Home » » Nguồn gốc Việt-tên của 12 con giáp

Nguồn gốc Việt-tên của 12 con giáp

Written By kinhtehoc on Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012 | 05:55



Nguyễn Cung Thông
Phần này ghi nhận các dữ kiện ngôn ngữ từ thư tịch Hán cổ cho thấy khả năng âm Thìn/Thần liên hệ đến phương Nam và chỉ là kí âm dùng chữ Hán. Dựa vào âm đọc Hán Việt/HV và phiên thiết, ta có thể phục nguyên một dạng âm cổ của Thìn/Thần là *tran/tlan và các tương quan đến trăn, rắn, lươn, long, trình (chình) và thằn lằn (đơn âm hóa của tlan), thuồng luồng, xuồng luồng ... Thành ra, nếu gọi chi thứ 5 trong 12 con giáp là *tran/tlan (đọc như trăn tiếng Việt) theo âm cổ hơn so với Thìn/Thần (âm Hán Việt khoảng thời Đường Tống) thì vấn đề nguồn gốc phương Nam (tiếng Việt cổ) sẽ dễ dàng nhận ra. Các cách nhìn từ góc độ văn hóa học như truyền thuyết, ca dao tục ngữ và khảo cổ học đã bàn qua trong bài "Nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con giáp - Thìn Thần Long Rồng Rắn (phần 8)" (gọi tắt là bài 8). Giọng Bắc Kinh/BK được ghi bằng hệ thống bính âm (pīnyīn) rất phổ thông hiện nay, cần phân biệt số chỉ thanh điệu (như số 3 trong zhen3 hay zhěn) và số phụ chú ghi ngay sau một chữ (như sau3). Dấu hoa thị (asterisk) đứng trước một âm là một dạng phục nguyên của âm cổ (reconstructed sound): như *tran/tlan/klan chẳng hạn. Các chữ viết tắt thường gặp trong bài là TQ (Trung Quốc), HV (Hán Việt), TV (Tập Vận, năm 1037/1067 SCN), TVi (Tự Vị/1615), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự, khoảng năm 100 SCN), QV (Quảng Vận/1008), ĐV (Đường Vận/751), LT (Loại Thiên/1039/1066), NT (Ngọc Thiên/543), VH (Vận Hội/1297), CV (Chánh Vận, hay Hồng Vũ Chánh Vận/1375), CTT (Chánh Tự Thông/1670), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), TCN (Trước Công Nguyên/BC), SCN (Sau Công Nguyên/AD).

1. Thìn/Thần là kí âm của thuồng luồng
        
Từ thời xa xưa, dân Việt đã phải xăm mình để tránh loài giao long hung dữ - như theo Địa Lí Chí (Ban Cố thời Đông Hán soạn vào năm 54 hay 92 SCN):

"Đất Việt ở vào vùng ứng với sap Khiên ngư, Vụ nữ. Các quận Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nam Hải, Nhật Nam đều thuộc đất Việt. Vua của họ là dòng dõi của vua Vũ, con thứ của vua Thiếu Khang vậy, được phong ở ấp Cối Kê, vẽ mình cắt tóc để tránh cái hại của giao long. Ứng Thiệu (học giả thời Đông Hán) nói: "Thường tại giữ nước, cho nên cắt tóc, vẽ mình để giống hình con rồng, cho nên không bị gây hại" - phỏng dịch theo bác Lí Nhĩ Chân trang
Cho tới ngày nay, dân chúng vẫn tin vào chuyện thuồng luồng hại người - như câu chuyện kể lại từ xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên, Lai Châu (15/9/2011) trích từ báo Dân Việt trang



Một chuyến “phà” vào Phiêng Hào (dân chúng qua phà sợ bị thuồng luồng ‘ăn’)

