Home » » Phế đô của vương quốc Phù Nam

Phế đô của vương quốc Phù Nam

Written By kinhtehoc on Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012 | 01:02

Phế đô của vương quốc Phù Nam

Nguyễn Trọng Tín

Phát hiện năm 1942. Từ tháng 2 đến tháng 4/1944 được Louis Malleret, nhà khảo cổ người Pháp, khai quật lần đầu ở nhiều địa điểm khác nhau trên cánh đồng Óc Eo bên chân núi Ba Thê (Thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang ngày nay). Những công bố sau đó của ông về bằng chứng của vương quốc Phù Nam cổ xưa, ước vào đầu công nguyên đến thế kỷ VII, đã gây chấn động trong giới cổ học thế giới. Không cao niên về tuổi địa chất nhưng đồng bằng sông Cửu Long lại chứng kiến những bước chân văn minh đầu tiên của con người trên trái đất này. Những gì tìm được sơ bộ khi ấy cũng đã cho thấy dấu vết của thời đại đá mới bước sang thời đại kim khí, cư dân này cũng đã biết canh nông và đã có sự giao lưu với các nền văn hoá trong khu vực rộng lớn từ biển Đông thuộc Thái Bình Dương vươn dài về phía tây tới tận vịnh Bengan thuộc Ấn Độ.
Mất hơn 30 năm gián đoạn do chiến tranh, mãi sau 1975 những cuộc tìm kiếm dấu vết của vương quốc bị mất tích này mới được tiếp tục trở lại. Không chỉ có quanh vùng Óc Eo, dấu tích của vương quốc Phù Nam cổ xưa lần lược hiện lên từ Cạnh Đền (Kiên Giang), Gò Tháp (Đồng Tháp), Gò Năm Tước, Gò Rộc Thanh (Long An) rồi ngày một lan toả ra các vùng Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Vũng Tàu đến Nam Cát Tiên (Miền Đông Nam Bộ). Chắc chắn những vết lộ này còn chưa dừng lại ở đây nếu nó còn được tìm kiếm xa hơn về hướng Tây Nam trên lãnh thổ của hai quốc gia Campuchia và Thái Lan.
Sự phát hiện ngày một phong phú đã dẫn đến nhiều nhận định khác nhau về vai trò của khu di chỉ Oc Eo trong vương quốc cổ: “là một đô thị rộng lớn, một thị cảng phồn vinh, một tung tâm kinh tế sống động với mối quan hệ giao thương Âu-Á khá rộng rải. Đồng thời, đô thị Oc Eo xưa cũng là một di tích tiêu biểu cho nền văn minh của một quốc gia cổ hình thành vào loại sớm nhất ở Đông Nam Á” (theo Louis Malleret); hay: “vùng di tích quanh núi Ba Thê với phạm vi rộng lớn tập trung nhiều di tích thờ cúng, lăng mộ, thật sự là một trung tâm lớn, đã qui tụ nhiều tinh hoa kỹ thuật-nghệ thuật các mặt của nền văn hoá này. Từ vị trí được xác định như vậy, chắc hẳn vùng này cũng là một trung tâm quyền lực” (nhận định của Lê Xuân Diệm).
Dù là trung tâm tập quyền hay kinh thương, cho đến thời điểm này, các nhà khảo cổ trong và ngoài nước vẫn thống nhất với nhau rằng, Oc Eo là trung tâm đô hội lớn nhất của toàn bộ nền văn hoá Phù Nam.
Bằng chứng về một nền văn hoá đa sắc và rực rỡ
Dưới những hố khai quật ở Oc Eo đã tìm thấy nhiều di cốt của vật nuôi như chó, heo, gà, mèo. Trong những hình khắc trên vật dụng và trang sức bằng gốm, đồng và vàng có hình voi được đóng bành trên lưng. Thuần dưỡng được loài đại súc vật như voi để làm công cụ, chứng tỏ cư dân Phù Nam cổ đã có một trình độ phát triển rất cao. Việc này thư tịch cổ Trung Quốc còn ghi: “Họ (Phù Nam) có 5.000 voi chiến (…) (thời) Trúc Chiên Đàn (vua Phù Nam) xưng vua, sai sứ sang cống voi đã thuần dưỡng” (Tân Đường Thư). Đoạn thư tịch trên còn là bằng chứng: Phù Nam khi ấy đã là một nhà nước tập quyền, trong khi xã hội Sa Huỳnh, một nền văn minh kề cận (kết thúc thế kỷ I), vẫn chưa thấy dấu vết của một nhà nước có tổ chức.
