Cuộc rượu và lãng tử
Trần Hạ Tháp
Bàn nhậu nối dài choán hơn nửa nhà hàng hạng ba trong thành phố. Họ cười đùa tranh nhau kể chuyện một thời đầy hoa mộng... Chừng như mỗi người một phương, sinh kế khác hẳn nhau cùng tề tựu về đây. Bằng hữu cách biệt quá lâu ngày... Và điều được nói nhiều nhất, hội ngộ hôm nay như một dịp may hiếm có.
Chuyện truân chuyên, trôi dạt bao năm qua. Chuyện rủi may thân phận mỗi con người. Chuyện được, mất từ một độ chia lìa đằng đẵng... Rất nhiều. Quá nhiều, không nói hết trong vài hôm hội ngộ. Họ tươi vui bên nhau mà cơ hồ ánh mắt đều ngân ngấn nỗi lòng.
Những điêu tàn thời tóc xanh đã đi qua, ủ kín vào tâm khảm. Cho đến nay, ai nhìn ai... Tóc cũng đã hai màu.
Chủ xị đứng lên, vung tay tuyên bố chương trình:
-Thằng nào khoái món gì, cứ việc... Không vui không đến, đã đến phải vui. Sì tốp phàn nàn mấy thằng cần-câu-cơm lánh mặt. Cấm lê thê đề mục kinh tế, gia đình. Gác lại chuyện nhân sinh quan, thân thế...
Nghe đây, thì giờ eo hẹp sáng mai còn một cuộc giang hồ bỏ túi. Dạo chơi, để thư giãn trước khi chia tay mỗi đứa mỗi đường.
Ê, những kẻ còn giữa cuộc phong trần... Hãy ngửa cổ nhìn lên, cứ cạn hết
những bọt bèo, cay đắng. Nhân danh chủ xị chúc sức khoẻ tất cả và cho một ngày mai, sau cơn mưa trời lại sáng.
Mọi người nâng ly, cùng dâng trào cảm xúc khi nhìn vào ánh mắt bằng hữu. Giây phút khó quên nhất, không ngờ thành hiện thực:
-Hoàn thành lời hứa năm nào. Tao mới là thằng mãn nguyện nhất hôm nay. Bao nhiêu năm tháng đã qua đi..? Cùng phiêu linh nơi gốc biển chân trời... Những kẻ trở về... Không có mái nhà xưa.
Lạc giọng không nói đủ nên lời, hắn chỉ vào ngực mình. Chủ xị cười rạng rỡ mà nước mắt lăn hai gò má phong trần.
-Đừng vỗ tay - hắn nhắc nhở và cố gắng tiếp tục - một phút mặc niệm những thằng vĩnh viễn đã ra đi. Ly thứ hai, hãy dành cho chúng nó...
Hắn - chủ xị, người đã công phu bỏ thời gian, tiền bạc sức lực cho một lần hội ngộ bên nhau. Ước vọng chung ngỡ hết sức bình thường nhưng không hề đơn giản.
Thường trực đối diện cuộc mưu-sinh-đầy-thất-thế. Trải qua những nghi nan, kỳ thị và thành kiến. Gánh nặng gia đình trên vai với hai bàn tay trắng. Sự cô đơn giữa môi trường sống cùng với hồi ức về quá-khứ-không-tên... Tất cả đặt để lên thân-phận-lệch-nghiêng. Thứ di sản điêu-linh-không-đối-nại. Như một "nghệ sĩ sắp đặt" vừa hoàn tất tác phẩm để đời, hắn có đủ - trong một lần, hôm nay - môi cười và nước mắt.
Chả ai để ý người khách ngồi một góc gần đó. Gã nhắm mắt nhả khói, một
mình lưng dựa tường lặng lẽ. Trả tiền vài cốc bia hạng bét xong, gã không xu dính túi. Chẳng hiểu sao, gã còn chưa rời bước. Giàn nhạc công suất cao bị tắt ngang theo yêu cầu ai đó. Xuất hiện thêm chú nhóc đánh giầy quanh quẩn bên đám khách ồn ào, chờ cơ hội.
Một giọng hát ồ ề cất lên, tiếng vỗ nhịp rầm rập. Nhà hàng dần náo động khi các thùng bia chất cao che khuất cả thân người. Họ "chiến đấu" với men say, nói những lời trượng phu thời trai trẻ.
Chú nhóc đánh giầy hấp tấp bỏ đi nhưng gã ngồi một mình chụp tay kéo lại. Cả hai đi qua phòng vệ sinh. Ít lâu sau gã trở lại một mình, vớ cây Guitar gỗ dựa góc bàn. Âm điệu ấm vang lên. Gã ghếch chân, ngồi so lại dây đàn.
Mọi người trố mắt vẻ hào hứng và nhiều bàn tay đưa lên về phía gã:
-Chào ông bạn Guitar. Có thể qua đây được không? Lời mời nếu ông bạn vui lòng hưởng ứng. Ô kê, không lo ngại một vấn đề gì thiếu sót.
Lối đi mở rộng. Ghế cho gã và đồ uống mau lẹ được rót ra trước mặt. Gã gật đầu cười cười, rất tự nhiên nhập cuộc:
-Kính chào mọi người..! Những nghệ sĩ và đạo-cụ-bản-thân. Cuộc hội ngộ
của quý vị như một "tác phẩm sắp đặt" giữa trần gian luân lạc.
Gã đứng với cây đàn, nhận và đưa cao ly trên tay nói tiếp:
-Không hề có dung hoà giữa xúc cảm và nghi nan ẩn bóng. Nếu có, là bằng chứng về bước lùi vào hôn-trầm-thời-đại. Hãy để cảm xúc nói thay lời tất cả. Thưa mọi người, cảm xúc là căn-cước-nhân-văn. Dù ra sao. Dù là không sửa soạn gì...Thì vĩnh viễn cảm xúc chân thật vẫn cao quý hơn so cảm xúc trên mặt-nạ-da-người. Vâng, vì cảm xúc là kết tinh. Là không thể tồn tại ở các lò nung chảy. Xin được quên thuật-giả-kim, toàn rót vào khuôn đất nắn...
Đột ngột gã đọc thơ không lời phi lộ. L' Adieu từ nguyên tác Apollinaire, và Lời vĩnh biệt bản dịch của Bùi Trung niên Thi Sĩ.
Uống và cầm đàn lên, hát Đặng Thế Phong Con thuyền không bến. Giọng gã tremolo rung sóng. Guitar hợp âm rời. Những đoản khúc solo nối giữa hai lần hát bật lên. Phong cách classic. Cuộc thánh tẩy không gian buổi chiều bằng âm thanh chuỗi hạt...
"... Đêm nay, thu sang cùng heo may. Đêm nay, sương lam mờ chân mây. Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng. Như nhớ thương ai chùng tơ lòng... Ánh
trăng mờ chiếu, một con thuyền trong đêm thâu... Trên sông bao la, thuyền mơ bến nơi đâu?..."
Im lặng. Không ai nói ai lời nào ngoài Guitar, giọng hát. Một người quỳ ôm lưng ghế, vai rung. Một kẻ khác đứng lên giang hai tay, nhúng vẫy bọt bia lên chung quanh, mặt mũi. Lục bình vũ khúc. Ba, bốn người bá vai nhau, dập dìu cùng nổi trôi trên mặt nước vô hình.
Điện đường lên từ lâu bên ngoài, không ai hay. Bàn nhậu rộng mênh mông, lô nhô từng mặt người ngật ngưỡng...
Thế rồi Hương xưa Cung Tiến, lời chúc phúc và hoài vọng một ngày mai không thể thiếu. Hát xong câu cuối cùng, gã đứng lên để nói vài lời cảm ơn cáo biệt. Có ai đó lập lại thêm lần nữa "...Người vẫn thương yêu loài người và yên vui cuộc sống vui. Đời êm như tiếng hát của lứa đôi... Đời êm như tiếng hát của lứa đôi...".
Chủ xị ôm choàng, gục đầu lên vai gã thật lâu. Hắn ghì chụp cả cây đàn và người vào làm một:
-Cảm ơn những vỗ về của khoảnh khắc âm thanh. Không. Cứu rỗi không bao giờ khoảnh khắc... Ông bạn Guitar? Hãy để những bạn hữu tình cờ hôm nay làm bổn phận với một người ở lại. Rất vui, nếu ông bạn... Không đành lòng từ chối...
Gã vẫn cười cười, để yên mặc mọi người thể hiện... Ai đó tỉnh táo hơn nhắc nhở câu tế nhị "Chủ xị, tự nhiên đi... Tự nhiên như cảm xúc. Ông bạn Guitar sẽ có chút gì đó nhâm nhi một mình... Sáng mai. Khi bọn ta không ai ngồi đây nữa.".
Gã lập lại:
-Tự nhiên như cảm xúc. Vâng, không từ chối.
Khi chủ xị cho bàn tay vào túi quần phía sau và ngơ ngác... Gã bật cười gật gù khoát tay, chỉ ra ngoài cửa sổ. Thập thò cái bóng ốm o vừa lẩn tránh:
-Cơm bình dân mười ngàn. Đủ để một chúng sinh không ngủ đói qua đêm.
Nhiều người ngơ ngác hơn. Trên tay gã là cái ví da chìa về phía chủ xị "Xem lại đi. Ngân sách cần thiết để hoàn tất tác phẩm cộng đồng". Gã lại giải thích theo kiểu của mình:
-Mặt trái của cảm xúc là mất mát vì luôn có rắp tâm từ lợi dụng. Băng "hai ngón"... Ngay một chú nhóc đã chọn nghề móc túi. Đói. Đáng tha thứ so với các kẻ đã no nê đến mấy đời hậu duệ. Bọn phương-phi-móc-túi đông hơn nhiều, chúng nghiễm nhiên chỉ cần dùng "một ngón". Gặp chú nhóc kia, đâu đã là bất hạnh?
Chủ xị cầm lấy ví trên tay ngỡ ngàng, chợt hiểu chuyện gì đã xảy ra sau lưng hắn:
-Thằng nhóc đánh giầy... Ô, rất cảm ơn ông bạn đã nhìn thấy. Quá tốt. Còn nguyên xi, chưa suy sức.
Hắn vội rút mấy tờ đô nhét túi quần người mới quen, lắp bắp nói nhỏ giọng phân trần. Hắn chỉ còn biết làm theo phản xạ:
-Xin lỗi, đừng chấp trách. Như đã nói... Cảm xúc là không hề sửa soạn.
Bóng thằng nhóc vừa nhô đầu sau cánh cửa. Không từ chối lằng nhằng, gã nói và nhìn quanh đủ mặt:
-Cảm ơn mọi người. Xin được nhận với tất cả tấm lòng. Xong. Và giờ đây, cũng đừng hỏi tại sao..? Phần đóng góp của người bạn muộn màng nhất cho "tác phẩm sắp đặt" rất đáng nhớ.
Mấy tờ đô. Gã lấy quà vừa được tặng trong túi ra, trịnh trọng đặt tất cả lên bàn. Ngần ngừ một giây... Là đề nghị sau cùng:
-Một dĩa cơm bình dân cho chú nhóc "bể mánh". Vâng, sự từ thiện dù chẳng có là bao. Xin cùng nhau chia sẻ...
Gã chỉ nhận tờ mười ngàn đồng và cảm ơn khi ai đó nhanh chóng đặt vào tay xấp tiền không hề đếm. Guitar vác vai. Bóng gã lênh khênh đổ dài trên lối đi đầy sỏi.
Có một đôi mắt ốm buồn sau cánh cửa nhìn theo. Gã cẩn thận máng tờ giấy bạc vào chậu kiểng gần đó và bước ra ngoài đường phố./.
(thành nội Huế - 29/02/2011)