Câu chuyện trên cho thấy khái niệm về loài thủy quái này đã bám rễ trong tiềm thức dân chúng từ lâu lắm, cũng như đã từng ghi nhận trong bài 8 (tác giả Nguyễn Cung Thông/Thạch Sanh, 10/2008). Như vậy có dữ kiện nào kết nối âm Thìn/Thần với loài thủy quái không? Nếu có thì đó là một (trong nhiều) chứng minh dẫn đến nguồn gốc phương Nam của chi thứ 5 (Thìn/Thần - rồng). Xem lại các cách đọc cổ hơn của Thìn/Thần hay Thận1 trong các chữ Hán cổ dùng chữ Thìn/Thần 辰, ta thấy âm thần/thận khi chỉ động vật thì có nhiều nghĩa lẫn lộn và mơ hồ: như khi là loài sò hến, khi là loài thủy quái huyền bí, khi là loài nai ... Điều này dễ hiểu vì khi âm thần (chi thứ 5, chỉ loài rồng rắn trăn) nhập vào tiếng Hán thì mang nhiều nghĩa khác nhau, tuy nhiên một nghĩa rất đáng chú ý là loài thủy quái mà Bản Thảo, Chánh Tự Thông, Khang Hy tự điển đều ghi là giao thuộc 蛟屬 (thuộc về loài giao hay thuồng luồng). Đây là một định nghĩa của chữ thận 蜃 mà học giả Đào Duy Anh cũng đã ghi nhận là loài giao long (Hán Việt Tự Điển, 1931) mà các tự điển HV khác không thấy nói đến như của Thiều Chửu, Nguyễn Văn Khôn ...
Rõ ràng hơn nữa là khi các thư tịch cổ đại TQ dùng Thìn/Thần chỉ loài sò hến, không dính líu gì đến loài thuồng luồng (giao):

辰, 有 身 也。《 说 文》
Thìn, hữu thân dã < Thuyết Văn Giải Tự/TVGT >

辰 者, 言 万 物 之 蜃 也. 《 史 记•律 书》
Thìn giả, ngôn vạn vật chi thìn dã <Sử Kí - Luật Thư>

Các tự điển phổ thông TQ đều khẳng định chữ Thìn/Thần 辰 có nguồn gốc là chữ thận  蜃 - xem các trang
Các vết khắc/vẽ cổ đại của chữ Thìn/Thần không cho thấy liên hệ gì đến rồng, trăn/rắn, thuồng luồng … Thời gian xuất hiện muộn màng của chữ thận (bộ trùng) trong triện văn so với chữ Thìn/Thần từ thời giáp cốt văn lại càng chứng tỏ khả năng ‘thêm bớt’ và Hán hóa sau khi âm Thìn/Thần nhập vào tiếng Hán cổ.

                                                                  

甲骨文 Giáp cốt văn    金文 Kim văn   小篆 Tiểu triện   楷体 Khải thể

Một thí dụ nữa về mâu thuẫn trong cách hiểu con cù (虯 cầu HV, một loài rồng) trong các thư tịch cổ TQ - như hiểu theo Thuyết Văn Giải Tự là

龍子有角者 long tử hữu giác giả  (rồng con có sừng)

Nhưng theo các tài liệu thời sau như Ngọc Thiên, Long Kham Thủ Giám, Quảng Vận ... đều ghi là  無角龍 vô giác long (rồng không sừng) …v.v… Xem thêm chi tiết về con cù mục 3.2 phần dưới.

Tóm lại, ta có cơ sở kết luận là chữ Thìn/Thần là tên gọi loài sò hến cổ đại ở TQ, nhưng chính là loài thuồng luồng phương Nam (giao long) mà người Hán đã thần thánh hóa thành con rồng2 huyền thoại; xem thêm dữ kiện trong mục2.16 bên dưới . Phần sau sẽ đi vào chi tiết về các dạng âm cổ phục nguyên của Thìn/Thần và cho ta thấy lại lần nữa nguồn gốc phương Nam (tiếng Việt cổ, proto-Viet-Muong/tiền Việt Mường) của âm này.

2. Các dạng âm cổ của Thìn/Thần
Xem qua các chữ Hán tạo ra từ thành phần hài thanh hay bộ thìn/thần 辰 như sau3

2.1 Chân 㲀 (Unicode 3C80) là chữ rất hiếm, nghĩa là đánh, tấn công, phấn khởi ... Các cách phiên thiết qua âm HV phản ánh rõ nét các biến âm tr-ch-th-s

側鄰切 trắc lân thiết (QV)
之人切, 音眞 chi nhân thiết, âm chân (TV)
士臻切 sĩ trăn thiết (TV)
鋤臻切, 音榛 sừ trăn thiết, âm trăn (TV)
植鄰切 thực lân thiết (QV)
丞眞切, 音辰 thừa lân thiết, âm thần - nghĩa đồng (như thìn/thần 辰), còn dùng như 敐

2.2 Chữ trân/chân/chấn 䟴 (Unicode 47F4) là chữ hiếm, nghĩa là động (TVGT) có các cách đọc

側鄰切 trắc lân thiết (TVGT)
章刃切 chương nhận thiết (ĐV)
之刃切 chi nhận thiết (TV, VH, CV) 音震 âm chấn
之人切 chi nhân thiết (NT, TV, VH, CV) 音眞 âm chân
之仁切 chi nhân thiết (NT)
Hai thanh điệu khác nhau nhưng cùng thanh vực (bổng) của chữ 䟴 đã được Ngọc Thiên ghi nhận rõ ràng

           
Ngọc Thiên 玉篇 (năm 543)

2.3  Chân/trân/chấn 桭 (Unicode 686D) là chữ hiếm với tần số dùng 5 trên 171894734

側鄰切 trắc lân thiết (QV) - nghĩa là mái hiên nhà, gian nhà có hai cột …
之人切 chi nhân thiết (TV, VH) - âm chân 音眞
植鄰切 thực lân thiết (QV) - dùng như thìn/thần 辰
之刃切 chi nhận thiết, âm chấn (TV) - nghĩa là sửa lại (chỉnh lại)

2.4 Chữ 𧣨 (Unicode 278E8) còn được dùng như 觶 (chí) hay 觗 theo Thuyết Văn Giải Tự, cho thấy hai âm thần và đan/đơn từng đọc giống nhau hay từng có phụ âm đầu lưỡi như đ, tr- ... Không phải là TVGT vô lý khi ghi nhận như vậy. Xem các thảo luận khác hơn của Đoạn Ngọc Tài 段玉裁 trang nàyhttp://www.zdic.net/zd/zi3/ZdicF0ZdicA7ZdicA3ZdicA8.htm
Xem thêm chi tiết về liên hệ đ-tr/tl/kl trong bài "Tản mạn về danh từ cá sấu - vết tích phương Nam trong tiếng Hán (phần 1)" cùng tác giả, đặc biệt bàn về chữ đà/đan 鼉 (theo TVGT 从黽單聲 tùng mãnh đan/đơn thanh).

2.5 Chữ trân/chân/chấn 帪 (Unicode 5E2A) là chữ rất hiếm, có các cách đọc

側鄰切 trắc lân thiết (QV)
之人切 chi nhân thiết (TV, VH, CV, LT, TVi)
之仁切 chi nhân thiết (NT)
章忍切 chương nhẫn thiết (TVB)

2.6 Chữ trân/thần 唇  và thần 脣 thường dùng lẫn lộn cho nhau sau này; hai chữ này đều hiện diện trong TVGT nhưng nghĩa cổ của trân/thần là sợ và âm cổ trân *tlan đã bị âm thìn/thần thay thế. Các cách đọc 唇 (nguyên nghĩa là sợ hãi, kinh theo TVGT)

側鄰切 trắc lân thiết (TVGT, CTT)
之人切 chi nhân thiết (NT, TVi)

Các cách đọc 脣 (cái môi) - theo VH, có lúc 脣 dùng như 脤 (xem cách đọc chữ này phía dưới)

食倫切 thực luân thiết (ĐV)
船倫切 thuyền luân thiết (VH)
殊倫切 thù luân thiết (CV)
彌盡切 di/mi tận thiết (LT) - đọc là mẫn, dân, miến

2.7 Chữ chẩn 辴 (Unicode 8FB4) là chữ hiếm với tần số dùng là 13 trên 171894734 (bộ thần), nghĩa là vẻ mặt vui và có các cách đọc đáng chú ý như sau

抽遲切 trừu trì thiết (TV)
丑饑切 sửu cơ thiết (QV)
止忍切 chỉ nhẫn thiết (QV, TV, VH) - âm chẩn 音軫
丑忍切 sửu nhẫn thiết - âm sấn 音趁
2.8 Chấn hay thìn/thần 侲 (Unicode 4FB2), chữ hiếm với tần số dùng là 20 trên 171894734

章刃切 chương nhận thiết - đọc như là chấn (TVGT, QV, TV)
之刃切 chi nhận thiết, âm chân (TV, VH, CV)
職鄰切 chức lân thiết (QV)
Nghĩa là đứa nhỏ (đồng tử), hay chăn ngựa (Phương Ngôn), còn dùng tương đương với thần 娠 (có mang, có thai).

2.9 Chẩn 賑 là giàu, cấp giúp, phát chẩn

章忍切 chương nhẫn thiết (QV) - âm chẩn 音軫
止忍切 chỉ nhẫn thiết (TV, VH, CV)
之忍反 chi nhẫn phản (LKTG, NT)
之訒切 chi nhẫn thiết (TVB)
丑忍切, 音趁 sửu nhẫn thiết, âm sấn (TV)
章刃切 chương nhận thiết (QV)
之刃切, 音震 chi nhận thiết, âm chấn (TV, VH)

2.10 Chấn 誫 (Unicode 8AAB) là chữ hiếm với tần số dùng 10 trên 171894734

支信切 chi tín thiết (TVB) - âm chấn 音震
之盛切 chi thịnh/thạnh thiết - âm chính/chánh 音正

2.11 Chấn 𪁧  (Unicode 2A067) là chữ rất hiếm. Dùng như chữ thần 鷐 (Unicode 9DD0)

章忍切, 音震 chương nhẫn thiết, âm chấn (TV)
時眞切 thời nhẫn thiết (NT)
2.12 Chữ thần 宸 nghĩa là nhà ở (trong sâu, thâm cung), nhà vua ở ... Có các cách đọc

植鄰切 thực lân thiết (ĐV)
丞眞切 thừa chân thiết (TV, VH, CV)

2.13 Chẩn 裖 (Unicode 88D6) là chữ hiếm với tần số dùng 10 trên 171894734 - TVGT ghi chẩn 袗 là theo bộ thần, hay dùng như 裖

章忍切 chương nhẫn thiết (ĐV)
止忍切 chi nhẫn thiết (TV)
Tiếng Việt còn duy trì một dạng âm cổ của sân 䀼 là TRƠN (áo đơn, áo đen).

2.14 Sân 䀼 (Unicode 403C) là chữ rất hiếm, dùng tương đương với sân 瞋 (TVGT ghi 與瞋同 dữ sân đồng)

昌眞切 xương chân thiết (ĐV)
稱人切 xung nhân thiết (TV)
而振切, 音認 nhi chấn thiết, âm nhận (QV, TV)
之忍切, 音軫 chi nhẫn thiết, âm chẩn (NT)

Tiếng Việt còn duy trì một dạng âm cổ của sân 䀼 là TRỢN (trợn mắt nhìn)
2.15 Thận 脤 (Unicode 8124) là chữ hiếm với tần số dùng là 78 trên 237906058; nghĩa là thịt sống để cúng lễ (raw meat for sacrifice), thịt (nhục, Bác Nhã), thận, mông (đít) ...

時忍切 thời nhẫn thiết (QV)
是忍切 thị nhẫn thiết (TV, VH)
時軫切 thời chẩn thiết (CV) - âm thận 音腎
時忍反 thời nhẫn phản (Long Kham Thủ Giám) - LKTG chỉ ghi một nghĩa là gan (can dã 肝也)

2.16 Âm thận viết bằng bộ trùng với chữ thìn 辰 rất đáng chú ý - nếu chữ trùng ở dưới 蜃 hay 𧒏 thì có các cách đọc như sau so với âm shèn (BK bây giờ) hay Thìn/Thần (VN bây giờ):

Phương ngữ TQ - 粤语 (Việt ngữ, giọng Quảng Đông): san4 san5 san6. 客家话 (giọng Hẹ):[海陆丰腔] shin3 [梅县腔] shin3 zhin3 [台湾四县腔] siin3 [客英字典] shin3 [宝安腔] sin3 [客语拼音字汇] sin3

時忍切 thời nhẫn thiết (ĐV)
是忍切 thị nhẫn thiết (TV)
時軫切 thời chẩn thiết (CV) âm thận 音腎
時刃切, 音愼 thời nhận thiết, âm thận (QV)

Chữ thận 蜃 có khi dùng như thần 蜄. Nghĩa nguyên thủy của thận 蜃 là loài sò hến/clams (TVGT, Sơn Hải Kinh ...). Nhưng còn một nghĩa nữa là loài vật huyền thoại ngoài biển/marine monster mang nhiều hình dạng khác nhau và vòi nước/water spouts.


Các cách viết khác của thận

Dữ kiện ngữ âm quan trọng, liên hệ trực tiếp âm thận/chấn dùng thanh phù thìn/thần thuồng luồng (giao 蛟), chính là câu trích từ Bản Thảo Cương Mục4(1596) trong tự điển Khang Hy (1716, lại dựa nhiều vào Chánh Tự Thông/1670) :蜃,蛟之屬 thậngiao chi thuộc - xem thêm chi tiết bản chụp trang 1084 Khang Hy Tự Điển (phần đính kèm bên dưới) - nguyên văn

蜃,蛟之屬,其狀亦似蛇而大,有角如龍狀,紅鬣,腰以下鱗盡逆,食燕子。能吁氣成樓臺城郭之狀,將雨卽見,名蜃樓,亦曰海市。其脂和蠟作燭,香凡百步,烟中亦有樓臺之形
Thậngiao chi thuộckì trạng diệc tự xà nhi đạihữu giác như long trạnghồng liệpyêu dĩ hạ lân tận nghịchthực yến tửNăng hu khí thành lâu đài thành quách chi trạngtương vũ tức kiếndanh thận lâudiệc viết hải thịKì chi hòa lạp tác chúchương phàm bách bộyên trung diệc hữu lâu đài chi hình.
Người viết vẫn còn tìm hiểu tại sao từ điển Từ Nguyên (NXB Thương Vụ Ấn Thư Quán, Bắc Kinh 2004) lại không có nghĩa rất đặc biệt của thận/chấn bên trên!
Chấn/thần 蜄 (Unicode 8704) là chữ hiếm với tần số dùng là 15 trên 237243358 có các cách đọc

之刀切, 音震 chi đao thiết, âm chấn (CV) - Ngọc Thiên ghi là 動也 động dã
【 史記 · 律書】 辰者, 言萬物之蜄也 [Sử Kí - Luật Thư] thần giả, ngôn vạn vật chi chấn dã
時軫切, 音腎 thời chẩn thiết, âm thân (CV), dùng như thận 蜃 (con sò lớn)


Chữ thận với bộ trùng bên trái không có mặt trong Giáp văn, Kim văn hay Triện văn; còn chữ thận với bộ trùng ở dưới (chữ Thìn) thì đã có mặt trong Triện văn



2.17 Chữ thần/thận 麎 (Unicode 9E8E) là chữ hiếm với tần số dùng 20 trên 430747376, có các cách đọc

植鄰切 thực lân thiết (ĐV)
丞眞切 thừa chân thiết (TV, VH, CV) - âm thần 音辰
是忍切 thị nhẫn thiết (TV) - âm thận 音腎
常支切, 音匙 thường chi thiết, âm thi
船倫切, 音脣 thuyền luân thiết, âm thần

Theo TVGT, thần/thận 麎 là con nai cái, rõ ràng âm thần/thận (shèn, chén giọng BK bây giờ) khi chỉ loài vật thì có phạm trù rất rộng - từ loài sò hến đến loài nai ... Thận/chấn còn là loài vật biến hóa thần sầu theo thời gian, như trích Thuật Dị Kí 述異記 (2 quyển) do Nhậm Phưởng 任昉 (460-508) soạn

黃雀穐化爲蛤, 春復爲黃雀, 五百年爲蜃蛤
hoàng tước thu hóa vi cáp,xuân phúc vi hoàng tước,ngũ bách niên vi thận cáp

So sánh với truyền thuyết về loài rồng sau 500 năm trở thành cầu long.
2.18 Chữ thần 䣅 (Unicode 48C5) là chữ rất hiếm, có các cách đọc

植鄰切 thực lân thiết (QV)
丞眞切 thừa chân thiết (TV, LT) - âm thần 音辰
時眞切 thời chân thiết (NT)
稱人切 xưng nhân thiết (CTT) âm thành 音成

Thần 䣅 là tên một nước cổ đại (ở Hồ Nam) hay một họ TQ.

Nên nhắc ở đây là các cách phiên thiết (âm trung cổ về trước) của các chữ Hán dùng chữ Thân 申 (chi thứ 9 trong 12 con giáp) như 伸 呻 神抻 紳 𩉼 柛 珅 ...  không thấy có phụ âm đầu tr- như trong trường hợp Thìn/Thần (trắc lân thiết). Dựa vào các cách đọc cổ mà hệ thống âm thanh HV còn duy trì5, ta có thể phục nguyên một dạng cổ của Thìn/Thần là *tran/tlan/klan. Dạng *tran/tlan/klan đã bị thay thế bằng dạng Thìn/Thần từ thời Đường Tống về sau, khi tiếng Hán nhập vào tiếng Việt một cách ồ ạt và có hệ thống (xem các cách phiên thiết ở trên). Khuynh hướng đào thải các chữ/âm có gốc phương Nam trong vốn từ Hán không đáng ngạc nhiên vì văn hoá Hán luôn cố gắng duy trì truyền thống ‘quốc gia’ của nhóm cầm quyền từ thời Tần (đốt sách, chôn nho/thống nhất văn tự), thời Đường (Võ Tắc Thiên chế chữ mới) đến hiện tại (chữ giản thể).

3. Liên hệ ngữ âm mở rộng Thìn/Thần trăn rắn rồng ...

3.1 Đằng là thần xà

Chữ đằng 螣, hay còn viết là 𧏪  (TVB) 𧑞 (LT) , khá hiếm với tần số dùng là 108 trên 430747376, trích TVGT biên hiệu 8741
螣,[ 徒登切  ], 神蛇也。 從蟲朕聲
Đằng,[đồ đăng thiết ],thần xà dã。Tùng trùng trẫm thanh
Nhĩ Nhã (Thích Ngư) ghi đằng, đằng xà. Quách Phác ghi rõ hơn là đằng thuộc loài rồng có thể bay được, âm đằng 騰 còn có nghĩa là vọt lên, cưỡi. Để ý không những trẫm là âm đọc khác của đằng, trẫm cũng được dùng tương đương với đằng (nghĩa giống nhau):
【 正韻】 呈稔切, 音朕。 義同
[Chánh Vận] trình nhẫm thiết, âm trẫm - nghĩa đồng
Nghĩa thần xà (loài rắn thần có khả năng siêu việt như cưỡi mây ...) tương ứng với loài rồng, vì vậy mà ngày xưa giới quý tộc tự xưng là như vậy. Có tài liệu ghi là chính Tần Thuỷ Hoàng đã xưng mình là trẫm nên từ đó về sau các vua chúa đều bắt chước (tự điển Khang Hy) cũng như cách dùng của long vậy (chỉ vua như long nhan, long sàng ...). Điều thú vị là tương quan giữa phụ âm đầu đ- (đằng) và tr- (trẫm) phù hợp với ghi nhận phần trên. Ngoài ra, một dạng âm cổ phục nguyên của đằng có thể là *trang/tlang/tlan hay có khả năng là cùng một gốc (phương Nam) với âm Thìn/Thần. Nói cách khác là Thìn/Thần  hay đằng (xà) chỉ là các dạng dùng chữ Hán để kí âm loài trăn/rắn của phương Nam.


3.2 Nhìn rộng ra hơn, Tiếng Mường (Bi) còn dùng danh từ khủ là con thuồng luồng - theo Génibrel (Dictionnaire annamite francais  - SaiGon - 1898) thì giao là con cù 虯 - tra thêm cách đọc cầu HV
虯 đọc là cư u thiết (ĐV, TV), nhưng cũng có thể đọc là khứ cửu thiết, khâu thượng thanh 去九切,丘上聲 (VB) - tương ứng với âm khủ (Mường Bi, thuồng luồng).
Tuy nhiên, các phụ âm đầu kh- (Mường Bi) lại quan hệ mật thiết đến phụ âm s- (khuynh hướng xát hoa của tiếng Việt: lực > sức, krong/krung > sông ...) như

khổng (Mường Bi) sống (Việt)
không sông
khổ số
khét sét
khẩm sấm
khào sào
khủng súng
... ...
khu sâu
khủ sấu (đây là một cách giải thích nguồn gốc của con sấu, con cá sấu)
... ...
Câu nói dân gian lù khù có ông cù hộ mạng cũng cho thấy hình ảnh siêu phàm của loài thuồng luồng (cầu, cù, khủ) huyền thoại này. Xem lại chuỗi tương quan k>kh>h (thuộc định luật Grimm trong ngữ hệ Ấn-Âu) . So với tiếng Hán và Việt, quá trình biến âm trên phản ánh rõ nét qua cách đọc chữ HV không 空 với thành phần HT công 工 thành ra không 空 (>khôn) và hông, hổng qua khẩu ngữ; không phải ngẫu nhiên mà ta có các liên hệ giữa can 乾 cạn, khan/khản/khàn và hạn 旱 (nắng gắt khô cạn) hay cang 亢 kháng so với họng … Do đó, ta có cơ sở thiết lập chuỗi biến âm (a) và (b) dựa trên dạng cổ phục nguyên *kiu (hàm nghĩa động vật hình uốn cong như rắn thần, trăn, trình/chình ... thuồng luồng, thằn lằn ... )
(a)        *kiu >  虯cầu HV  cù (Việt) > khủ > hù (hù, làm cho sợ)
(b)        *kiu > keo (tên gọi người Việt) > giao 交 蛟 (à  Giao Chỉ, Giao Châu)

3.3 Thìn còn là một tiếng Việt cổ như trong các cách dùng 'ta thìn nhân nghĩa chớ loàn đan' (Nguyễn Trãi), thìn lòng (giữ lòng), ‘thìn lòng tích đức tu thân’(Thiên Nam Ngữ Lục) ... Mà ta có thể dùng chăn (chăn bờ giữ cõi): thìn~chănlà một liên hệ thú vị đáng được tra cứu thêm không nằm trong bài này.

4. Kết luận

Các dữ kiện ngữ âm trên cho thấy một dạng âm cổ của Thìn/Thần là *tlan/klan dẫn đến liên hệ trăn - rắn - lươn - trình/chình (hay các loài thuỷ quái liên hệ và đã tuyệt chủng), và các dạng đơn âm hoá thằn lằn, thuồng luồng ... Khi người Hán đọc Thìn/Thần 辰 (như chén giọng BK bây giờ) hay *tlan/klan thì không hiểu là gì, nhưng người Việt thì có thể hiểu ngay như trường hợp Mão Mẹo mèo, Hợi gỏi cúi … chẳng hạn. Cũng như ngay chữ 龍 long (rồng) có các vết khắc/vẽ cổ6 rất giống loài rắn hay trăn. Ta có cơ sở đưa ra một kết luận là loài rắn/trăn của phương Nam đã được thiêng hoá thành loài rồng hư cấu (như rắn thêm sừng, thêm cánh, thêm chân ...) trong văn hoá cổ đại TQ. Điều này phản ánh qua các dạng âm cổ phục nguyên của Thìn/Thần và long (rồng). Văn hoá dân gian VN vẫn còn thấy ghi nhận hình ảnh loài thuồng luồng (giao long) cho đến ngày nay. Nhìn rộng ra hơn, trong tiềm thức của các dân tộc cổ đại thường hiện diện hình ảnh loài rắn lớn hay rắn biển (dạng thuồng luồng). Ngữ hệ Ấn Âu có chữ rồng là dragon, dragun, drakon ... có gốc từ tiếng Hi Lạp δράκων (drákōn) nghĩa là con rắn lớn, con rắn biển (sea-serpent). Đây là khái niệm nguyên mẫu (archetype) đáng được tra cứu thêm nhưng không nằm trong phạm vi bài này.

5. Phụ chú và phê bình thêm

Phần này không hoàn toàn theo cách ghi tài liệu (Bibliography) tham khảo APA hay MLA vì bao gồm các phê bình thêm về đề tài, tài liệu và tác giả để người đọc có thể tra cứu thêm. Để cho liên tục, bạn đọc nên tham khảo bài 8 hay "Nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con giáp - Thìn Thần Long Rồng Rắn (phần 8)" trên các trang mạng như
hay
http://www.anviettoancau.net/anviettc/index.php?option=com_content&task=view&id=571 …v.v… Bạn đọc cũng nên tham khảo bài viết "Các biến thể của hình tượng rắn trong truyện cổ dân gian nhìn từ góc độ danh xưng" (Trần Minh Hường, 2011) hay "Hình tượng rắn qua tục thờ và huyền thoại" (Trần Minh Hường, 2011) trang

1) Thanh điệu (phục nguyên) thời thượng cổ không được chính xác, như cách dùng mộ mồ mô mả ... phản ánh các thanh điệu khác nhau cùng hiện diện khi đã có mặt trong tiếng nói từ lâu. Thìn/Thần cũng có khả năng đọc với thanh sắc (chấn) hay thân, thận ... Thích Văn còn ghi thần là thân 伸,
2) Theo Nhậm Phưởng trong Thuật Di Kí (Quyển Thượng) thì sau 500 năm thì loài rắn (độc/nước) hóa thành thuồng luồng (giao), sau 1000 năm thì thuồng luồng trở thành rồng, sau 500 năm rồng trở thành giác long (rồng có sừng), sau 1000 năm thì giác long trở thành ứng long (rồng có cánh) - nguyên văn
“ 水虺五百年化為蛟, 蛟韆年化為龍 ; 再五百年化角龍, 韆年化應龍”
“Thủy hủy ngũ bách niên hóa vi giaogiao thiên niên hóa vi longtái ngũ bách niên hóa giác longthiên niên hóa ứng long”.