Những mẫu lúa ở các di tích Nền Chùa, Oc Eo có dạng hạt tròn và cả những hạt lúa hoang dại. Theo Nguyễn Xuân Hiển: “Nghề trồng lúa ở Oc Eo thuộc dạng đầm lầy, đã sử dụng dạng kênh rạch để hỗ trợ cho cây lúa, và không xa nơi trồng lúa, còn bạt ngàn cả từng vạt lúa hoang dại”. Trong sách “Con đường lúa gạo” Watabe còn cung cấp một bằng chứng quan trọng: “Trong gạch mộc ở Oc Eo có chứa vỏ trấu hạt dài (…). Loại lúa hạt dài có tên gọi là lúa tiên, thuộc hệ Bengal, được du nhập từ Ấn Độ đến vào khoảng những thế kỷ đầu Công Nguyên”.
Nhưng thủ công nghiệp mới là hoạt động nổi bật nhất. Người ta dễ dàng tìm thấy thành phẩm rất đa dạng đủ kích cở từ tượng thần, tượng phật, linh vật thờ cúng đến đồ trang sức, đồ gia dụng, vật liệu xây dựng được chế tác từ vàng, bạc, đồng, sắt, đá quí, gỗ, đất nung, thậm chí có cả thuỷ tinh nhiều màu. Không chỉ thế, rất nhiều dụng cụ để chế tác ra các sản phẩm này cũng được tìm thấy từ dấu vết lò nung, nguyên liệu, phế liệu, những vết quặng nung chảy cho đến con lăn, bàn nghiền, cối, chày, nồi nấu, khuôn đổ, bàn mài… Nhiều nghề thủ công này cho thấy có nguồn gốc ngoại nhập, nhưng đã được thiết lập tại chỗ để sản xuất cho nhu cầu nội địa và có thể cả cho xuất khẩu. Trong Lương thư và Tân Đường Thư còn ghi: “Xứ Phù Nam xuất vàng, đồng, thiết, trầm hương, ngà voi, công, chim thằng chài, vẹt ngũ sắc”, “Dân Phù Nam tìm thấy kim cương rất nhiều dưới lòng sông, trên núi đá. Dân chúng lặn xuống nước, mò kiếm dễ dàng. Xứ đó xuất kim cương”.
Tuy nhiên, các nhà khảo cổ cũng không ít bối rối để phân biệt sản phẩm nào được sản xuất và đâu là những món hàng du nhập. Người ta tìm thấy ở đây từ những tấm huy chương của các vương triều La Mã, gương đồng Đông Hán, tượng Phật Bắc Nguỵ, tượng thần Bà-la-môn Ấn Độ, cho đến đồ trang sức, vật dụng sinh hoạt của các khu vực khác đương thời ở Đông Nam Á.
Một điểm nữa cũng đáng lưu ý: hầu hết những dụng cụ đồ đá tìm thấy ở vùng di chỉ này đều chỉ là công cụ dành cho sản xuất, không tìm thấy công cụ cho sinh hoạt.
Cuộc tàn sát của hậu thế
Cách nay 97 năm người ta phát hiện dưới chân núi Ba Thê có bức tượng “Phật bốn tay” nên đã dựng lên ngôi chùa để thờ. Đó là chùa Linh Sơn ngày nay. Thật ra đó là pho tượng Visnu Ananta, có hình rắn naga bảy đầu làm thành tán che phía sau. Bức tượng này cao tới 3m30, nhưng để biến nó thành bức tượng Phật ngồi người ta đã xây bít hết phần chân tượng thành ra cái bệ thờ. Có một việc có lẽ cũng ít người biết là bức tượng Bà được thờ trong chùa Bà dưới chân núi Sam, Châu Đốc, khiến làm nên lễ hội Vía Bà, một lễ hội hằng năm thu hút hơn 2 triệu khách du lịch cả nước, thực ra cũng không phải pho tượng của người nữ mà là pho tượng có dạng lưỡng tính thường gặp trong điêu khắc có nguồn gốc tín ngưỡng Bà-la-môn. Bức tượng này cũng được tìm thấy tương tự bức của chùa Linh Sơn. Nói điều này để thấy, công cuộc “phát hiện” của dân gian đã xảy ra trước ngày ông Louir Malleret khai quật Oc Eo rất lâu. Dù có gần 2000 năm tuổi, nhưng những di chỉ của Oc Eo không bị vùi lấp chôn sâu đến độ mất dấu.
Ngày nay, đứng giữa cánh đồng Oc Eo bên di chỉ Gò Cây Thị có mái che, dù trước mắt là vết lộ của kiến trúc móng chìm một đền đài khá kiên cố, bạn cũng khó mà hình dung nơi đây từng là kinh đô của một vương quốc hùng mạnh. Sau công cuộc khai quật có mục đích đầu tiên, có đến mấy mươi năm khu di chỉ này từng không có ai là chủ nhân. Đó cũng là thời gian của vô số những cuộc khai quật không có mục đích, hay nói đúng hơn chỉ có mục đích tàn phá. Cho đến bây giờ, nếu dạo quanh vùng Giồng Cát, Giồng Xoài, cả những làng quanh chân núi Ba Thê ta vẫn còn thấy nhiều thềm nhà, lối đi được kè lót bằng những viên gạch ngàn năm. Nhưng cuộc tàn sát tập thể lớn nhất khu di chỉ này phải kể đến là vào những năm 80 của thế kỷ 20. Cuộc tàn sát này có tên gọi là “bòn vàng”. Từ một ai đó tìm thấy vàng và tin được đồn thổi loan đi. Người của khắp nơi đổ đến như ong tìm mật, những lúc cao điểm có đến ngàn người. Người viết bài này từng có mặt ở đây vào một ngày của mùa nước nổi để chứng kiến những chiếc ca nô của ngàng công an rượt đuổi những người đào bới chẳng khác ném viên đá giữa ao bèo. Cả cánh đồng Ba Thê ngày ấy còn hoang hóa bị xới tung đến từng mét vuông. Người ta chỉ tìm vàng, còn tất cả đều là đồ bỏ đi. Gạch, đá, mảnh gốm ngổn ngang. Tượng đá, tượng gỗ xứt tai, gảy chân lăn lóc góc cây ụ đất. Thời đó dễ dàng tìm thấy ở góc tre, buội chuối bên hè nhà dân quanh vùng những bình gốm xứt mẻ có ngàn năm tuổi. Nhiều di vật giờ đây còn được lưu giữ trong các bảo tàng đã được thu gom từ trong dân giang sau trận bòn vàng này. Bức tượng phật bằng gỗ cao gần 2m hiện đứng trong lồng kính ở bảo tàng An Giang cũng đã được thu gom như thế. Thực ra đây là bức tượng gỗ dát vàng. Nhưng khi chủ nhân của nó bây giơ tìm được thì nó chỉ còn cái cốt gỗ.
Bí ẩn về sự tiêu vong
Dấu vết thời hưng thịnh của vương quốc Phù Nam thì nhiều vô kể. Nhưng dấu tích cho biết về thời kỳ suy yếu dẫn đến diệt vong của cả vương quốc này thì còn rất mơ hồ. Đọc qua một ít tài liệu khảo cổ về nền văn hoá này cũng chưa gặp được ý kiến nào đề cập đến việc này. Có hai giả thuyết thường được nghe truyền miệng trong giới chuyên môn.
Giả thuyết thứ nhất cho rằng sự xoá sạch cả mộ cộng đồng cư dân rộng lớn như thế chỉ có thể là do thiên tai. Có thể đó là một trận hồng thuỷ hay một cuộc đại dịch bệnh. Nhưng theo những tại liệu được nhiều nhà khoa học thế giới đồng tình thì kỷ tan rã băng hà cuối cùng cách đây ít ra cũng đã 8.000 năm. Những trận động đất hay những cơn sóng thần cụt bộ như xảy ra ở Nam Á vừa rồi khó thấy khả năng xoá được cả một vương quốc như Phù Nam. Nguyên nhân dịch bệnh lại không thấy có căn cứ. Qua tổng kết các cuộc khai quật chỉ tìm thấy vài mươi bộ hài cốt cổ, mà hầu hết họ đều được táng trong mộ.
Nhiều ý kiến nghiêng về giả thuyết do những cuộc ngoại xăm tàn sát. Có ý kiến còn đi gần hơn, nghi vấn rằng ngoại ban ấy chính là người Java (Mã Lai). Nhưng chẳng thấy ai chứng minh được gì cho sự đổ thừa vô cớ này. Thư tịch cổ chưa tìm ra sách nào ghi như thế.
Thành ra người nay khi nhìn vào những di vật vẫn cứ bâng khuân: “Người xưa đâu tá?”.
Ghi chú: Bài viết có dẫn tài liệu từ sách Văn hoá và cư dân đồng bằng sông Cửu Long và Văn hoá Oc Eo và các văn hoá cổ ở đồng bằng sông Cửu Long.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved