ngạc nhiên vì bị Chính Phủ nghi ngờ là có những ý đồ tâm tư thầm kín.
Không có một vị chủ báo Anh Ấn nào khác sẵn lòng có hảo ý với chúng tôi, hoặc có thái độ vô tư trong việc thảo luận về những quan điểm và lý tưởng của chúng tôi. Chỉ có ông Sinnett là người bạn duy nhất và người phê bình vô tư, chân chính của chúng tôi; ông là một bạn đồng minh có thế lực rất mạnh, vì ông làm chủ tờ nhật báo có ảnh hưởng lớn nhất ở Ấn Độ, và hơn tất cả mọi vị chủ báo khác, ông được sự tín nhiệm và kính trọng của những quan chức thượng cấp trong Chính Phủ.
Tôi luôn luôn rất là ngạc nhiên, khi nói chuyện với các nhân vật Anh Ấn, mà thấy họ với chúng tôi sống trong những thế giới khác biệt nhau như thế nào trên đất Ấn Độ. Thế giới của họ chỉ là một sự nới rộng nếp sống quen thuộc ở xứ nhà, gồm có những thú vui tầm thường và những trò chơi tiêu khiển vô vị để trải qua những giờ phút nghỉ ngơi của họ một cách ít nhàm chán nhất. Thế giới của chúng tôi là sống với những lý tưởng thấm nhuần Đạo Lý Đông Phương, suy tư cảm nghĩ với những tư tưởng Đông Phương, không hề có thời giờ rảnh để vui chơi hưởng lạc, cũng không cảm thấy nhu cầu về những trò tiêu khiển, những tiệc tùng đình đám, những buổi dạ hội tiếp tân theo xã giao thông thường. Nếu không phải do kinh nghiệm bản thân, người ta không thể tưởng tượng rằng có một sự tương phản lớn lao rõ rệt như vậy.
II
Ít lâu sau khi chúng tôi đến định cư tại ngôi nhà ở đường Girgaum, có xảy ra một giai thoại mà bà HPB đã viết lại thành một câu chuyện ly kỳ trong quyển “Động thẳm rừng già của Ấn Độ”. Tôi chỉ trình bầy một cách đơn giản, ngắn gọn những sự việc xảy ra, và độc giả sẽ thấy bằng cách nào bộ óc tưởng tượng dồi dào phong phú của bà đã biến đổi chúng hoàn toàn khác hẳn, và từ một chuyện rất thông thường bà đã tạo thành một chuyện phiêu lưu kỳ diệu đầy tính chất rùng rợn quái đản.
Một buổi chiều nọ chúng tôi đang ngồi trong nhà, thì nghe có tiếng trống nhỏ, vang dội bên tai làm cho tôi chú ý. Tiếng trống vẫn tiếp tục kéo dài theo một điệu độc âm, buồn tẻ, nhàm chán chứ không chơi một nhạc điệu nào. Một người gia bộc được sai đi thăm dò tung tích, sau một lúc trở về cho biết rằng đó là tiếng trống ở một nhà láng giềng, báo hiệu rằng một “bà bóng” vốn là cốt của một vị “nữ thánh”, sắp sửa lên đồng và trả lời những câu hỏi về những vấn đề họa phước của các tín chủ.
đến nơi để xem việc gì xảy ra. Thế là chúng tôi đi đến nhà bà bóng. Trong một gian nhà tranh vách đất nhỏ hẹp, chúng tôi thấy độ ba mươi đến bốn mươi người bổn xứ thuộc giai cấp cùng đinh hạ tiện đứng vòng quanh, có vài ngọn đèn dầu dừa để kê sát vách, và ngối xếp bằng ngay chính giữa nền đất, là một người đàn bà coi có vẻ man dại, đầu bỏ tóc xõa, thân mình lắc lư bên nọ qua bên kia, và xoay đầu đảo theo vòng tròn làm cho bộ tóc dài cũng cuốn xoay theo vòng quanh mình. Độ một lát, một trẻ thiếu nhi từ cửa sau bước vào, cầm một cái đỉa bàn tròn trên đó có vài miếng lonh não đang cháy, vài nhúm bột son đỏ, và vài lá cây xanh. Thiếu nhi ấy đưa cái đĩa ấy lại gần mặt bà bóng, bà này cúi mặt xuống chất long não bốc khói, vừa hít vào từng hơi dài vừa thốt ra những tiếng rên khoái trá. Sau đó một lúc, bà nhảy dựng người lên, giật lấy cái đĩa bàn, cầm đưa qua bên mặt bên trái, đầu lại xoay vòng tròn như trước, và với bàn chân rún rẩy theo nhịp trống, bà ấy đi quanh khắp phòng và nhìn thẳng vào gương mặt khiếp sợ của những người chung quanh.
Sau khi đã đi quanh khắp phòng như vậy nhiều lần, thình lình bà bóng lao mình vút đến trước mặt một phụ nữ trong đám đông, phóng cái đĩa bàn về người ấy, và nói với y vài câu bằng tiếng thổ ngữ Marathi, mà lẽ tất nhiên chúng tôi không thể hiểu, nhưng dường như có liên quan đến việc riêng của bà kia. Dù đó là việc gì, cái ảnh hưởng gây nên đã hiển hiện rõ ràng, vì người nữ ấy bật ngửa người và thụt lui lại một bước, gương mặt lộ vẻ kinh hoàng, và đưa hai tay nắm chặt về phía bà bóng, dường như trong cơn xúc động sâu xa. Cũng một sự việc tương tự đã được tái diễn với nhiều người khác trong vòng cử tọa, sau đó nhà nữ linh thị đi xoay vòng vào giữa gian phòng, vẫn tiếp tục xoay vòng sang bên nọ bên kia trong một lúc, cất tiếng thốt lên vài âm thanh nghe dường như một câu thần chú, rồi chạy thoát ra khỏi phòng qua cửa sau.
Sau vài phút bà ấy trở lại, với bộ tóc ướt sũng nhỏ giọt, lại để rơi mình xuống đất, đầu lại đảo quay mòng mòng như trước, lại nhận cái khay đựng long não đốt cháy, và tái diễn cái trò lao vút mình vào người đứng xem để nói với họ những gì họ muốn biết. Nhưng lần này, giọng nói của nhà tiên tri hơi khác một chút và những động tác của bà có vẻ nhẹ nhàng hơn. Chúng tôi được cho biết rằng đó là bởi vì đã có một nữ thánh khác ốp vào khi bà bóng ngâm đầu vào một chậu nước đã đặt sẵn ở ngoài cửa. Tính cách mới lạ của sự việc nầy không bao lâu đã trở thành nhàm chán đối với chúng tôi, và chúng tôi quay bước trở về nhà.
Câu chuyện chỉ có thế thôi, không hơn không kém. Đó là những sự kiện đơn giản, và không có gì khác lạ hơn nữa. Thế nhưng, nếu độc giả lật cuốn “ Động thẳm rừng già của Ấn Độ”, ở chương với cái tựa đề “Một động phù thủy” thì sẽ thấy bà HPB làm cho nó biến chất như thế nào. Thay vì câu chuyện xảy ra trong một căn nhà lá tồi tàn ở một khu xóm bình dân lao động của thành phố Bombay, với một số khán giả gồm toàn những người lao công lam lũ hầu bàn, chúng tôi được bà cho ngồi trên lưng voi, đi trên con đường mòn dưới ánh đuốc lập lòe mờ ảo, xuyên qua một khu rừng rậm, hai ngàn bộ chiều cao trên dãy núi Vindhya. Bà viết:
“Giữa cơn im lặng thâm trầm, chỉ nghe có tiếng chân voi bước đều đặn và nghiền nát sỏi đá trên đường núi gập ghềnh; thỉnh thoảng, chợt nghe có những tiếng nói thì thầm quái đản và những âm thanh lạ lùng huyền bí. Đến một chỗ nọ, chúng tôi cho voi quỳ xuống để chúng tôi hạ thổ, và đi bộ xuyên qua những bụi cây xương rồng rậm rạp, gai đâm đau nhói! Chúng tôi gồm một đoàn ba mươi người, kể cả những phu cầm đuốc. Ông Đại Tá(tức là tôi)ra lệnh cho tất cả những khẩu súng trường và súng đoản đều phải lắp đạn sẵn sàng để sửa soạn vừa qua truông núi. Sau khi đã bỏ lại phần lớn những y phục của chúng tôi trên những cành gai nhọn của bụi cây lê rừng, trèo lên một ngọn đồi, và vượt qua một khe núi khác nữa, chúng tôi đến nơi động phủ của một vị nữ phù thủy, mệnh danh là “Bà cốt của Ấn Độ “,sống một cuộc đời chân tu thánh thiện, và là một nhà tiên tri xuất sắc!...
Động phủ của bà nằm trong hang núi, trong một ngôi đền cổ hoang tàn xây bằng đá ong đã loang lở nhiều nơi, nơi cư trú của bà ở trong một đường hầm (địa đạo), tại đây người ta tin rằng bà đã sống đến ba trăm tuổi!
Khoảnh đất vuông vức phía trước mặt ngôi đền được soi sáng bằng một ngọn lửa trại khổng lồ; ở giữa sân, có một đám thổ dân miền núi trần truồng nước da đen sậm giống như những thể tinh đang nhảy múa một vũ khúc ếm quỷ theo nhịp trống cổ và trống cơm. Lúc đó, một vị lão trượng có chòm râu bạc nhảy ra và xoay tít thân mình đi theo vòng tròn chung quanh sân, hai cánh tay duỗi thẳng như hai cánh và nhe hàm răng nhọn như răng chó sói, thân mình ông cứ xoay tít mãi cho đến khi ngã quỵ xuống đất, bất tỉnh nhân sự.
Thình lình, vị nữ phù thủy xuất hiện, từ đâu và bằng cách nào cũng không ai biết. Bà có thân hình cao lêu khêu, gầy đét như bộ xương, nơi bộ vai xương xẩu của bà có treo lủng lẳng một cái xương sọ đầu lâu nhỏ bé của trẻ con đã chết. Đôi mắt sâu hoắm, phóng ra những tia lửa đỏ từ cái liếc nhìn sắc như dao đâm xuyên vào mắt bạn, làm cho bạn phát sởn ốc cùng mình, bạn bắt đầu cảm thấy óc mình tê liệt, tinh thần bấn loạn không còn suy tư sáng suốt và máu bạn đông đặc lại trong huyết quản!
Bà phù thủy đứng yên không cử động trong giây lát, một tay cầm cái đĩa đựng long não đốt cháy, tay kia cầm một nắm gạo. Bà giống như một pho tượng tạc trên đá, cái cổ nhăn nheo đeo ba vòng tiền vàng cổ xưa, đầu quấn một con rắn bằng vàng khoanh tròn, thân mình dị dạng của bà bao phủ bằng một lớp áo vải mịn màu vàng nghệ…”
Tiếp theo đó là sự diễn tả cơn nhập đồng của bà phù thủy, với những cử chỉ giống như người bị chứng động kinh, phong giật; một màn nhảy múa xoay tít thân mình coi như một chiếc lá vàng trong cơn gió lốc; cái nhìn rùng rợn của đôi mắt sắc như dao; những cơn múa may quay cuồng, những bước nhảy dựng chồm người lên; và những động tác man dại rừng rú khác. Rồi đến những màn thay đổi các “giá đàn”:thần thánh luân phiên xuất nhập xác bà bóng, tất cả là bảy vị; những màn phát ngôn tiên tri họa phước; một vũ điệu kỳ quái với cái bóng của chính bà phù thủy; những màn đập đầu lên những bậc đá tam cấp phát ra tiếng động nghe đến rợn người,v.v.và v.v…Sự diễn tả cảnh tượng động phú thủy chiếm trọn hai chục trang giấy với một bút pháp điêu luyện làm cho người đọc say mê thích thú, cơ hồ như là chính họ được đưa vào tận chốn rừng thiêng bí ẩn để chứng kiến bao nhiêu sự việc quái đản, dị kỳ.
Một trí óc có thể làm một việc kỳ diệu như vậy, hẳn phải là khối óc của một thiên tài. Điều mà bà đã làm trong câu chuyện nầy, bà cũng đã làm trong toàn bộ cuốn sách:một số sự việc giản dị, tối thiểu trong mỗi trường hợp cũng đủ để cho bà chế biến thành một chuyện ly kỳ huyền bí chứa đựng nhiều chi tiết hấp dẫn đến độ độc đáo, thần tình.
[Những chuyện phiêu lưu du ký của bà HPB viết ở Ấn Độ, trước hết được viết bằng chữ Nga để gửi đăng từng kỳ hạn hằng tuần trên tạp chí “Russky Vyesnick”, tờ tạp chí lớn nhất ở Moskowa; về sau mới được dịch ra Anh ngữ và sưu tập lại để in thành sách nhan đề “Caves and jungles of Hindustan” Động thẳm rừng già của Ấn Độ].
III
Những hy vọng của chúng tôi về một cuộc sống ẩn cư không bao lâu đã tiêu tan như mây khói. Không những chúng tôi luôn luôn bị vây phủ bởi những khách đến viếng, trong số đó có vài người hứng khởi nhiệt thành, dốc lòng tầm Đạo, và đáng được chúng tôi giúp đỡ, nhưng chúng tôi cũng bị lôi cuốn vào việc giao dịch thơ từ càng ngày càng nhiều, phần lớn là với người Ấn Độ, về những vấn đề liên quan đến giáo lý Thông Thiên Học.
Ngày 23 tháng 3 năm ấy, tôi cung hiến một buổi thuyết pháp công cộng đầu tiên ở Ấn Độ tại hội trường Framji Cowasji Hall ở Bombay, với đề tài: “Hội Thông Thiên Học và những mục đích của Hội”.
Nói về tính cách mới mẻ và lạ mắt, thì cảnh tượng của hôi trường hôm ấy thật là ngoạn mục, thích thú đến tuyệt đỉnh: thính đường coi như một biển khăn vấn đầu trăm máu nghìn sắc, những thính giả mặc sắc phục bằng vải hay tơ trắng xóa như tuyết, những bộ “sari” bằng tơ óng ánh, màu mè sặc sỡ của phụ nữ Ấn, những cặp mắt màu vân thạch chiếu trên những gương mặt màu nâu sậm với những nét thanh tao biểu lộ dân tộc tính với một truyền thống duy linh có sẵn từ muôn đời. So với những bộ Âu phục màu đen, những gương mặt nhợt nhạt và đầu trần của những thính giả Tây Phương, không có một màu sắc nào ngoại trừ những khăn choàng của phái nữ, thì cảnh tượng ấy trình bày một sự tương phản rõ rệt.
Hàng thính giả đông nghẹt đến mức chật ních cả hội trường, choán hết các bao lơn, cầu thang, cho đến khi không còn chứa thêm được một người nào nữa, tuy vậy họ vẫn giữ im lặng, trật tự, và chăm chú nghe dường như mỗi người đều có đủ chỗ rộng rãi, thoải mái cho riêng mình.
Nhóm bốn người của chúng tôi ngối trên diễn đàn, hàng ghế đầu được dành cho những nhân vật trưởng thượng của những cộng đồng bổn xứ khác nhau của thành phố Bombay và bài thuyết pháp của tôi được tất cả mọi người lắng tai nghe với một sự chú ý dường như muốn nín thở, thỉnh thoảng bị gián đoạn bởi những tràng pháo vỗ tay hoan hô. Đó thật là một diễn biến lịch sử, vì đây là lần đầu tiên mà một người Phương Tây đứng ra đề cao tính chất cao siêu hùng vĩ của nến Đạo Lý cổ truyền Đông Phương, và kêu gọi tình thương yêu tổ quốc giống nòi của người Ấn Độ, hãy nên tưởng nhớ đến truyền thống tổ tiên của họ mà giữ vững lấy nền tôn giáo cổ của mình.
Cái tiinh thần của buổi giảng tràn ngập tâm hồn của giảng viên cũng như của thính giả, và có một lúc tôi không thể chế ngự được những xúc cảm của tôi, mà tôi phải tạm ngưng vì cơn xúc động làm cho tôi nghẹn cổ họng và trào nước mắt! Tôi có cảm tưởng như một thằng ngốc vì đã mất bình tĩnh và không tự chủ được, nhưng tôi không thể làm khác hơn; tiếng nói của quả tim bị đè nén làm cho tôi không thốt được nên lời, mặc dù tôi cố gắng vượt qua.
Trong buổi thuyết trình, tôi bày tỏ quan niệm rằng sự phục hưng của một quốc gia phải đến do hành động của những nhà lãnh đạo sáng suốt của nó, chứ không phải đến từ bên ngoài; và nếu muốn ngăn chặn sự suy vong của Ấn Độ, thì người có thiên ân sứ mạng phải được tìm kiếm ngay trên lãnh thổ xứ ấy, chứ không phải ở nước ngoài, cũng không phải do trong số những người ngoại chủng.
Về phần chúng tôi, chúng tôi hoàn toàn phủ nhận mọi vai trò lãnh đạo, hay cho rằng mình có đủ điều kiện đóng vai trò ấy. Về sau, khi đã trải qua một thời gian hai mươi năm kinh nghiệm về xứ Ấn Độ, tôi tin rằng đó là quan niệm chánh đáng, và quan niệm duy nhất có thể đứng vững. Tôi vẫn tin tưởng, cũng như tôi đã thuyết trình ngày hôm ấy, rằng đấng Giáo Chủ tâm linh ấy vốn có thật, và sẽ xuất hiện vào đúng lúc, khi thời giờ đã điểm. Thật vậy, những dấu hiệu về sự lâm phàm của Ngài vẫn đến dồn dập hằng ngày, và ai dám nói rằng Hội Thông Thiên Học chúng ta, bà A.Besant đạo sư Vivekananda, Dharmapala, và những vị khác nữa, há không phải là những bậc tiền phong đem điềm triệu báo trước cái ngày chờ đợi từ lâu, khi mà sự khát khao tâm linh lại sẽ sống động trong lòng mọi người, và trào lưu duy vật chỉ còn là một điều lỗi thời của cái dĩ vãng hắc ám?
Lẽ tự nhiên, trong cái hoàn cảnh xã hội và tình trạng tâm lý của thời bấy giờ, sự việc diễn biến nói trên đây đã gây một ấn tượng mạnh mẽ sâu xa. Bình phẩm bài diễn văn của tôi, nhật báo “Indian Spectator” viết:
“Chưa bao giờ có một sứ mạng nào lớn lao hơn. Thiết tưởng ngưới Ấn Độ hãy nên kết hợp với nhau lại trong một lý tưởng chung. Người Ấn Giáo, Hỏa Giáo, Hồi Giáo, Gia Tô Giáo hãy quên đi những sự dị đồng của họ, rồi cái ngày phục hưng xứ Ấn Độ sẽ không còn bao lâu nữa”.
Nhật báo “Amrita Bazaar Patrika” ra ngày 8 tháng 5 năm 1879 nói rằng “mục tiêu của chúng tôi là cái mục tiêu vĩ đại nhất mà con người đã từng theo đuổi từ trước đến nay”.
Chương Bốn
BIỆT THỰ HOA HƯỜNG
Kể từ ngày 29 tháng 3 năm 1879 trở đi, đã xảy ra một loạt những sự việc dị kỳ mà nhân chứng quan trọng là bạn Mulji Thackersey không kể bà HPB. Ngày đó, bà HPB bảo Mulji kêu một cỗ xe ngựa, và cùng với y lên ngồi trên xe. Bà không trả lời khi y hỏi bà đi đâu, mà chỉ bảo y nói với người phu xe hãy quẹo bên mặt, hay bên trái, hoặc đi thẳng luôn, theo lịnh truyền của bà. Những gì đã xảy ra, Mulji đã thuật lại cho chúng tôi nghe khi y trở về nhà chiều hôm đó.
Bà HPB đã chỉ đường cho xe chạy xuyên qua rất nhiều ngõ ngách, quanh co cho đến khi ra đến ngoại ô thành phố Bombay cách đó độ tám đến mười dặm, vào một rừng thông rậm rạp, ở khu vực Parel. Mulji biết rõ vùng nầy vì y đã hỏa táng xác chết của mẹ y ở vùng lân cận. Trong rừng thông có nhiều đường mòn xuyên nhau qua lại chằng chịt,nhưng bà HPB không hề lạc đường, và chỉ bảo tên đánh xe đi quanh đi quẹo một hồi lâu cho đến khi ra tới vùng bờ biển. Sau cùng, Mulji vô cùng ngạc nhiên mà thấy xe đưa họ vào cổng một khuôn viên rộng lớn, với một vườn hoa hường ở phía mặt, và một biệt thự nguy nga với những hành lang rộng rãi theo kiểu kiến trúc Đông Phương.
Bà HPB xuống xe, bảo mulji hãy đợi bà ở đó, và không được vào nhà bất cứ vì lý do gì nếu muốn được an toàn tính mạng. Thế là y ngồi đợi trên xe trong một trạng thái băn khoăn khó hiểu, vì cái dinh cơ nầy, vốn là người đã từng sống cả đời ở tỉnh Bombay, y chưa từng nghe nói đến bao giờ. Y gọi một trong những người làm vườn đang trồng hoa, nhưng người nầy không nói gì cả về tên họ, tung tích của chủ y, người đã ở đó từ bao giờ, hoặc ngôi nhà đã được xây cất từ hồi nào: đó là một điều rất bất thường giữa những người Ấn Độ với nhau.
Bà HPB đi thẳng đến ngôi nhà, được một người Ấn Độ hình dung cao lớn, mặc áo rộng trắng, với một phong cách sang cả tôn quý khác thường, ân cần tiếp đón bà ở ngoài cửa và hai người cùng đi vào nhà. Sau độ một lát, hai người lại bước ra cửa, người lạ mặt bí mật kia chào từ giã, và trao cho bà một bó hoa hường lớn mà một người làm vườn vừa đem vào cho chủ y. Bà HPB trở lại chỗ cũ, bước lên xe và bảo người đánh xe trở về nhà.
Tất cả những gì mà Mulji được biết do bà HPB nói lại có thể tóm tắt như sau: Người lạ mặt là một nhà Huyền Học mà bà có liên hệ trực tiếp và có việc phải thương lượng với người vào ngày đó. Còn bó hoa hường, thì người ấy gởi cho tôi và nhờ bà trao lại. Phần lạ lùng nhất trong câu chuyện nầy là theo chỗ chúng tôi biết, thì bà HPB không thể nào biết gì về vùng ngoại ô nầy và con đường đưa đến đó, dù sao kể từ khi chúng tôi đến Bombay, vì bà không hề rời khỏi nhà một mình, nhưng bà lại tỏ ra hoàn toàn quen thuộc đường xá lẫn cả vùng nầy.
Ngôi biệt thự kia có thật hay không, chúng tôi không thể biết được trừ phi tin theo lời tường thuật của Mulji. Y rất ngạc nhiên về việc nầy đến nỗi y đã thuật lại câu chuyện cho các bạn y trong thành phố nghe. Việc ấy làm cho một người đã từng quen thuộc với vùng ngoại ô nầy bỏ ra một trăm Ru bi để đánh cuộc rằng không bao giờ có một biệt thự nào như thế ở gần bờ biển, và Mulji không thể hướng dẫn bất cứ người nào đến đó.
Khi bà HPB nghe câu chuyện đó, bà cảnh cáo Mulji rằng chắc chắn y sẽ thua cuộc; còn Mulji tuyên bố rằng y có thể trở lại, bởi y thuộc từng tấc đất trên lộ trình đã đi qua, và chấp nhận cuộc thách đố. Tôi bèn cho gọi một cỗ xe ngay lập tức, và cả ba chúng tôi cùng lên xe đi. Do một người Ấn khác làm thông ngôn, tôi bảo người phu xe hãy tuân theo chỉ thị của Mulji về lộ trình sẽ đi qua và thế là chúng tôi khởi hành.
Sau một cuộc hành trình kéo dài chuyên qua nhiều ngõ ngách quanh co, chúng tôi lại đến khu rừng thông như lần trước, là nơi tọa lạc của ngôi nhà bí mật kia. Những đường lộ trong khu rừng quanh co chằng chịt, tôi mới bảo Mulji hãy cẩn thận nhắm hướng thật kỹ kẻo đi lạc đường. Tuy nhiên, y vẫn rất tự tin như bao giờ, mặc dù bà HPB phóng đến y những lời chế diễu về tình trạng mê hoặc của y và việc y chắc chắn sẽ thua cuộc mất một trăm Ru bi.
Cỗ xe chúng tôi vẫn tiếp tục dong ruổi độ trên một tiếng đồng hồ, quanh bên nọ, quẹo bên kia, có khi ngừng lại để cho y bước xuống xe và nhắm hướng. Sau cùng, và chỉ độ một hai phút sau y tuyên bố hoàn toàn chắc chắn rằng chúng tôi đang trực chỉ đến ngôi biệt thự trên bờ biển, thì ơ kìa! Lạ thay! Một chuyến xe lửa chạy đến ầm ầm trên một con lộ gần bên, và cho Mulji thấy rằng y đã hướng dẫn chúng tôi theo một phương hướng ngược chiều với mục tiêu phải đi tới.
Chúng tôi đề nghị dành cho y nhiều thời giờ tùy nghi xử dụng để theo đưởi sự tìm kiếm ngôi nhà bí mật, nhưng y cảm thấy hoàn toàn lạc hướng và rối loạn tinh thần, rồi chịu thua và bỏ cuộc. Thế là chúng tôi đành quày xe trở về nhà.
Bà HPB nói cho chúng tôi biết rằng Mulji đã có thể tìm thấy ngôi nhà bí mật nếu y không bị một bức màn ảo giác làm che lấp nhỡn quang của y. Ngôi biệt thự nầy, cũng như tất cả những nơi cư trú khác của các vị Chân Sư, luôn luôn được bảo vệ chống lại sự đột nhập của người đời bằng một vòng đai ảo giác bao phủ chung quanh và được gìn giữ, canh phòng cẩn mật bởi những vị thần linh khuất mặt. Ngôi nhà đặc biệt nầy được đặt dưới sự chăm sóc thường xuyên của một người tin cẩn, và được dùng làm nơi tạm trú, hội họp của các Chân Sư và đệ tử trong khi di chuyển, lưu động.
Bà nói rằng tất cả những thư viện cổ xưa chôn dưới lòng đất, và những kho tàng châu báu của cải còn chôn dấu kín cho đến khi nào Nghiệp Quả cho phép khai quật lên để sử dụng, đều được bảo vệ chống lại sự khám phá của kẻ thế nhân phàm tục.
Có những bức màn ảo ảnh được tạo ra dưới hình thức những núi dựng như vách, mặt đất cứng rắn, hố sâu vức thẳm, hoặc những chướng ngại vật tương tự, để đánh lạc hướng những kẻ tìm tòi, những bức màn Ảo Giác đó sẽ biến tan khi người đó có duyên phần thụ hưởng được dìu dắt đến tận nơi vào lúc thời giờ đã điểm.
Dù sao, tôi chỉ kể lại chuyện nầy một cách vô tư, như tôi vẫn giữ thái độ đó trong mọi trường hợp mà tôi không chứng kiến tận mắt. Tôi chỉ nói như một người kể chuyện, và để cho độc giả tự nhận xét, dù họ tin hay không tin, việc ấy cũng không can dự gì đến tôi.
Nếu tôi được yêu cầu cho biết ý kiến, thì tôi phải nói rằng theo ý tôi, câu chuyện ngôi nhà bí mật có thể đúng, bởi vì như đã nói trước đây, chúng tôi đã từng được nhiều vị Chân Sư đến thăm tại nhà ở đường Girgaum trong thể xác của các Ngài. Và một đêm trăng sáng, bạn Damodar và tôi cùng với bà HPB đang đi trên đường đưa đến ngôi nhà ẩn dấu, thì thấy một vị tiến đến gần và hỏi thăm chúng tôi, chỉ cách nhau có một tầm tay. Những chi tiết của chuyện này không cần phải nêu ra đây vì tôi còn nhiều chuyện khác phải kể tiếp.
II
Bây giờ chúng tôi xin kể theo thứ tự thời gian một câu chuyện du hành lý thú độc đáo, mà những sự việc diễn biến đã được bà HPB khai triển thêm một cách cô cùng phong phú trong quyển “Động thẳm rừng già của Ấn Độ”. Chuyện nầy vẫn in sâu trong ký ức của tôi như một kỷ niệm đáng kể nhất và thích thú nhất trong những mối liên hệ của tôi với bà HPB.
Ngày 4 tháng 4 năm 1879, bạn Mulji và tôi rời khỏi Bombay bằng xe lửa trong một chuyến du hành đến những hang động Karli. Đứa tớ trai Babula cùng đi với chúng tôi. Đến ga Narel, chúng tôi xuống xe và dùng kiệu vượt lên đồi đến Matheran, là trung tâm bồi dưỡng của Sở Y Tế thành phố Bombay.
Tôi được cho biết rằng chúng tôi đến động Karli do lời mời của một vị Chân Sư mà tôi đã có liên hệ mật thiết ở mỹ trong thời gian soạn bộ sách “Vén màn Isis”, và những đồ vật thực cần thiết cho sự tiện nghi của chúng tôi khi đi đường đã được Ngài ra lịnh cung ứng cho chúng tôi đầy đủ.
Bởi vậy, tôi không ngạc nhiên chút nào mà gặp tại ga Narel một người hầu Ấn Độ loại trung lưu, tức là không phải người đầy tớ hạ cấp, người này tiến tới và sau khi đã vái chào, liền đưa ra một thông điệp bằng thổ ngữ Marathi, mà bạn Mulji dịch lại như là những lới chào mừng của chủ y, và yêu cầu chúng tôi hãy tùy ý chọn cách đi kiệu hay đi ngựa để lên núi, vì cả hai loại phương tiện nầy đề sẵn sàng.
Bà HPB và tôi chọn đi kiệu, còn Mulji và Babula chọn đi ngựa. Thế rồi chúng tôi lên đường trong đêm trăng sáng rỡ như ban ngày, mỗi chiếc kiệu có mười hai người phu khiêng vác trung bình, vạm vỡ mạnh khỏe, nước da sậm, thuộc giống thổ dân Thakur, vừa đi lên dốc với những bước chân vững chắc, vừa hát theo một điệu nhạc bình dân nghe êm tai để giữ nhịp bước cho nhanh.
Đó là một đêm của vùng nhiệt đới nó làm cho cuộc hành trình của tôi có đầy những nét thi vị với một nền trời đầy sao chói sáng rực trước khi trăng lên, tiếng kêu của loài sâu bọ ở khắp nơi trong rừng già, những loài chim bay đêm gọi đáp lẫn nhau, những loài dơi lớn bay lượn âm thầm không một tiếng động, tiếng lá dừa xào xạc trước gió, cùng hương thơm của hoa rừng tỏa ra một mùi vị ấm áp, cay nồng với tiếng hát lạ tai của những phu khiêng kiệu để giữ nhịp với những bước chân đi mau của họ.
Sáng ngày hôm sau, chúng tôi lên xe lửa đi Khandalla, một thị trấn có khí hậu mát mẻ trên vùng núi. Tại đây, người hầu đã phục dịch chúng tôi ở Narel lại tiếp đón chúng tôi với một chiếc xe bò rộng rãi để đưa chúng tôi đến nhà lữ quán của chính phủ, tại đây chúng tôi nghỉ ngơi suốt một ngày và đêm hôm sau.
Chiều hôm chúng tôi đến, bạn Mulji đi dạo chơi đến ga xe lửa để nói chuyện với người xếp ga vốn là một người quen cũ, và gặp một việc lạ lùng làm y rất ngạc nhiên. Một chuyến xe lửa đến từ Bombay và ngừng lại bến ga, khi đó y nghe có người gọi tên y rất lớn từ trong xe.
Nhìn từ toa xe nầy đến toa xe khác, y thấy một người Ấn Độ vẫy tay gọi y và y bước đến gần cửa sổ của toa xe ấy. Thì ra người lạ mặt là nhân vật kỳ bí mà bà HPB đã đến viếng thăm tại ngôi nhà bí mật! Người ấy trao cho y một bó hoa tươi, dường như cùng một loại hoa hường mà y đã thấy trong vườn hoa của biệt thự trên bờ biển, và là thứ hoa đẹp nhất mà y đã từng thấy. Người lạ mặt nói trong khi đoàn xe bắt đầu chuyển bánh:
-Anh hãy trao bó hoa nầy lại cho Đại Tá Olcott và nói là của tôi tặng.
Thế rồi Mulji đưa bó hoa cho tôi và kể lại đầu đuôi câu chuyện.
Một giờ sau đó, tôi nói với bà HPB rằng tôi muốn gởi lời cám ơn vị Chân Sư về hảo ý của Ngài đối với bọn chúng tôi, và nếu bà có thể trao thơ của tôi đến tay Ngài, thì tôi sẽ viết. Bà bằng lòng, thế là tôi viết một thông điệp ngắn rồi đưa cho bà. Bà đưa cho Mulji và yêu cầu y hãy đi thẳng trên đường lộ ở trước mặt và giao bức thơ ấy. Mulji hỏi:
-Nhưng tôi phải trao thơ cho ai, và ở đâu: vì không thấy có tên và địa chỉ người nhận ở ngoài bao thơ?
Không hề gì, anh hãy cầm lấy, rồi anh sẽ biết phải giao cho ai.
Y làm theo lời dặn và thẳng tiến trên đường lộ, nhưng sau đó mười phút, y chạy trở về không kịp thở và lộ vẻ rất ngạc nhiên, y nói qua hơi thở đứt đoạn:
-Thơ đi rồi.
-Sao? Anh nói gì?.
-Cái thơ, người ấy lấy rồi.
Tôi hỏi:
-Ai lấy thơ ấy?
-Người ấy là ai?.
-Thưa Đại Tá, tôi không biết, nếu đó không phải là ma quỷ hiện hình: người ấy có thể từ dưới lòng đất chui lên, tôi có cảm tưởng gần như vậy. Tôi đang từ từ tiến bước, nhìn bên mặt bên trái, và không biết phải làm gì để thi hành ý muốn của bà HPB. Chung quanh tôi không có một bóng cây hay bụi rậm để có thể ẩn núp, mà chỉ có con lộ bụi bặm và trắng xóa. Thình lình, xuất hiện ngay trước mặt tôi một người chỉ cách đó có vài thước, cơ hồ như người từ dưới đất chui lên, và tiến về phía tôi. Đó là người ở ngôi biệt thự có hoa hường, người đã đưa cho tôi bó hoa để tặng ông ở ga Khandalla, mà tôi đã nhìn thấy trên chuyến xe lửa đi Poona!
Tôi đáp:
-Vô lý, anh đã mơ hoảng rồi đấy!
-Không đâu, tôi vẫn tỉnh táo như thường. Người ấy nói: “Anh định đưa thơ cho tôi phải không, cái thơ anh cầm nơi tay?” Tôi ngạc nhiên và nói: “Thưa Ngài, tôi cũng không biết, vì thơ không có địa chỉ”. “Thơ ấy của tôi, anh đưa đây”. Ông ấy lấy thơ trên tay tôi và nói: “Bây giờ, anh hãy về đi”. Tôi quay lưng đi vừa độ một lát và day lại nhìn xem thì ông ta đã biến mất: đường lộ chỉ còn trống trơn! Tôi sợ quá, quay lại chạy về, nhưng vừa chạy được chừng năm mươi thước thì nghe một giọng nói bên tai tôi: “Đừng có làm thằng điên, hãy bình tĩnh một chút; mọi sự đều tốt lành”. Điều nầy lại càng làm cho tôi sợ hơn nữa, vì chung quanh tôi không có một người nào. Tôi lại chạy, và về đến đây.
Đó là câu chuyện tường thuật của Mulji và tôi lặp lại trung thực những lời y đã nói với tôi. Nếu có thể tin ở bề ngoài, thí chắc chắn y đã nói sự thật, vì cơn sợ hãi và xúc động của y thật quá rõ rệt để có thể nói là giả vờ bởi một kịch sĩ vụng về như y.
Dù sao, một điều yêu cầu chứa đựng trong bức thông điệp của tôi đã được Chân Sư trả lời trong một bức thơ của Ngài, mà sau đó tôi đã nhận được tại lữ quán ở Bhurtpore, tỉnh Rajputana cách chỗ Mulji gặp người lạ mặt trên một ngàn dặm đường. Và đó là một sự kiện đáng kể.