3) Có những chữ đọc khác so với âm thần, thân, thận, chấn, chẩn ... Nhưng chính những âm khác biệt (nhưng hiếm hơn) này có thể là âm cổ hơn mà ta không nhận ra. Thí dụ như trắc lân thiết chính ra đọc là trân/trăn mới phù hợp với hệ thống âm HV, nhưng theo Chánh Vận thì đọc là chân (tương ứng với giọng Bắc VN đọc trân so với giọng Nam VN bây giờ). Vì không biết rõ cách đọc cổ nên dễ rơi vào trường hợp chữ hội ý ...v.v... GS William G. Boltz là tác giả cuốn "The origin and early development of the Chinese writing system" NXB New Haven (Connecticut, Mỹ, 1994). Ông phủ nhận hoàn toàn loại chữ hội ý 会意字 / 會意字 trong cấu trúc chữ Hán (sđd); lý do đơn giản là thành phần HT đã từng có cách đọc khác (cổ) mà ta không biết (hay quên/mất đi theo thời gian). Thí dụ như chữ an 安 thường được đưa ra làm thí dụ cho loại chữ hội ý với bộ miên 宀 (nóc nhà) và chữ nữ 女 (đàn bà): đàn bà ở trong nhà thì mọi chuyện đều bình an (yên ổn). Thật ra chữ nữ đã từng đọc như *an qua các chữ như 妟 yàn BK (Unicode 599F, yên lặng - Thuyết Văn ghi: 妟 an dã 安也), 奻 nuán BK (Unicode 597B, cãi nhau) và 姦 jiān BK (gian HV): đây là các dạng biến âm (ngạc hoá) của *an/ yên. Ta có thể thêm các chữ hiếm với gốc âm cổ *an như nghiên 蔅 yán BK (xinh đẹp, như nghiên 妍), yển 匽 (dấu diếm, tần số dùng là 13 trên 171894734 ) và một số chữ HV yển *an dùng chữ 匽 làm thành phần HT, yển 𩷑 yăn BK (cá sủ, cá mẫn)…

4) Bản Thảo Cương Mục trong mục giao long giải thích về thận 蜃, trích lại từ Bì Nhã 埤雅 do Lục Điền 陸佃 soạn. Lục Điền (1042-1102) viết Bì Nhã để bổ túc cho Nhĩ Nhã (thế kỷ III TCN) cũng như các học giả Quách Phác (276-324 SCN), Hình Bính (931-1010) trước đó. Liên hệ giữa giao (thuồng luồng) và rắn, rồng còn được Quách Phác ghi là
郭璞云:「蛟似蛇,四足,龍屬。
Quách Phác vân: "Giao tự xà, tứ túc, long thuộc"

5) Dựa vào một số cách đọc chữ hiếm/cổ và thành phần hài thanh, ta có thể tìm thấy phần nào vết tích của âm cổ Hán. Điều này cũng khá dễ hiểu cũng như tiếng Việt cổ còn bảo quản phần nào bởi tiếng Mường ... Hay người Việt ở nước ngoài (Pháp, Úc …) từ lâu đời thì vẫn còn giữ một phần âm đọc và cách dùng cổ hơn của tiếng Việt. Thí dụ như chữ hiếm trành 糽 có các cách đọc là  陟庚切 trắc canh thiết (NT, TTTH) 張梗切 (LT),音盯 trường ngạnh thiết, âm trành (kéo dài ra/căng), 淄等切  truy đẳng thiết (TVi). Đây là một chữ hiếm nhưng cách đọc còn duy trì âm cổ hơn của 丁 (đinh, chênh) hay là âm *treng, so với các dạng cổ phục nguyên của William Baxter *treng và *teng (Vương Lực, Karlgren) hay *têng (Schuessler). Một dữ kiện đáng nhắc lại ở đây là tiếng Việt vẫn còn duy trì âm rất cổ của đả 打 là đánh so với các giọng BK, Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Thượng Hải, Đài Loan ... Đả là âm Hán trung cổ: 都假切 đô giả thiết (LTC), 都瓦切 đô ngoã thiết (VH, CV).
Các âm HV với phụ âm đầu tr- (trắc) thường gặp hơn như
Tranh (giành) 爭 - 側莖切 trắc hành thiết (ĐV)
Trác 卓 - 側角切 trắc giác thiết (TV)
Trăn 榛 - 側詵切 trắc sân thiết
Trân/chân 蒖 - 側鄰切 trắc lân thiết (ĐV) - chữ hiếm (rau mão 茆)
Trăn 潧 hay 溱 - 側詵切 trắc sân thiết (chữ hiếm - tên sông)
Trân/chân 眞 hay 真 - 側鄰切 trắc lân thiết
Trân/chân 籈 - 側鄰切 trắc lân thiết (chữ hiếm)
Trảm 斬 (chém) - 側減切 trắc giảm thiết (ĐV)
Trâm/châm/tiêm 閚 - 側銜切 trắc hàm thiết (NT)
…v.v…

6) xem quá trình hình thành chữ long 龍 qua giáp cốt văn, kim văn, triện văn trang này
http://www.chineseetymology.org/CharacterEtymology.aspx?submitButton1=Etymology&characterInput=%E9%BE%8D  (cập nhật 2003, 2008, 2011). Các hình khắc/vẽ cho thấy hình dạng một loài bò sát như trăn, rắn, cá sấu ...

Trang đính kèm 1 (trang 1084, tự điển Khang Hy) ghi rõ ràng liên hệ giữa thận 蜃 và giao 蛟 (giao long, thuồng luồng)
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved