Home » » Chân Dung và Đối Thoại - Phù Thăng

Chân Dung và Đối Thoại - Phù Thăng

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012 | 21:15

I

Lần đầu tiên, tôi được biết Phù Thăng. ấy là khi ngồi chuyện phiếm với Xuân Thiều Lâu rồi. Dễ đã hai chục năm có lẻ. Chiều ấy, không biết Xuân Thiều tới tìm ai đó, rồi tình cờ, tạt qua phòng tôi. Thế rồi, bên chén trà đã nhạt, có ai đó bàn đến truyện mini, một dạng truyện độc đáọ Độc đáo bởi nó ngắn. Cực ngắn. Có truyện chỉ vài trăm chữ, thậm chí vài chục chữ, mà vẫn chuyển tải được tới bạn đọc một vấn đề lớn. Chỉ một dúm chữ, nhưng truyện vẫn có hồn, có cốt, có cả nhân vật. Nói tóm lại, nó vẫn là cái truyện nghiêm chỉnh, chứ không phải một dạng tiểu phẩm, có tráng qua chút văn chương. Nghĩa là đọc nó, người ta vẫn thấy tự nhiên, thoải mái, không có cái cảm giác bức bối, ngột ngạt như bị vo nén lại, rồi nhét vào trong một cái ống xe điếu!

Rồi để chứng minh cho cái lý luận mini ấy, Xuân Thiều rủ rỉ kể cho tôi nghe một truyện của Phù Thăng. Cái truyện có tên là Hạt thóc. Cứ theo lời Xuân Thiều thì truyện ngắn lắm, chỉ vẻn vẹn có một vốc chữ, đem tải ra cũng không kín một trang vở học trò. Chuyện kể về một gã tâm thần. Gã từng là nhà văn, từng làu làu tiếng Pháp. Thế rồi chẳng biết do ngộ chữ thế nào đó, gã đâm ra lẩn thẩn. Gã cứ nghĩ mình là hạt thóc bé bỏng tội nghiệp. Và vì thế, cứ trông thấy gà qué ở đâu là gã co cẳng chạy.

Thật tội nghiệp cho gã! Thà gã cứ nghĩ mình là một cục cứt để rồi mà sợ chó, thì đời gã chẳng đến nỗi khổ như vậy. Chó đang thưa vắng dần. ở làng quê bây giờ, có bói cũng chẳng tìm thấy bóng dáng một chú chó nhỏ. Để phòng bệnh dại, người ta đã triệt chó. Trên vùng núi cao, ở những bản xa mù, thỉnh thoảng lắm mới có tiếng chó sủa eo óc, nghe như tiếng ếch kêụ Mà cũng chẳng biết có phải đấy là tiếng chó sủa thật không, hay chỉ là chút ký ức vẩn lên trong tâm trí người bộ hành mệt mỏi, thấp thỏm bước trên những con đường rừng khuya khoắt, mong có chỗ dừng chân, muốn gặp một bản làng, mà rồi nghĩ ra vậỵ Chỉ ở Hà Nội mới có chó. Rất nhiều chó. Chó ngào ngạt suốt một rẻo đê Nhật Tân. Nhưng đó lại là những con chó hoà bình, chẳng có gì phải sợ. Khốn nỗi gã lại là hạt thóc. Một hạt thóc bé nhỏ nên mới sợ gà. Mà gà thì ở đâu chẳng có. Chúng sinh sôi nảy nở đàn đàn lũ lũ ở các nông trường, các trại gà công nghiệp, các làng quê xóm bản. Đến cả những phố phường sầm uất, sang trọng, ồn ào người xa gần cũng có thể bất thần nghe thấy tiếng gà gáy te te ngay trên ban-công, ở những biệt thự cao tầng chìm lấp sau những giàn hoa giấy khuê các. Bởi vậy tính mạng gã luôn bị đe dọa.

May sao, có một người hiểu được nỗi bất hạnh ấy của gã. đó là ông bác sĩ tâm thần. Ông niềm nở đón gã vào viện. Bệnh viện của ông cũng lạ. Nó chẳng giống những bệnh viện tâm thần mà ta thường thấỵ Nhìn khắp bốn phía chẳng có tường ngăn, rào chắn. Ngày đêm cửa mở thông thống. Bệnh nhân không ai bị trói giữ, giam nhốt. Đến nỗi chính gã cũng chẳng biết mình mang bệnh và đang ở trong một bệnh viện tâm thần. Gã hoàn toàn tự do, có thể tha thẩn đi hái thuốc cùng mấy cô y tá trẻ đẹp, có thể suốt ngày ngồi đàm đạo văn chương với mấy ông bác sĩ. Đôi lúc cao hứng, gã còn mang những bài thơ gã viết bằng tiếng Pháp đọc cho bác sĩ nghẹ Rồi ông bác sĩ cũng lại mang những bài thơ viết từ thời đang còn là sinh viên Trường Y ra đọc, nhờ gã góp ý, sửa chữạ Nói gì thì nói, chứ cái khoản văn chương thơ phú này, em cứ phải tôn ông anh là bậc đại sư phụ. Thế thì ai dám bảo gã là hạt thóc. Chỉ được cái bố láo!

Cứ thế, gã được kính trọng, được cư xử thân ái như cư xử với một con ngườị Và bằng tấm lòng nhân ái ấy, ông bác sĩ tài ba đã cứu được gã, đă đưa gã từ cõi mộng mị hoang tưởng về nơi xứ ngườị Ông anh làm nghề gì? Tớ là nhà văn. Cóc phải! Người ta bảo ông anh là hạt thóc! Bậy! Tớ là con ngườị Cậu nói gì mà lạ thế? Tớ là người!

Gã tròn mắt kinh ngạc thật sự. Còn bác sĩ thì tủm tỉm cười, gương mặt thật rạng rỡ. Sau đó ít ngày, gã ra viện. Cuộc chia tay thật bịn rịn. Rồi gã thung thăng ra về. Nhưng thật oái oăm, chính lúc ấy, cái lúc gã đang ung dung bước như một con người ấy, thì ở xóm ven đê, lại vút lên tiếng gà gáy. Thế là gã lại co cẳng chạy. Gã chạy tất tưởi, chạy cuống quýt, lao bừa vào bụi rậm, vào các xó xỉnh khuất lấp để lẩn trốn. Bác sĩ há mồm kinh ngạc. Ông không hiểu sao căn bệnh tái phát nhanh đến thế. Khó nhọc lắm, bác sĩ mới lôi được gã lẩy bẩy từ sau bồ thóc rạ Ông anh làm sao thế hả? Con gà... con gà... gã líu lưỡi lại. Ông anh có phải là hạt thóc không? Bậy! Tôi không phải là hạt thóc. Tôi là người. Là con người! Thế sao thấy gà anh lại chạy. Khổ! Cậu thấy đấy. Tôi không phải hạt thóc. Nhưng con gà, vâng, chính là con gà ấy, nó vẫn cứ tưởng tôi là hạt thóc thì saỏ

II

Truyện vẻn vẹn có thế, lại qua lời kể bỗm bãm khói thuốc của Xuân Thiều, chưa phải nguyên bản, vậy mà nó vẫn ám ảnh tôi suốt một thời gian dài. Cái truyện này, nghe nói Phù Thăng viết khi ông đã rời bỏ Hà Nội trở về quê, làm một thợ cày. Trước đó, ông từng là tác giả kịch bản của nhiều bộ phim truyện nổi tiếng: Nguyễn Văn Trỗi, Quê nhà, Biển lửa, Tiếng gọi phía trước... Có phim từng đoạt giải vàng, giải bạc của liên hoan phim quốc tế, tổ chức tại Matxcơva. Tất nhiên, đây là phim truyện Việt Nam những năm sáu mươi, bảy mươi. Giá trị nghệ thuật của nó đến đâu, bây giờ ta cũng có thể xác định được rồi. Trước khi đến với điện ảnh, Phù Thăng đã là nhà văn. Truyện Con những người du kích đã đưa ông đến vị trí của một ngòi bút được bạn đọc yêu mến, tin cậy. So vớI nhiều nhà văn cùng lứa, Phù Thăng được tạo hóa ưu ái ban cho một văn tài. Văn tài ấy bộc lộ ở những con chữ tài hoa, hàm chứa những hiểu biết sâu sắc.

Sau tập truyện vừa Trận địa mới, truyện Phá vây ra đời. Đó là cuốn tiểu thuyết dày 500 trang viết trực tiếp về cuộc chiến tranh ở vùng đồng bằng Bắc Bộ thời kỳ đầu kháng Pháp. Một tiểu đoàn trinh sát mở một trận đánh nghi binh, thu hút lực lượng địch về phía mình, giải vây cho đồng đội. Và rồi, bằng trí tuệ và lòng dũng cảm của mình, những người lính của tiểu đoàn trinh sát đã phá được vòng vây, không phải chỉ vòng vây địch, mà cả những vòng vây vô hình nhưng không kém phần nguy hiểm, đang giăng mắc ở ngay trong ta, ấy là những định kiến, những quan niệm hẹp hòi, ấu trĩ, trói buộc con người, cản trở sự tiến triển của cách mạng, của văn hoá và văn minh. đây là cuốn sách ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Một chủ đề phổ biến trong văn học ta những năm sáu mươi. Tập sách sẽ là con thuyền êm chèo mát mái, nếu không có vài dòng Phù Thăng luận về chiến tranh. Trong ý nghĩ của ông lúc bấy giờ, chiến tranh dù nhìn ở góc độ nào cũng không phải là điều tốt đẹp. Bởi nó cuốn theo bao nhiêu xưong máu của những người dân vô tội. Đây là một vấn đề lớn có tính thời đại sâu sắc mà ông lại trình bày một cách giản đơn như thế và ở thời điểm ấy, nó đã hóa sóng gió đánh vào đời ông. Trận sóng này còn phủ lên cả những trang văn bình dị khác, như cái đoạn ông khắc họa vị tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn trinh sát. Anh đi kiểm tra trận địa nghi binh về, thấy lính ngả nghiêng nằm ngủ dướI trăng. Ngày mai là trận đánh lớn. Những người lính này sẽ tự nguyện làm mồi nhử địch, thu hút hỏa lực địch. Cậu lính nào cũng trẻ đẹp và khoẻ mạnh. Những sức trai như thế kia vào trận mà chết thì uổng quá. Trước mắt anh, họ đều là thợ càỵ Nếu không có chiến tranh, những sức vóc ấy mà cho đi phạt bờ, cuốc góc thì sướng biết mấy!

Những ý tưởng đó bây giờ cho là hết sức bình thường, nhưng ở thời điểm ra đời của nó lại khó được chấp nhận. Điều đó cũng dễ hiểụ Phù Thăng giải trình với bạn bè: Thực tâm tôi nghĩ thế thì tôi viết ra một cách trung thực thế. Nếu các anh cảm thấy không được thì thôi, không in nữạ Nếu trót in rồi thì không phát hành nữa, chứ bây giờ bảo tôi chữa khác đi, thì thú thực, tôi chẳng biết chữa thế nào. Trận sóng Phá vây ấy, đã hất tung Phù Thăng về với đồng ruộng, quê nhà. Phù Thăng lại thấy có cái gì đó vui vuị Ông tâm sự với một nhà văn trẻ: Mình thế là rất được ưu ái đấỵ Các anh ấy còn thương, cho làm quan tại giạ Lương tháng vẫn nhận đều đều ở xưởng phim, chẳng bị chiết khấu đồng nàọ Bây giờ thì bình thường, chứ cứ như ngày trước, được làm quan tại gia là sướng và oai lắm đấy! Và rồi từ đó ông quan tại gia cứ sáng sáng vắt vẻo cái que tre buộc toòng teng mấy rảnh lá chuối khô, lùa vịt ra đồng. Dưới cái gậy chỉ huy của ông, hàng trăm tên lính xung kích sẵn sàng xông trận. Chỉ khẽ vẫy tay là cái đạo quân ấy rùng rùng chuyển động, nom tếu như một cái chăn khổng lồ bị giời xé. Khi đoàn quân ấy đã chiếm lĩnh trận địa rồi, ông mới lụi cụi phạt bờ cuốc góc. Trông chẳng ai biết đấy là một ông quan. Rồi cứ vài ba tháng một lần, ông lại về Hà Nội nhận lương, cho đến khi ông trao chìa khoá, trao căn phòng mình ở Hà Nội cho anh em trong cơ quan, rồi nhận sổ hưu, về làng hẳn. Từ đó đến nay, ông không trở lại Hà Nội nữạ Cũng không thấy ông tiếp xúc giao du với giới văn chương. Và làng Tất Lại, xã Cộng Lạc, quê ông, từ đó có thêm một ông thợ cày cần mẫn. Ngày nào ông cũng đánh trâu ra đồng, kể cả những hôm giá ngắt, nước ruộng trong leo lẻo, cá mại cờ chết rét, nổi phềnh lên, dạt cả vào vệ cỏ, ông vẫn cày quần quật từ sáng đến tối mịt. Có hôm bị huyết áp, ông ngã vật xuống ruộng càỵ Lũ trẻ chăn trâu đã khiêng ông về nhà.

Cứ tưởng lần ấy, ông đi hẳn. Ai ngờ ba ngày sau đã thấy ông vắt, diệc trên cánh đồng rồị Một mình ông nhận đến bảy sào ruộng khoán.

- Sao bác nhận lắm ruộng thế? Có phải mướn người làm không? - Một phóng viên báo tỉnh hỏi ông.

- Việc gì phải mướn. - Ông cười móm mém. - Mình vốn là thợ cày mà. Phải làm thôị Mướn người biết lấy gì ra mà trả cho họ. Mấy chục đồng lương thiếu uý hưu của mình, ông tính sống sao nổi ở thời kinh tế thị trường nàỵ Mình còn kéo theo ba cái rờ moóc nữạ Tháng trước, cô con gái út làm ở đài truyền thanh huyện lại về xin bố tiền. ở quê, nhiều thứ phải chi tiêu lắm. Tất cả chỉ còn biết trông vào hạt thóc thôi.

Phù Thăng làm quần quật như một nông dân. Chẳng ai biết ông là một nhà văn hào hoa, phong nhã một thờị Bà bán nước chè xanh ở quán nước đầu xã Cộng Lạc, vốn là một giáo viên văn nghỉ hưu tỏ ra rất am tường: Các bác muốn tìm ông Thăng mà hỏi nhà văn Phù Thăng thì chẳng ai biết đâụ Cứ hỏi ông Thăng có con trâu sứt tai, hoặc gọi tắt là ông Thăng Sứt thì cả làng này, từ già tới trẻ, ai cũng biết. Mà kể cũng lạ. - Bà chép miệng, - Ông lão người cứ quắt như gốc sắn khô, mà trị được con trâu to vật. Con trâu ấy dữ lắm, trẻ con đứa nào cũng hãị Chúng còn gọi là con điên hay con điên sứt. Con điên sứt ấy đã cho mấy ông thợ cày thủng bụng rồi đấỵ Vậy mà nó lại chịu ông Thăng. ở làng này chỉ có ông Thăng mới cày được nó, cũng chỉ có ông Thăng mới cưỡi được nó.

Vậy đó. Con điên. Con điên sứt. Những biệt hiệu đầu gấu sặc mùi đao búa của con trâu ương ngạnh, ai ngờ lại là đặc điểm, là chứng chỉ để người ta nhận diện một nhà văn hào hoa, phong nhã. Người ta còn gắn cả cái tai sứt của con trâu cho ông, đủ biết ông là một lực điền như thế nào rồị Thực tình Phù Thăng đâu đã bỏ văn, để rồi phải núp sau cái tai sứt của con trâu điên khùng. Ông vẫn viết cần mẫn. Ngày cày ruộng quần quật, đêm lại chong ngọn đèn dầu, cặm cụi cày trên cánh đồng giấy trắng rợn, trắng đến sờn cả da gà. Bà vợ hơn ông hai tuổi lại rên rẩm: Thôi! Tôi lạy ông! Đừng viết nữa. Khổ thế này còn chưa đủ sao. Nhất nhỡ lại sa sẩy nữa thì sống sao nổi. Ông già rồi.

Nhưng Phù Thăng làm sao bỏ viết được. Cái nghiệp văn chương nó thế. Không phải ông chọn văn chương mà chính văn chương đã chọn ông để đày đọa để hành hạ ông trong cõi người nàỵ Bây giờ thì nó đã thành máu thịt của ông, đã thành số phận của ông rồị Bỏ cây bút, ông còn biết tựa vào đâủ Ông biết lấy sức lực nào để cày hết bảy sào ruộng khoán? Sức mạnh bí hiểm ấy, bà không thể biết được. Đối với một nhà văn, khi không còn sức sáng tạo nữa thì nhà văn ấy thực sự đã chết rồị Chính niềm vui của sự sáng tạo văn chương đã giúp Phù Thăng vượt qua cái chết trên đồng làng và cả trên bàn mổ. Phù Thăng đã ba lần bước lên bàn mổ với các vết thương từ thời kháng Pháp. Ông vốn là thương binh. Chính các bác sĩ cũng không hiểu tại sao một ông lão gày guộc, dường như chỉ có đôi mắt là còn sức sống, lại có sức lực dẻo dai đến thế. Và rồi đêm đêm những trang văn vẫn ra đời. Chồng bản thảo mỗi ngày một đầy thêm. Phù Thăng gói bản thảo thành từng bó, quấn giấy xi-măng, rồi cho vào chum ủ lá xoan tươị Đấy là cách phòng chống mối mọt của những nông dân nghèo thời trung cổ. Trong căn buồng ẩm thấp, tối sẫm, lúc nào cũng vo ve tiếng muỗi, ngoài chum thóc, chum sắn, còn có cả một chum văn nữạ Vậy mà cho đến nay, Phù Thăng vẫn đứng bên ngoài dòng văn học. Cả một đời cặm cụi viết, lầm lũi đi, đến lúc tuổi đã già, dụi mắt nhìn lại, thấy con đường văn ngổn ngang những cột mốc với những tên tuổi khác. Lục khắp cũng chẳng bói đâu ra một chút dấu ấn của đời mình.

III

Có lẽ vì thế, người đọc bây giờ, nhất là các bạn trẻ, không biết Phù Thăng, thiết tưởng cũng dễ hiểu. Trong số hơn sáu trăm hội viên Hội nhà văn, nhiều người được kết nạp đã lâu mà đến nay, tên tuổi vẫn lạ hoắc, đến nỗi ngay cả những người trong nghề cũng thấy lù mù, chẳng biết họ viết văn hay làm thơ, hay là nhà phê bình lý luận. Trong màn sương mù ấy cũng chẳng thấy cái bóng mờ mờ nhân ảnh của Phù Thăng. Còn trên quầy sách thì thật rôm rả. Ríu rít bao màu sắc. Mới có, cũ cũng có. Vẫn chẳng thấy dáng dấp Phù Thăng. Những năm gần đây, sách ra rất rộng rãi. Nhiều tác giả Nhân văn Giai phẩm xưa từng có lúc thiệt thòi, giờ cũng được bù lại. Tuy nhiên, sự ưu ái ấy cũng vẫn chưa phải đã là một may mắn. Bởi nhiều hình bóng chỉ có sức sống mãnh liệt ở xứ sương mù. Sương tan thì bóng hình cũng theo sương mà tan nốt. Nói một cách văn vẻ như một nhà thơ trẻ, thì đấy là những con rồng trong mây, lúc ẩn, lúc hiện, khi phô khúc đen, khi xoè khúc trắng, nom thật ngoạn mục, thật kỳ vĩ. Nhưng đến lúc bày ra giấy rồi mới hay nó chỉ là những con chạch chấu gầy gò teo tóp. Giá không được may mắn ấy, có khi lại may mắn hơn, bởi trong tâm trí người đọc, biết đâu người ta vẫn nghĩ anh là một con rồng, có khi còn hơn cả con rồng. Phù Thăng cũng lại nằm ngoài sự may rủi ấy. Biết đâu, đấy lại chẳng là một điều hay cho ông. Mãi gần đây, tôi mới có dịp được gặp ông.

Đó là dạo Quân khu Ba kỷ niệm lần thứ 50 ngày sinh của mình. Cục chính trị cho mời toàn thể anh em văn nghệ sĩ của Quân khu về Hải Phòng gặp mặt. Chúng tôi vừa tới Cục chính trị thì cô tiếp viên nhà khách đã đon đả: Các bác lên đi. Trên đó nhiều phòng lắm... Anh em đến đủ chưa? Lê Lựu hỏi lập bập. Trên đó chỉ có một bác Thăng ở Hải Dương thôi. Có phải bác Phù Thăng không? Cháu không rõ. Chỉ biết bác ấy tên là Thăng. Hình như bác La Thăng gì đó. Bác ấy vẫn làm bài hát mà. ở đây toàn các bác múa hát thôi. Các bác ấy đàn sáo suốt đêm qua. Vui lắm.

Tôi bổ lên nhà khách. Đèn sáng choang, nhưng chẳng có ai cả. Trên cọc màn treo lủng lẳng một cái áo trấn thủ thủng lỗ chỗ như những vết đạn bắn. Có lẽ Phù Thăng thật. Mà đúng là Phù Thăng. Khi chúng tôi đang ngồi uống trà, thì Phù Thăng tất tả bước vào. Ông mặc tấm áo may-ô vàng ố, cái quần kaki đã bạc, ống thấp, ống cao. Phù Thăng như từ thửa ruộng cày bước thẳng vào phòng khách. Thấy chúng tôi, ông sững lại, rồi reo òa lên như một đứa trẻ:

- -ối giời, các ông! - Và rồi, thật bất ngờ, Phù Thăng sụp xuống.- Tôi lạy ông Khải, tôi lạy ông Lựu, tôi lạy ông Khoa!

Ô hay, sao lại thế này? Lê Lựu há hốc mồm kinh ngạc. Nguyễn Khải đứng dậy, luống cuống. Xưa nay người ta thường chỉ lễ người chết, chứ có mấy ai lễ người sống bao giờ. Thương nhau, biết nhau cả, mà rồi đằng đẵng mấy mươi năm chẳng gặp được nhau, thì dẫu có sống cũng coi như người đã khuất núi rồi. Bởi thế mà Phù Thăng mới lạy chúng tôi, nước mắt lã chã. Cả ba chúng tôi đều cuống lên, chẳng biết làm sao, cũng sụp xuống, xá lại. Hai bên lụp cụp lạy nhau. Các cô phục vụ nhà khách kéo đến, tưởng các bác diễn tuồng.

- Trời! Tôi không thể nghĩ mình còn có dịp được trông thấy các ông nữa!

Phù Thăng nói bằng giọng mếu máo. Ông ngồi lọt thỏm trong ghế sa-lông. Một ông già nhỏ thó, đen đúa. Hàm răng đã rụng hết. Trông ông teo tóp như một hạt thóc lép. Chỉ có đôi mắt là long lanh sáng. Hình như toàn bộ sức sống của cả con người ông, đều gom lại trong đôi mắt ấy. Trời, tôi không ngờ, không ngờ... Phù Thăng vẫn thều thào. Quả cũng bất ngờ thật. Nguyễn Khải ở Thành phố Hồ Chí Minh. Lê Lựu ở Hà Nội, Phù Thăng ở làng Tất Lại, Hải Dương. Ba ngọn núi kỳ dị của đồng bằng Bắc Bộ ấy, ai ngờ lại có dịp ngồi ngắm nhau. Bởi thế, Phù Thăng vẫn chưa hết bàng hoàng của một người trong cõi mộng.

- Không biết sau lần này, chúng mình liệu còn có dịp nào được gặp lại nhau nữa không nhỉ? Chắc là không... không đâu...

- Gặp chứ! Gặp chứ!

Lê Lựu nói lắp bắp, rồi đưa tay vỗ tóp tép vào cái đùi tong teo của Phù Thăng, rồi lại nắm cái đầu gối củ lạc của ông mà lắc lắc. Đoạn, anh ghé tai Phù Thăng, hỏi một câu gì đó, chắc là về tình ái. Thế là Phù Thăng cười toá lên, mặt rúm ró.

Chuyện vã một lúc, Lê Lựu rủ mấy anh em xuống thăm các anh chị văn công đang om xòm tề tựu ở khu nhà dưới kia. Đi di, ngồi ru rú ở đây làm quái gì. Mấy khi có dịp thế này. Đêm nay ta ra đồi, nhảy Va-xi-lô với mấy mẹ xanh đỏ, bác Thăng nhé!

Phù Thăng lại phều phào cười. Chúng tôi bước lững thững trên con đường mới rải nhựa, bảng lảng sương khói. Xa kia, sau đồi Cò, mảnh trăng non cong vắt như cái khoẳm trâu mà một gã thợ cày nào đó vừa quăng lên bầu trời. Phù Thăng bước bẫng lẫng. Ông bảo tôi:

- Lúc nào Khoa cố gắng bớt chút thì giờ ghé về nhà mình chơi. Mình muốn nhờ ông đọc giúp mấy cái truyện. Đọc để biết thôi. Chứ in thì chắc khó lắm. Thời kinh tế thị trường bây giờ, để in một cuốn sách, phải bán đến dăm sáu tấn thóc thì mình chịu. Kiếm đâu ra nổi số thóc lớn như thế.

Đối với Phù Thăng bây giờ, quả là mọi thứ chỉ còn biết trông vào hạt thóc. Và câu chuyện mini của ông xưa, lại ám ảnh tôi, chợt làm tôi ớn lạnh. Bất giác, tôi nắm chặt bàn tay gầy guộc của Phù Thăng, lòng mơ hồ rờn rợn. Chỉ sợ ở một xó xỉnh nào đó, sau lùm cây tối sẫm kia, lại bất ngờ cất lên một tiếng gà gáy...

5-1996

Trần Đăng Khoa

(Trích Chân dung và đối thoại NXB Thanh Niên, 1999, tr. 61-75)
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved